ĐỖ XUÂN TRUNG – Vụ Tín dụng – NHNN
Trong quá trình đổi mới, sắp xếp, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Ngân hàng là người bạn đồng hành cùng tồn tại và gắn bó mật thiết với doanh nghiệp (DN), vốn tín dụng ngân hàng tham gia trong tất cả các khâu trong quá trình tái sản xuất, góp phần không nhỏ giúp các DN vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đứng vững trong cơ chế thị trường; Nhiều DN ăn nên làm ra, vay vốn trả nợ Ngân hàng sòng phẳng, có năng lực cạnh tranh đóng vai trò chủ đạo, trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, cũng còn không ít những DN đang gặp khó khăn phải lao đao với những món nợ quá hạn triền miên, không những nợ gốc mà cả số nợ lãi luỹ kế; Do đầu tư vào những dây chuyền sản xuất hoặc nhập máy móc thiết bị của những năm trước đây không có hiệu quả kinh tế, vốn còn tồn đọng và cũng có những DN sản xuất kinh doanh nhỏ bé, không có sức cạnh tranh nên thua lỗ và dẫn đến các khoản công nợ vay ngân hàng tồn đọng khó hoàn trả. Vấn đề đặt ra là xử lý nợ tồn đọng trong DN nhà nước đang là một khâu mắt xích quan trọng và nó liên quan đến vốn tài sản của DN khi tiến hành cổ phần hoá, khó khăn lớn nhất là làm minh bạch các khoản nợ đọng và giải quyết các khoản thua lỗ, yếu tố này giữ vị trí quan trọng trong việc bán cổ phiếu. Thực tế cho thấy DN nào làm ăn có hiệu quả, ít bị vướng vào những khoản nợ đọng thì tính hấp dẫn của cổ phiếu càng cao hơn bởi nhà đầu tư không dại gì bỏ vốn mua nợ và lỗ; ngoại trừ một số ít chấp nhận rủi ro để mua thương hiệu. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì chắc chắn sẽ có những DN không thể cổ phần hoá được khi mà số lỗ bằng hoặc lớn hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước.
Do nhiều nguyên nhân dẫn đến của các khoản nợ tồn đọng trong DN, có thể do chủ quan hoặc do khách quan hoặc do công tác quản lý yếu kém như bán sản phẩm ra nhưng không thu hồi được vốn, bị người mua chiếm dụng hàng tỷ đồng từ đó đã ảnh hưởng đến việc trả nợ vay Ngân hàng. Vì vậy, không có vốn để quay vòng cho những chu kỳ sản xuất tiếp theo trong khi đó về phía DN vẫn phải đi vay của các tổ chức tín dụng, mà đã đi vay thì phải trả lãi, số nợ tồn đọng đó những năm gần đây đã lên đến bạc tỷ nằm ở tất cả các loại hình: Sản xuất Công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp chế biến… tập trung ở các loại sản phẩm trong các ngành sản xuất như: DN trong ngành Mía đường nợ tồn đọng ngân hàng đang là gánh nặng cho các tổ chức tín dụng.
Lộ trình cổ phần hoá DN khi tiến hành sắp xếp lại sản xuất hoặc chuyển giao, bán, khoán cho thuê DN đã nảy sinh các vấn đề trong quan hệ tín dụng với ngân hàng như: Bản thân các DN xin đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ; tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự chi viện của nhà nước đã xuất hiện ở một số DN, ngành khác nhau. Về vấn đề này có những DN hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương đã đẩy những khó khăn lên cho cấp trên?
Trong vài năm gần đây, Chính phủ đã có giải pháp tình thế cho khoanh nợ từ 1 – 3 năm chưa thu nợ gốc và không phải trả lãi tiền vay đối với một số DN cá biệt; bước đầu đã tạo cho họ trong việc ổn định sản xuất, giải quyết được số lao động dôi dư có việc làm, trong tiến trình sắp xếp lại sản xuất và đã có nguồn vốn để trả nợ số tiền vay Ngân hàng như: đối với người trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến cà phê. Đối với ngành mía đường, Chính phủ đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn sắp xếp lại sản xuất: xoá nợ các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, đây là một trong những giải pháp cứu nguy cho các DN mía đường mà đang trong tình trạng hết sức khó khăn.
Để xử lý những vấn đề khó khăn chung của các doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp lại sản xuất, phần lớn các DN khi tiếp nhận vốn và tài sản của các đơn vị giải thể đều có tư tưởng không muốn nhận những tồn tại cũ, bởi vì nhận vào thì lại phải giải quyết hậu quả và không biết đến bao giờ mới có thể khắc phục được. Vấn đề này Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính đã có những biện pháp chỉ đạo trong vài năm gần đây kể từ khi Nhà nước ta có chủ trương chuyển đổi sắp xếp lại DNNN.
– Trước hết đối với đơn vị nhận bàn giao, DN phải có trách nhiệm tiếp nhận vốn và tài sản theo Thông tư hướng dẫn số 130/1998/TT-BTC ngày 30/9/1998 của Bộ Tài chính đã quy định: DN tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới có quyền và trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng, kém mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu (kể cả nợ phải thu khó đòi, các khoản nợ phải trả và các khoản lỗ luỹ kế của DN bị sáp nhập hoặc DN hợp nhất.
Trong quá trình sắp xếp lại các DNNN, có một số tồn tại là một số pháp nhân mới hình thành, sau khi sắp xếp đã chậm trễ trong việc tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức tín dụng dẫn đến những vướng mắc trong quan hệ tín dụng và các pháp nhân mới được sắp xếp lại.
Đối với những khoản nợ Ngân hàng tồn đọng, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 hướng dẫn về xử lý nợ tồn đọng của DNNN tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước theo Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ. Nguyên tắc chung về xử lý nợ tồn đọng là: Đối với DNNN đang hoạt động có các khoản nợ lên lưới thanh toán giai đoạn I, giai đoạn II còn tồn đọng tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến 31/12/2000, DN đã áp dụng các biện pháp xử lý nợ như đối chiếu xác nhận nợ nhưng chưa thanh toán được và đến nay vẫn còn tồn đọng chưa được xử lý; Các khoản nợ tồn đọng phát sinh sau ngày 31/12/2000 các DNNN phải tự thanh toán.
Nợ tồn đọng của các DNNN đang thực hiện chuyển đổi là những khoản nợ tồn đọng tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến thời điểm chuyển đổi DN vẫn chưa thanh toán được. Thông thường các DN hiện nay đang ở trong tình trạng dưới đây:
+ Đối với DN thua lỗi liên tục không thể khắc phục được phải giải thể, phá sản thì việc xử lý nợ tồn đọng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và các khoản nợ tồn đọng được xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
+ Đối với các Doanh nghiệp thua lỗ đã tổ chức lại sản xuất, có khả năng phát triển nếu có nợ vay ngân hàng thương mại nhà nước đã được khoanh nợ thì được xoá lãi vay chưa trả ngân hàng và xem xét kéo dài thời gian khoanh nợ.
+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước có quyết định thực hiện chuyển đổi nhưng gặp khó khăn không cân đối được nguồn để thanh toán các khoản nợ quá hạn thì Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Nhà nước xem xét, quyết định cho DN được giãn nợ, khoanh các khoản nợ quá hạn có đến thời điểm quyết định thực hiện chuyển đổi trong thời hạn từ 3 đến 5 năm. Trường hợp các doanh nghiệp này bị lỗ, không có khả năng thanh toán thì được xoá nợ lãi vay chưa trả ngân hàng với mức không vượt quá số lỗ còn lại.
+ Đối với doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục cổ phần hoá, giao, bán thì ngoài biện pháp khoanh nợ, xoá nợ, DN phối hợp với Ngân hàng chủ nợ và tổ chức có chức năng mua bán nợ để xử lý phần nợ gốc quá hạn còn lại theo hướng mua hoặc bán lại nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp của Ngân hàng vào DN cổ phần theo quy định của pháp luật về tỷ lệ vốn góp.
– Về xử lý lỗ để xác định giá trị DN: trong thực tế, có những DN trước khi tiến hành cổ phần hoá, còn có những tồn tại do đầu tư kém hiệu quả dẫn đến kinh doanh thua lỗ hoặc có những DN nhiều dự án không được tính toán, khả năng thu hồi vốn, việc quản lý đầu tư chưa được chặt chẽ dẫn đến đầu tư công nghệ lạc hậu, không phù hợp, đầu tư đắt không cân đối với vùng cung cấp nguyên liệu, đầu tư vượt quá khả năng về vốn, thậm chí có những DN triển khai đồng thời nhiều dự án trong cùng một thời gian nên không có vốn mà phải sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư. Hậu quả là công suất huy động thực tế thấp, giá thành sản phẩm cao dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn. Đối với số lỗ trong kinh doanh thì giám đốc DN phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân và phải xử lý bồi thường vật chất (nếu do nguyên nhân chủ quan).
– Trường hợp DN có số lỗ nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN và không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì thực hiện phương án điều chỉnh cổ phần hoá trên cơ sở điều chỉnh giảm giá trị phần vốn nhà nước dự kiến góp tại DN tương ứng với số lỗ còn lại. Nếu không đủ thì tiếp tục điều chỉnh giảm giá trị phần vốn nhà nước dùng để thực hiện chính sách ưu đãi về giá bán cổ phiếu.
– Trường hợp DN có số lỗ nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN nhưng thuộc đối tượng Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối thì điều chỉnh phương án cổ phần hoá theo hướng điều chỉnh giảm quy mô vốn điều lệ và phương án bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, người sản xuất trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ đủ để thực hiện quyền chi phối.
Đi đôi với lộ trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, để thực hiện Nghị quyết Trung ương IX (khoá IX). Kiên quyết xoá bỏ các loại bảo hộ bất hợp lý sớm khắc phục tình trạng bao cấp như khoanh nợ, xoá nợ, giãn nợ, bù lỗ, cấp vốn tín dụng ưu đãi tràn lan đối với DNNN. Đây là hình thức buộc các DNNN phải tìm mọi cách để xử lý giải quyết các khoản nợ tồn đọng, nhằm tăng thêm khối lượng tiền quay vòng qua quỹ ngân hàng, với mục tiêu không để tài sản và vốn nằm chết? Đây cũng là nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế thị trường, nếu giải quyết thu được các khoản nợ tồn đọng thì sẽ góp phần giảm bớt lượng tiền phát hành vào lưu thông, góp phần kiềm chế lạm phát và tổ chức tín dụng lại có vốn để đầu tư cho các chu kỳ sản xuất tiếp theo. Trong quá trình sắp xếp và cổ phần hoá DNNN, xác định giá trị doanh nghiệp thì hàng loạt các vấn đề phải giải quyết như lao động, vốn và tài sản và vai trò của các NHTM cực kỳ quan trọng, vì hiện tại vốn của NHTM chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ tài sản của Doanh nghiệp, đang là gánh nặng cho DN.
Trong quá trình xử lý nợ tồn đọng, nếu do nguyên nhân khách hàng gây nên như hạn hán, sâu bệnh làm cho cây trồng, vật nuôi không phát triển được, không có sản phẩm thu hoạch dẫn đến không có nguồn trả nợ vay ngân hàng, ở từng thời điểm căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét trình Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn một phần cho DN.
Để giải quyết được số nợ tồn đọng thì bản thân mỗi DN phải có biện pháp tích cực đôn đốc các khoản nợ phải thu, xử lý vật tư hàng hoá ứ đọng chậm luân chuyển và đặc biệt đối với khoản nợ vay Ngân hàng thương mại phải có kế hoạch trả nợ, không thể trông chờ vào sự chi viện của Nhà nước./.
SOURCE: ICB.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Cổ phần hóa |
Leave a Reply