admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT DO CHA MẸ ĐỂ LẠI

Kết quả hình ảnh cho case studyTS. NGUYỄN HẢI AN – TÒA DÂN SỰ, TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trong thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại nhưng đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế xảy ra nhưng có những quan điểm giải quyết khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày về một trường hợp tranh chấp cụ thể và những ý kiến xung quanh việc giải quyết; cụ thể như sau:

Nhà trên 381m2 đất tại xã K, huyện G, thành phố H có nguồn gốc của vợ chồng cụ Minh và Bình. Cụ Minh chết năm 1997, cụ Bình chết 1998 đều không để lại di chúc. Cụ Minh, cụ Bình có 03 người con là: ông Hùng, bà Yến (bị câm, điếc bẩm sinh) và bà Liên. Cụ Minh chết năm 1997, cụ Bình chết năm 1998. Sau khi cụ Minh, cụ Bình chết, nhà đất đang tranh chấp do vợ chồng ông Hùng và bà Yến quản lý, sử dụng; bà Liên lấy chồng từ 1978 ở nơi khác. Năm 2003, ông Hùng kê khai, đăng ký và được UBND huyện G cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình ông Hùng, do ông Hùng là chủ hộ đứng tên; hộ khẩu của bà Yến cùng chung với gia đình ông Hùng. Năm 2009, vợ chồng ông Hùng chuyển nhượng 73,2 m2 trong thửa đất trên cho vợ chồng chị Lan. Bà Yến, bà Liên không đồng ý việc chuyển nhượng đất của vợ chồng ông Hùng nên bà Liên đã làm đơn khởi kiện đề nghị huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hùng với vợ chồng chị Lan. Bà Liên cho rằng toàn bộ 381m2 đất vẫn là di sản thừa kế của bố, mẹ bà chưa chia: bà và bà Yến có quyền thừa kế đối với diện tích đất của bố mẹ để lại, vợ chồng ông Hùng không được quyền tự ý chuyển nhượng. Vì bà Yến bị câm, điếc bẩm sinh, có nhược điểm về thể chất, ít tiếp xúc với bên ngoài, giao tiếp rất hạn chế; kể cả khi mời giáo viên trường câm điếc, chuyên gia về giao tiếp bằng ký hiệu cũng không giúp cho bà Yến hiểu để bày tỏ ý chí, mà chỉ có ông Hùng, bà Liên hiểu được các dấu hiệu của bà Yến, nên cả hai người là ông Hùng và bà Liên đều nhận là đại diện cho bà Yến.

Xung quanh trường hợp nêu trên, có các quan điểm sau đây:

Quan điểm thứ nhất: Vì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế tài sản của cụ Minh và cụ Bình đều đã hết và không có văn bản thỏa thuận chuyển di sản thuộc sở hữu chung, nên nếu đương sự có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án phải căn cứ khoản 2 Điều 56, điểm a khoản 1 Điều 168, điểm c khoản 1 Điều 192, các khoản 3 và 4 Điều 193 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ông Hùng là người quản lý tài sản và đã được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có quyền sử dụng và chuyển nhượng; bà Liên không có quyền khởi kiện và không đủ tư cách đại diện cho bà Yến để khởi kiện.

Quan điểm thứ hai: Tài sản đang tranh chấp là di sản của cụ Minh (chết năm 1997), cụ Bình (chết năm 1998); năm 2003 (trong thời hiệu thừa kế) ông Hùng tự ý kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có ý kiến của các đồng thừa kế là không hợp pháp. Bà Yến có nhược điểm về thể chất, ở với bố, mẹ từ nhỏ; khi bố mẹ chết, đã cùng ông Hùng tiếp tục quản lý di sản; là một thành viên trong hộ ông Hùng; có quyền lợi trong khối tài sản; khi ông Hùng kê khai đứng tên, sau chuyển nhượng một phần diện tích cho chị Lan mà không có ý kiến của bà Yến thì việc chuyển nhượng này là không hợp pháp, hợp đồng chuyển nhượng với chị Lan là vô hiệu. Do đó, bà Liên không có quyền khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết và cũng không có căn cứ xác định 381m2 đất là tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004/HĐTP. Tuy nhiên, bà Liên còn có quyền đại diện cho bà Yến để khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Hùng và vợ chồng bà Lan vì bà Yến là thành viên trong hộ gia đình ông Hùng có quyền đồng sử dụng diện tích đất 381m2; ông Hùng chuyển nhượng 73,2m2 đất cho chị Lan không được sự đồng ý của bà Yến (hoặc của người giám sát việc quản lý tài sản của bà Yến theo quy định của BLDS) là xâm phạm đến quyền lợi của bà Yến. Trong đơn khởi kiện của bà Liên cũng thể hiện rõ yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hùng và vợ chồng chị Lan, nên nếu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án như quan điểm thứ nhất là không đúng. Do bà Yến có nhược điểm về thể chất, giữa ông Hùng và bà Yến có quyền lợi đối lập nên ông Hùng không thể là người đại diện cho bà Yến. Vì vậy, bà Liên đương nhiên có quyền đại diện theo pháp luật cho bà Yến.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Bà Yến bị câm điếc bẩm sinh, nhưng căn cứ Điều 22 và Điều 23 BLDS thì bà Yến không phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do đó, Tòa án có thể hướng dẫn cho bà Yến và bà Liên làm thủ tục bà Yến ủy quyền cho bà Liên tham gia tố tụng. Năm 1978 bà Liên đi lấy chồng, ông Hùng và bà Yến chung sống với cha mẹ là cụ Minh, cụ Bình đến năm 1997, 1998 sau khi hai cụ chết, ông Hùng và bà Yến vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng đất của các cụ để lại. Năm 2003 trong thời hiệu thừa kế, ông Hùng kê khai quyền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình có vợ chồng ông Hùng và bà Yến, bà Liên không có ý kiến hay tranh chấp gì. Vì bà Yến là một thành viên trong hộ ông Hùng, nên có quyền lợi đối với quyền sử dụng đất do ông Hùng đứng tên chủ hộ. Việc vợ chồng ông Hùng chuyển nhượng một phần diện tích không có ý kiến của bà Yến là không hợp pháp, hợp đồng chuyển nhượng là vô hiệu. Bà Yến có quyền ủy quyền cho bà Liên để khởi kiện việc ông Hùng chuyển nhượng 73,2m2 đất cho chị Lan mà không được sự đồng ý của bà Yến.

Quan điểm thứ tư (là quan điểm của tác giả): Nhà đất do ông Hùng và bà Yến quản lý tuy có nguồn gốc của cha mẹ các ông, bà để lại, nhưng năm 2003, ông Hùng kê khai, đăng ký và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình ông Hùng có bà Yến cùng chung sống với gia đình ông Hùng cùng sử dụng. Nên việc vợ chồng ông Hùng chuyển nhượng một phần trong thửa đất trên cho người khác vào năm 2013, bà Yến không đồng ý việc tự ý chuyển nhượng đất của vợ chồng ông Hùng thì có quyền làm đơn khởi kiện và tham gia tố tụng đề nghị Tòa huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Hùng với chị Lan.

Theo khoản 1 Điều 22 BLDS thì:“Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”. Đồng thời, khoản 1 Điều 23 BLDS quy định: “Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 23 BLDS thì người vừa câm, vừa điếc không phải là người mất năng lực hành vi dân sự hay người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đương sự bị câm, điếc là người có nhược điểm về thể chất. Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 BLTTDS về quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch thì:“Những quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với người biết dấu hiệu của người câm, người điếc. Trong trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người câm, người điếc biết được dấu hiệu của họ thì người đại diện hoặc người thân thích có thế được Tòa án chấp nhận làm phiên dịch cho người câm, người điếc đó”. Vì bà Yến là đương sự bị câm, bị điếc cần có người làm phiên dịch, bà Liên là người thân thích biết được dấu hiệu của bà Yến nên được Tòa án chấp nhận làm phiên dịch cho bà Yến.

Trên đây là quan điểm của tác giả, mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp (Tác giả viết bài này vào thời điểm BLDS năm 2005 và BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 còn hiệu lực – Civillawinfor).

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading