admin@phapluatdansu.edu.vn

XÁC ĐỊNH NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI NGƯỜI BỊ HẠI ĐÃ CHẾT TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

TRẦN THỊ HỒNG VIỆT – Tòa án nhân dân TPHCM

Vấn đề xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định các vấn đề có liên quan trong vụ án mà Hội đồng xét xử cần phải giải quyết, đặc biệt là việc xác định tư cách người đại diện hợp pháp của người bị hại đã chết trong các vụ án hình sự.

Đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

1.Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

2.Người giám hộ đối với người được giám hộ;

3.Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

4.Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

5.Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

6.Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

7.Những người khác theo pháp luật quyê định.

Đại diện theo ủy quyền

1.Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyề giữa người đại diện và người được đại diện.

2.Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.

Trong trường hợp người bị hại trong vụ án hình sự đã chết thì những người thừa kế theo pháp luật sẽ là người đại diện hợp pháp. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a)Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b)Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c)Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Để xác định và đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người đại diện hợp pháp của người chết thì các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án hình sự cần phải thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan để xác định về những người thừa kế theo pháp luật của người chết. Những người thừa kế theo pháp luật của người bị hại đã chết phải được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra. Nếu người chết có những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ nhất như vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi thì ngay từ giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải triệu tập tất cả những người này để ghi nhận ý kiến của họ về vấn đề cần giải quyết. Trường hợp chỉ có một người đến làm việc với cơ quan điều tra thì những người khác phải có giấy ủy quyền cho họ. Đối với con chưa thành niên thì người cha hoặc người mẹ là giám hộ đương nhiên không cần giấy ủy quyền. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp người chết có vợ nhưng lại chung sống với người phụ nữ khác và có con nhưng cơ quan điều tra chỉ làm việc với người vợ mà bỏ quên quyền lợi của người con mà người chết đã chung sống với người phụ nữ khác; hoặc người chết còn cha, mẹ nhưng họ cũng không được triệu tập để tham gia tố tụng.

Ví dụ: Vụ Nguyễn Quốc Sang lái xe ô tô gây ra tai nạn giao thông làm chết anh anh Nguyễn Ngọc Phan Tâm, anh Vũ Quốc Nam cùng với hai con anh Nam là cháu Vũ Thu Hà, Vũ Văn Quãng cùng 7 người khác bị thương. Sau tai nạn chủ xe ô tô là bà Nguyễn Thị Thoại đã bồi thường cho gia đình anh Vũ Quốc Nam 100.000.000đ. Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc bà Thoại tiếp tục bồi thường 12.600.000đ và bị cáo Sang bồi thường 2.000.000đ cho gia đình anh Nam (do anh Vũ Quốc Đông đại diện); bà Thoại cấp dưỡng nuôi con anh Nam (theo giy khai sinh) mỗi tháng 200.000đ đến khi cháu tròn 18 tuổi. Sau khi xét xử sơ thẩm, anh Đông kháng cáo đề nghị xử lại phần dân sự. Bản án phúc thẩm tuyên buộc bà Thoại bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh nam số tiền 63.000.000đ (350.000đ/01 tháng x 180 tháng) và tiền mất thu nhập của anh Nam 1.500.000đ/01 tháng x 6 tháng là 9.000.000đ; tổng cộng là 72.000.000đ; ghi nhận sự tự nguyện của bà Thoại trợ cấp để nuôi con của anh nam là cháu Vũ Anh Tuyết mỗi tháng 200.000đ cho đến khi cháu trưởng thành; bà Thoại nộp án phí dân sự sơ thẩm 3.600.000đ.

Tại Kháng nghị số 04/2009/HS-TK ngày 06/05/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường tổn thất tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Nam và tiền án phí dân sự để xét xử phúc thẩm lại với lý do: “ Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam khoản tiền tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần cấp swo thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000đ (350.000đ x 36 tháng) là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này, buộc bà Thoại bồi thường cho cả 03 người chết là 180 tháng lương (60 x 3 người), với số tiền 63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người lag không đúng thực tế. Về thu nhập bị mất: Theo quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự năm 1995 thì các khoản bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiết hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Anh Nam đa chết ngay sau khi bị tai nạn giao thông, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định buộc bà Thoại bồi thường tiền mất thu nhập của anh Nam được tính trong thời gian 06 tháng, mỗi tháng 1.500.000 đồng, với tổng số tiền 9.000.000 đồng là không đúng.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/HS-GĐT ngày 03/09/2009, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nhận xét trong vụ án này, một gia đình có ba người chết là anh Nam cùng hai con, nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn có những sai lầm như sau:

Về xác định tư cách người tham gia tố tụng: Sau khi anh Nam chết, ngoài chị Nguyễn Thị Phin là người thân gần gũi nhất, thì anh Nam còn có mẹ (bút lục 297). Như vậy, người đại diện hợp pháp của anh Nam gồm có mẹ và vợ là chị Phin, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh để đưa mẹ của anh Nam tham gia tố tụng, mà xác định anh Vũ Quốc Đông là em trai anh Nam (được chị Phin ủy quyề)là người đại diện hợp pháp của người bị hại và quyết định buộc bị cáo, bị đơn dân sự bồi thường cho gia đình anh Nam là chưa đầy đủ và chính xác. Tòa án cấp phúc thẩm đã không khắc phục được sai lầm nêu trên, mà còn ghi sai họ của bị đơn dân sự, đồng thời buộc bị đơn dân sự bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ anh Nam là không đúng, vì những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Nam gồm mẹ, vợ và con mới sinh cùng được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do anh Nam bị thiệt hại về tính mạng. Riêng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do cháu Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quãng bị thiệt hại về tính mạng thì chỉ có chị Phin (là mẹ của hai cháu) được hưởng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tính luôn cả ba trường hợp để buộc bị đơn dân sự bồi thường cho chị Phin là không đúng.

Về phần bồi thường dân sự: ngoài tiền chi phí mai táng là 100.000.000 đồng mà bà Thoại bồi thường cho gia đình anh Nam, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam khoản tiền tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Nam, nhưng khoản tiền bù đắp về tinh thần Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000 đồng là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này buộc bà Thoại bồi thường cho cả ba người chết là 180 tháng lương với tổng số tiền là 63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người cũng chưa phù hợp với thực tế. Mặc dù, tổn thất về tinh thần đối với người thân thích của anh Vũ Hoài Nam là rất lớn, nhưng bị đơn dân sự không có lỗi trong việc gây ra tai nạn; mặt khác ngoài việc bồi thường chi phí mai táng cho gia đình anh Nam, thì bị đơn dân sự còn phải bồi thường cho nhiều người khác, do đó khi giải quyết khoản tiền bù đắp về tinh thần đối với gia đình anh Nam, ngoài việc xác định vị thế của người bị hại trong gia đình, thì Tòa án cần xem xét, quyết định cho phù hợp với thực tế để đảm bảo khả năng thi hành án.

Về thu nhập thực tế bị mất: hủy bản án hình sự phúc thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Nam, tiền án án phí dân sự và bản án hình sự sơ thẩm về phần quyết định buộc bà Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.tand.hochiminhcity.gov.vn/DetailNews.asp?ID=1439

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading