admin@phapluatdansu.edu.vn

CÙNG SUY NGẪM

Những suy ngẫm trên trang này có thể đúng hoặc không đúng với thời điểm Civillawinfor cảm nhận và đã lạc hậu khi quí vị đọc nó. Âu cũng là tấm lòng mong muốn sự vận động của xã hội ngày một tốt đẹp hơn, nhân văn hơn…

   
 

SỐ 1

“Bạo lực giới nói chung và bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ. Nhưng cần nhận thấy rằng cũng còn có bạo lực của phụ nữ đối với nam giới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có khoảng 9-10% trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới và thủ phạm chính là những bà vợ.

Nhiều công trình nghiên cứu xã hội học trên thế giới cũng cho thấy đôi khi bạo lực giới trong gia đình là gần ngang nhau giữa nam và nữ.

Từ ý trên đây, có thể thấy dường như có sự thiên vị giới trong nghiên cứu bạo lực gia đình. Mà sự thiên vị giới ở đây là chỉ thấy bạo lực giới một chiều. Cần lưu ý rằng phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là thủ phạm của bạo lực gia đình; ngay cả khi họ bị chồng sử dụng bạo lực (vì không ít trường hợp vợ bị chồng đánh do nói nhiều, do cằn nhằn vô lý hoặc ghen tuông vô cớ…).”

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 2

“Hiện nhiều người vẫn gọi ĐH Việt Nam là “trường cấp 4”. Điều này đúng cả về hai phương diện: cơ sở vật chất và cách nghĩ, cách dạy. Để khắc phục tình trạng này Nhà nước phải cấp đất cho các ĐH (kể cả công và tư) và đầu tư xây dựng một số ĐH thật đàng hoàng.

Đồng thời phải tạo điều kiện cho các trường ĐH có quyền chủ động nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chương trình, xuất bản, tổ chức đào tạo. Đặc biệt, phải hình thành tư duy ĐH trong nhà trường và xã hội, làm cho trường ĐH trở thành trung tâm chất xám, nơi bồi dưỡng tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám phát minh, có ý kiến mới, thành một môi trường mở về tri thức và tư tưởng, trung tâm giao lưu quốc tế về khoa học và sáng tạo.

Cần tập trung xây dựng một số ĐH thật hiện đại để đào tạo nhân tài, để làm mẫu và cung cấp cán bộ giảng dạy cho các ĐH khác. Đồng thời mở rộng hệ thống ĐH, chấp nhận nhiều loại trường (trường công, trường tư), nhiều qui mô, hình thức đào tạo (tại chức, từ xa, tín chỉ…). Bên cạnh đó cần lập một hay vài trung tâm kiểm định quốc gia để đánh giá, xếp loại các cơ sở đào tạo ĐH.”.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 3

Theo tính toán, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu xe máy, nhu cầu tương đương với khoảng 40 triệu MBH. Nếu chỉ 2/3 trong số này mua MBH với giá bình quân 80.000đ/mũ, số tiền đã lên đến trên dưới 2.000 tỉ đồng

Chỉ có 55% trong số 136 mẫu mũ bảo hiểm đang lưu thông trên thị trường đạt chất lượng. Còn đáng giật mình hơn thế khi có tới 950 trong số 1.089 cơ sở được kiểm tra bị phát hiện vi phạm

Đến đây, người dân có quyền đặt câu hỏi: Nếu gần 200.000 người từ chối không đội số lượng MBH không đạt chất lượng bị tiêu huỷ, thu giữ trên; số tiền bị phạt (tương ứng 150.000đ/người) đã lên tới 30 tỉ đồng, vậy tại sao với số lượng cơ sở và số lượng MBH vi phạm khổng lồ như trên, số tiền phạt chỉ là 1,5 tỉ đồng?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 4

Trong khi Chính phủ chủ trương giản biên chế thì số cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước (Thực trạng chung của các cơ quan hành chính nhà nước – Civillawinfor) năm nào cũng tăng, trung bình 2%/năm, dù nhiều cán bộ, công chức không có việc để làm. Các em sinh viên mới ra trường hăm hở bước vào Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng thất vọng vì công việc chủ yếu là uống trà, “lang thang” trên mạng và… “buôn dưa lê”. Thế nên mới có chuyện, có em vừa mới cầm quyết định tuyển dụng đã vội… nói lời chia tay các anh chị đồng nghiệp. Một số kiên trì hoặc khôn ngoan hơn thì tranh thủ thời gian “được làm công chức” để hoàn thành chương trình đào tạo cả trong nước và nước ngoài và “đánh bóng” cái CV trước khi nói lời tiễn biệt. Thực tế này đã vô tình biến Ngân hàng Nhà nước từ vị thế của một cơ quan quản lý nhà nước thành nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực tài chính – ngân hàng.

Một vấn đề khác có tác động rất mạnh đến “làn sóng” rời bỏ Ngân hàng Nhà nước là việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. Phần lớn những người được quan tâm cất nhắc là do xuất thân “con ông cháu cha” hoặc do “sở trường” quan hệ với cấp trên. Rất ít người được đề bạt do năng lực, trình độ và uy tín. Chính điều này làm cho môi trường làm việc trở nên ngột ngạt, thiếu lành mạnh và dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức – nhất là những người có năng lực – không nể phục cấp trên. Thực ra, đối với đa số cán bộ giỏi, mong muốn được cất nhắc vào vị trí cao hơn không phải là do họ tham vọng quyền lực mà do muốn được cống hiến nhiều hơn, cũng như khi khả năng của họ có thể gánh được 50 kg nhưng cứ bắt họ gánh mãi 30 kg thì rõ ràng họ thấy chán nản là điều hiển nhiên.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 5

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.4, năm 2007 có 311.443 án dân sự tồn đọng, không thi hành được, chiếm 48% số vụ việc.

Nhà nước trả lương cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân và thiết lập công bằng xã hội. Nhưng quá trình hoạt động đó sẽ trở nên vô cùng lãng phí, bởi lẽ mục đích cuối cùng là trả lại quyền lợi và sự công bằng cho đối tượng bị thiệt hại đã không được thực hiện.

Sự bất lực của công tác thi hành án khiến cho người dân mang nỗi oan ức và mất niềm tin vào công lý. Mỗi năm có hàng trăm ngàn bản án không thi hành được là có hàng triệu người liên quan mất niềm tin vào pháp luật.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 

SỐ 6

Trong cuộc họp báo ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đã có ý kiến trả lời báo chí rằng “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo”. Ý kiến này gây ngạc nhiên và quan ngại không ít và cần được phân tích bởi lẽ nó có liên quan trực tiếp đến chất lượng điều hành của Chính phủ và đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Một trong những yếu tố thu hẹp khoảng cách giữa “đường lối” và “khâu thực hiện” là giữa “chính sách” – một bậc thang giáng đi vào thực hiện đường lối, và “dự báo” – một cung bậc thăng của khâu thực hiện, không nên có khoảng cách. Vả lại, không thể xây dựng chính sách mà không có dự báo. Hơn thế nữa, không thể có chính sách đúng nếu dự báo kém. Nói một cách khác, biện minh rằng “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo” là cùng tính chất với lập luận “Đường lối chủ trương đúng nhưng yếu kém trong khâu thực hiện”.

Nói về dự báo yếu kém trong lĩnh vực chủ quan, trong thời gian gần đây có khá nhiều văn bản pháp quy vừa được ban hành chưa bao lâu đã được thay đổi, gây nên không ít bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín nền pháp chế và kỷ cương phép nước. Một trong những lý do là thiếu dự báo tác động trở lại của các văn bản này. Một dự án đầu tư, dự án FDI nói riêng, bắt buộc phải có những báo cáo tác động lên môi trường. Chẳng lẽ một văn bản pháp quy mà tầm tác động liên quan đến toàn xã hội, lại không cần có báo cáo nghiêm túc nhất về dự báo tác động lên kinh tế, xã hội và môi trường hay sao?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 7

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Quốc Vượng cho rằng, để khuyến khích việc nộp lại quà tặng, chúng ta không nên quá cứng nhắc. Cũng theo ông, chúng ta cần có những qui định “thoáng” hơn nữa để tạo thuận lợi cho việc phòng chống tham nhũng.

– Thưa ông, từ khi có quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà biếu, đã bao giờ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổng kết đánh giá xem việc thực hiện như thế nào chưa?

Hiện tôi biết là chưa có đánh giá. Đúng là chúng ta đã có quy định nhưng từng cơ quan cũng phải có quy định, tổ chức thực hiện cụ thể như nộp vào đâu, ai thu, nộp vào ngân sách hay không.

– Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều trường hợp nộp lại tiền, quà biếu… nhưng mỗi trường hợp như vậy đều có đánh giá khác nhau?

Ở một số nước tôi thấy người ta có cơ chế mở, khuyến khích công chức nộp lại tiền, quà biếu. Thậm chí người ta còn trích lại phần trăm để thưởng lại cho người đó. Cái đó tôi cho rằng rất tốt.

– Trong bối cảnh như hiện nay có phải làm rõ người tặng không?

Theo tôi nếu ít thì chưa nên đặt ra, nhưng nhiều thì nên đặt ra. Hiện nay mình phải khuyến khích nộp lại. Tôi thấy các nước người ta làm vấn đề này rất tốt.

– Ông đã nhận được thông tin cán bộ kiểm sát nào nộp lại tiền được biếu chưa?

Hình như anh em đã nói với tôi là có.

– Bản thân ông nếu nhận được quà biếu, ông xử lý như thế nào?

Nếu như quá thì dứt khoát tôi trả lại anh em.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 8

TẠI KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XII

Ba luận điểm cơ bản mà các đại điểu quốc hội đưa ra cho Bộ trưởng Bộ KHĐT:

– Mức lạm phát cao (Mức lạm phát thấp nhất năm nay là 22%, nhưng phải quyết tâm thật cao thì mới có thể giữ được mức này – Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư)

– Nguyên nhân sâu xa của lạm phát là vấn đề cơ cấu kinh tế (Báo cáo của Thủ tưởng Chính phủ tại Quốc hội)

– Tình trạng doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một số lĩnh vực không đúng ngành nghề kinh doanh tỷ lệ hơi cao, gây khó khăn cho hoạt động chung của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô chung

Bộ trưởng Bộ KHĐT kết luận: “Hôm nay, tôi xin phép Thủ tướng trình bày hết vấn đề để QH, toàn dân đồng bào biết được tình hình. Từ đó, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT cũng mức độ thôi”

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 9

Hà Nội: Dự án thoát nước giai đoạn 1 ngốn hết 200 triệu USD, dự án giai đoan 2 dự tính ngốn hết 300 triệu USD…

… Chỉ cần một trận mưa lớn hôm 18/6/2008, Hà Nội thành sông, giao thông hỗn loan, hàng vạn người dân Thủ đô phải trải qua một buổi tối khủng khiếp khi phải đứng bất động cả 3-4 giờ đồng hồ trong mưa lớn và nước ngập.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 10

6 tháng đầu năm 2008: Các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đầu là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (lỗ 900 tỉ đồng), Tổng công ty Xây dựng miền Trung (lỗ 88,5 tỉ đồng), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (lỗ 83,5 tỉ đồng), Tổng công ty Chè (lỗ 4,8 tỉ đồng).

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện sản xuất đã tăng 14,92% và lượng điện mua ngoài của EVN tăng 25,53% khiến cho tập đoàn này thua lỗ rất lớn.

Một số tổng công ty tuy không lỗ nhưng lợi nhuận trước thuế đạt rất thấp, gồm Tổng công ty Thủy sản Hạ Long, Tổng công ty Thiết bị y tế, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng thủy lợi…

Nền kinh tế Việt Nam liệu có thể được “cấp dưỡng” bởi các ông lớn này???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 11

Nhân việc Mỹ sẽ phải dựa hoàn toàn vào Nga trong việc đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế ISS và trở về trái đất trong vòng ít nhất là 5 năm nữa. Howard McCurdy, một chuyên gia không gian tại Đại học Mỹ ở Washington, cho rằng:“Chuyện này gần giống như độc quyền và không ai muốn phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất”.Cũng theo McCurdy: “Ta thường rất ngại nặng tay với người cung cấp duy nhất cho một dịch vụ thiết yếu”.

Như vậy, chuyện độc quyền trong kinh doanh không chỉ ở Việt Nam, nhưng họ luôn nhận thấy và nêu ra mặt trái của sự độc quyền đó, còn chúng ta???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 12

Việt Nam: chênh lệch giàu nghèo 34,4 lần

10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia.

10% giàu nhất chiếm 28,8% thu nhập và chi tiêu quốc gia.

20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

Chênh lệch giữa 10% dân số giàu nhất với 10% dân số nghèo nhất là 6,9 lần, còn theo chỉ số Gini (chỉ số chênh lệch giàu nghèo) ở Việt Nam là 34,4 lần.

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế liệu có đem lại sự bình đẳng về thụ hưởng phúc lợi xã hội cho mọi người dân???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 13

Ngày 7/8/2008, Vietnam Airlines đã chính thức kiện hành khách Lê Văn Hanh đòi bồi thường do đã mở cửa thoát hiểm trên chuyến bay VN 925, hành trình Đài Bắc-Hà Nội ngày 2/8/2008. Hậu quả của hành vi trên khiến chuyến bay bị chậm hơn hai giờ, gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Có thể ông Hanh sẽ bị phạt ở mức 25 triệu đồng.

Việc hành khách gây thiệt hại cho hãng vận chuyển có nghĩa vụ bồi thường là tất yếu và đúng luật. Vấn đề là, Vietnamairlines có thiện chí bồi thường cho hành khách bị thiệt hại do có nhiều chuyến bay bị hủy, chậm giờ, hành lý thất lạc hay không???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 14

Hoa hậu Báo Tiền phong – “Hoa hậu Việt Nam”:

– Hoa hậu năm 2006 làm từ thiện (có phần) “quá đà” nên rút cuộc, một cách không chính thức, cô đã bị “tước” danh hiệu “Hoa hậu hoạt động xã hội hiệu quả nhất” đáng lẽ sẽ được trao tặng nhân dịp 20 năm Hoa hậu VN. Lý do: Cô bất ngờ xuất hiện tại Trung tâm thương  bệnh binh cùng các thí sinh Hoa hậu VN 2008 mà không thông báo gì với ban tổ chức???

– Hoa hậu năm 2008 chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng được ban tổ chức đánh giá đã có trình độ phổ thông trung học???

Với chúng ta, đâu là giá trị đích thực của “Chân – Thiện – Mỹ”???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 15

Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, sau một cơn mưa hàng loạt xô chậu nhựa đặt la liệt dưới các sảnh – Một nghệ thuật “sắp đặt” lần đầu tiên được thực hiện tại một sân bay quốc tế?

Trưởng ban Chất lượng Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng: “Muốn chữa trị phải tìm hiểu “kịch bản” thấm dột, tìm hiểu yếu tố gây ra sự cố, tức tìm ra nguyên nhân mới có giải pháp khắc phục tận gốc”.

Ông Nguyễn Hồng Nhị – nguyên Cục trưởng Hàng không Nội Bài, người có liên quan đến công trình xây dựng nhà ga này từ khi còn là dự án, nói: “Tốt nhất là đập ra xây mới chứ giữ lại cải tạo thì chỉ được một thời gian rồi đâu cũng sẽ lại vào đấy!”.

Một thực tế, nước mưa không chảy ngang mà nó chảy từ trên mái xuống: Nhà ga bị “thủng” từ nóc.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 16

14 năm VeDan được đánh giá là một trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thành công ở Việt Nam – 14 năm doanh nghiệp này hủy hoại môi trường – Từng đó thời gian các nạn nhân của ô nhiễm liên tục phản ánh lên các cơ quan chức năng … và cơ quan chức năng im lặng???

* Sữa YiLi – Sữa có chứa chất gây sỏi thận ở trẻ em đã được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế cấp phép. Ông Hoàng Thuỷ Tiến – Cục phó Cục ATVSTP – là người ký giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa YiLi cũng không hề nhớ là mình đã ký. Còn ông Nguyễn Hùng Long – Cục phó Cục ATVSTP – vẫn thản nhiên nói rằng: “Nếu kiểm tra thấy sản phẩm sữa YiLi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vẫn cho phép lưu hành (!?)”…

….. và TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục ATVSTP – khẳng định: “Đúng là sữa YiLi đã được cấp phép lưu hành tại VN ngày 27.3.2008. Việc cấp phép thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, trong các lô sản phẩm đưa ra thị trường mà không đạt tiêu chuẩn, có thể do sự gian lận ở khâu nào đó, là việc khác. Đây cũng là vấn đề không chỉ ở VN, TQ, mà các nước phát triển khác cũng gặp phải. Bản thân Cty nhập khẩu sữa YiLi đã thu hồi sản phẩm, chắc chắn các sản phẩm này sẽ phải tiêu huỷ hoàn toàn???

…. Với một năng lực quản lý như vậy, có hay không đặt ra trách nhiệm pháp lý của các cơ quan chức năng và cá nhân có thẩm quyền???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 17

Lịch sử đã lặp lại. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo khả năng trưa và chiều ngày 30/9/2008 bão số 7 sẽ vào khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình. Tuy nhiên, vào hồi 8 h giờ sáng ngày 30/9/2008 bão số 7 đã trực tiếp đổ bộ vào địa bàn với sức gió mạnh cấp 8, đến 10h sáng cùng ngày nâng lên thành cấp 9 khiến người dân không kịp trở tay. Tất yếu thiệt hại về người và của đã xảy ra…

Theo VTV (Bản tin Chào Buổi sáng ngày 2/10/2008), một quan chức ngành khí tượng thủy văn lý giải nguyên nhân dự báo trớ trêu trên là do: Các Website cơ quan khí tượng của Nhật Bản, Hồng Kong đăng dự báo về bão số 7 không chính xác???

Nếu lý giải trên là chính xác:Trình độ yếu kém, vô cảm hay vô trách nhiệm… đánh giá nào phù hợp nhất hay chưa đủ đối với cơ quan mà người dân đã trao niềm tin không đúng chỗ này.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 18

Các văn bản do chính phủ và cơ quan trực thuộc chính phủ đều qui định: Nghị định/thông tư …. có hiệu thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Như vậy, người dân – chủ thể trực tiếp chịu tác động bởi các qui định trong các văn bản này, muốn biết chúng có hiệu lực đối với mình khi nào thì buộc phải tìm hiểu, tra cứu số công báo đã đăng văn bản và ngày đăng công báo?

Trên thực tế, công báo là thuật ngữ quá xa lạ và là hàng “xa xỉ phẩm” đối với đại đa số người dân!?

Nếu đây là qui định mang tính thói quen thì cần phải thay đổi. Nếu đó là nguyên tắc, thì phải chăng đây là một trong những dấu hiệu không minh bạch của pháp luật???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 19

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trong một phiên họp liên quan đến cải cách tư pháp: Hiện cả nước chỉ có khoảng 4.000 luật sư và gần 1.000 người tập sự. 80% vụ án chưa có luật sư tham gia tố tụng. Số lượng luật sư ở Việt Nam còn rất thấp so với nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng tăng, trung bình 20.000 dân mới có 1 luật sư, trong khi ở Singapore, tỷ lệ này là 1.000 dân, Thái Lan: 1.700 dân, Nhật Bản: 5.500 dân. Ở các nước phát triển thì Mỹ có 1 luật sư/ 270 dân, Pháp: 500 dân. So với chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đề ra, năm 2010 có 18.000 luật sư, thì con số 4.000 luật sư thực thụ hiện nay còn rất khiêm tốn.

Cũng theo Bộ trưởng nếu tính hoạt động của luật sư tham gia bào chữa các phiên tòa, chúng ta mới có 20% vụ án có luật sư. Ngoài số lượng ít, một bất cập nữa là các luật sư tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai thành phố này có trên 2.000 luật sư đang hành nghề.

Vấn đề đặt ra là, trong số 20% vụ án có luật sư ở Việt Nam, tỷ lệ bao nhiêu án ý kiến của luật sư được coi làcó trọng lượng trong nội dung các bản án, quyết định của Tòa án và các cơ quan tố tụng khác???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 20

Trong phiên thảo luận của  Quốc hội ngày 22/10/2008 về Dự thảo Luật Qui hoạch đô thị, Phó BT thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, làm quy hoạch thì không nên chỉ chú ý hạ tầng kỹ thuật mà bỏ quên hạ tầng xã hội. “TP.HCM có những khu chế xuất như Linh Trung có tới 150.000 dân mà không một cái chợ nào có trong quy hoạch. Vậy làm sao mà quản lý được đô thị?“.

Bà cũng đưa ra một ví dụ, có khu dân cư dành cho công nhân có hàng chục chợ tạm hình thành tự phát, giờ không quản lý được gây nhiều khó khăn cho công tác qui hoạch.

Civillawinfor không hiểu, phải chăng từ trước đến nay chúng ta xây dựng đô thị không có qui hoạch? Trách nhiệm qui hoạch và thẩm quyền phê duyệt qui hoạch thuộc về ai trên địa bàn TPHCM nói riêng và  ở các đô thị khác trên cả nước???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 21

EVN – Nhân vật “điển hình” của các “ông lớn” độc quyền luôn tồn tại trong ngụy biện và  mâu thuẫn:

– Mùa khô, “ông lớn” cắt điện vì lý do, không đủ nước để chạy các nhà máy thủy điện;

– Mùa mưa, “ông lớn” cắt điện vì các nhà máy nhiệt điện đang ở giai đoạn trùng tu;

– Khi cả nhà máy thủy điện và nhiệt điện cùng chạy, “ông lớn” cắt điện vì lý do sự cố lưới điện;

– Để “góp phần” giảm thiểu sự thiếu hụt điện cho đất nước, “ông lớn”  từ chối 13 dự án điện, với tổng công suất lên tới 13.800 MW vì thiếu vốn.

“Ông lớn” luôn kêu “lỗ”  và giải pháp khắc phục là ông luôn yêu cầu tăng giá điện.

Với tất cả những “thành tích” trên, “ông lớn” tự cho mình xứng đáng được thưởng với đề xuất được trích khoảng 1.002 tỷ đồng lợi nhuận để làm quỹ khen thưởng.

Civillawinfor cho rằng, đã đến lúc chủ sở hữu của EVN phải thể hiện vai trò ông chủ, không nên để những người đại diện sở hữu của mình ở EVN luôn làm xấu mặt  mình đến thế.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 22

Hà Nội – Cơn mưa cuối Thu, đầu Đông năm 2008 chất chồng nỗi khổ người dân, làm trôi đi những vỏ bọc thành tích và lộ ra những yếu ké́m không đến từ thiên nhiên mà từ con người:

– Đã bao lần người Hà Nội hy vọng để rồi thất vọng về tình trạng thoát nước của thành phố?

– Đã bao lần nhà chức trách không hát câu: nắng mưa là chuyện của trời…?

– Đã bao lần dòng tiền đầu tư khổng lồ cho thoát nước thành phố ngừng chảy? và  thành phố vẫn bất lực trước thiên nhiên?

– Đã bao lần những dự án về khách sạn, dịch vụ… luôn nằm trên chương trình nghị sự, còn thoát nước chỉ là những thông tin báo cáo thiệt hại sau ngập lụt?

– Đã bao lần xã hội dành sự ưu ái về cảnh báo tình trạng thoát nước và nó vẫn chỉ thuộc loại công việc không có ủy quyền?

– Đã bao lần …

Cần lắm những hành động thực tế từ nhà chức trách thành phố, để bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” thực sự không chỉ là khát vọng của cử tri thành phố mà còn là sự hiện hữu trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 23

Năm 2008, một năm gặp nhiều khó khăn về công tác dự báo và công tác quản lý:

1. Vì dự báo không chính xác thị trường tiêu thụ gạo trong nước và quốc tế, người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long đã phải chịu thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng?

2. Vì dự báo có quá nhiều “sai số” về thời tiết, thiên tai và qui hoạch đô thị dẫn tới một trận mưa ở Hà Nội làm 22 người bị thiệt mạng?

3. Vì dự báo không linh hoạt qui luật cung cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới và trong nước trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn tới các doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng Việt Nam phải “chia xẻ” với doanh nghiệp khi giá dầu trên thế giới cao. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm sự “chia xẻ” của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng không được nhắc đến?

4. Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đang được ba Bộ: Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thông, y tế chuyền “quả bóng” cho nhau?

5. Bằng sự quan sát cảm quan, dòng sông, các mương dẫn nước ở nhiều khu công nghiệp luôn bốc mùi khó chịu, các sinh vật trên dòng sông đó (Ví dụ: Thị Vải…) gần như không có môi trường sống , nhưng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các doanh nghiệp quá “tinh vi” trong gây ô nhiễm môi trường nên Bộ rất khó phát hiện.

Nguyên nhân khách quan, chủ quan? Trách nhiệm và khắc phục tình trạng trên là những vấn đề cần đặt ra.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 24

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật – Bộ tư pháp, kết quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản qui phạm pháp luật giai đoạn 2003 – 2008:

– Các bộ, ngành và địa phương đã tự kiểm tra được 33.155 văn bản. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3.460 văn bản có dấu hiệu sai trái, cấp bộ đã phát hiện 333 văn bản, chiếm 10%; cấp tỉnh phát hiện được 3.127 văn bản, chiếm 90%.

– Riêng Bộ Tư pháp qua đã kiểm tra, phát hiện 2.174 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 32% số văn bản do toàn ngành phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật. Các văn bản này chủ yếu là sai về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, một số có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung hoặc thẩm quyền đã và đang trong quá trình xử lý theo quy định.

Câu hỏi đặt ra là: Có cần thiết hay không sự thẩm định về những ảnh hưởng tiêu cực từ các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật? Trách nhiệm của cơ quan đã ban hành các văn bản đó?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 25

Nguồn nhân lực là một trong những sức mạnh cạnh  tranh nhất của Việt Nam (sau môi trường đầu tư), vì:

– Rẻ? Một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng lao động Việt Nam không còn rẻ và yếu tố lao động rẻ cũng không còn yếu tố quyết định;

– Nguồn nhân lực có trình độ cao? Việt Nam đang trong cơn “khát” yếu tố này;

– Thông minh và khéo léo? Đúng, nhưng kiến thức của người lao động còn mang tính chất cá nhân, dao động, thiếu cách xử lý vấn đề và suy nghĩ mang tính toàn cầu để mang nhiều tính ứng dụng thực tiễn;

– Có tính cộng đồng và hợp tác? Thực tế người lao động Việt Nam khi làm việc theo nhóm, tập thể, tính hợp tác rất kém.

– Người lao động tôn trọng người sử dụng lao động và được bảo vệ quyền lợi tốt?Đình công, đấu tranh tự phát đã trở thành thói quen của người lao động Việt Nam.

. . . . .

Sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam có thể bị tác động bởi những yếu tố trên trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế???

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 26

Tháng 10/2008, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế công bố rộng rãi nguyên liệu sản xuất sữa của công ty Cổ phần sữa Hà Nội (HanoiMilk) có chứa chất Melamine, kết quả:

– Sản xuất của HanoiMilk bị đình đốn, người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm của hãng này, thiệt hại trước mắt hàng chục tỷ đồng, khắc phục thiệt hại về uy tín thương hiệu chưa thể xác định hết về giá trị và thời gian…

– Hàng trăm hộ nông dân nuôi bò sữa phải đổ sữa tươi vì mất nguồn mua sữa. Nguy cơ đói nghèo lại hiện hữu…

Và tháng 12/2008, quí cơ quan này lại “nhẹ nhàng” thông báo một cách không rộng rãi nguyên liệu sản xuất sữa của công ty Cổ phần sữa Hà Nội (HanoiMilk) không chứa chất Melamine.

Niềm tin của người tiêu dùng, của nhà sản xuất vào các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền này còn bị thử thách đến bao giờ nữa?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 27

Theo báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26/11/2008, Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua Bộ Luật về quyền tiếp cận thông tin. Theo đó, thái độ phục vụ người dân của các cơ quan chức năng đã được luật hóa. Nếu vi phạm, luật áp dụng các hình thức chế tài đối với cán bộ quan liêu, vô trách nhiệm trong giải quyết các bức xúc của dân. Ví dụ, đối với với hành vi không trả lời dân có thể bị phạt tiền …

Luật này xuất phát từ thực tế, tại Ấn Độ, người dân rất sợ phải đến cơ quan công quyền làm giấy tờ. Bởi vì, mỗi lần như thế họ đều phải mòn mỏi chờ đợi và bất lực trước hiện trạng hồ sơ bị “bỏ quên” trong thời gian dài,  không được cơ quan chức năng giải quyết hay có ý kiến hồi âm.

Từ chuyện người ngẫm đến ta, có lẽ xây dựng, cải cách và hoàn thiện nền hành chính quốc gia là điều cần và phải làm, nhưng chưa đủ nếu chúng ta không xây dựng văn hóa hành chính?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 28

Ngày 18 tháng 12 năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (Blog). Qui định và quản lý về Blog là đúng, nhưng tính khả thi của nó còn phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý của cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản này. Thời gian qua, có những hoạt động mang tính thực tế (không như blog ảo) dễ quản lý hơn nhưng hiệu quả quản lý không như mong đợi:

– Các cuộc thi sắc đẹp;

– Các tụ điểm giải trí trá hình;

– Hoạt động bán đĩa hình sex lưu động;

– Các lễ hội văn hóa, nhưng phải tiếp nhận các hành vi phi văn hóa: Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản ở Việt Nam, Lễ hội hoa Hà Nội…

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 29

Theo Báo Sài Gòn giải phóng, Thanh tra TP Hà Nội cho biết: năm 2008,  lực lượng này đã phát hiện sai phạm với giá trị 50,351 tỷ đồng, 674ha đất nông nghiệp, trên 1.000m2 đất thổ cư, đã kiến nghị thu hồi trên 47 tỷ đồng cho Nhà nước để chờ xử lý.

Trong số những sai phạm đã phát hiện có những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn như về giao đất, sử dụng đất tại 3 phường của quận Hoàng Mai; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 7 huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức, Thường Tín và Phú Xuyên, qua đó các đoàn thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý thu hồi 649,9ha đất.

Tuy nhiên, cần công khai rõ các cơ quan, cá nhân đã có những quyết định dẫn tới sai phạm nghiêm trọng về đất đai có bị coi là hành vi sai phạm nghiêm trọng và bị xử lý theo pháp luật hay không?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 30

Từ ngày 1/8/2008, chúng ta đánh đổi một tỉnh (Hà tây) và đất một số địa phương (thuộc Vĩnh Phúc, Hòa Bình) để Hà Nội được mở rộng diện tích đến 3,6 lần. Căn nguyên cơ bản,  Hà Nội cũ đã quá chật hẹp …!?

Thực tế, người ta lại tiếp tục chèn những khối bê tông vào những khoảng “không gian xanh” hiếm hoi, cuối cùng ở khu vực Hà Nội cũ  (Dự án khách sạn Novotel on the park trên đất công viên Thống Nhất, những lình sình xây dựng trên đất công viên Thủ Lệ…).

Bạn nên biết, người dân Hà Nội vẫn chưa có một “không gian xanh” theo đúng nghĩa để nghỉ ngơi, thư giãn, giao tiếp giữa các thế hệ, đặc biệt trẻ em và người già …. cái mà họ xứng đáng được hưởng.

Xem ra, diện tích mở rộng, nhưng tư duy qui hoạch vẫn chỉ quanh quẩn, bám đuổi trong vài con phố mà thôi!?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 31

Nhân việc một bé 7 tuổi được “mời” ra trụ sở công an làm chứng cho một vụ trọng án mà thương các em. Trẻ em đã và đang phải gánh nặng suy tư, nhập tâm và thẩm thấu về những hành vi của người lớn.

Liệu “búp trên cành…” có thực sự  trổ lộc, đơm hoa cho tương lai của dân tộc, của đất nước, trước những vấn nạn ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, bạo lực, thế giới ảo, cặp sách “oằn” lưng ….? Những vấn nạn mà người lớn gây ra và họ cũng không tự bảo vệ được chính mình?!

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 32

Theo Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp:

Năm 2008, 77,42% cơ quan nhà nước và tổ chức có bộ phận pháp chế; 46,3% doanh nghiệp được hỏi có bộ phận phụ trách về pháp lý, trong đó chủ yếu là các tập đoàn kinh tế lớn; chỉ khoảng 47,27% doanh nghiệp từng thuê luật sư. Nhu cầu của doanh nghiệp khi thuê luật sư chủ yếu là tư vấn về các vấn đề pháp luật (34,95%); giải quyết tranh chấp (25,86%), thương lượng, đàm phán, ký kết hợp đồng (13,13%).

Dự kiến đến năm 2010, nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư của các doanh nghiệp tăng lên 67,5% (tăng 1,43 lần so với năm 2008), năm 2015, tỷ lệ này là 85% và năm 2020 là 94%.

Giữa hiện tại và dự báo đem lại cho chúng ta niềm hy vọng tốt hơn về vai trò của luật sư đối với tổ chức? Nó sẽ là “tấm khiên” hữu hiện để hạn chế rủi rõ, khắc phục thiệt hại hay nó cũng chỉ là một “bình hoa” thời thượng đặt đó để làm đẹp cho “khổ chủ” của mình?!

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 33

UBNDTP Hà Nội vừa quyết định không tiếp tục xây dựng khách sạn SAS trên đất của công viên Lê Nin. Trước đó, dưới sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, UBNDTP Hà Nội đã chuyển việc xây dựng trung tâm thương mại tại chợ 19/12 (Chợ Âm phủ cũ) thành con đường mang tên 19/12…

Việc chính quyền lắng ghe dư luận và điều chỉnh quyết định, chính sách theo dư luận là đáng hoan nghênh về tính cầu thị. Tuy nhiên, dưới góc độ thẩm quyền và quản lý, tại sao trong nhiều trường hợp cứ phải thông qua dư luận mới thấy được những bất hợp lý từ các quyết sách đã có hiệu lực?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 34

Hà Nội quyết định bán 600 biệt thự cổ, có nhiều lý do để giải thích cho quyết sách này:

– Để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố? Nếu vậy Hà Nội “nghèo” quá? Khi “túng bấn” liệu sẽ định giá trị đúng cho cái cần bán? Bài học nghị định 61 còn nguyên đó!

– Vì nó là quá khứ thực dân để lại?  Không! nó là lịch sử, một giá trị văn hóa của Hà Nội!

– Vì không đủ khả năng quản lý? Nếu vậy cần cải cách lại cơ quan chủ quản của Nhà nước!

– Lý do khác ….

Bán để trùng tu, tôn tạo và gìn giữ các giá trị văn hóa thì nên bán (nhưng không thể bán theo kiểu cách hiện nay), còn bán chỉ vì chủ sở hữu thấy không cần thiết thì Nhà nước chỉ là người đại diện cho sở hữu toàn dân. Liệu người dân Hà Nội có quyền trả lời câu hỏi:  Cái xây mới có đủ thay thế cái ta đã bán?

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 35

Văn hóa Việt Nam lại bị “xâm thực” bởi những yếu tố phi văn hóa:

– Để trùng tu các công trình di sản văn hóa vật thể, cá nhân và một số cơ quan có thẩm quyền về quản lý văn hóa thực hiện bằng việc đập phá những gì ông cha để lại và thay cái mới để trông “giống xưa” hơn!

– Lễ hội Hoa Anh Đào năm 2009 tổ chức  “thành công” bằng việc được tổ chức như “chợ” mang “bản sắc Việt Nam”: Đa phần cây Anh Đào ở lễ hội là giả, mỗi cây có hàng chục người trông giữ, người ta xem hoa dưới sự giám sát của cảnh sát  và biển nhắc nhở rất Việt Nam “thương hoa” xin đừng hái… nhưng vẫn náo nức, chen chúc để xem, để ngắm, để chụp hoa nhưng là hoa giả …

Đất nước ta đã có một nền văn hóa hàng nghìn năm, xin đừng “thử nghiệm”, “thử thách” gì thêm nữa!

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 36

Nhân Hội thảo “Vấn đề giới trong xã hội và trong công tác đào tạo Luật” được tổ chức bởi Đại học Luật HN, Đại học Luật TPHCM và Đại học Lund Thụy Điển  từ ngày 17 đến ngày 18/4/2009 tại TPHCM, Civillawinfor nhớ đến cuộc trao đổi trong thời gian ngắn trước đó với một nữ luật sư ở TPHCM, theo khảo sát của Luật sư này:

Khi còn là sinh viên luật:

– Sinh viên nữ chăm học hơn sinh viên nam,

– Sinh viên nữ lễ độ, chân tình hơn sinh viên nam,

– Sinh viên nữ nắm bắt ý kiến đóng góp của người khác tốt hơn sinh viên nam.

Nhưng khi hành nghề luật sư:

– Luật sư nam làm việc tập trung hơn luật sư nữ,

– Luật sư nam nghiên cứu khái quát tốt hơn luật sư nữ,

– Luật sư nam đầu tư học tiếp (bằng nhiều hình thức) hơn luật sư nữ.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 37

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, chỉ có 10% nhu cầu nhà ở cao cấp còn nhu cầu nhà ở bình dân 90% (PLTPHCM –22/4/2009). Điều đó cho thấy, chính sách về nhà ở xã hội là đúng đắn và kịp thời.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở là quá lớn trong khi khả năng đáp ứng thì quá nhỏ. Nghịch lý cung cầu, tất yếu sẽ làm phát sinh cơ chế “xin – cho” (cơ chế điển hình của nền quản lý hành chính quan liêu, bao cấp).

Giá trị xây dựng của mỗi căn nhà xã hội là thấp để phù hợp với khả năng của người nghèo, nhưng liệu nó có đồng nghĩa giá trị kinh tế? Những đầu nậu và những kẻ cơ hội họ sẽ nhìn vào giá trị nào?

Nhiều lo ngại phát sinh. Nhưng ông PGĐ Sở xây dựng Hà Nội cho rằng:Không thể có chuyện người đi ôtô, cuộc sống sung túc mà ở nhà xã hội. Tôi tin, người giàu sẽ thấy xấu hổ khi đến ở tại đây"(VnExpress – 13/4/2009).

Phát biểu nặng cảm tính này, gần đồng nghĩa với phát biểu của ông Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch về việc cấm khiêu vũ trong phòng Karaoke là để hạn chế sử dụng thuốc lắc và những biến tướng của tệ nạn xã hội?(tuanvietnam.net).

Trên thực tế, nhiều người giàu lên vì họ không biết xấu hổ!

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 38

Để “cải thiện” đời sống của người làm công, ăn lương, Chính phủ quyết định tăng mức lương cơ bản (Từ 1.5.2009). Đây là quyết định đã được trông chờ từ lâu (Mặc dù chưa đủ mức để có sự thay đổi dễ nhận thấy đời sống người nhận lương – Civillawinfor).

Tuy nhiên, một chủ trương đúng cũng cần có những giải pháp đồng bộ. Thực tế, từ trước đến nay việc tăng lương thường đồng nghĩa chi phí tài chính của người dân tăng lên do hiệu ứng tăng giá. Việc tăng giá điện, dự án tăng học phí chỉ là hai trong nhiều ví dụ về sự không đồng bộ giữa tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống và chi phí tài chính mà người dân phải chịu …

Cần thực chất hơn nữa trong trao quyền và thụ hưởng các lợi ích từ việc trao quyền vì đó là công việc khó hơn rất nhiều so với áp đặt nghĩa vụ và cưỡng chế thi hành.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 39

Con người là tất cả, chân lý đó luôn đúng. Nhưng nó sẽ trở thành vật cản cho sự phát triển khi người ta đánh giá sai về con người và sử dụng con người.

Dự thảo “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố Hà Nội” đưa ra mục tiêu: Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Để giải thích cho mục tiêu trên, một thành viên ban soạn thảo Chiến lược nói trên cho rằng: “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”.

Tiến sĩ là  học vị dành cho giới giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đành rằng trên thực tế nhiều tiến sĩ đã làm công tác quản lý và làm tốt, nhưng không thể đồng nghĩa làm công tác quản lý phải có học vị tiến sĩ.

Thực tế, giáo dục là ngành có nhiều tiến sĩ nhất và là nơi đào tạo tiến sĩ nhưng hiện nay là một trong các ngành cần có sự đột phá nhất về tư duy.

Như TS. Hồ Tú Bảo viết trên tuanvietnamnet ngày 20/09/2009: “Nếu chỉ là ý kiến của một cá nhân thì cũng không có gì phải bàn, nhưng nếu đã thành chiến lược về cán bộ chính quyền của thành phố thì có những điều cần trao đổi”. Chẳng lẽ Hà Nội lại muốn sử dụng “liệu pháp sốc” để có tên trên bản đồ nhiều hơn chăng? Thiết nghĩ không cần thiết như vậy, vì sau một loạt các sự cố ngập lụt, chèn bê tông vào những khoảng cây xanh hiếm hoi, hiệu quả trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cấm bán hàng rong  và mới đây lâm tặc chặt cây giữa lòng thành phố… người ta cần Hà Nội các quyết sách thực chất vì sự phát triển bền vững của thành phố hơn là tư duy lãng mạn, bay bổng ở tầng thinh không.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 40

Khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương chậm nhưng vẫn chưa muộn. Thực thi chủ trường này không chỉ đơn giản hô hào khẩu hiệu, vận động hình thức mà  cần có những giải pháp chiến lược:

1. Nhà nước và  quan chức phải xác định mình là người tiêu dùng Việt Nam. Khi xe chở đại biểu quốc hội trong các kỳ họp sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc… hay đồ dùng cá nhân của thành viên Chính phủ, Chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh là hàng hiệu nước ngoài … thì tư tưởng sính ngoại còn tồn tại trong dân!?

2. Phải tạo môi trường pháp lý ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm an toàn và đem lại lợi ích tốt nhất cho chính người tiêu dùng. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam luôn có cảm giác bị “bỏ rơi” do pháp luật về bảo vệ quyền của họ rất yếu và thiếu. Các cơ quan chuyên trách hầu như chỉ xử lý hậu quả mà chưa có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu thiệt hại cho người tiêu dùng.

3. Doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất hàng hóa dành riêng cho người tiêu dùng Việt Nam khiến họ tự hào khi dùng nó và là tiêu chí mua sắm của người nước ngoài khi đến với Việt Nam – Điều này hãy học Nhật Bản, Hàn Quốc. Đừng hạ thấp hoặc coi người tiêu dùng Việt Nam như người tiêu dùng ở  thị trường phi nội địa và cũng đừng hạn thấp chính mình với khẩu hiệu “chất lượng ngoại, giá nội”.

4. Cần cân bằng giữa chính sách nội địa với chính sách xuất khẩu. Hàng năm, Bộ Công thương trao giải thưởng dành cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu mà hà cớ gì không có giải thưởng dành cho doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa.

5. Vai trò của cá nhân, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, truyền thông rất quan trọng. Thói quen tiêu dùng của họ có thể ảnh hưởng trực diện hoặc gián tiếp đến một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Phải có chính sách xây dựng hình ảnh của họ như là biểu tượng đại diện văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam.

6. Việc xây dựng văn hóa tiêu dùng không thể dựa theo khuôn mẫu trình độ văn hóa 10/10 hoặc 12/12 – Vốn có rất nhiều điều phải bàn. Nó phải là sự giao thoa của nền giáo dục tốt, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm với đất nước, quyền được hưởng dụng những gì tốt nhất và được bảo vệ tốt nhất những lợi ích của mình.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 41

Trong phiên chất vấn tại Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội ngày 10/12/2009, trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND thành phố về chuyện xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, một Phó chủ tịch thành phố trả lời: “…các vi phạm ở ta, chưa ai chết nên khó xử lý hình sự".

Câu trả lời vô cảm này mang tính đại diện hay chỉ là kết quả của sự nhận thức cá nhân người trả lời, mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng? Nhưng hiển nhiên:

– Lương tâm và trách nhiệm của cá nhân và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là phòng ngừa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng chứ không phải chỉ xử lý khi có hậu quả;

– Thiệt hại của người tiêu dùng không chỉ là tính mạng mà còn là sức khỏe. danh dự, nhân phẩm và tài sản. Đó là những lợi ích đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Xin đừng lấy tính mạng của người dân để đổi lấy một hành vi thực tế của chính quyền.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 42

5 nốt thăng năm 2009:

1. Nền kinh tế chững lại nhưng đã vượt khó trong thế ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng;

2. Niềm tin của người tiêu dùng Việt nam vẫn ở mức cao. Thị trường nội địa được coi trọng hơn và đã khẳng định vai trò của mình;

3. Vị thế của Việt Nam đang ở tầm tốt nhất trên trường quốc tế từ trước đến nay với tư cách là một nước có độc lập – chủ quyền;

4. 18 đạo luật được quốc hội ban hành, trong đó có nhiều luật tạo cơ sở để thúc đẩy một xã hội tôn trọng quyền dân sự.

5. Thể thao và văn hóa tiếp tục là nơi thể hiện rõ nét nhất tinh thần và cốt cách của người Việt Nam.

5 nốt trầm năm 2009:

1. Ngành giáo dục tiếp tục “loay hoay” với những thử nghiệm đem lại nhiều hoài nghi cho xã hội, cơ sở đào tạo và người học;

2. Người tiêu dùng tự bảo vệ chính mình nếu không muốn tổn hại về sức khỏe và tính mạng;

3. Chiếm tỷ lệ cao trên mục bài đọc nhiều nhất ở các báo điện tử là các tin tức tội phạm;

4. “Loạn” giải thưởng với những tiêu chí dễ chọn ra người đáng chê hơn chọn người đáng khen;

5. Yếu tố “nhân thân” trong áp dụng pháp luật được các cơ quan công quyền vận dụng đã để lại nhiều dư âm không tốt trong dư luận xã hội về tính công bằng

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 43

Trong nội dung chất vấn thành viên Chính phủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) – phiên họp thứ 19, liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư 18 tầng ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tỏ ra ngạc nhiên về việc đơn vị thi công đã không làm đúng loại vật liệu theo tiêu chuẩn quy định, nhưng không hiểu sao lại vẫn được nghiệm thu?

Bộ trưởng cho rằng, về mặt quy chuẩn, quy phạm, “chúng tôi đánh giá là tương đối đầy đủ”, Bộ đã ban hành 1.250 tiêu chuẩn, bao trùm tất cả các khâu trong quá trình xây dựng, chỉ thiếu ở một số lĩnh vực mới như tàu điện ngầm. Việc vi phạm có thể khâu kiểm tra chưa làm hết vì “công trình nhiều quá, có đi kiểm tra nhưng chưa hết, đó cũng là cái cần rút kinh nghiệm”.

Giải pháp ông đưa ra là bộ đang tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục tình trạng vi phạm. Đồng thời, sẽ bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu.

Xem ra, Luật của chúng ta không thiếu (cụ thể trong lĩnh vực xây dựng), cái thiếu là sự kiên quyết, minh bạch trong thực thi, áp dụng pháp luật. Hướng giải quyết  nhắc nhở, khắc phục vi phạm (thực tế đâu phải trường hợp vi phạm nào cũng được phát hiện?!), và coi đó là kinh nghiệm để sửa đổi, bỏ sung luật thì có nên coi những người sai là người có sáng kiến pháp luật hay là người phạm luật phải chịu chế tài? 

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 44

Trong phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1/4/2010, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Hà Nội và TP HCM sẽ được tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn 40 – 200% so với mức chung của cả nước, mức phạt mới sẽ được thực hiện thí điểm trong 3 năm (36 tháng), kể từ quý 2 năm 2010.

Như vậy, cùng một hành vi vi phạm giao thông, nhưng ở Hà Nội và TPHCM lại được xác định là nặng hơn, với chế tài cao hơn so với các địa phương khác?! Xin nhắc lại Điều 52 Hiến pháp năm 1992 qui định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 9 Pháp lệnh xử phạt hành chính năm 2002 qui định về tình tiết  tăng nặng đối với hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng do đặc thù khu vực.

Việc tăng tiền phạt để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là đúng, nhưng không chỉ vì một giải pháp nhất thời mà phá vỡ tính pháp chế và thống nhất trong qui định của pháp luật.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 45

Chỉ còn hơn 5 tháng, Hà Nội bước vào những ngày cuối cùng của Đại lễ 1000 năm tuổi. Thành phố “sạch” nhất Việt Nam năm 2009 vẫn khoác trên mình sự nhếch nhác đến khó tả do ô nhiễm từ bụi, âm thanh, văn hóa đường phố… Khắp nơi, các nhà chức trách bóc đất, lát gạch, đắp đường, trồng cây… Khách thập phương và người dân sở tại phải tự “gồng mình” vén sự ô nhiễm và bề bộn của thành phố để cảm nhận cái hồn của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố, các bảng hiệu ngoài trời luôn hiển thị còn bao nhiêu ngày đến ngày Đại lễ… thông báo đó dường như chỉ có ý nghĩa thúc ép nhà tổ chức phải hoàn tất nốt công tác chuẩn bị?! mà không phải là số thời gian Hà Nội sống trong Đại lễ?! Dồn sức cho cho ngày Đại lễ là điều phải làm, nhưng chẳng nhẽ kỷ niệm lịch sử 1000 năm bằng hàng nghìn tỷ đồng chỉ dành cho một ngày? mà không thể là một năm và hơn thế nữa?!

Chúng ta thường trách thế hệ trẻ không hiểu lịch sử nước nhà, nhưng chính chúng ta đã cho các em quá ít thời gian và điều kiện để cảm nhận và tự hào những gì ông cha đã để lại.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 46

415/NGÀY là chỉ tiêu khoán phạt vi phạm giao thông áp dụng cho lực lượng CSGT Hà Nội. Mục đích của chủ trương có thể là đúng, nhưng căn cứ và hệ quả của chủ trương thì còn nhiều điều cần bàn:

– Cơ sở của con số 415 phải chăng vì nó “đẹp” (tổng của ba số trong dãy số = 10)? hay nó là kết quả của  việc nghiên cứu, khảo sát thực tế khoa học về số lượng vụ vi phạm và khả năng thực tế của CSGT Hà Nội?

– Nếu số vụ vi phạm lớn hơn rất nhiều con số 415, phải chăng CSGT Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ trước xã hội? Ngược lại, số vụ vi phạm mà gần bằng hoặc ít hơn con số 415, liệu CSGT Hà Nội cố gắng “tìm” cho đủ con số đó? hay tự vô hiệu hóa quyết định của chính mình?

– Đã “khoán” thì khi vượt chỉ tiêu thì phải có thưởng, không thưởng sẽ không truyền “lửa” nhiệt tình cho người thực thi công vụ? Xét về tâm lý, người được “khoán” và người khoán luôn mong hoàn thành vượt chỉ tiêu. Hệ quả, họ sẽ quan tâm tìm biện pháp giảm thiểu vi phạm? hay càng có nhiều vi phạm càng tốt? 

… Còn nhiều băn khoăn lắm khi một số cơ quan công quyền của chúng ta vẫn duy trì thói quen ra quyết định vì họ cho là đúng mà không tính đến hậu quả xã hội từ các quyết định của mình.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 47

Trong những ngày qua, nghị trường đang nóng vì sự bàn thảo không dứt nên hay không nên xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam? Sự “dùng dằng” không quyết đoán từ phía Chính phủ hay Quốc hội đều có thể để gánh nặng cho đời sau mà cũng có thể đánh mất cơ hội phát triển.

Xét cho cùng, xây dựng con đường “thiên lý mới” là khát vọng không dựa trên tiền của chúng ta, công nghệ của chúng ta. Dù nó được xây dựng trên nhu cầu vì cái gì và khả năng của chúng ta đến đâu? đó cũng là cái nợ. Nợ rất có thể là sự “trả giá” mà con cháu chúng ta phải gánh chịu do sự bất cẩn từ thời chúng ta đang sống?!

Tin cập nhật! Chiều 19/6/2010 Quốc hội quyết định “bấm nút” không thông qua Dự án đường sắt cao tốc. Bất ngờ vì kết quả và mừng vì sự vượt qua chính mình của các đại biểu quốc hội!

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 48

Ngày 5/7/2010, HĐTP TANDTC sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án oan “hiếp dâm tập thể” dành cho 3 chàng trai ở tỉnh Hà Tây cũ, mừng cho công lý sắp trở lại với họ. Điều đáng bàn, người  tìm lại công lý không phải các vị đại diện Viện kiểm sát, các luật sư tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm mà từ một bác sĩ bình thường biết cảm thông trước nỗi đau của con người …

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có hiệu lực 06 tháng. Các cơ quan có thẩm quyền đã và đang tích cực sơ kết tình hình thi hành Luật. Gây thiệt hại phải bồi thường là cái đương nhiên trong xã hội dân sự. Song chân lý “cốt yếu” phải là: không hoặc giảm thiểu tối đa việc gây thiệt hại. Thực tế, đã thiệt hại rồi có mấy ai lấy lại đầy đủ những gì mình đã mất?

Để đạt được cái chân lý như vậy, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, chất lượng đội ngũ công chức, sự minh bạch của pháp luật thì cơ quan thanh tra, kiểm sát và đội ngũ luật sư có đóng vai trò quyết định?! giá mà

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 49

Việt Nam đang ở những “bước nhảy”  quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp năm 2020. Những dự án đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng với số vốn hàng chục ngìn tỷ đồng cho tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đã và đang được các chủ đầu tư, các cấp quản lý có thẩm quyền nhiệt tình xây dựng, đề xuất và tranh luận với những quan điểm, luận cứ trái ngược nhau.

Một điều có thể dễ nhận thấy, các dự án đô thị, chung cư cao cấp, khu công nghiệp, dịch vụ … dễ dàng được thông qua, khẩn trương thực hiện và được xem như là thành tựu nổi bật của đổi mới. Trong khi đó, những chính sách phản ánh ưu việt của chế độ xã hội: miễn giảm học phí, miễn giảm viện phí, mở rộng cơ sở hạ tầng và chất lượng giáo dục, y tế với với vốn đầu tư chắc nhỏ hơn rất nhiều so với đường sắt cao tốc, sửa sang cơ sở hạ tầng cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… thì lại nhận được sự “thờ ơ” đáng ngạc nhiên.

Rõ ràng, nghèo mà cho sạch đáng trân trọng hơn nhiều giàu mà tính nhân văn và sự bền vững của phát triển xã hội bị thử thách.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 50

Năm 2011, UBND TP. Đà Nẵng quyết định không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Có nhiều lý do để bàn luận và khoan hãy bàn đến tính hợp pháp của quyết định mà cần nhìn nhận vấn đề trên hai phương diện:

– Dưới góc độ người sử dụng lao động, UBND TP. Đà Nẵng có quyền đưa ra tiêu chuẩn đối với người lao động và quyết định trên là bình thường khi nhà tuyển trạch cho rằng, người tốt nghiệp hệ tại chức không đáp ứng được yêu cầu của công việc quản lý Nhà nước. Câu hỏi đặt ra, việc không “tin tưởng” chất lượng đào tạo hệ tại chức đã được xây dựng dựa trên những luận cứ khoa học nào?

– Dưới góc độ quản lý nhà nước, quyết định của UBND TP. Đà Nẵng đã mâu thuẫn với hai trách nhiệm xã hội cơ bản của Nhà nước dân chủ: Thứ nhất, tạo môi trường bình đẳng về cơ hội học tập cho công dân và cơ hội được thừa nhận kiến thức đã học; Thứ hai, tạo môi trường bình đẳng về cơ hội có việc làm cho công dân và sự minh bạch trong việc tuyển dụng người lao động.

Thiết nghĩ, UBND TP. Đà Nẵng nói riêng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam nói chung nên xác định rõ mình ở vị trí nào ở hai phương diện nêu trên trong các quyết định liên quan đến sử dụng và đãi ngộ người lao động.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
 

SỐ 51

5 nốt thăng năm 2010:

1. Ngoại giao nâng Việt Nam lên một vị thế đáng kể trên trường quốc tế;

2. GS. Ngô Bảo Châu được giải Fields về toán học;

3. Vinashin là nỗi đau, nhưng cũng là cú huých tốt để Việt Nam chuyển đổi các nền tảng tư duy kinh tế và sở hữu lạc hậu;

4. Từ sự kiện con cá tra nằm trong “danh sách đỏ” của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Việt Nam đã có trải nghiệm đáng kể và có được ứng xử nhanh nhạy, mạnh mẽ và thích hợp hơn trong bảo vệ lợi ích của mình;

5. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 48% tổng GDP của Việt Nam (45,6% tổng GDP năm 2006 ) và tạo ra 50,2% việc làm của cả nước.

5 nốt trầm năm 2010:

1. Pháp luật Việt Nam chưa theo kịp xu thế hội nhập của đất nước, khi nhà làm luật dự liệu Viện Kiểm sát có quyền tham gia 100% vụ việc dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền xem xét lại các quyết định của chính mình;

2. Kinh tế tăng trưởng cao, nhưng không theo kịp sự mất giá của đồng tiền;

3. Chính sách tiền lương cho công chức tiếp tục bất hợp lý, tạo nguy cơ có thực, đẩy công chức vào đối tượng nghèo hoặc cận nghèo nếu chỉ biết sống bằng đồng lương theo đúng nghĩa;

4. Qua sự kiện Vietnam Idol, văn hóa tôn trọng quan điểm, nhận thức của những người khác với mình dường như chưa có trong nhiều người Việt;

5. Sau những sự kiện “ồn ào”, khó có thể thấy Hà Nội đã 1000 năm tuổi.

Ý KIẾN CỦA BẠN?

 
HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: