admin@phapluatdansu.edu.vn

TÍNH LỆ THUỘC CỦA NGHĨA VỤ BẢO LÃNH, MỘT VẤN ĐỀ NGÂN HÀNG CHO VAY CẦN QUAN TÂM

LS, ĐỖ HỒNG THÁI

Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, bảo lãnh bằng tài sản là biện pháp bảo đảm tiền vay được áp dụng khá phổ biến bởi trên thực tế người có nhu cầu vay vốn không phải luôn có sẵn nguồn tài sản bảo đảm nhưng họ lại được người có tài sản chấp nhận đứng ra bảo đảm thực thi thay nghĩa vụ. Những mối liên hệ đan xen giữa họ với nhau và với người nhận bảo lãnh làm cho quan hệ bảo lãnh bằng tài sản trở thành loại quan hệ dân sự khá phức tạp. Bảo lãnh là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự, hợp đồng bảo lãnh (nói chung và hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản nói riêng) là hợp đồng dân sự – chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995 (và từ năm 2006 được thay thế bởi BLDS năm 2005). Do tính chấp pháp định mà tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh và nghĩa vụ được bảo lãnh là vấn đề mà ngân hàng cho vay (NHCV) không thể không quan tâm để phòng ngừa rủi ro về pháp lý, bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình.
Khoản 5 Điều 418 BLDS và khoản 5 Điều 424 BLDS 2005 đều có quy định hợp đồng chấm dứt trong trường hợp “do đối tượng của hợp đồng không còn”. Khoản 1 Điều 366 BLDS 1995 (và Điều 361 BLDS 2005) quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ…”. Như vậy, nếu không có thoả thuận khác thì trách nhiệm của người bảo lãnh chỉ phát sinh và họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi và chỉ khi nghĩa vụ trả nợ của người được bảo lãnh đang tồn tại và đã bị vi phạm, hay nói cách khác, nghĩa vụ của người được bảo lãnh là đối tượng của nghĩa vụ của người bảo lãnh, nghĩa vụ của người được bảo lãnh là đối tượng của nghĩa vụ của người bảo lãnh, tức là đối tượng của hợp đồng bảo lãnh và để nghĩa vụ bảo lãnh tồn tại (hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực) thì nó phải có đối tượng – tức nghĩa vụ được bảo lãnh phải tồn tại. Hệ quả là: khi nghĩa vụ chính không tồn tại thì nghĩa vụ của người bảo lãnh cũng chấm dứt, người bảo lãnh thoát khỏi nghĩa vụ đã cam kết. Đây chính là tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh vào nghĩa vụ được bảo lãnh, và vấn đề đặt ra là NHCV cần làm gì để khi mà nghĩa vụ chính không tồn tại trong khi tiền cho vay chưa được thu hồi thì biện pháp bảo lãnh bằng tài sản vẫn duy trì hiệu lực?
Ta biết rằng trong quan hệ trên thì nghĩa vụ chính là nghĩa vụ của người vay phải thực hiện mọi điều khoản trong hợp đồng tín dụng (HĐTD) và trong trường hợp thông thường nó sẽ không còn tồn tại khi HĐTD bị chấm dứt hoặc vô hiệu. Lẽ tất nhiên khi HĐTD đã dự liệu về mọi nghĩa vụ có thể phát sinh trong trường hợp HĐTD bị chấm dứt hay bị vô hiệu, và đến lượt mình hợp đồng bảo lãnh xác lập nghĩa vụ bảo lãnh toàn bộ cho các khả năng ấy thì vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật dân sự thì sự chấm dứt hoặc sự vô hiệu của hợp đồng có thể xảy ra bởi nhiều lý do và có phương thức xử lý hậu quả pháp lý khác nhau.
HĐTD bị chấm dứt lập tức làm cho nghĩa vụ của người bảo lãnh đương nhiên chấm dứt theo nếu việc chấm dứt HĐTD ấy là do: người được bảo lãnh đã thực thi xong nghĩa vụ trả tiền vay hoặc nghĩa vụ trả nợ đã được bù trừ (Khoản 2 Điều 371, khoản 1 Điều 375 BLDS 1995; Khoản 2 Điều 366, Khoản 1 Điều 371 BLDS 2005). Nhiều trường hợp tuy có sự chấm dứt HĐTD (chấm dứt nghĩa vụ trong HĐTD) song khoản nợ cho vay chưa thể thu hồi ngay, nghĩa vụ khác hình thành (phát sinh từ việc chấm dứt HĐTD), như các trường hợp: nghĩa vụ của người vay được NHCV đồng ý chuyển giao cho người khác – tức người thế vụ (Điều 323 BLDS 1995, Điều 317 BLDS 2005); NHCV và người vay thoả thuận với nhau chấm dứt thực hiện hợp đồng (khoản 2 Điều 418 BLDS 1995, Khoản 2 Điều 424 BLDS 2005); khi một bên thực hiện quyền huỷ bỏ hợp đồng hoặc quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng do lỗi của bên kia – nhưng không thuộc lỗi vi phạm việc thanh toán nợ đến hạn (Điều 419, 420 BLDS năm 1995; Điều 425, 426 BLDS 2005)… Trong lúc HĐTD chưa dự liệu hết các tình huống ấy thì vấn đề mở rộng trách nhiệm của người bảo lãnh phải được đặt ra và khi đó nghĩa vụ của người bảo lãnh sẽ không chấm dứt nếu hợp đồng bảo lãnh đã dự liệu và ghi nhận thoả thuận mở rộng phạm vi đối tượng được bảo lãnh – là các nghĩa vụ được bảo lãnh cho đến khi ngân hàng thu hồi hết nợ.
Đối với HĐTD bị vô hiệu (theo Điều 401 BLDS 2005 thì sự vi phạm về hình thức không đương nhiên làm cho hợp đồng vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật quy định khác) khi ấy không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập, nghĩa là đối tượng của nghĩa vụ bảo lãnh về thực chất không có cơ sở tồn tại, nên trách nhiệm bảo lãnh cũng không phát sinh. Tuy nhiên, sự vô hiệu của hợp đồng nào đó không làm biến mất mọi nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng ấy, ví dụ khi HĐTD vô hiệu thì người vay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay, nhưng nghĩa vụ này có nguy cơ trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm nếu hợp đồng bảo lãnh lại không dự liệu để mở rộng phạm vi trách nhiệm của người bảo lãnh cho trường hợp này.
Xuất phát từ tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh, vấn đề sự thoả thuận khác (giữa NHCV với người bảo lãnh) về việc mở rộng phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh cần phải được đặt ra, nếu không biện pháp bảo đảm tiền vay (bảo lãnh bằng tài sản) sẽ đứng trước khả năng hết hiệu lực khi HĐTD bị chấm dứt hoặc vô hiệu trong các trường hợp đã phân tích trên. Trong chừng mực ấy, nội dung sự thoả thuận khác trở thành chìa khoá cho giải pháp mở rộng đối tượng được bảo lãnh, tức mở rộng phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh.
Về nguyên tắc, phạm vi nghĩa vụ của người bảo lãnh không bao giờ cao hơn nghĩa vụ của người được bảo lãnh, chỉ bằng (bảo lãnh toàn bộ) hoặc thấp hơn (bảo lãnh một phần) – Điều 368 BLDS 1995, Điều 363 BLDS 2005. Khi không có thoả thuận khác, trường hợp bảo lãnh toàn bộ thì nghĩa vụ bảo lãnh sẽ bao gồm toàn bộ nghĩa vụ của người được bảo lãnh ghi nhận trên HĐTD (gồm tiền gốc, tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại) nhưng không mặc nhiên hàm chứa bảo lãnh cho mọi nghĩa vụ phát sinh từ quá trình thực hiện, xử lý HĐTD (như nghĩa vụ hoàn trả tiền vay khi HĐTD bị chấm dứt hoặc bị vô hiệu), nếu như trong hợp đồng bảo lãnh ban đầu không ghi nhận hoặc giao kết bổ sung với người bảo lãnh không mở rộng phạm vi trách nhiệm này. Cũng có ý kiến cho rằng: theo quy định Điều 287 BLDS 1995 (và Điều 282 BLDS 2005) thì với HĐTD bị vô hiệu bản thân quyền và nghĩa vụ các bên (người vay, NHCV) không được xem là đối tượng của nghĩa vụ dân sự, nên cho dù hợp đồng bảo lãnh có cam kết bảo lãnh cả trường hợp này thì cũng vẫn không làm phát sinh nghĩa vụ của người bảo lãnh, tức bảo lãnh cũng vô hiệu (!). Thực ra, khi hợp đồng vô hiệu việc pháp luật buộc các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là đã dự liệu trước để xử lý hậu quả pháp lý về một nghĩa vụ vốn không nằm trong hợp đồng nhưng lại được phát sinh từ chính hợp đồng ấy, tức nghĩa vụ hoàn trả lại số tài sản chiếm hữu không có căn cứ (chính xác hơn là căn cứ bị xem là vô hiệu), mà không thừa nhận các nghĩa vụ khác của hợp đồng (nghĩa vụ trả lãi, nghĩa vụ về thời hạn thanh toán… của HĐTD). Phạm vi bảo lãnh một khi đã được xác định ngay khi giao kết hợp đồng, trong đó đã dự liệu và chấp thuận mở rộng cho khả năng HĐTD bị vô hiệu hoặc bị chấm dứt – là thoả thuận có phạm vi không vượt quá khối lượng nghĩa vụ mà người được bảo lãnh có thể phải gánh chịu, phù hợp với nguyên tắc của pháp luật dân sự: các bên có quyền tự do, tự nguyện thoả thuận và giao kết để thực hiện các nội dung không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 395, 401 BLDS 1995; Điều 389, 402 BLDS 2005), nên không bị xem là bảo lãnh vô hiệu. Để bảo đảm lợi ích của mình, NHCV có quyền đề nghị, quyền lựa chọn phương thức và chỉ chấp thuận cho vay nếu tiền cho vay luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối, đó là quyền hợp pháp và khi quyền ấy được thống nhất ghi nhận trong hợp đồng thì các bên tham gia có nghĩa vụ tôn trọng, được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, với tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh đối với nghĩa vụ được bảo lãnh, NHCV nên chăng cần xây dựng hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản theo hướng mở rộng phạm vi bảo lãnh, cụ thể phải có điều khoản dự liệu về việc: người bảo lãnh cam kết chịu trách nhiệm thanh toán nợ vay cả khi HĐTD bị chấm dứt hoặc bị vô hiệu – chỉ khi ấy thì NHCV mới có thể bảo đảm thu hồi tiền vay trong mọi trường hợp. Một giải pháp hợp lý là trong hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản cần có cam kết của người bảo lãnh với nội dung như: tôi cam kết hoàn trả thay cho người vay nếu đến hạn mà người vay không trả; tôi cũng cam kết giao trả những gì người vay đã nhận trong khuôn khổ thực hiện hợp đồng, trong trường hợp hợp đồng bị chấm dứt hoặc vô hiệu (xem Bình luận khoa học về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam – TS Nguyễn Ngọc Điện, NXB Trẻ, 2001, T.40).
Trong thực tế, khi thiết lập các giao dịch bảo đảm người ta thường mới chỉ chú ý đến bề nổi của hợp đồng (hình thức, nội dung cơ bản), còn bản chất pháp lý của các mối quan hệ có liên quan đến giao dịch bảo đảm lại dễ bị xem nhẹ, trong đó tính chất pháp lý của quan hệ bảo lãnh (nói riêng, các biện pháp bảo đảm tiền vay khác nói chung) là một vấn đề ít được chú trọng. Thiết nghĩ việc nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau để có sự cảnh bảo, kịp thời đề ra các giải pháp vận dụng nhằm phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn hoặc sự phát sinh tranh chấp pháp lý không đáng có là rất có ý nghĩa đối với NHCV.

SOURCE: ICB.COM.VN

One Response

  1. Khoản 2 Điều 410 BLDS 2005 quy định về hợp đồng chính/phụ vô hiệu. Theo đó sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ. Nhưng điều khoản này cũng quy định rõ “quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.” Vậy có được phép hiểu rằng sự vô hiệu của hợp đồng chính không là mất đi hiệu lực của hợp đồng phụ trong trường hợp hợp đồng phụ ở đây là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự hay không?

    Khoản 1 Điều 318 BLDS 2005 liệt kê các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó có biện pháp bảo lãnh.

    Vậy có thể hiểu đối với biện pháp bảo lãnh nói riêng cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng khác, trong trường hợp là hợp đồng phụ thì sẽ không đương nhiên vô hiệu theo hợp đồng chính không?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading