admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO SỐ 316/BC-UBTVQH12 NGÀY 21 THÁNG 04 NĂM 2010 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT THUẾ NHÀ, ĐẤT

Kính thưa:
Các vị đại biểu Quốc hội,

Dự án Luật thuế nhà, đất đã được Quốc hội khóa 12 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh Dự án Luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật này như sau:

I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về sự cần thiết ban hành, phạm vi áp dụng và tên gọi của luật

Theo quy định của Dự thảo luật thì Luật thuế nhà, đất được ban hành để áp dụng thuế đối với hai loại đối tượng là: (1) nhà ở và (2) đất phi nông nghiệp.

Nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chưa ban hành luật tại thời điểm hiện nay. Cần khảo sát, đánh giá và cân nhắc tính hợp lý của việc ban hành.

Dưới đây, UBTVQH xin báo cáo cụ thể về sự cần thiết ban hành luật đối với từng loại đối tượng (nhà và đất) như sau:

a. Về sự cần thiết ban hành luật thuế áp dụng đối với đất phi nông nghiệp

UBTVQH cho rằng, cần thiết ban hành luật thuế áp dụng đối với đất phi nông nghiệp với lý do sau:

Thứ nhất, Pháp lệnh thuế nhà, đất được UBTVQH thông qua ngày 3/7/1992, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1994, quy định về điều tiết nguồn thu đối với đất phi nông nghiệp. Pháp lệnh này bước đầu đặt cơ sở cho việc tăng cường quản lý, động viên đóng góp của người sử dụng đất vào NSNN, tăng cường nguồn lực cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thực hiện, đến nay, trước những bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất, nhiều quy định của Pháp lệnh đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật đất đai 2003; nguồn thu NSNN từ thuế chưa tương xứng với giá trị đất đai; đặc biệt, chưa thể hiện vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, một số quy định về quản lý thuế đất trong Pháp lệnh đã được thể hiện trong Luật quản lý thuế. Vì vậy, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh là cần thiết, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng; đồng thời, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách về đất đai mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008, theo đó, tăng cường hơn nữa vai trò của thuế trực thu, trong đó có thuế sử dụng đất.

b. Về việc ban hành luật thuế áp dụng đối với nhà ở

Hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về việc đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Đa số ý kiến ĐBQH chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì: nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân.

Một số ý kiến cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào NSNN; hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.

Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nghiên cứu thận trọng các ý kiến đóng góp, UBTVQH cho rằng, mặc dù việc áp dụng thuế đối với nhà ở góp phần tăng cường công tác quản lý nhà ở, đất ở và cũng là kinh nghiệm thực thi chính sách thuế của một số nước trên thế giới trong quá trình phát triển, song trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì:

(1) Qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân.

(2) Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

(3) Áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở.

(4) Tại thời điểm hiện nay, việc tổ chức thực thi thuế đối với nhà ở có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ.

(5) Dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho NSNN không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Xuất phát từ những lý do trên, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất.

c. Về tên gọi của Dự thảo luật

Xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị, để bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật nên sửa tên luật là: “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.

2. Về tính cụ thể của Dự thảo luật

Một số ý kiến đề nghị cần nâng cao tính cụ thể của Dự thảo luật vì nhiều nội dung còn giao Chính phủ hướng dẫn.

UBTVQH nhận thấy, đúng như các ĐBQH đã nêu, một số quy định trong Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể. Vì vậy, UBTVQH đã tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo luật theo hướng sau:

– Rà soát văn bản hướng dẫn hiện hành, Dự thảo Nghị định và căn cứ vào thực tiễn thi hành Pháp lệnh trong thời gian qua để luật hóa tối đa các quy định cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định, phù hợp với các quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành chính sách thuế. Cụ thể là, đã bổ sung nhiều nội dung về:

+ Người nộp thuế, trong đó xác định rõ người nộp thuế đối với trường hợp: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là “Giấy chứng nhận”); (2) Trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận; (3) Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; (4) Trường hợp tổ chức, cá nhân cho thuê đất theo hợp đồng dân sự; (5) Trường hợp đất đai có tranh chấp; (6) Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất; (7) Trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

+ Về giá tính thuế: quy định cụ thể trong luật về hệ số phân bổ, diện tích đất tính thuế…

– Quy định cụ thể về trường hợp miễn, giảm thuế.

Các nội dung được cụ thể hóa thể hiện tại các điều: 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10 của Dự thảo luật mới.

3. Về thẩm quyền quyết định chính sách thuế

Một số ý kiến cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo luật chưa phù hợp về thẩm quyền; đặc biệt là về thẩm quyền quyết định chính sách thuế.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm phù hợp hơn về thẩm quyền và ý nghĩa điều chỉnh thực tế của luật, UBTVQH đã chỉnh sửa các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo hướng sau:

– Bỏ quy định về giao Chính phủ hướng dẫn cách xác định hệ số phân bổ, diện tích đất để tính thuế đối với đất của nhà chung cư.

– Cụ thể hóa tối đa các trường hợp miễn, giảm thuế trong luật. Theo đó, bỏ các quy định tại khoản 9 Điều 9 và khoản 6 Điều 10 trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội quy định các trường hợp miễn, giảm khác theo quy định của Chính phủ.

II. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về đối tượng chịu thuế

a. Đối với nhà

Với lý do đã trình bày ở phần trên, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng: bỏ quy định về thuế đối với nhà ở trong Dự thảo luật đã trình Quốc hội; chỉ giữ lại quy định về thuế đối với đất.

b. Đối với đất

– Có ý kiến đề nghị bổ sung đất nông nghiệp vào đối tượng chịu thuế.

UBTVQH đề nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định về đất nông nghiệp trong Dự thảo luật vì:

Thứ nhất, hiện tại thuế đối với đất nông nghiệp đang được điều chỉnh bởi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội số 15/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế nông nghiệp và đời sống người nông dân còn khó khăn thì nên tiếp tục miễn, giảm thuế đến hết năm 2020. Nội dung này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm 2010. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định diện chịu thuế là đất nông nghiệp trong Dự thảo luật.

– Có ý kiến đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế đất nuôi trồng thủy, hải sản; đất nghĩa trang do tư nhân đầu tư, kinh doanh.

Về vấn đề này xin được tiếp thu, giải trình như sau:

(1) UBTVQH cho rằng, đất nuôi trồng thủy, hải sản cũng là đất nông nghiệp. Do vậy, như đã trình bày ở phần trên, xin không bổ sung vào đối tượng chịu thuế.

(2) Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Dự thảo luật thì đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không vì mục đích kinh doanh không thuộc đối tượng chịu thuế, như vậy, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa vì mục đích kinh doanh đương nhiên phải thuộc đối tượng chịu thuế, còn thuế suất là bao nhiêu sẽ được quy định phù hợp với hoạt động đặc thù này. Vì vậy, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.

2. Về người nộp thuế

Có ý kiến cho rằng, người nộp thuế theo quy định của Dự thảo luật là chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ người nộp thuế đối với (1) đất cho thuê; (2) trường hợp đang có tranh chấp; (3) trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện trong áp dụng luật, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung, cụ thể như sau:

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này là người nộp thuế.

2. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

3. Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

a) Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất là người nộp thuế.

b) Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng dân sự thì người nộp thuế theo quy định trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không quy định về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế.

c) Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.

d) Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó.

đ) Trường hợp người có quyền sử dụng đất đem góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

3. Về căn cứ tính thuế

a. Về xác định diện tích đất tính thuế

Dự thảo luật quy định diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa có Giấy chứng nhận là diện tích đất thực tế đang sử dụng.

Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, việc căn cứ vào diện tích trên Giấy chứng nhận để tính thuế là không hợp lý, chưa công bằng vì hiện tượng lấn, chiếm đất hiện nay là khá phổ biến. Đề nghị thu thuế cả đối với diện tích đất lấn, chiếm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định việc thu thuế đối với đất lấn, chiếm vì về nguyên tắc, đất lấn, chiếm Nhà nước phải thu hồi.

UBTVQH cho rằng, quy định diện tích đất chịu thuế nếu chỉ căn cứ vào diện tích ghi trên Giấy chứng nhận là chưa chặt chẽ vì trên thực tế, không phải mọi trường hợp diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đều bằng diện tích thực tế sử dụng. Tình trạng lấn, chiếm đất vẫn đang xảy ra. Nhiều trường hợp diện tích đất lấn, chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Nhà nước vẫn đang thu thuế đối với toàn bộ diện tích đất sử dụng thực tế mà không phụ thuộc vào việc toàn bộ diện tích đất đó có ghi trong Giấy chứng nhận hay không.

Vì vậy, để quy định của luật phù hợp thực tiễn, mang tính kế thừa các quy định hiện hành, tránh sơ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu NSNN, không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, xin tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH theo hướng quy định: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; bổ sung quy định về mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn, chiếm do đây là hành vi bất hợp pháp; khẳng định rõ: việc thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi lấn, chiếm. Cụ thể là đã bổ sung khoản 6 Điều 7 như sau:

“Đối với đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất chung là 0,15%; không áp dụng hạn mức đất ở đối với đất lấn, chiếm. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm”.

b. Về mức thuế suất đối với đất

Về mức khởi điểm của thuế suất đối với đất: Có ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ căn cứ quy định mức thuế suất khởi điểm là 0,03%.

UBTVQH xin giải trình như sau:

Việc áp dụng mức thuế suất này là kế thừa và tương đương với mức động viên trung bình đối với đất theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành; qua thực tế áp dụng không phát sinh vướng mắc. Việc quy định mức thuế suất này không làm tăng thêm nghĩa vụ nộp thuế. Mặt khác, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên và vì vậy, mức thuế suất 0,03% nhìn chung là thấp so với mặt bằng kinh tế chung hiện nay, không gây bức xúc đối với người dân khi áp dụng luật. Do vậy, xin giữ mức khởi điểm của thuế suất là 0,03%, tương đương mức hiện hành.

– Về từng mức thuế suất cụ thể

Theo quy định của Dự thảo luật thì đối với diện tích đất trong hạn mức thuế suất là 0,03%; đối với phần diện tích đất vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần thì mức thuế suất là 0,06%; đối với phần diện tích đất vượt trên 3 lần hạn mức thì mức thuế suất là 0,09%.

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng, mức thuế suất quy định trong Dự thảo luật là thấp, chưa phù hợp với mục tiêu hạn chế đầu cơ; chưa có tác dụng hạn chế sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa.

UBTVQH cho rằng, việc quy định mức thuế suất phải đáp ứng các mục tiêu chủ yếu sau: Thứ nhất, không gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống người nộp thuế. Thứ hai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, nhất là khi quỹ đất có hạn, góp phần điều tiết thu nhập, hạn chế đầu cơ, khắc phục tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang hóa, làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Vì vậy, đối với phần vượt hạn mức quy định nên áp dụng thuế suất cao hơn phần trong hạn mức. Thứ ba, việc quy định mức thuế suất tại thời điểm hiện nay nên theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.

Xuất phát từ quan điểm trên, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH như sau:

(1) Đối với đất ở: quy định 3 mức thuế suất:

1. Đối với diện tích đất ở trong hạn mức thuế suất là 0,03% (như Dự thảo luật đã trình Quốc hội).

2. Đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần thì mức thuế suất 0,06% (như Dự thảo luật đã trình Quốc hội).

3. Riêng đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức thì thuế suất 0,1% (tăng 0,01% so với Dự thảo luật đã trình Quốc hội).

(2) Về áp dụng thuế suất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp: Áp dụng mức thuế suất là 0,03%; riêng đối với đất sử dụng sai mục đích, đất được giao mà không đưa vào sử dụng đúng thời hạn thì thuế suất là 0,1%.

(3) Về áp dụng thuế suất đối với đất tại nhà chung cư (hệ số phân bổ):

Trên cơ sở xem xét các phương án khác nhau về tính thuế đất đối với nhà chung cư, UBTVQH đề nghị quy định diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà thuộc quyền sở hữu của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hệ số phân bổ được xác định bằng diện tích đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư chia tổng diện tích nhà thuộc quyền sở hữu của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 6 của Dự thảo luật.

(4) Đối với đất lấn, chiếm như đã trình bày ở phần trên, áp dụng mức thuế suất chung ở mức cao nhất là 0,15%; không áp dụng quy định về hạn mức đối với diện tích đất lấn, chiếm.

(5) Đối với đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 của Luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng mức thuế suất bằng mức thuế suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là 0,03%.

4. Về việc quy định hạn mức đất ở

Theo quy định của Dự thảo luật thì việc xác định thuế suất được dựa trên hạn mức đất ở.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ “hạn mức đất ở” quy định trong Dự thảo luật là hạn mức nào, được xác định tại thời điểm nào.

UBTVQH xin tiếp thu và quy định rõ tại khoản 2 Điều 7 của Dự thảo luật về việc quy định hạn mức sử dụng đất ở theo hướng có lợi nhất cho người nộp thuế, đồng thời bảo đảm tính minh bạch trong việc tính thuế, cụ thể như sau:

– Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kể từ ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành;

– Trường hợp đất ở đã có hạn mức theo quy định trước ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành thì áp dụng như sau:

+ Nếu hạn mức đất ở theo quy định trước ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành mà thấp hơn hạn mức đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở mới để làm căn cứ tính thuế.

+ Nếu hạn mức đất ở theo quy định trước ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành mà bằng hạn mức đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở mới để làm căn cứ tính thuế.

+ Nếu hạn mức đất ở theo quy định trước ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành mà cao hơn hạn mức đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở cũ để làm căn cứ tính thuế.

5. Về chu kỳ tính thuế

Theo quy định của Dự thảo luật thì giá tính thuế đối với đất được ổn định theo chu kỳ 05 năm. Có ý kiến đề nghị áp dụng giá tính thuế theo năm.

UBTVQH đề nghị giá tính thuế đối với đất được áp dụng theo chu kỳ 05 năm với lý do:

Thứ nhất, việc quy định giá tính thuế ổn định theo chu kỳ 05 năm mà không phải là hàng năm có ý nghĩa tích cực, tạo ổn định trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với người dân, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong xác định chi phí khi hoạch định chiến lược kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thị trường nhà đất nhiều biến động.

Thứ hai, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, giảm thiểu chi phí hành thu, tiết kiệm cho NSNN.

Thứ ba, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là thuế áp dụng đối với việc sử dụng tài sản là đất đai và mang tính ổn định; vì vậy, giá trị thuế phải nộp cũng cần bảo đảm ổn định trong khoảng thời gian nhất định. Xuất phát từ lý do trên, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.

6. Về trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở

Dự thảo luật quy định phương pháp cộng dồn diện tích đất chịu thuế trên phạm vi cả nước để tính thuế.

Một số ý kiến cho rằng, việc cộng dồn diện tích đất chịu thuế trên phạm vi cả nước để tính thuế là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị chỉ tính tổng diện tích đất chịu thuế thuộc quyền sử dụng của người nộp thuế tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cộng dồn diện tích ở mọi địa phương.

Về vấn đề này xin được tiếp thu như sau:

UBTVQH cho rằng, việc cộng dồn diện tích đất chịu thuế để tính thuế trên phạm vi toàn quốc có ý nghĩa đối với việc góp phần hạn chế đấu cơ. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, quy định này khó triển khai trên thực tế, vì:

Thứ nhất, khi công tác thống kê, điều kiện quản lý để tính tổng giá trị đất của một tổ chức, cá nhân tại nhiều địa phương khác nhau còn hạn chế thì quy định này khó khả thi, nhất là trong những năm đầu áp dụng luật.

Thứ hai, với tính chất là sắc thuế địa phương, chủ yếu do địa phương quản lý và nguồn thu cũng để lại cho ngân sách địa phương sử dụng thì việc cộng dồn diện tích đất để tính thuế theo phạm vi địa phương là hợp lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, thuận tiện trong áp dụng luật và phù hợp với quy định về hạn mức sử dụng đất của từng tỉnh, xin tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng: chỉ tính tổng diện tích đất chịu thuế thuộc quyền sử dụng của người nộp thuế tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cộng dồn diện tích ở mọi địa phương trên toàn quốc như quy định của Dự thảo luật đã trình Quốc hội.

7. Về miễn, giảm thuế

(1) Một số ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng được miễn, giảm thuế; đồng thời bỏ quy định tại khoản 9 Điều 9 và khoản 6 Điều 10 trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội về các trường hợp miễn, giảm khác theo quy định của Chính phủ.

UBTVQH xin tiếp thu như sau:

Thứ nhất, quy định rõ trong luật miễn thuế cho thân nhân trực tiếp là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; giảm 50% số thuế phải nộp đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thứ hai, để bảo đảm thẩm quyền quyết định thuế suất của Quốc hội và tính ổn định của luật, xin bỏ quy định tại khoản 9 Điều 9 và khoản 6 Điều 10 trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội về các trường hợp miễn, giảm khác theo quy định của Chính phủ.

(2) Có ý kiến cho rằng, khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật quy định đối tượng được giảm thuế là “nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn” là chưa đầy đủ, chưa bảo đảm công bằng.

UBTVQH xin tiếp thu theo hướng quy định: đất ở tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng miễn thuế và đất ở tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thuộc đối tượng giảm thuế mà không phân biệt đất đó của người dân tộc nào.

(3) Một số ý kiến đề nghị chỉ miễn, giảm thuế đối với đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức.

UBTVQH xin tiếp thu theo hướng chỉ miễn, giảm thuế đối với đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức để khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

8. Về thời điểm có hiệu lực của văn bản

Điều 12 của Dự thảo luật quy định luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011.

Đa số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định trên vì Chính phủ chỉ có 6 tháng để hoàn tất các điều kiện triển khai áp dụng luật.

UBTVQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi trước mắt còn nhiều công việc cần chuẩn bị thì việc quy định thời điểm thi hành sớm như Dự thảo luật sẽ gây bất lợi cho tổ chức thực hiện, khó bảo đảm thực thi nghiêm túc. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, xin quy định thời điểm thi hành luật từ ngày 1/1/2012.

9. Ngoài các vấn đề trên, UBTVQH đã nghiêm túc tiếp thu nhiều vấn đề cụ thể và thể hiện chi tiết trong Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo của UBTVQH về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật thuế nhà, đất. Kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Nơi nhận:

– Nh­ư trên;

– L­ưu VT.

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

KT. CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Đức Kiên

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: