admin@phapluatdansu.edu.vn

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA WTO

Theo các quy định tại Ðiều IV của Hiệp định thành lập WTO, có thể mô tả WTO gồm các cấp độ quyền lực như sau: Hội nghị Bộ trưởng; Ðại hội đồng; Các tiểu ban.

1. Hội nghị bộ trưởng:

Hội nghị bộ trưởng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên của WTO. Cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ trưởng – HNBT (Ministerial Conference), họp ít nhất là hai năm một lần. Hội nghị bộ trưởng sẽ thực thi các chức năng của WTO và thực hiện những hành động cần thiết để thực thi các chức năng này. Khi một thành viên nào đó yêu cầu, Hội nghị bộ trưởng cũng có quyền đưa ra những quyết định về tất cả các vấn đề thuộc các hiệp định đa biên, theo trình tự ra quyết định được quy định tại Hiệp định thành lập WO và các hiệp định đa biên.

Tính đến thời điểm 12/2005, WTO đã tổ chức được 6 kỳ hội nghị bộ trưởng

– HNBT lần đầu tiên họp ở Singapore tháng 12/1996 lập thêm 3 nhóm làm việc về quan hệ thương mại và đầu tư, quan hệ thương mại và cạnh tranh, và tính minh bạch trong mua sắm của Chính phủ.

– HNBT lần hai họp tháng 5/1998 ở Geneva đã quyết định WTO phải nghiên cứu thêm về thương mại điện tử.

– HNBT lần ba được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 đến 03 tháng 12 năm 1999 tại Seattle, Mĩ

– HNBT lần tư tại Doha được tổ chức từ ngày 9 đến 13 tháng 11 năm 2001.

– HNBT lần năm được tổ chức từ ngày 10 đến 14 tháng 09 năm 2003 tại Cancun, Mexico.

– HNBT lần thứ 6 tại Hongkong, tháng 12/2005.

2. Đại Hội đồng

Ðại hội đồng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, sẽ họp khi cần thiết. Trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị bộ trưởng thì chức năng của Hội nghị bộ trưởng sẽ do Ðại hội đồng đảm nhiệm. Như vậy, có thể hiểu Ðại hội đồng là cơ quan quyết định tối cao của WTO trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị bộ trưởng.

Khi cần thiết, Ðại hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm phần trách nhiệm của Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Khi cần thiết, Ðại hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm phần trách nhiệm của Cơ quan rà soát chính sách thương mại.

Như vậy, các hoạt động hàng ngày trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội nghị bộ trưởng thuộc trách nhiệm giải quyết của 3 cơ quan:

– Ðại hội đồng;

– Cơ quan giải quyết tranh chấp;

– Cơ quan rà soát chính sách thương mại.

Nhưng theo như quy định của WTO, thực chất, cả 3 cơ quan này chỉ là một. Tức là tuỳ theo từng trường hợp cụ thể:

+ Ðại hội đồng nhóm họp với các chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan giải quyết tranh chấp hay là của Cơ quan rà soát chính sách thương mại.

+ Cơ quan giải quyết tranh chấp giám sát việc thực thi các thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các thành viên (quy định tại Thoả thuận về những quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp).

+ Cơ quan rà soát chính sách thương mại tiến hành việc phân tích các chính sách thương mại của các nước thành viên (quy định tại Cơ chế rà soát chính sách thương mại).

Giữa hai kỳ Hội nghị Bộ trưởng, các công việc được điều hành bởi Đại Hội đồng, gồm các đại sứ hay trưởng phái đoàn của tất cả các nước thành viên tại Geneva, mỗi năm họp một vài lần tại Geneva.

Đại Hội đồng còn có vai trò là Cơ quan giám sát chính sách thương mại và Cơ quan giải quyết tranh chấp. Đại hội đồng hành động nhân danh HNBT và chịu trách nhiệm trước HNBT.

3. Hội đồng các cấp

Cấp thứ ba là các Hội đồng về nhiều lĩnh vực khác nhau

– Thương mại hàng hóa (Goods Council),

– Hội đồng về Thương mại dịch vụ (Servives Council),

– Hội đồng về Những Vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ (TRIPS Council)

– Các Hội đồng này chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng. Như tên gọi của mình, các Hội đồng này làm việc trên các Hiệp định của các lĩnh vực này. Các hội đồng này cũng bao gồm các thành viên của WTO.

Ngoài ra, còn có 6 Ủy ban chuyên trách hay nhóm làm việc liên quan đến từng hiệp định hay lĩnh vực riêng lẻ như Thương mại và Phát triển; theo dõi các hoạt động hạn chế thương mại được tiến hành nhằm cân đối các mục đích chi trả; theo dõi các hiệp định thương mại trong khu vực; hợp tác trong môi trường đầu tư; và công tác tài chính cũng như quản trị của WTO. Hội nghị Bộ trưởng năm 1996 tại Singapore quyết định thành lập thêm các nhóm hoạt động mới theo dõi các chính sách đầu tư và cạnh tranh, tính minh bạch trong việc mua sắm của chính phủ và các điều kiện thuận lợi cho thương mại. Những hội đồng, ủy ban hay nhóm này cũng bao gồm đại diện của tất cả các thành viên và chịu trách nhiệm trước Đại Hội đồng.

4 Các tiểu ban

Cấp thứ tư là các Tiểu ban trực thuộc Đại Hội đồng và các Hội đồng. Các Tiểu ban này chịu trách nhiệm điều hành việc thực thi Hiệp định WTO về từng lĩnh vực thương mại tương đương. Tham gia các Hội đồng là đại diện của các thành viên.

Hội đồng Hàng hóa có 11 Tiểu ban điều hành các công vịệc chuyên biệt (như nông nghiệp, tiếp cận thị trường, các biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp…) Ngoài ra, Hội đồng Hàng hóa còn có Cơ quan giám sát hàng dệt bao gồm 1 Chủ tịch, 10 thành viên và các nhóm chuyên biệt khác phụ trách các thông báo, các công ty thương mại quốc gia.

Hội đồng Dịch vụ gồm có các Tiểu ban về dịch vụ tài chính, các tiểu ban về các cam kết cụ thể.

Cơ quan Giải quyết tranh chấp của Đại hội đồng có hai Tiểu ban là các hội đồng chuyên gia được chỉ định giải quyết tranh chấp và cơ quan xét xử kháng cáo.

Ban thư ký của WTO:

Ban thư ký của WTO đặt tại Geneva. Ban thư ký có khoảng 550 nhân viên. Nhân viên của Ban thư ký do Ban thư ký tuyển dụng qua thi tuyển. Ðiều kiện trước tiên là phải thông thạo 3 ngoại ngữ là ngôn ngữ chính thức của WTO gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

Ðứng đầu Ban thư ký là Tổng giám đốc. Tổng giám đốc của WTO do Hội nghị bộ trưởng bổ nhiệm, quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, điều kiện phục vụ và thời hạn phục vụ của Tổng giám đốc. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 4 năm.Tổng giám đốc sẽ bổ nhiệm các thành viên của Ban thư ký. Dưới Tổng giám đốc là các Phó tổng giám đốc. Các vụ chức năng của Ban thư ký trực thuộc Tổng giám đốc hoặc một Phó tổng giám đốc.

+ Ban thư ký có nhiệm vụ:

– Trợ giúp về mặt hành chính và kỹ thuật cho các cơ quan chức năng của WTO (các hội đồng, các uỷ ban, …) trong việc đàm phán và thực thi các hiệp định;

– Trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển;

– Thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng thương mại thế giới;

– Hỗ trợ các quá trình giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại;

– Tiếp xúc và hỗ trợ các nước thành viên mới trong quá trình đàm phán gia nhập; tư vấn cho các chính phủ muốn trở thành thành viên của WTO;

Phần lớn các quyết định của WTO đều được thông qua trên cơ sở đồng thuận. Trong một số trường hợp nhất định, khi không đạt được sự đồng thuận, các thành viên có thể tiến hành bỏ phiếu. Khác với nhiều tổ chức khác, mỗi thành viên WTO chỉ có quyền bỏ một phiếu và các phiếu bầu của các thành viên có giá trị ngang nhau.

Hầu hết các thành viên hiện tại của WTO đều là thành viên trước đây của GATT. Các quốc gia và lãnh thổ tự chủ về chính sách thương mại cũng có thể gia nhập WTO với điều kiện thông thường là được tất cả thành viên chấp thuận. Khi không thể đạt được đồng thuận, việc kết nạp có thể chỉ cần 2/3 số phiếu bầu. Quá trình gia nhập được dựa trên cơ sở xem xét các chính sách kinh tế, thương mại của nước đang xin gia nhập và các cuộc đàm phán song phương về mở cửa thị trường. Việc gia nhập của một nước được chính thức hóa bằng việc ký vào Nghị định thư gia nhập, và có hiệu lực 30 ngày sau khi nộp văn bản thông báo việc cơ quan có thẩm quyền đã thông qua hay phê chuẩn Nghị định thư gia nhập.

Các hội đồng:

Các hội đồng trực thuộc Ðại hội đồng, hoạt động theo sự chỉ đạo chung của Ðại hội đồng. Các hội đồng cũng bao gồm đại diện của tất cả các thành viên của WTO. Ðại hội đồng có các hội đồng sau:

– Hội đồng thương mại hàng hoá

– Hội đồng thương mại dịch vụ

– Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ

Chức năng của các hội đồng là giám sát việc thực hiện các hiệp định liên quan đến lĩnh vực của mình. Các hội đồng sẽ nhóm họp khi cần thiết. Các hội đồng này thành lập ra các cơ quan cấp dưới theo yêu cầu.

Các uỷ ban:

Hội nghị bộ trưởng thành lập ra các uỷ ban. Các uỷ ban cũng bao gồm các đại diện của tất cả các thành viên của WTO. Các uỷ ban này đảm nhiệm các chức năng được quy định trong các hiệp định của WTO hoặc các chức năng do Ðại hội đồng giao cho.

Tuy cũng trực thuộc Ðại hội đồng nhưng thẩm quyền hoạt động của các uỷ ban hẹp hơn so với các hội đồng. Ðại hội đồng có các uỷ ban sau:

– Uỷ ban về thương mại và môi trường;

– Uỷ ban về thương mại và phát triển;

– Uỷ ban về hiệp định thương mại khu vực;

– Uỷ ban về các hạn chế nhằm cân bằng cán cân thanh toán quốc tế;

– Uỷ ban về ngân sách, tài chính và quản trị;

Các nhóm công tác:

Các nhóm công tác cũng trực thuộc Ðại hội đồng nhưng cấp độ nhỏ hơn và hẹp hơn so với các uỷ ban. Ðại hội đồng có nhóm công tác sau:

– Nhóm công tác về gia nhập tổ chức;

– Nhóm công tác về quan hệ giữa thương mại và đầu tư;

– Nhóm công tác về tác động qua lại giữa thương mại và chính sách cạnh tranh;

– Nhóm công tác về minh bạch trong chi tiêu chính phủ;

– Nhóm công tác về thương mại, nợ và tài chính;

– Nhóm công tác về thương mại và chuyển giao công nghệ.

SOURCE: http://wto.dddn.com.vn/Web/ContentDetail.aspx?distid=83&lang=vi-VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading