admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ trong nhân sinh quan của người Việt

 PHÙNG THỊ AN NA

Nhân sinh quan truyền thống người Việt là mẫu số chung của phép cộng các triết lý nhân sinh của các tộc người Việt Nam, luôn gắn liền với nông nghiệp (lúa nước) và thiết chế làng – xã, được triển khai trong một hệ thống hoàn chỉnh trên mọi chiều kích của các mối quan hệ: lao động – sản xuất, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, gia đình, dòng tộc, họ hàng,… Continue reading

ĐỌC VÀ CHIA SẺ: TÔI ĐÃ CỐ GẮNG, NHƯNG TÔI LẠI CẢM THẤY MÌNH YẾU ĐUỐI VÀ SỢ PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI MẤT MÁT

HÙNG NGUYỄN

Civillawinfor nhận được câu chuyện có thật của bạn Hùng Nguyễn (hungmaster2705@gmail.com), đăng để các bạn có thể sẻ chia những ứng xử cần thiết cho người trong cuộc (Một số câu, chữ được sửa đổi cho phù hợp với văn phong của Trang Thông tin).

Vợ chồng tôi cưới nhau từ tháng 2 năm 2010, tới nay đã có hai cháu trai, cháu lớn 6 tuổi và cháu nhỏ 5 tuổi. Vợ chồng tôi làm nghề tóc, vợ tôi là mẫu người của gia đình, rất ngoan hiền, chịu thương, chịu khó, thương yêu chồng con và cũng rất được lòng người thân, làng xóm. Ngược lại, bản thân tôi  là người chồng không tốt, người cha thiếu trách nhiệm, tôi ham mê game, chơi bời vô độ, kết quả bao năm làm kinh doanh và cửa hàng của vợ chồng tôi đều mất cũng vì tôi chơi game. 

Hai năm trước đây, tôi cũng đã quyết tâm cai nghiện game và đã thành công, vợ chồng cũng đã ổn định hơn trong làm ăn. Về tình cảm, tuy cũng có những lúc vợ chồng mâu thuẫn, tôi nóng tính hay mắng chửi vợ, xong hai vợ chồng cũng lại làm lành được với nhau.

Tuy nhiên, với bản tính ham chơi, cùng với suy nghĩ tiêu cực vì kinh tế tôi lại lao vào tệ nạn xã hội, tôi sử dụng ma túy đá sau những cuộc chơi là hậu trường của bê tha, công việc bỏ bê, không giúp được vợ việc nhà… quan hệ vợ chồng vuợt qúa sức chịu đựng của vợ tôi, nên cố ấy đã bế đứa con thứ bỏ đi, sau khi đã gửi cháu lớn về ông bà nội, tới nay được hơn 8 tháng.

Tôi không biện luận cho việc làm sai trái của mình, quyết tâm sửa sai, nỗ lực hết sức mình để mong được vợ tôi tha thứ mà quay về. Thời gian thử thách này mà vợ tôi đưa cho tôi là từ 1 đến 2 năm. Đối vơi tôi, chỉ cần biết con đường tôi sắp phải đi qua có vợ tôi đang chờ ở cuối còn đường đó thì dù là thời gian bao nhiêu lâu tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức mình để mong được vợ nhìn nhận vì nghĩ tương lai cuả 2 đứa con, không thể vì mình mà mất đi ánh sáng, tình yêu của tôi dành cho vợ con là vô tận.

Continue reading

CÂN BẰNG CỦA TỰ NHIÊN

Kết quả hình ảnh cho balance DƯƠNG QUỐC VIỆT

Tất cả những ước muốn đổi thay hay kiến tạo của con người, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy, thì đều bị kiểm chứng khắt khe bởi “luật cân bằng” của tạo hóa, và có tồn tại bền vững hay không là tùy thuộc vào sự phù hợp với “luật cân bằng” của tạo hóa đến đâu.

Tất cả chúng ta đều mong muốn một xã hội công bằng và có quy củ, nhưng trong tự nhiên cũng như xã hội, các quần thể bao giờ cũng được điều chỉnh bởi “luật tối ưu” cục bộ và tính cộng sinh cục bộ. Dường như tạo hóa được chi phối bởi “luật cân bằng”, và sự cân bằng của tạo hóa đôi khi chống lại cái mong muốn công bằng và quy củ của con người. Như những gì mà loài người đã trải qua, tất cả những ước muốn đổi thay, hay kiến tạo của con người, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy, thì đều bị kiểm chứng khắt khe bởi “luật cân bằng” của tạo hóa, và có tồn tại bền vững hay không là tùy thuộc vào sự phù hợp với “luật cân bằng” của tạo hóa đến đâu.    

Xin kể lại một câu chuyện có thật, đã xảy ra ở một trường cấp 3 mà sau này đã bị giải thể. Ngày ấy vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông hiệu trưởng của trường đó, rất muốn xây dựng trường thành một trường điểm. Vì vậy, ông ta quản giáo viên rất chặt, thậm chí không muốn giáo viên làm thêm bất cứ việc gì, tất nhiên trong đó có cả việc dạy thêm. Nhưng trớ trêu thay, không ai trong trường, bao gồm cả ông hiệu trưởng, sống được bằng lương. Kết cục là ở đó người ta gầm ghè nhau suốt ngày, đơn kiện lên sở liên tục về chuyện này chuyện kia. Các thầy cô khổ quá nên chỉ đứng lớp giảng bài cho xong giờ khiến chất lượng giảng dạy của trường rất thấp, thậm chí còn xuất hiện tệ nạn trò hối lộ thầy để xin điểm. Thế rồi một lần, ông bị một giáo viên, bắt tận tay, cùng với người làm chứng, vi cái tội, ông đã mang 2 bao xi-măng mà ông ăn bớt, từ việc xây dựng trường về nhà mình, thế là ông bị mất chức. Cái sự ông bị trả giá chỉ là chuyện nhỏ, nhưng cái điều đáng bàn ở đây, chính là cái luật sinh tồn-tính cân bằng của tạo hóa đã bị người ta phá vỡ. Hình như ông đã xây dựng trường theo một quy củ-đúng quy chế, nhưng ông đã đi ngược  lại cái “luật cân bằng”  của tạo hóa!?

Continue reading

ĐÀNH PHẢI KIÊN NHẪN THÔI!

LÝ LAN

Tôi đã trở lại trạm chờ xe buýt đó để chụp một tấm hình, trong trường hợp miêu tả bằng lời của tôi không gợi được trí tưởng tượng của người đọc.

Đây là một đoạn vài chục mét ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám. Trên hình có thể thấy lần lượt: một thùng rác công cộng màu xanh lá cây mới toanh, một gốc cây dầu cổ thụ, vỏ cây mốc thếch nứt nẻ, một trụ sắt sơn màu xanh dương cạnh một chàng trai trẻ, đó là trụ cắm bảng ghi các tuyến xe buýt dừng ở trạm này. Trụ xi măng cạnh đó là cột đèn đường, và cái trụ xanh lơ chống đỡ cái khung kiếng chữ nhật là cột điện thoại công cộng. Tiếp đến là hai gốc cây dầu nữa, một cây bị gắn tấm bảng to thông báo hay tuyên truyền gì đó, cuối cùng là cột đèn giao thông.

Chắc có người đang chau mày nghĩ xem câu đố núp ở chỗ nào. Ôi, có đố điếc gì đâu, tôi chỉ muốn ghi lại một góc đường Sài Gòn quen mà lạ, cũ mà mới.

Quen vì góc đường này tôi đi lại không biết bao nhiêu lần thuở còn là nữ sinh, rồi bẵng đi ba mươi mấy năm trời không có dịp đạp xe thong thả ngang qua ngắm trái dầu bay, bỗng dưng hôm nay tôi nhận ra mình đang đứng chờ xe buýt đúng cái chỗ mà ngày xưa có một người đứng chờ tôi đạp xe ngang qua để chạy theo! Những trụ đèn đường, điện thoại công cộng, trụ bảng xe buýt, kể cả cái thùng rác, đều là những vật mới bổ sung vào ba gốc cây dầu cũ kỹ ngày nào!

Continue reading

NGƯỜI TÌM CHA CHO CÁC CON CỦA MÌNH

Đ.H.CH

Khi biết mình không thể có con, cha tôi đã khuyên mẹ tôi nên có những đứa con do chính mình sinh ra, không nên nhận con nuôi. Và rồi mẹ tôi đã không thắng nổi bản năng của một người mẹ khi mà bố mẹ tôi vẫn rất yêu nhau và mẹ tôi đã khóc cạn khô nước mắt.

Tôi là con trai út trong gia đình. Trên tôi là một người chị gái. Cả hai chị em tôi đã trưởng thành và đã lập gia đình riêng. Năm năm trước, mẹ tôi mắc bệnh nan y và đã qua đời. Sau ba năm đoạn tang mẹ tôi và đúng vào ngày giỗ lần thứ ba của mẹ tôi, cha tôi đã gọi hai chị em tôi đến và bảo chúng tôi bình tĩnh để nghe ông nói một sự thật về gia đình chúng tôi. Sự thật đó là: cả hai chị em tôi đều không phải con đẻ của ông.

Cả hai chị em tôi bàng hoàng. Trong cuộc đời của mình, tôi gặp không ít những chuyện buồn phiền và bất ngờ, nhưng chưa có câu chuyện nào làm chúng tôi bàng hoàng đến như thế. Chờ chúng tôi trấn tĩnh, cha tôi trầm tĩnh kể cho nghe câu chuyện ấy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không làm sao quên được và cũng không thể hiểu hết được vì sao cha tôi lại kể câu chuyện ấy một cách thanh thản và xúc động đến như vậy. Sau này, hai chị em tôi vẫn thường nói với nhau: phải vô cùng thương yêu mẹ tôi, thương yêu chúng tôi và nhân ái đến nhường nào với cuộc đời thì cha tôi mới có được tình cảm và thái độ như vậy đối với câu chuyện mà hầu hết mọi người rơi vào hoàn cảnh đó sẽ không làm như thế được.

Cha mẹ tôi lấy nhau thật hạnh phúc. Nhưng sau hai năm, mẹ tôi vẫn không có dấu hiệu của việc sinh đẻ. Mẹ tôi đi khám, bác sỹ khẳng định mẹ tôi không có vấn đề gì ảnh hưởng đến chuyện sinh đẻ của bà. Chính thế mà cha tôi tự động đi khám bác sỹ và cha tôi được các bác sỹ cho biết, chính cha tôi là người không có khả năng có con. Cha tôi vô cùng buồn bã trong một thời gian dài. Mẹ tôi động viên cha tôi và nói rằng sẽ tìm một đứa con nuôi. Nhưng thật bất ngờ khi cha tôi nói rằng việc sinh con, mẹ tôi vẫn có thể làm được. Mẹ tôi đã khóc và nói đừng nghi ngờ tình cảm của mẹ tôi đối với cha tôi. Nhưng cha tôi đã nói một cách nghiêm túc về chuyện sinh con của mẹ tôi. Cha tôi đã cố gắng cho mẹ tôi hiểu rằng, việc mẹ tôi sinh ra những đứa con là một việc quan trọng mà không ảnh hưởng gì đến tình cảm giữa hai người. Mẹ tôi đã chối từ làm điều ấy mặc dù rất khát khao có một đứa con do chính mình đẻ ra. Cũng từ đó mẹ tôi thường nằm mơ về trẻ con và thỉnh thoảng hát ru. Những điều đó bố tôi đều biết.

Nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn xảy ra như định mệnh mà mẹ tôi không làm sao chống lại được. Mẹ tôi có thai chị tôi. Khi biết mình có thai, mẹ tôi đã quỳ xuống lạy cha tôi mong ông tha thứ và xin được trở về nhà mẹ đẻ. Nhưng cha tôi đã lấy tình yêu thương và sự hy sinh vì ước muốn của mẹ tôi mà an ủi và che chở mẹ tôi. Tất cả những gì cha tôi dành cho mẹ tôi trong những ngày tháng đó làm cho mẹ tôi hoàn toàn tin tưởng vào tình cảm chân thành của cha tôi. Rồi hai năm sau, mẹ tôi lại sinh ra tôi. Dù đã cố gắng hiểu với cả trí tưởng tượng của mình, tôi cũng không làm sao hiểu được cha tôi đã sống như thế nào để mẹ tôi không thấy mặc cảm về chuyện sinh hai đứa con với những người đàn ông khác mà không phải với cha tôi. Từ lúc chúng tôi ra đời cho đến nay đã hơn 40 năm, chúng tôi luôn luôn sống hạnh phúc vì tình thương yêu của cha tôi. Có thể lòng tôi còn hẹp hòi nên tôi không thể hiểu được một người đàn ông đã yêu thương và nhân ái với một người đàn bà cùng những đứa con, khi bố đẻ ra chúng không phải là mình.

Cho đến lúc này ngồi viết những dòng thư gửi cho Tòa soạn, chị em tôi cũng không tìm được đầy đủ lý do để hiểu được tấm lòng của cha tôi. Sau khi đoạn tang mẹ, cha tôi đã nói ra sự thật nguồn gốc của chúng tôi. Mẹ tôi đã có hai chị em tôi với hai người đàn ông khác nhau. Cha tôi nói cha tôi phải đi tìm hai người bố đẻ cho hai chị em tôi. Chị em tôi đã khóc lạy cha tôi đừng làm điều đó. Chúng tôi không còn nghĩ đến ai ngoài cha chúng tôi nữa. Cha chúng tôi là người cha nhân ái nhất trên cuộc đời mà chúng tôi đã may mắn có được.

Mặc dù chúng tôi đã van xin cha chúng tôi nhiều lần, nhưng ông vẫn quyết tâm tìm những người cha đẻ của hai chị em chúng tôi. Cha tôi nói, cho đến khi mẹ chúng tôi mất, cha tôi cũng không biết được ai là cha đẻ của chúng tôi. Khi chúng tôi đã lập gia đình riêng, cha tôi thường xuyên hỏi mẹ tôi về cha đẻ của chị em tôi. Nhưng mẹ tôi cương quyết không tiết lộ và chỉ nói rằng: mặc dù cha tôi đã hiểu và vô cùng nhân ái với ba mẹ con nhưng mẹ tôi cũng không bao giờ nói ra những người cha đẻ ấy. Mẹ tôi rất dằn vặt bản thân vì lý do mẹ tôi có con với những người đàn ông khác khi mẹ tôi vẫn sống cùng cha tôi.

Nhiều đêm mẹ tôi thường hoảng hốt như người bị bệnh tâm thần khi nghĩ đến chuyện ấy. Cha tôi đã làm tất cả để mẹ tôi được thanh thản và hiểu rằng chính cha tôi là người mong ước mẹ tôi sinh ra những đứa con và chính ông đã tìm mọi cách động viên, lý giải mẹ tôi để mẹ tôi làm việc đó. Nhưng mẹ tôi đã không bao giờ tha thứ cho mình. Mẹ tôi thường xuyên đau khổ và nói là mẹ tôi bị ma quỷ ám.

Có thời gian sau khi sinh chúng tôi, mẹ tôi rơi vào trạng thái của người mắc bệnh tâm thần. Cha tôi lại chăm sóc, an ủi và động viên mẹ tôi. Cũng đã nhiều lần mẹ tôi hỏi cha tôi rằng cha tôi là ai(?). Mẹ tôi không hiểu được cha tôi là ai và bây giờ chính chị em tôi cũng không hiểu cha tôi là ai. Nếu chỉ nói những gì cha tôi làm cho mẹ con chúng tôi vì lòng nhân ái và tình thương yêu lớn thì tôi thấy vẫn chưa đủ. Phải có một điều gì kỳ lạ mới có thể giúp cha tôi làm được những điều lạ lùng như thế.

Mấy năm nay, cha tôi vẫn lặng lẽ đi tìm những người cha đẻ của chị em tôi. Chúng tôi vẫn van xin cha tôi đừng làm như thế vì trong máu thịt chúng tôi chỉ có cha tôi là người cha duy nhất. Chúng tôi đã quá hạnh phúc vì một người cha như thế và chưa một giây nào chúng tôi nghĩ phải đi tìm những người cha đẻ của chúng tôi. Nhưng cha tôi đã nghiêm khắc nói với chúng tôi là con người phải biết được nguồn gốc của mình.

Cha tôi nhớ lại những người quen cũ của mẹ chúng tôi và cha tôi cứ thế lần hỏi. Cha tôi đã gặp vài ba người đàn ông có quen thân với mẹ tôi hồi đó và hỏi họ. Nhưng chưa một người đàn ông nào nhận rằng họ là cha đẻ của chị em tôi. Cha tôi đã tìm mọi cách nói cho những người đàn ông mà cha tôi hy vọng họ là cha đẻ của chị em tôi về sự cần thiết như thế nào đối với chị em tôi khi họ biết được nguồn gốc của họ. Cứ thế, hết tháng này đến tháng khác, cha tôi bền bỉ đi tìm những người cha đẻ cho chị em tôi. Chúng tôi không bao giờ có một chút băn khoăn về những gì cha tôi làm cho chúng tôi. Nhưng sao chúng tôi vẫn cứ phải tự hỏi mình rằng cha tôi là ai mà làm được những điều như thế. Chẳng lẽ cha tôi là một Vị Thánh?

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2006/3/50795.cand

CÂU CHUYỆN CỦA ĐỜI TÔI!

remembranceNGUYỄN LÊ ĐÔNG 

Tôi đã viết "Quá nửa vòng đời", hòng để lại "dấu vết" cho các con cháu tôi biết những bí mật mà chỉ một tôi hay và giữ kín trong suốt 70 năm qua với 300 trang giấy. Cuốn hồi ký này chỉ lưu truyền trong gia đình và các con cháu, chỉ mong sau này các con cháu hiểu gốc gác của họ tộc ông bà, cuộc đời chìm nổi của ông bà mà hay rằng, ông cha mình đã sống, đã đấu tranh và tồn tại trong cuộc đời nhiều biến động này như thế nào…

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc: Đa dạng nhưng kỷ cương, phong phú nhưng phức tạp.

Cụ nội tôi là một võ quan "Thủ ngự, nguyên đái mông hàm, trấn giữ Cửa Cờn – Quỳnh Lưu – xứ Nghệ được các triều vua nhà Nguyễn phong 11 đạo sắc. Về hưu được lưu giữ ấn ngà".

Ông nội tôi đỗ đầu 3 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, nên được thiên hạ gọi là cụ Đầu xứ. Ông chán cảnh quan trường không ra làm quan, chọn nghề "gõ đầu trẻ". Bố tôi là con trai thứ năm, nhưng thành đạt hơn cả: Từ lý trưởng lên chánh tổng (học thi đỗ tam tràng). Hội viên Hội đồng tỉnh Nghệ An, dân dã gọi là ông Hội. Nghỉ hưu được nhà nước Pháp tặng Huân chương "Bắc đẩu bội tinh" nhưng ông yểu mệnh mà chết "bất đắc kỳ tử". Ông ngoại tôi đậu tú tài nhưng không là ông Thông, ông Phán, mà vẫn theo gia truyền "bốc thuốc" để cứu người, đồng thời làm ông đồ tại gia.

Mẹ ruột tôi tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Chồng trước của mẹ tôi là chiến sĩ cách mạng bị lưu đày Côn Đảo, vượt ngục và chìm giữa biển khơi. Sau khi con gái chết yểu lúc 8 tuổi và chồng bặt vô âm tín, thêm với "tội đồ" làm cộng sản, sợ liên lụy đến cha mẹ, anh, chị, em,… mẹ tôi tái giá với bố tôi để được bảo lãnh, khỏi bị Tây trả thù, thoái trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh". Chuyện kể về "mẹ tôi thì đa đoan và ly kỳ lắm! Nhưng thôi! Nội dung và chủ đề là chuyện của tôi mà! Tôi là con út của gia đình. Bố tôi có ba vợ và 10 người con (8 trai, 2 gái) hiện còn sống 5 anh em trai, trên 70 tuổi (một liệt sỹ chống Pháp). Mẹ tôi là kế mẫu, tất nhiên là khác xa với cảnh vợ lẽ.

Tôi sinh năm Canh Thìn (1940); liên lụy nặng nề về thành phần giai cấp xuất thân trong giai đoạn đối trọng chuyên chính vô sản. Năm 1953, giảm tô, mẹ tôi bị quy lên thành phần phú nông với lý do "phát canh thu tô". Suốt đời, mẹ tôi chỉ duy nhất một nghề buôn bán với gánh hàng xén trên vai. Năm 1956 "Cải cách ruộng đất", mẹ tôi lên "địa chủ kháng chiến" ở giai đoạn cuối. Tuổi ngấp nghé "bẻ gãy sừng trâu" của tôi chìm đắm trong bế tắc; tôi thi đỗ đại học, nhưng không được tựu trường sau khi bị "thẩm tra lý lịch mật".

Một thanh niên cường tráng, có học, không được tung hoành, trong khi "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" làm cho tôi thối chí, chỉ muốn chết. Người yêu đầu đời rất đẹp, đã không chịu nổi những thử lửa của trường đời nghiệt ngã dành cho tôi mà đành gạt lệ đi lấy chồng. Nhiều lúc bí bách trước tương lai quá mà tôi chỉ muốn thả trôi cho số phận, cho bom đạn, muốn đến đâu thì đến. Vì vậy, máy bay Mỹ ném bom vô tội vạ xuống làng quê tôi mà tôi nhất quyết không chịu xuống hầm. Mẹ tôi biết vì bà, vì thành phần gia đình mà tôi bị liên lụy thiệt thòi, bà chỉ biết khóc những lúc như vậy. Có một lần, tôi suýt chết vì một quả bom sát thương lớn, nổ cách tôi 15 mét. Quả bom đã khiến cho kho thóc hợp tác xã và nhà tôi chỉ còn là đống gạch vụn. Vậy mà may mắn thay, số phận gan lỳ của tôi đã cứu tôi khỏi cái chết.

Tôi bị sức ép, thổ huyết mũi, mồm, hậu môn, rớm máu toàn thân. Sau ba tháng nằm viện cấp cứu, khi đã bình phục, tôi quyết định phải làm một cái gì đó để thay đổi số phận và cuộc đời. Ngay lúc này, tôi cũng không biết phải làm gì, đi đâu để có thể đổi thay được hoàn cảnh, số phận nhưng tôi vẫn phải "liều mạng". Tôi ngửa tay xin mẹ 100 đồng để ra đi.

Mẹ hỏi:

– Con định đi đâu?

– Con cũng chưa biết nữa, mà cứ đi đã!

Quý tôi, chiều tôi, thương tôi và quá hiểu con, mẹ tôi cởi "ruột tượng" rút tiền, đưa cho tôi và ôm chầm lấy tôi, bốn dòng nước mắt lã chã…

– Mẹ biết lần này, con "một đi không trở lại". Cầu trời, khấn Phật cho con được "Chân cứng đá mềm" rồi về với mẹ.

– Con xin đa tạ, cúi lạy mẹ tha thứ cho con…

Đó là một đêm mưa dầm, gió bấc, trời tối như mực, lạnh lùng tiết đông, cuối tháng 11 âm lịch, năm 1965.

Tôi đi bộ theo trục quốc lộ 7A về điểm KM số 0, ngã ba Diễn Châu. Có pháo sáng máy bay Mỹ rọi đường và tiếng bom nổ đó đây suốt đêm. Đi được 42km, mệt lả, tôi nghỉ ngay trong căn nhà lá ven đường, gần cầu Bùng. Bấy giờ vào khoảng 4h sáng. Đang trằn trọc: "Đi đâu? Về đâu?" bắc tay qua trán thao thức thì một tốp dân quân, khoác súng ập vào kiểm tra giấy tờ. Vì không có giấy "tùy thân" nên sau vài câu hỏi, họ buộc tôi phải trở về nơi xuất phát. Gần sáng, hai dân quân áp tải bảo tôi: "Cứ thế mà ven theo quốc lộ". Tôi "Vâng ạ!". Vừa khuất bóng họ, ngồi nghỉ chừng 10 phút, tôi quay lại 180o. Con đường mở dưới chân mình với hai ý tưởng: "Nhất anh hùng, nhì thằng cùng!" và "Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực!".

Và tôi đã có một đêm định mệnh bên bờ sông Gianh!

Ôi con sông ranh giới của cái thời Trịnh – Nguyễn phân tranh! Lịch sử đau đáu của một đất nước? Và riêng tôi là một sự đổi đời? Cùng với bộ đội, thanh niên xung phong khi bị máy bay và tàu chiến ngoài biển của giặc oanh kích cấp tập, tôi bị thương nặng. Ở đây, có một chi tiết phải được minh bạch để Ban biên tập và bạn đọc khỏi đặt dấu hỏi và thắc mắc: "Làm sao và căn cứ vào đâu tôi được xác định là một người lính, phải đưa ngay ra Bắc để cứu thương, cứu mạng?".Thượng đế đã sắp đặt như một lập trình? Trong một đêm gặp gỡ trên đường kẻ vào, người ra, nơi tạm nghỉ chân, tôi làm quen với một người lính, anh ta khoác ba lô ra Bắc. Tôi hỏi:

– Tại sao lại ngược chiều trong khi đồng đội rầm rập đi vào?

– Tôi ấy à! Là độc đinh bốn đời. Bố tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ. Là con một, được tạm cho hoãn binh, nhưng tôi đã chích máu viết đơn tình nguyện, xung phong Nam tiến sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Nhà trường thể theo yêu cầu đã chấp nhận và gấp rút cho tôi nhập ngũ để đi B ngay. Không ngờ vào đến Quảng Trị có lệnh quay trở ra để đi học và đào tạo ở nước ngoài, cụ thể là Liên Xô, đành phải "tuân chỉ"!.

– À! Có thế chứ!

Tôi bịa đặt lý do vắn tắt và rất "lô gích" để trao đổi lấy bộ quân phục của anh. Và anh thông cảm gật đầu. Anh vội vàng rút trong ba lô "con cóc" một bộ Tô Châu mới cứng. Thế là: "Một đổi một!".

Khi tôi có cảm giác "mình còn sống" thì tôi đang ở một miền quê yên ả, vùng chiêm trũng, trong thôn Thắng Lợi, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tôi phải khai lại lý lịch và được phát thẻ "thương binh tạm thời" từ trại an dưỡng. Một năm sau, khi vết thương đã bình phục, tôi xin được quyết định chuyển ngành. Nhờ lý lịch mới (hay là số phận?) có trình độ văn hóa, lại "kinh qua chiến đấu", tôi được tin tưởng, phân công ở bộ phận phụ trách tổ chức nhân sự thuộc Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định đang sơ tán ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân. Vào thời điểm đó, Bác Hồ kêu gọi "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt!".

Với sự cố gắng và nỗ lực hết mình, tôi đã làm việc bằng ba, bằng bốn và hơn thế nữa, được giám đốc tin tưởng, cân nhắc chức vụ tổ chức, uy tín của tôi nổi như cồn trong cơ quan. Đường công danh của tôi mở ra thênh thang. Nhưng vốn bị một nỗi mặc cảm đè nặng tôi chưa từng đi lính, chưa từng kinh qua chiến đấu, nhưng lại có một lý lịch "sáng choang", lại có thẻ thương binh dù chỉ là tạm thời trong 1 năm song trong lòng tôi nhiều lúc day dứt và đau khổ. Sự day dứt đau khổ ở đây không phải là vì tôi là một kẻ tráo trở, một kẻ cơ hội trên xương máu của anh em đồng chí mà do số phận sắp đặt, tôi đã đứng vào biển sóng cuộc đời xô đẩy mà không thể có con đường nào khác. Ít ra, khi tự vấn lương tâm mình, tôi rất xấu hổ và hèn hạ khi khai mình là người lính chiến. Đó là những cảm giác có thật và tự vấn trong lương tâm tôi. Tôi có đi lính ngày nào đâu, có chiến đấu ngày nào đâu. Nhưng nếu không nhận lấy cơ hội mà ông trời vì thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, thương tình ban cho tôi thì cuộc đời tôi chẳng lẽ chìm mãi trong bế tắc ư?

Tôi day dứt đau khổ vì mỗi lần nhìn thấy những người lính chiến đấu từ chiến trường trở về, trong tôi dâng lên một cảm giác thương mình xót xa vì thực tế tôi đâu có hèn như vậy. Không hạnh phúc gì, sung sướng gì khi phải sống với một lý lịch dối trá. Chính vì vậy khi công tác ở nhà máy, bao nhiêu thanh niên xung phong, thương bệnh binh, bộ đội xin chuyển ngành về nhà máy, tôi nhận tất tật và rất ưu ái. Tôi đã làm việc hết mình cho nhà máy và đã được bình bầu là "Chiến sĩ thi đua" hằng năm và bằng khen của Bộ Công nghiệp nhẹ.

Người vợ, hiện đã chung sống 40 năm với 4 mặt con đã thành đạt và "đầy sân quế hòe", chính là cô gái tôi đã gặp ở nhà máy. Vợ tôi chính là nữ thanh niên xung phong chống Mỹ được tôi thu nhận về xí nghiệp rất muộn màng sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ hai khóa ở tuyến lửa khu IV và bị thương. Người con gái vùng biển Nghĩa Hưng dễ thương, có mái tóc dài xanh bết gót như một dòng sông, đã chiếm trọn tình cảm của tôi. Tôi lấy vợ sinh con và công việc đã ổn định  nhưng lòng vẫn canh cánh nhớ về người mẹ già nơi quê nhà. Vì mẹ đã tuổi cao sức yếu, đưa mẹ đi ra Nam Định để nuôi mẹ thì mẹ một mực không chịu. Cực chẳng đã, tôi xin nghỉ làm ở nhà máy, năm 1976 "bầu đoàn thê tử" tôi ôm nhau về xứ Nghệ để "báo hiếu trả nghĩa mẹ" sau 10 năm lưu lạc.

Từ đó trở đi, tôi ở quê nhà làm lại từ đầu, vất vả, khổ sở, làm thuê đủ nghề: Chạy chợ, chạy bè, đào đất, cất gỗ, thợ xẻ, thợ nề, làm cán bộ 202, chỉ huy xây dựng các công trình dân sự như bệnh viện, trường cấp 3, đập thủy lợi Đô Lương, hồ Kẻ Gỗ Hà Tĩnh. Năm 1993 mẹ già mất, hưởng thọ 93 tuổi. Cuộc sống ở quê nhà bao khó khăn vất vả, những tưởng tôi đã an bài với tuổi 60 nơi quê nhà nhưng một lần nữa tôi lại ly hương cùng vợ con ngược đường vào vùng Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới. Từ bấy cho đến nay cuộc sống của tôi dần ổn định hơn, các con cũng đã trưởng thành, tôi quay sang viết báo và cộng tác viên cho các báo. Tôi tìm niềm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt mà tôi bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày, sống tĩnh tâm hơn và vui vầy sớm tối với cháu con.

Kính thư: Nguyễn Lê Đông (Thôn 5, xã Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng)

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2009/5/52905.cand

TÔI LÀ MỘT NGƯỜI CHA TỘI LỖI

dad w son N.X.L. Bắc Ninh

Tôi có một nỗi khổ trong lòng, chôn giấu suốt bao nhiêu năm nay. Càng cố quên thì càng nhớ, càng cố chôn giấu lại càng không thể xóa bỏ được. Năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi rồi, thời gian hữu hạn, tôi nghĩ chỉ có việc nói ra nỗi khổ của lòng mình với thiên hạ, với trời đất, may ra tôi mới thanh thản, để mai này nhắm mắt xuôi tay linh hồn tôi mới siêu thoát được trong cõi vĩnh hằng.

Tôi nguyên là một bác sỹ nghỉ hưu. Vợ tôi cũng trong ngành Y, bà ấy từng là y tá giỏi của trạm y tế nơi tôi làm Trạm trưởng. Cả hai cùng làm nghề y nên việc cứu người coi như là nhiệm vụ và bổn phận. Không kể bất kỳ đêm hôm, mưa gió, ai đau ốm, ai sinh nở, ai không kịp đến trạm y tế xã, hễ cứ có người gọi là vợ chồng tôi lại bươn bả tới tận nhà khám và cho thuốc để chữa trị kịp thời. Dân làng kính trọng vợ chồng tôi như một người có ân đức lớn.

Gia đình chúng tôi sống hạnh phúc và êm ấm trong vòng tay yêu thương của dân làng. Ngày mùa, có củ khoai ngon, cân nếp dẻo mọi người đều mang đến cho vợ chồng tôi coi như món quà trả ơn nghĩa những lúc vợ chồng tôi giúp họ trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng tôi sinh được hai đứa con, một trai một gái. Hai đứa con tôi nổi tiếng trong làng bởi chăm ngoan học giỏi. Nhất là cậu con trai đầu lòng càng lớn càng khôi ngô tuấn tú. Cháu mang dáng dấp cao lớn của bố và gương mặt thuần hậu đẹp đẽ của mẹ.

Nhiều lúc nhìn hai đứa con, vợ chồng chúng tôi lấy làm mãn nguyện và cảm ơn số phận đã mang hạnh phúc đến tròn đầy cho gia đình tôi. Con trai tôi từ nhỏ cháu đã tâm nguyện lớn lên theo nghề bố mẹ để cứu người. Tốt nghiệp lớp 12, cháu thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Con gái tôi lại mơ làm cô giáo dạy văn, nên cháu vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai đứa vào đại học lần lượt cách nhau 3 năm.

Cùng một lúc nuôi hai đứa con đi học đại học những năm tháng đất nước vừa qua bao cấp, kinh tế rất khó khăn, lương công chức của hai vợ chồng rất thấp, nên cuộc sống của chúng tôi vô cùng vất vả. Vợ chồng tôi phải xin ruộng để làm thêm, trồng lúa, trồng khoai sắn, chăn nuôi lợn gà để cải thiện cuộc sống và dành cả 2 suất lương cho con đi học. Mấy năm đầu, con trai tôi chi tiêu rất tiết kiệm, nhưng đến năm thứ 3, thứ 4, đặc biệt là hai năm cuối của đại học, cháu chi tiêu rất nhiều, tháng nào vợ chồng tôi cũng phải bán lợn để gửi cho con. Việc học của con trai rất tốn kém, cháu xin tiền liên miên, bao nhiêu tiền gửi cho cháu chỉ được dăm bữa nửa tháng là hết sạch.

Thương con, cứ nghĩ là con học năm cuối, phải đi thực tập, vất vả nhiều, chi phí nhiều nên hai vợ chồng cứ cặm cụi làm và dồn hết cho con. Chính sự chủ quan quá tin vào con mình nên vô tình vợ chồng chúng tôi đã để cháu tuột khỏi sự quản lý của gia đình mà rơi vào vòng xoáy cuộc đời. Bất hạnh cũng giáng xuống đầu vợ chồng tôi kể từ đó.

Sau 6 năm học, con tôi tốt nghiệp ra trường. Khi vào trường cháu là một thanh niên tuấn tú khỏe mạnh và rất đẹp trai, ngày ra trường cháu ốm yếu xanh xao và gầy gò. Cứ nghĩ do việc học y khoa vất vả, hai vợ chồng rất thương, cứ ra sức bồi bổ cho con khỏe, để chuẩn bị xin cho con đi làm. Chúng tôi đâu hề hay biết rằng con tôi đã bị nghiện ma túy nặng. Phải rất lâu sau đó, chúng tôi mới biết được sự thật kinh hoàng này. Đó là thời điểm tôi dẫn cháu đi xin việc, giục con ra Hà Nội lấy bằng tốt nghiệp để về nộp lên tổ chức thì thấy cháu cứ khất lần chối quanh. Khi tôi buộc cháu đi thì cứ mỗi lần đi là cháu lại xin rất nhiều tiền, đi được dăm bữa về tiền tiêu hết sạch mà bằng tốt nghiệp chẳng thấy đâu. Cháu lấy lý do lúc thì cô văn thư đi vắng, lúc thì thầy hiệu trưởng không có nhà, đủ mọi lý do khác nhau để không thể lấy được bằng tốt nghiệp.

Sinh nghi ngờ vì thấy tâm tính con thay đổi, tôi quyết định bảo với vợ để tôi ra trường của con hỏi tình hình cụ thể xem sao. Không ngờ, ra đến nơi tôi mới hay con tôi đã vi phạm kỷ luật, bị đuổi học trước đó 2 năm trời mà vợ chồng tôi không hề hay biết. Linh cảm của người cha biết con mình đã trượt ngã, nhưng trượt ngã bởi lý do gì thì tôi đang phân vân. Trên đường về nhà tôi đã nghĩ đến hàng ngàn vạn lý do để có thể con tôi rơi vào trường hợp đó. Nào là con tôi bị kẻ xấu lôi kéo, hoặc có thể con tôi bị rơi vào một hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó mà phải đền tiền cho người ta, hoặc con tôi đánh bài, cắm quán, chểnh mảng học hành… Trớ trêu thay ma túy là thứ mà tôi không bao giờ đặt ra giả thiết với con trai tôi cho dù thời điểm này, ở Hà Nội, ma túy đã trở thành một tệ nạn trong giới trẻ. Đơn giản vì con tôi có học hành tử tế, có nhận thức, được nuôi dạy trong một môi trường tốt, tôi tin con tôi không thể sa ngã như thế được.

Về đến nhà, tôi đã gọi con tôi ra ngoài nói chuyện riêng, tôi đã tát con trai tôi 3 cái tát như trời giáng. Bao nhiêu giận dữ, tôi trút vào mấy cái tát nảy lửa đấy và tôi khóc. Đây là lần đầu tiên tôi đánh con trai tôi, và cũng là lần đầu tiên tôi khóc vì con. Tôi hỏi con trai tôi vì sao con là đứa con trai học giỏi ngoan ngoãn là niềm tự hào của bố mẹ mà lại bị đuổi học? Con trai tôi gục đầu xuống, im lặng và không nói một lời nào cả. Mặc cho tôi quát tháo, giận dữ. Cho đến khi nhìn thấy những giọt nước mắt của bố nhỏ xuống, con trai tôi mới run rẩy cho tôi biết cái sự thật kinh hoàng kia. Con tôi đã dính nghiện ma túy. Đó là một ngày mà thế giới như đã sụp đổ quanh tôi, một ngày buồn đau nhất trong đời.

Tiếp theo đó là những ngày vợ chồng tôi cạn nước mắt theo con trai. Chúng tôi gần như tập trung sức lực để cai nghiện cho con. Những ai đã từng có con nghiện trong nhà mới thấu hiểu nỗi cơ cực, đau đớn ê chề. Cai nghiện hôm trước, hôm sau đã có bạn nghiện mang thuốc đến chích cho tại nhà. Cắt được cơn vật vã đói thuốc, hôm sau bạn xấu đã đến. Không biết bao nhiêu lần cai nghiện cho con, lên bờ xuống ruộng vì con nhưng ma túy đã chiếm đoạt và giết chết con tôi rồi. Tôi gần như sạt nghiệp trắng tay vì con. Cuối cùng, cực chẳng đã, tôi phải gửi cháu đi cai nghiện ở trại hơn một năm trời. Sau khi cai nghiện xong, con trai tôi đi ôn thi lại để quyết tâm thi vào đại học.

Có cha mẹ nào không muốn tin tưởng ở con và mong con mình phục thiện. Có ngờ đâu, bao nhiêu tiền mang đi ôn thi, con tôi ra Hà Nội và đốt hết cùng dân nghiện. Tiếp đó là những ngày tháng cháu bỏ đi lang thang không về nhà. Vợ chồng tôi tìm cháu hết ngày này qua tháng khác. Thi thoảng cháu trở về nhà chủ yếu là để trộm đồ trong nhà mang đi bán. Đến khi nhà không còn gì để trộm được nữa thì cháu đi lừa đảo bạn bè, bà con lối xóm để mượn xe đạp, xe máy đi cắm. Hơn mười năm trời cả gia đình tôi điêu đứng vì con. Cô con gái vì mang tiếng nhà có người nghiện nên không ai dạm hỏi, cuối cùng phải ưng thuận đi lấy chồng xa.

Nhưng đỉnh điểm của bi kịch là cái ngày vợ tôi ốm nặng nằm ở nhà, con trai tôi mò về nhà để năn nỉ xin tiền mẹ. Mẹ không còn tiền để cho, cháu đã cầm con dao ra và dọa đâm mẹ chết nếu mẹ không đưa tiền. Vợ tôi đã tăng xông mà bị tai biến mạch máu não. Nếu lúc đó, tôi không về kịp thì không thể cấp cứu được cho vợ tôi.

Sau lần đó tôi đã xích cháu lại ở cột nhà và quyết tâm tự mình cai nghiện cho con. Than ôi, tôi không thể làm một người cha tốt khi tôi không cứu vớt được đời con tôi. Nhìn thân hình con tiều tụy, lở loét, ma túy đã ăn ruỗng mòn vào máu, vào cơ thể. Mỗi lần lên cơn, con trai tôi như một con chó dại cắn xé và mất hết nhân tính, bài tiết ngay tại chỗ, không kiểm soát được tình hình khiến cho cả nhà rất khổ tâm và mệt mỏi.

Con nghiện nặng, vợ ốm nằm liệt một chỗ, đó là những tháng ngày cùng quẫn của gia đình tôi và bản thân tôi. Tất cả tối tăm và mờ mịt. Nhà nghèo xác xơ, con trai tôi cắm nợ chồng chất. Khi bị xích lại ở cột nhà, cháu gầy như que củi, không ăn uống được gì, chỉ vật vã đòi thuốc, kêu khóc van lạy bố. Thương con không cầm lòng nổi, sợ con vã thuốc mà chết mất, đã có những lần tôi bất lực mà tìm mua ma túy về và trực tiếp chích cho con. Chích xong cho con trai, tôi lại ôm mặt khóc rưng rức. Những lúc ấy, tỉnh táo hơn vì có thuốc, con trai tôi đã van lạy tôi rằng đời cháu đã bị ma túy hủy hoại rồi, rằng cháu không thể làm lại được cuộc đời của mình nữa, cháu cũng không muốn sống khổ sở như thế này, cháu muốn tôi giúp cháu kết thúc cuộc sống càng nhanh càng tốt.

Các anh chị ơi! Trong một phút bất lực của chính mình, tôi đã nghe theo lời khẩn cầu của con trai tôi, tôi đã đồng ý để cho cháu được tìm đến cái chết. Và chính tôi, người đã rứt ruột đẻ cháu ra, nhưng lại tự tay kết thúc cuộc sống của con trai mình như kết thúc một món nợ đời đau xót nhất.

Sau bao nhiêu ngày tháng kiệt quệ, chiến đấu cùng với ma túy để giành giật lại đứa con trai độc nhất, tôi biết tôi đã hoàn toàn thua cuộc. Sau khi khẩn cầu bố, con trai tôi đã đưa cho tôi một tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm dương tính HIV và van vỉ tôi cho cháu được kết thúc cuộc sống càng nhanh càng tốt. Khoảnh khắc ấy, tôi đã khóc như mưa gió. Ôi, giọt nước mắt của người cha nhỏ trong đêm sâu, trước mặt đứa con trai tiều tụy vì ma túy thật bi thảm não nùng.

Con trai tôi nói rằng, đây là kết quả xét nghiệm của cháu hồi còn ở trường đại học. Một người bạn nghiện của cháu đã bị chết vì HIV/ AIDS nên cháu đã lo sợ mà đi xét nghiệm máu vì có những lần lên cơn nghiền, không đủ tiền mua ma túy và kim tiêm riêng để chích, cháu và bạn đã chích chung. Đêm ấy, sau khi tìm mua ma túy về chích cho con trai để cháu qua cơn vật vã, đợi lúc cháu thiu thiu ngủ, tôi đã tiêm cho cháu một mũi thuốc độc để con trai tôi mãi mãi không bao giờ còn có thể tỉnh lại được nữa. Để cháu vĩnh viễn ra đi trong sự êm dịu mà không đau đớn về thể xác hay tinh thần.

Có ai có thể thấu hiểu được nỗi đau của người cha khi buộc phải tự tay kết thúc cuộc sống của con mình. Vợ và con gái tôi không hay biết chuyện, chỉ biết rằng, cháu chích quá liều sốc thuốc mà chết. Từ bấy đến nay, con trai tôi đã yên nghỉ được hơn mười năm rồi. Vợ chồng tôi đã xây phần mộ cho cháu đàng hoàng, ngày nào vợ chồng tôi cũng hương khói trên bàn thờ để chuộc lỗi với cháu. Mọi chuyện đã lùi sâu vào ký ức, con gái tôi giờ đã đề huề chồng con, tôi đã có hai cháu ngoại và cuộc sống gia đình đã yên bình hạnh phúc hơn xưa. Thế nhưng tôi luôn ám ảnh bởi việc tôi đã tự tay kết thúc cuộc sống của con trai mình. Nỗi đau ấy, nỗi ám ảnh ấy biết đến bao giờ mới nguôi ngoai được.

Cho đến lúc này, quỹ thời gian của tôi phía trước không còn nhiều nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải tôi đã nhúng tay vào một tội ác kinh khủng không, có phải hành động của tôi là phạm pháp không? Và tòa án lương tâm của tôi sẽ không bao giờ phán xử cho tôi, một người cha tội lỗi đã không thể có phương cách gì để cứu được đứa con trai độc nhất của mình. Suốt bao nhiêu ngày tháng năm dài, tôi đã khóc thương cho linh hồn tội nghiệp của con trai.

SOURCE: AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyenkhotin/2009/5/52906.cand

HÌNH TRONG BÀI CHỈ MANG TÍNH CHẤT MINH HỌA

HÔN NHÂN MÉO MÓ: CÓ HƠN KHÔNG

4GC_Wedding_Dove DANIEL MCGINN (Thu Linh Dịch từ tạp chí Newsweek)

Một kết quả nghiên cứu mới của trường Đại học Harvard và Yale cho rằng những người phụ nữ da trắng, tốt nghiệp đại học mà không lập gia đình khi họ ở độ tuổi 20 trở ra sẽ trở nên rất khó tính và tự bó buộc mình. Cũng theo nghiên cứu này, một phụ nữ 30 tuổi vẫn còn độc thân thì chỉ còn 20% cơ hội để lập gia đình. Đến khi 35, thì khả năng này hạ xuống chỉ còn 5%. Trong một dòng tin gây giật gân của một bài báo, tờ NEWSWEEK nêu lên rằng một người phụ nữ 40 tuổi độc thân có “khả năng bị khủng bố ám sát nhiều hơn” là khả năng lập gia đình.

Khi Laurie Aronson 29 tuổi, mỗi khi có ai đó vô tình hỏi lý do tại sao cô vẫn chưa lấy chồng thì cô luôn cảm thấy rất khó chịu. Cô nói: “Tôi đâu phải là một bà cô không chồng khó chịu chỉ biết ngồi ở nhà vào mỗi buổi tối thứ 6 mà khóc lóc thương thân đâu cơ chứ”. Tuy nhiên, đến khi bước qua tuổi 35, khi mối quan hệ này tiếp nối những mối quan hệ khác đều thất bại, không đi đến kết quả gì thì cô ấy bắt đầu thấy lo lắng thực sự. “Tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh trở nên lạnh lẽo”, cô thổ lộ. Và rồi, quan hệ của cô với một người bạn thân của anh trai cô, người đàn ông đã ly hôn mà cô biết từ lâu dần dần phát triển thành một thứ tình cảm lãng mạn hơn. Aronson kết hôn với người đàn ông này khi cô 39 tuổi, trở thành bà Laurie Aronson Starr và là mẹ kế của 3 đứa con chồng. Sau 5 năm chữa trị bệnh hiếm muộn, cô đã mang bầu, sinh được một cậu con trai và cậu bé đã tròn 4 tuổi vào tháng 7 vừa qua. Starr bây giờ đã 49 tuổi và cô tâm sự: “Bố mẹ tôi đã từng cảm thấy rất lo lắng nhưng bây giờ thì mọi người đều thấy nhẹ nhõm rồi. Ước gì tôi có thể tìm được một người nào đó phù hợp với mình sớm hơn và sinh được nhiều con cái hơn. Nhưng giờ đây tôi thấy mình thế này là hạnh phúc lắm rồi”.

Continue reading

TÔI CÓ NÊN CHO CHÁU NHẬN CHA KHÔNG?

smm_heart VŨ THỊ VÂN HƯƠNG – Quận Gò Vấp – TPHCM

Tôi là giáo viên trung học đã về hưu, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 18 tuổi, tôi rời quê Cần Thơ, lên Sài Gòn theo học đại học. Như là định mệnh và duyên số, tại đây tôi đã gặp gỡ và yêu tha thiết một giáo viên trung học, quê ở Phan Thiết, đang dạy ở Sài Gòn. Anh tên là Nam.

Những năm yêu nhau, tôi không hề biết từ lâu anh đã tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở nội thành Sài Gòn. Mãi về sau, trong một lần cùng anh về thăm nhà ở Phan Thiết, anh mới cho tôi biết chuyện này. Cha anh là người đã dẫn dắt anh hoạt động cách mạng. Học xong đại học, do bố mẹ tôi già yếu, muốn con gái ở gần, hơn nữa tôi lại là con một, nên tôi quyết định về quê dạy học, còn anh vẫn ở Sài Gòn. Một năm sau hai chúng tôi làm lễ cưới.

Năm 1970, khi tôi có thai bốn tháng thì được tin sét đánh: Chồng tôi bị bắt do cơ sở bị lộ. Tôi như người mất hồn, bỏ cả dạy học, bụng mang dạ chửa về Sài Gòn và ra cả Phan Thiết quê anh để dò thăm tin tức của anh. Đau đớn hơn, cũng vào thời điểm đó, trong một trận chiến đấu ngay tại quê nhà, cha anh bị thương nặng và hy sinh. Chưa kịp gặp chồng thì tôi được tin anh bị đày ra Côn Đảo. Trước hai cái tin đau đớn, chồng hy sinh, con duy nhất bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, mẹ anh ngã bệnh, mắt mờ dần rồi mù hẳn, một năm sau thì bà mất. Những ngày chồng tôi bị tù Côn Đảo, tôi sinh cháu đầu lòng, đặt tên là Quỳnh. Khi cha hy sinh, mẹ mất, chồng tôi cũng không được về chịu tang.

Continue reading

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

imageTôi đã bắt đầu đi tìm lại người chiến sỹ ấy ngay sau khi tôi xuất ngũ và ổn định cuộc sống gia đình trong vòng 5 năm. Khoảng thời gian 20 năm đủ dài và làm nên những biến động vật đổi sao dời. Tôi không thể nào hình dung nổi liệu tôi có gặp lại người chiến sỹ bị thương nặng mê man bất tỉnh trong đêm tối đầy mưa bom bão đạn ấy nữa không…

Mà thật ra tôi cũng không dám hình dung, bởi hễ cứ nhắm mắt, tôi lại thấy hình ảnh người chiến sỹ ấy, nhớ bộ quần áo tôi đổi của anh, và nhớ đến quá khứ buồn bã của tôi, những nỗi sợ đã đeo đẳng tôi khôn cùng trong suốt chặng đường đi đánh giặc. Tôi sợ, rất có thể, oái oăm thay, từ việc thay đổi bộ quần áo mà số phận chúng tôi mỗi người đi theo những ngã rẽ riêng, và biết đâu không chừng, tôi lại là người đã gây ra bi kịch của người chiến sỹ tôi không nhìn rõ mặt ấy…

Trời ơi! tôi đã cầu trời khấn Phật cho không có chuyện gì xấu xảy ra, rằng người chiến sỹ kia hoặc đã hy sinh, hoặc trở về, và dù thế nào thì người chiến sỹ ấy cũng vẹn nguyên công thành, doanh toại, thứ duy nhất mà người chiến sỹ ấy mất chỉ là bộ quần áo bộ đội đẫm máu và rách toạc vì vết đạn. Thế thôi.

Nhưng than ôi! Cuộc đời thường vẫn xảy ra muôn nỗi trớ trêu để cho con người trong vòng xoáy của con tạo xoay vần ấy phải lâm trận bao nỗi bi ai. Cho dù tôi đã trả giá tất cả, mạng sống, lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình trong 15 năm cầm súng phiêu bạt ở chiến trường Đông Tây, Nam Bắc để tìm cho mình một thân phận mới, một cuộc đời mới thì tôi vẫn không thể quên được hành động của tôi. Đi tìm sự thật cho chính cuộc đời mình là một hành động nhọc nhằn và vô cùng ám ảnh.

Hơn nửa đời trận mạc, vào sinh ra tử, tôi trong phút giây này lại là một kẻ bơ vơ, đi tìm lại phần nối của cuộc đời mình trong cái đêm định mệnh bên bờ sông Bến Hải ấy.

Suốt 20 năm qua, không bao giờ tôi quên được tên tuổi, đơn vị và địa chỉ của người chiến sỹ ấy. Anh tên là L.V.T., đơn vị X, quê ở làng N.Đ., huyện T.C., tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên, sau 5 năm công tác ở nhà máy dệt, tôi xin nghỉ phép đúng 12 ngày và khoác ba lô lên đường về quê của anh L.V.T.

Đi xe tàu mất 3 ngày, 3 đêm, đổi xe xuống không biết bao nhiêu chặng, tôi mới đến được vùng quê heo hút nghèo khó của một huyện miền núi ở Nghệ An. Khi tìm đến được ngôi làng trước đây gia đình anh sinh sống, tôi đã chết lặng người khi chứng kiến phần đầu tiên của bi kịch cuộc đời anh, cũng chính là cuộc đời của tôi.

Gia đình anh L.V.T. không còn ai ở làng nữa. Chỉ còn lại một bà cô nghèo, không lấy chồng ở vậy một mình trông nom hương khói cho nội tộc. Chính bà cô họ ấy đã rưng rưng nước mắt kể cho tôi nghe ngọn ngành.

Năm đó, chỉ cách độ 1 tháng, gia đình của T. vừa nhận được thư của con trai báo về cho cha mẹ và vợ con rằng T. đang chuẩn bị lên đường hành quân vào chiến trường B sau đợt huấn luyện dài 4 tháng. T. ở trong một đơn vị huấn luyện đặc công, bức thư kể tỉ mỉ về nỗi háo hức của T. sắp được ra chiến trường trực tiếp chiến đấu với quân thù. T. là con cả trong một gia đình đông anh em, 3 gái, 2 trai.

Trước khi nhập ngũ, cha mẹ bắt anh cưới vợ để nhỡ ra có chuyện gì xấu xảy ra với T. thì nhà còn có chút đích tôn mà báo hiếu với tổ tông. Khi T. nhập ngũ thì vợ đã có thai được 5 tháng. Khi T. lên đường hành quân đi B thì cũng vừa hay tin, vợ T. sinh được thằng con trai kháu khỉnh. Vì thế, tinh thần của T. càng thêm phấn khởi, chỉ mong mau mau vào chiến trường, lập công giết được nhiều giặc Mỹ để ăn mừng sự kiện anh có con trai.

Thế nhưng không hiểu sao, chỉ 1 tháng sau, địa phương và gia đình nhận được một cái giấy báo từ phía đơn vị rằng T. đã đào ngũ, hiện giờ không có mặt tại đơn vị nữa. UBND xã đã tổ chức một cuộc họp mời gia đình T. đến dự và thông báo cho toàn thể bà con nhân dân trong làng về việc T. bỏ đơn vị đi đâu mất tích ngay trong cuộc hành quân. Xã kiểm điểm sâu sắc thái độ của T. và qua đó cũng đã kiểm điểm gia đình T., bố mẹ và vợ của T. đã không giáo dục T. bản lĩnh chính trị vững vàng, để xảy ra chuyện đáng tiếc. Đồng thời giao cho dân quân xã theo dõi động tĩnh ở phía gia đình T., nếu thấy T. trở về thì phải trình báo với xã ngay để động viên T. quay lại đơn vị.

Sau cuộc họp nặng nề ấy, không chịu nổi lời xì xầm bàn tán nhỏ to và ánh mắt ghẻ lạnh của những gia đình có con đi bộ đội. Cả việc hầu như tháng nào ở xã cũng nhận được giấy báo tử của trai làng đi bộ đội, và tổ chức những buổi lễ truy điệu lặng lẽ trong nỗi đau thương tột cùng của mọi người trong làng, bố T. phẫn uất nhục nhã mà thắt cổ tự vẫn.

Cha chết, chồng mang tiếng là đào ngũ không trở về, vợ T. sau một thời gian dài cầm cự ở làng, rồi không chịu nổi điều tiếng, không chịu nổi không khí trong làng một bên là những người lính thực sự đi chiến đấu và hy sinh ở chiến trường, một bên là chồng mình bặt vô âm tín, lại còn mang tội đào ngũ, vợ T. đã ôm con bỏ đi biệt xứ, chẳng ai biết là đi đâu. Còn lại một mình mẹ T. là vẫn cầm cự, vẫn một mực khẳng định, con trai bà là một chàng trai dũng cảm, nó không thể đào ngũ, nếu nó còn sống nhất định nó sẽ trở về.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, khi cả ba cô con gái đã lấy chồng, thằng con trai thứ hai nhập ngũ rồi hy sinh ở chiến trường B, nỗi nhục trong một gia đình có con đào ngũ cũng đã vơi bớt. Sau giải phóng năm 1975, mẹ T. quyết định chống gậy đi tìm con trai. Bà báo cáo với xã, nói với các con, với bà con chòm xóm rằng, nếu bà không tìm được thằng T. trở về, bà chết không nhắm mắt.

Sau này, một số người biết chuyện đã kể lại rằng bà T. đã không đủ sức đến những nơi bà muốn đến, đó là các trại thương binh hay bất cứ chỗ nào có bộ đội, có những người lính thuộc đơn vị cũ của con trai bà, để hỏi cho ra lẽ. Hành trình dài với người mẹ đã trên 70 tuổi không chở nổi ước vọng mãnh liệt của bà là tìm bằng được đứa con yêu dấu của mình lưu lạc nơi nào, nếu có chết cũng phải có một nghĩa trang nào đó lưu danh tên tuổi của con bà. Bà đã không thể đi đến cùng trời cuối đất, bà T. đã gục chết trên một chuyến xe tốc hành.

Những người đồng hành trên chuyến xe của bà chỉ biết bà là một người mẹ đi tìm con, họ không biết bà ở đâu nên đã an táng cho bà ở ngay bên một cái nghĩa trang ở Quy Nhơn. Bà cô già kể trong nước mắt, rằng gia đình các con làm ăn lưu lạc, chưa ai có điều kiện để vào Quy Nhơn bốc mộ mẹ về an táng nơi quê nhà. Còn chuyện của T., sau khi bà mẹ chết, từ đó không còn một ai hay biết tin tức về T. nữa. Câu chuyện về T. đã bị quên lãng cho đến một ngày tôi trở về làng và hỏi thăm T.

Thưa các anh, các chị. Thật sự tôi đã chết điếng người khi biết được những bi kịch đau lòng của người chiến sỹ mà tôi đã lấy bộ quân phục của anh. Và cái bi kịch đau đớn ấy không phải ai khác mà nguyên nhân là do tôi.

Trời ơi, ngay lúc đó, nghe chuyện của bà cô già kể, tôi đã phải chạy ra sau vườn để khóc. Những ám ảnh quá khứ, cho dù tôi đã dốc lòng cầu nguyện thì giờ đây bất chấp tất cả đã trở thành sự thật, giáng xuống cuộc đời tôi trong cuộc truy đuổi của số phận không biết đâu là điểm dừng. Tôi thấy đất dưới chân mình sụm xuống, bao nhiêu dự cảm, hy vọng và sợ hãi đã bất ngờ ập đến, đốn ngã tôi trong phút chốc. Tôi cảm nhận đến tận cùng nỗi cay đắng của cuộc đời mình. Tôi không thể nói gì hơn, tôi còn biết làm gì nữa.

Tôi hỏi thăm địa chỉ của vợ T. để đến thăm hai mẹ con cô ấy nhưng cô ấy đã ôm con bỏ làng ra đi từ bấy đến nay không biết đi đâu. Tôi có lên UBND xã và hỏi về việc T. bị kết tội đào ngũ. Tôi đã không biết nói gì hơn khi giấy trắng mực đen của đơn vị T. báo về địa phương là T. đào ngũ. Không tìm được T. lúc này, tôi biết nói gì đây, ai có thể tin tôi, một người xa lạ không có lấy một bằng chứng trong tay.

Mười hai ngày phép của tôi đã hết. Tôi trở lại cơ quan làm việc, trong lòng vô cùng buồn bã. Thú thực lúc này, tôi không đoán định được T. còn sống hay đã chết. Nếu T. hy sinh ngay trong đêm ấy ven bờ sông Gianh thì phải có giấy báo tử về địa phương và cơ quan. Cho dù đào ngũ hay không đào ngũ thì cũng phải có giấy báo về việc chết. Đằng này chỉ báo là đào ngũ chứ không phải là mất tích. Vậy chắc chắn, T. còn sống, T. bị thương nặng nên đã được đưa vào một trạm phẫu nào đó ở chiến trường, và do nhìn thấy bộ quần áo thường dân T. mặc trên người, cùng với thẻ quân nhân nên ở đó người ta mới phán đoán là T. đào ngũ nhưng bị trúng đạn, người ta sẽ báo về cho đơn vị, và đơn vị báo về cho địa phương.

Vậy thì chắc chắn, những trạm phẫu dã chiến ở khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình chắc chắn người ta đã tiếp nhận trường hợp của T. Hy vọng dẫu le lói nhưng cũng đủ thắp lên niềm tin mãnh liệt trong tôi. Tôi quyết tâm bằng mọi giá, phải tìm được T., người chiến sỹ đã cùng tôi bị thương trong đêm hỗn chiến đó, người đã bị tôi tước đoạt bộ quần áo bộ đội và bỏ anh ta lại trong vòng xoáy của cuộc đời.

Những năm tháng trở về sau chiến tranh, do làm việc tích cực, uy tín của tôi rất cao ở trong nhà máy dệt. Từ công việc của một Trưởng phòng Tổ chức, tôi được đề bạt lên làm Phó Giám đốc và rồi là Giám đốc nhà máy dệt, Bí thư Đảng ủy cơ quan. Nói chung tôi rất có uy tín trong cơ quan. Hễ ai là con gia đình thương binh, liệt sỹ không có công ăn việc làm, đến cơ quan tôi, nếu tìm gặp được trực tiếp tôi, họ sẽ có ngay một cơ hội làm việc.

Tiếng lành đồn xa, uy tín của tôi lên đến cấp thành phố, UBND TP còn có ý điều động tôi rời khỏi nhà máy dệt lên làm việc trên Ủy ban nhưng tôi một mực chối từ. Tôi chỉ muốn xây dựng nhà máy dệt ngày một mạnh, tạo được thật nhiều công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, gia đình chính sách. Tôi không có ham ước và nguyện vọng gì hơn.

Thật ra, ổn định công việc rồi, tôi cũng muốn dành thời gian để đi tìm lại người chiến sỹ mà tôi đã nợ ông cả cuộc đời. Ngay năm sau đó, đợt phép thứ hai, tôi dành cả trọn vẹn 2 tuần về lại Quảng Trị và đến tất cả những nơi mà trạm cứu thương đã từng đóng ở đó để lần tìm T. Song việc đầu tiên của tôi là quyết tâm đến Quy Nhơn, ngay nghĩa địa bên cạnh QL1A, hỏi thăm bà con địa phương, những người đã an táng và coi sóc phần mộ của bà cụ. Tôi đã lặng lẽ xin phép bà cô tự tay bốc mộ của bà cụ về quy tập lại trong nghĩa trang của xã, an táng bà cụ ngay cạnh ông cụ.

Lần đó, tôi đã quyết tâm thu xếp nhờ bà cô già và chính quyền địa phương xây mộ cho hai ông bà. Tôi nói tôi là bạn của T., và tôi biết chắc, T. không đào ngũ, tôi sẽ đi tìm bằng được T. trở về để chứng minh anh ấy không phải là người lính hèn khi ra trận. Làm xong phần việc phải làm ấy, tôi mới trở ra Quảng Trị để lần tìm T.

(Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa – Civillawinfor)

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” TRÊN BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2008/7/52342.cand

TÔI CÓ MỘT NGƯỜI VỢ VĨ ĐẠI

hinh0027 Xuân Mậu Tý này, gia đình chúng tôi có một sự kiện rất trọng đại, con cháu tề tựu đông đủ vào dịp này để mừng cho vợ chồng tôi năm nay lên thượng thọ. Vợ chồng tôi đều bước sang tuổi 80. Nhân dịp này, tôi quyết định kể cho cả đại gia đình con cháu dâu rể một câu chuyện bí mật mà vợ chồng tôi giữ kín với các con bấy lâu nay.

Một câu chuyện riêng tư chỉ mình vợ chồng tôi biết định bụng sống để dạ, chết mang theo. Nhưng thú thật, bây giờ cả hai vợ chồng tôi coi như xuân này làm đám cưới kim cương rồi và tôi muốn viết ra nếu được đăng báo thì đây là món quà để tặng vợ tôi trong lễ cưới kim cương này.

Chuyện xảy ra cách đây cũng mấy chục năm rồi. Lúc đó, tôi là bộ đội phục viên về làm công tác kiểm lâm trên huyện. Vợ tôi là một cô giáo dạy học cấp 1 ở trường làng, có một người bạn gái tên là Lệ, ít hơn 10 tuổi, là cán bộ nông nghiệp ở xã. Vợ tôi coi Lệ như chị em, thân nhau như người cùng một nhà. Những năm tháng ấy, chồng Lệ và tôi đều đi công tác ở chiến trường xa, vợ tôi và Lệ thường qua lại thăm nom và chăm sóc nhau, giúp đỡ nhau chân tình. Số phận của Lệ khá bất hạnh.

Lệ lấy chồng, chưa kịp có mụn con thì chồng đi chiến trường biền biệt. Chờ đợi chồng 10 năm để rồi nhận được giấy báo tử của chồng. Từ bấy trở đi, Lệ sống trong âm thầm, không đi bước nữa. Ngày tôi phục viên về nhà, trong bữa cơm liên hoan gia đình, Lệ đã có mặt như một thành viên trong gia đình để cùng giúp vợ tôi tổ chức cơm nước mời bà con làng xóm. Cuộc sống cứ như thế trôi đi, tôi và vợ tôi trước khi nhập ngũ đã có với nhau 3 đứa con, sau này khi rời quân ngũ về, tuổi vợ tôi cũng đã cao, ngoài ba mươi nên chúng tôi không sinh thêm đứa con nào nữa.

Việc đi lại của Lệ trong gia đình tôi đã làm nảy sinh một chuyện vô cùng khó nói. Không biết có phải vì một chút yếu mềm không, hay vì thương cho hoàn cảnh của Lệ mà tôi đã đem lòng yêu Lệ lúc nào không hay. Việc tôi có tình cảm với Lệ không phải do đã chán vợ, hay cuộc sống riêng của tôi không bằng an. Tôi đã yêu Lệ mà không lý giải nổi vì sao ông trời lại đưa chúng tôi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Lúc đầu Lệ cũng trốn tránh tình cảm của tôi vì cảm thấy có tội với vợ tôi, nhưng tình cảm giữa đàn ông và đàn bà là một thứ tình ái ma lực mà không một ai trong cuộc đủ sức để cưỡng lại được.

Chúng tôi lén lút yêu nhau, lén lút gặp gỡ nhau. Lúc đó tôi chỉ có thể lấy lý do để biện hộ cho hành động tội lỗi của mình là tôi làm thế vì thương Lệ và muốn bù đắp cho Lệ phần thiệt thòi. Thế rồi Lệ có thai, điều mà cô ấy vô cùng ao ước. Lệ nói rằng chỉ xin tôi một đứa con rồi sẽ đi làm ăn xa, đi biệt tăm biệt tích khỏi nơi đây để tránh tai tiếng cho cả tôi và Lệ, và cũng là để giữ gìn hạnh phúc cho vợ chồng tôi.

Thế rồi mang trong người mầm thai đã ba tháng, Lệ quyết định bỏ đi biệt xứ. Trước khi đi, Lệ có lên nhà tôi để từ biệt vợ chồng tôi. Không ai có thể hiểu được hoàn cảnh trớ trêu chua xót của tôi lúc ấy. Một thằng đàn ông đã lừa dối vợ, phản bội vợ để ngủ cùng với cô bạn gái thân nhất của vợ. Đến khi cô ấy có thai, buộc lòng phải ra đi vì bảo toàn danh dự cho tôi, trong lòng tôi đau đớn đến không thể nào tả nổi.

Một người lính vào sinh ra tử, không sợ cái chết, thế mà vì một phút mềm lòng đã trở nên hèn mạt và đáng giận bao nhiêu. Chao ôi, phút giây chia tay đau xé lòng mình. Vợ tôi không hay biết chuyện gì cả. Cô ấy đã thuyết phục Lệ đừng bỏ quê ra đi, thân cô thế cô rồi biết xoay xở ra sao để sống. Hôm ấy ngồi với vợ tôi, Lệ chỉ một mực cúi đầu khóc mà không nói năng được câu gì.

Mặc cho vợ tôi khuyên giải, sáng sớm hôm sau, Lệ vẫn nhất quyết ra đi. Sau khi đi dạy về, lên nhà tập thể để tìm Lệ, biết cô ấy đã bỏ quê đi thật, vợ tôi nước mắt nước mũi ròng ròng chạy về nhà giục tôi chở cô ấy lên bến xe tìm Lệ để đưa cô ấy trở về. Tôi không thể làm theo lời vợ được. Một mình vợ tôi tong tả đạp xe đi tìm Lệ, nước mắt nước mũi rơi lã chã. Đến trưa đứng bóng, vợ tôi mới về, đầu tóc mặt mũi phờ phạc. Vợ tôi cho hay cô ấy đã đi chuyến xe sớm lên Tây Bắc. Công việc đứng lớp không cho vợ tôi có thời gian để đi tìm người bạn thân thiết của cô ấy.

Bốn tháng sau, đến kỳ nghỉ hè, vợ tôi nhất quyết nói với tôi rằng cô ấy sẽ đi tìm Lệ để đưa Lệ về nhà. Đêm trước khi quyết định đi tìm bạn, vợ tôi nằm bên tôi thủ thỉ: “Anh ơi, hoàn cảnh cái Lệ khổ lắm, chắc hẳn nó cũng có những nỗi khổ riêng không giãi bày được với ai nên mới tìm cách bỏ quê xa xứ như vậy. Em phải đi tìm bằng được Lệ, đưa Lệ về nhà mình. Nhà Lệ không còn một ai, mồ côi cha mẹ từ bé, Lệ sống thiếu thốn tình cảm, đưa Lệ về sống trong nhà mình cho có chị có em, thêm người thêm bát đũa cũng vui anh à”.

Đêm đó tôi nằm im lặng mà không nói được gì với vợ. Trong lòng tôi dâng lên một nỗi xót xa bóp nghẹt trái tim. Tôi đã làm gì với hai người đàn bà của tôi như thế này, tại sao tôi lại lừa dối vợ, phản bội người vợ nhất mực thủy chung, hiền thảo của tôi. Tại sao tôi lại làm khổ thêm một người nữa là Lệ để giờ đây cuộc sống của tôi rơi vào vực xoáy đau đớn đến thế này. Vợ tôi bàn bạc với tôi đi cùng cô ấy để tìm Lệ về. Tôi đã hèn hạ khi một mực từ chối và viện đủ mọi lý do để không đi cùng vợ.

Tôi nói với vợ: “Em hãy để cho Lệ có cuộc sống riêng, đừng can dự quá sâu vào cuộc đời của cô ấy”. Vợ tôi nằm ôm tôi rấm rứt khóc. Tôi đã lạnh hết cả người khi nghe vợ nói: “Anh ơi, anh có biết vì sao cái Lệ phải bỏ quê ra đi không. Nó có thai rồi, nó muốn giữ đứa con cho mình sau này về già đỡ khổ. Nó đi vì không muốn một ai ở quê biết chuyện. Em thương Lệ lắm, bụng mang dạ chửa không có bà con họ hàng bên cạnh, nó sinh nở làm sao, xoay xở ra sao để sống được chứ. Mặc kệ anh không đi tìm Lệ để đưa nó về thì em đi một mình vậy”.

Chuyến đi của vợ tôi kéo dài 10 ngày. Mười ngày hôm sau, vợ tôi trở về nhà cùng với Lệ lúc này bụng đã vượt mặt. Nhìn cô ấy xanh xao, gương mặt vàng bủng vì những cơn sốt rét do thay đổi chỗ ở và khí hậu miền núi, tôi đã phải quay đi giấu nước mắt. Lệ nói với tôi: “Chị Thương lên tìm em và bắt em trở về. Nếu em không chịu về, chị ấy nhất quyết ở lại để chăm sóc em lúc em sinh nở. Em không còn biết làm gì nữa, thôi đành tuân theo số phận vậy. Em chỉ xin anh đừng để chị biết chuyện, đừng để chị phải đau lòng. Em mang tội lớn với anh chị”.

Cuộc sống nội tâm của tôi kể từ ngày Lệ trở về vô cùng phức tạp và giằng xé. Trái với những giày vò đau đớn vì mặc cảm tội lỗi, tình yêu thương đối với Lệ lại bùng phát dữ dội làm cho tôi sống trong trạng thái mất cân bằng. Vợ tôi không hay biết những gì đang diễn ra trong chồng mình và người bạn gái thân, cô ấy vui vẻ ra mặt, lúc nào cũng tíu tít cười đùa và đi chợ sắm sửa cho Lệ tất cả mọi thứ cần thiết để chuẩn bị sinh nở. Ngày Lệ sinh em bé, đưa hai mẹ con về nhà, một tay vợ tôi chăm sóc cho mẹ con Lệ.

Khi thằng Phúc, con của tôi và Lệ tròn 1 tháng tuổi, vợ tôi tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên ông bà và thưa với họ hàng xin phép cho thằng Phúc được mang họ tôi và là con nuôi của vợ chồng tôi. Lúc này các con của tôi cũng đã lớn, các cháu rất thương cô Lệ và em Phúc, và xem hai mẹ con là những thành viên ruột thịt trong nhà.  

Cuộc sống gia đình êm ả cứ thế trôi đi, thằng Phúc mỗi ngày một lớn, cho đến một ngày, trong một đêm thao thức, vợ tôi nói với tôi một chuyện hệ trọng: “Anh ạ, em thấy thương Lệ lắm, tuổi xuân đang phơi phới mà chẳng chịu đi bước nữa. Hay là anh coi Lệ như em có được không, để cho Lệ cũng được hưởng những tình cảm mà nó thiếu thốn. Anh đừng lo, em không ghen gì đâu, em có tất cả, gia đình đề huề hạnh phúc, Lệ chỉ có mỗi đứa con. Đàn bà ở tuổi của Lệ mà không có hơi ấm của đàn ông rồi cũng dễ héo mòn đi. Thôi anh cứ xem như em cưới Lệ về làm bà hai cho anh vậy. Em thương Lệ lắm, muốn san sẻ tình cảm cho Lệ, chỉ mong anh chấp nhận”.

Tôi bàng hoàng trước lời đề nghị của vợ tôi. Và số phận cứ thế như một sự sắp đặt kỳ lạ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, không một ai biết một cách rõ ràng rằng cuộc sống của tôi có hai người đàn bà cùng song song tồn tại với tư cách là vợ. Những năm tháng đó, cuộc sống sinh hoạt giữa tôi và vợ tôi hầu như rất thưa thớt vì vợ tôi cũng đã ngoài 50 tuổi, nhu cầu không còn nhiều.

Cuối cùng vợ tôi đã từ chối hẳn tôi, thay vào đó là sự vun vén cho tôi và Lệ. Chúng tôi đã có thêm được 10 năm hạnh phúc. Cuộc đời Lệ thật bất hạnh, căn bệnh ung thư quái ác đã ập đến và mang Lệ đi rất nhanh. Từ khi phát bệnh cho đến khi Lệ mất vừa tròn 30 ngày.

Ngày Lệ mất, cả tôi và vợ tôi vô cùng đau khổ, vợ tôi ngất lên ngất xuống như mất đi chính một người ruột thịt trong gia đình. Có một chuyện khiến tôi còn bàng hoàng hơn, trước khi Lệ mất, phút lâm chung, thấy nước mắt của Lệ cứ chảy giàn giụa không thôi, vợ tôi đã cúi xuống thì thầm với Lệ rằng: “Em ơi, cứ yên tâm mà nhắm mắt. Thằng Phúc đã có chị lo, thằng Phúc là giọt máu của chồng chị. Chị biết hết cả, biết từ ngày em bỏ quê ra đi. Chính vì biết nó là giọt máu của gia đình chị nên chị mới đi tìm em đưa em về đây. Thằng Phúc cũng là con trai của chị. Chị thương em lắm, em hãy an lòng thanh thản mà nhắm mắt”.

Nghe vợ tôi nói xong câu ấy, Lệ nấc lên ba lần rồi tắt thở. Sau khi Lệ mất, vợ tôi cũng gầy xọp đi, sức khoẻ sa sút rất nhiều. Mỗi một lần nhìn bà ấy chăm sóc và yêu thương thằng Phúc, tôi đã tự hỏi vợ tôi là người trần hay là một vị tiên nữ giáng thế mà ông trời đã ban phước cho cuộc sống của tôi.

Đến bây giờ thằng Phúc cũng đã có công việc ổn định và yên bề gia thất. Tôi và vợ tôi đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Nói thật, càng sống cùng với vợ tôi, tôi càng cảm thấy mình chưa bao giờ hiểu hết bà ấy, nhất là tâm hồn sâu sắc, tấm lòng bao dung độ lượng và giàu tình yêu thương hơn những gì mà tôi nhận biết. Cùng với thời gian, tôi càng kính trọng bà ấy hơn, một thứ tình cảm còn thiêng liêng và cao đẹp hơn tất cả những thứ tình cảm chồng vợ cộng lại. Tôi không thể nào cắt nghĩa được những gì vợ tôi đã làm cho Lệ và cho chồng mình, tôi cũng không thể so sánh được tình yêu thương của một người vợ dành cho chồng ở vợ tôi có thể ví thâm sâu như biển rộng, bao la như trời cao.

Đã rất nhiều lần tôi muốn làm một điều gì đó, có một món quà gì đó thật đặc biệt để tặng vợ tôi, bày tỏ tình cảm sâu sắc tôi dành cho vợ mà không sao nghĩ ra được. Tự thấy món quà nào cũng trở nên tầm thường và không sánh nổi với tâm hồn cao thượng và vĩ đại của vợ. Cuối cùng thì tôi cũng nghĩ ra một món quà tặng vợ trong lễ mừng thượng thọ, đó là viết ra câu chuyện của gia đình tôi để gửi lên quý báo. Nếu câu chuyện của tôi được đăng thì tôi là người chồng hạnh phúc nhất bởi cuối cùng tôi cũng tìm ra được món quà ý nghĩa để tặng cho người vợ yêu quý của mình.

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” TRÊN BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2008/2/52077.cand

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI

 N.L.Đ

Mọi bi kịch của cuộc đời tôi từ khi người chồng đầu tiên của mẹ tôi là một chiến sỹ cách mạng không trở về. Ông tham gia cách mạng từ năm 1930-1931, bị lưu đày ở Côn Đảo rồi tham gia vượt ngục và hy sinh giữa trùng khơi. Lúc đó mẹ mới có mỗi chị gái tôi, bà sống rất cực bởi những hiềm khích của chính quyền sở tại lúc bấy giờ vì bà là vợ của một Cộng sản, bản thân mẹ tôi cũng tham gia hoạt động cách mạng.

catdonsa-mequeChồng mất, mẹ tôi khủng hoảng tinh thần, lại thêm chuyện suốt ngày bị theo dõi, mẹ bỏ tổ chức, nản lòng nhắm mắt đi bước nữa với cha tôi, ông là một người thuộc con dòng cháu giống đã thi đỗ Tam trường. Trước khi lấy mẹ tôi, ông đã có 2 vợ và 8 con. Mẹ tôi là người phụ nữ nhan sắc, ông đã để mắt từ lâu. Mẹ về làm vợ cha tôi, sinh thêm 2 anh em. Tôi là con út ít của bà.

Mẹ tôi chấp nhận làm lẽ ông Hội đồng tỉnh, chỉ mong tìm được cuộc sống bình yên, để được bảo lãnh khỏi bị Tây trả thù. Cuộc sống đầm ấm không được bao lâu thì cha tôi bị một tai nạn chết bất đắc kỳ tử khi tôi mới tròn 5 tuổi. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cả đất nước đổi đời. Nhưng do những điều kiện riêng tư và rất đặc thù, cuộc sống của mấy mẹ con tôi lại thêm một lần nữa rơi vào cảnh khốn đốn. Bố mất, gánh nặng gia đình dồn đổ lên vai, mẹ quang gánh chạy chợ buôn bán lặt vặt: “Đòn triêng cán cổ chợ Lường, chợ Gay/ Bán buôn dăm mớ trầu cay/ Cau dăm ba chục, vỏ chay mấy vòng”.

Một thanh niên cường tráng, có nghị lực, có học hành không được thỏa chí tung hoành khi đất nước lâm nguy, khi mà câu cửa miệng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” làm cho tôi rất buồn nản, bất đắc chí. Người yêu tôi cũng mệt mỏi vì số phận long đong của tôi nên đã sang ngang đi lấy chồng. Buồn tủi và uất chí, tôi phó mặc sống chết, không bao giờ xuống hầm mặc cho bom rơi đạn nổ.

Có một lần tôi suýt chết vì một quả bom sát thương 5 tạ thuốc nổ rơi cách chỗ tôi 15 mét, làm cho kho thóc hợp tác xã và ngôi nhà của mẹ con tôi cạnh đó chỉ còn là một đống nát vụn. Tôi bị sức ép, thổ huyết mũi, mồm, hậu môn. Mẹ tôi ôm tôi khóc, van xin tôi phải sống cho tử tế, cho nên người, bởi nếu tôi có bề gì mẹ sống không nổi.

Sau ba tháng hoàn hồn, tôi xin mẹ 100 đồng và quyết ra đi. Mẹ tôi không hỏi tôi đi đâu, làm gì, bà lần ruột tượng đưa tiền cho tôi và khóc. Mẹ nói: “Ra đi tìm đường ráng sống cho đàng hoàng nghe con. Mẹ chờ con trở về”.

Đó là một đêm tối trời, lạnh lùng, mưa dầm gió bấc cuối năm 1966. Tôi cuốc bộ theo quốc lộ số 7 về điểm Okm trong tiếng bom ầm vang và pháo sáng Mỹ rọi đường. Tôi đi được 42km, mệt quá ngã mình trong căn nhà vô chủ cạnh đường 1A, gần cầu Bùng, bấy giờ vào khoảng 4h sáng. Nằm bắc tay qua trán trằn trọc không biết đi đâu về đâu thì một tốp dân quân khoác súng đi tuần tra vào kiểm tra giấy tờ.

Tôi không có giấy tờ tùy thân nên họ buộc tôi phải trở về nơi xuất phát nếu không muốn bị bắt vì tôi không chứng minh được mục đích đi đâu, thân nhân thế nào nên không thể biết chắc tôi là thường dân, hay biệt kích, gián điệp của Mỹ – quân đội Sài Gòn”.

Sau một tiếng đồng hồ giải thích, khuyên bảo tôi, gần sáng, họ đưa tôi ra đường và bảo tôi cứ ngược Lường theo hành lang đường 7 mà trở về nhà. Tôi vâng dạ, đi được một lúc rồi nép mình suy nghĩ. “Quay 180 độ vào Nam, nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Nếu không được cống hiến mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước, thân làm trai như tôi cảm thấy nhục và buồn lắm. Nghĩ thế, tôi càng quyết tâm ra đi. Đường dưới chân, bạ đâu là nhà, ngã đâu là giường, cứ thế tôi đi mải miết.

Thế rồi số phận đã đẩy tôi đến một quyết định táo bạo thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi đi đến bờ sông Gianh, trong một đêm tranh tối tranh sáng cùng bộ đội và thanh niên xung phong bị máy bay và tàu chiến từ ngoài biển của giặc oanh kích cấp tập, tôi bị thương khá nặng trong đám hỗn quân đó. Trước khi mê man bất tỉnh, tôi còn đủ tỉnh táo để thực hiện một kế hoạch kinh khủng nhất.

Bên cạnh tôi, có một đồng chí bộ đội bị thương rất nặng, chỉ còn thoi thóp thở, tôi đã lạy đồng chí ấy mấy lạy và bảo: “Đồng chí ơi, đằng nào đồng chí cũng không sống được, trường hợp đồng chí mất tích trong chiến tranh gia đình vẫn được hưởng chế độ liệt sỹ, còn tôi, tôi không có cơ hội nào cả nếu đồng chí không cho tôi xin bộ quần áo bộ đội mà đồng chí đang mặc, tôi sẽ không có cơ hội đi đánh giặc. Tôi muốn vào quân đội, muốn được phục vụ Cách mạng, đồng chí ơi”.

Tôi nói vậy rồi cởi bộ quân phục trên người của đồng chí bộ đội ấy và đổi quần áo của tôi cho anh ta. Làm xong việc ấy tôi mê man luôn. Không biết bao lâu sau nữa thì tôi tỉnh lại. Tôi thấy mình đang nằm trong một lán trại rất nhiều thương binh đang điều trị. Hỏi ra mới biết tôi đang được điều trị tại trại an dưỡng thương binh T V- D T- Hà Nam.

Khi tỉnh lại, các đồng chí ở trại an dưỡng đã đề nghị tôi khai lại lý lịch quân nhân vì trong lúc bị thương, tôi mất hết ba lô giấy tờ. Trong chiến tranh bom đạn hỗn loạn, việc một người lính đi lạc đơn vị, hay mất hết giấy tờ là chuyện có thể hiểu được, thông cảm được. Vì vậy cơ hội ngàn vàng đã đến với tôi.

Tôi khai lại lý lịch quân nhân và được cấp thẻ thương binh tạm thời. Sức khỏe hồi phục tôi xin được khoác ba lô trở về đơn vị cũ. Tôi kịp ghi lại số thẻ quân nhân, đơn vị của người lính kia nên khi khai, tôi khai đúng đơn vị đó và bịa ra là đơn vị tôi đang chiến đấu ở Quảng Trị.

Lần này, tôi trở lại sông Gianh với tư cách là một người lính thực thụ. Trong lòng tôi vừa sung sướng vừa tự hào, lại vừa day dứt khi nghĩ đến số phận của người lính đã bị tôi đánh tráo bộ quân phục. Song niềm tin rằng đồng chí ấy nếu sống thì sẽ tìm lại được đơn vị cũ, nếu chết thì chắc chắn trường hợp mất tích trong chiến tranh thể nào cũng được chế độ là liệt sỹ cho nên tôi cũng an lòng. Với lại, thẻ quân nhân của đồng chí, tôi vẫn để trên túi áo ngực, không thể nào có chuyện gì xấu xảy ra với đồng chí ấy.

Đến Thanh Hóa, tôi gặp một đơn vị bộ đội đang hành quân vào phía Nam, tôi xin gia nhập đoàn quân. Tôi báo cáo với các anh Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng ở đó rằng đơn vị tôi đang trên đường hành quân vào phía Nam thì tôi bị thương, được đưa ra Bắc chữa trị. Bây giờ tôi bị lạc đơn vị không biết đâu nữa mà tìm. Các anh vui vẻ nói với tôi: “Người lính cầm súng chiến đấu thì đơn vị nào cũng có thể trở thành ngôi nhà của mình. Đồng chí cứ ở đây, để tôi báo cáo lên cấp trên cho phép đồng chí được gia nhập quân số vào đây”.

Vậy là tôi gia nhập vào đoàn quân tiến vào chiến trường Tây Nguyên tháng 4/1967 và đến tháng 8/1967 thì tôi đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên. Vốn sẵn thông minh, nhanh nhẹn, với lòng dũng cảm tôi làm quen với súng đạn rất nhanh và trở thành một người lính chuyên nghiệp thực thụ chiến đấu trên khắp chiến trường Tây Nguyên.

Cứ thế tôi tiến sâu vào chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tôi được đề bạt lên Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi tiếp tục xung phong theo đơn vị tình nguyện đi chiến đấu ở Campuchia. Tôi tiếp tục lăn lộn trên khắp chiến trường lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1980, tôi bị thương nặng lần thứ hai và được trực thăng đưa về bệnh viên quân đội ở TP Hồ Chí Minh chữa trị.

Ra viện, tôi xin chuyển ngành và được phân công công tác ở phòng tổ chức nhân sự của nhà máy Dệt ở TP Hồ Chí Minh. Trước khi vào làm việc, tôi khoác ba lô ngược đường ra Bắc về thăm nhà.

Vậy là sau 15 năm, kể từ ngày tôi lầm lũi ra đi trong sự bế tắc khủng hoảng, bây giờ tôi mới có dịp trở về nhà, đàng hoàng và ngẩng cao đầu. Suốt 15 năm ấy, nén nỗi nhớ thương mẹ, thương anh, không dám viết thư về nhà, không một dòng tin tức vì ám ảnh trong tôi là một nỗi sợ mơ hồ, sợ chính quyền địa phương ở nhà sẽ lật tẩy lý lịch của tôi. Thật ra tôi cũng đã quá ấu trĩ trong suy nghĩ non nớt vụng dại ấy.

Lẽ ra tôi phải viết thư về cho mẹ, báo cáo với chính quyền tôi đã gia nhập theo những người lính hành quân vào chiến trường rồi, thì không có vấn đề gì cả. Tất cả chỉ là do tâm lý lo sợ của tôi. Chính sự bưng bít giấu giếm của tôi khiến ở nhà mọi người nảy sinh nghi ngờ tôi đi theo địch. Điều đau đớn hơn cả, mẹ tôi không chịu nổi lời thị phi, đời bà cũng đã đau khổ quá nhiều rồi, sống lay lắt được mấy năm mỏi mòn chờ đợi tin của tôi, bà đã sinh bệnh rồi mất.

Khi tôi trở về, mẹ đã mất được 5 năm, quê hương làng xóm đã thay đổi. Xã đứng ra tổ chức một cuộc liên hoan bánh kẹo rất to ở ngay trụ sở UBND xã để đón tôi, ăn mừng tôi, một người con của xã đã vượt lên số phận trở thành một dũng sỹ diệt Mỹ mang lại niềm tự hào cho quê hương, làng xóm nay đã trở về.

Tôi ở lại thăm mộ mẹ, thắp hương cho bố, cho gia tộc, thăm thú họ hàng đúng 1 tháng rồi mới khăn gói trở vào Nam. Tôi làm việc tốt trở thành phó giám đốc, rồi lên giám đốc nhà máy. Tôi luôn ưu ái tất cả những ai là con em thương binh liệt sỹ, hay những quân nhân rời quân ngũ tôi đều nhận vào nhà máy và tạo cho họ một công ăn việc làm. Và cũng là để trả ơn một người lính mà tôi không nhìn rõ mặt đã cho tôi một cơ hội đổi đời.

Một năm sau, tôi lấy vợ sinh con. Vợ tôi là một thợ dệt trong nhà máy. Chúng tôi có hai con, một trai một gái. Khi đã ổn định cuộc sống, chỉ sau đó 3 năm, năm 1983 tôi bắt đầu hành trình tìm lại người lính năm xưa đã cứu cả cuộc đời tôi, người lính mà tôi đã tước đoạt của anh ta một phần sự thật.

Những năm tháng vào sinh ra tử, tôi hiểu một điều rằng, người lính sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, sẵn sàng chết trong vinh quang chứ không bao giờ chịu đầu hàng địch, không chết nhục và sẽ đau khổ bao nhiêu nếu bị hiểu lầm. Trong thẳm sâu mơ hồ, tôi sợ việc tôi xin bộ quân phục năm xưa của người lính bị thương nặng, rất có thể vì một lý do nào đó, ví như tôi để thẻ quân nhân của anh không cẩn thận trong túi áo ngực, hoặc lỡ ra loạn lạc như vậy anh thì bị thương nặng, rơi mất thì sao, hoặc ti tỉ những lý do nào đó mà người lính ấy mất đi tất cả thì cuộc đời tôi làm sao có thể thanh thản và hạnh phúc được. Vì thế tôi đã quyết tâm lần theo trí nhớ, đi tìm lại người lính ấy, cho dù anh ta có thể đã hy sinh trong khoảnh khắc đó rồi. Nếu vậy, bằng mọi giá tôi cũng sẽ tìm về đến nhà anh, cúi đầu lạy anh trước bàn thờ.                   

                            Kính thư N.L.Đ

SOURCE: CHUYÊN MỤC “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” TRÊN BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2008/6/52309.cand

TÔI KHÔNG THỂ THA THỨ CHO MÌNH

9103_1211902064 NVX

Trước khi kể ra câu chuyện của đời mình, tôi xin được bày tỏ sự sám hối trước tất cả mọi người, những người thân trong gia đình tôi, vợ tôi, các con tôi và với những người phụ nữ mà tôi đã trót mang lại đau khổ cho họ…

Tôi không cầu xin sự tha thứ, bởi trong trường hợp của tôi, tha thứ chẳng có nghĩa gì cả, cái quan trọng là tôi đã mang nặng trong lòng sự sám hối này suốt cả cuộc đời tôi rồi, và tôi rất đau khổ. Chỉ có cái chết, sự giải thoát cuối cùng may ra mới cho tôi sự thanh thản.

Tôi vốn là một sinh viên Trường Đại học B.K Hà Nội. Năm thứ 4 đại học, tôi nhập ngũ, vào chiến trường trong dịp huy động tổng lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước khi đi B (vào Nam), đơn vị tôi đóng quân huấn luyện ở S.T 4 tháng. Chúng tôi đóng quân ngay trong một ngôi làng MĐ, tại đây chúng tôi được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm săn sóc chu đáo và hết mực nghĩa tình của những người dân trong làng.

Sau mỗi một ngày tập luyện vất vả, dân làng đã cử các cô thôn nữ gánh nước chè xanh, mang cơm, hoặc bất cứ thứ gì ăn được để bộ đội bồi dưỡng chuẩn bị đi B.

Tôi, một thằng sinh viên đẹp trai, đa tình, mơ mộng và ngỗ nghịch, vì chút bồng bột của tuổi trẻ mà thành ra đã đùa giỡn với tình yêu. Ngay sau tháng huấn luyện đầu tiên, tôi đã cưa đổ một lúc 3 cô thôn nữ ở ngay trong ngôi làng ấy.

Tình yêu ban đầu chỉ là những cảm giác rung động thầm kín, những tình cảm nảy nở đẹp đẽ và thánh thiện khác giới. Tôi lấy đó làm niềm hãnh diện, mang kể hết cho nhóm bạn bè.

Lúc đó, cánh lính sinh viên chúng tôi quan niệm rằng, đời lính chuẩn bị đi B, liệu có cơ hội để trở về hay không. Bởi thế hôm nay cứ biết sống hết mình, vui hết mình. Tôi đã cùng một lúc hẹn hò yêu đương với cả 3 cô thôn nữ. Cô nào tôi cũng cảm thấy tình cảm của mình chân thành, xuất phát từ trái tim. Tôi không biết tôi đã yêu ai nhiều hơn ai, chỉ biết rằng tôi đã yêu cả ba người con gái mà không thể gạt bỏ hay chọn lựa cho mình một ai hết.

Rồi thời gian huấn luyện 4 tháng thấm thoắt trôi nhanh, đến ngày chúng tôi lên đường vào chiến trường B. Cuộc chia tay bịn rịn nhiều nước mắt. Trong 3 đêm liền, tôi lần lượt hẹn hò chia tay với cả 3 cô gái tôi yêu.

Thật kỳ lạ, chính bản thân tôi cũng không thể kiểm soát được tình cảm của mình. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ yêu cho vui, kẻo mai mốt nếu không trở về thì cũng không ân hận vì đã nếm mùi đời tình yêu. Tất nhiên, mấy người bạn trong đơn vị của tôi đã khuyến cáo tôi không được phép làm khổ bất kỳ ai trong 3 cô gái mà tôi yêu. Và dù rất yêu cả 3 cô gái nhưng tôi vẫn nhắc nhở bản thân phải giữ mình trong sạch.

Đời lính đầy bất trắc, vì vậy, không được phép bỏ lại những hệ lụy cho những cô thôn nữ ngây thơ và trong trắng ấy. Nhưng thói đời, đã yêu, càng bập vào càng say. Tôi đã cố gắng giữ mình đến phút cuối của cuộc chia tay.

Tôi đã chia tay 2 cô gái trong 2 đêm trước đó. Cô gái nào tôi cũng khóc nức nở, cũng đau khổ đến tột cùng khi chia xa họ. Và tôi lắc đầu chối từ mọi ước hẹn. Chỉ nói rằng: “Lính mà em! Đừng đợi anh vì chưa biết đến ngày về. Cứ lấy chồng đi nếu gặp được duyên phận”.

Nhưng, trớ trêu thay cô gái trong đêm chia tay cuối cùng đã quyết liệt tự nguyện khi đòi được dâng hiến tình yêu cho tôi, dâng hiến thứ quý giá nhất của đời con gái.

Công bằng mà nói, tôi đã từ chối, dù đó là sự từ chối yếu ớt. Tôi nói với cô gái ấy rằng, tôi ra trận chưa biết có còn sống để trở về. Cô gái ấy đã khóc rất nhiều và nói với tôi cô không ân hận, cô mong muốn được làm điều đó, và nếu tôi không tiếc thân mình vì cứu nước thì cô có tiếc gì chút trinh tiết của người con gái đối với người yêu trước giờ ra trận. Và tôi đã trở thành một người đàn ông thực thụ trong đêm chia tay đáng nhớ ấy. Ra trận, tôi mang theo hình bóng của 3 cô gái với một nỗi nhớ nhung đau khổ.

Thế rồi, những người lính sinh viên chúng tôi bước vào một cuộc chiến thực sự khốc liệt với bom đạn, nước mắt và máu. Ngày mỗi ngày, chiến tranh dồn dập, các trận đánh liên miên, sự sống và cái chết, sự hy sinh của đồng đội đã không cho tôi còn nhiều thời gian, sự mơ mộng để nghĩ về những gì đã qua, về tình yêu và 3 cô thôn nữ tôi đã để lại phía sau cuộc chiến.

Sau này, trong những lần nghỉ ngơi hiếm hoi giữa hai trận đánh, tôi lần giở những kỷ niệm về họ, và nỗi nhớ ngày một trở nên mơ hồ hơn, vợi xa hơn. Tôi bước vào cuộc chiến một mạch 8 năm. 8 năm với biết bao sự thay đổi và biến cố.

Năm 1975, sau khi tiến vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng, tôi đã bị thương khá nặng. Một cánh tay tôi đã bỏ lại chiến trường. Tôi được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng. Cuộc đời cứ thế cuốn tôi đi trong những biến cố dồn dập.

Sau khi vết thương đã ổn định, tôi tiếp tục quay trở lại Trường Đại học B.K và hoàn thành nốt hai năm học cuối cùng. Tốt nghiệp đại học, tôi về công tác giảng dạy ở một trường ĐH trong thành phố. Chiến tranh vừa kết thúc, cuộc sống thời bao cấp với vô vàn những gian khó nhọc nhằn cứ thế cuốn tôi đi. Hình như tôi chẳng có lấy chút thời gian và tâm trí nào để suy nghĩ một cách nghiêm túc về tuổi trẻ của mình và tình yêu với 3 cô thôn nữ chục năm về trước.

Tôi lập gia đình khá muộn với một đồng nghiệp ở trong trường. Lúc này tôi đã ngoài 30 tuổi. Cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi, cho đến một ngày quá khứ đã tìm đến tôi, đòi tôi phải trả giá.

Đó là một ngày đau đớn nhất trong đời, khi tôi bước vào nhận lớp cho một khóa học mới. Lần lượt các em sinh viên vừa nhập học khóa mới đã đứng lên giới thiệu tên tuổi quê quán, tôi đã sững sờ trước một gương mặt giống tôi hồi trẻ như đúc. Linh cảm trào dâng, tôi cúi xuống và đọc luôn những dòng trích ngang trong hồ sơ của một sinh viên, tôi đã bàng hoàng chết lặng.

Cậu sinh viên đó tên là T, mẹ là NTH, người làng MĐ- ST, bố là NVX bộ đội mất tích ở chiến trường. Tôi nhìn vào họ tên của tôi, đơn vị huấn luyện của tôi ngày trước ghi ở phần bố mà choáng váng.

Tôi đã lục lại trí nhớ và linh tính có sợi dây ràng buộc bí ẩn giữa tôi và cậu sinh viên trẻ. Tôi đã quyết định tìm gặp ngay cậu sinh viên và hỏi hoàn cảnh gia đình.

Chao ôi, cái điều tôi linh tính, đã nghĩ đến, đã run sợ và hy vọng rằng xác suất chỉ là một phần nghìn thôi lại là sự thật và rơi đúng vào tôi trong một phần nghìn mỏng manh ấy. Cậu sinh viên đã thản nhiên kể cho tôi nghe rằng mẹ cháu yêu bố cháu là một người lính đóng quân ở trong làng. Sau đêm chia tay để bố đi B, mẹ đã có thai cháu.

Nhưng chiến tranh, bố cháu đi và không một hồi âm, không trở lại, mẹ lại có thai, ở làng, mọi người động viên mẹ chờ bố trở về và tổ chức lễ cưới cho mẹ mà vắng mặt bố. Từ bấy đến nay, mẹ không có tin tức gì của bố, mẹ ở vậy nuôi cháu khôn lớn mà không lấy ai cả.

Mẹ nói, cả đời mẹ chỉ có một tình yêu dành cho một người là bố cháu. Bố cháu cùng tên với thầy đấy ạ. Ở làng cháu, nhiều người như mẹ cháu, người yêu ra trận không về, thế là họ ở vậy không lấy chồng nữa thầy ạ.

Cậu hồn nhiên kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình mình mà như chuyện của ai đó. Cậu không biết rằng nó vừa gieo vào đời tôi một cơn bão khủng khiếp nhất. Và tôi run rẩy, mặt tái nhợt, tôi phải tựa lưng vào thành ghế để giúp mình khỏi khuỵu ngã. Tôi đau đến tê dại. Tôi đã đổ bệnh và ốm suốt mấy tháng trời sau buổi nói chuyện ấy.

Từ đó, tôi không thể vô tâm với giọt máu mà tôi đánh rơi. Tôi tìm mọi cách gần gũi cháu. Mỗi lần nhắc đến người bố chưa một lần biết mặt, cháu vẫn bình thản, vui vẻ và không có vẻ gì đau khổ hay hờn giận. Cháu cũng không tỏ vẻ cảm thấy bất hạnh khi mình sinh ra không có bố. Thậm chí cháu còn có vẻ tự hào khi bố là người lính chiến đấu ở chiến trường, cho dù người bố đấy chỉ là một hình ảnh không bao giờ hiện hữu có thực…

Đọc đến đây, chắc mọi người sẽ nói rằng tôi là một thằng đàn ông khốn nạn, một người lính có lối sống phóng túng, một thầy giáo không đủ tư cách để đứng trên bục giảng. Tất cả những điều đó là đúng và tôi đáng bị rủa nguyền hơn vạn lần thế nữa. Cuộc đời tôi trở nên bất hạnh kể từ ngày tôi gặp lại đứa con run rủi của số phận, đứa con tôi đã bỏ rơi vãi trong chiến tranh, trong tuổi trẻ phóng đãng của tôi.

Từ ngày đó, tôi sống trong những cơn ác mộng, trong nỗi sợ hãi âm thầm, trong khổ đau và day dứt tột cùng. Tôi đã cố gắng dành chút sức lực cuối cùng để quan tâm đến việc học hành và dạy dỗ đứa con vô thừa nhận của tôi. Tôi đã dành cho nó sự quan tâm đặc biệt, và cuộc đời trớ trêu thay, đứa con đẻ của tôi đã yêu quý tôi đến nỗi nó nhất quyết xin nhận tôi là bố nuôi và bao nhiêu tình cảm thiếu thốn của nó về người bố, nó đem trút sang tôi.

Tôi đã không thể chạy trốn những tình cảm ấy, tôi đã chấp nhận những cơn bão của số phận ập lên mình.

Sau khi cháu tốt nghiệp, tôi xin việc làm cho cháu ở Hà Nội, và dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, song lấy cớ sức khỏe yếu, tôi làm đơn xin nghỉ dạy. Cuộc đời của tôi từ ngày nhận ra đứa con rơi, cũng là nhận thêm bao nỗi giày vò khắc khoải.

Bao nhiêu lần đứa con rơi của tôi mời tôi về nhà thăm mẹ cháu, và cũng bao nhiêu lần cháu đưa mẹ lên tìm tôi để tạ ơn là bấy nhiêu lần tôi tránh mặt và khước từ sự gặp gỡ trong sự ngạc nhiên đến không hiểu nổi của hai mẹ con. Họ đâu hiểu rằng nếu gặp lại nhau, nhận ra nhau, mẹ con họ sẽ thất vọng và đổ vỡ đến nhường nào.

Sẽ đau khổ đến thế nào đây. Tôi không đủ sức để đối diện với sự thật cho dù cả tôi và cô gái năm xưa ấy giờ đều đã già. Thế nhưng mang một nỗi ân hận lớn đến mức không thể tỏ bày, chia sẻ hay giải tỏa, tôi đã âm thầm chịu đựng, đã dằn vặt đấu tranh với chính mình.

Tôi không đủ sức để trở về ngôi làng ấy, cho dù từ Hà Nội lên đó chỉ mất vài giờ đồng hồ chạy xe. Tôi sợ sẽ phải đối diện với sự thật, và không chỉ một sự thật đau lòng mà tôi khiếp hãi khi biết chắc chắn ở nơi đó có tới 3 sự thật đang chờ tôi, đang truy đuổi tôi, đang lên án tôi, đang tự vấn về lương tâm tôi.

Mọi người ơi! Hãy có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân mình ngay từ giây phút đầu tiên mà ta có mặt ở trên đời. Nếu không ta sẽ phải trả giá quá đắt, sẽ phải chịu đựng nỗi bất hạnh khủng khiếp mà ta không thể lường trước được.

Một lần nữa, tôi xin được tạ lỗi với tất cả những người thân trong gia đình tôi, xin hãy để cho tôi được giấu kín câu chuyện này trong lòng, để một mình tôi đau đớn thế là đủ. Tôi không thể tha thứ cho bản thân mình trước những hậu quả mà tuổi trẻ bồng bột của tôi gây ra.

Nhưng có một sự thật, một sự thật chính tôi cũng không thể lý giải nổi. Tôi đã rất yêu cả ba cô gái đầu tiên trong đời mình. Còn vì sao tôi có thể yêu cùng một lúc cả 3 người thì đến bản thân tôi cũng không thể lý giải được, không tha thứ cho mình được. Xin mọi người hãy lên án tôi đi, vì tôi đáng bị như thế.

SOURCE: CHUYÊN ĐỀ “CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT” TRÊN BÁO AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG

Trích dẫn từ: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyenkhotin/2008/4/52184.cand

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: