admin@phapluatdansu.edu.vn

NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI VIỆT NAM: MẤY VẤN ĐỀ NHẬN THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP

HỒ BÁ THÂM

Mấy vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu con người Việt Nam hiện nay

Có thể nói rằng từ lâu các học giả nước ta đã chú ý nghiên cứu con người và nhất là con người Việt Nam từ nhiều góc độ, lối nhìn mà càng về sau càng toàn diện và sâu sắc hơn. Kết quả đó cũng khá khả quan như một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu nhiều mặt giúp cho độc giả có hiểu biết khá hệ thống ở tầm khoa học và triết học về con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng.

Tác giả Nguyễn Văn Huyên đã tổng quan những nghiên cứu về con người như một cấu trúc sinh học – xã hội, vai trò lao động và xã hội đối vôi con người, bản chất xã hội của con người, con người văn hóa, con người họat động, con người là chủ thể sáng tạo, phát triển toàn diện, những nhân tố tác động hình thành con người, mới, những đặc điểm và hệ thống phẩm chất, giá trị của con người Việt Nam cả về phương diện khảo cổ, dân tộc học, lịch sử…

Tác giả đã chú ý chỉ ra những hạn chế trong nghiên cứu con người Việt Nam hiện nay và nhận xét rằng những nghiên cứu này thể hiện quan niệm giản đơn, nghèo nàn trong việc tiếp cận, mang tính suy luận nhiều hơn là điều tra thực tế, thực nghiệm. Theo tôi, không chỉ có vậy, hạn chế đáng nới nhất là ít có cách đặt vấn đề xây dựng một chuyên ngành khoa học chung về con người, ít có công trình liên ngành, cho nên vẫn tồn tại một cách nhìn tản mạn, chia cắt, thiếu sự liên kết hệ thông khoa học về con người như một khoa học tương đối độc lập.

Chính cách đặt vấn đề về triển vọng của chuyên ngành khoa học mới về con người (như chúng tôi có dịp đề cập) và sự xuất hiện Viện Nghiên cứu con người đã mang lại khả năng khắc phục những hạn chế trên đây. Điều này, có nghĩa là việc nghiên cứu con người Việt Nam phải được đặt trong một hệ thống khoa học liên ngành duy nhất – quy về một mối với cái nhìn toàn diện, toàn cục, tổng thể. Phương pháp luận khoa học chuyên ngành và liên ngành, tổng hợp, đã có sự kết dính hệ thống chỉnh thể. Có như thế mới tránh được "cha chung không ai khóc", "thấy cây mà không thấy rừng" (và thấy rừng mà không thấy cây), tránh được sai lầm "sờ voi" của các thầy bói mù.

Nghiên cứu thêm một số tư liệu khác khi nghiên cứu về con người Việt Nam ở góc nhìn tâm lý dân tộc hay ở góc nhìn văn hoá truyền thống thì thấy rằng chúng ta vẫn còn những hạn chế cụ thể bộc lộ một phương pháp nghiên cứu hoặc cách nhìn, quan niệm chưa hoàn toàn biện chứng và toàn diện.

Chẳng hạn, có nghiên cứu đã chỉ ra được một số giá trị tinh thần của người Việt, dù rằng kết quả có mặt sâu sắc, có mặt còn hạn chế, nhưng lại không chú ý hay không nghiên cứu các mặt thể chất người Việt, sinh thể người Việt, hoặc nghiên cứu mặt xã hội (tuyệt đối mặt xã hội) mà không nghiên cứu mặt tự nhiên, sinh . học và ngược lại (một số nghiên cứu trong ngành y học hoặc thể dục thể chất).

Một thời chúng ta phê phán quan niệm tuyệt đối hoá nghiên cứu mặt tự nhiên của con người lại chuyển sang cực đoan khác là chỉ nhấn mạnh mặt bản chất xã hội, tổng hoà các quan hệ xã hội. Nghiên cứu con người Việt Nam chỉ nghiên cứu mặt tinh thần mà ít nghiên cứu mặt thể chất. Hoặc nghiên cứu mặt đạo đức mà không nghiên cứu mặt trí tuệ, mặt duy lý, nghiên cứu mặt duy lý không chú ý mặt tình cảm, mặt ý thức và đặc biệt là quên nghiên cứu mặt vô thức, trực giác, tâm linh, thậm chí còn phủ nhận nó. Chúng ta đã có những công trình về đạo đức của con người Việt Nam nhưng thiếu công trình khoa học về tư duy, trí tuệ, nhất là về mặt tâm linh của con người Việt Nam. Những công trình về văn hoá tâm linh, hay có chiều sâu tâm linh, rất hiếm và chưa được đánh giá. Đó là chưa kể đã có lúc phủ nhận cái tâm linh, không nghiên cứu nó như một vấn đề khoa học.

Lại có xu hướng chỉ nhấn mạnh nghiên cứu con người tập thể, con người giai cấp, nghiên cứu vĩ nhân, không có chương trình nghiên cứu các tài năng, phát triển năng khiếu hoặc ít nghiên cứu con người cá nhân, coi nhẹ cá nhân, coi cá nhân là vấn đề riêng tư, nêu vấn đề chống "chủ nghĩa cá nhân" nhưng lại không phân tích rõ nội hàm của nó chủ yếu là chống chủ nghĩa vị kỷ, ích kỷ nên không ít khi coi nhẹ cá nhân, lợi ích, năng lực cá nhân. Trong thời kỳ mới, chủ nghĩa xã hội về bản chất, xét đến cùng là giải phóng cá nhân con người. Vậy mà chúng ta phê phán mật hạn chế của tính cộng đồng nhưng vẫn không mạnh dạn đề cao con người cá nhân. Hoặc khi nghiên cứu con người giai cấp, con người dân tộc, chúng ta ít nghiên cứu con người nhân loại con người tộc loại.

Hoặc nghiên cứu con người văn hoá lại coi nhẹ con người kinh tế, con người kỹ thuật, hay nghiên cứu con người kỹ thuật lại coi nhẹ con người đạo đức, con người tâm linh. Hoặc có khi lại quá đề cao vai trò của tâm linh, đạo đức tôn giáo (Phật giáo) trong não trạng người Việt. Hoặc nghiên cứu con người tách rời hoàn cảnh mà quên cái nội lực, đến di truyền, cả di truyền văn hoá và di truyền sinh học….

Hoặc chỉ nhấn mạnh con người có ý thức, nghiên cứu mặt tình cảm, mặt trí tuệ mà ít chú ý con người nhu cầu, con người lợi ích, tức các khía cạnh nhu cẩu và lợi ích của con người, mà thoát ly mặt này thì ý thức tư tưởng chỉ còn treo lơ lửng ở trên không. Khi sang thời kỳ hoà bình, phát triển kinh tế, chúng ta chú ý hơn đến nghiên cứu mặt nhu cầu, lợi ích của con người, trước hết ở mặt vật chất thì lại có biểu hiện coi nhẹ mặt tinh thần. Nghiên cứu sâu nhu cầu của con người là một trong những vấn đề có tầm triết học (chứ không chỉ ở góc độ khoa học tâm lý) và qua đó chúng ta mới biết đầy đủ hơn những động lực và khuynh hướng phát triển của con người.

Hoặc nghiên cứu con người truyền thống, đề cao giỏi bắt chước, thông minh, giỏi chế biến, tiếp biến, dung hoà nhưng lại không nghiên cứu sâu khả năng sáng tạo và mức độ sáng tạo của con người Việt Nam, đánh giá không đúng khả năng sáng tạo của người Việt Nam. Vấn đề tính sáng tạo của người Việt Nam gần đây đã có người chú ý nghiên cứu như Trần Bạch Đằng với bài viết về năng động sáng tạo ở Bình Dương, cũng có người tìm hiểu tính năng động sáng tạo nói chung của người Việt phương Nam có những nét khá sâu nhưng nhìn chung các nghiên cứu hiện nay chỉ mới điểm qua vài nét tình hình. Theo tôi, cần có chuyên đề nghiên cứu sâu về tính sáng tạo của người Việt Nam từ lịch sử đến hiện đại (chúng tôi đã có bài viết về "Vấn đề phát huy năng lực tư duy của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá" trong hội thảo khoa học về Văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá – TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2002). PGS, TS. Nguyễn Văn Huyên, trong công trình "Mấy vấn đề triết học xã hội và phát triển con người" (Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002) đã xem xét họat động sáng tạo của con người và con người sáng tạo từ các tiền đề tâm lý, xã hội, dân chủ chính trị, văn học nghệ thuật. Nhưng ở đây tác giả mới phân tích ở cấp độ con người nói chung còn ở cấp độ cụ thể con người Việt Nam với những năng lục sáng tạo của nó như thế nào thì lại chưa được phân tích thành chuyên đề.

Hoặc trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như trên diễn đàn, có nhiều lúc người ta chỉ nhấn mạnh mặt tất, ưu việt của người Việt Nam (như tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, thông minh, yêu đời) mà lờ đi, ít đề cập tới mặt yếu kém, bất cập, và tính xấu của con người Việt Nam. Chúng ta cũng đã có một số bài viết về tư duy và đổi mới tư duy, ở đó các tác giả đã nghiên cứu sâu hơn thực trạng lạc hậu, mặt hạn chế của con người Việt Nam như tư duy lý luận còn dấu ấn tiền khoa học, kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu logic chặt chẽ, ít có phát minh, sáng chế, tính tiểu nông, manh mún còn nặng… Nhưng vẫn còn rất cần nghiên cứu toàn diện và sâu hơn nữa những mặt hạn chế của con người Việt Nam trong truyền thống và hiện tại. Quả là chúng ta đang thiếu một công trình như thế. Nhưng nếu lại tuyệt đối hoá mặt xấu, yếu kém của con người Việt Nam thì thực trạng nhận thức về con người cũng sai lầm không kém.

Đúng là mỗi cách nhấn mạnh hay tạm tách rời để nghiên cứu sâu là có hạt nhân chân lý nhất định của nó nhưng khi quá nhấn mạnh, coi nhẹ những mặt khác thì có thể trở thành phi lý.

Tóm lại, trong nghiên cứu về con người Việt Nam, có lúc chúng ta thường hay nhấn mạnh một mặt, cực đoan, chưa thoát khỏi tư duy kinh nghiệm nên dễ dẫn đến nhìn nhận con người Việt Nam truyền thống và hiện đại có phần lệch lạc, tính thuyết phục khoa học chưa cao.

Vấn đế là phương pháp luận và phương pháp

Việc nghiên cứu con người Việt Nam lúc này, lúc khác có những hạn chế như vậy là do hoàn cảnh và yêu cầu thực tế từng lúc đã khiến chúng ta chú ý nhiều hơn về mặt này hay mặt khác. Song có một nguyên nhân rất quan trọng là trong quan niệm và phương pháp luận có những biểu hiện giản đơn, siêu hình, máy móc như đã nói.

Về mặt nghiên cứu bản tính người Việt (bản tính tộc người Việt) như có nhà nghiên cứu nhận xét là "chưa có cơ sở lý luận và phương pháp luận nào thật rõ ràng". "Hầu hết những bàn luận về vấn đề này đều dựa vào quan sát và suy nghĩ theo lối kinh nghiệm phải chăng chúng ta coi việc xác lập phương pháp luận cụ thể cũng như việc nghiên cứu bản tính con người Việt Nam đã hoàn chỉnh, hay hoàn chỉnh về cơ bản hoặc đã được nói và viết nhiều rồi? Phải chăng chúng ta mới đang vượt qua đoạn đầu, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ? Nhiều nhà khoa học nghiên cứu trên lĩnh vực này thấy còn rất mới mẻ và có nhiều trăn trở.

Những nhận thức và quan niệm không đúng bộc lộ trong thực tế nghiên cứu và quan niệm nghiên cứu con người có nguồn gốc ở mặt phương pháp luận. Đề cao nghiên cứu cụ thể, riêng biệt (nguyên lý con người bộ phận) là cần để khám phá, đi sâu nhưng không thể coi nhẹ các vấn đề phương pháp luận biện chứng (nguyên lý con người tổng thể), hoặc ngược lại. Tại sao như vậy?

Như đã nói ở trên, do hiểu biết hạn chế về chủ nghĩa Mác – Lênin, hơn nữa lại chịu ảnh hưởng của các tư tưởng nho giáo và chủ nghĩa kinh nghiệm mang tính tư duy tiền khoa học nên trong vận dụng phương pháp luận mác xít nghiên cứu con người chúng ta đã rất phiến diện và đơn giản.

Có thể ghi nhận là trong thời gian gần đây, các công trình của GS.VS. Phạm Minh Hạc, Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001), của PGS, TS. Nguyễn Văn Huyên, "Mấy vấn đề triết học xã hội và phát triển con người" (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002) là những công trình có giá trị định hướng phương pháp luận cụ thể về nghiên cứu con người ở nước ta. Chúng ta phải biết thay đổi cách tiếp cận, tránh cách tiếp cận cũ kém hiệu quả. Phải nhìn nhận từ nhiều góc độ, bổ sung những phương pháp khoa học mới, chẳng hạn như phương pháp nhân học của các nước nói tiếng Anh, phương pháp do các chỉ số thông minh, cảm xúc… của con người, phương pháp điều tra xã hội học về các giá trị của con người…

Nghiên cứu cụ thể cả định tính và nhất là định lượng là rất cần, vì nếu không như thế thì khó thuyết phục và khó thành chủ trương chính sách phát triển. Nhưng cũng rất cần nghiên cứu ở tầng bản chất phổ quát, ở tầng lý luận triết học, nhất là về mặt phương pháp luận, nguyên tắc chung về phương pháp luận và phải biến phương pháp luận thành phương pháp thể hiện trong nghiên cứu từng mặt riêng biệt của vấn đề.

Trước hết phải thấy nguyên nhân của vấn đề là ở cách tiếp cận thiếu cái nhìn con người tổng thể theo chiều sâu, tổng thể biện chứng, nên hay cực đoan, chỉ thấy một mặt. Cách tiếp cận này có nguyên nhân trong tư duy kinh nghiệm, cảm tính, thiển cận theo diễn biến của thực tiễn từng lúc nên thiếu tầm nhìn xa, lại có biểu hiện giáo điều, ít sáng tạo đột phá, đi sâu, ít quan tâm xây dựng tầm nhìn mới khoa học, nhất là khoa học về con người. Tư duy này thường xem kinh điển có nói không, nước ngoài có ai nói không? Tư duy một dòng, một chiều như thế dễ phụ thuộc một chiều vào chính trị, đó là tư duy đồng nhất với chính trị thục tiễn.

Phải làm sao để phương pháp luận nghiên cứu con người mang tính khoa học thật sự, theo tư duy hiện đại, tư duy mạng lưới, tư duy phức hợp chứ không phải chỉ là tư duy hệ thống thứ bậc. Mặt khác cũng cần tiếp thu những nhân tố hợp lý trong tư duy triết học phương Đông về vấn đề con người như tư tưởng coi con người là "tiểu vũ trụ”, nguyên lý cứu con người tổng thể (không chỉ trong y học mà cả trong xã hội) trong chính nó và trong vũ trụ Thiên, Địa, Nhân hợp nhất, hoặc con người nằm trong hệ thống văn hoá Việt nhà, làng, nước (gắn với hệ thống hiện nay là cá nhân, tập thể, xã hội, hay giai cấp, dân tộc, nhân loại), chẳng hạn. Chúng ta còn phải nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và cả Mỹ về phát huy trí tuệ và thu hút trí tuệ của dân tộc vào sự nghiệp phát triển đất nước. Các khoa học về con người ở đây được nghiên cứu và phát triển có tác dụng gì đối vôi phát triển đất nước.

Nghiên cứu con người Việt Nam, muốn cụ thể phải tiếp cận ở tầm nhân học cụ thể chuyên ngành. Trong nhân học, với cái nhìn toàn diện, theo tôi hiểu, không chỉ xem xét con người từ một mặt nào mà là cả từ nhân chủng, từ sinh vật và sinh thể, từ kinh tế, văn hoá, chính trị, đạo đức, từ tâm lý, tâm linh hay tư tưởng, phong tục, có lẽ phải nhìn đầy đủ các góc độ và cấp độ của con người cả bề rộng, lịch đại và đồng đại Trong khi đó, đây là một ngành học mà gần đây chúng ta mới bắt đầu chú ý tới, còn trước đây chỉ xem xét ở góc độ dân tộc học. Vì thế chủ yếu cần nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh ngành Nhân học Việt Nam với hệ thống các thủ pháp nghiên cứu. Hầu như việc nghiên cứu theo phương pháp khảo sát bản chất và đặc tính toàn diện của con người của nhân học ở nước ta chưa có hệ thống. Điều đó chứng tỏ rằng không thể dừng lại ở một phương pháp luận trong dân tộc học. Chỉ có nhân học mới quy tụ được nhiều góc độ để nghiên cứu sâu và cụ thể hơn về con người Việt Nam. Do vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm, khảo sát, thu thập các chỉ số vốn có và các chỉ số phát triển con người Việt Nam (không chỉ là chỉ số thông minh, năng lực tư duy logic mà cả chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số sáng tạo CQ và nhiều chỉ số khác về thể chất và tinh thần nhưng hiện nay chỉ mới đánh giá được IQ). Chẳng hạn, qua điều tra chỉ số trí tuệ của học viên mới nhập thể trường trong đào tạo cán bộ chính trị nơi cấp phân đội của tác giả Trương Quang Học, có thể thấy rằng học viên có chỉ số thông minh hoặc rất thông minh nhưng học lực chỉ trung bình khá, ngược lại có học viên chỉ số thông minh trung bình trở xuống nhưng lại học khá, vì việc học còn phụ thuộc vào hứng thú, sự cần cù chăm chỉ, động cơ, phương pháp…. chúng ta còn chưa chú ý đo đếm các loại chỉ số này. Đó là không kể rằng sự phát triển trí tuệ của con người còn do tác động lớn của môi trường giáo dục chứ không chỉ ở các chỉ số tự nhiên bẩm sinh

Một điều tra xã hội học về giá trị thế giới trong quan niệm sống của người Việt Nam gần đây đã cho chúng ta nhiều điều thú vị, bớt đi suy luận và phỏng đoán mơ hồ. Nhìn chung, đây đang là một thiếu sót, một mặt yếu nhất trong các khoa học nghiên cứu con người ở nước ta hiện nay. Nghiên cứu lý thuyết là cần nhưng không nên dừng lại lý thuyết mà phải hướng mạnh về thực nghiệm để có sự đo lường và trắc nghiệm cụ thể về con người Việt Nam. Nếu không đi sâu về mặt này thì khoa học con người và phát triển con người ít có kết quả khả quan và không đi xa được.

Nhưng càng đi vào nghiên cứu cụ thể lại càng phải chú ý nghiên cứu liên ngành. Về phương pháp này, chúng ta vẫn chưa mạnh làm. Hướng chung là nghiên cứu con người tổng thể, bằng phương pháp luận liên ngành như một ngành nghiên cứu về con người cả cấp độ chung, tổng quát mang tính triết học và cấp độ cụ thể của các khoa học cụ thể nhất là tâm lý học, nhân học, xã hội học..

Tức là ở đây có ba cấp độ như:

– Cấp độ triết học về con người (chủ nghĩa duy vật nhân văn)

– Cấp độ một khoa học tổng quát về con người như nhân học chẳng hạn

– Cấp độ liên ngành các ngành khoa học nghiên cứu cụ thể có liên quan tới con người.

Trong tất cả các phương pháp đó cần chú ý phương pháp luận tích hợp của triết học.

Ở đây, do vậy không chỉ cần xây dựng một khoa học chung về con người mà cả một triết học về con người (chủ nghĩa duy vật nhân văn). Đúng là. triết học Mác không vắng bóng con người mà là một cách tiếp cận mới, toàn diện và hiện thực về con người, nhưng từ đó không nên hiểu trong triết học Mác đã có một triết học hoàn chỉnh về con người. Thực ra triết học Mác chủ yếu là triết học xã hội lịch sử, còn triết học về con người chưa được hoàn thiện rõ ràng, như có người nhận xét: "Mác thuộc thế hệ sau của cách mạng Pháp, quan niệm triết học của ông là thuộc về lịch sử chứ không phải triết học về con người, đây là điều rất đáng suy nghĩ, phải chăng hiện nay cần một triết học về con người như chúng tôi đã nêu là vừa cũ, vừa mới?

Phải mạnh dạn đổi mới nhận thức về khoa học con người, cần xây dựng một hệ thống chuyên ngành nghiên cứu trực tiếp về con người, tiếp cận sớm những phương pháp nghiên cứu tiên tiến để nâng cao hiệu quả nghiên cứu. Cần nhiều phương pháp và công trình khảo sát nghiên cứu con người Việt Nam tập trung vào đối tượng thực tê’ đang sống và họat động chứ không phải từ sách vở. Vì chính như Mác đã nói, họat động của con người như thế nào thì chính họ như vậy.

Cần nhận thức đúng xu hướng chủ đạo hiện nay trong việc nghiên cứu con người Việt Nam

Trước hết phải nghiên cứu con người và văn hoá Việt từ chiều sâu cội nguồn có lịch sử văn minh khoảng gần 5000 năm trước chứ không phải là 4000 năm. Điều này xác định chính xác hơn bản sắc người Việt khác Hán và ngang Hán với truyền thống lâu đời trên cả bình diện tư duy, tư tưởng, tâm thức, đạo lý và lối sống…

Chúng ta vẫn thiếu những nghiên cứu phân tích tiền đề kinh tế xã hội, tộc người dẫn đến hình thành những phẩm chất ưu và khuyết của con người Việt Nam trong lịch sử. Đã có thời nghiên cứu khá nhiều về việc xây dựng con người mới nhưng lại xa rời nền tảng lịch sử của con người Việt Nam truyền thống.

Tại sao lại không có một công trình lớn về con người Việt Nam truyền thống, để từ đó cho ta một chân dung cụ thể và toàn diện? Dù đã có các thành quả nghiên cứu con người từ nhiều ngành khoa học mang lại nhưng cuối cùng vẫn cần một sự tổng hợp như thế. Cơ quan chịu trách nhiệm đó hoặc là Viện Triết học hoặc Viện nghiên cứu Con người ở nước ta, hay tốt nhất là có sự phối hợp hai Viện làm hạt nhân cho sự cộng tác rộng hơn. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng, theo tác giả Nguyễn Văn Huyên (Sđd, tr.272), cần được xem xét ở ba góc độ:

Con người với tư cách là sản phẩm của lịch sử tự nhiên (khía cạnh bản thể).

Con người với tư cách là chủ thể sáng tạo lịch sử (động lực và tiềm năng phát triển xã hội).

Con người văn hoá – con người với tư cách là mục đích của mình.

Tôi nhất trí với cách tiếp cận toàn diện ba mặt đó, nhưng có lẽ vẫn thiếu một cái gì đó khá cơ bản. Nên tôi cho rằng phải nhìn nhận cả phương diện thứ tư là:

"Con người như một quá trình tự phát triển thông qua mâu thuẫn với nhiều trình độ và giai đoạn khác nhau (tính giai đoạn, tính cụ thể lịch sử của con người như là tự nó và vì nó trong tiến trình tự giải phóng khỏi tha hoá và tự phát triển).

Về con người là sản phẩm của tiến hoá tự nhiên và xã hội, vừa qua các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và phác thảo được chân dung con người Việt Nam dựa vào suy luận và kinh nghiệm, nhưng lại thiếu các chỉ số từ khoa học thực nghiệm cụ thể về con người nên nhìn chung chân dung ấy còn nghèo nàn.

Về con người là chủ thể sáng tạo lịch sử thì tuy có nghiên cứu nhưng ít kết quả mới, ít khám phá về tiềm năng và năng lực thể chất và tinh thần của con người Việt Nam, nhất là các chỉ số phát triển người cụ thể của con người Việt Nam, những tiềm năng và động lục phát triển về mặt vật chất, thể chất, tinh thần không chỉ trí tuệ mà cả tâm lý, cảm xúc cũng còn nhiều hạn chế trong nghiên cứu.

Về con người là con người văn hóa toàn vẹn trong nghiên cứu cũng có những ưu điểm và hạn chế tương tự (xem: Nguyễn Văn Huyên, Sđd, tr.272 – 277).

Con người với tư cách là một quá trình tự phát triển nhiều giai đoạn cũng đã được nghiên cứu nhưng chưa rõ tính lịch sử tiến hoá từng thời đại lịch sử, cũng như sự chuyển đổi trong từng giai đoạn bước ngoặt. Đây là một lát cắt có ý nghĩa, nhất là đối với việc nghiên cứu con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cần nghiên cứu phát triển con người sáng tạo hiện nay đang được ưu tiên như thế nào và phải như thế nào? Con người Việt Nam hiện nay liệu có kịp thời thích nghi với bối cảnh toàn cầu hoá hay không, cần và có thể phát huy, xây dựng nhung phẩm chất nào? Tức là nghiên cứu cả những khả năng vẫn có của con người Việt Nam và những tiền đề kinh tế – xã hội hiện đại đang đòi hỏi phát huy những tiềm năng ấy cùng những phẩm chất mới được tạo nên trong sự tổng hoà cái truyền thống và cái hiện đại.

Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực Việt Nam trước thách thức của thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế là một hướng nghiên cứu lớn hiện nay. Chúng ta hy vọng chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước do GS,VS Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.

Chúng ta nghiên cứu khá nhiều về con người Việt Nam trong kháng chiến nhưng trong xây dựng kinh tế và văn hoá thì còn quá ít công trình có hệ thống. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao trong kháng chiến thì con người Việt Nam phát huy khá cao năng lực và phẩm chất của mình nhưng trong xây dụng kinh tế, văn hóa thì lại thiếu cộng tác hay kém sáng tạo, phát minh… hoặc tiềm năng sáng tạo thì khá nhưng hành vi sáng tạo (khác thường) thì ở mức trung bình. Con người Việt Nam ta hình như bằng lòng với cái đã có (an phận thủ thường) mà ít mạo hiểm trong sáng tạo, ít giám đột phá, chỉ nặng về "vận dụng sáng tạo"? tại sao trong chính trị, quân sụ và y học thì có nhiều cống hiến sáng tạo nhưng trong kinh tế và khoa học thì hầu như vắng bóng?

Hoặc khi chuyển từ thời chiến sang thời kỳ xây dựng kinh tế tại sao con người lại tha hoá với tốc độ nhanh đến thế chúng ta cần có những hướng nghiên cứu như chuyên đề phong cách tư duy người Việt, đặc tính tâm lý dân tộc, triết lý, tư tưởng triết học của con người Việt, lối sống và đạo lý… hoặc nghiên cứu sâu những khả năng, những tiềm năng thể chất và tinh thần (kể cả những khả năng huyền diệu), nghiên cứu cả con người hữu hình và con người vô hình của người Việt Nam, cả những hạn chế khiếm khuyết, "những thói hư tật xấu” (Trần Quốc Vượng) của người Việt Nam trong cộng đồng nhiều tộc người. Vấn đề cấp bách bây giờ là nghiên cứu các phẩm chất nghề nghiệp, nghiên cứu việc nâng cao chất lượng nghề, xây dựng đội ngũ công nhân và cán bộ chất lượng cao, trong đó nòng cốt là lực lượng tài năng. Đó cũng là đội ngũ phải có bản lĩnh thật sự, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học, bản lĩnh kinh doanh, bản lĩnh nghề nghiệp nói chung có thể thích nghi và thành công trong bối cảnh thế giới ngày nay.

Nghiên cứu con người Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu phát huy mặt tốt của con người, con đường và giải pháp xây dựng con người văn hoá, phát triển toàn diện có năng lực chuyên môn, nghề nghiệp sâu. Nghiên cứu ấy được đặt trên phương hướng nghiên cứu con người từ nhu cầu, lợi ích đa dạng cho đến cách thức, phương thức thoả mãn nhu cầu theo những giá trị nhân văn của thời đại. Đúng như mới đây, nhân ngày Nhà giáo 20/11/2002, GS, TS. Nguyễn Cảnh Toàn đã có nhận xét rất đúng là năng lực tư duy của con người Việt Nam là niềm hy vọng để chúng ta đuổi kịp các nước phát triển. Vậy chúng ta phải có cái gì sáng tạo độc đáo của Việt Nam mà nhờ đó chúng ta vượt lên, bứt phá lên? Cái đó vẫn phải bắt đầu từ trí tuệ con người Việt Nam ngày nay, trước hết là từ cá nhân và sau đó là cộng đồng. Nói sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì cái dẫn đường, nhân sức mạnh và chất xám chủ yếu là nói trí tuệ trong sức mạnh chung đó. Điều đó càng bức thiết trong thời ký khoa học công nghệ cao. Như thế là chúng ta cần nghiên cứu sâu và hệ thống thực tế năng lực tư duy và trí tuệ con người Việt Nam. ở đó không chỉ làm rõ thực trạng, tiềm năng và cả hạn chế về năng lực tư duy, trí tuệ mà còn phải làm rõ cái gì đang kìm hãm năng lực tư duy và trí tuệ của con người Việt Nam? Đâu là giải pháp đột phá? Thực tế đang đòi hỏi một công trình như thế cả về lý thuyết và thục nghiệm. Các kết quả điều tra của thế giới gần đây chứng minh con người Việt Nam (qua học sinh, sinh viên) "được đánh giá cao về tiềm năng Toán – Tin học và Y học", có trí thông minh IQ không thua kém các nước khác (khảo sát 420 học sinh chuyên toán thì có 80% em có chỉ số IQ là trên 110′ chỉ số xuất sắc) nhưng trí sáng tạo thì sao? Chúng ta đã tập trung cho hướng cơ bản, gốc gác, có ý nghĩa chiến lược sống còn này chưa. Trong chương trình khoa học công nghệ 1995 – 2000 đã có nghiên cứu và hiện nay đang nghiên cứu các hệ thống giải pháp để phát huy trí tuệ, chuyển bị cho nguồn nhân lục và nhân tài đáp ứng yêu cầu mới của thời đại. Và theo GS. Trần Trọng Thuỷ cho biết, trong chương trình nghiên cứu sẽ do cả ba chỉ số IQ, EQ, CQ phát triển người đối với tuổi trẻ học đường ở nước ta. Đó là điều đáng mừng nhưng khoa học về con người ngày nay luôn phải chú ý phương pháp luận tổng thể, tích hợp trong nghiên cứu.

Nói chung, nghiên cứu con người Việt Nam ngày nay phải kết hợp phương pháp luận tổng thể và phương pháp luận phân tích bộ phận cụ thể, nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tế, thực nghiệm, nghiên cứu đinh tính với nghiên cứu định lượng, nghiên cứu nhân cách với nghiên cứu môi trường lịch sử, trong đó con người họat động và sáng tạo với những nhu cầu, lợi ích, giá trị cụ thể… mới mang lại kết quả.

Nghiên cứu đặc tính và tiềm năng của con người và các tộc người cả về tư duy, trí tuệ và khí phách trong truyền thống và hiện đại với sự chuyển biến của thời đại trên đất nước ta như thế vẫn là hướng nghiên cứu vừa trước mắt, vừa lâu dài, nhưng không thể theo lối mòn và chậm chân được nữa!

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI

Trích dẫn từ: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Nghiencuu_nguoiViet-Nhanthuc_pp/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading