admin@phapluatdansu.edu.vn

DỰ THẢO THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÃ HIẾN BỘ PHÂN CƠ THỂ NGƯỜI, HIẾN XÁC

DỰ THẢO

Căn cứ Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác, bao gồm: chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sống; chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác; thủ tục khám sức khỏe định kỳ và hưởng chế độ tang lễ, mai táng di hài; nguồn kinh phí thực hiện; trách nhiệm chi trả và công tác quản lý tài chính.

2. Đối tượng áp dụng

a) Người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác.

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

c) Cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

d) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người ở người sống, tổ chức tang lễ cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác khi không còn nhu cầu sử dụng.

Điều 2. Chế độ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sống

Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế.

Điều 3. Chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sống

1. Người đã hiến bộ phận cơ thể người ở người sống được hưởng các chế độ sau:

a) Được bảo đảm chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám sức khỏe định kỳ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người bệnh ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người bệnh phải nhập viện được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo theo quy định tại Điểm a Khoản này): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày.

c) Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.

d) Được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.

2. Trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người mà mắc các bệnh phải khám, điều trị thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

3. Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

4. Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy chứng nhận đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của Bộ Y tế và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Điều 4. Chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác

1. Người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác thì thân nhân của người hiến hoặc cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến được hỗ trợ kinh phí để tổ chức tang lễ và mai táng di hài bằng 10 lần mức lương cơ sở.

2. Kinh phí tổ chức tang lễ và mai táng di hài đã bao gồm:

a) Kinh phí cho việc bảo quản, quàn ướp, khôi phục về mặt thẩm mỹ thi thể sau khi đã lấy bộ phận cơ thể người hoặc khi không còn nhu cầu sử dụng xác theo chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

b) Kinh phí di chuyển di hài từ cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác về gia đình mai táng hoặc đến nơi mai táng (nếu có).

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Điều 2 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế.

Điều 6. Trách nhiệm chi trả

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người có trách nhiệm chi trả kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

2. Cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có trách nhiệm bố trí kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí cho thân nhân người hiến để tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 7. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí

1. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác (sau đây viết tắt là cơ sở, đơn vị) công lập:

a) Việc lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác thực hiện theo quy định hiện hành cùng với dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ sở, đơn vị.

b) Về công tác quyết toán:

Kết thúc năm ngân sách các cơ sở, đơn vị tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Thông tư này. Trường hợp dự toán đã bố trí cao hơn số kinh phí thực tế đã chi thực hiện chế độ đối với người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác; đơn vị thực hiện hủy dự toán theo quy định. Trường hợp dự toán bố trí thấp hơn số kinh phí thực tế đã chi thực hiện chế độ đối với người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác thì thực hiện như sau:

– Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Các cơ sở, đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kinh phí cần bổ sung để thực hiện chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Thông tư này theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp ngân sách hiện hành (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp).

+ Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định và tổng hợp kinh phí cần bổ sung theo chế độ của các cơ sở, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan Tài chính cùng cấp.

+ Cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kinh phí cần bổ sung theo chế độ của các cơ sở, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) xem xét, giải quyết việc bổ sung kinh phí theo quy định.

– Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

+ Các cơ sở, đơn vị lập báo cáo tổng hợp kinh phí cần bổ sung theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp ngân sách hiện hành.

+ Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định, tổng hợp kinh phí cần bổ sung theo chế độ của cơ sở, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan quản lý cấp trên, gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết việc bổ sung kinh phí theo quy định.

2. Đối với các cơ sở, đơn vị ngoài công lập:

a) Cơ sở, đơn vị ngoài công lập tham gia thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người; tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi thực hiện chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Thông tư này theo Biểu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Sở Y tế.

b) Sở Y tế thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ của các cơ sở, đơn vị ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Sở Tài chính.

c) Sở Tài chính thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi của các cơ sở, đơn vị ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý đã được Sở Y tế thẩm định và tổng hợp theo Biểu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, giải quyết việc bổ sung kinh phí theo quy định.

3. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 2017.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading