admin@phapluatdansu.edu.vn

LỄ, HỘI VÀ TẾT

NGUYỄN TIẾN VĂN

Lễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn.

Lễ – Hội – Tết là sinh hoạt đặc thù của con người, là nền tảng của đời sống chung từ gia đình, xóm làng, đến đất nước, và toàn cầu. Có thể trong cuộc tiến hóa của chủng loại con người, thoạt kì thủy là những cá thể đơn lẻ kết hợp với nhau thành từng tổ nhóm nhỏ vài đơn vị, đến vài chục đơn vị để quần thể dễ mưu sinh và tự vệ hơn. Hàng triệu năm qua đi và con người nhờ quy tụ được một số điều kiện có một không hai đã bứt khỏi đồng bộ linh trưởng (gồm khỉ, vượn, đười ươi, hắn tinh tinh…) và hình thành nhân loại. Những điều kiện đó hỗ tương tác động lên nhau là tư thế đứng thẳng, di chuyển trên hai chân, giải phóng đôi tay hoạt động tinh tế; ngón cái đối diện với 4 ngón còn lại giúp thao tác đa dạng, chính xác; cặp mắt nhìn ra không gian ba chiều; cổ họng, lưỡi và môi điều khiển âm thanh để hình thành ngôn ngữ; và khả năng nhận thức tự thân và ngoại giới được lưu trữ trong kí ức; hình vẽ và chữ viết bảo tồn và lưu truyền thành quả của các thế hệ làm cơ sở cho văn hóa, văn minh.

Từ Con người lao tác (homo faber) ở gần 3 triệu năm trước tới Con người thông minh (homo sapiens) ở đỉnh điểm khoảng 200.000 năm nay. Trong khi vũ trụ được khai sinh từ Vụ nổ lớn (the Big Bang) khoảng 15 tỉ năm trước, trong một hệ mặt trời gần 5 tỉ năm, và khi trái đất có sinh vật khoảng trên 3 tỉ năm, và bộ linh trưởng khoảng 50 triệu năm. Con người chỉ mới sáng tạo tiếng nói khoảng 100.000 năm nay, và chữ viết từ 5.000 năm nay. Lịch sử chỉ được ghi chép ngắn ngủi như thế đó. Trước nữa là thời tiền sử, chỉ có thể phỏng đoán qua sự thông giải những di chỉ và đồ chế tác bằng khảo cổ học. Tuy nhiên, ngoài những chế tác vật thể còn những thiết chế phi vật thể vô cùng quan trọng, qua đó chúng ta biết được những ứng xử của tổ tiên với tự nhiên, với đồng loại, thể hiện tư tưởng và tình cảm củahọ. Đó là văn minh phi vật thể, trong đó lễ hội chiếm một vị trí trung tâm.

Continue reading

TẢN VĂN VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN

image ĐỖ HOÀNG LINH

Lễ tết là một bộ phận đời sống văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Lễ Tết thường tập trung vào thời điểm đầu năm, phù hợp với thời tiết và thời vụ vì thế nó ăn sâu vào ý thức dân tộc. Tuy các nhà nghiên cứu đều cho rằng nghi thức lễ tết Việt Nam đều xuất xứ từ Trung Hoa, nhưng thực chất thì phong cách, tâm hồn và truyền thống đều thể hiện rõ bản sắc Việt Nam.

Ngày lễ tết quan trọng nhất chính là Tết Nguyên đán. Tên gọi của ngày lễ cổ truyền này vốn là cách nói tắt của hai chữ Hán lễ tiết. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm, còn Tết là từ tiết mà ra, nên cụm từ này nghĩa là: bắt đầu năm mới. Thật khó xác định chính xác xem người Việt ta ăn tết từ khi nào, nhưng chắc hẳn do ảnh hưởng của quá trình du nhập văn hóa phương Bắc. Còn sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính Ngọ năm thứ 2 (135 trước Công nguyên), Hoài Nam Vương An dâng thư rằng: đất Việt là đất ở ngoài, là dân cao tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ nước mũ mang đai mà trị được. Từ thời tam đại thịnh trị, đất Hồ, đất Việt không theo lịch Trung Quốc…”.
Dân gian vẫn có câu đói quanh năm no ba ngày Tết chắc tại tâm lý no dồn đói góp tích cóp chuẩn bị tất cả tháng trời cho dịp Tết chỉ diễn ra trong ba ngày quan trọng nhất là 30 -1 – 2. Công việc lo Tết bắt đầu thực sự gấp rút từ rằm tháng Chạp âm lịch. Các gia đình đều dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng nhà cửa và mua sắm đồ Tết. Ngày 23 tháng Chạp có một nghi lễ quan trọng đầu tiên là tiễ ông Công ông Táo (ta còn gọi là vua bếp, Đông thần). Các gia đình khá giả bày cỗ linh đình, thậm chí còn dâng cả mật ông, bánh nếp để mong Táo quân ngọt giọng đọc báo tâu điều hay lẽ phải với Ngọc Hoàng; nhà nghèo thì cũng cố sắm cho ông Táo mâm lễ gồm mũ, áo, hia, vàng mã và con cá chép sống để trong thạp nước bày lên bàn thờ. Ai cũng tin rằng ông Táo giữ ngọn lửa bếp trong mỗi nhà nên rất quan trọng đối với vận thịnh suy của gia chủ. Sau khi thắp hương cúng xong thì đốt vàng mã và đem cá ra sông phóng sinh. Không khí Tết dồn dập đến rất nhanh, người ta quét dọn, lau rửa bàn thờ, ảnh thờ, nấu nước ngũ vị hương vẩy từ nhà ra ngoài sân để tẩy uế rồi mổ lợn, gói bánh chưng, làm gà, làm ô-mai, mứt tết, tắm giửa tất niên.

Continue reading

BÁNH CHƯNG, DƯA HÀNH . . . VÀ NHỮNG ĐỔI THAY CỦA TẾT

TRÍ TUỆ

Tết, dù thời nay được định nghĩa bằng những món Tây, bằng những món quà biếu xa xỉ chở nặng… toan tính thì trong tâm niệm của hết thảy người Việt, Tết muôn đời vẫn là xum vầy, là tụ họp và vui vẻ.

Năm hết, tết đến. Tiệc tùng mở ra. Trong quan niệm của người Việt xưa thì cả hai năm dành dụm chỉ dành cho một ngày tết. Có chút đường cũng góp lại, có chút mắm cũng để dành. Chút đậu xanh ki cóp được cả năm cũng chỉ để dành cho dịp này để gói bánh chưng. Ở quê thì mổ lợn chung, mấy nhà chung nhau một con. Cũng khoảng từ thời điểm này mọi người bắt đầu để dành bí, hồng để làm mứt. Với những cậu học trò lười thì điểm chác cũng vừa xong, họ bắt đầu quan tâm tới con dấu in trên trang vở cũ, những quả pháo Bình Đà. Nhiều cậu ham chơi, nghịch ngợm còn tự cuốn pháo, những quả pháo cối nguy hiểm giờ trẻ em không còn thấy, nhưng dù gì nó cũng là một phần của Tết xưa. Tết ngày đó, nghèo nhưng vui, ai cũng nghèo, tranh đua gì?

Rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 1986, nước nhà chính thức mở cửa, những tập đoàn lớn bắt đầu rót tiền vào Việt Nam. Người Nhật tới Việt Nam đầu tiên khi người Nga vừa về nước. Văn hóa Tây Âu và Bắc Mỹ ngày một thổi mạnh. Mọi ý niệm về tết, quà tết của mọi người cũng bắt đầu thay đổi.

Bây giờ, Tết bỗng nhạt hơn. Bởi người ta, kể cả trẻ con bỗng nhiên dồn cái nô nức ấy cho Noel – tết của người Công giáo rồi. Trẻ con háo hức chờ ông gia Noel cưỡi xe máy đến nhà tặng quà. Các quán bar, nhà hàng, công viên ngày này lũ lượt khách Tây, khách ta ăn uống vui chơi. Đường phố tắc nghẽn, còi xe inh ỏi, không khí rộn ràng bởi ai cũng muốn ra đường ngắm phố, ngắm người. Hai bên phố, các cửa hiệu nhộn nhịp kim tuyến, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy trên cây thông Noel. Chẳng thiếu người chạnh lòng: Dân mình giờ Tây quá. Nhưng mà ngày vui, ngày Tết, dù chẳng phải Tết truyền thống, thì cớ gì mà buồn, chi bằng cứ vui chung cái vui của mọi người. Có thêm một cái Tết, cuộc đời này thêm một niềm vui.

Continue reading

CÔ ĐƠN ĐÓN TẾT

ĐOÀN DŨNG

Có một góc nhìn khác về Tết. Một người trốn chạy những lễ nghĩa của Tết, một người có trạng thái tâm lý dường như mâu thuẫn, không ăn Tết với người thân, mà một mình, giữa những nơi xa lạ… Lớp người trẻ bây giờ cũng vậy đó, họ tranh thủ đi đâu đó vào dịp Tết, không nhất thiết phải quây quần với gia đình theo truyền thống.

Có phải như ngày xưa đầu mà cả năm mới biên cho nhau được lá thư hỏi thăm sức khỏe. Có phải như ngày xưa đâu mà cả năm mới gặp được nhau ngày Tết? Bây giờ ở thành thị ai cũng có xe máy phóng vù vù. Thăm nhau chẳng phải lóc cóc đạp xe đến nhà bạn mà cứ phấp phỏng không biết có nhà hay không. “Rỗi không, ra cà phê nhé” – một câu qua điện thoại, một message hiện lên trên cửa sổ chat là tuần nào cũng có thể ngắm nghía bạn bè thân hữu chỉ sau 15 phút phát ra thông điệp. Chơi với nhau chẳng cần phải biết nhà nhau, cà phê là phòng khách chung của các gia đình.

Vậy mà mấy ngày Tết phải ngồi nhà, nở nụ cười xã giao với những câu hỏi thăm và chúc tụng cũ kỹ khiến tôi cho rằng đó là một việc làm “ngớ ngẩn” nhất trần đời.

“Năm nay nhà ta làm ăn khá chứ?” – vớ vẩn hết sức. Tháng nào cũng gặp nhau ít nhất bốn lần, chuyện chỉ xoay quanh công việc, biết rành rành bạn năm nay thắng thua thế nào, vậy mà chỉ vì Tết nên phải hỏi một câu cực “khú” cho phải lệ. “Cành đào này nhiều lộc lắm đây!” – chẳng có gì để buôn thêm, hăm tám vừa rủ nhau đi mua đào, giờ mới mùng hai nhìn thấy chính cành đào mình mua mà cứ như phát hiện ra châu Mỹ. “Năm tới bằng năm bằng mười nhé!” – thật thế có khi mất bạn mất bè như chơi.

Tiếp khách kiểu này mặt tôi cứ cứng đừ, vặn vẹo trên ghế như bị kiến đốt vào mông. Các bạn tôi đôi khi hỏi một câu xong cũng tự thấy ngớ ngẩn đành phá lên cười chữa ngượng. Thấy tôi khổ sở quá, vợ bảo: “Thôi anh trốn vào buồng đi, có khách em bảo anh đi vắng”. Khách đến, trong buồng đèn đóm tắt hết, không dám thở to, dặn dò con cái không được gọi bố. Trốn một vài khách thì được, một cái Tết cũng cố được, nhưng nhiều lần, nhiều năm thì không được ở nhà mình mà cứ dấm dúi thầm thì như đi ăn trộm. Continue reading

TIẾNG GÕ CỬA MÙA XUÂN

image A.N

“Mùa xuân gõ cửa phương nào
Thời gian như đã dầu hao lại đầy”

Tiếng gõ cửa ấy với tôi có khi là tiếng sột soạt của bức mành treo ngoài cửa sổ, mỗi khi có ngọn gió thổi qua. Nhà ở trên cao, một gợn gió nhẹ cũng có thể gây nên một tiếng động đủ để giật mình. Nhất là vào cứ cuối đông đầu xuân, gió mùa Đông Bắc liên tục viếng thăm, tiếng gõ ấy thường gấp gáp như tiếng những bàn chân lữ thứ vừa từ phương nào ghé tới. Chưa kịp bực mình vì người khách không mời, đã nghe vang trên đầu khóm cây ngoài ban công tiếng hót hồn nhiên tự tại của chú chim chuyền đầu tiên vừa thức giấc. Biết không sao ngủ tiếp, liền ngồi dậy, khẽ mở khung cửa nhỏ nhìn ra, và lần này thì không còn là tiếng gõ cửa dịu dàng của gió, mà là một chùm hoa gioi, hoa mận bên nhà hàng xóm mới qua một đêm mà đã kịp nở tung trắng xóa đến sững sờ. Cái tiếng gõ cửa lặng im này của mùa xuân mới quyết liệt làm sao, nó như bức thông điệp của Trời Đất gửi đến cho con người, báo tin về một cái gì đó đã vĩnh viễn ra đi và một cái gì đó lại đang đợi chờ phía trước.

Với người này, tiếng gõ cửa ấy là một tiếng mời gọi, rủ rê. Với người khác, tiếng gõ ấy có thể là một câu nhắc nhở nhẹ nhàng. Và với người khác nữa, tiếng gõ ấy chắc chắn là một lời giục giã gấp gáp. Còn với tôi, cầm trên tay tờ lịch cuối cùng của năm cũ, ý nghĩ đầu tiên ập đến trong buổi sáng hôm nay là vì sao thời gian lại có thể trôi nhanh đến thế. Mới đó, cũng ngày này năm ngoái, trận rét đậm dai dẳng hơn một tháng ròng đã quét sạch những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa đông, vun chúng thành từng đống để cho các bà các chị quán cóc hàng rong có dịp nhen lên những đống lửa giữa hè phố Hà Nội, một cảnh quan hiếm thấy và không thể nói là không thú vị. Có một chiều như thế, tôi lang thang một mình trên phố.

Mưa phùn đầu xuân như những ngón tay tinh nghịch cứ lùa vào trong cổ. Gió từ mạn bên kia sông Cái vẫn hun hút lùa về. Đi giữa phố phường mà chợt nhớ da diết cái không khí đồng không mông quạnh trong bài thơ tứ tuyệt lừng danh của thi nhân Đỗ Mục đời Đường:

Continue reading

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CON NGƯỜI

image VŨ HẠNH

Ngày xưa khi Digogène cầm đèn đi giữa ban ngày, đáp câu hỏi: “Ngài đi đâu đấy?” bằng câu: “Đi tìm một người”, hẳn nhà hiền triết thời cổ đã muốn đòi hỏi nhân tính như một biểu hiện thanh cao của một bản chất lý tưởng, khác xa với sự tầm thường ti tiện phổ biến trong những hạng người gọi là quý phái đương thời.

Ở tập cổ tích của Campuchia, dễ tìm thấy trong các tiệm sách “xôn” dọc các hè phố ngày nào, có một câu chuyện lý thú, kể một anh chàng nhìn quanh thấy ai cũng có nhiều sự thô bỉ, xấu xa, gần với loài vật hơn là loài người, bèn quyết tâm tìm cho được một người. Đợi ngày hội lớn tập trung đông đảo, anh ta cải trang làm người nghèo khổ ngồi dưới gầm cầu câu cá. Bao nhiêu là người chỉ mãi nghĩ đến cuộc vui ngày hội hoặc chỉ bận tâm về sự trưng diện của mình, thản nhiên đi qua. Cuối cùng một công chúa đến, nhìn xuống dưới cầu và chùn bước lại. Nàng bảo: “Ta không thể nào bước trên đầu người”. Cận thần bèn tâu: “Nó chỉ là đứa nghèo hèn, công nương chớ quá bận tâm”. Và công chúa đáp: “Dù có nghèo hèn, kẻ đó cũng biết vui buồn, cũng có giá trị của họ. Hãy bảo người ấy chèo khỏi nơi ấy, ta mới dám bước qua cầu”. Chàng đi câu nọ, nghe thế, nhủ thầm: “Đó là một người”?…

Người ta vẫn lưu ý rằng tiếng gọi con người là sự kết hợp giữa hai yếu tố, đó là tiếng con – chỉ loài động vật với những phản ứng bản năng – cùng với tiếng người chỉ những đòi hỏi vươn cao. Hình ảnh nhân sư khổng lồ, dựng lên ở giữa sa mạc Ai Cập với cái đầu người và mình sư tử, hẳn là biểu tượng rõ nhất cho cuộc chiến đấu gian nan để con người được hình thành: dù đã cố ngoi đầu lên với những sắc diện là người, nhân loại vẫn còn bị lôi kéo lại bởi những thú tính thấp hèn là cái thân xác súc vật nặng nề kéo dài ở trên mặt đất. Và chỉ khi nào con người thực sự cất nổi mình lên, rũ bỏ được sự chi phối của cái thân xác bốn cẳng để đứng vững vàng trên cái tư thế hai chân, con người mới thực sự người, để tiến đến một giai đoạn cao hơn của sự thăng hoa nhân loại.

Cổ ngôn Đông phương: “Người không mười phần hoàn toàn” (nhân vô thập toàn) xác nhận sự chưa hoàn thiện của người để khích lệ người trên đường cải thiện. Chính sức cố gắng ấy là dấu hiệu riêng biệt của người, là cái vinh quang của người. Nó là món quà của lý trí, và lý trí là kết quả của sinh hoạt xã hội.

Continue reading

XUÂN HÀ THÀNH

image NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Bây giờ thật không dễ chút nào khi muốn tìm kiếm sự trầm mặc, linh thiêng của vùng kinh đô trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử. Nét đẹp xưa cũ ngỡ như chỉ vọng về trong sử sách. Tôi miên man so sánh giữa Sài Gòn và Hà Nội. Cả hai đô thị đều sôi động và ồn ào đến ngợp thở. Nhưng chắc chắn cái sức náo nhiệt của Hà thành còn kém Sài thành nhiều lắm. Dù hối hả là vậy nhưng vẫn nhận ra nhịp điệu chậm rãi, buồn buồn của chốn kinh kỳ. Nhưng vấn thấy thiếu cái gì không rõ ràng, không tìm nhưng ngóng đợi, có lẽ là nét trầm mặc, cô tịch làm gợi nhớ nhung nỗi niềm xa mờ, sương khói.

Một ngày đầu xuân, tiết trời se lạnh, lang thang trên những con phố hiếm hoi sự hiu vắng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe rú ga vọt qua vội vã. Không còn bắt gặp những dòng ngược xuôi hối hả. Cái lạnh bên hồ làm tê hai má. Trong khoảnh khắc bỗng nhớ đến 2 câu thơ của Bà huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Cái đẹp của kinh kỳ khi thành cố đô lại trở thành nét đẹp điển hình của chốn phồn hoa đô hội từ khi nào? Lòng chợt muốn tìm nét xưa nay chỉ còn vắng bóng. Tháp Rùa rêu phong, mờ tỏ giữa bảng lảng sương chiều mong manh. Những ngã đường vắng lặng, tháp thoáng bóng người, gió lùa buốt lạnh, lúc ấy mới cảm nhận được một nét trầm mặc, thiêng liêng không dễ gì tìm thấy. Ngỡ như nghe phảng phất đâu đây tiếng lục lạc, vó ngựa chầm chậm, thấp thoáng kiệu quan đi tuần. Đâu đây còn vọng tiếng trống reo hò của ông cha vung gươm đánh giặc. Hồn núi sông tích tụ dệt nên linh thiêng từ những tháng năm của vận nước.

Phải nặng tình lắm mới nhận ra chỉ trong thời khắc ngắn ngủi xuân về lạnh giá. Hà thành mới phát lộ đủ đầy sự cổ kính và cô tịch. Phố phường trầm tư, cửa đóng then cài, những ô cửa im lặng. Hàng sấu già trên đường Trần Phú trong những chiếc lá vàng cuối mùa, thênh thang. Ô Quan Chưởng trầm tịch, bước chân bỗng ngập ngùng như chờ đợi điều gì mông lung. Lúc ấy nhận ra Hà thành vào xuân như cô gái lẳng lặng duyên thầm.

Đã từ bao giờ hoa sữa, loài hoa mọc ở nhiều vùng đất nước nhưng hương thơm của nó lại trở thành thú hương đặc trưng của Hà thành. Thứ hương ngọt ngào ấy đã đi vào tiềm thức của nhiều người. Nó nhuốm màu cảm xúc làm nên một vẻ đẹp lịch lãm.

Continue reading

TRÂU Ở VIỆT NAM: CẦN CÓ MỘT TƯỢNG ĐÀI

image ĐỖ ĐỨC

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Trâu gắn bó với nông thôn Việt Nam từ bao đời nay, nên không phải thuận miệng mà người ta nói ra câu này. Có con trâu là có sức kéo, giải phóng sức lao động trên đồng. Buổi sáng, một lực điền với một con trâu mộng, làm cật lực có thể cày lật tới bốn sào đất. Còn làng nhàng thì sào rưỡi hai sào. Không có trâu, lại không có người kéo cày, chỉ dùng tay cuốc thì sào đất mất bốn công chưa xong. Cho  nên ruộng sâu trâu nái một thời để đánh giá chỗ dựa tin cậy vững chắc ở thôn quê Việt.

Ba việc lớn can hệ đến sự thay đổi cơ bản con người cuộc sống ở nông thôn: làm nhà – cưới vợ – tậu trâu đã thành một tiêu chí mang tính tổng kết về hoạch định để có tính bền vững của một gia đình thôn quê. Ba việc đó phải gắn kết cùng nhau, thiếu đi một trong ba việc là chưa thể là hoàn hảo. Ước mơ đó thật nhỏ nhưng đã tồn tại kéo dài cả trăm năm nghìn năm với nông thôn Việt Nam .
Còn nhớ cách đây vài chục năm thôi, sau vụ gặt tháng mười, thu gom rơm rạ xong là mọi nhà rậm rịch bắc vai  trâu đi cày đổ ải. Cánh đồng ngày đầu đông vui như trảy hội. Đất ruộng còn chưa khô hẳn được xá cày lật lên dẻo quánh một màu nâu. Đợi nắng cho hoai oải, ăn tết xong là bắt nước vào vụ chiêm. Con trâu chịu thương chịu khó đi vào ca dao thật ấm tình người: Trâu ơi ta bảo trâu này/  Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Tôi đã đọc những câu ca dao ấy trong sách tập đọc từ thuở đến trường và còn cặn kẽ nhớ đến ngày hôm nay. Đọc sách, học bài trên lưng trâu là việc kép trong buổi dong trâu đi gặm cỏ.
Tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ thành đạt ngày hôm nay đã từng mài đít trên lưng trâu, trong đó có cả những người có vị thế cao của đất nước. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ ấy, cất cánh từ lưng trâu, dù tầm bay có thấp hơn nhiều. Những câu văn xuôi thuộc lòng trong bài cách trí: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, đầu tôi đội nón mê tay cầm cành tre vắt vẻo trên lưng trâu… chúng tôi thuộc vanh vách. Nhưng đa phần tuổi thơ nông thôn xưa không mấy có ước mơ hoài bão gì, phần lớn yên phận với con trâu kéo cày vì lũy tre đã che chắn mất tầm nhìn từ bao đời nay, nên cũng chẳng ai nhận ra bi kịch nghèo đói nữa. Một cuộc sống hạn chế đến tối đa các nhu cầu ăn ở sinh hoạt cho mỗi con người, luôn lấy con trâu làm chỗ dựa để mà yên tâm ngày đủ hai bữa rau muống tương cà. Đó cũng là hạnh phúc cao nhất của nông thôn ta xưa khi mà mọi kĩ thuật canh tác chưa có khoa học chen vào.

Continue reading

BÓC TỜ LỊCH CUỐI NĂM

image CHỬ VĂN LONG

Bóc tờ lịch cuối năm lòng tự nhủ – Thế là thời gian lại bắt đầu một chu kỳ mới! Nhưng Thời gian là gì nhỉ? Một cuộn chỉ vô hình, đời này qua đời khác thao mãi không ngừng, khúc lành lặn trơn tru, đoạn rối bòng bong không sao tháo gỡ, cuối cùng, nào ai đã nắm được cái lõi chỉ kia để biết cuộc sống là gì mà con người say mê làm vậy!

Thời gian như cốc nước đầy tạo hóa không ngừng nghiêng rót, mỗi người một cốc cầm tay, kẻ nhấm nháp từng ly, người một hơi dốc cạn; đến khi chiếc cốc tuội khỏi tay mình, kẻ tiếc mãi vị ngọt đầu môi, người thấm nhận tê, cay, đắng đót, chẳng ai biết vị thật cuộc sống là chi, lòng mãi khôn nguôi cơn khát…

Thời gian giống chuyến xe đời, không bến cuối cùng, cũng không nơi xuất phát; người lên xe tìm mơ mộng không đâu, kẻ chất chồng bạc tiền, lợi danh, khư khư ôm giữ… ai cũng ngỡ mình sắp về tới đích, đâu biết cả đời ta chỉ đuổi bắt kiếm tìm, lúc tưởng bàn chân đến được Thiên đường có khi lại là đang rơi xuống nơi địa ngục, còn những vòng quay chiếc xe vô định kia thì vẫn lăn mãi lăn hoài…

Thời gian tựa làn gió thoảng, vừa sớm mai đã lại buổi chiều, một ngày đợi chờ dài dằng dặc, một đời người phút chốc qua nhanh. Lúc thấy thời gian như được nhung lên nóng bỏng bởi những ham muốn dục vọng con người. Lúc lại lạnh tanh như mặt nước ao tù ngưng đọng. Thời gian luôn cứa vào ta chảy máu, rồi lại dịt lành mọi vết thương đau. Nhờ thời gian mà ta thấm nhận được hết vui buồn sự sống, những tình cảm vị tha, những tấm lòng nhân hậu, để biết yêu thương, chung thủy, đợi chờ, sàng lọc lại cho mình những gì là tốt đẹp giữa bao trắng đen, gian dối, lừa lọc… Tiếng nước mới êm dịu làm sao, nhưng mấy ai biết rằng, cái tiếng dịu êm ấy đã gọt, đã bào mòn biết bao đá núi, còn thời gian thì vẫn vẹn nguyên ăm ắp tràn đầy…

Continue reading

ĐI TÌM LỜI CHÚC ĐẦU NĂM

image PHƯƠNG NAM

Theo tục xưa, những gì xuất hiện vào đầu năm sẽ ảnh hưởng đến cả năm. Vì vậy, trong những ngày đầu xuân thì ai cũng chọn cho mình bộ quần áo “bảnh” nhất, tìm cho được những lời chúc tốt đẹp nhất để gửi đến những người thương yêu, quý trọng. Những lời chúc ấy tập trung chủ yếu vào tuổi thọ, tiền tài, danh vọng, hạnh phúc…Mỗi lời chúc thể hiện một ước mơ và đâu là ước mơ đáng để mơ nhất?

Sống lâu trăm tuổi

Sống lâu trăm tuổi là một ước mơ của người xưa khi tuổi thọ con người chỉ ở khoảng 45 – 50 năm. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, tuổi thọ con người đang ngày càng tăng.

Theo quan niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): dưới 65 được xếp vào “lứa” trung niên, từ 65 đến 74 được gọi là cao tuổi, từ 75 – 90 mới bị gọi là già, còn lão niên phải từ 90-120. Như vậy, có lẽ bài hát “60 năm cuộc đời” của NS Y Vân sẽ phải được điều chỉnh lại! Tuy nhiên, đa số các cụ khi đã thọ lại phát hiện ra rằng, tuổi thọ không phải là tất cả Có ai vui khi thọ đến 100 tuổi trong tư thế… “ngọa triều”? Như vậy, chất lượng sống tốt mới chỉ là “chỉ tiêu” cần “phấn đấu”.

Theo giáo sư Hồng Chiêu Quang, chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc về bệnh tim mạch và sức khỏe người cao tuổi thì những sinh hoạt hằng ngày có khả năng làm chất lượng cuộc sống trở nên kém đi, thậm chí làm người ta đoản thọ. Trong cuốn sách “Hãy là bác sĩ của chính mình”, giáo sư Hồng hướng dẫn: Về ăn uống, hằng ngày, uống một ly sữa bò hay hai ly sữa đậu nành để không thiếu can xi, ăn một lượng chất bột vừa phải từ một đến hai bát cơm (tùy công việc nặng hay nhẹ), 100g thịt hay 200g cá, hoặc 200g đậu phụ, ăn 500g rau xanh và quả chín, không ăn no. Lưu ý ăn các chất có màu: đỏ (cà chua), vàng (cà rốt), xanh (lá chè xanh), trắng (bột yến mạch), đen (nấm mộc nhĩ) để tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh. Vận động vừa sức tốt nhất là đi bộ, mỗi tuần đi bộ khoảng năm lần, mỗi lần độ 3km, khoảng 30 phút. Đi bộ giúp cơ thể không dự trữ mỡ, máu huyết lưu thông. Nếu lỡ kết tình thâm giao với thuốc lá và rượu thì nên “nói lời chia tay” càng sớm càng tốt.

Continue reading

MẠN ĐÀM TẬP TỤC TẾT

image_thumb[1][4]BÙI ĐỨC ANH TÚ

Năm nào cũng vậy, sau lễ cúng ông công ông táo, mọi gia đình quét dọn nhà cửa, sắm lễ, treo câu đối, đoàn tụ ăn bữa cơm tất niên để đón năm mới. Tết đến, mọi người chúc nhau mạnh khỏe, may mắn, chúc bạn bè gần xa nhiều tài nhiều lộc. Tất cả những tập quán và phong tục đó đã thành tự nhiên, thành lệ, nên ít người biết đến sự tích, truyền thuyết và nguyên do để tập tục Tết tồn tại đến tận bây giờ.

Truyền thuyết về cúng Táo

Cô con gái út của Ngọc Hoàng vốn hiền lành và hay thương người nghèo, chẳng thế mà người cô yêu chỉ là chàng trai giúp việc bếp núc dưới trần gian. Việc đến tai, Ngọc Hoàng bực tức và đuổi cô con gái xuống trần gian để cùng chịu tội với anh chồng nghèo. Thương con, Vương mẫu nương nương xin Ngọc Hoàng phong cho anh con rể chức “ông táo” và cô con gái đương nhiên trở thành “Bà táo”.

Vốn có lòng trắc ẩn, mỗi lần về trời thăm họ hàng rồi trở lại trần gian Bà Táo đều mang theo nhiều thức ăn và đồ dùng phân phát cho người nghèo. Không ưa gì con rể nghèo túng lại thấy con gái về khuân đồ đi phân phát cho thiên hạ, Ngọc Hoàng liền hạ chiếu mỗi năm chỉ cho con về trời một lần vào đúng ngày 23 tháng Chạp.

Sang năm thứ hai, sắp Tết rồi mà mọi người vẫn đói ăn, ngay cả gia đình ông Táo cũng vậy, đến nỗi không có miếng ăn mang theo trên đường để về trời.

Gặp phụ hoàng, cô thuật lại nỗi thống khổ của trần gian, mong được trời cứu giúp. Ngọc Hoàng không những không đồng tình, còn bắt con gái phải trở về trần gian ngay đêm hôm đó.

Nếu phải đi ngay sẽ không có gì mang về để cứu khổ cứu nạn thiên hạ, cô bèn lấy cớ nấn ná thêm ít ngày, nào là phải quét nhà, nào là phải xay đậu, nào là phải chuẩn bị thịt, gà cho đến tận ngày 30 mới “vác của” trở về trần gian.

Sau một đêm thao thức và đúng vào lúc giao thừa họ vui sướng thắp hương, đốt vàng mã và pháo nghênh đón Bà Táo trở về. Tử đó cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm cỗ để tiễn đưa ông Bà Táo về trời.

Continue reading

TẢN MẠN VỀ CÂU ĐỐI TẾT

image TRẦN PHỎNG DIỀU

Sáng tác câu đối là một thú chơi tao nhã của bậc trí thức nhiều thời, có nội hàm văn hóa rất cao, thể hiện luân lý của người Á Đông nói chung, tính nhân văn của dân tộc ta nói riêng. Mỗi độ xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, nhà nào cũng dán câu đối.

Theo sử sách, câu đối lúc đầu là bùa bát quái được người Trung Hoa cổ xưa dùng để treo ở giữa đòn dông nhà và dán hai bên cửa để giữ yên nhà cửa, xua đuổi không cho ma quỷ đến gần. Các bùa chú này phải được đặt đúng nơi, đúng lúc và phải làm lễ cúng bái mới phát huy được tác dụng. Không chỉ dán bùa chú, người Trung Hoa cổ xưa còn vẽ hình các vị thần thánh, các nhân vật huyền thoại theo tín ngưỡng, đem dán ở cửa nhà cũng để trừ tà ma. Tương truyền, Thần Thư và Uất Luật là hai vị thần chuyên bắt những con ma hung dữ, trói chúng lại bằng cỏ lau rồi đem cho hổ ăn. Vì vậy, trong những ngày giáp tết, người ta thường vẽ hình hai vị thần này rồi dùng cọng lau treo hai bên cửa để trừ ma quỷ. Người Trung Hoa cổ xưa cũng tin rằng cây đào là linh thụ chứa tinh anh trong ngũ hành nên được gọi là cây tiên đào và có khả năng trừ ma quỷ. Do đó, vào ngày tết, người ta thường vẽ hình của Thần Thư và Uất Luật trên ván bằng gỗ đào đế trấn giữ tà ma. Sau này, gỗ đào được thay bằng giấy và các vật khác. Nội dung hình vẽ và bùa chú cũng được thay bằng các câu văn rút ra từ kinh điển hay tác phẩm văn học, hoặc những lời chúc tụng cho năm mới tốt lành và hạnh phúc. Như vậy, từ hình thức tín ngưỡng có phần mê tín ban đầu dần dần việc dán câu đối vào ngày tết đã trở thành một mỹ tục của người Á Đông.

Ngày nay, câu đối được chạm khắc hoặc viết trên gỗ rất hiếm. Trong dịp tết, câu đối thường được viết trên giấy hồng điều bằng mực tàu, chữ Hán (hoặc chữ kim nhũ vàng). Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đó dát vàng. Nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng:

Gia đình hòa dẫn xuân phong mãn

Diên kí quang đăng thọ diện cao

(Nhà đầu ấm gió xuân phơi phới

Tiếc mừng vui sao thọ ngời ngời)

Tết đến, người người thêm một tuổi, trướng thành hơn. Đó cũng là sự hãnh diện, là niềm hạnh phúc của mỗi người. Xuân về, trăm hoa đua nở, không khí mát lành là thời gian đế mọi người nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc. Để tổng kết lại chặng đường trong năm qua và định hướng cho năm tới tốt lành hơn trong ngày xuân, người ta cũng thích dùng câu đối:

Continue reading

TÂM LÝ NGÀY TẾT

image PHẠM QUỲNH

Những dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.

Người nước Nam có cái may mắn được gặp một dịp như vậy thường kỳ, vào những ngày nhất định, mỗi lần năm mới âm lịch đến. Trong dịp ấy, tất cả trẻ con Nam Việt, từ đứa giàu nhất đến đứa nghèo khổ nhất, từ đứa tân tiến nhất đến đứa lạc hậu nhất, cùng đồng cảm trong niềm trang trọng mơ hồ, vô danh tính, ồn ào, to lớn, độc nhất, gọi là ngày Tết.

Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn họ đã phải chịu đựng suốt năm qua và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui?

Vậy đâu là ý nghĩa của cái thực thể bí ẩn, kỳ lạ, mà người ta tôn sùng ngang như một vị thần và có một sức mạnh to lớn đến mức có thể gây cảm hứng trong mấy ngày cho cả một dân tộc cùng sống chung những tình cảm, có thể nói tạo nên một tâm hồn cộng đồng, nhất là đem lại cho họ niềm tin mỗi lần lại bừng sống lại mà ta đôi khi rất cần trong một cuộc tồn sinh thường rất khó khăn và bấp bênh?

Ngày Tết còn hơn là một ngày đầu năm rất nhiều, vả chăng nó kéo dài hơn một ngày, và nếu ta tính cả những chuẩn bị trước đó cùng những cuộc vui và giải trí tiếp sau, thì có thể nói nó kéo dài ít nhất là ba tuần. Dù sao, tâm trạng nó gây ra không dễ bị xoá đi trong một ngày và nghiên cứu nó quả là điều rất thú vị để hiểu được tất cả tầm quan trọng của sự trọng thể có thể coi là có tính chất quốc gia này, nếu điều đó không đồng thời cũng có ở Trung Hoa, nước Trung Hoa thật sự là Trung Hoa, nếu không phải là nước Trung Hoa Âu hoá một cách mơ hồ đang mỗi ngày kiên trì tự phủ nhận chính mình kia.

Continue reading

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn