admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO SỐ 324/BC-UBTVQH12 NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 2010 CỦA Ủ̉Y BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

Kính gửi:
Các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XII đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Luật An toàn thực phẩm, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật An toàn thực phẩm và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị để xin ý kiến của đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước. Tại Phiên họp thứ 27 (tháng 1/2010) và Phiên họp thứ 30 (tháng 4/2010), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An toàn thực phẩm để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật An toàn thực phẩm như sau:

I – VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về quản lý đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ

Có ý kiến đề nghị làm rõ Luật có quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ hay chỉ quy định đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô công nghiệp.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, ở Việt Nam, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ còn phổ biến, liên quan tới đời sống của 9,4 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông sản và người kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, dự thảo Luật quy định theo hướng:

– Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải bảo đảm an toàn thực phẩm, việc quản lý an toàn thực phẩm dựa trên tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, các quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành (Điều 3); Nhà nước có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; khuyến khích và có lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành nông nghiệp tốt (GAP) (Điều 4), quy định về quyền và nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Điều 7 và Điều 8 Chương II), quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Chương IV).

– Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ thì việc quản lý an toàn thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc trên, đồng thời phải thực hiện theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như quy định tại Điều 22, khoản 2 Điều 33, khoản 2 Điều 65 của dự thảo Luật.

2. Về hạn sử dụng thực phẩm (khoản 7 Điều 2)

Có ý kiến đề nghị không nên sử dụng thuật ngữ hạn sử dụng thực phẩm” vì khái niệm này không chuẩn xác mà nên dùng các thuật ngữ như “sử dụng tốt nhất trước ngày”, “ngày sử dụng cuối”, “ngày sản xuất”.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm (CODEX) tại tiêu chuẩn CODEX STAN 1-1985 thì liên quan tới khái niệm thời hạn sử dụng được dùng đối với thực phẩm gồm: “ hạn sử dụng tốt nhất trước ngày[1], “ngày sử dụng cuối[2], “ngày sản xuất”… Hạn sử dụng của thực phẩm phụ thuộc vào từng loại thực phẩm, công nghệ sản xuất, điều kiện bảo quản, phương pháp bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, khái niệm “hạn sử dụng” đã thông dụng đối với người tiêu dùng và được sử dụng trong nhiều văn bản pháp luật. Vì vậy, để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, khoản 7 Điều 2 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa lại như sau:

“7. Hạn sử dụng là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tùy theo loại sản phẩm thực phẩm, hạn sử dụng an toàn có thể được ghi là “ngày hết hạn sử dụng”,“hạn sử dụng cuối cùng”,“hạn sử dụng tốt nhất trước ngày”.

3. Về quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen (Điều 44)

– Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm biến đổi gen.

– Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen khi tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen từ 3 % trở lên.

– Có ý kiến cho rằng, việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen nên giao cho Chính phủ quy định.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quan điểm của mỗi quốc gia đối với phát triển công nghệ sinh học, lợi ích kinh tế giữa xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm biến đối gen, chi phí về ghi nhãn, thị hiếu tiêu dùng thực phẩm,…Trên thế giới hiện còn 2 loại quan điểm về ghi nhãn đối với loại thực phẩm này:

– Một số nước như Mỹ, Argentina, Canada, Nam Phi… không quy định bắt buộc ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen.

– Một số nước quy định bắt buộc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen nhưng ở mức độ khác nhau: khối các nước trong Liên minh châu Âu quy định thực phẩm có tỷ lệ thành phần biến đổi gen từ 0,9% trở lên, Hàn Quốc từ 3 % trở lên; Australia từ 1% trở lên, Nhật Bản 5% trở lên và được áp dụng đối với một số loại thực phẩm.

Nước ta là một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn trên thế giới[3]; Việt Nam cũng có định hướng phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ gen[4], việc sản xuất, chế biến thực phẩm biến đổi gen còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Vì vậy, việc quy định về ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến trên, quy định ghi nhãn thực phẩm biến đối gen đã được chỉnh sửa và thể hiện tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 44 của Dự thảo Luật.

4. Về thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm

– Đa số ý kiến đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cấp huyện. Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc ngành nào sẽ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành đó. Cần quy định rõ sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thanh tra an toàn thực phẩm.

– Có ý kiến cho rằng, không cần thiết quy định về thanh tra an toàn thực phẩm trong dự thảo Luật mà nên theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tiễn giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp 5 vừa qua về “ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ 2004 – 2008” cho thấy, lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn yếu và thiếu, đặc biệt ở địa phương. Các văn bản luật ban hành gần đây đều quy định việc thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, nhưng trên thực tế việc thực thi pháp luật về thanh tra còn có nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạmHiện tại, theo Nghị định 79/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2008 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì đến nay đã có 43 tỉnh/tp đã có Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 63 tỉnh/tp đã có Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Sở Y tế được giao chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nhưng không thực hiện được do trái với Luật Thanh tra.

Để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 66 dự thảo Luật quy định về thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm được chỉnh sửa lại như sau:

Điều 66. Thanh tra về an toàn thực phẩm

1. Thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Thanh tra an toàn thực phẩm do ngành y tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”.

5. Về phân công trách nhiệm của các Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

– Đa số ý kiến tán thành quy định giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và các Bộ quản lý chuyên ngành.

– Có ý kiến đề nghị trong dự thảo Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành.

Ý kiến khác đề nghị nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên quy định giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp. Hiện tại, việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được phân công cho quá nhiều Bộ tham gia[5]. Chính vì vậy, việc quản lý trong nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có sự chồng chéo, khi xảy ra vụ việc khó xác định trách nhiệm của các Bộ có liên quan như Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã nêu (Báo cáo số 225/BC-UBTVQH12 ngày 18/5/2009). Để khắc phục tình trạng trên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Chính phủ, các bộ hữu quan và Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 61); trách nhiệm của Bộ Y tế (Điều 62), trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 63), trách nhiệm của Bộ Công thương (Điều 64).

II- MỘT SỐ VẤN ĐỂ CỤ THỂ

1. Về chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm (Điều 4)

Nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định cụ thể hơn chính sách cho sản xuất thực phẩm an toàn, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân trong sản xuất thực phẩm sạch; đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận, thừa nhận lẫn nhau về lĩnh vực thực phẩm giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế; bổ sung quy định về khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân, kinh doanh thực phẩm an toàn; quy định chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, quy định chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm đã được tiếp thu, chỉnh sửa và thể hiện như tại Điều 4 của dự thảo Luật.

2. Về những hành vi bị cấm (Điều 5)

– Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ các hành vi bị cấm để tăng tính khả thi.

– Đề nghị bổ sung quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có hại để chế biến thực phẩm; nhập khẩu sản phẩm động vật không qua kiểm dịch; kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đang bị dịch bệnh; cấm hành vi tiếp tay cho các vi phạm pháp luật như cho lưu thông thực phẩm đông lạnh không bảo đảm an toàn; cấm người mắc bệnh truyền nhiễm kinh doanh thực phẩm; cấm xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm không an toàn; cấm kinh doanh, mua bán, sử dụng sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng, sử dụng động vật chết do dịch bệnh làm thực phẩm; tuyên truyền không đúng, quảng cáo không đúng về chất lượng, an toàn vệ sinh của thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến trên, Điều 5 của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rõ về các hành vi bị cấm, đồng thời bổ sung một số hành vi bị cấm cho phù hợp với thực tế.

3. Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm (Chương II)

Có ý kiến đề nghị Luật cần làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm; bổ sung quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung một chương (Chương II) quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng thực phẩm trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

4. Về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

– Có ý kiến đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung Chương V gồm 4 điều quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ đăng ký, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

– Có ý kiến đề nghị thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm, có ý kiến cho rằng nên là 5 năm.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào việc tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự thay đổi công nghệ sản xuất, mức độ xuống cấp của trang thiết bị sản xuất…Vì vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay, việc quy định giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực 5 năm là phù hợp (Điều 37). Trong thời hạn giấy chứng nhận có hiệu lực, nếu thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có quyền thu hồi giấy chứng nhận đối với các cơ sở vi phạm.

5. Về quảng cáo thực phẩm

Có ý kiến đề nghị quy định chỉ được quảng cáo thực phẩm khi có sự thẩm định và xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cần có quy định trách nhiệm phản hồi đối với thông tin quảng cáo thực phẩm không đúng sự thật, quy định rõ chế tài xử lý vi phạm đối với quảng cáo thực phẩm không đúng với nội dung đã được xác nhận.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, quy định về quảng cáo thực phẩm đã được chỉnh sửa và thể hiện như tại Điều 43 của dự thảo Luật.

6. Về thành lập Ủy ban quốc gia về An toàn thực phẩm

Có ý kiến đề nghị cần quy định trong luật về một cơ quan độc lập để tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP.

Nghiên cứu ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong Luật đã giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Việc thành lập thêm cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, xin không bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật.

7. Về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể và có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự, pháp luật về hình sự… Tuy nhiên, để làm rõ chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và thể hiện như tại Điều 6 của dự thảo Luật.

8. Về xã hội hóa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Có ý kiến đề nghị cần phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong công tác quản lý thực phẩm; có chính sách khuyến khích và đầu tư cho hội, hiệp hội thực hiện một số công việc như tuyên truyền, giáo dục kiến thức hiểu biết pháp luật về an toàn thực phẩm, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm.

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về vai trò của hội và hiệp hội trong công tác quản lý an toàn thực phẩm như tại khoản 7 Điều 4, một số quy định tại Mục I Chương VIII (quy định về kiểm nghiệm thực phẩm) và khoản 7 Điều 60 (quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm).

Ngoài những vấn đề tiếp thu, giải trình trên đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, chỉnh lý về bố cục và kỹ thuật văn bản của nhiều điều, khoản trong Dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 72 điều.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Ủy ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Đức Kiên


[1] Nghĩa là ngày kết thúc giai đoạn mà theo bất kỳ điều kiện lưu giữ nào được quy định, sản phẩm trong thời gian đó hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu tiếp thị và giữ nguyên được bất kỳ tiêu chí nào về chất lượng. Tuy nhiên, sau ngày đó, thực phẩm vẫn có thể được sử dụng.

[2] Nghĩa là ngày mà kết thúc giai đoạn được tính trước theo bất kỳ điều kiện lưu giữ nào được quy định. Sau ngày đó sản phẩm sẽ không còn các thuộc tính về chất lượng mà khách hàng mong đợi.

[3] Theo con số thống kê của Bộ Công thương, năm 2008 cả nước xuất khẩu trên 10,2 tỷ USD nông sản thực phẩm. Sản phẩm thực phẩm Việt Nam có mặt trên nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ…

[4] Quyết định 176/QÐ-TTg ngày 29 tháng 1 năm 2010 về Ðề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) từ nay đến năm 2020, bao gồm: Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN và PTNT đến năm 2020”, Nghị quyết số 18/CP của Chính phủ về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010, Chỉ thị số 50 CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

[5] Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm thì quản lý nhà nước được phân công cho 8 Bộ. Nghị định 79/2008/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì quản lý nhà nước được phân công cho 5 Bộ.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading