admin@phapluatdansu.edu.vn

NGHIÊN CỨU KINH TẾ TƯ NHÂN VIỆT NAM – NĂNG SUẤT VÀ THỊNH VƯỢNG

TS. LÊ DUY BÌNH – Chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam

TÓM TẮT BÁO CÁO

Năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một điểm mốc quan trọng do trong quá khứ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã phải trải qua một quá trình phát triển nhiều sóng gió. Trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã không được chính thức công nhận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, kinh tế tư nhân vẫn tồn tại, lấp đầy những khoảng trống mà khu vực Nhà nước còn để lại. Năm 1986, chính sách “Đổi mới” đã được ban hành tại Đại hội Đảng lần thứ 6. Với chính sách Đổi Mới, khu vực tư nhân đã được chính thức công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế nhiều thành phần. Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999 đã dẫn đến một sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam. Từ đó đến này, môi trường chính sách và pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân đã liên tục được cải thiện.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký gia tăng mạnh mẽ, phản ánh cả quá trình chính thức hoá hộ kinh doanh cũng như sự thành lập các doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, có một khoảng cách đang ngày càng lớn dần giữa số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và số lượng những doanh nghiệp đang thực sự hoạt động. Bên cạnh các doanh nghiệp được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hộ kinh doanh đã và đang trở thành một cấu phần quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Sự mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam song hành với sự giảm bớt về số lượng doanh nghiệp nhà nước và với sự tăng trưởng chậm chạp của khu vực hợp tác xã (kinh tế tập thể). Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Khu vực tư nhân trong nước chiếm 38,6% GDP năm 2016 (trong tỷ lệ này, doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%). Khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP. Khu vực tư nhân đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Nếu không tính khu vực hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 3,35 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2010-2015, tức là trung bình 557.000 việc làm mới mỗi năm. Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực DNNN về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn. Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng của phạm vi che phủ của các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đóng góp khoảng 39 tỷ USD vào Ngân sách Nhà nước vào năm 2016, chiếm 79,8% tổng thu ngân sách. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng thu Ngân sách Nhà nước đã tăng từ 11,9% năm 2010 lên 14,3% năm 2016, tức là từ khoảng 3 tỷ USD đến 7 tỷ USD mỗi năm tính theo giá trị tuyệt đối.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đáng kể vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là thông qua cơ hội việc làm và nguồn thu nhập. Trong năm 2015, phụ nữ chiếm 46% số việc làm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp chính thức. Một số nghiên cứu đánh giá rằng 25% doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ hoặc được lãnh đạo bởi phụ nữ, cao hơn so với mức trung bình ở Nam Á là 8%. Khoảng 5% trong số các tổng giám đốc, giám đốc điều hành của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phụ nữ. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đã thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân nữ.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân là một vấn đề đáng lưu tâm. Hiện trạng về năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Việt Nam đang đối diện với yêu cầu cấp bách phải tăng năng suất để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hạn. Khu vực kinh tế tư nhân, một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế như khẳng định tại Nghị quyết TW 5, cần đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng năng suất trong những thập kỷ tới. Tình trạng năng suất thấp và tốc độ tăng năng suất thấp của nền kinh tế có liên quan tới thực trạng phần lớn các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa”, tức là tình trạng các doanh nghiệp có quy mô trung bình có số lượng rất ít ỏi, là một điều đáng quan ngại. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Rõ ràng là Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào vào việc ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn thay là chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh vai trò góp phần quan trọng cho cải thiện về năng suất, các doanh nghiệp lớn còn đóng vai trò là “công ty dẫn đầu” dẫn dắt hoặc thúc đẩy tăng trưởng của cả một ngành hoặc một cụm doanh nghiệp.

Số liệu thống kê về ICOR cho thấy các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam hiệu quả hơn nhiều so với DNNN trong việc sử dụng vốn đầu tư. Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân có chỉ số ICOR tích cực hơn, phần lớn nguồn lực của nền kinh tế vẫn chưa được dịch chuyển sang cho khu vực này. Ngay trong nội tại khu vực tư nhân cũng có nhiều cơ hội tốt để cải thiện năng suất bằng cách phân bổ lại nguồn lực từ khu vực hộ kinh doanh không chính thức hoặc bán chính thức sang khu vực chính thức.

Các chỉ số về hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại. Mức tăng về giá trị tuyệt đối của doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể che lấp được một thực tế rằng tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với khu vực DNNN và khu vực FDI. Trong năm 2014, 45,5% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ đang trong tình trạng thua lỗ. Nói cách khác, hơn 176.500 doanh nghiệp tư nhân đang làm ăn thua lỗ mỗi năm. Đây là một con số đáng lo ngại cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và trở ngại. Tình trạng thua lỗ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tích tụ vốn bằng các nguồn lực và kênh nội bộ, và đến quá trình lớn lên về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân trong nước

Mỗi liên kết giữa các cấu phần của khu vực kinh tế tư nhân là một vấn đề cần sớm được khắc phục. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh trong vài năm qua và nền kinh tế đã trở nên phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực tư nhân nước ngoài. Nội tại trong khu vực kinh tế tư nhân, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu và có nhiều hạn chế. Hiện tượng ba nền kinh tế trong một nền kinh tế như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ vẫn chưa có chính sách hoặc biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp FDI và DNNN.

Khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với sự suy giảm của những nguồn lực vốn một thời được coi là dồi dào và phong phú. Việt Nam ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn về chi phí nhân công vì tiền lương của người lao động gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Hơn nữa, những lợi ích của thời kỳ dân số vàng mà khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng được hưởng lợi đáng kể trước đây sẽ suy giảm dần. Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực hộ kinh doanh thời gian qua chủ yếu dựa vào lợi thế về giai đoạn dân số vàng này và chi phí nhân công thấp để tăng trưởng và tạo ra tới 38,64% GDP (năm 2016). Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân trong nước tỏ ra chậm thích ứng với sự suy giảm của nguồn lực vốn được coi là dồi dào, phong phú và có chi phí thấp này.

Một đặc điểm nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là tính không chính thức và bán chính thức cao. Các quy định quá mức chặt chẽ, không hợp lý, quá trình thực thi không hiệu quả, chi phí tuân thủ cao là những lý do chính giải thích cho tình trạng phi chính thức hoặc bán chính thức cao của khu vực kinh tế tư nhân. Hộ kinh doanh tiếp tục là một hình thức được đặc biệt ưa thích để bắt đầu một khởi sự kinh doanh, đặc biệt là đối với những cá nhân tìm cách khởi sự kinh doanh để mưu sinh và kiếm sống. Tuy chiếm tới hơn một phần ba GDP nhưng khu vực hộ kinh doanh chỉ đóng góp một mức vô cùng nhỏ bé cho tổng thu ngân sách nhà nước và khu vực này cũng có mức đóng góp rất hạn chế về tăng độ che phủ về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Nhiều hộ kinh doanh này vẫn phản đối và né tránh đăng ký thành doanh nghiệp nhằm tiếp tục hưởng lợi từ các quy định đơn giản và lỏng lẻo về thuế hiện đang được áp dụng đối với khu vực hộ kinh doanh, và nhằm tránh thực thi đầy đủ các quy định về an toàn lao động, về an sinh xã hội, về yêu cầu về báo cáo tài chính và thuế. Thực trạng các hộ kinh doanh lớn hơn đang lợi dụng sự thiếu minh bạch và thiếu rõ ràng này đang gây ra những phản ứng từ phía các doanh nghiệp đã đăng ký chính thức. Năng suất của các hộ kinh doanh nhìn chung thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước thuộc khu vực chính thức. Bất kỳ một sự cải thiện nào về hiệu quả hoạt động của khu vực hộ kinh doanh sẽ góp phần nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế, đặc biệt khi nhìn từ góc độ khu vực doanh nghiệp này đang chiếm tới 30,5% GDP.

Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn chứa đựng nhiều những khó khăn và thách thức. Vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và DNNN, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp có và không có “mối quan hệ thân thiết” với chính quyền có mức tiếp cận không bình đẳng tới nguồn lực của nền kinh tế. Tiếp cận nguồn tài chính cũng là một hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Lãi suất đối với các khoản vay từ ngân hàng thường cao hơn hơn tỷ lệ sinh lời của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân.

Khoảng cách để trở thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ và sáng tạo là còn khá xa đối với Việt Nam. Năng lực về đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có nhiều hạn chế và khu vực tư nhân vẫn chưa được khuyến khích để đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện tình hình. Số lượng các tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc khu vực tư nhân ở Việt Nam còn hạn chế. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến cuối năm 2016 chỉ có khoảng 300 công ty được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển nói chung có chất lượng kém và kinh phí cho nghiên cứu và phát triển thường khan hiếm và ít ỏi. Giáo trình và nội dung chương trình STEM và nhằm hỗ trợ đổi mới, sáng tạo còn lạc hậu, chậm được đổi mới để bắt kịp với yêu cầu. Việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ thông tin, trong kinh doanh nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ vẫn chưa được khai thác triệt để. Luật và các quy định về sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng vi phạm phổ biến về quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và bản quyền. Sự vi phạm phổ biến quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương hiệu làm giảm sự quan tâm, mong muốn và động lực đổi mới, sáng tạo của người dân nói chung và của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng.

Triển vọng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là tích cực. Tăng trưởng kinh tế vững chắc được duy trì, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang được thực thi và các nỗ lực nhằm cải cách thể chế sẽ tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Quyết tâm và cam kết chính trị đối với việc phát triển kinh tế tư nhân đã liên tục được tái khẳng định. Chính phủ ngày một trở nên thuần thục hơn trong vai trò “kiến tạo” và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước khởi nghiệp, hoạt động và phát triển thịnh vượng. Vị trí địa lý của Việt Nam cũng như quá trình gia nhập các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài được duy trì ở mức cao và mức độ nhận thức ngày một tăng về tính cấp thiết và về lợi ích của tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quyết tâm và các nỗ lực của Chính phủ trong việc thoái vốn khỏi các DNNN và cải cách khu vực DNNN cũng mang lại nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân. Cơ hội đối với khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ được mở rộng khi các công trình công cộng, các dự án cơ sở hạ tầng vốn thường chỉ được dành cho DNNN giờ đây cũng được dành cho khu vực tư nhân. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam tăng mạnh, và được hỗ trợ tích cực bởi một môi trường kinh doanh ngày một cải thiện và bởi các chương trình thông tin, truyền thông.

Cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khu vực tư nhân là một trong những cấu phần quan trọng để tăng cường năng lực quốc gia của Việt Nam. Rõ ràng là các nỗ lực liên tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam. Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ hơn vào chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong những thập niên sắp tới, trọng tâm chính sách của Chính phủ cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, ví dụ như năng suất tại cấp độ doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính, và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong nội bộ khu vực doanh nghiệp, cần có các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực giữa những khu vực doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguồn lực (vốn, lao động, đất đai) hiệu quả hơn. Phát huy tiềm năng của khu vực hộ kinh doanh bằng các biện pháp thích hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Các biện pháp chính sách nhằm tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI và DNNN cần được ban hành và thực thi. Thực trạng thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa (the missing middle) là một vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Các biện pháp nhằm xử lý thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa (the missing middle) cần được hỗ trợ bởi các biện pháp và chính sách nhằm thúc đẩy tích tụ vốn, khuyến khích sự tăng trưởng về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân.

Chính sách phát triển doanh nghiệp cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ. Công nghệ có thể được chuyển giao từ nước ngoài hoặc từ khu vực doanh nghiệp FDI. Việc ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ một cách có chiến lược, kiên trì, liên tục và thông minh sẽ dẫn đến việc tích lũy về bí quyết, công nghệ, kiến thức và sau đó là sáng tạo và phát minh, sáng chế. Giáo trình giảng dạy và đào tạo về nội dung Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM) cần được cập nhật và cải tiến liên tục. Cùng với xu hướng của Công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần phải được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo, phải được hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh vững chắc trong những thập niên sắp tới. Khu vực kinh tế tư nhân cần chuẩn bị tốt hơn cho thực trạng già hóa dân số, về việc thời kỳ “dân số vàng” sẽ sớm trôi qua và chi phí lao động ngày một tăng.


TRA CỨU BẢN NGHIÊN CỨU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY:

IN ENGLISH

IN VIETNAMESE


SOURCE: Economica.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading