admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN THI HÀNH ÁN: TÒA TUYÊN DI DỜI CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT… LÀM SAO THI HÀNH?

ÁI PHƯƠNG

Tài sản cần di dời không phải là cái tủ, chiếc xe… mà là các cây trồng trên đất, làm sao cưỡng chế?

Thắng kiện trong cả hai vụ án tranh chấp quyền sử dụng hai mảnh đất khác nhau nhưng ông Trần Văn Sừa (ấp An Lợi, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, Bình Dương) vẫn còn đau đầu. Đất của ông song cây trên đất lại thuộc sở hữu của người khác nên ông chưa thể toàn quyền sử dụng đất.

Đất của người này, người khác trồng cây

Tháng 6-2002, vợ chồng ông Sừa mua một thửa đất gần 940 m2 tại xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Sau đó, thửa đất này bị vợ chồng ông T. bao chiếm và trồng cây.

Không thỏa thuận được nên đôi bên đã đưa nhau ra tòa. Trước tòa, ông T. cho rằng đất này vốn là của thân tộc ông cho người khác ở nhờ. Sau đó, người ở nhờ tự ý bán đất cho gia đình ông Sừa. Ông đã gửi đơn khiếu nại ra UBND xã và trong khi chờ chính quyền giải quyết, vợ chồng ông “tranh thủ” canh tác, trồng cây.

Qua xác minh, tòa nhận định người bán đất cho vợ chồng ông Sừa đã sử dụng đất từ trước giải phóng. Người này đã xây nhà ở ổn định, đã kê khai đăng ký và được UBND huyện Bến Cát cấp “giấy đỏ”. Sau khi mua lại, vợ chồng ông Sừa cũng đã được cấp “giấy đỏ”. Vì vậy, bản án sơ thẩm ngày 4-4-2007 của TAND huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã tuyên vợ chồng ông T. phải trả lại đất cho ông Sừa và phải chuyển toàn bộ cây trồng trái phép trên đất ra khỏi thửa đất trên.

Trên thực tế, số cây cần phải chuyển đi không hề ít. Có cả thảy 49 cây cao su, 130 cây tầm vông, 11 cây tre, chín cây tràm. Ngoài ra còn có một bàn thiên, một bể chứa nước cũng cần dời đi theo phán quyết của tòa.

Làm sao cưỡng chế cây?

Sau khi bản án trên có hiệu lực pháp luật, gia đình ông Sừa đã nhiều lần gửi đơn xin được thi hành án (THA) nhưng đều bị cơ quan THA lắc đầu với lý do “không thể làm như bản án đã tuyên”. Chấp hành viên phân trần: “Nếu đốn bỏ cây thì quá dễ nhưng đằng này tòa lại bắt chuyển cây đi. Đã gọi là “chuyển” thì phải đảm bảo cho cây sống được ở vùng đất mới, mà với số lượng cây như trên thì đâu dễ thực hiện…”.

Đáng lưu ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà TAND huyện Bến Cát tuyên án kiểu “bắt bí”. Trước đó, ngày 24-8-2006, TAND huyện này cũng đã tuyên xử tương tự khi giải quyết một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. Oái oăm là vụ việc đó cũng rơi trúng vào gia đình ông Sừa. Số là ông Sừa bị người khác lấn chiếm một mảnh đất khác để trồng cây cao su và TAND huyện Bến Cát đã buộc bị đơn phải chuyển các cây cao su “lỡ trồng” ra khỏi đất. Bà này kháng cáo và tại bản án phúc thẩm ngày 28-11-2006, TAND tỉnh Bình Dương đã giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện.

Đến nay, THA dân sự huyện Bến Cát vẫn loay hoay, lúng túng với việc thi hành hai bản án trên. Cơ quan này đã gửi nhiều văn bản đề nghị TAND tỉnh Bình Dương và TAND tối cao xem xét, giải quyết lại vụ án nhưng chưa có phản hồi.

Được biết, ngày 30-7-2008, UBND huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng đã gửi công văn kiến nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bình Dương xem xét lại vụ trường hợp thể này.

Ông Đỗ Mạnh Thủy, Trưởng Thi hành án dân sự quận 5, TP.HCM:

Án tuyên vậy làm sao thi hành!

Dời cây đâu phải việc đơn giản, nhất là với số lượng lớn như bài báo đã phản ánh. Đầu tiên, phải tính đến việc dời đi đâu, trồng lại cây trên đất nào, của ai. Giả sử như người phải thi hành án không có đất thì biết “cưỡng chế” số cây trồng ấy đi đâu? Rồi nếu muốn cây sống được sau khi dời chuyển thì cần làm thế nào v.v…

Theo tôi, tòa tuyên xử như vậy là quá cứng nhắc theo nguyên tắc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” mà không xét đến việc có thi hành được hay không. Lẽ ra tòa án phải có cách giải quyết khác hiệu quả hơn, đó là tính giá trị của số cây trồng trên đất và yêu cầu ông Sừa mua lại của người đã trồng trái phép. Cụ thể, ông Sừa có thể bồi thường cho ông T. một số tiền tương ứng và sau đó ông có thể tùy nghi xử lý số cây đã mua.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=226748

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading