admin@phapluatdansu.edu.vn

LUẬT TỤC VỚI THI HÀNH PHÁP LUẬT

NGUYỄN CHÍ DŨNG

Thực hiện chương trình sinh hoạt khoa học năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã phối hợp với Khoa Luật học, trường Đại học Đà Lạt tiến hành một Hội thảo về chủ đề “Luật tục với thi hành pháp luật” tại trường Đại học Đà Lạt ngày 23/4/2005. Tham gia Hội thảo có các nhà nghiên cứu luật học, xã hội học, dân tộc học, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại diện một số cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước, một số già làng và sinh viên luật. Hội thảo trao đổi về kết quả nghiên cứu, khảo sát của Đại học Luật Đà Lạt tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng về quan hệ giữa luật tục với pháp luật, vai trò của luật tục trong quản lý địa phương

I. Đặt vấn đề

Khái niệm Luật tục đề cập trong Hội thảo này bao gồm các quy định thành văn hay bất thành văn của những cộng đồng dân cư, tồn tại trên cơ sở truyền thống, tập tục, tục lệ, quy ước và được thừa nhận, duy trì trên cơ sở uy tín cộng đồng hoặc chức sắc cộng đồng.

Quản lý nhà nước bằng pháp luật không loại trừ sự tồn tại của luật tục. Nhà nước pháp quyền thừa nhận vai trò tích cực của xã hội; trong đó có những yếu tố tổ chức, tự quản tốt đẹp của luật tục. Trong thảo luận tại Quốc hội và HĐND trong vài năm gần đây nổi lên nhiều quan tâm về khả năng thực thi pháp luật, trong đó có yếu tố cần được xem xét đến là vai trò của luật tục đối với thi hành pháp luật.

Khởi đầu hội thảo, một số câu hỏi được nêu lên: trong thực thi pháp luật, luật tục đóng vai trò như thế nào? Đâu là yếu tố hỗ trợ thi hành, có hay không những yếu tố cản trở thi hành hoặc tạo ra ngoại lệ? Trong đó ngoại lệ nào được pháp luật chấp nhận? (một số nhà nghiên cứu dùng khái niệm “sự nhượng bộ của nhà nước”), ngoại lệ nào không? và số phận của ngoại lệ này trên thực tế? Sự chấp nhận của pháp luật đối với luật tục thường theo hình thức nào? Bằng cách quy định vào luật hay tại các hướng dẫn thi hành, hay qua vận dụng thực tế? Trong quản lý địa phương, có một câu hỏi đặt ra là: các cơ quan chính quyền địa phương nên ứng xử như thế nào đối với vai trò luật tục trong tự quản cộng đồng?

Đã có nhiều khảo cứu ở Việt Nam về luật tục, hương ước, cả ở góc độ chung lẫn theo từng nhóm dân tộc. Hội thảo này nghiên cứu vai trò và vị trí của luật tục trong tổ chức, thi hành pháp luật ở Việt Nam qua những bài viết, khảo cứu ở một số nhóm dân tộc và hình thành quan điểm ban đầu trả lời những câu hỏi trên đây và đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu tiếp tục, kết hợp kết quả nghiên cứu văn hoá về luật tục với nghiên cứu pháp luật về luật tục.

Ban tổ chức hội thảo thống nhất nhận thức rằng những nghiên cứu và kết quả nghiên cứu luật tục với thi hành pháp luật cần dựa trên những nghiên cứu dày công của các nhà văn hoá, dân tộc học và khoa học xã hội nói chung.

II. Nghiên cứu văn hoá về luật tục

Theo Từ điển Luật học, luật tục là tập tục, phong tục tập quán của một cộng đồng, được hình thành tự phát và được các thành viên trong cộng đồng chấp nhận, tuân theo trong quan hệ với nhau. Luật tục thể hiện bao quát, phong phú các mối quan hệ xã hội truyền thống, ít thay đổi và hiện nay vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, kể cả ở nhiều nước phát triển. ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng luật tục về căn bản đã nhường bước cho luật thành văn, tuy nhiên, những phong tục, tập quán tốt đẹp vẫn được duy trì, vận dụng phù hợp với xã hội mới.

PGS, TS. Ngô Đức Thịnh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian) sau nhiều năm nghiên cứu về luật tục đã khái quát về luật tục như sau: “Luật tục là một hình thức của tri thức bản địa, được hình thành trong lịch sử lâu dài qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này qua đời khác bằng trí nhớ qua thực hành sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn quan hệ xã hội, quan hệ con người với thiên nhiên. Những chuẩn mực ấy của cả cộng đồng thừa nhận và thực hiện, nhờ đó đã tạo ra sự thống nhất và cân bằng trong mỗi cộng đồng. Luật tục như hình thức phát triển của phong tục, tục lệ và là những hình thức sơ khai của luật pháp”[1].

Cũng theo nghiên cứu của TS. Ngô Đức Thịnh, luật tục có những đặc điểm và giá trị sau đây:

Đặc điểm

1) Luật tục là hình thức phát triển cao nhất của phong tục tập quán. Bản chất nguyên thủy của luật tục ra đời chứa đựng các quy tắc xử sự chung trong phạm vi cộng đồng và có tính bắt buộc thực hiện thông qua sự tự giác, tự nguyện của mỗi thành viên trong cộng đồng.

2) Luật tục chứa đựng những bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi tộc người. Luật tục ra đời, biến đổi và quy định những hành vi của từng cá nhân trong cộng đồng phù hợp hoàn cảnh xã hội.

3) Luật tục có phương pháp xử lý rất linh hoạt, đôi khi, trong một trường hợp nhưng có nhiều cách xử sự khác nhau. Ngay như hương ước cũng có sự thay đổi nhất định.

Giá trị xã hội của luật tục

Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của pháp luật càng lớn, càng tạo tiền đề cho nó chuyển dần sang sự thực hiện mang tính tự quản. Luật tục, ở một phạm vi nhất định cũng có vai trò, giá trị xã hội quan trọng như pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, duy trì và đảm bảo trật tự cộng đồng.

Ngoài luật của nhà nước, cá nhân trong một cộng đồng còn chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm xã hội khác như đạo đức, tín ngưỡng. Nói một cách khác, pháp luật không thể giải quyết mọi vấn đề, không thể dùng pháp luật tác động đến mọi quan hệ xã hội. Các thiết chế ngoài pháp luật trong đó có luật tục vừa chịu ảnh hưởng nhất định của pháp luật và cũng tác động ngược lại pháp luật. Trong thực tế, ở nhiều nước, một số phần của luật tục được kết hợp với pháp luật của nhà nước.

Luật tục ra đời trước pháp luật như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống và được thực hiện một cách tự nguyện. Kể cả khi pháp luật mất đi thì nó vẫn tồn tại, pháp luật chỉ có thể thay thế một phần chứ không thay thế được tất cả các quan hệ xã hội. Hơn nữa, các thói quen xã hội do luật tục tạo nên có ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức pháp luật, thực hiện pháp luật, thậm chí với sự ràng buộc mạnh hơn.

Nắm vững luật tục để thực thi hiệu quả pháp luật là mục tiêu hướng tới của các nhà lập pháp, quản lý, tư pháp và toàn thể xã hội.

II. Kết quả thảo luận

Tham luận

Hội thảo đã nghe 8 báo cáo tham luận và thảo luận về các vấn đề: Khái niệm, khái luận về luật tục; vị trí và vai trò của Luật tục trong mối quan hệ với pháp luật, quản lý xã hội vĩ mô và vi mô; sự hình thành và vai trò của luật tục trong sinh hoạt và quản lý cộng đồng của một số dân tộc ít người: K’ hor, Chăm, một số dân tộc ở Tây nguyên; vận dụng tục lệ trong xét xử; vai trò của hoà giải qua cơ chế luật tục trong giải quyết tranh chấp và quản lý cộng đồng ở một số cộng đồng dân tộc ít người; sự cần thiết của nghiên cứu luật tục để tiếp thu bổ sung, hoàn thiện các dự án lập pháp, lập quy để tăng cường tính khả thi của pháp luật; về việc xây dựng và thực hiện giảng dạy luật tục ở Đại học Đà Lạt.

Những điểm thống nhất

Trong một ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, với nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận, bình luận, Hội thảo đã thống nhất những kết luận và đề xuất các giải pháp, hướng nghiên cứu tiếp tục sau đây liên quan tới chủ đề Hội thảo:

1) Khái niệm

Có nhiều nghiên cứu xã hội học, dân tộc học, văn hoá, luật học hoặc đa ngành về phong tục, tập quán, thần linh, tín ngưỡng, về cách tổ chức và quản lý cộng đồng dân cư có cấu kết chặt chẽ, gắn bó về văn hoá và truyền thống. Những kết quả nghiên cứu này đưa ra những định nghĩa chuyên biệt về những đối tượng nghiên cứu trên đây và khái quát trong khái niệm “luật tục”, hoặc sử dụng tương đương với khái niệm “luật tục” là đối tượng của một chuyên ngành nghiên cứu luật học ở nhiều nước phát triển. Những thuật ngữ tương đương hoặc gần nghĩa với luật tục thường được nhắc đến là luật không thành văn, luật dân gian, luật của dân bản địa (indigenous law), luật sơ khởi (primitive law), luật bộ lạc (tribal law), luật truyền thống (traditional law), luật tồn tại trong dân gian (living law)…

Hội thảo này thừa nhận những thành tựu nghiên cứu trên đây, và xuất phát từ đó để xem xét và đánh giá vai trò của “luật tục” với thi hành pháp luật và quản trị địa phương; coi đối tượng nghiên cứu này như là một bộ phận những quy phạm điều chỉnh hành vi của những cộng đồng dân cư có tính kết cấu chặt chẽ thông qua các yếu tố văn hoá, truyền thống, bản sắc, sắc tộc, lòng tin, địa lý. Những quy phạm này có thể dưới dạng thành văn hay không thành văn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang tính bền vững và duy trì hiệu lực qua những thiết chế tổ chức được cộng đồng mặc nhiên thừa nhận (già làng, trùm đạo, người có chức sắc tôn giáo ở một số dân tộc ít người) hoặc các chức sắc cộng đồng qua bầu cử (trưởng thôn, trưởng bản) và có giới hạn hiệu lực trong cộng đồng. Những quy phạm này không do một thiết chế nhà nước tạo lập nên, nhưng có thể được nhà nước thừa nhận thông qua hoạt động lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp.

Hội thảo cũng đề cập tới Hương ước (cũ và mới) như đối tượng luật tục với những thay đổi về tổ chức và cấu kết của cộng đồng dân cư phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ, cũng như tình trạng biến dạng tới mức “đồng phục hoá” của Hương ước mới. Cũng có ý kiến ban đầu cho rằng “luật tục” dường như không phải là phương cách quản lý thích hợp của cộng đồng không có tính cấu kết xã hội chặt chẽ, ví dụ ở đô thị.

2) Một số nhận thức sau hội thảo

a. Sự khác biệt giữa luật tục và luật pháp: Hội thảo thừa nhận rằng luật tục tồn tại trước pháp luật, do đó sự khác biệt giữa luật tục với pháp luật là đương nhiên. Vấn đề là Nhà nước nên có thái độ như thế nào đối với sự khác biệt này. Đơn cử đối với sự khác biệt về độ tuổi kết hôn trong luật tục Chăm và độ tuổi quy định bởi Luật Hôn nhân và gia đình, hiện nay chưa có cách ứng xử thống nhất, dẫn đến những hậu quả pháp lý khác liên quan tới quyền và nghĩa vụ. Trong khi phân tích sự khác biệt, nên có quan điểm khách quan và phát triển, không nên kết luận về tính tích cực hay lạc hậu của một tập tục của một sắc tộc trên quan điểm của một sắc tộc khác.

b. Luật tục có vai trò bổ sung cho pháp luật và thiết chế nhà nước, hệ thống chính trị ở những cộng đồng dân cư có tính cấu kết chặt chẽ bởi phong tục, truyền thống, văn hoá bản địa. Không thể máy móc nghĩ đến việc pháp điển hoá luật tục chung cho mọi cộng đồng dân cư hoặc “đồng phục hoá” hương ước, thay vì đó, nên nghiên cứu phát huy bản chất tốt đẹp của luật tục để đa dạng hoá các quy phạm điều hành xã hội; nắm vững luật tục để thực thi tốt pháp luật.

c. Trong lập pháp, lập quy: Để pháp luật thi hành nghiêm chỉnh và hiệu quả, trong lập pháp và lập quy cần tính đến tính đặc thù của luật tục trong những nhóm dân cư là đối tượng điều chỉnh, thừa nhận những yếu tố tích cực của luật tục để tổ chức thi hành luật hiệu quả tại cộng đồng dân cư, ví dụ nghiên cứu về pháp luật hôn nhân, gia đình, dân số, bình đẳng giới, quản lý và sử dụng đất đai, đất rừng thích hợp với đặc thù của cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số. Muốn thế, cần tính đến luật tục và các yếu tố đặc thù này trong giai đoạn phân tích chính sách, phân tích tác động của quy phạm dựa trên những kết quả nghiên cứu dân tộc học, văn hoá, nhân văn kết hợp điều tra tác động thực tế sau ban hành pháp luật.

d. Gạn đục khơi trong qua thuyết phục: Trong điều kiện hoàn cảnh thay đổi, trên quan điểm khách quan, phát triển, cần nhận diện những yếu tố tích cực của luật tục để tiếp thu và phát huy, đồng thời thông qua vận động giáo dục để loại bỏ hủ tục.

đ. Tăng cường sự tham gia của nhân dân ở bình diện cộng đồng dân cư để góp ý vào xây dựng pháp luật, pháp quy địa phương.

e. Phát huy cơ chế luật tục để quản lý cộng đồng: Liên quan tới thực hành dân chủ ở cơ sở, xây dựng tự quản cộng đồng, cần phát huy các quy định và cơ chế sẵn có và hiệu quả của luật tục, hương ước, vai trò già làng, trưởng bản; tránh hành chính hoá, áp đặt của nhà nước đối với các thiết chế luật tục này.

f. Tăng cường năng lực nghiên cứu luật tục và quản lý xã hội: Cần nghiên cứu luật tục để bổ sung cho pháp luậtC, tăng cường khả năng thi hành của pháp luật và góp phần vào quản lý cộng đồng dân cư ở cơ sở một cách hiệu quả, đóng góp thiết thực cho tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở cơ sở. Vì thế cần tập hợp nghiên cứu luật tục các dân tộc, nghiên cứu và định vị những khả năng, lĩnh vực mà nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà lập chính sách và cộng đồng các dân tộc cộng tác với nhau hài hoà. Nhà nước cần khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng tri thức về luật tục trong quản lý xã hội; trong đó có nghiên cứu hàn lâm kết hợp với ứng dụng thực nghiệm, xây dựng và tổng kết mô hình.

Trong xét xử, thi hành án, đền bù (hành chính), cần nghiên cứu sâu hơn để có thể có cách thức thích hợp vận hành luật tục có chọn lọc, hỗ trợ cho việc thi hành pháp luật một cách hiệu quả – đó cũng chính là việc góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

3. Cách tiếp cận nghiên cứu tiếp tục:

Với sự thống nhất cao rằng luật tục đóng một vai trò không thể phủ nhận trong quản lý xã hội hiện đại, trong đó bao gồm quản lý vĩ mô (lập pháp, hành pháp, tư pháp, ban hành chính sách, pháp quy trong hệ thống pháp luật quốc gia, hệ thống chính trị), và quản lý địa phương (đặc biệt tại cộng đồng dân cư), vì vậy cần đầu tư nghiên cứu lý luận và thực tiễn, kết hợp kết quả nghiên cứu cơ bản đa ngành, đa lĩnh vực về luật tục để áp dụng trong lý luận và thực tiễn nghiên cứu quản lý nhà nước. Những nghiên cứu này cần nhằm làm sáng tỏ những giá trị sau đây:

a. Giá trị bền vững và hiệu quả của luật tục trong quản lý cộng đồng ở cơ sở, biểu hiện qua hoà giải và giải quyết tranh chấp bằng luật tục.

b. Ý nghĩa tích cực của việc thừa nhận và áp dụng luật tục trong quản lý xã hội và nhận biết những khác biệt của luật tục trong quan hệ với pháp luật và hoạt động của chính quyền để tìm ra hướng phát huy hoặc khắc phục.

c. Khai thác giá trị nói ở điểm a để nêu sự cần thiết tính đến tập tục, phong tục, tập quán sinh sống và tổ chức đời sống văn hoá, kinh tế khi nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm mục đích đưa đời sống vào pháp luật để pháp luật đi vào cuộc sống và được chấp hành nghiêm chỉnh.

d. Khai thác và phát huy giá trị của luật tục trong tự quản cộng đồng, xây dựng một xã hội công dân tăng cường sự tham gia của các thành viên vào quản lý xã hội. /.

————————————————————————————–

[1] Định nghĩa của GS Ngô Đức Thịnh (1999), trích trong Vai trò của luật tục vùng cao trong công tác giao đất, khoán rừng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, PGS. TS, Hoàng Xuân Tý, (Kỷ yếu hội thảo Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam), Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2000.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 52, THÁNG 5/2005

TRÍCH DẪN TỪ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/luat-tuc-voi-thi-hanh-phap-luat-1

One Response

  1. Cháu đã đọc các bài tham luận trong hội thảo này. Bây giờ đọc lại bài viết của bác thật hay, xúc tích. Bài viết của bác đã làm nổi bật lên những vấn đề mấu chốt mà các nhà khoa học đã thảo luận khi đó. Kính chúc bác và gia đình mạnh khoẻ, công tác tốt.
    Cháu Hùng – Đại học Đà Lạt.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading