admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ XU HƯỚNG MỚI VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

THS. NGUYỄN LINH GIANG – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày nay, quyền con người (QCN) đã được thừa nhận một cách rộng rãi và được xem là giá trị chung của toàn nhân loại. Tuy nhiên, để có được vị trí như hiện nay, QCN phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài với biết bao thăng trầm của lịch sử. Từ những tư tưởng sơ khai đầu tiên, khái niệm về QCN đã phát triển và không ngừng được mở rộng. Từ những văn bản ghi nhận các quyền cá nhân chỉ được giới hạn trong phạm vi các quốc gia[1], QCN đã được ghi nhận trong các văn kiện mang tính quốc tế. Cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học và quá trình toàn cầu hóa, mỗi con người đều đã trở thành “công dân toàn cầu”, thì QCN đã và đang xuất hiện các xu hướng phát triển mới, gắn liền với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người.

1. Quyền con người và phát triển bền vững

Con người là trung tâm của mọi sự phát triển. Nếu như trước đây, người ta chỉ đặt ra vấn đề về quyền được phát triển hay phát triển dựa trên quyền, thì hiện nay vấn đề QCN và phát triển bền vững lại được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn về QCN. Sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực của đời sống là tiền đề cho sự phát triển về QCN, đồng thời, bảo đảm QCN cũng là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững mọi mặt.

QCN và phát triển bền vững về môi trường. Nếu như giai đoạn trước, người ta thường chỉ nhắc đến quyền được sống trong môi trường trong lành của con người, thì ngày nay, đứng trước các vấn đề về biến đổi khí hậu, việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, quyền được tham gia vào các quyết định về môi trường… đã trở thành vấn đề thường trực hàng ngày của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng xã hội. Đồng thời, phát triển bền vững về môi trường còn để đảm bảo quyền “công bằng giữa các thế hệ” – một quyền được nhắc đến thường xuyên trong thời gian gần đây. Đó không chỉ là quyền của những người đang sống, mà đó là quyền cho thế hệ mai sau, những người còn chưa xuất hiện trên trái đất này nhưng họ cũng có quyền được hưởng những nguồn tài nguyên không phải là vô tận của trái đất. Quyền công bằng giữa các thế hệ đặt ra vấn đề của những người đang sống hiện nay phải “cư xử” và khai thác thiên nhiên như thế nào để đảm bảo quyền công bằng với thế hệ tương lai.

QCN và phát triển bền vững về văn hóa. Trong một thế giới phẳng, với nỗ lực “hòa nhập nhưng không hòa tan” đã đặt mỗi con người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trong quá trình phát triển nhưng vẫn giữ vững những nét đặc trưng về văn hóa, bảo vệ bền vững các giá trị văn hóa, gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc thiểu số…

QCN và phát triển bền vững về kinh tế. Phát triển kinh tế cũng là để đảm bảo phát triển QCN. Hơn nữa, phát triển kinh tế cũng là tạo tiền đề để thực hiện QCN trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế. Vì thế, QCN luôn gắn với sự phát triển bền vững về kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nhà nước phúc lợi…

Việc gắn QCN với phát triển bền vững mọi mặt của đời sống xã hội đã trở thành một xu thế tất yếu hiện nay. Chính vì thế, tại nhiều nước trên thế giới các chiến lược phát triển con người, QCN luôn được gắn với các chiến lược phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

2. Quyền con người gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật

2.1. Quyền con người gắn với sự phát triển của Internet

Có thể nói, chưa bao giờ Internet lại có thể tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người như hiện nay. Cuộc cách mạng về công nghệ đã khiến cho QCN có những hình thức mới. Các phương tiện truyền thông và công nghệ mới đã góp phần bảo vệ QCN, đến với những người chưa được bảo vệ, nhưng đồng thời các phương tiện này cũng trở thành nguy cơ đe doạ đếnQCN nếu nó không được quản lý tốt. Dựa vào công nghệ truyền thông, nhiều hoạt động của các chính phủ, khu vực tư nhân hoặc của các tổ chức khác có khả năng được thực hiện và mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, những hoạt động đó có thể được thực hiện trong sự thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn QCN.

Internet đã có những đóng góp rất tích cực cho các phong trào nhân quyền trên thế giới, tăng cường giáo dục về QCN cho người dân ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời nhờ có Internet mà quyền tiếp cận thông tin của người dân được mở rộng hơn, đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc hơn. Tuy nhiên, Internet cũng đặt ra cho các nhà quản lý những vấn đề nhạy cảm và rất khó giải quyết. Chẳng hạn, chỉ sau 5 năm thành lập, facebook đã trở thành mạng xã hội thành công nhất thế giới với trên 500 triệu tài khoản được mở (con số thống kế năm 2010)[2]. Vì thế, cũng không lạ khi thời gian vừa qua nhiều cuộc biểu tình, tuần hành lớn tại nhiều nơi trên thế giới đã gắn với cộng đồng của mạng xã hội này.

Với sự mở rộng của Internet, các vấn đề nhạy cảm đã không còn là của riêng ai mà nó đã được mang lên mạng, "mổ xẻ”, bình luận và thậm chí gây áp lực cho các đối tượng có liên quan. Chưa bao giờ đời sống riêng tư của con người, đặc biệt là của những người nổi tiếng lại dễ bị xâm phạm đến như bây giờ. Thậm chí trên nhiều trang web, người ta còn lập ra cả các forum chuyên chỉ để bình luận về hình thức cũng như đời sống riêng tư của người khác với lời lẽ đôi khi là xúc phạm và bôi nhọ danh dự. Trên thế giới và ở Việt Nam đã có những vụ án hình sự cũng như dân sự liên quan đến lĩnh vực này. Việc thời gian vừa qua, đã xảy ra hàng loạt các vụ tử tự của các ngôi sao trong giới giải trí ở Hàn Quốc do liên quan đến các tin đồn trên mạng, đã đặt ra không chỉ cho Chính phủ nước này mà còn cả các nước khác, trong đó có Việt Nam về nhu cầu nghiên cứu việc quản lý các nguy cơ và đối phó với các tin đồn trên mạng Internet.

Do vậy, việc phát triển của Internet đã đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề liên quan đếnQCN như tự do thông tin, quyền tự do hội họp (cả khi trên mạng), quyền bảo vệ đời sống riêng tư, cũng như đặt ra cho các nhà quản lý một bài toán về việc quản lý các blog, mạng xã hội, quản lý các vấn đề phát sinh trên mạng như thế nào để vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng cao nhất các chuẩn mực về QCN.

2.2. Quyền con người gắn với sự phát triển của y học

(i) Quyền nhờ/ thuê người mang thai

Cùng với sự phát triển của y học, đặc biệt là trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo, ngày nay, rất nhiều người đã có thể thực hiện ước mơ được làm cha mẹ khi điều kiện sức khỏe của họ không cho phép. Tuy nhiên, thành tựu y học này cũng đã kéo theo một vấn đề có liên quan đến quyền con người, đó là quyền được nhờ hoặc thuê người mang thai hộ.

Đã từ lâu, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, “nghề” đẻ thuê đã ra đời và tồn tại. Đặc biệt, tại một số nước như Ấn Độ thì việc đẻ thuê đã trở thành một nghề hợp pháp và thu được nhiều ngoại tệ. Nhưng đồng thời, tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam thì vấn đề này vẫn là một câu hỏi khó có đáp án. Việc 14 cô gái Việt Nam được giải thoát khỏi đường dây đẻ thuê tại Thái Lan[3] đã cho thấy vấn đề này đã mang tính quốc tế, chứ không phải là chuyện riêng của mỗi nước.

Thực tiễn pháp luật tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước đã coi đẻ thuê là một nghề hợp pháp, trong khi một số nước khác nghiêm cấm gắt gao và xử phạt nặng hành vi này. Vào những năm 1980, hình thức đẻ thuê thương mại được liệt vào một dạng tội phạm ở Australia. Song đến nay, hầu hết các tiểu bang tại Australia lại cho phép phụ nữ sinh con thuê và được nhận “những chi phí hợp lý”, theo đó mỗi lần sinh con thuê, người mẹ được thuê có thể nhận khoảng 50.000 USD. Dịch vụ mang thai thuê bắt đầu phát triển ở Ấn Độ vào đầu thập kỷ 1990. Đến năm 2002, Ấn Độ hợp pháp hóa chuyện mang thai hộ mang tính thương mại để thúc đẩy du lịch y tế. Nga, Ukraina cũng nằm trong số những nước cho phép phụ nữ được mang thai hộ có trả tiền. Trong khi đó Đài Loan, Hungary, Italia, Nhật Bản, Ả rập Xê út, Anh… không cho phép đẻ thuê[4].

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2003/NĐ- CP ngày 12/2/2003 đề cập đến quyền sinh con theo phương pháp khoa học và nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Tuy nhiên, việc thuê người mang thai hộ vẫn đang ngày càng phát triển, và dường như “thị trường” này lúc nào cũng “nóng”.

Vấn đề này đã đặt ra một số điểm khó giải quyết liên quan đến QCN. Một mặt, đó là quyền của những người mong muốn có con nhưng vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai và sinh con bình thường. Mặt khác đó cũng là quyền của những người được nhờ hoặc thuê mang thai hộ. Đồng thời, cũng phải chống lại các trường hợp có sức khỏe bình thường để mang thai nhưng vì lý do nào đó mà họ dùng tiền để thuê người mang thai hộ cho mình.

Nhiều ý kiến cho rằng không thể coi dịch vụ đẻ thuê là một dịch vụ bình thường. Dù lý do kinh tế đã được mang ra để biện minh cho hành vi này thì việc làm này cũng làm tổn thương đến đạo đức xã hội[5].

(ii) Quyền được chuyển đổi giới tính

Một lần nữa, sự phát triển của y học lại đặt ra một vấn đề liên quan đến QCN, đó là quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Hiện nay, vẫn chưa có những nghiên cứu và điều tra xã hội học về nhu cầu xác định lại giới tính hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính của một số người ở Việt Nam rói riêng và trên thế giới nói chung. Nhưng cho dù con số này có không lớn lắm thì cũng không thể chối cãi được rằng đây là một vấn đề cần được quan tâm và đã làm “nóng” nghị trường của nhiều nước và cả ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Thực tế ở Việt Nam gần đây, nhu cầu được xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính đã trở thành vấn đề mà xã hội quan tâm và bình luận. Đứng ở khía cạnh QCN, việc xác định lại giới tính là việc nên làm và cần phải làm để bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Tuy nhiên, rất nhiều người sau khi chuyển đổi giới tính đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, không kể đến những tổn thương tâm lý mà họ gặp phải do sự kỳ thị của mọi người[6], thì các giao dịch hàng ngày mà cần đến giấy tờ tùy thân cũng đã khiến họ gặp không ít rắc rối.

Hiện nay, pháp luật nhiều nước đã có các quy định về việc xác định lại giới tính. Ở Việt Nam Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 về xác định lại giới tính đã có quy định việc xác định giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác và Nghị định cấm thực hiện chuyển đổi giới tính đối với các trường hợp đã hoàn thiện về giới tính.

Vấn đề đặt ra hiện nay không phải là việc có cho phép việc chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính hay không, mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến vấn đề này để đảm bảo quyền cho những người chuyển đổi giới tính, nhưng cũng ngăn chặn được hiện tượng “lầm tưởng” về tâm lý hoặc chỉ chuyển đổi giới tính theo sở thích, lối sống hoặc vì mục đích nào đó[7].

3. Quyền của các đối tượng dễ bị tổn thương

Trước đây, nếu như nói đến quyền của các đối tượng dễ bị tổn thương, người ta thường nghĩ tới vấn đề quyền của phụ nữ và trẻ em. Nhưng hiện nay, chúng ta đã có thể yên tâm phần nào khi nói tới các vấn đề về quyền của phụ nữ và trẻ em vì các đối tượng này đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực bình đẳng giới, mở rộng quyền tham gia của phụ nữ vào chính trị và quyền được chăm sóc và giáo dục của trẻ em. Còn với xu hướng hiện nay, khi nhắc đến quyền của các đối tượng dễ bị tổn thương thì đã xuất hiện một số đối tượng mới, đó là người đồng tính, người cao tuổi và người tàn tật.

3.1. Quyền của người đồng tính

Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số người đồng tính hiện nay trên thế giới, nhưng theo một nghiên cứu gần đây của Gallagher và Baker tiến hành tại bang Massachusetts, Mỹ thì ước tính có khoảng 2,3% đàn ông và 1,3% phụ nữ là người đồng tính[8]. Như vậy, đây là một con số không nhỏ và không ai có thể phủ nhận được là có một bộ phận những người này trong từng cộng đồng. Khoa học cũng đã chứng minh rằng đây là hiện tượng có thể xảy ra trong thế giới tự nhiên và cả trong xã hội loài người.

Mặc dù quan điểm của xã hội đối với hiện tượng người đồng tính vẫn còn rất khác nhau và chủ yếu là chống lại hiện tượng này, cho rằng đó là bệnh hoạn, bệnh tâm lý hay là trái tự nhiên. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng đã đến lúc cần phải quan tâm đến những QCN cơ bản của người đồng tính. Đó là các quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được chuyển đổi giới tính, quyền được kết hôn như những người bình thường và quyền được làm việc, được tham gia vào các hoạt động xã hội[9].

Thực tế, để có được quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được tham gia vào các hoạt động xã hội cho người đồng tính sẽ là một chặng đường dài vì cần phải thay đổi quan niệm đạo đức xã hội và cần có được sự cảm thông thật sự của xã hội. Nhưng bằng các công cụ pháp lý, các nhà nước hoàn toàn có thể đảm bảo được quyền chuyển đổi giới tính, quyền làm việc và quyền được kết hôn của người đồng tính.

Liên quan đến quyền được làm việc, cần phải có chế tài đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với người đồng tính. Ở đây, xin được tập trung vào phân tích quyền được kết hôn của người đồng tính.

Ở Việt Nam hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đã có các đám cưới đồng tính diễn ra. Đám cưới đồng tính được xem là đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào tháng 4/1997 tại thành phố Hồ Chí Minh giữa hai nam giới. Tháng 3/1998, một đám cưới đồng tính nữ đã được tổ chức ở Vĩnh Long, hai người này đã xin làm giấy đăng ký kết hôn nhưng không được chấp nhận. Và gần đây nhất, đám cưới của hai cô gái 19 tuổi ở Hà Nội và đám cưới của hai cô gái ở độ tuổi 20 ở Cà Mau đã gây ra rất nhiều tranh luận với các luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Có thể thấy, mặc dù pháp luật chưa cho phép nhưng cũng không thể phủ nhận nhu cầu tình cảm và kết hôn của người đồng tính. Và vấn đề quyền kết hôn của người đồng tính vẫn còn đang được tranh luận tại nhiều nơi trên thế giới.

Nếu như trước đây, đồng tính luyến ái bị xem là phạm pháp, thì từ vài chục năm gần đây ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều quy định cấm đoán quan hệ đồng tính đã bị bãi bỏ. Quan trọng nhất, năm 1973, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã đưa đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các rối loạn tâm thần, và từ đó nhiều quốc gia khác đã đưa ra các quy định cấm kỳ thị người đồng tính trong công việc, cư trú và dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề kết hôn của người đồng tính vẫn là một “câu hỏi khó” với các nhà lập pháp ở khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới. Tiếp sau đó, 9 quốc gia khác như Bỉ, Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Ai-xơ-len, và Ác-hen-ti-na lần lượt thừa nhận hôn nhân của những người đồng tính. Ngoài ra, thủ đô Mexico city (Mexico) và một số tiểu bang tại Mỹ như Massachusetts, Iowa, Connecticut, Vermont, New Hampshire cũng cho phép hôn nhân đồng giới. Ở một vài quốc gia khác, người đồng tính có thể sống với nhau theo tình trạng kết hợp dân sự và họ được hưởng quyền lợi ngang bằng như các đôi vợ chồng khác giới. Đan Mạch là nơi đầu tiên có đạo luật này năm 1989, tiếp đến là Pháp, Đức, Anh[10].

Như vậy, đã có sự phát triển về việc pháp điển hóa quyền được kết hôn đồng giới trên thế giới. Tuy nhiên, có vẻ các xã hội Á châu không ủng hộ quan điểm này và chưa có nước nào ở châu Á có quy định ủng hộ vấn đề này. Điều này, dường như trái quá nhiều với quan điểm đạo đức của các nước này. Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề này với góc độ khoa học và cũng phải thấy rằng việc cho phép người đồng tính kết hôn cũng không ảnh hưởng gì đến môi trường chính trị, kinh tế và nếu con người sinh ra vốn được và cần được tôn trọng tự do cá nhân thì quyền tự do kết hôn (cho dù là giữa những người đồng giới) cũng cần được tôn trọng. Hơn nữa, việc cho phép những người đồng tính kết hôn cũng có thể giúp Nhà nước bảo vệ tốt hơn quyền của những đối tượng này bằng công cụ pháp luật, vì nếu không cho phép họ vẫn cố tình chung sống với nhau, và khi có mâu thuẫn xảy ra thì quyền của các bên lại không được bảo đảm bằng pháp luật, như vậy còn nguy hiểm hơn. Nhưng đồng thời cũng cần tính đến các yếu tố tâm lý xã hội khác để tránh gây “sốc” khi các văn bản luật có liên quan được thông qua.

3.2. Quyền của người cao tuổi

Ngày nay, dân số thế giới đang già đi, tỉ lệ người lớn tuổi trong cơ cấu dân số của toàn thế giới đang tăng, điều này đặt ra một thực tế là cần phải quan tâm ngày một nhiều hơn đến các quyền của đối tượng này. Hiện nay, theo ước tính, có gần 20% người cao tuổi trên toàn thế giới được hưởng tiền trợ cấp. Điều này có nghĩa là có khoảng 607 triệu người tuổi từ 60 trở lên thiếu sự đảm bảo về thu nhập[11]. Nhiều người cao tuổi vẫn phải làm các công việc nặng nhọc để kiếm sống, nhiều người bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão thiếu các tiện nghi chăm sóc cá nhân. Thậm chí, tại nhiều nơi cũng không có nhà dưỡng lão để đảm bảo chăm sóc đối tượng người cao tuổi và nhiều người cao tuổi vẫn phải sống trong tình trạng không nhà cửa, lang thang kiếm sống.

Trước tình hình ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, vai trò của người cao tuổi đã không được nhìn nhận đúng đắn và được quan tâm. Đồng thời người cao tuổi cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương do vấn đề về sức khỏe và thu nhập. Nhiều nước cũng đã có những đề xuất sửa đổi pháp luật nhằm bảo vệ quyền của người cao tuổi, xác định rõ hơn rằng những người trẻ tuổi phải có bổn phận thăm nom và chăm sóc cho cha mẹ mình.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, đã đến lúc các nước trên thế giới cần đưa ra các biện pháp tài chính, xã hội và luật pháp nhằm giúp hàng triệu người cao tuổi thoát khỏi cảnh nghèo đói, đảm bảo quyền có cuộc sống khỏe mạnh và được tôn trọng. Những người này đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội; các nước cần đưa ra các chương trình lương hưu cho người cao tuổi, xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách nhằm ngăn chặn sự phân biệt đối xử về tuổi tác và giới tính tại nơi làm việc.

Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Navi Pillay cũng cho rằng, với việc 2/3 số người cao tuổi trên thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chính phủ các nước cần đưa ra các chương trình lương hưu cho người già cũng như các biện pháp phù hợp trong các lĩnh vực nhà ở, y tế, giao thông, nước sạch để đảm bảo rằng họ không bị bỏ rơi và phân biệt đối xử. Dự kiến, đến năm 2050, số người cao tuổi trên toàn thế giới sẽ tăng lên 2 tỷ người[12].

Như vậy, rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các quyền của người cao tuổi, đặc biệt là quyền được đảm bảo mức sống tối thiểu cũng như quyền được chăm sóc về sức khỏe của họ.

3.3. Quyền của người khuyết tật

Hiện nay, số người khuyết tật chiếm khoảng 5% dân số thế giới, vì thế việc quan tâm và đảm bảo quyền của đối tượng này là việc đương nhiên phải tính đến. Nếu như trước đây, quyền của người khuyết tật chỉ được quan tâm ở mức độ đảm bảo cho họ có được mức sống tối thiểu và được chăm sóc về y tế, thì hiện nay, trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, việc chăm lo đến quyền của người khuyết tật chính là việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội.

Việc chăm sóc đến quyền lợi của người khuyết tật ngày nay đồng thời cũng gắn với việc phải tính đến quyền được tham gia giao thông của người khuyết tật và phải tính đến khả năng tiếp cận với các công trình công cộng của người khuyết tật thông qua việc xây dựng các phương tiện, công trình hỗ trợ cho họ, đặc biệt là tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, các địa điểm vui chơi công cộng, nhà ga, sân bay, trạm chờ xe bus hay các điểm vệ sinh công cộng.

Việc ra đời của Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật là một cơ sở pháp lý vững chắc để các nước tiến hành các chương trình, dự án liên quan đến việc tăng cường và củng cố quyền của người khuyết tật trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, dù ở đâu trên thế giới này, đời sống của người khuyết tật vẫn luôn luôn gặp khó khăn và người khuyết tật cũng đồng thời là đối tượng nghèo trong xã hội. Vì thế, cần phải nhận thức rõ hơn về quyền của đối tượng này. Tăng cường đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, cũng như xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật trong việc làm và tham gia vào các công việc của nhà nước và xã hội.

Có thể nhận xét rằng, các xu hướng phát triển mới của quyền con người hiện nay đều gắn chặt với sự phát triển của xã hội, khoa học và quá trình toàn cầu hóa. Trong quá trình phát triển tiếp theo, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới liên quan đến QCN xuất hiện, nhưng trước mắt, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới cần quan tâm và giải quyết các vấn đề mới về QCN đã nói ở trên./.


[1] Magna Carta (1215), Luật về các quyền của Anh (1689), Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1789) và Hiến pháp Mỹ năm 1791 là những văn bản đã tạo cảm hứng cho phần lớn các văn kiện về quyền con người ngày nay.

[2] Theo Dominique Boullier, “Avec internet, un monde commun… mais pluriel” trong “Questions internationales” số 47, tháng 1-2/2011, Documentation française, Paris 2011.

[3] Giải cứu 14 cô gái trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan, http://vtc.vn/10-278429/quoc-te/tin-tuc/giai-cuu-14-co-gai-trong-duong-day-de-thue-o-thai-lan.htm, tham khảo ngày 14/4/2012.

[4] Xem H.Long (tổng hợp), Thế giới cũng mâu thuẫn, Lao động cuối tuần, số 12, ngày 1-3/4/2011, tr.7.

[5] Vũ Quỳnh Hương, Quản để chống, Lao động cuối tuần, số 12, ngày 1-3/4/2011, tr.7.

[6] Có trường hợp một người ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị buộc thôi việc sau khi làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

[7] Như để biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao…

[8]Xem “Echec des marriages homosexuels”, http://qe.catholique.org/11193-echec-des-mariages-homosexuels(tham khảo ngày 22/4/2011).

[9] Phần lớn những người đồng tính đều phải giấu diếm “thân phận” của mình vì sợ bị phân biệt đối xử và khó tìm việc làm. Rất nhiều quán bar, các câu lạc bộ của người đồng tính trên thế giới bị cảnh sát tấn công và yêu cầu đóng cửa với lý do đó là tệ nạn xã hội.

[10] Xem Diễm Thư (tổng hợp) trong Thanh niên tuần san số 24/1/2011, tr.50.

[11] Xem Kiều Giang (Theo Xinhua), Liên hợp quốc đề cao vai trò của người cao tuổi trong cuộc chiến chống đói nghèo, http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30480&cn_id=439273, tham khảo ngày 17/12/2010.

[12] Thông tấn xã Việt Nam, Liên hợp quốc kêu gọi các nước tăng cường hỗ trợ người già, ngày 3/10/2010.

SOUCRCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/mot-so-xu-huong-moi-ve-quyen-con-nguoi

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading