admin@phapluatdansu.edu.vn

HỢP ĐỒNG GIAO KẾT BẰNG ĐÔ LA CÓ THỂ BỊ XÁC ĐỊNH LÀ VÔ HIỆU

NGUYỄN XUÂN ĐANG – Phòng quản lý Vốn liên doanh – Cổ phần/ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Trong thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại thỏa thuận giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ giữa các công ty, cá nhân với nhau được ký kết. Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên có tranh chấp và yêu cầu tòa án can thiệp thì hậu quả pháp lý của hợp đồng khi vi phạm quy định về tiền tệ được các tòa án Việt Nam giải quyết như thế nào?

Chúng ta sẽ xem xét cụ thể vấn đề này qua hai thực tiễn pháp lý sau.

Vụ việc thứ nhất – Đòi nợ ngoại tệ

Vợ chồng ông Huỳnh Thanh Phương và bà Nguyễn Thị Tâm có giao kết hợp đồng vay bà Nguyễn Sen Lee 5.000 đô la, mới trả được 17.300.000 đồng tiền lãi. Trong quá trình thực hiện hợp đồng tranh chấp phát sinh và đưa ra giải quyết xử tại tòa án.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 8-4-1999 Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Kiên Giang đã buộc vợ chồng ông Phương phải trả bà Lee 52.225.000 đồng (cụ thể 5.000 đô la quy đổi bằng 69.525.000 đồng, trừ 17.300.000 đồng tiền lãi đã trả, còn lại 52.225.000 đồng).

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 331/DSPT ngày 29-11-2000, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tại TPHCM đã quyết định: Hủy hợp đồng vay tài sản bằng ngoại tệ giữa bà Nguyễn Sen Lee với ông Huỳnh Thanh Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, vì hợp đồng này bị vô hiệu do vi phạm điều cấm.

Tại Quyết định 25/2003/HĐTP-DS ngày 25-8-2003 của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TANDTC xác định giao dịch giữa hai bên thuộc quan hệ cho mượn ngoại tệ. Giao dịch cho vay ngoại tệ giữa hai bên vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối do đó giao dịch nói trên vô hiệu.

Kết luận cuối cùng của các tòa án: Hợp đồng vay tài sản bằng ngoại tệ sẽ bị tuyên vô hiệu.

Vụ việc thứ hai – Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thanh toán bằng ngoại tệ

Ngày 30-11-1998, Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao ký hợp đồng kinh tế số 27/98/HĐKT – LAB bán cho bà Đoàn Thị Huế một hệ thống tráng rọi ảnh màu điện tử Konica Nice Print System Model 878-SQA, đồng bộ mới 100% với giá 88.000 đô la Mỹ. Nhưng với phương thức thanh toán thỏa thuận trong hợp đồng là: Hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển TPHCM hoặc bằng đồng Việt Nam quy ngang đô la Mỹ tại văn phòng Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao ở 74 Nguyễn Văn Trỗi theo tỷ giá bán của ngân hàng vào ngày thanh toán. Thực tế phiếu xuất kho máy cho bà Huế và các phiếu thu tiền của bà Huế đều thể hiện thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Năm 2000, hai bên có tranh chấp và yêu cầu tòa án can thiệp.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 617/DSST ngày 24-4-2000, TAND TPHCM quyết định: Chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao, buộc bà Huế phải thanh toán cho Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao số tiền nợ đến hạn phải trả tổng cộng 20.879,13 đô la ngay khi án có hiệu lực pháp luật theo tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm thanh toán.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 392/DSPT ngày 27-12-2000, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM quyết định sửa án sơ thẩm tuyên xử:Tuyên bố hợp đồng kinh tế số 27/98 ngày 30-11-1998 được ký giữa Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao do bà Thái Thị Cúc Lan làm giám đốc đại diện với bà Đoàn Thị Huế là hợp đồng vô hiệu. Buộc các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tại Quyết định 26/2003/HĐTP-DS ngày 25-8-2003 của HĐTP TANDTC  xác định: Quyết định số 13/UBTP-DS ngày 9-9-2002 của Ủy ban Thẩm phán TANDTC buộc bà Huế thanh toán cho Công ty TNHH Thương mại Ngôi Sao số tiền mua máy còn thiếu là 760.389.120 đồng và số tiền lãi là 109.553.062 đồng, tổng cộng là 869.942.182 đồng là có căn cứ.

Quan điểm của tòa án là trong hợp đồng giữa hai bên thỏa thuận giao bằng đô la Mỹ, nhưng có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng đồng Việt Nam quy ngang đô la Mỹ nên không bị coi là vô hiệu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, hợp đồng kinh tế, thương mại, dân sự vi phạm quy định về tiền tệ bị coi là vô hiệu. Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (điều 128, 137 Bộ luật Dân sự 2005).

Nhưng trên thực tiễn pháp lý, quan điểm của tòa án Việt Nam là tương đối linh hoạt và hợp lý: các hợp đồng mà các bên thỏa thuận giao dịch và thanh toán đồng thời bằng ngoại tệ sẽ bị coi là vô hiệu còn hợp đồng giữa các bên thỏa thuận giao dịch bằng ngoại tệ, nhưng có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng đồng Việt Nam quy ngang ngoại tệ thì không bị coi là vô hiệu.

SOURCE:

http://vietnamese-law-consultancy.com/vietnamese/content/browse.php?action=shownews&category=&id=38&topicid=1368

2 Responses

  1. Chào hao,
    Cám ơn bạn. Tiêu đề do tác giả đặt nên tôi trung thành với quyết định của tác giả. Tuy nhiên việc sử dụng thuật ngữ “ngoại tệ” trong bài theo ý của anh tôi thấy hợp lý và phù hợp với nội dung của bài viết hơn.
    Trân trọng,

  2. chao thay!
    theo H thi nen sua 2 tu “dola” trong tieu de, thanh “ngoai te”

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading