admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN TỐ TỤNG: CHƯA ÁP DỤNG ĐÚNG THỦ TỤC KHỞI KIỆN

THANH XUÂN

Khởi kiện là quyền của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Việc khởi kiện phải theo trình tự thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, trên thực tế có tình trạng đơn khởi kiện nội dung đầy đủ nhưng không ghi năm sinh của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay chính người khởi kiện thì tòa trả lại đơn khởi kiện (?)

Cuối tháng 12.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp kiện bà Nguyễn Thị Thanh Mộng về tranh chấp ranh giới đất. Do không biết năm sinh của bà Mộng nên trong đơn khởi kiện bà Tuyết không ghi năm sinh. Sau khi nhận hồ sơ, Tòa án nhân dân huyện Lai Vung yêu cầu bà Tuyết phải bổ sung năm sinh của bà Mộng. Bà Tuyết phải làm đơn gửi đến Công an thị trấn Lai Vung, xin cho biết năm sinh của bà Mộng để hoàn tất đơn khởi kiện. Lúc này Tòa án mới bắt đầu thụ lý giải quyết vụ án.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi khởi kiện, người khởi kiện phải bảo đảm các thủ tục tại Tòa án như: đơn khởi kiện, các hồ sơ chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Quan trọng nhất là công dân khởi kiện phải làm đơn theo mẫu, quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự như: ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có; tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… Như vậy, pháp luật tố tụng không quy định người khởi kiện phải biết năm sinh của người bị kiện và nội dung đơn khởi kiện phải ghi năm sinh của người bị kiện. Tuy nhiên trên thực tế, nếu không có năm sinh của người bị kiện thì người khởi kiện có thể khởi kiện vì Tòa án sẽ không thụ lý vụ việc.  Tòa án không chỉ yêu cầu người khởi kiện phải ghi năm sinh của người bị kiện mà còn yêu cầu người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng phải có năm sinh.

Đầu tháng 7.2009, ông Trần Long Bảo làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Long Sơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi đốn cây trồng của ông Nguyễn Long Sơn gây ra. Trong nội dung đơn khởi kiện, ông Bảo có đề cập đến hai người con ông Sơn là Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Phú Tâm đã tự ý qua đất ông đốn hạ cây trồng. Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án nhân dân huyện Lai Vung, Đồng Tháp yêu cầu ông Bảo phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện: ghi năm sinh của hai người con ông Sơn là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án- nếu không sẽ trả hồ sơ khởi kiện (?). Ông Bảo tất nhiên không thể tự mình tìm năm sinh hai người có quyền và nghĩa vụ liên quan nêu trên, nên phải làm đơn đề nghị Công an thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung xác định năm sinh của họ để được khởi kiện.

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết 02 hướng dẫn thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm cho thấy, việc Tòa án yêu cầu đơn khởi kiện phải ghi năm sinh của người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định, gây khó khăn cho công dân khi thực hiện quyền khởi kiện đúng pháp luật.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/

7/ContentID/92026/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading