admin@phapluatdansu.edu.vn

HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Ở HẢI PHÒNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

PGS.TS. ĐỖ THỊ THẠCH – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

THS. DƯƠNG THỊ KIM TOAN – Trường Chính trị Tô Hiệu, Hải Phòng

Hôn nhân là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi con người, đó là việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng. Là việc riêng của mỗi cá nhân, song hôn nhân có ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, không chỉ của cá nhân, gia đình mà còn tới toàn xã hội. Sự tác động này còn mạnh mẽ hơn nữa khi hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài(1).

Trong những năm qua, cùng với quá trình mở cửa hội nhập, hôn nhân có yếu tố nước ngoài diễn ra khá phổ biến trên phạm vi nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó Hải Phòng là một trong những địa bàn có số người kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài đông. Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Hải Phòng, từ năm 2001-2014 tình trạng đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

Continue reading

CÔNG NHẬN ÁN LY HÔN Ở NƯỚC NGOÀI: ÁCH TẮC VÌ … VƯỚNG LUẬT!

BÌNH MINH

Từ sau ngày Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 có hiệu lực, chuyện công nhận, cho thi hành bản án ly hôn của tòa án nước ngoài tại Việt Nam đều gặp bế tắc.

Gần đây, ngành tòa án đã nhận được khá nhiều đơn yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án ly hôn ở nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, các trường hợp này hiện đều đang bị ách tắc bởi vướng quy định, thiếu hướng dẫn…

Hơn ba năm kết hôn với một Việt kiều Mỹ, chị GNP ngụ quận 10 (TP.HCM) luôn phải sống trong cảnh vò võ chờ đợi bởi người chồng chủ yếu làm ăn ở Mỹ, lâu lâu mới bay về nước thăm chị một lần.

Bao giờ mới thành người độc thân?

Xa mặt cách lòng, những chuyến bay về nước ít ỏi ấy rồi cứ thưa thớt dần. Một ngày, chị P. nhận được hồ sơ thỏa thuận ly hôn gửi về. Chị P. thuận tình ký tên để giải phóng cho đôi bên. Năm 2009, Tòa Thượng thẩm bang California, hạt San Bernardino sau đó đã ra bản án ghi nhận quyết định ly hôn của vợ chồng chị.

Sau đó, chị P. làm đơn gửi Bộ Tư pháp yêu cầu công nhận bản án ly hôn trên có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Đơn của chị cùng các tài liệu liên quan được chuyển về TAND TP.HCM. Xem xét, TAND TP nhận định: Khoản 1 Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa nước ngoài chỉ được xem xét trong trường hợp cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành án tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu. Ở đây, người chồng đang cư trú tại Mỹ nên chị P. chưa đủ điều kiện để yêu cầu tòa công nhận và cho thi hành bản án. Vì vậy, tòa đã đình chỉ giải quyết yêu cầu của chị P.

Để gỡ vướng cho chị P., cán bộ tòa hướng dẫn chị nộp đơn tiến hành thủ tục ly hôn ở tòa án trong nước. Để mọi việc thuận lợi, chị nên liên hệ với người chồng bên Mỹ để có sự thuận tình xác nhận. Còn nếu chị đơn phương xin ly hôn thì sẽ phải chờ thủ tục ủy thác tư pháp, vốn rất lâu và cũng rất khó suôn sẻ.

Chị P. làm theo hướng dẫn này nhưng không thể liên hệ được với người chồng bên Mỹ để làm thủ tục thuận tình ly hôn. Chị mệt mỏi vì “chồng không có” mà mình thì vẫn chưa được trở thành người độc thân, không biết bao giờ mới có điều kiện để xây dựng một mái ấm mới hợp pháp.

Continue reading

NHÌN LẠI VẤN ĐỀ HÔN NHÂN QUỐC TẾ THƯƠNG MẠI HÓA GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

NGUYỄN NGỌC TUYỀN – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng

1. Đặt vấn đề
Gần hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày chính phủ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (22/12/1992). Trong khoảng thời gian đó, mối quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến rất sinh động, tích cực và đạt được nhiều thành quả trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật… Trên lĩnh vực kinh tế, các nhà đầu tư, kinh doanh Hàn Quốc đã tìm đến Việt Nam như một thị trường mới mẻ, đầy hứa hẹn. Nắm bắt tiềm năng này, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, trong nhiều năm trở lại đây, Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lao động xuất khẩu của nước ta. Về mặt văn hóa xã hội, quan hệ trao đổi hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) với mục tiêu truyền bá hình ảnh văn hóa Hàn Quốc ra thế giới đã ồ ạt tràn vào Việt Nam và được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận mạnh mẽ… Có thể nói, dấu ấn Hàn Quốc để lại đối với xã hội Việt Nam trong gần hai mươi năm quan hệ ngoại giao là rất lớn. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, mặt tốt cũng nhiều, nhưng mặt xấu cũng không ít. Trên thực tế, đi cùng với những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước là không ít những vấn đề xã hội nảy sinh và ngày càng trở thành những điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam, Hàn Quốc. Trong đó, thiết nghĩ vấn đề cấp thiết hơn cả và cần sự quan tâm nhiều hơn từ chính phủ và xã hội hai đất nước chính là vấn đề môi giới hôn nhân quốc tế giữa cô dâu Việt Nam với đàn ông Hàn Quốc.

2. Vài nét về thực trạng môi giới kết hôn thương mại giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Hàn Quốc

Từ vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng báo chí Việt Nam và Hàn Quốc lại gây xôn xao dư luận của hai xã hội với những bài báo viết về những vụ việc đau lòng xảy ra đối với một số cô dâu Việt Nam bất hạnh trên xứ người. Cô dâu Việt Nam tự tử do không tìm được lối thoát cho mình trong cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc. Cô dâu Việt Nam bị chồng đánh đập tàn nhẫn đến chết… Trong suốt năm 2008, xã hội Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều tỏ ra rất bất bình trước vụ việc cô dâu Việt Nam bị nhà chồng tước  đoạt quyền nuôi con, không cho cô  được tiếp xúc với hai  đứa con của mình ngay sau khi cô sinh xong. Và gần đây nhất là vụ việc cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc đã bị chồng, vốn là người có vấn đề về thần kinh, đâm chết vào ngày 8/7/2010 tại thành phố Busan.

Continue reading

LẤY CHỒNG XA XỨ: CẦN CÓ CÁI NHÌN TỈNH TÁO VÀ CÔNG BẰNG

PGS.TS NGUYỄN MINH HOÀ

Hôn nhân dị chủng (khác chủng tộc, quốc gia) hay hôn nhân quốc tế là chuyện xưa như trái đất. Nhưng từ những năm 1980 trở lại đây nó phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hoá, giao lưu văn hoá và hội nhập kinh tế.

Bản thân các quốc gia chỉ có một dân tộc luôn đề cao sự “thuần chủng giống nòi”, tỏ ra rất dị ứng đối với hôn nhân dị chủng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc nay cũng phải mở cửa chấp nhận hôn nhân từ bên ngoài do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do thiếu nguồn lực lao động và chênh lệch giới tính.

Phụ nữ Việt Nam bắt đầu lấy chồng Đài Loan năm 1992, rộ lên từ năm 1994 (530 người), cao điểm nhất năm 2000 là 16.000 người, cho đến nay số phụ nữ lấy chồng Đài Loan là khoảng 58.000 người, nhưng từ 2005 bắt đầu giảm xuống và phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc tăng lên, đến nay khoảng 25.000 người. Trước hiện tượng có nhiều phụ nữ không tìm được hạnh phúc ở xứ người, có người phải bỏ trốn, bị hành hạ, bị qua tay nhiều người, thậm chí phải tự tử, xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa phần tỏ ra thương hại, trách móc và có cả lên án, phỉ nhổ. Chúng ta hãy bình tĩnh để nhìn nhận lại hiện tượng này.

Cần có cái nhìn công bằng hơn

Theo nghiên cứu của GS Phan An thì khoảng 9% phụ nữ Việt Nam thất bại trong hôn nhân với người Đài Loan. Còn ông David Ngô, chủ nhiệm văn phòng kinh tế – văn hoá Đài Bắc tại TP.HCM đưa ra còn số là 8%. Tương tự GS Kim Hyun-jae thuộc trường đại học Youngsan đánh giá khoảng 7% phụ nữ Việt Nam không hạnh phúc khi lấy chồng Hàn Quốc.

Như vậy con số gia đình không hạnh phúc trong hôn nhân dị chủng là dưới 10%. Nhưng chúng ta cần biết con số này chắc chắn thấp hơn nhiều so với gia đình Việt Nam không hạnh phúc. Từ sau đổi mới số gia đình ly hôn tăng nhanh, có nghiên cứu đáng tin cậy là khoảng 17%, phụ nữ bị bạo hành trong gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau là khá cao, bất bình đẳng giới còn khá phổ biến. Như thế có thể khẳng định là số phụ nữ bất hạnh do hôn nhân với người nước ngoài không cao hơn trong nước, thế nhưng tại sao lại trở thành một hiện tượng được xã hội quan tâm, có lẽ bởi vì cũng một hành động bị đối xử tệ như nhau thì đối với người phụ nữ Việt Nam ở trong nước còn cha mẹ, anh em, bà con xóm giềng, các hội đoàn trợ giúp, còn ở nước ngoài thì họ thân cô, thế cô và hầu hết là không biết tiếng cho nên tình cảnh càng trở nên bi thảm hơn.

Continue reading

GIA NHẬP CÔNG ƯỚC LAHAYE 1993 VỀ BẢO VỆ TRẺ EM VÀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI QUỐC TẾ

THS. NGUYỄN BÁ BÌNH – Đại học Luật Hà Nội

Xen lẫn trong những câu chuyện kinh doanh của thời hội nhập, nuôi con nuôi quốc tế (International Adoption) – một nội dung trọng yếu của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài – đang ngày càng trở nên gần gũi với người Việt Nam. Tuy thế, một khuôn khổ pháp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ được nhận nuôi dường như vẫn còn chưa đủ. Với tính chất quốc tế của loại hình cho và nhận con nuôi này, pháp luật quốc gia Việt Nam – dù đã có một loạt quy định điều chỉnh – cũng khó lòng vươn tới nơi xứ người để chở che cho con trẻ nước mình.

Sự lựa chọn tích cực và đầy hiệu lực cho những vấn đề toàn cầu, trong đó có con nuôi quốc tế chính là ký kết, tham gia những thỏa thuận song và đa phương. Gia nhập Công ước Lahaye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước Lahaye 1993), đang là một yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam hiện nay.

1. Tính cấp bách của việc gia nhập Công ước Lahaye 1993

Thực trạng việc cho và nhận con nuôi quốc tế ở Việt Nam

Về mặt lý thuyết, việc nuôi con nuôi quốc tế có thể diễn ra theo hai chiều: thứ nhất, cho người nước ngoài (hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài) nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; thứ hai, công dân Việt Nam xin nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi. Thực tiễn cho thấy, việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phổ biến hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp, chỉ trong 5 năm (từ 1994 -1999) có tới 9.322 trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi; trong đó số trẻ em làm con nuôi tại Pháp là 3.407, chiếm trên 1/3 trẻ được nhận làm con nuôi tại Pháp (1). Tính trung bình cho đến nay, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi (2) và số trẻ em được nhận mỗi năm một tăng cao. Như vậy, rõ ràng nhu cầu về việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi của người nước ngoài là rất lớn và đang tiếp tục phát triển. Xét về nguồn trẻ em, Việt Nam là một đất nước đông dân – với trên 85 triệu người – hiện có tới trên dưới 27% dân số là trẻ em (chỉ mới tính từ 14 tuổi trở xuống)(3), trong đó, số lượng trẻ em ở vào hoàn cảnh khó khăn như tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không nơi nương tựa… chiếm một tỉ lệ khá lớn. Nhu cầu về một mái ấm gia đình, về những điều kiện tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần cho những đứa trẻ là rất đáng quan tâm. Vì vậy, việc xem xét để giải quyết cho và nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài không chỉ là đòi hỏi nhằm đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài, mà hơn hết, chính là nhằm góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam.

Continue reading

CÔNG VĂN SỐ 95/VPCP- KGVX NGÀY 06/01/2009 CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Kính gửi:

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (báo cáo số 87/BC-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2008 ) và ý kiến của Bộ Công an (công văn số 1947/BCA-A11 ngày 05 tháng 9 năm 2008 ), Bộ Ngoại giao (công văn số 1026/BNG-LS-m ngày 05 tháng 9 năm 2008 ) và Bộ Tư pháp (công văn số 3195/BTC-HCTP ngày 07 tháng 10 năm 2008 ) về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm có ý kiến như sau:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tiếp tục thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Nghị định 68 ) và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định 69).

2. Bộ Tư pháp:

a. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng: dự thảo văn bản về một số biện pháp tăng cường quản lý việc trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong quí I năm 2009; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài của Nghị định 68 và Nghị định 69, trình Chính phủ chậm nhất trong quí II năm 2009;

Continue reading

LUẬT HÔN NHÂN TRONG KINH QUR’AN (CORAN )

image HỒ ĐẮC DUY

Thiên kinh Qur’an – Những lời phán truyền của Thượng Đế Allah là toàn bộ nội dung giáo lý Islam. Qur’ran là kim chỉ nam đối với tín đồ Islam và là một trong những yếu tố tạo nên nề nếp sống của tín đồ Islam. Hiểu nội dung và ý nghĩa những Lời Dạy của Allah trong kinh Qur’an là điều tối cần thiết cho tín đồ Islam

Trong chương IV, phần IV, Đoạn I của kinh Qur’an nói về Đàn Bà ( AN – NISÂ’ ) câu 1 chép : Hỡi nhân loại ! Hãy sợ Rabb ( Allah ) của các người. Đấng đã tạo ra các người từ một Người duy nhất ( Adam ) và từ Người tạo ra người vợ ( Hawwâ’ ) của Người và từ hai người này, rải ra vô số đàn ông và đàn bà trên khắp mặt đất. Và hãy sợ Allah, Đấng mà các nguời đòi hỏi quyền hạn lẫn nhau và hãy kính trọng những dạ con mang nặng đẻ đau vì quả thật Allah Hằng Trông Coi các người

Câu 3 chép : Và nếu các nguời sợ không thể đối xữ công bằng với các con gái mồ côi, hãy cuới những ngừơi đàn bà mà các người vừa ý hoặc hai hoặc ba hoặc bốn. Nhưng nếu người sợ không thể ăn ở với họ thì hãy cưới một bà thôi hoặc ngừơi phụ nữ nào ở dưới tay của các người. Điều đó thích hợp cho các người hơn để may ra các người tránh được bất công

Câu 4 chép : Và hãy tặng cho vợ sắp cưới tiền cưới bắt buộc ( Mahr) của họ.Nhưng nếu họ vui lòng tặng lại một phần nào cho các người thì hãy hoan hỉ hưởng nó một các bổ ích

Quan niệm về vai trò người đàn ông trong gia đình đượcc xác định rất rõ ràng trong kinh Qur’an, điều này được ghi ở câu 34, đoạn 6 : Người đàn ông là trụ cột của gia đình trên đàn bà bởi vì Allah ban sức lực nguời này hơn người kia và bởi vì họ chỉ dùng tài sản của họ vào việc cấp dưỡng gia đình . Do đó, người đàn bà đức hạnh nên phục tùng chồng và trông coi nhà cửa trong lúc chồng vắng mặt với sự giúp đở và trông chừng của Allah ; và đối với các bà vợ mà các người sợ họ thất tiết và bướng bỉnh, trước hết hãy cảnh cáo họ, kế đó từ chối ăn nằm với họ và cuối cùng đánh họ nhẹ tay; bởi thế nếu họ chịu nghe theo các ngừoi thì chớ kiếm chuyện rầy rà với họ bởi vì Allah Rất Tối Cao, Rất Vĩ Đại

Continue reading

KINH NGHIỆM PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI: ẤN ĐỘ KHÔNG THỪA NHẬN CÁC HỢP ĐỒNG ĐẺ THUÊ

HỒNG CẨM (Theo Khaleej Times, Gulf Times, Times of India)

Theo luật Ấn Độ, người độc thân không được nhận con nuôi. Cuối tháng 7-2008, bé gái Manji Yamada chào đời trong một bệnh viện ở Ấn Độ. Tương lai của bé rồi sẽ không bình thường như bao trẻ khác bởi cha mẹ ruột của bé nhờ người mang thai thuê nhưng sau đó họ lại ly hôn nên có nguy cơ bé sẽ không có cha và mẹ.

Ly hôn phải mất con

Cha mẹ ruột của bé Manji Yamada là đôi vợ chồng người Nhật Ikufumi Yamada. Tháng 11-2007, họ đến Ấn Độ ký hợp đồng với một cô gái Ấn Độ nhờ cô này đẻ thuê.

Cô gái Ấn Độ mang thai từ trứng của một phụ nữ Ấn Độ khác kết hợp với tinh trùng của ông Ikufumi Yamada. Hai tuần trước khi bé Manji Yamada ra đời, hai vợ chồng người Nhật ly hôn.

Cô gái Ấn Độ sinh xong đã bỏ bé lại bệnh viện đi mất. Vợ cũ của ông Ikufumi Yamada tỏ thái độ không muốn nhận nuôi con. Ông Ikufumi Yamada dù rất muốn mang con về Nhật nuôi nhưng lại không thể vì chiếu theo luật Ấn Độ, người đàn ông đang trong tình trạng độc thân không được phép nhận con nuôi.

Continue reading

MỘT SỐ TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ NUÔI CON NUÔI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ

PHẠM VĂN CHUNG

Thực hiện các văn bản của Chính phủ và Bộ Tư pháp về vấn đề nuôi con nuôi. Trong những năm vừa qua các Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản về công tác nuôi con nuôi và quan tâm triển khai đưa công tác này vào thực tế cuộc sống. Do vậy việc quản lý và giải quyết vấn đề nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi quốc tế thời gian quan đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng tốt nhu cầu về nuôi con nuôi của người dân trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện các văn bản của Chính phủ về vấn đề nuôi con nuôi nói chung và nuôi quốc tế nói riêng. Đặc biệt là từ khi ban hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là NĐ 68), chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

Continue reading

DƯ LUẬN XÃ HỘI VỀ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

TS. HOÀNG BÁ THỊNH – Bộ môn Xã hội học Giới và Gia đình – Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội

1. Định nghĩa Hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Trong điều 8 (Giải thích từ ngữ) của Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000) có định nghĩa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, như sau:

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình: a) giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài; b) giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; c) giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

Trong bài viết này, chúng tôi xem vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở nghĩa thứ nhất của thuật ngữ này, đó là hôn nhân “giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài”, và cũng giới hạn ở phạm vi hẹp hơn nữa: phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài (chứ không xem xét khía cạnh nam giới Việt Nam lấy vợ nước ngoài).

2. Dư luận xã hội và cuộc sống

Thuật ngữ dư luận xã hội (DLXH, tiếng Anh: Public Opinion) là thuật ngữ được dùng nhiều trong đời sống xã hội và trong một số ngành khoa học như xã hội học, tâm lý học xã hội, báo chí v.v.. dư luận xã hội được coi là những trạng thái đặc trưng của ý thức xã hội, tâm trạng xã hội. Có thể hiểu rằng DLXH chính là một thành phần thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội và tính chất của nó bị quy định bởi tính chất các quan hệ kinh tế trong xã hội. Mặc dù vậy, với tư cách là một phần của thượng tầng kiến trúc, DLXH cũng có sự độc lập tương đối với hạ tầng cơ sở. Thí dụ, có những lúc DLXH lại tỏ ra bảo thủ hơn so với sự phát triển của các quan hệ kinh tế trong xã hội, cũng có những lúc nó lại “đi nhanh hơn” so với hạ tầng xã hội.

Continue reading

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

1. Đăng ký việc kết hôn giữa hai công dân Việt Nam cùng tạm trú ở nước ngoài

Hai bên nam, nữ phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện. Trường hợp một trong hai bên không thể đến nộp hồ sơ mà có lý do chính đáng thì cần có đơn xin nộp hồ sơ vắng mặt, ghi rõ lý do.

Hồ sơ đăng ký kết hôn

của mỗi bên cần có các giấy tờ sau:

Tờ khai đăng ký kết hôn, trong đó khai đầy đủ các mục và có chữ ký của cả hai bên nam, nữ.

Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định (mẫu TP/HTNNg–2003– KH.1) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc trước khi xuất cảnh ra nước ngoài đương sự là người chưa có vợ hoặc chồng. Nếu có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do các cơ quan có thẩm quyền cấp thì không cần nộp Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận này. Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nêu ở điểm này phải là bản chính (có dấu đỏ), không được là bản sao, kể cả bản sao có công chứng.

Continue reading

Trẻ em Việt nam được người Pháp nhận làm con nuôi: xác định luật áp dụng (Bản án của Tòa Phúc thẩm Grenoble)

NHÂN DANH NHÂN DÂN PHÁP

Tòa phúc thẩm Grenoble, Phòng biện pháp khẩn cấp

Bản án ngày 8 tháng 3 năm 2000

Bên kháng cáo

Ông X

Sinh ngày 14 tháng 11 năm 1954

quốc tịch Pháp

Bà Y

Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1966

Quốc tịch Pháp

Phiên tòa gồm

Khi thảo luận và nghị án:

Bà …. Chủ tịch hội đồng

Bà … Thẩm phán

Bà … Thẩm phán

Tham gia phiên tòa còn có

Bà … Thư ký

Bà … Đại diện Viện Công tố

Phần thảo luận

Trong buổi thẩm vấn không công khai tại Phòng thẩm phán ngày 2 tháng 2 năm 2000,

Sau khi chuyển hồ sơ cho đại diện Viện kiểm sát,

Sau khi nghe trình bày của luật sư và đại tụng viên, kết luận viết và trình bày của đại diện Viện kiểm sát,

Hồ sơ vụ án đã chuyển sang phần nghị án trước khi tuyên án công khai tại phiên tòa hôm nay.

Ông X và vợ là bà Y đã gửi kháng cáo đúng thủ tục bằng thư bảo đảm ngày 17 tháng 6 năm 1999 bản án ngày 19 tháng 5 năm 1999 của Tòa sơ thẩm hạt BOURGOIN – JALLIEU.

Tóm tắt sự việc, trình tự giải quyết và lập luận của các bên

Ngày 19 tháng 7 năm 1996, Ông bà X-Y được Hội đồng dân cử vùng Isere cấp giấy phép nhận con nuôi.

Ngày 4 tháng 8 năm 1998, hai người đến Việt nam để tìm con nuôi.

Ngày 7 tháng 8 năm 1998, cô Z, chưa lập gia đình, mẹ đẻ của cháu A, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1998 (không xác định được người cha), đã ký giấy từ bỏ con tại Ủy ban nhân dân xã Quang Khuê, huyện Ba Bể, tỉnh T. (Thái nguyên).

Ngày 22 tháng 8 năm 1998, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đã ký quyết định cho phép ông bà X-Y nhận cháu bé làm con nuôi.

Cùng ngày, biên bản giao cháu A cho ông bà X-Y làm con nuôi trọn vẹndứt khoát được lập với sự có mặt của đại diện Sở tư pháp. 

Ngày 21 tháng 8 năm 1999, Đại sứ quán Pháp tại Hà nội đã cấp cho ông bà X-Y giấy chứng nhận cho phép cháu bé định cư tại Pháp.

Trở về Pháp, ngày 18 tháng 9 năm 1998, ông bà X-Y nộp đơn lên Chưởng lý hạt BOURGOIN – JANLIEU xin công nhận cháu A là con nuôi trọn vẹn.

Ngày 19 tháng 5 năm 1999, Tòa sơ thẩm hạt BOURGOIN – JANLIEU ra quyết định từ chối yêu cầu chính của ông bà X-Y là xin được công nhận cháu A con nuôi trọn vẹn, mà chỉ chấp nhận yêu cầu thứ yếu công nhận cháu A là con nuôi ơn giản

Ông bà X-Y kháng cáo quyết định sơ thẩm.

Ông bà X-Y lập lụân rằng « Giấy từ bỏ » trong hồ sơ của Tòa là do mẹ đẻ cháu bé ký và đã được Ủy ban nhân dân xác nhận thể hiện rõ cô Z tự nguyện đồng ý cho con nuôi  và nhận thức đầy đủ hệ quả pháp lý của việc nhận con nuôi (trọn vẹn) qui định trong luật của Pháp  ; rằng theo án lệ đã ổn định của Pháp, hai vợ chồng Pháp có thể xin con nuôi trọn vẹn một đứa trẻ mà luật nhân thân của trẻ không qui định hoặc thậm chí cấm việc nhận con nuôi (trọn vẹn) nếu như, không phụ thuộc vào qui định của luật pháp, người đại diện của trẻ đã đồng ý khi nhận thức được đầy đủ hệ quả của việc nuôi con nuôi (trọn vẹn) ; rằng sự đồng ý của mẹ đẻ đứa trẻ đã đáp ứng hết các điều kiện nói trên và rằng việc ông bà nhờ tới trung gian của một người thứ 3 để liên hệ với cháu bé không ảnh hưởng gì đến tính chất của việc đồng ý này.

Ông bà X-Y đề nghị tòa phúc thẩm công nhận việc nuôi con nuôi trọn vẹn với tấp cả hệ quả pháp lý kèm theo.

Đại dịên Viện kiểm sát, căn cứ vào những tài liệu ông bà X-Y cung cấp, không có ý kiến phản đối yêu cầu của họ.

Xét rằng

Theo qui tắc đã ổn định trong luật của Pháp thì trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, luật (nhân thân) của người nuôi con nuôi điều chỉnh điều kiện và hệ quả của việc nuôi con nuôi, luật (nhân thân) của con nuôi xác định điều kiện (hiệu lực) của thòa thụân cho con nuôi và vấn đề đại diện của trẻ.

Nếu luật Việt nam chỉ qui định trường hợp nhận con nuôi đơn giản, thì theo lụât của Pháp, việc nhận con nuôi trọn vẹn tại Pháp một đứa trẻ mà luật nhận thân gốc không qui định hoặc thậm chí cấm chế định này, vẫn có thể được chấp nhận với điều kiện người đại diện hợp pháp của trẻ đã đồng ý sau khi nhận thức được đầy đủ hệ quả pháp lý qui định trong luật của Pháp về việc nhận con nuôi trọn vẹn, cụ thể là  tính chất đầy đủ và vĩnh viễn của việc nuôi con nuôi và việc chấm dứt mọi quan hệ pháp lý giữa đứa trẻ và gia đình gốc.

Trong vụ kiện, tài liệu cho thấy thủ tục cho phép nuôi con nuôi, với tính chất thủ tục hành chính tại Việt nam, là phù hợp với luật pháp nước này : Giấy từ bỏ ký ngày 7 tháng 8 năm 1998 trước mặt Ủy ban nhân dân xã ; chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh T. bằng quyết định ngày 22 tháng 8 năm 1998 theo đề xuất của Sở tư pháp, đã cho phép ông bà X nhận đứa trẻ làm con nuôi.

Thi hành quyết định này, Biên bản giao con nuôi đã được lập cùng ngày xác nhận việc cháu A đã được giao cho ông bà X-Y để làm con nuôi « trọn vẹn và vĩnh viễn », với sự có mặt của Giám đốc sở tư pháp và mẹ đẻ cháu bé,.

Sau hết, Đại sứ quán Pháp tại Hà nội đã cấp giấy chứng nhận cho phép đứa trẻ định cư tại Pháp.

Việc cô Z, mẹ đẻ của đứa trẻ là người duy nhất được quyền cho phép nuôi con nuôi do người cha vắng mặt là không thể bác bỏ.

Giấy từ bỏ ký ngày 7 tháng 8 năm 1998 do cô Z viết có nội dung như sau :

« Tôi đồng ý để con gái tôi có tên như trên làm con nuôi trọn vẹn và vĩnh viễn của ông X và bà Y, quốc tịch Pháp, cư trú tại V. Tôi tự nguyên giao con tôi cho người nước ngoài nhận làm con nuôi trọn vẹn và vĩnh viễn và cam kết không bao giờ đòi lại ».

Cam kết trên, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Khê nơi cư trú của cô Z xác thực, đã thể hiện đồng ý cho con nuôi trọn vẹn là tự nguyện và cô Z nhận thức được việc chấm dứt vĩnh viễn mọi quan hện (pháp lỹ) với đứa trẻ.

Việc đồng ý được tái khẳng định bởi vì mẹ đẻ của cháu bé có mặt ngày 22 tháng 8 năm 1998 trong lễ bàn giao con nuôi và ký vào biên bản mà không bảo lưu.

Vì vậy, việc đồng ý của cô Z là tự nguyên và nhận thức được hậu quả hành vi của mình.

Việc ông bà X-Y đã nhờ tới trung gian của một người thứ 3 chỉ để liên hệ với mẹ đẻ của cháu bé không ảnh hưởng gì đến nội dung của việc đồng ý này.

Do vậy, xét thấy cần chấp nhận yêu cầu nhận con nuôi trọn vẹn của nguyên đơn vì chế định này, ngược lại với chế định nhận con nuôi đơn giản, duy nhất có thể đảm bảo sự hòa nhập hoàn toàn của đứa trẻ vào gia đình cha mẹ nuôi cững như trong xã hội Pháp và phù hợp với lợi ích của con nuôi.

Vì lý do trên,

Tòa

quyết định công khai, bằng bản án tranh tụng cấp cho các bên theo qui định của pháp luật,

Về hình thức: chấp nhận đơn kháng cáo của ông bà X-Y

Về nội dung: chấp nhận yêu cầu của ông bà X-Y, sửa án sơ thẩm ngày 19 tháng năm 1999 và quyết định lại như sau

Tuyên công nhận việc nuôi con nuôi trọn vẹn cháu A, giới tính nữ, sinh gnày 10 tháng 5 năm 1998, tại bệnh viện đa khoa Bắc cạn, tỉnh T, Việt nam, của ông X, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1954 và bà Y vợ ông X, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1966, cả hai cư trú tại tỉnh U.

Tuyên cháp bé từ nay sẽ mang họ cha X và tên …

Lệnh chuyển bản án để ghi chú vào Sổ Đăng ký hộ tịch (Trung tâm về hộ tịch tại Nantes) và việc ghi chú này sẽ thay cho giấy khai sinh của con nuôi

Án phí sẽ do Kho bạc nhà nước thanh toán

Bản án đã được Bà …tuyên công khai và bà … đã ký.

Bản sao có giá trị thi hành được cấp cho

S.C.P. CALAS
S.C.P. GRIMAUD
Me RAMILLON
S.C.P. PERRET & POUGNAND
S.E.LA.R.L. DAUPHIN & NEYRET

SOURCE: vietnamese-law-consultancy.com

GIẢI QUYẾT CÁC HỒ SƠ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI: MỖI NƠI MỘT KIỂU

HOÀNG THƯ – THU HẰNG

Mặc dù Nghị định 69/CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68/CP về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài đã tháo gỡ một số vấn đề về trình tự thủ tục trong việc đăng ký kết hôn, tuy nhiên có nhiều điểm trong Nghị định này chưa rõ ràng dẫn đến mỗi nơi một cách làm khác nhau.

Mất thời gian quá!

Hai giờ chiều, chúng tôi đến Sở Tư pháp TP. Hà Nội thì lúc này đã có 5 đôi nam nữ đang ngồi đợi cán bộ Sở phỏng vấn (một quy định mới của Nghị định số 69/CP nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng kết hôn để mua bán phụ nữ hoặc vì mục đích tư lợi). Anh Đinh Khắc Việt, thường trú tại Berlin – CHLB Đức, tâm sự: Tôi ở Đức về cuối tháng 12/2007, nộp hồ sơ ngày 30/12. Nhưng trước khi tôi về nước, gia đình 2 bên đã lo đủ các thủ tục hồ sơ, chỉ chờ tôi về hoàn thiện nốt. Chiều nay, hai chúng tôi đến đây phỏng vấn. Mọi việc ổn thoả, tôi đã lấy giấy hẹn trả kết quả sau 30 ngày, cộng với thời gian CA xác minh phải thêm 20 ngày, tổng cộng là 50 ngày. Trong khi đó, cuối tháng 1 tới, tôi đã hết hạn phép và phải trở lại Đức. Để kết hôn được, tôi sẽ phải quay về Việt Nam trong vòng 3 tháng nữa. Không hiểu cải cách kiểu gì chứ tôi thấy mất thời gian và rất tốn kém!

Bà Trần Thị Nhàn (Ba Đình, Hà Nội) thì thắc mắc: Con gái tôi mang quốc tịch Hà Lan, hiện đang muốn kết hôn với một người đàn ông ở Hà Tây. Dịp Tết này, nó sẽ về nước. Tôi ra đây tìm hiểu trước xem hồ sơ phải làm những gì để thông tin cho nó mà chuẩn bị. Có điều, tôi thấy hồ sơ yêu cầu nhiều loại giấy tờ quá, đặc biệt, thời hạn giải quyết mất gần 2 tháng trời? Con tôi làm việc ở Hà Lan chứ không  phải buôn bán nên nó rất khó nghỉ lâu đến như vậy.

Đem phản ánh của người dân về thời hạn 50 ngày giải quyết hồ sơ là khá dài hỏi các cán bộ tư pháp, chúng tôi được chị Bùi Thị Thu – cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết: Mỗi ngày bộ phận “một cửa” tiếp nhận khoảng 4 – 5 bộ hồ sơ xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, ngày cao điểm, con số này có thể cao hơn một chút. Tuy nhiên, có nhiều công dân phải trở đi trở lại nhiều lần vì không hiểu hoặc không làm đúng các hướng dẫn về giấy tờ trong hồ sơ. Chúng tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn tất cả người dân về thủ tục, song khi đến làm hồ sơ mọi người cũng nên đọc các thông báo niêm yết công khai ở bộ phận “một cửa” để biết thêm các thủ tục, trình tự cũng như thời gian. Việc gì chưa rõ, công dân hãy hỏi trực tiếp cán bộ thì sẽ đỡ mất công đi lại, chi phí… Ông Nguyễn Văn Thơm – Trưởng phòng Nghiệp vụ hộ tịch Sở Tư pháp Hải Dương lại lý giải: Cái khó của cán bộ tư pháp bây giờ là sợ bị dân kêu gây phiền hà. Nhưng quả thật có một số trường hợp, chúng tôi vừa làm vừa run. Các bạn xem, có trường hợp đương sự xin được tới 4 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Chẳng hạn, chúng tôi yêu cầu xuất trình bản án ly hôn hoặc về nơi cư trú lấy Giấy xác nhận thì một số người bỏ luôn hồ sơ.

Cứ thẩm định cho …chắc?

Tính riêng trong năm 2007, Sở Tư pháp Hà Nội đã giải quyết khoảng 400 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Quy trình giải quyết một việc đăng ký kết hôn của Hà Nội có thể tóm tắt như sau: đương sự nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở Tư pháp, sau đó cả hai bên nam, nữ phải có mặt để phỏng vấn. Hồ sơ sẽ được hoàn thiện để Sở Tư pháp chuyển xuống UBND cấp xã nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú niêm yết trong vòng 7 ngày. Tiếp đến hồ sơ sẽ được gửi qua cơ quan CA thẩm định, xác minh. Tiến hành xong các bước nói trên, Sở Tư pháp sẽ trình cho Chủ tịch UBNDTP. ký quyết định và trả kết quả cho đương sự.

Tuy nhiên, cũng là việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nhưng ở Hà Tây lại có cách giải quyết khác. Điển hình là, việc niêm yết ở xã phường và xác minh tại cơ quan công an được tiến hành đồng thời với nhau. Theo giải thích của ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp Hà Tây, cách làm này nhằm tiết kiệm thời gian cho các bên đương sự, thể hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian. Chỉ trong trường hợp hồ sơ “có vấn đề” thì cơ quan công an mới cần xác minh thêm trong vòng 20 ngày.

Tương tự, ông Thơm cho biết, mặc dù chỉ tiếp nhận hồ sơ 3 ngày/ tuần song năm 2007, Sở Tư pháp Hải Dương đã giải quyết xong 500 bộ và có hơn 50% được trả trong thời hạn 30 – 35 ngày. Số còn lại là do Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm định đối với những trường hợp xin đăng ký kết hôn lần thứ 3, thứ 4 hoặc độ tuổi chênh lệch của 2 bên đương sự quá lớn và chỉ có khoảng 20% thì Sở chuyển sang cho CA xác minh. Ông Thơm phấn khởi nói với chúng tôi: “Mới đây, Sở Tư pháp Hải Dương vừa tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn cho 3 đôi nam nữ mà hồ sơ được giải quyết gói gọn trong vòng 20 ngày”. Đã có trường hợp cần thiết (đương sự xuất trình vé máy bay), Sở này trả luôn hồ sơ chứ không cần đợi đúng lịch quy định. Đó là do cán bộ tư pháp phải linh động, phải vì dân thôi, ông Thơm kết luận.

Như vậy, trên thực tế, tính riêng trong quy định về việc gửi hồ sơ đến cơ quan công an thẩm định mỗi địa phương đã có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn việc thẩm định được tiến hành với tất cả các hồ sơ, không có ngoại lệ. Chỉ một số ít địa phương gửi thẩm định các hồ sơ trong trường hợp cơ quan tư pháp thấy nghi ngờ. Thực ra, vấn đề có hay không gửi thẩm định không do ngành tư pháp mà do UBND cấp tỉnh quyết định. Dường như cứ có thẩm định của cơ quan CA, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi ký các hồ sơ này cũng cảm thấy yên tâm hơn!? Theo quy định của Nghị định 69/CP hiện hành, chỉ trong những trường hợp cần thiết hoặc có nghi vấn hoặc khiếu nại, tố cáo thì Sở tư pháp mới cần xác minh, làm rõ. Còn trong trường hợp thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của CA thì Sở Tư pháp đề nghị CA xác minh.  Tuy nhiên, như thế nào là nghi vấn, là cần thiết, nội dung khiếu nại tố cáo nào cần xác minh, thẩm định thuộc thẩm quyền của cả ngành CA và Tư pháp, đến nay chưa có hướng dẫn. Cho nên, để an toàn nhiều địa phương đã chọn giải pháp 100% hồ sơ đều qua “cửa CA”. Cách làm trên dễ dẫn đến hậu quả việc giải quyết hồ sơ một cách tuỳ tiện, kéo dài. Trong khi thực tế, công dân nước ngoài về Việt Nam thường rất hạn chế về mặt thời gian. Nếu hồ sơ không được giải quyết đúng hạn sẽ dẫn đến việc đương sự  “bỏ của chạy lấy người” bởi theo quy định, Lễ đăng ký kết hôn (bắt buộc phải có mặt cả hai bên nam nữ – PV) phải được tổ chức trong thời hạn 7 ngày từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng thì cũng phải tổ chức trong thời hạn không quá 90 ngày, nếu không sẽ phải làm lại thủ tục đăng ký từ đầu. Vì lý do đó mà thời gian qua, tại các Sở Tư pháp đã có khá nhiều trường hợp Giấy chứng nhận kết hôn bị huỷ do quá hạn về thời gian.

Cần hướng dẫn cụ thể

Về thủ tục thẩm định, xác minh đối với hồ sơ, các địa phương đề nghị cần có hướng dẫn rõ ràng những trường hợp nào là có nghi vấn, có “vấn đề”, để đảm bảo đúng tiến độ về mặt thời gian, đặc biệt trong xu thế cải cách hành chính như giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, liên quan đến thẩm quyền ký Giấy chứng nhận kết hôn, một số địa phương cho rằng nên sửa đổi quy định theo hướng Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp ký. Bởi xuất phát từ thực tế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quá nhiều việc phải làm, trong nhiều trường hợp sẽ không ký đúng hạn.

Nghị định 69/CP cũng quy định cụ thể những trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, trong đó có việc lừa dối, cưỡng ép kết hôn. Tuy nhiên, để xác định mục đích thực sự của cuộc hôn nhân là rất khó, kể cả khi đã đưa vào quy định bắt buộc các bên đương sự phải trả lời phỏng vấn tại Sở Tư pháp hay quy định hai bên đương sự phải cùng biết một thứ tiếng… Do vậy, nhằm tránh những tiêu cực trong lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cần tăng cường kiểm tra thanh tra đối với các hoạt động này và có biện pháp xử lý nếu phát hiện sai phạm.

——————————————————————

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày

(Trích nội dung Điều 15 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đìnhvề quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài)

SOURCE: MOj.GOV.VN

 

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn