admin@phapluatdansu.edu.vn

CÁC CHUẨN MỰC QUỐC TẾ về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí

GIỚI THIỆU

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) là một cơ quan liên chính phủ đựợc thành lập vào năm 1989 bởi Bộ trưởng các quốc gia thành viên. Chức năng của FATF là đưa ra các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí và những mối đe dọa có liên quan khác đối với tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế. Trong sự phối hợp với những đối tác quốc tế khác, FATF cũng nỗ lực nhằm xác định các tổn thương ở mức độ quốc gia với mục đích bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế khỏi bị lạm dụng.

Các Khuyến nghị của FATF đưa ra khuôn khổ các biện pháp toàn diện và thống nhất mà các quốc gia cần thực hiện nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, cũng như tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quốc gia có khung pháp lý, cơ chế hành chính, hoạt động khác nhau và hệ thống tài chính khác nhau, do đó không thể thực hiện tất cả các biện pháp giống nhau nhằm chống lại các mối đe dọa này. Vì thế, các Khuyến nghị của FATF thiết lập các chuẩn mực mà các quốc gia cần thực hiện thông qua các biện pháp phù hợp với tình hình cụ thể của quốc gia mình. Các Khuyến nghị của FATF thiết lập các biện pháp thiết yếu mà các quốc gia phải có nhằm:
· Xác định các rủi ro và xây dựng các chính sách và hợp tác trong nước;

· Theo đuổi nhằm đấu tranh chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí;

· Áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và các khu vực được chỉ định khác;

· Thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: các cơ quan điều tra, thực thi pháp luật và giám sát) và các biện pháp tổ chức khác;

· Tăng cường tính minh bạch và sự sẵn có của các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các pháp nhân và các thỏa thuận pháp lý; và

· Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế.

40 Khuyến nghị ban đầu của FATF bản lần đầu được đưa ra vào năm 1990 như là sáng kiến nhằm chống lại việc lạm dụng hệ thống tài chính bởi những kẻ rửa tiền từ ma túy. Năm 1996, Các Khuyến nghị đã được sửa đổi lần đầu nhằm phản ánh các xu hướng và kỹ thuật rửa tiền đang phát triển và nhằm mở rộng phạm vi vượt ra ngoài hành vi rửa tiền từ ma túy. Tháng 10 năm 2001, FATF mở rộng quyền hạn nhằm giải quyết các vấn đề về tài trợ cho hành động khủng bố, tổ chức khủng bố và thực hiện một bước quan trọng là đưa ra 8 Khuyến nghị đặc biệt (sau này mở rộng thành 9 Khuyến nghị đặc biệt – KNĐB) về tài trợ khủng bố. Các Khuyến nghị của FATF được sửa đổi lần thứ hai vào năm 2003, những khuyến nghị này cùng với những KNĐB đã được 180 nước phê chuẩn và được thừa nhận là chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT).

Sau khi hoàn thành vòng 3 của Đánh giá đa phương đối với các thành viên, FATF đã phối hợp với các tổ chức khu vực dạng FATF (FSRBs) và các tổ chức quan sát viên, bao gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc, thực hiện rà soát và cập nhật các khuyến nghị của mình. Những sửa đổi mới này nhằm giải quyết các rủi ro mới nổi và nảy sinh, làm rõ và tăng cường các nghĩa vụ hiện tại, trong khi vẫn duy trì sự ổn định và nghiêm ngặt cần thiết trong các Khuyến nghị.

Các chuẩn mực của FATF cũng được sửa đổi nhằm củng cố thêm các yêu cầu đối với các tình huống có rủi ro cao và cho phép các quốc gia thực hiện phương thức tiếp cận tập trung tại các khu vực nơi tồn tại những rủi ro cao hoặc cần tăng cường thực thi. Các quốc gia trước tiên cần xác định, đánh giá và hiểu được những rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố mà họ phải đối mặt; và sau đó, thông qua các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro. Tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro cho phép các quốc gia, trong khuôn khổ yêu cầu của FATF, phê chuẩn một hệ thống các biện pháp linh hoạt hơn, nhằm sử dụng nguồn lực một cách hợp lý và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tương xứng với bản chất của rủi ro, nhằm tập trung nỗ lực của họ một cách hiệu quả nhất.

Chống tài trợ khủng bố thực sự là một thách thức lớn. Một hệ thống AML/CFT hiệu quả, nhìn chung là hết sức quan trọng nhằm chống tài trợ khủng bố và hầu hết các biện pháp trước đây nhằm chống tài trợ khủng bố giờ đã được tập trung xuyên suốt trong các Khuyến nghị. Vì thế không cần thiết phải tập trung vào Khuyến nghị đặc biệt. Tuy nhiên, một số Khuyến nghị đặc thù đối với tài trợ khủng bố đã được nêu trong mục C của Khuyến nghị FATF. Bao gồm: Khuyến nghị 5 (hình sự hóa tài trợ khủng bố), Khuyến nghị 6 (các hình phạt tài chính liên quan đến khủng bố và tài trợ khủng bố) và Khuyến nghị 8 (các biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng các tổ chức phi lợi nhuận). Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng là mối quan ngại đáng kể về an ninh và năm 2008, chức năng của FATF đã được mở rộng bao gồm cả việc giải quyết vấn đề tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhằm chống lại hiểm họa này, FATF đã thông qua Khuyến nghị mới (KN7) với mục tiêu đảm bảo việc thực thi một cách thích hợp và hiệu quả các hình phạt tài chính mục tiêu khi những biện pháp này được đưa ra bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các chuẩn mực của FATF bao gồm các Khuyến nghị và giải thích từ ngữ, cùng với các định nghĩa có thể áp dụng trong phần chú giải. Các biện pháp được nêu trong Chuẩn mực của FATF cần được áp dụng bởi các thành viên của FATF và các tổ chức khu vực kiểu FATF (FSRBs); và việc thực thi sẽ được đánh giá toàn diện thông qua quy trình đánh giá đa phương của IMF và WB – dựa trên cơ sở phương pháp đánh giá chung của FATF. Một số giải thích và định nghĩa trong phần chú giải bao gồm các ví dụ minh họa việc các yêu cầu này cần được áp dụng như thế nào. Các ví dụ này không phải là yếu tố bắt buộc của các chuẩn mực FATF và chỉ mang tính chất hướng dẫn đơn thuần. Các ví dụ này không nhằm toàn diện hóa và mặc dù được coi như những chỉ dẫn hữu ích nhưng chúng có thể không phù hợp với mọi tình huống.

FATF cũng ban hành Hướng dẫn, tài liệu thực hành tốt nhất và các tài liệu khác nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc thực thi các chuẩn mực FATF. Các tài liệu khác này không phải là bắt buộc trong quá trình đánh giá sự tuân thủ với các chuẩn mực, nhưng các quốc gia sẽ thấy tài liệu này là hữu ích trong quá trình xem xét làm thế nào để thực thi có hiệu quả nhất các chuẩn mực của FATF. Một danh sách các hướng dẫn và kỹ thuật thực hành tốt nhất của FATF hiện đang được đăng trên trang web của FATF, được xem như phụ lục cho các Khuyến nghị.

FATF cam kết duy trì đối thoại gần gũi và có tính xây dựng với khu vực tư, dân sự và các bên quan tâm, cũng như các đối tác quan trọng nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống tài chính. Việc sửa đổi các Khuyến nghị đã tham vấn tích cực và đã thu được những nhận xét và khuyến nghị hữu ích từ những tổ chức này. Để tiến xa hơn và nhằm phù hợp với chức năng của mình, FATF sẽ tiếp tục xem xét những thay đổi đối với các chuẩn mực cho phù hợp và đáp ứng với những thông tin mới liên quan đến hiểm họa và rủi ro mới phát sinh đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

FATF kêu gọi tất cả các quốc gia thực thi các biện pháp hữu hiệu nhằm đưa hệ thống chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí của quốc gia mình tuân thủ với các Khuyến nghị sửa đổi của FATF.


TRA CỨU TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: duthaoonline.quochoi.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading