admin@phapluatdansu.edu.vn

SỞ HỮU TẬP THỂ GÓC NHÌN TỪ PHÁP LUẬT VỀ HỢP TÁC XÃ

THS. DƯƠNG MỸ AN – Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM

Hiến pháp 1992 quy định có ba chế độ sở hữu là cơ sở của toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân, trong đó sở hữu tập thể (cùng với sở hữu toàn dân) là nền tảng của chế độ sở hữu. Theo tư duy truyền thống, điều này đồng nghĩa với sở hữu tập thể là một trong hai chế độ sở hữu quan trọng nhất đối với tư liệu sản xuất được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích phát triển lâu dài, có tính định hướng chiến lược trong xây dựng và phát triển kinh tế. Trên cơ sở Hiến pháp, các đạo luật cụ thể hóa nguyên tắc này thông qua chế định hình thức sở hữu tập thể và loại hình hợp tác xã. Nhằm góp phần làm sáng tỏ khái niệm, ý nghĩa của sở hữu tập thể, bài viết sau đây xin trao đổi vài ý kiến về sở hữu tập thể thông qua pháp luật hiện hành về hợp tác xã.

Sở hữu tập thể trong luật thực định:

Trong khoa học pháp lý, sở hữu là khái niệm gắn liền với tài sản, chỉ xác lập trên tài sản – vật chất hoặc trí tuệ. Để có cơ chế thực hiện các quyền luật định, người ta thường quan tâm chủ sở hữu là một hay nhiều người khác nhau, từ đó có sự phân biệt giữa sở hữu một chủ với sở hữu nhiều chủ. Bộ luật dân sự nước ta có lẽ đã liệt kê các hình thức sở hữu theo hướng tiếp cận này, ngoài căn cứ vào chế độ sở hữu mà Hiến pháp đã ghi nhận. Sở hữu một chủ gồm có sở hữu tư nhân, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức xã hội…; sở hữu nhiều chủ gọi là sở hữu chung. Theo như tên gọi, có thể hình dung chủ sở hữu tập thể đối với tài sản không phải một cá nhân; tuy nhiên, không loại trừ tài sản ấy được sở hữu bởi duy nhất một thực thể pháp lý được tạo lập bởi nhiều người. Cho nên vấn đề trước hết cần làm rõ là: sở hữu tập thể là sở hữu nhiều chủ hay một chủ?

Nhìn từ góc độ của luật dân sự, sở hữu tập thể được hiểu là hình thức sở hữu mà chủ sở hữu là một tổ chức kinh tế (hợp tác xã hoặc một hình thức kinh tế tập thể ổn định khác) được dựng nên bởi một tập hợp cá thể hoặc hộ có nhu cầu chung hoặc có những khó khăn giống nhau trong cuộc sống, nghề nghiệp; tự nguyện hợp tác, tương trợ để cùng nhau giải quyết thông qua chung sức, chung vốn làm kinh tế [1]. Vì có chủ là tổ chức nên không thể nhầm lẫn giữa sở hữu tập thể với sở hữu tư nhân mà chủ là một cá nhân. Sở hữu tập thể cũng khác hẳn với các hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… vì tài sản thuộc sở hữu tập thể phải được sử dụng cho hoạt động kinh tế, để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ.

Câu hỏi đặt ra là: liệu còn có hình thức kinh tế tập thể nào khác chịu sự điều chỉnh bởi chế định này, mà tổ chức hoạt động lại không phải thông qua một thực thể pháp lý nhất định (cơ sở kinh tế)? Nói cách khác, có hay không trường hợp chủ sở hữu tập thể là nhóm người? Người viết cho rằng không có cơ sở để ghi nhận trường hợp này vì sẽ trùng lặp và chồng chéo với sở hữu chung. Hơn nữa, luật cũng đã quy định vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể phải theo điều lệ của tập thể đó[2], một lần nữa khẳng định cơ chế thực hiện quyền sở hữu tập thể không như sở hữu chung. Từ quy định của luật hiện hành, có thể khái quát một số dấu hiệu đặc trưng để phân biệt sở hữu tập thể với sở hữu chung như sau:

– Chủ sở hữu tập thể thường chỉ giới hạn ở một số đối tượng nhất định (không có người nước ngoài), trong khi sở hữu chung thì không.

– Vấn đề sử dụng tài sản thuộc sở hữu tập thể phải gắn với các hoạt động kinh tế; còn sở hữu chung có thể tồn tại cả trong kinh tế lẫn dân sự.

– Mục đích khai thác tài sản thuộc sở hữu tập thể không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế, mà phải hướng đến giải quyết các nhu cầu chung, cải thiện và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho thành viên, thể hiện rõ tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau.

– Phương thức thực hiện quyền sở hữu tập thể luôn gắn liền với tổ chức và hoạt động của một thực thể pháp lý nhất định (chủ thể của quyền sở hữu tập thể), chứ không phải là cơ chế đồng thuận của nhiều chủ thể độc lập nhau như hình thức sở hữu chung.

Như vậy, quyền sở hữu tập thể được thực hiện bởi một chủ thể duy nhất là tổ chức kinh tế tập thể. Cơ chế thực hiện quyền do điều lệ (đối với chủ sở hữu pháp nhân) hoặc pháp luật quy định. Sở hữu tập thể là sở hữu một chủ.

Sở hữu tập thể nhìn từ Luật hợp tác xã 2003:

Xét ở góc độ chủ thể thực hiện quyền, sở hữu tập thể trong hợp tác xã cũng chính là sở hữu của pháp nhân kinh tế, tương tự như hình thức sở hữu trong công ty. Đáng tiếc là sở hữu pháp nhân kinh tế (bao gồm cả pháp nhân hoạt động thương mại) lại thiếu vắng cơ sở pháp lý khi Bộ luật dân sự không đề cập (!?). Quyền sở hữu trong hợp tác xã được thực hiện theo điều lệ hợp tác xã, trong khuôn khổ luật định. Thông thường, điều lệ phân giao các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản cho các cơ quan trong bộ máy quản lý thực hiện trên danh nghĩa hợp tác xã, từ Đại hội xã viên, Ban quản trị cho đến Chủ nhiệm.

Tài sản của hợp tác xã được tạo lập không chỉ từ vốn góp ban đầu của xã viên, vốn do hợp tác xã tự tích lũy, huy động, được tài trợ mà còn từ vốn trợ cấp của nhà nước, đặc biệt là trợ cấp không hoàn lại. Những tài sản có nguồn gốc trợ cấp không hoàn lại này tuy thuộc sở hữu tập thể, được sử dụng để phục vụ cộng đồng xã viên nhưng phải chuyển giao lại cho Nhà nước khi hợp tác xã giải thể[3].

Do bản chất của kinh tế tập thể, việc khai thác khối tài sản của hợp tác xã không chỉ vì mục tiêu tối đa hóa lợi tức vốn góp cho xã viên (như doanh nghiệp), mà sâu xa hơn là phải hình thành được các quỹ và tài sản nhằm giải quyết và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu chung về kinh tế – xã hội mà xã viên quan tâm, chẳng hạn các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, tổ chức lễ hội, giáo dục, nhà trẻ… Như vậy, thực trạng sử dụng quỹ và tài sản dành cho phúc lợi tập thể có thể xem như một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả cũng như sự thành công hay không của một mô hình hợp tác xã cụ thể. Những tài sản phúc lợi này không đương nhiên được phân chia cho xã viên khi hợp tác xã giải thể, mà được xử lý theo điều lệ và quy định của pháp luật; theo đó, phần nào có nguồn gốc trợ cấp nhà nước thì giao chính quyền địa phương, phần còn lại do Đại hội xã viên quyết định[4]. Đây cũng chính là khác biệt lớn trong thực hiện quyền sở hữu giữa hợp tác xã và công ty.

Một số vấn đề đặt ra:

Thứ nhất, sở hữu tập thể trong hợp tác xã vận tải theo mô hình dịch vụ hỗ trợ:

Ở nước ta, hợp tác xã đang giữ vị trí trọng yếu trong ngành giao thông vận tải ở nhiều địa phương, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh đã đảm nhận tới 77% nhu cầu vận tải hành khách và trên 80% nhu cầu vận tải hàng hoá đường bộ (Báo cáo của Bộ GTVT tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên minh HTX Việt Nam năm 2010)[5]. Hiện có 3 hình thức tổ chức hợp tác xã vận tải là: hình thức dịch vụ hỗ trợ, hình thức điều hành tập trung và hình thức hỗn hợp; trong đó mô hình dịch vụ hỗ trợ (chiếm tỷ trọng trên 82%) được nhận diện qua các dấu hiệu như: hợp tác xã không trực tiếp hành nghề mà chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã viên về thủ tục, giấy tờ (ở ngành khác không nhất thiết có cùng đặc điểm này); vốn điều lệ thấp; xã viên hành nghề với danh nghĩa hợp tác xã nhưng bằng phương tiện hoạt động là tài sản riêng của mình hoặc tự thuê mướn; có xác định tỷ lệ phân chia thu nhập giữa xã viên và hợp tác xã; quyết định điều hành thường ít có hiệu lực đối với xã viên; việc tuân thủ nội quy kỷ luật khá lỏng lẻo; hợp tác xã không quản lý được phương tiện, người lái, không quản lý được kinh doanh, không có bộ phận lo chung về kĩ thuật an toàn phương tiện … Từ mô hình này, đã nảy sinh một số bất cập sau:

– Hợp tác xã chỉ là tổ chức kinh tế về hình thức, có đăng ký kinh doanh nhưng không có nguồn lực để hoạt động như một pháp nhân thực sự. Có thể nói đây là hoạt động nghề nghiệp của xã viên, bằng “tư liệu sản xuất” của xã viên nhưng “núp bóng” pháp nhân hợp tác xã. Hợp tác xã không có điều kiện để thực hiện trách nhiệm tài sản khi xảy ra tổn thất do hoạt động hành nghề của xã viên (người lao động của hợp tác xã) gây ra. Rủi ro cho khách hàng là điều khó tránh khỏi! Cam kết của xã viên về việc tự chịu trách nhiệm (còn hợp tác xã hoàn toàn không) đã đi ngược lại nguyên tắc trách nhiệm của pháp nhân theo luật dân sự.

– Với năng lực tài chính khiêm tốn, lại không trực tiếp làm kinh tế, hợp tác xã không thể nào tạo lập được quỹ hay tài sản phục vụ lợi ích và các nhu cầu chung khác của cộng đồng xã viên. Ý nghĩa xã hội đặc trưng của sở hữu tập thể hầu như không phát huy thực sự. Vậy có nên duy trìhợp tác xã kiểu này?

Thứ hai, sở hữu tập thể trong tổ hợp tác:

Tổ hợp tác (hoạt động kinh tế) hiện được xem như một trong hai loại hình kinh tế tập thể chính thức được luật điều chỉnh, có quy chế pháp lý cụ thể. Tổ hợp tác hoạt động theo Bộ Luật dân sự (điều 111 đến điều 120), Nghị định 151/2007/NĐ-CP và Thông tư 04/2008/TT-BKH. Hiện nay, cùng với sự hiện diện của hơn 19.000 hợp tác xã trên phạm vi cả nước, có sự góp mặt của gần 370.000 tổ hợp tác kinh tế hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông, ngư nghiệp.

Tổ hợp tác có tài sản do các tổ viên đóng góp, cùng nhau tạo lập và được tặng cho chung. Không có quy định bắt buộc về vốn trợ cấp của Nhà nước cho tổ chức này như hợp tác xã. Tài sản do tổ viên góp vào có thể được hoàn trả khi tổ viên đó ra khỏi tổ hợp tác. Tổ viên quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận. Riêng việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất phải được các tổ viên đồng thuận theo nguyên tắc nhất trí.[6]

Pháp luật không công nhận tư cách pháp nhân cho tổ hợp tác, không yêu cầu điều lệ hoạt động; thay vào đó, tổ hợp tác có hợp đồng hợp tác là sợi dây liên kết pháp lý các tổ viên. Như vậy, tổ hợp tác có phải là “hình thức kinh tế tập thể ổn định” hay không? Nếu phải thì sở hữu của tổ hợp tác chính là sở hữu tập thể, ngược lại thì không. Nhưng thế nào là “ổn định”? Tính ổn định có phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng hợp tác, thời hạn bao lâu (?), có gắn với tư cách pháp nhân hay không? Câu trả lời vẫn chưa được tìm thấy trong các quy định pháp lý.

Suy cho cùng, hình thức sở hữu tập thể có thể tồn tại hoặc không tồn tại trong loại hình tổ hợp tác. Nếu sở hữu của tổ hợp tác là sở hữu tập thể, thì phương thức thực hiện quyền sở hữu vẫn rất khác với hợp tác xã (như đã nêu trên). Cùng là hình thức sở hữu tập thể, sao lại có sự khác nhau về tính chất chủ sở hữu và phương thức thực hiện quyền sở hữu?

Đề xuất:

Một là, sửa dổi Bộ luật dân sự theo hướng không xem sở hữu tập thể là một hình thức sở hữu:

Mặc dù kinh tế hợp tác xã khởi nguồn từ một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa xã hội không tưởng – Robert Owen (1771-1858) – nhưng thực tiễn áp dụng thành công mô hình này ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, kể cả các nước tư bản phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Phần Lan, Thụy Sĩ…. đã khẳng định vị trí và vai trò tích cực của kinh tế tập thể đối với quá trình tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của đại đa số người dân lao động trong xã hội. Vậy, ở các quốc gia đó có chế định một hình thức sở hữu đặc thù nào cho các đơn vị kinh tế tập thể, tương tự như sở hữu tập thể ở nước ta không?

Người viết nghĩ rằng không nhất thiết và cũng không nên gắn mỗi loại hình kinh tế với một hình thức sở hữu nhất định. Trong văn bản luật, chỉ nên tiếp cận các hình thức sở hữu từ góc độ chủ thể và phương thức thực hiện quyền, theo đó cần sửa đổi Bộ luật dân sự theo hướng chế định năm hình thức sở hữu sau: a/ Sở hữu cá nhân; b/ Sở hữu nhà nước; c/ Sở hữu pháp nhân; d/ Sở hữu của tổ chức có năng lực pháp lý hạn chế và e/ Sở hữu chung. Sở hữu pháp nhân và sở hữu của tổ chức khác đều có thể gắn với chủ thể hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nghề nghiệp,… Những giới hạn trong sử dụng và định đoạt quyền đối với tài sản chung của “tập thể” chỉ nên xem như một trong những dấu hiệu đặc trưng gắn liền với loại hình kinh tế tập thể, chứ không nên xem là cơ sở để định danh một hình thức sở hữu riêng biệt.Suy cho cùng, mỗi loại tổ chức khác nhau ra đời và hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau (tôn giáo, chính trị… ) đều có quy chế riêng cho việc sử dụng và định đoạt tài sản gắn với mục đích hoạt động đặc trưng của mình.

Chế độ sở hữu tập thể” đã tồn tại rất lâu trong đời sống cũng như trong khoa học chính trị pháp lý của nước ta, nhưng nếu xét ở khía cạnh được luật hóa thành hình thức sở hữu thì có vẻ còn khá mơ hồ. Những khác biệt, thậm chí bất đồng trong cách hiểu và vận dụng đã để lại không ít hệ lụy, mà sự thất bại của mô hình hợp tác xã kiểu cũ là một ví dụ điển hình. Tư duy làm chủ tập thể trong quá khứ đã từng là một trong những yếu tố khiến cho người dân bị tước bỏ nhiều quyền trên thực tế, cho dù họ có rất nhiều quyền theo Hiến pháp[7]. Phải chăng vì cứ gắn sở hữu tập thể vào kinh tế tập thể, nên dù cho nhà làm luật có khẳng định hợp tác xã không phải là doanh nghiệp (ban hành đạo luật riêng cho hợp tác xã), sở hữu của hợp tác xã là sở hữu tập thể nhưng không ít các chuyên gia, nhà quản lý vẫn cứ phát biểu “hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp” và “sở hữu tài sản trong hợp tác xã là sở hữu tư nhân”!?

Hai là, về mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ:

Trong pháp luật Việt Nam, tư cách pháp nhân của tổ chức (đặc biệt là tổ chức kinh doanh) có ý nghĩa quan trọng hơn là việc chỉ ghi nhận tính hợp pháp của chủ thể trong các quan hệ pháp lý. Vốn chủ sở hữu và tài sản kinh doanh là phương tiện cần thiết để pháp nhân huy động thêm nguồn lực để phát triển, bảo đảm hiệu quả hoạt động, khẳng định được quyền tự chủ và năng lực trách nhiệm độc lập đối với các nghĩa vụ tài sản do mình tạo ra.

Hợp tác xã về bản chất là tổ chức kinh tế, cho dù hoạt động theo mô hình nào đi nữa thì cũng không thể có vai trò chỉ như một hội nghề nghiệp. Thực trạng không ít hợp tác xã dịch vụ vận tải khách theo tuyến cố định chỉ hoạt động trên danh nghĩa, xã viên lạm dụng tư cách pháp nhân của hợp tác xã đểhưởng lợi nhưng không chấp hành nội quy kỷ luật, quy tắc nghề nghiệp, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng,… được đánh giá là điểm yếu tồn tại dai dẳng của hợp tác xã ngành giao thông vận tải. Chỉ có 32 trên 1.086 hợp tác xã vận tải (chiếm 2,9%) được chọn là mạnh (Tham luận của Bộ GTVT tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên minh HTX Việt Nam). Điều này cho thấy có sự bất hợp lý trong chính sách của Nhà nước về hợp tác xã; có cả sự lệch lạc, dễ dãi trong nhận thức và vận dụng luật pháp của người dân lẫn các cấp chính quyền.

Theo người viết, không nên duy trì mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ (như kiểu dịch vụ hỗ trợ trong ngành vận tải hiện nay) vì rủi ro cho cộng đồng, thêm phức tạp cho công tác quản lý về an toàn giao thông trong khi không phát huy đầy đủ ý nghĩa xã hội tốt đẹp của kinh tế tập thể. Chỉ nên thừa nhận 2 mô hình: hợp tác xã quản lý tập trung và hợp tác xã hỗn hợp trong ngành vận tải, ở đó hợp tác xã có nguồn lực tài chính thực sự, có năng lực chuyên môn để hoạt động nghề nghiệp như đăng ký và quan trọng là hợp tác xã quản lý được việc hành nghề của xã viên dưới danh nghĩa của mình. Nhằm bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và thực thi pháp luật, thiết nghĩ cũng cần đưa ra những tiêu chí pháp lý cụ thể hơn để hướng dẫn các hình thức tổ chức hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực nói chung.

*****

Lịch sử hình thành và phát triển gần 200 năm qua của hợp tác xã và kinh tế tập thể (nói chung) trên thế giới đã khẳng định vai trò quan trọng của loại hình kinh tế này, đặc biệt là ở những cộng đồng nông thôn. Việt Nam với vị trí của một nước nông nghiệp thì việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về hợp tác xã trong đó có chế định hình thức sở hữu, để từ đó phát hiện và nhân rộng các mô hình hợp tác xã tiên tiến là công việc có ý nghĩa thiết thực đối với yêu cầu tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia.

Chú thích:

[1] Xem thêm Điều 208 Bộ luật dân sự 2005

[2] Điều 210 Bộ luật dân sự 2005

[3] Xem Điều 36 Luật Hợp tác xã 2003 và Điều 15 Nghị định 177/2004/NĐ-CP

[4] Xem Điều 18 và 19 Nghị định 177/2004/NĐ-CP

[5] http://www.vca.org.vn/Default.aspx?tabid=84&News=2176&CategoryID=4

[6] Xem thêm Điều 114 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 19 Nghị định 151/2007/NĐ-CP

[7] Xem thêm “Chế độ sở hữu ở Việt Nam” – PGS, TS. Nguyễn Minh Đoan – TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/phap-luat/che-111o-so-huu-o-viet-nam

Tài liệu tham khảo:

1. Luật hợp tác xã 2003

2. Bộ Luật dân sự 2005

3. Nghị định 151/2007/NĐ-CP

4. Thông tư 04/2008/TT-BKH

5. Thông tư 323-TT/GTVT 3/10/1997

6. http://www.vca.org.vn

7. http://www.nclp.org.vn

SOURCE: THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO "Đánh giá thực tiễn thi hành chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992", ĐẠI HỌC MỞ TPHCM, TPHCM. 24/02/2012

Trích dẫn từ: http://law.ueh.edu.vn/lkt/index.php?language=vi&nv=news&op=Bai-viet-cua-Giang-vien/So-huu-tap-the-tu-goc-nhin-phap-luat-ve-Hop-tac-xa-ThS-Duong-My-An-59

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading