admin@phapluatdansu.edu.vn

NHẬN ĐỊNH VỀ MỨC ĐỘ BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Người gửi: Nguyễn Trang Nhung,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Nhận định về mức độ bất bình đẳng giới

Nội dung các bài viết của đa số các độc giả nam cho rằng bất bình đẳng giới ở VN không có gì nghiêm trọng. Tôi nghĩ có thể đa số các anh không quan tâm và nhạy cảm về vấn đề này như chúng tôi, nên mức độ nhìn nhận có khác.
Tôi thấy cần chia sẻ với mọi người những thông tin này, để những ai trong diễn đàn này (đặc biệt là nam giới), cho rằng mình đủ khách quan khi nhìn nhận thực tế, có thêm thông tin để có cái nhìn khách quan hơn!
Các trích dẫn của tôi dưới đây đều từ các bài viết trong nước trong vòng một năm qua, đủ gần với hiện thực mà chúng ta đang sống. Hãy đọc và nhận định, bạn thấy mức độ bất bình đẳng giới ở VN thế nào.
(1). “Bất bình đẳng giới chưa có hồi kết khi mà trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình và con cái vẫn rất nặng nề; tình trạng thiếu máu diễn ra phổ biến ở bà mẹ mang thai; nạn bạo hành, phân biệt đối xử tồn tại trong mọi tầng lớp dân cư; cơ hội học tập, vay vốn làm ăn, thăng tiến, kể cả mức lương của chị em vẫn thua xa so với nam giới.” – 18/09/2005
http://www.baocongantphcm.com.vn/cuoithang/detail_news_ct.php?a=art0486&b=2
(2). “Ở Việt Nam, bạo lực gia đình không phải là mới, chế độ phụ hệ, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây những người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu là sống phụ thuộc vào chồng. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò của phụ nữ cũng thay đổi, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn lại bị chồng đánh. Theo nghiên cứu của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình.” – 26/11/2005
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/11/3B9E4789/
(3). “Nếu ai đó có dịp chứng kiến một người chồng ở miền Tây Nam Bộ nhậu say rồi trói vợ vào cột nhà đánh, mới thấu hiểu vì sao mơ ước lấy chồng ngoại, chồng Việt kiều lại có ở nhiều cô gái xứ này đến thế. Nếu nhìn cảnh những người phụ nữ ở Hà Tây dậy từ 4 giờ sáng đạp xe đạp cách 30 km về Hà Nội bán hàng rong, đến 6 giờ tối về nhà là “đâm sầm” vào bếp rơm nấu cám heo, trong lúc ông chồng đi đánh tổ tôm thì mới thấy việc các cô gái sẵn sàng chịu khổ, chịu nhục ở xứ người để lấy ít tiền cho mẹ mình đỡ bị cha đánh cũng không có gì là lạ.
Bạo lực phụ nữ – về cả thể xác và tinh thần – vẫn diễn ra một cách dai dẳng và công khai ở xã hội Việt Nam, nhất là nông thôn (điều này đã được truyền thông nhiều lần nhắc đến). Gánh nặng âu lo đặt quá lên vai phái nữ – khi mà họ quá ít sức lực (theo nghĩa đen và nghĩa bóng). Thói quen cho mình quá nhiều đặc quyền – trong lúc không tự gán cho mình những trách nhiệm tương đương – của đàn ông… ” – 25/03/2005
http://www.vnn.vn/nhandinh/2005/03/399060/
(4). “Việt Nam có đến 66% các vụ ly hôn liên quan đến bạo hành gia đình. 5% phụ nữ được hỏi thừa nhận bị chồng đánh đập thường xuyên. 82% hộ dân nông thôn và 80% hộ ở thành phố có xảy ra bạo lực. Tỷ lệ phụ nữ bị ngược đãi trong những gia đình khá giả ở mức cao,76%. (Thống kê của Viện Xã hội học, Viện KH-XH VN) ” – 25/02/2006
http://www.csaga.org/webplus/viewer.asp?pgid=3&aid=85
(5). “Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, cả tin là nguyên nhân khiến chị em phụ nữ rơi vào tay bọn buôn bán người. Nhưng nếu không quá bất hạnh, không phải sống trong địa ngục gia đình thì người phụ nữ không dễ bị dụ dỗ như vậy. Chính sự trọng nam khinh nữ, tư tưởng phân biệt giới khiến chị em bị đối xử tệ bạc, bị rẻ rúng, bị tổn thương nặng nề, do đó chị em luôn mong muốn thoát khỏi tình trạng này. Và thật dễ hiểu khi họ mù quáng tin theo người sẵn sàng chia sẻ, hứa hẹn giúp đỡ họ. Có lẽ không ai bỏ nhà ra đi khi họ được sống trong một gia đình hạnh phúc. Mặc dù hiện tượng bất bình đẳng giới đã được nói đến rất nhiều, nhưng đâu đó tình trạng này vẫn tái diễn và gây nên hậu quả nghiêm trọng, tiếp tay cho nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.” – 21/02/2006
http://www.csaga.org/webplus/viewer.print.asp?aid=63&l=VN
(6) “Nhiều bậc cha mẹ đã bộc lộ sự khát khao có con trai của họ đến mức nạo phá những bào thai bé gái hoặc có những người vợ đã lén lút cưới vợ lẽ cho chồng. Hậu quả đưa đến khá nghiêm trọng: có người chồng khi có vợ lẽ thì yêu chiều và hắt hủi vợ cả. Dường như tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn là tâm lý ăn sâu bám rễ ở mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân vùng nông thôn, những dân tộc vùng sâu vùng xa nhận thức còn thấp kém. Cũng xuất phát từ nguyện vọng muốn có con trai mà trong một cuộc điều tra xã hội học ở Hà Nội có 2/3 số người được hỏi đã nêu nguyện vọng muốn sinh con thứ ba.” – 20/12/2005
http://www.gdtd.com.vn/gdtdroot/2005-152/bai05.htm
(7). “Theo báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ở nước ta đã có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã khiến số nam giới nhiều hơn nữ giới và điều này cho thấy rằng cách nhìn nhận về người phụ nữ của chúng ta vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn. Bình đẳng nam nữ đang thực sự là một cuộc cách mạng khó khăn và lâu dài vì sự hạ thấp, khinh miệt đối với phụ nữ đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay.” – 10/03/2006
http://www.csaga.org/webplus/viewer.asp?pgid=3&aid=81
(8) “Số bé trai mới sinh là 289.126 em và bé gái là 216.585 em, tỷ số giới tính là 110,8 nam/100 nữ. Ngay từ kết quả Tổng điều tra Dân số năm 1999 cũng đã có dấu hiệu mất cân đối giới tính trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở 16 tỉnh, thành phố có tỷ suất vượt quá ngưỡng tự nhiên (106 nam/100 nữ).
Điển hình là Thái Bình: tỷ số 120 nam/100 nữ; Kon Tum: 124 nam/100 nữ; Trà Vinh: 124 nam/100 nữ; Kiên Giang: 125 nam/100 nữ, An Giang: 128 nam/100 nữ; Sóc Trăng: 124 nam/100 nữ… ” – 01/10/2005
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/10/495547/
(9). “Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) khẳng định, hiện tượng sản phụ sinh bé trai nhiều hơn sinh bé gái là có thật. Số liệu ghi chép tại bệnh viện này cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2005, có 33.223 trẻ ra đời. Trong đó, có 17.410 (chiếm 52,4%) trẻ trai và 15.813 trẻ gái (chiếm 47,6%). Tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM), từ đầu năm đến nay có 19.921 trẻ sơ sinh ra đời. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo nhận định của lãnh đạo bệnh viện này thì hiện tượng bé gái ít hơn bé trai là có thật. ” – 26/10/2005
http://ngoisao.net/News/Thoi-cuoc/2005/10/3B9B3E7F/
Và, khi VN đứng thứ 89/143 trong cuộc điều tra về chỉ số phát triển giới, khi VN còn 70% dân số làm nông nghiệp, với mặt bằng dân trí thấp, có thể kết luận về tình trạng bất bình đẳng là phổ biến. Mức độ ư? Tuỳ bạn nghĩ!
Có lẽ, những người như anh Hoàng Vinh Danh CHỈ nhìn thấy những điển hình tốt đẹp nhất của những bạn bè xung quanh anh, những người như anh Hung CHỈ nhìn thấy hiện thực đẹp đẽ từ TP HCM văn minh nhất của đất nước, những người như Anh Tú CHỈ thấy thế hệ của các em trong lòng thành phố nơi em sống, chưa thấy được thế hệ cùng lứa của các em ở các vùng miền khác của Tổ quốc. Tống cộng các trường hợp điển hình đó chiếm bao nhiêu trong tổng số 82 triệu dân Việt Nam?
Cuối cùng, những người như chị Lê Thanh , chị Minh Nguyệt , chị Bui Thu , chị Hoàng Thụy Miên ,… và tất nhiên, cả tôi nữa, sẽ tiếp tục nói tiếng nói về hiện thực bất bình đẳng ấy, và đấu tranh để tới gần cái đích của “Sự Bình Đẳng”.

SOURCE: VNEXPRESS.NET

Trích dẫn từ: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Nhan-dinh-ve-muc-do-bat-binh-dang-gioi/10949396/478/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading