ĐÀI HẢI HIỀN
Theo quy định của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn nghị định này, tài sản bảo đảm (TSĐB) tiền vay được xử lý khi đến hạn mà khách hàng vay, bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với các tổ chức tín dụng hoặc vi phạm cam kết trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay. Nhìn chung, việc xử lý TSBĐ là do Ngân hàng cùng bên bảo đảm thực hiện, tuy nhiên trong trường hợp chủ sở hữu tài sản bị khởi tố về hành vi phạm tội thì tài sản bảo đảm có thể bị Cơ quan Thi hành án kê biên và xử lý. Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/1/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quy định về việc kê biên và xử lý tài sản bảo đảm như sau:
– Tại điểm 4, Điều 41: Kê biên tài sản.
“Trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản nào khác thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản của người đó đang cầm cố“,thế chấp nếu tài sản đó có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm…”.
– Tại điều 48: Xử lý tài sản kê biên không bán được.
“… Nếu sai hai lần giảm giá mà tài sản vẫn không bán được thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản theo giá trị đã giảm để thi hành án. Nếu người được thi hành án không nhận thì chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác”.
Thực tế, khi áp dụng các điều khoản này của Pháp lệnh Thi hành án, Cơ quan Thi hành án đã kê biên tài sản bảo đảm tiền vay của các Ngân hàng thương mại theo quy định và sau khi xử lý đã trích tiền chuyển ngân hàng để thu nợ cho khách hàng, việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, có những trường hợp tài sản sau hai lần giảm giá mà vẫn không bán được. Cơ quan Thi hành án đã giao cho ngân hàng theo giá đã giảm để thi hành án. Việc nhận lại tài sản trong trường hợp này về phía ngân hàng có những vướng mắc như sau:
1. Về nguồn thu nợ: Những khách hàng đã chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý hầu hết là những khách hàng có khó khăn về tài chính, ngân hàng chủ yếu là trông chờ thu nợ từ nguồn xử lý tài sản bảo đảm, do vậy mặc dù trong văn bản có quy định mở là “Nếu người được thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác”, Nhưng thực tế ngân hàng vẫn buộc phải nhận vì nếu không nhận tài sản này thì rất khó trông chờ vào nguồn thu khác để thu hồi vốn cho Ngân hàng.
2. Về giá tài sản nhận lại: Pháp lệnh thi hành án quy định Ngân hàng có quyền nhận tài sản theo giá trị đã giảm lần hai để thi hành án, như vậy có thể hiểu đây là giá để trừ nợ cho khách hàng. Điều này bất hợp lý ở chỗ giá tài sản định lần hai này là giá không bán được, tức là giá không được thị trường chấp nhận, do vậy giá bán tài sản thực tế chắc chắn là thấp hơn giá này và sẽ xảy ra hai trường hợp.
Trường hợp 1: Giá tài sản ngân hàng nhận lớn hơn phần nợ vay ngân hàng (theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án, chấp hành viên chỉ kê biên tài sản bảo đảm có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm), vậy ngay tại thời điểm nhận, ngân hàng đã phải trích trả ngay số tiền chênh lệch lớn hơn phần nợ vay này để chuyển trả cho Cơ quan Thi hành án để thi hành án. Tuy nhiên, trong quy định về quản lý tài chính của ngân hàng thì không có quy định nguồn nào để hạch toán chi cho khoản này. Mặt khác, khi tài sản ngân hàng nhận lại được đem bán trên thị trường, giá trị thực tế thu về thấp hơn giá nhận (đây là điều tất yếu) thì ngân hàng lấy khoản nào để bù cho phần đã trả lại chênh lệch cơ Cơ quan Thi hành án. Ví dụ: Giá nhận lại tài sản từ Cơ quan Thi hành án là 1 tỷ đồng, nợ vay của khách hàng là 700 triệu đồng, thì chênh lệch 300 triệu đồng ngân hàng phải lấy nguồn đâu để trả ngay cho Cơ quan Thi hành án phần chênh lệch này để thi hành án tiếp, thực tế khi bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý cần thiết còn 800 triệu đồng, chênh lệch chỉ còn 100 triệu đồng, vậy phần chênh lệch 200 triệu đồng đã trả Cơ quan Thi hành án xử lý như thế nào? Đây là trường hợp mà thực tế rất khó xử lý.
Trường hợp 2, về nghĩa vụ trả nợ: Theo pháp lệnh Thi hành án, giá trị tài sản được kê biên phải lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm, như vậy giá đã giảm lần hai của tài sản kê biên mà ngân hàng nhận lại cũng sẽ lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm, do đó tài thời điểm Ngân hàng nhận lại tài sản, khách hàng đã hết nghĩa vụ với ngân hàng. Nhưng thực tế lại xảy ra trường hợp là tại thời điểm bán tài sản, giá tài sản lại giảm thấp hơn phần nợ vay, như vậy lúc này khách hàng phải có trách nhiệm với phần trả nợ thiếu không? Nếu khách hàng không có nghĩa vụ gì thì ngân hàng lấy nguồn đâu để bù đắp? Mặt khác việc này cũng chưa đúng với Thông tư số 03/2001/TTKT ngày 23/4/2001 của liên tịch Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Tổng cục địa chính hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, có quy định cụ thể là: Tài sản bảo đảm sau khi được xử lý nếu không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì khách hàng vay, bên bảo lãnh phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã cam kết. Ví dụ: Giá nhận lại từ Cơ quan Thi hành án là 1 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng là 900 triệu đồng, thực tế bán tài sản thu hồi được 800 triệu đồng, vậy còn 100 triệu đồng khách hàng có trách nhiệm trả tiếp không? Theo Pháp lệnh Thi hành án thì khách hàng không có trách nhiệm trả tiếp nhưng theo Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT thì khách hàng phải có trách nhiệm trả tiếp. Vậy hai quy định này là mâu thuẫn với nhau.
Từ phân tích trên cho thấy việc Cơ quan Thi hành án qua hai lần bán đấu giá không thành thì giao lại cho người được thi hành án (ngân hàng) theo giá đã giảm để thi hành án là điều chưa hợp lý, gây nhiều khó khăn cho ngân hàng, mặt khác cũng chưa đúng với hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm của Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT. Do vậy đứng trên góc độ ngân hàng (người được thi hành án) xin đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét để sửa lại điều 48 của pháp lệnh thi hành án như sau:
“Nếu sau hai lần giảm giá mà tài sản vẫn không bán được thì người được thi hành án có quyền nhận lại tài sản để xử lý bán công khai theo quy định của pháp luật“,nếu giá tài sản thực tế bán được lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm thì người được thi hành án phải có trách nhiệm chuyển số tiền chênh lệch đó cho Cơ quan Thi hành án để thi hành án”.
Với hướng giải quyết này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm thu hồi vốn vay cho ngân hàng được thuận tiện, nhanh chóng và đúng chế độ quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Mong rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cấp thẩm quyền, các ngành liên quan sớm xem xét đến vướng mắc từ thực tế này của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi vốn nhanh phục vụ cho nền kinh tế phát triển./.
SOURCE: ICB.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Quy định chung về nghĩa vụ và bảo đảm nghĩa vụ |
Leave a Reply