admin@phapluatdansu.edu.vn

SOẠN LUẬT – CUỘC GIẰNG XÉ GIỮA CÁC LỢI ÍCH

con0012 NGUYỄN LONG VÂN

Đã từ lâu, các nhà soạn Luật của chúng ta đa số là người trong bộ máy hành pháp, soạn thảo ra các bản dự thảo Luật, sau đó mới đưa ra Quốc hội thảo luận, góp ý, sửa đổi và thông qua. Với nhãn quan của một kẻ “bề trên”, với địa vị là người sẽ nắm công cụ quyền lực, với thói quen và sự hiểu biết của bộ máy còn nặng thói quan liêu…và vì sự sống còn của chính mình, các nhà soạn thảo có “công tâm” đến đâu chăng nữa thì  bản dự thảo Luật về Hội có đến lần thứ 100 cũng khó lòng đem lại dân chủ thực sự cho người dân trong vấn đề lập Hội.

Từ nóng ruột đến bức bối, rồi cảm giác ngạt thở khi chờ đợi các nhà lập pháp của nước nhà quy hoạch và thực hiện quá trình làm Luật. Có những Bộ luật, các nước đã thực hiện từ “tám mươi đời” rồi mà nay chúng ta vẫn loay hoay ở mức Dự thảo. Lại có những Bộ luật ra đời sau một thời gian dài thai nghén như “voi chửa” nhưng vẫn chưa thể áp dụng vào cuộc sống vì chưa có Nghị định hướng dẫn. Lại có những Bộ luật có Nghị định hướng dẫn rồi nhưng không được cuộc sống chấp nhận vì xa rời thực tế…

Chỉ riêng việc soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 đã có dự thảo đến lần thứ 17 rồi mà vẫn chưa ngã ngũ. Nếu nhìn vào con số này, thật khó lòng trách cứ các nhà soạn Luật của chúng ta thờ ơ với số phận của đất nước, chểnh mảng với sự nghiệp phục vụ nhân dân.

Cuộc sống thì vẫn trôi như dòng nước chảy. Chỉ có điều nó cứ phải biến dạng, uốn lượn theo sự xuống cấp của đạo đức và văn hóa công sở và vì sự thiếu hụt các hành lang pháp lý. Tốn thời gian, giảm nguồn lực, vì thế tụt hậu là điều cũng dễ hiểu.

Có ý kiến nhận xét rằng: mọi người hãy cố gắng ít nhất một lần tham gia các cuộc hội thảo xây dựng luật, được ngắm nhìn các nhà soạn luật làm việc thì sẽ nhận thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng này là do cuộc giằng xé lợi ích giữa các mảng miếng trong cộng đồng xã hội diễn ra rất quyết liệt.

Giả sử có ai đó hỏi các nhà soạn luật của chúng ta rằng: “Thưa ngài, lợi ích tối thượng trong công việc của ngài là gì?” thì chắc chắn (nếu không chắc chắn thì cũng phải đến 99,99%) câu trả lời là ”Vì lợi ích quốc gia”, rất thống nhất. Và như vậy làm gì có chuyện tranh chấp lợi ích như ai đó đã nhận xét?

Cuộc sống vốn khắc nghiệt, cứ bắt con người ta có nhãn quan khác nhau nên nhìn về “lợi ích quốc gia” với to nhỏ khác nhau; cứ bắt người ta có quyền lực khác nhau nên sự quan tâm đến “lợi ích quốc gia” cũng mờ ảo khác nhau; cứ bắt người ta hiểu biết khác nhau nên việc tiếp cận “lợi ích quốc gia” với cung bậc khác nhau…

Một dẫn chứng khá điển hình đã được tác giả Bùi Tường Anh viết trên Tạp chí Nhà Quản lý số 39 về sự gian nan trong quá trình soạn thảo Luật về Hội. Có đời thuở nhà ai khi một đất nước mang danh “dân chủ gấp triệu lần chủ nghĩa tư bản” mà dự định hành lang pháp lý để người dân thành lập Hội như thế này: “Theo Dự thảo, lập Ban vận động Hội: phải xin phép; tổ chức Đại hội thành lập: phải xin phép; quá hạn: phải xin phép; để điều lệ được công nhận: phải xin phép; Đại hội nhiệm kỳ: phải xin phép; Đại hội bất thường: phải xin phép; Đại hội thành lập, Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường xong: phải báo cáo; lập pháp nhân trực thuộc phải báo cáo; lập chi hội phải báo cáo; thay đổi trụ sở phải báo cáo; hàng năm tổng kết công tác: phải báo cáo với 3 cơ quan…”. Trong khi đó, nhu cầu của cuộc sống là như thế này: “Có Hội ra đời để bảo vệ và phát triển lợi ích của những người trong Hội (nhất là những người yếu thế như người tàn tật, người mù…); có Hội ra đời để bảo vệ lợi ích công cộng (như Hội Bảo vệ môi trường, Hội Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…) Có Hội ra đời để làm cân bằng lợi ích giữa các xu hướng phát triển chính đáng khác nhau, những Hội này vô hình trung có thể làm lợi cho người thứ ba là người tiêu dùng (như Hội Chế tạo ô tô, Hội Nhập khẩu ô tô…); lại có Hội ra đời chỉ để phát triển những kỹ năng và làm cho cuộc sống thêm phong phú (như Hội Chơi tem, Hội Chơi đồ cổ…)”.

Với dẫn chứng trên thì sự giằng xé lợi ích ở đây là quyền điều hành của bộ máy Nhà nước và quyền tự do dân chủ của dân chúng.

Đã từ lâu, các nhà soạn Luật của chúng ta đa số là người trong bộ máy hành pháp, soạn thảo ra các bản dự thảo Luật, sau đó mới đưa ra Quốc hội thảo luận, góp ý, sửa đổi và thông qua. Với nhãn quan của một kẻ “bề trên”, với địa vị là người sẽ nắm công cụ quyền lực, với thói quen và sự hiểu biết của b máy còn nặng thói quan liêu… và vì sự sống còn của chính mình, các nhà soạn thảo có “công tâm” đến đâu chăng nữa thì  bản dự thảo Luật về Hội có đến lần thứ 100 cũng khó lòng đem lại dân chủ thực sự cho người dân trong vấn đề lập Hội.

Một dẫn chứng khác là sự giằng xé giữa nguồn thu của Nhà nước, các nhà sản xuất ô tô trong nước và quyền được cải thiện đời sống của nhân dân trong việc dùng ô tô giá rẻ. Nhiều nhà doanh nghiệp nước ngoài không thể hiểu nổi tại sao giá ô tô của Việt Nam lại cao ngất ngưởng được như vậy mà sự phản ứng của dân chúng rất yếu ớt. Trăm sự là do các nhà soạn Luật của chúng ta tạo ra. Họ có nhiều lý do, nào là hạ tầng giao thông chưa phát triển nên chưa khuyến khích tiêu dùng ô tô, nào đây chỉ là nhu cầu của một bộ phận nhỏ dân cư chứ chưa phải là nhu cầu phổ biến; nào là nguồn thu ngân sách sẽ giảm đáng kể nếu giảm giá ô tô… Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà sản xuất ô tô trong nước “chạy” giỏi nên mới giữ được môi trường đầy màu mỡ ấy. Và như thế, cuộc giằng xé xuất hiện thêm một lợi ích nữa: lợi ích cá nhân do sự “chạy” tạo nên. Vì vậy, tiếng nói của người dân trong cuộc “giằng xé” này chủ yếu chỉ thông qua báo chí  như chuồn chuồn đập nước nên “yếu ớt” cũng là đương nhiên.

Trở lại vấn đề “lợi ích quốc gia” trong vấn đề soạn Luật. Những năm gần đây, hệ thống lập pháp của đất nước đã có những biến đổi rõ nét. Chỉ cần tiếp cận qua các công cụ truyền thông, từng người dân có quyền hy vọng chút quyền lực nhỏ nhoi của mình sẽ được các đại biểu Quốc hội quy tụ và sử dụng. Tuy nhiên, việc cân bằng quyền lực làm Luật để bảo đảm lợi ích giữa các tầng lớp dân cư trong cộng đồng xã hội không hề đơn giản. Qua các ví dụ nêu trên, cuộc giằng xé hiện lên khá rõ nét và kẻ mạnh thường chiến thắng.

Có người tự an ủi rằng, dù sao vẫn “lọt sàng xuống nia”, dù lợi ích có nằm ở nhóm cộng đồng này hay nhóm cộng đồng kia thì tổng thể vẫn là lợi ích quốc gia.

Chỉ có điều khó có thể an ủi được là trong các cuộc giằng xé này, lợi ích thuộc về người dân thường không được coi trọng như vị trí của những người chủ của đất nước mà chính các nhà soạn luật  thường rao giảng.

Sẽ không thừa khi nhắc lại lời cảnh báo của bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này khi nhắc đến việc chậm trễ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005: “Điều quan trọng nhất mà các nhà soạn thảo chưa hiểu, hoặc không hiểu, là chính các nhà đầu tư mới là người bỏ lá phiếu quyết định nhất cho Nghị định này. Nhà nước bỏ phiếu bằng cách ban hành Nghị định, nhưng nhà đầu tư thì bỏ phiếu bằng cách của họ là họ có bỏ vốn đầu tư theo quy định của Nghị định hay không… Lá phiếu của họ mới quyết định thành công của Nghị định và Luật Đầu tư”.

Và hệ quả là gì, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2007 của Ngân hàng thế giới mới đây thì Việt Nam tụt xuống 6 bậc so với năm trước (104/175 nước). Đáng chú ý là trong 10 chỉ số đánh giá xếp hạng thì chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư nằm ở hàng 170/175 nước. Như thế, nước ta có tụt  hậu cũng chẳng oan chút nào.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 40, THÁNG 10 NĂM 2006

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading