admin@phapluatdansu.edu.vn

THƠ XUÂN

MÃN GIÁC THIỀN SƯ (1052 – 1096) – bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm

image  Xuân khứ bách hoa lạc – Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá – Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch:

Xuân đi mang cả một mùa hoa
Xuân đến hoa lòng nở với ta
Muôn sự thăng trầm qua nước mắt
Một dòng tuổi mộng lại đi qua.
Đâu phải xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.

TẢN MẠN CHUYỆN … MÈO NĂM MÃO

ChineseBrushCat VĂN NHƯ CƯƠNG

Cuối cùng thì bác Hổ-Canh-Dần hung hăng cũng phải rút lui để nhường chỗ cho cô Mèo – Tân Mão mỹ miều bước tới, mặc dù có ý kiến cho rằng vì cô Mèo còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nên đề nghị để bác Hổ làm thêm nửa nhiệm kì và cô Mèo làm… Phó.

Cái nguyên tắc “mỗi nhiệm kì chỉ đúng có một năm” này được thực hiện rất nghiêm ngặt, từ xưa tới nay không hề có ngoại lệ, và chắc là từ nay về sau cũng thế… Bởi vậy, mặc dầu chưa đến tuổi hưu và tiếng gầm còn to khỏe, nhưng bác Hổ không thể làm thêm một nhiệm kì như mong muốn. Đành phải chờ đúng 60 năm nữa, tức là đúng vào tháng giêng năm 2072, cố nhiên với điều kiện là tới lúc ấy cụ Hổ còn sống. Nhưng đã nói không được là không được, luật định như thế rồi. 
Cô Mèo và bác Hổ vốn không lạ gì nhau. Ông tổ của cô Mèo từng là thầy dạy võ cho ông tổ của bác Hổ. Là kẻ khôn ngoan và mưu lược, vị Mèo-Võ-Sư ấy đã không dạy hết bài, hết vở cho thằng Hổ-Đệ-Tử kia, vì nhìn qua cũng biết nó là kẻ phản trắc, không đáng tin. Phải đề phòng bất trắc chứ, con người còn lắm âm mưu nham hiểm nữa là con… hổ. Vì thế các anh chàng hổ hậu duệ ngày nay vẫn chịu chết không nắm được võ thuật leo cây, trèo tường là hai miếng võ độc của Mèo-Võ-Sư… Vì thế, bây giờ mỗi khi hổ hiếu chiến định gây sự, mèo chỉ việc leo tót lên ngọn cây là xong chuyện. 
Loài mèo là khắc tinh của giống chuột. Chẳng hiểu sao mèo (Mão) lại chịu đứng thứ tư trong danh sách 12 con giáp, mà anh chuột (Tí) thì lại được xếp thứ nhất. Tuy đứng số 1 nhưng nhác thấy số 4 là hồn vía chuột lên mây. 
Mèo vốn sinh ra là để bắt chuột, giúp cho Người khỏi bị loài gặm nhấm làm hại, nên loài người rất quý, rất yêu… Mấy thập niên gần đây mèo được hâm mộ và nổi tiếng hơn vì có một chính trị gia tầm cỡ đã tổng kết và phát biểu một triết lí rất hay, liên quan đến cách đánh giá loài mèo. Đó là: “Bất kể mèo trắng hay mèo đen, bắt được chuột chính là mèo tốt”… Thật là một triết lí sâu sắc về trò mèo chuột, và nghe nói chính cái triết lí “mèo chuột” đó (cũng còn được gọi là triết lí “hai con mèo”) đã làm cho đất nước của chính trị gia ấy trở nên hùng mạnh vào loại nhì ba thế giới.

Continue reading

TẾT DÂN TỘC NGHĨ VỀ DÂN TỘC

THANH GIANG

Từ xưa đến nay, người Việt Nam dù giàu dù nghèo ai cũng có thói quen lo Tết. Người giàu ăn Tết theo kiểu người giàu, người nghèo ăn Tết theo kiểu người nghèo nhưng chưa chắc ai ăn Tết vui hơn. Năm nào cũng vậy, còn khá lâu mới đến Tết nhưng ai nấy đều đã nghĩ về Tết. Trước hết là những người lo Tết cho các chiến sĩ ở biên cương, hải đảo, là ngành giao thông vận tải lo chuyên chở khách đi lại. Những người sản xuất và buôn bán hàng Tết lo sớm nhất. Sắp đến ngày cuối năm, đường phố đầy người lo sắm Tết, cửa hàng đông khách hơn, quầy bán hàng Tết dần dần xuất hiện khắp nơi…

Tính dân tộc hiện lên đậm nét nhất trong mấy ngày Tết. Từ thú ăn đến thú chơi, thú mua sắm, Tết Ta khác xa Tết Tây. Bữa ăn sum họp gia đình tối 30, mâm cơm cúng ông bà, lời khấn trước bàn thờ tổ tiên, lời chào hỏi chúc tụng nhau ngày Tết…đều khác với ngày thường. Du khách Tây muốn tìm hiểu Việt Nam thường đến nước ta vào dịp Tết.

Trong dịp đón mùa xuân mới, mọi người nghĩ đến gia đình một phần thì nghĩ tới nước nhà mười phần. Suy nghĩ ấy tăng dần bởi vận mệnh dân tộc ta đang đứng trước những thách thức lớn trong, ngoài nước; tình hình kinh tế xã hội đang có những thách thức. Thách thức quả là nhiều và đáng ngại, khiến lòng dân phải lo, nỗi lo dân tộc có thể bị tụt hậu, lo cho biên cương tổ quốc, nạn tham nhũng lan tràn, môi trường sống bị thu hẹp, sự phân hoá giàu nghèo tăng dần…

Trên diễn đàn của báo chí, của nhân dân, nhiều bạn đang thảo luận nghiêm túc những câu hỏi về nguyên nhân vì sao nước ta tụt lại đàng sau một số nước láng giềng thời xưa cũng nghèo như ta, về thời cơ, thách thức của dân tộc.

Chúng ta dễ dàng nhất trí trong đánh giá tình hình và nỗi lo ngại tụt hậu, nhưng điều quan trọng lại là tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết.

Có người nói đó là do cơ chế. Có người nói đó là do đạo đức xã hội xuống cấp. Có người đổ lỗi cho các thế lực thù địch bên ngoài…Nhưng bình tâm suy nghĩ kỹ ta sẽ có thể thấy một trong các nguyên nhân sâu xa nhất làm cho tình hình kinh tế xã hội nước ta khó khăn như hiện nay là do tinh thần dân tộc của chúng ta ngày càng phai nhạt. “Chúng ta” ở đây là bạn và tôi, là tất cả mọi người từ lãnh đạo tới dân thường. Đừng đổ lỗi cho ai khác.

Continue reading

VÌ HẠNH PHÚC NGƯỜI VIỆT: CẦN CAM KẾT MỘT “KHẾ ƯỚC VĂN MINH”

ca5954016c52466cb91ff3dafeb3c567 VÕ THỊ HẢO

Điểm tựa nào cho hạnh phúc?

Một năm mới lại đến. Ta lại chúc nhau hạnh phúc và thịnh vượng. Ước gì hạnh phúc cũng dồi dào như lời chúc.
Nhưng hạnh phúc không rơi từ trời xuống. Loài người vẫn chưa thôi mơ về những phép lạ. Cứ tiếp tục mơ, nhưng điều trước hết, phải hành động. Cần một hệ thống những cam kết và cố gắng. Lại cần bắt kịp thời cơ. Nàng tiên Hạnh phúc chạm tay vào cửa sổ nhưng nàng sẽ bị đẩy ra khỏi cửa chính, khi cánh cửa vẫn đóng chặt và bên trong cánh cửa là những hung thần.

Muốn có hạnh phúc, để người này không tước đoạt hạnh phúc của người kia, để một cộng đồng cùng chung xây lợi ích, điều cấp bách phải làm là cùng nhau cam kết một Khế ước văn minh để làm điểm tựa và thực thi nó. Một hệ thống văn minh nằm trong bản chất, trong hệ thống hành xử mọi mặt, chứ không phải là sự vỗ ngực thậm xưng.

Xã hội văn minh bao hàm một thiết chế vận hành trong hệ thống hành vi minh bạch, công bằng, và tôn trọng cái đẹp từ tinh thần tới vật chất.

Hệ thống văn minh đương nhiên đối lập với chuẩn ứng xử mang tính dã thú, trong đó người ta chỉ tính đến lợi ích của riêng mình và sẵn sàng tước đoạt, hãm hại kẻ khác để mưu lợi.

Muốn có văn minh, hạnh phúc, đương nhiên phải kiên quyết loại bỏ tính dã thú. Mỗi chậm trễ là mỗi tổn thương theo cấp số nhân.

Xã hội nào cũng có nguy cơ bị tính dã thú xâm lấn, không chỉ riêng dân tộc nào, quốc gia nào. Để thành công hơn, để hạnh phúc hơn, thể chế xã hội cần được thiết kế sao cho đủ năng lực giám sát và loại bỏ tính dã thú, dọn chỗ cho nền văn minh.

Continue reading

GIỮA KHÍ XUÂN LUẬN THƯƠNG TRƯỜNG

NGUYỄN HOÀI BẮC (Từ Canada)

Nhiều người bạn hỏi tôi: Giữa thương trường hiện nay anh luận bàn thế nào? Tôi là doanh nhân trải qua mấy thời kỳ: Bao cấp kinh tế thị trường thuần túy khi sang định cư tại Canada và quay trở lại Việt Nam trong thời mở cửa khuyến khích đầu tư; rồi lao vào vòng xoáy của kinh tế thị trường thời kỳ của hậu WTO.

Suy ngẫm về thương trường trong thời mở cửa, có thể nhận thấy rằng trên thương trường ngày nay lấy thành bại luận anh hùng không lấy hào quang của quá khứ mà lấy hiệu quả của hiện tại làm thước đo giá trị của doanh nghiệp (DN).

Đầu xuân năm 2006, cả nước phấn khích sau hơn 11 năm vất vả thương thảo, đấu tranh được tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Rất nhiều người tin rằng “chúng ta sắp giàu”, công việc làm ăn sẽ thuận lợi, tốt hơn, nhưng cũng không ít người cảnh báo rằng, WTO không phải là chiếc bánh cho không và cái giá lại trả có thể sẽ nhiều hơn cái chúng ta thu được trong giai đoạn đầu hội nhập.

Hai năm gia nhập WTO cũng là vừa đủ để chúng ta nhìn nhận lại mình khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng trầm trọng. Thế trận của thương trường tại VN là phải chống trả quyết liệt muôn vàn nước đi và thế đánh hung hiểm nghiệt ngã của thị trường thế giới liên thông không biên giới. Niềm vui chưa đến nhiều thì cơn thác đổ khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu sập xuống. Cả thế giới gồng mình gánh chịu và người ta tung ra nhiều chiêu độc để chống lại cơn bão tài chính đang lan rộng khắp thế giới. Mặt trái của kinh tế thế giới lộ nguyên hình. Nhiều đại gia công nghiệp, nhiều nhà tài phiệt lâu nay dùng uy quyền của tiền bạc để thao túng kinh tế nhiều nước trên thế giới đã vào trại giam hoặc trở về cát bụi.

Continue reading

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CON NGƯỜI

VŨ HẠNH

Ngày xưa khi Digogène cầm đèn đi giữa ban ngày, đáp câu hỏi: "Ngài đi đâu đấy?" bằng câu: "Đi tìm một người”, hẳn nhà hiền triết thời cổ đã muốn đòi hỏi nhân tính như một biểu hiện thanh cao của một bản chất lý tưởng, khác xa với sự tầm thường ti tiện phổ biến trong những hạng người gọi là quý phái đương thời.

Ở tập cổ tích của Campuchia, dễ tìm thấy trong các tiệm sách "xôn" dọc các hè phố ngày nào, có một câu chuyện lý thú, kể một anh chàng nhìn quanh thấy ai cũng có nhiều sự thô bỉ, xấu xa, gần với loài vật hơn là loài người, bèn quyết tâm tìm cho được một người. Đợi ngày hội lớn tập trung đông đảo, anh ta cải trang làm người nghèo khổ ngồi dưới gầm cầu câu cá. Bao nhiêu là người chỉ mãi nghĩ đến cuộc vui ngày hội hoặc chỉ bận tâm về sự trưng diện của mình, thản nhiên đi qua. Cuối cùng một công chúa đến, nhìn xuống dưới cầu và chùn bước lại. Nàng bảo: "Ta không thể nào bước trên đầu người". Cận thần bèn tâu: "Nó chỉ là đứa nghèo hèn, công nương chớ quá bận tâm". Và công chúa đáp: "Dù có nghèo hèn, kẻ đó cũng biết vui buồn, cũng có giá trị của họ. Hãy bảo người ấy chèo khỏi nơi ấy, ta mới dám bước qua cầu”. Chàng đi câu nọ, nghe thế, nhủ thầm: "Đó là một người"?…

Người ta vẫn lưu ý rằng tiếng gọi con người là sự kết hợp giữa hai yếu tố, đó là tiếng con – chỉ loài động vật với những phản ứng bản năng – cùng với tiếng người chỉ những đòi hỏi vươn cao. Hình ảnh nhân sư khổng lồ, dựng lên ở giữa sa mạc Ai Cập với cái đầu người và mình sư tử, hẳn là biểu tượng rõ nhất cho cuộc chiến đấu gian nan để con người được hình thành: dù đã cố ngoi đầu lên với những sắc diện là người, nhân loại vẫn còn bị lôi kéo lại bởi những thú tính thấp hèn là cái thân xác súc vật nặng nề kéo dài ở trên mặt đất. Và chỉ khi nào con người thực sự cất nổi mình lên, rũ bỏ được sự chi phối của cái thân xác bốn cẳng để đứng vững vàng trên cái tư thế hai chân, con người mới thực sự người, để tiến đến một giai đoạn cao hơn của sự thăng hoa nhân loại.

Continue reading

MÙA XUÂN CỦA TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG

TS. LÊ ĐĂNG DOANH

Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và có dũng cảm sửa chữa để tiến lên.

Nhìn lại thập kỷ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.

Trong thời khắc thiêng liêng giao thời, kết thúc năm cũ, đón năm mới, mỗi người trong chúng ta đều dành cho riêng mình những phút suy tư, nghĩ về những việc trong năm cũ, những điều đã làm được và chưa làm được, nghĩ về năm mới với những dự báo, những dự định, hoài bão cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có cá nhân mình.

Suy nghĩ để hành động, vì tất cả đều bắt đầu bằng hành động mới đi đến biến đổi hiện thực. Năm Canh Dần 2010 này là năm cuối cùng của một thập kỷ, cũng là dịp để ta nhìn lại cả mười năm qua và dự tính công việc cho mười năm tới.

Tiếp theo những năm đầu cải cách và hội nhập trong những thập kỷ 1990, trong thập niên 2001-2010 này, Việt Nam đã tiếp tục có những thành tựu nhất định và vẫn được Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc ca ngợi và nêu gương cho các nước nghèo, chậm phát triển về thành tích tăng trưởng kinh tế cao và xóa đói giảm nghèo nhanh.

Lời khen đó có người ví với phiếu “bé ngoan” cho những trẻ mẫu giáo. Từ năm 2008, nước ta cũng đã vượt qua được ngưỡng “nước thu nhập thấp” (935 đô la Mỹ/người) – một từ hoa mỹ để chỉ nước nghèo – để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy ta đang ở mức thấp nhất trong nhóm các nước này. Đó là những tiến bộ có thực đáng trân trọng tuy còn dưới tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam.

Continue reading

TẢM MẠN NGÀY TẾT: TỪ “ĂN” ĐẾN … “ĂN TẾT” – SỰ THÚ VỊ CỦA NGÔN TỪ TIẾNG VIỆT

212 VĂN TÌNH

Ăn là câu chuyện của muôn thuở. Từ cổ chí kim, hỏi có ai không ăn mà sống được? Tết nhất hội hè, người ta thường hay tổ chức ăn uống linh đình, đó cũng là chuyện đương nhiên. Ở đây, chúng ta không có ý lạm bàn về chuyện ẩm thực (ẩm: uống, thực: ăn) mà muốn bàn về một vấn đề liên quan tới ngôn ngữ. Đó là ngữ nghĩa của tổ hợp từ "ăn Tết".

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) đã thống kê tới 159 tổ hợp có từ ăn đứng đầu. Dĩ nhiên, các từ này phải có nghĩa xuất phát, nghĩa cơ bản của ăn, được giải thích là “tự cho vào cơ thể thức nuôi sống”.

Ăn cơm, ăn cháo, ăn cám, ăn cỏ, ăn ráy, ăn khoai,… là ăn các thức ăn cụ thể. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tiệc, ăn cỗ, ăn sam,. .. nói về việc ăn trong các thời điểm và nghi thức, kiểu cách khác nhau. Ăn bớt, ăn bẩn, ăn chặn, ăn cắp,… là các lối “ăn” được coi là xấu, liên quan tới tư cách, phẩm chất của người ăn,… Miếng ăn quá khẩu thành tàn(tục ngữ) mà!

Tuy nhiên, có một loạt tổ hợp ăn mà nghĩa chung của nó lại được thay đổi lệch sang thành tố sau. Ví dụ:

ăn chia: chia phần (giữa những người, những bên cùng tham gia một công việc nào đó). Tụi mình đã làm ăn với nhau trước hết ăn chia phải sòng phẳng; ăn cho đều kêu cho sòng (tục ngữ).

ăn chơi: chơi bời, tiêu khiển bằng các thú vui vật chất (và tinh thần). Tay ấy được coi là kẻ ăn chơi bậc nhất, sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ.

Continue reading

THỜI GIAN VỚI GIAO THỪA

image BĂNG SƠN

Thời gian là cái gì đó, hoàn toàn vô hình nhưng lại hết sức hữu hình. Nó như một nguyên tố không màu, không mùi, không vị, không đặc, không loãng, cứ lặng lẽ trôi nhưng bất biến.

Không hiểu Đoàn Phú Tứ, một nhà văn tài năng một dịch giả uyên thâm, suốt đời chỉ làm một bài thơ độc nhất rồi chỉ viết văn mà không bao giờ làm thơ nữa, ông viết rằng:

Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian thanh thanh.

Lại còn chú thích rằng tím ngát chứ không phải tím ngắt thì ông nghĩ thế nào, thấy một thứ thời gian có màu và hương trong hoàn cảnh nào?

Nhà khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, một nhà thiên văn lỗi lạc của thời nay, của Việt Nam và của nước Pháp, ông đã tìm ra một ngôi sao mới cách trái đất ba vạn năm ánh sáng. mà ta biết một giây ánh sáng đã là ba mươi vạn cây số, không hiểu khoảng cách, con đường xa muôn triệu dặm ấy được đó bằng thời gian như thế nào trong khối óc một con người Việt Nam, tuy xa đất nước nửa thế kỷ nhưng vẫn luôn thuần khiết Việt – Nam – Hồn…

Phút giây giao thừa, thời gian vẫn một dòng tuôn chảy không hề ngừng nghỉ, đứt đoạn, nhưng ta vẫn cảm thấy có một cái gì ngừng lại, vừa mới mất, vừa đang đến, vừa ở lại, vừa thêm ra, vừa giầu lên trong ta. Bước ai đi ngoài kia trống giục và mưa bay, trong niềm xuân phơi phới, có phải là bước của thời gian. Trong này, hoa và hương, đèn và nến, tỉnh và mộng, thực và ảo, người ta yêu và người yêu ta đang hàm tiếu một loài hoa … có phải đó là hình ảnh của thời gian.

Continue reading

CHUYỆN PHONG TỤC TẾT

NGUYỄN VINH PHÚC

Lễ tết là thuộc về phong tục. Trong phong tục của cả nước có phong tục riêng của từng vùng. Mỗi vùng đóng góp những phong tục của mình vào phong tục chung. Hà Nội cũng vậy, từ xưa để hình thành một vùng “Văn hóa kinh kỳ” cũng có tục đón Tết riêng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi các chế độ chính trị cũng ảnh hưởng tới phong tục giã từ cái cũ, tiếp nhận cái mới. Lễ tết cũng vậy, tuy vẫn giữ căn cốt cổ truyền song tết ờ Hà Nội cũng có đổi thay cùng thời gian. Tựu trung vẫn là có hai khâu cơ bản: chuẩn bị và ăn tết.

Có tới vài chục năm đầu thế kỷ XX, giáp Tết ở Hà Nội, nhà nào cũng quét dọn cửa nhà, lau chùi bàn thờ, sắm sanh lễ vật… Về may mặc thì nhà giàu sắm áo gấm, áo đoạn, khăn lượt, khăn nhung… Nhà bình dân thì cũng cố cho được tấm áo dài bằng the, bằng lương, cái khăn lụa, khăn sồi. Nhất là con gái dậy thì, bố mẹ tất mua cho cái khăn vấn tóc bằng nhiễu Tam giang và bộ dây xà tích:

Khen ai nhuộm nhiễu Tam giang
Kéo dây xà tích cho nàng chơi xuân.

Rồi nhà giàu thì lên Hàng Ngang mua vài củ thủy tiên về gọt tỉa, đến Hàng Khoai, Hàng Lược mua hoa cúc, hoa đào, sang Hàng Cân mua bào ngư, long tu. Tới Hàng Bạc để “tắm” lại các đồ trang sức bằng vàng.

Nhà nghèo thì lên Hàng Bồ mua chữ, mua câu đối viết trên giấy, lên Hàng Mã mua vài cành hoa giấy, vào chợ Đồng Xuân mua miến, mua măng và cũng là dịp duy nhất trong năm là lên Hàng Chiếu mua một cặp chiếu đậu có hình chữ Thọ đỏ chót…

Continue reading

MÂM NGŨ QUẢ VÀ TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT

ANH TUẤN

Tết Việt, nhà nào cũng có mâm ngũ quả bày trên bàn thờ cho dù nhà nghèo hoặc ngày tết có thiếu vài thứ nhưng mâm ngũ quả biểu trưng cho năm lời chúc là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh vẫn là món cúng không thể thiếu. Mâm ngũ quả của người Việt biểu thị lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên của các thế hệ cháu con, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tượng trưng cho sự “Viên tròn Quả phúc” là khát vọng của gia đình trong năm mới.

Theo từ Hán Việt thì chữ Phúc trong ngũ quả chính là ước mong gia đình xum họp đông vui, hạnh phúc. Chữ Lộc cầu cho cả nhà được hưởng sự no đủ trong cuộc sống quanh năm. Chữ Thọ mang lời ước được sống trọn đời khỏe mạnh, sống trăm tuổi. Chữ Khang có nghĩa là an khang, an nhàn, tự tại, luôn minh mẫn, hoạt bát trong suốt cả năm. Chữ Ninh là lời ước gia đình ấm êm, tai qua nạn khỏi của cả gia đình và nhà cửa…

Mâm ngũ quả còn là sự tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ và của cuộc sống con người. Người xưa quan niệm màu xanh của hoa quả mang tính âm (nải chuối xanh, đu đủ xanh…), trái chín có tính dương (trái thơm, quả hồng, quả cam…).

Mâm ngũ quả cũng tượng trưng cho thuật ngũ hành, cấu tạo nên vật chất của Trời Đất và con người (Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Mâm ngũ quả còn tượng trưng cho hương vị của cuộc sống mà con người phải trải qua: Ngọt, bùi, chua, cay, đắng (ngũ vị, ngũ quả).

Continue reading

Ý NGHĨA NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN

HỒNG ANH (Sưu tầm)

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.

Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.

Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Không thế thì làm sao huỳnh Văn Nghệ có cảm hứng để lưu truyền cho hậu thế hai câu thơ bất hủ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Continue reading

GIỮ TẾT CỔ TRUYỀN – TẾT XƯA, TẾT NAY . . .

GS. LÊ VĂN LAN

Ngày xuân con én đưa thoi. Chỉ có 6 chữ thơ Xuân thôi mà thấy đủ sự vần vũ chuyển động của đất trời và lòng người. Có sự nhịp nhàng vui vẻ của con thoi và tiếng thoi. Cả những thoăn thoắt sinh động của cánh én trên lồng lộng mây trời…

Tết xuân là như thế. Không hề và không thể “nhất thành bất biến”. Nhưng nếu biến động chuệnh choạng hoặc thậm chí đứt gẫy thì “còn gì là xuân”?

Trong trường hợp lo toan này, phải chăng cần đến nhưng giá trị chuẩn mực mà nghìn lần Tết xuân qua, dân tộc ta đã tinh kết được?

Đến hẹn lại lên

Mấy chục năm trước, giữa những nối kéo một thời gian khó chiến tranh và đương thời là những hạn hẹp của bao cấp, xuất hiện ở Hà Nội kiến nghị, gửi đăng hẳn hoi trên báo chí chính thống – rằng nên bỏ Tết, cho đỡ phải . . . lo Tết.

Xôn xao cả lên, việc tán thành và phản đối. Có cả một luồng cực đoan và phê phán, đến mức một sáng thức dậy, chủ nhân căn nhà đề xuất việc bỏ Tết thức dậy, thấy ngay một hàng chữ cảnh báo trên cánh cửa nhà mình: "Năm nay nhà này mà ăn Tết, tao giết." Gia chủ đã phải báo công an cử người đến bảo vệ.

Một điều gì đó, ở đây, cũng giông giống việc xưa ở Văn Trưng (tên Nôm là Dưng), Vinh Phúc – nơi có cả một Tết xuân mồng Sáu tháng Giêng (với trò “quàng vai bắt trạch”) mà đến như các bậc già cả cũng phải nguyền: "Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng Sáu hội Dưng Ngày Tết, vậy là không bỏ được, thế thì cứ đến hẹn lại lên, vào lúc năm hết Tết đến là ta chơi Tết, vui Tết và . . . lo Tết. Có vẻ như cái sự "tự nhiên nhi nhiên" thế này là việc "trôi theo dòng lịch sử" với ít phần tự thức nhưng lại nhiều phần tự phát để thực hiện – làm nên và hưởng thụ – Tết của chúng ta, mà trong đó và ở đây về mặt hiểu biết về quan niệm thì ít nhất cũng mặc nhiên hàm chứa hai vấn đề rất có liên quan: Ta đang coi Tết là một cái gì nhất thành bất biến, do đó dẫn đến chúng ta đang làm biến đổi Tết mà không hay biết (hoặc ít để ý đến).

Continue reading

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: