admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TRẠNG BẢO HỘ NHÃN HIỆU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

imageTS. TRẦN VĂN HẢI & CN. HOÀNG LAN PHƯƠNG – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Việt Nam gia nhập WTO là một điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào một “sân chơi chung” của thương mại toàn cầu. Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất mà còn cần khẳng định được uy tín và giá trị của doanh nghiệp mình. Nhãn hiệu đóng góp một phần không nhỏ vào giá trị thương hiệu của chính các doanh nghiệp. Do đó để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào việc xây dựng, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu của mình. Để nắm bắt được xu thế chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (sau đây gọi là “doanh nghiệp Bạc Liêu”) cũng cần phải xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu của doanh nghiệp để khẳng định được năng lực và vị thế của mình.

1. Tổng quan về việc bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp Bạc Liêu

Theo số liệu do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) quản lý cập nhật đến ngày 23.09.2011, các doanh nghiệp Bạc Liêu đã có 150 đơn yêu cầu được bảo hộ nhãn hiệu, trong đó có 73 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp. Như vậy, tỷ lệ đăng ký thành công của các nhãn hiệu là 48,7%. Với tỷ lệ này có thể thấy rằng Bạc Liêu – một tỉnh thuộc miền Nam có tỷ lệ đăng ký thành công của các nhãn hiệu được bảo hộ/số đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu chỉ ở mức trung bình so với các địa phương khác trong cả nước. Chúng tôi chứng minh cho nhận định này bằng việc so sánh tỷ lệ của Bạc Liêu với tỉnh Nghệ An (thuộc miền Trung) và tỉnh Bắc Ninh (thuộc miền Bắc) qua bảng số liệu sau:

 

Bạc Liêu

Nghệ An

Bắc Ninh

Số đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu

150

480

1358

Số Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

73

221

712

Tỷ lệ

48,7%

46%

52,4%

Qua bảng số liệu trên ta thấy, tỷ lệ đăng ký thành công của các nhãn hiệu ở Bạc Liêu ở mức trung bình nhưng số lượng đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu và nhãn hiệu được bảo hộ của Bạc Liêu còn quá thấp so với 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Ninh. Ngay đối với Nghệ An, tuy tỷ lệ đăng ký thành công của các nhãn hiệu chỉ là 46% thấp hơn so với tỷ lệ này ở Bạc Liêu (48,7%) nhưng về số đơn yêu cầu bảo hộ và số nhãn hiệu được bảo hộ ở Nghệ An thì chiếm ưu thế hơn về mặt số lượng. Điều này được minh chứng qua bảng số liệu sau:

 

Bạc Liêu

Nghệ An

Năm

Đơn

Bằng

Đơn

Bằng

Từ trước đến 2007

85

46

281

117

2008

11

9

49

41

2009

24

14

69

51

2010

30

4

150

63

Tổng

150

73

330

158

Có thể nhận thấy rằng, các doanh nghiệp Bạc Liêu chưa thực sự chú trọng vào việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình. Ngoài ra, tỷ lệ đăng ký thành công của các nhãn hiệu còn chưa cao (đặc biệt vào năm 2010 thì tỷ lệ này chỉ là 13,3%). Bài nghiên cứu sẽ phân tích một số trường hợp các doanh nghiệp Bạc Liêu nộp đơn đề nghị bảo hộ nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ hoặc bị từ chối bảo hộ, từ đó đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao khả năng bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp Bạc Liêu.

2. Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu được chấp nhận

Trong số đơn đề nghị bảo hộ nhãn hiệu được chấp nhận có 2 trường hợp:

2.1. Trường hợp 1: Doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN)

clip_image002Chúng tôi chọn nhãn hiệu “TK BẠC LIÊU MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP BẠN NÔNG DÂN, HÌNH” cho sản phẩm “máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa” thuộc nhóm 07 do doanh nghiệp Tư Khén có trụ sở tại số 09, quốc lộ 01A, ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi làm chủ sở hữu.

Theo hồ sơ do Cục SHTT quản lý thì kể từ lúc nộp đơn đến khi được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì hai doanh nghiệp trên không gặp bất cứ trở ngại nào trong cả giai đoạn xét nghiệm hình thức và xét nghiệm nội dung.

Tại sao hai doanh nghiệp trên không sử dụng dịch vụ đại diện SHCN lại được Cục SHTT dễ dàng chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu? Lý do để hai nhãn hiệu được bảo hộ là vì nó có khả năng phân biệt với tất cả các nhãn hiệu khác cho sản phẩm cùng loại.

Chúng tôi phân tích nhãn hiệu “TK BẠC LIÊU MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP BẠN NÔNG DÂN, HÌNH”. Phần chữ “MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP”, “BẠC LIÊU”, “BẠN CỦA NHÀ NÔNG” không được bảo hộ riêng vì chúng mang tính chất mô tả về tên gọi của sản phẩm và đối tượng sử dụng sản phẩm; phần chữ “TK” là viết tắt của “Tư Khén” được thể hiện bằng chữ in hoa thông thường, không có sự cách điệu, khi viết liền nhau tạo ra một từ không có nghĩa do đó sẽ không có khả năng phân biệt nên cũng không được bảo hộ riêng. Do nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể nên doanh nghiệp Tư Khén phải gắn toàn bộ nhãn hiệu này lên các sản phẩm máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa do mình sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp Tư Khén không có quyền ngăn cấm các chủ thể khác gắn nhãn hiệu “MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP” lên các sản phẩm máy tuốt lúa, máy gặt đập do họ sản xuất. Mặc dù nhãn hiệu “TK BẠC LIÊU MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP BẠN NÔNG DÂN, HÌNH” được bảo hộ song để người tiêu dùng nhớ đến nhãn hiệu là rất khó vì nó quá phức tạp. Ngoài ra, nếu sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu ra nước ngoài dưới nhãn hiệu này thì việc nhớ được phần chữ trong tổng thể nhãn hiệu đối với người nước ngoài cũng rất khó khăn. Điều này có thể coi là một bất lợi cho doanh nghiệp khi sử dụng nhãn hiệu phức tạp như trên. Khi quan sát phần giới hạn trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp cho doanh nghiệp này, chúng tôi thấy hầu hết các dấu hiệu trên nhãn hiệu đều là các dấu hiệu loại trừ (Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng "TK", "BẠC LIÊU", "MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP", "BẠN NÔNG DÂN", hình thước kẹp, bông lúa, bánh răng). Trong việc bảo hộ nhãn hiệu có một nguyên tắc được ghi nhận: người tiêu dùng khó nhớ nhãn hiệu khi phần giới hạn trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có nhiều dấu hiệu loại trừ.

clip_image004Đối với nhãn hiệu “ĐẠI QUANG” cho sản phẩm thuộc nhóm 16 (Giấy; giấy vệ sinh) do Hộ kinh doanh cá thể Đại Quang có trụ sở tại ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai làm chủ sở hữu.

Đây là nhãn hiệu rất dễ nhớ (ngay cả đối với người nước ngoài), trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Cục SHTT cấp cho doanh nghiệp này không có bất kỳ dấu hiệu loại trừ nào.

2.2. Trường hợp 2: Doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ đại diện SHCN

Chúng tôi chọn nhãn hiệu “VĨNH LỢI, HÌNH” cho sản phẩm nhóm 29 do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi có trụ sở tại Quốc lộ 01A ấp Cái Tràm A, thị trấn Hoà Bình, huyện Hoà Bình làm chủ sở hữu, đại diện SHCN là NOVAPRO & ASSOCIATES CO.,LTD và nhãn hiệu “TL, HÌNH” do Doanh nghiệp tư nhân Thành Long có trụ sở tại 4/190 đường Lò Rèn, khóm 7, phường 5, thị xã Bạc Liêu làm chủ sở hữu, đại diện SHCN là A ĐÔNG IP CONSULTANCY CO.,LTD.

clip_image006 clip_image008

Do đáp ứng được điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ được quy định tại Điều 72 Luật SHTT nên cả hai doanh nghiệp trên không gặp bất cứ trở ngại nào trong cả giai đoạn thẩm định hình thức và thẩm định nội dung, đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

3. Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối

Liệu các doanh nghiệp đều có thể lấy thành phần phân biệt của tên thương mại làm nhãn hiệu hoặc một phần nhãn hiệu không? Câu trả lời là có thể có như trong trường hợp Hộ kinh doanh cá thể Đại Quang đã lấy chữ “ĐẠI QUANG” là thành phần phân biệt của tên thương mại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Song cũng có những doanh nghiệp khi lấy thành phần phân biệt của tên thương mại làm nhãn hiệu lại bị từ chối bảo hộ.

Chúng tôi xin khảo sát nhãn hiệu “HUỲNH MINH THÀNH, BẠC LIÊU, HÌNH” cho các sản phẩm thuộc nhóm 30 do Hộ kinh doanh cá thể Huỳnh Minh Thành có trụ sở tại 46 Lê Hồng Phong, phường 2, Thành phố Bạc Liêu nộp đơn vào 29.07.2009. Doanh nghiệp này đã lấy thành phần phân biệt của tên thương mại là “HUỲNH MINH THÀNH” để làm một phần nhãn hiệu yêu cầu được bảo hộ.

Sclip_image010au thời gian thẩm định nội dung, ngày 30.09.2010, Cục SHTT đã thông báo từ chối vì nhãn hiệu này đã tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MINH THÀNH” cho các sản phẩm thuộc nhóm 30 do Cơ sở Minh Thành có trụ sở tại 3Ô, khu phố Long Bình, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ sở hữu.

clip_image012Lý do để Cục SHTT từ chối không bảo hộ nhãn hiệu “HUỲNH MINH THÀNH, BẠC LIÊU, HÌNH” vì:

(i) Phần chữ và phần số trong nhãn hiệu: "46 CAO VĂN LẦU – PHƯỜNG 2 – TX BẠC LIÊU", "ĐT: (0781) 3822834-3923555" không được bảo hộ vì đây là địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp mang tính chất mô tả nguồn gốc của sản phẩm nên không có khả năng phân biệt.

(ii) Phần chữ Hán trong nhãn hiệu là những ký tự mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được. Do đó phần chữ Hán này cũng được coi là không có khả năng phân biệt.

(iii) Trong nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ thì thành phần có khả năng phân biệt là phần chữ “HUỲNH MINH THÀNH”. Tuy nhiên, nó lại tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MINH THÀNH” đang còn hiệu lực bảo hộ. Có thể nhận thấy rằng “HUỲNH MINH THÀNH” và “MINH THÀNH” đều là tên người Việt và trùng nhau về phần tên đệm và tên chính “MINH THÀNH”. Đối với tên của người Việt, tên gọi (bao gồm tên đệm và tên chính) rất đa dạng và có khả năng phân biệt, còn tên họ thì chỉ giới hạn trong một số ít nên không được coi là có khả năng phân biệt. Do đó với việc khác phần họ “HUỲNH” và trùng tên gọi “MINH THÀNH” thì nhãn hiệu đang được đề nghị bảo hộ đã tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cho cùng nhóm sản phẩm 30.

Như vậy, “tên thương mại” và “nhãn hiệu” là hai đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được phát sinh tự động trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, còn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chỉ được phát sinh trên cơ sở đăng ký tại Cục SHTT (và phải được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Do đó, việc lấy thành phần phân biệt của tên thương mại làm nhãn hiệu hoặc một phần nhãn hiệu có thể được bảo hộ hoặc không được bảo hộ. Các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để tránh trường hợp sử dụng tên thương mại làm nhãn hiệu hoặc một phần nhãn hiệu mà không đi đăng ký.

clip_image014Tiếp theo, chúng tôi xin phân tích trường hợp của nhãn hiệu “CÔNG TY CỔ PHẦN MUỐI ĐÔNG HẢI BẠC LIÊU DOSASCO, HÌNH” cho sản phẩm “muối ăn” thuộc nhóm 30 do Công ty cổ phần muối Đông Hải tỉnh Bạc Liêu có trụ sở tại ấp Hoà 1, xã Long Điền, huyện Đông Hải yêu cầu bảo hộ.

Nhãn hiệu này đã lấy cả tên thương mại của mình để làm một phần nhãn hiệu. Tuy nhiên, nhãn hiệu này đã tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “DOSACO, HÌNH” cho sản phẩm thuộc nhóm 30 do Doanh nghiệp tư nhân xí nghiệp muối và gia vị thực phẩm Đồng Lợi có trụ sở tại 73 Võ Thị Sáu, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm chủ sở hữu và nhãn hiệu “KHÁNH VINH, HÌNH” cho sản phẩm thuộc nhóm 30 và dịch vụ thuộc nhóm 35 do Công ty TNHH muối Khánh Hòa có trụ sở tại Khu Nam Phát 2, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng làm chủ sở hữu.

clip_image016 clip_image018

Lý do để Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu “CÔNG TY CỔ PHẦN MUỐI ĐÔNG HẢI BẠC LIÊU DOSASCO, HÌNH” là:

(i) Phần chữ “CÔNG TY CỔ PHẦN” mô tả hình thức pháp lý của công ty, phần chữ “MUỐI” mô tả tên gọi của sản phẩm nên không có khả năng phân biệt.

(ii) Phần chữ “ĐÔNG HẢI BẠC LIÊU” nhằm chỉ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là nơi công ty đóng trụ sở, do vậy nó mang tính chất mô tả nguồn gốc địa lý của sản phẩm nên cũng không được bảo hộ vì không có khả năng phân biệt.

(iii) Phần hình mặt trời và hình ô muối của nhãn hiệu đang đề nghị bảo hộ tương tự tới mức gây nhầm lẫn với hình mặt trời và hình ô muối của nhãn hiệu “KHÁNH VINH, HÌNH” đang còn hiệu lực bảo hộ.

(iv) Phần chữ “DOSASCO” lại tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ “DOSACO, HÌNH”, đó là sự tương tự về mặt cấu trúc:

+ Số lượng các chữ cái gần trùng nhau giữa “DOSASCO” và “DOSACO” là 6, chỉ khác nhau ở một chữ “S”.

+ Trật tự sắp xếp các chữ cái giữa “DOSASCO” và “DOSACO” là gần giống nhau.

Ngoài ra, nhãn hiệu “DOSASCO” và “DOSACO” còn tương tự về cách phát âm.

Chúng tôi xin khảo sát tiếp nhãn hiệu “TD, HÌNH” do bà Trần Thị Dung trú tại số 418/7 khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu đề nghị bảo hộ cho các sản phẩm thuộc nhóm 29 và nhóm 31. Nhãn hiệu này đã “tương tự đến mức gây nhầm lẫn” mà cụ thể ở đây là “tương tự về cách trình bày” với nhãn hiệu “TD C, HÌNH” cho sản phẩm thuộc nhóm 29 và 31 do Công ty TNHH chế biến thuỷ sản Tiến Đạt có trụ sở tại ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ sở hữu.

clip_image020 clip_image022

Nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ “T D, HÌNH” là nhãn hiệu kết hợp hình và chữ trong đó:

(i) phần hình gồm hình tam giác không có khả năng phân biệt theo quy định tại Điều 74.2.a Luật SHTT vì nó là hình học đơn giản; phần hình mặt trời, sóng biển, tôm, cá mang tính chất mô tả về phương pháp sản xuất, nguồn gốc của các sản phẩm tôm, thịt, cá (không còn sống); nước mắm, mắm cá cơm; cua (còn sống) mà nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ do đó các phần hình này cũng không có khả năng phân biệt.

(ii) Phần chữ “T D” được viết cách điệu, tuy nhiên cách trình bày của phần chữ này lại tương tự với phần chữ “TD” trong nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ “TD C, HÌNH” của Công ty TNHH chế biến thuỷ sản Tiến Đạt cùng cho các sản phẩm thuộc nhóm 29 và 31. Như vậy, với cách trình bày trên, người tiêu dùng rất dễ nhầm tưởng nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ và nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cùng một chủ sở hữu là Công ty TNHH chế biến thuỷ sản Tiến Đạt.

Với những phân tích trên đây có thể thấy lý do để các doanh nghiệp Bạc Liêu bị Cục SHTT từ chối các đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu là do trước khi nộp đơn các doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ các thông tin về tình trạng pháp lý cho của các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho các nhóm sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự. Do vậy, các doanh nghiệp Bạc Liêu cần phải quân tâm hơn nữa tới việc bảo hộ nhãn hiệu và làm thế nào để đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu của doanh nghiệp mình.

4. Giải pháp để giảm thiểu số lượng đơn đề nghị bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối

Trước hết, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ được giá trị của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Việc được bảo hộ nhãn hiệu giúp các doanh nghiệp được độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình; ngăn chặn việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (nhất là tình trạng làm hàng giả, hàng nhái của các doanh nghiệp khác); thương mại hóa quyền đối với nhãn hiệu của mình như: chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu… Do vậy, giá trị của nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng để tạo nên một thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp không nên mặc nhiên coi tên thương mại là nhãn hiệu của mình. Như đã đề cập, đây là các đối tượng khác nhau của quyền SHCN và trong phạm vi cả nước có thể có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực có tên thương mại tương tự nhau, nhưng chỉ duy nhất một doanh nghiệp có thể lấy tên thương mại của mình làm nhãn hiệu. Do đó, các doanh nghiệp hết sức lưu ý không được nhầm lẫn giữa tên thương mại và nhãn hiệu.

Thứ ba, trước khi tiến hành việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp phải thực hiện việc khảo sát khả năng bảo hộ nhãn hiệu để tránh tình trạng lãng phí về thời gian, công sức và tài chính khi nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu. Doanh nghiệp cần nắm rõ các trường hợp mà các đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu có thể bị từ chối là:

+ Nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ trùng với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cho sản phẩm/dịch vụ trùng với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ.

+ Nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ trùng với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cho sản phẩm/dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ.

+ Nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cho cho sản phẩm/dịch vụ trùng với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ.

+ Nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ cho sản phẩm/dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ.

Việc xác định các nhãn hiệu trùng nhau và các sản phẩm/dịch vụ trùng nhau là không khó song việc xác định khả năng “tương tự” thì không hề dễ dàng.

(i) Đối với việc xác định khả năng “tương tự tới mức gây nhầm lẫn” của nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ và nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ, chúng ta dựa trên các tiêu chí sau[2]:

– Tương tự về mặt cấu trúc: như trường hợp của nhãn hiệu “CÔNG TY CỔ PHẦN MUỐI ĐÔNG HẢI BẠC LIÊU DOSASCO, HÌNH” và nhãn hiệu “DOSACO, HÌNH”.

– Tương tự về cách trình bày: như trường hợp của nhãn hiệu “T D, HÌNH” và nhãn hiệu “TD C, HÌNH”.

– Tương tự về cách phát âm: như trường hợp của nhãn hiệu “CÔNG TY CỔ PHẦN MUỐI ĐÔNG HẢI BẠC LIÊU DOSASCO, HÌNH ” và nhãn hiệu “DOSACO, HÌNH”.

– Tương tự về ý nghĩa: ví dụ như “SUNLIGHT” và “ÁNH DƯƠNG”

– Tương tự về giá cả hàng hóa/dịch vụ.

– Tương tự về kênh tiêu thụ hàng hóa/dịch vụ.

(ii) Sản phẩm/dịch vụ tương tự nhau có thể thuộc cùng một nhóm hoặc khác nhóm sản phẩm/dịch vụ. Do vậy, đối với việc xác định khả năng “tương tự” của sản phẩm/dịch vụ, chúng ta dựa trên các đặc điểm sau:

– Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng như: quần, áo; giày, dép…

– Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng như: 1. mì, miến; 2. bia, rượu; 3. gạch, ngói…

– Tương tự nhau về bản chất như: ca cao, sô cô la, cà phê; bánh, mứt, kẹo…

– Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh tiêu thụ như: 1. nước mắm, nước tương, muối; 2. chăn, ga, gối, đệm…

– Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng và được dùng cùng nhau như: kem đánh răng, bàn chải đánh răng.

Các doanh nghiệp có thể thực hiện việc khảo sát khả năng bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp mình bằng cách nhờ sự tư vấn của Sở Khoa học và Công nghệ và sau đó sử dụng dịch vụ đại diện SHCN hoặc có thể tự mình khảo sát bằng cách sử dụng thư viện số IPLib tại website của Cục SHTT theo đường link http://iplib.noip.gov.vn/IPDL_EXT/WEBUI/wlogin.php.

Thứ tư, sau khi khảo sát về khả năng bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần phải tiến hành đăng ký ngay nhãn hiệu của mình với Cục SHTT. Các doanh nghiệp tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc khi doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm/dịch vụ của mình mà chưa đi đăng ký bảo hộ, đầu tư cho quảng cáo và gây dựng lòng tin của khách hàng nhưng lại bị các doanh nghiệp khác “nhanh chân” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó trước. Khi nhãn hiệu đã thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác thì việc doanh nghiệp vẫn sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm/dịch vụ của mình thì sẽ được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và có thể bị kiện về hành vi này.

Trước giá trị mà một nhãn hiệu được bảo hộ mang lại, các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược cho việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, đặc biệt là việc đăng ký bảo hộ thành công các nhãn hiệu của doanh nghiệp mình.

Hy vọng bài nghiên cứu sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Bạc Liêu đăng ký bảo hộ thành công các nhãn hiệu trong thời gian tới.

Nghiên cứu này do Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu.,.


[1] Xin tham khảo thêm các tiêu chí đánh giá mức độ “tương tự tới mức gây nhầm lẫn”: TS. Trần Văn Hải, Thấy gì qua việc nhãn hiệu do các doanh nghiệp Nghệ An đề nghị được bảo hộ hoặc bị từ chối bảo hộ?, Tạp chí Thông tin KH&CN Nghệ An, số 3.2010

SOURCE: TẠP CHÍ THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BẠC LIÊU, SỐ 1/2012, TR 15 – 20

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading