admin@phapluatdansu.edu.vn

CÁC BẤT HỢP LÝ CƠ BẢN TỪ NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ PHÍ, LỆ PHÍ, CHI PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

TS. LÊ THU HÀ

1. Phí thi hành án

Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiềnP, tài sản theo bản án, quyết định.

Đây là định nghĩa mới nhất về phí thi hành án (THA) được quy định trong Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) đang được cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị (khoản 9, Điều 4 Dự thảo 5 Luật THADS).

Theo Điều 20, Pháp lệnh THADS hiện hành thì, “người được THA có đơn yêu cầu THA phải nộp phí THA đối với khoản THA có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận. Mức phí THA, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và xét miễn, giảm phí THA do Chính phủ quy định”.

Ngay từ khi có quy định về phí THA, nhất là sau khi có hướng dẫn mức thu phí, đã xuất hiên nhiều phản ứng khác nhau, nhất là từ phía những người được THA. Quy định người được THA phải chịu phí THA khi yêu cầu cơ quan THA và mức phí tối đa tới 5% được coi là không thỏa đáng trên bất kỳ phương diện nào.

Về mặt lý luận, bản án, quyết định của Tòa án được tuyên nhân danh Nhà nước, vì vậy, nó được tôn trọng và bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Pháp lệnh THADS năm 2004 đã chi tiết trách nhiệm của toàn xã hội, của cơ quan, tổ chức và mọi công dân đối với việc THA; nghĩa vụ THA của những cá nhân, tổ chức liên quan.

Một trong những nguyên tắc THA là khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải được người có nghĩa vụ THA tự nguyện thi hành. Thực hiện nghĩa vụ THA không chỉ đơn thuần là thực thi bản án, quyết định của Tòa án mà còn là trách nhiệm của công dân phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ chung của xã hội. Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, người có nghĩa vụ THA (người phải THA) tự nguyện THA thì người có quyền trong THA (người được THA) được nhận lại quyền của mình theo đúng bản án, quyết định mà không cần phải làm đơn yêu cầu THA. Trong trường hợp người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện THA, chấp hành viên quyết định cưỡng chế THA theo đúng thủ tục, trình tự được quy định trong pháp luật THADS. Cơ quan THA chỉ tham gia vào quá trình THA với những chi phí THA phát sinh khi người phải THA không tự nguyện THA.

Sự không tự nguyện THA, cũng là sự không tuân thủ pháp luật – những nguyên tắc xử sự chung của xã hội – của người phải THA là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động của cơ quan THADS. Như vậy, người phải chịu trách nhiệm bù đắp một phần kinh phí hoạt động của cơ quan THA phát sinh từ hành vi không tuân thủ pháp luật của mình chính là người phải THA.

Từ góc độ này, những chi phí có thể tính toán được trong THA, sẽ do người phải THA chịu. Sự chịu trách nhiệm bằng vật chất của người phải THA không chỉ tương xứng với hành vi không tôn trọng bản án, không tôn trọng pháp luật của người phải THA, có ý nghĩa giáo dục đối với họ, mà còn có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực và hiệu quả đối với tất cả các thành viên trong xã hội. Mọi người cần phải hiểu điều sơ đẳng rằng: khi tồn tại trong một cộng đồng, họ cần phải tuân thủ những quy định của cộng đồng. Ngược lại, nếu không tuân thủ và thực hiện những quy tắc xử sự chung, cá nhân họ sẽ chịu những trách nhiệm tương ứng và rất cụ thể trước cộng đồng. Những quy định về trách nhiệm vật chất của người phải THA theo hướng họ mới chính là người phải chịu một phần các chi phí có thể tính toán được trong THA phù hợp với hành vi của họ, chắc chắn sẽ là quy định góp phần vào việc từng bước đưa hoạt động THA theo hướng tích cực. Điều này cũng sẽ giúp đẩy lùi dần tình trạng “nhờn” pháp luật của người dân, hình thành ý thức tự giác “sống và làm việc theo pháp luật”. Đây cũng là biện pháp tích cực để đưa pháp luật vào cuộc sống.

Quy định người phải THA chịu phí THA không đồng nghĩa với việc quy định mức phí thật cao. Khác với nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, tổ chức THADS là hệ thống cơ quan của Nhà nước, mọi hoạt động của cơ quan THA và việc chi trả lương cho cán bộ cơ quan THA là từ ngân sách nhà nước. THADS là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THA. Ngân sách nhà nước dành một phần cho sự tồn tại của cơ quan THA với mục đích để cơ quan này giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, việc xác định mức phí THA phải được cân nhắc, tính toán thận trọng.

Pháp lệnh THADS năm 2004 và các dự thảo văn bản pháp luật về THADS quy định người được THA phải chịu phí THA khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định là đi ngược lại với nguyên tắc chung, thông thường. Người được THA là người có quyền và lợi ích hợp pháp theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án. Quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ là đương nhiên và không thể có giá của sự bảo vệ trong trường hợp này. Không thể quan niệm rằng, để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp đó thì người được THA phải trả tiền – phí THA. Người được THA cũng không phải chịu trách nhiệm về việc người khác không tuân thủ pháp luật (người phải THA không THA).

Như vậy, dù giải thích với bất kỳ lý do gì thì người được THA cũng không thể là người phải chịu phí THA. Mà đó là trách nhiệm của người phải THA. Thái độ không tôn trọng pháp luật của người phải THA không phải chỉ bị phê phán hay lên án bằng dư luận xã hội mà cần bị nghiêm trị bằng chế tài, thông qua việc người này phải chịu phí THA.

Như vậy, nếu các nhà làm luật vẫn muốn quy định thêm mức phí THA như Pháp lệnh năm 2004, thì cần xác định đúng: người phải nộp phí THA là người phải THA.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật về THA trước đây và hiện hành đã thể hiện quan niệm ngược với nguyên tắc này. Và trong Dự thảo Luật THADS, hình như những nhà soạn thảo có lẽ cũng đang “mơ hồ” khi xác định phí THA và ai là người phải nộp.

Cụ thể, từ Điều 20 Pháp lệnh THADS năm 2004, những dự thảo đầu tiên của Bộ Luật THA cũng coi người phải nộp phí THA là người được THA. Ví dụ: Điều 28, Dự thảo số 10 Bộ luật THA (tháng 3/2006) quy định: “người được THA phải nộp phí THA đối với khoản THA có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận”.

Nhưng đến Dự thảo số 17 (tháng 9/2006), ngoài người được THA, người phải THA cũng phải chịu phí THA theo khung phí do Chính phủ quy định (Điều 29).

Chưa biết người được THA, người phải THA sẽ chia nhau nộp phí THA như thế nào, nên đến những dự thảo cuối cùng của Bộ luật THA, như dự thảo số 25 (tháng 9/2007), người còn lại phải chịu phí THA là người phải THA: “1. Người phải THA phải chịu phí, chi phí THA; trừ trường hợp quy định tại Điều 132 của Bộ luật này. 2. Người có đơn yêu cầu THA phải nộp tiền tạm ứng phí, chi phí THA và được hoàn trả khi thu từ người phải THA…” (Điều 131).

Sau khi dự thảo Bộ luật THA được tách làm hai: Dự luật THA hình sự và Dự luật THADS, dự thảo Luật THADS số 4 (2/2008) lại chỉ quy định người phải chịu phí THA là người được THA như đã nói ở trên.

Những quy định không nhất quán, dù mới chỉ là trong các dự thảo văn bản pháp luật về THADS về người phải chịu phí THA cho thấy, những nhà xây dựng dự thảo luật đang thiếu một cơ sở pháp lý, một căn cứ lý luận chắc chắn để thu phí THA.

Trên thực tế, việc thu phí của người được THA theo quy định của Pháp lệnh THADS năm 2004 gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có sự không đồng tình của người dân trong việc thu phí và mức phí (mức cao nhất là 5% giá trị tài sản được nhận) không hợp lý, chính cơ quan THA cũng rất lúng túng khi thu phí. Câu hỏi đặt ra là: giá trị tài sản được nhận theo bản án hay giá trị tài sản thực nhận sẽ quyết định đến tỷ lệ thu phí? Mặt khác, nhiều vụ việc được THA theo định kỳ hoặc thu theo khả năng của người phải THA, ví dụ: tài sản người được THA được nhận theo bản án là một tỷ đồng. Nếu tính án phí của cả một tỷ đồng thì sẽ có một mức khác, nhưng thực tế, số tiền này lại được thu làm rất nhiều lần. Tính trên tài sản thực nhận mỗi lần của người được THA, số tiền phí mà người được THA phải trả có thể bị đẩy lên rất cao so với việc họ nhận một lần toàn bộ số tiền trên. Đây là sai lầm của cơ quan THA khi tính phí cho người được THA và cũng là những vướng mắc trong thu phí THA cho thấy vấn đề thu phí THA rắc rối hơn rất nhiều so với những gì mà nhà làm luật mong muốn. Cũng đã có Thông tư số 43/2006/TTLT-BTP-BTC ngày 19/5/2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THA nhưng phí THA vẫn là một trong những vướng mắc thường gặp nhất của các cơ quan THA ở địa phương. Đây cũng là một trong những lĩnh vực thường có khiếu kiện nhất của người dân (người được THA) trong THADS. Một thực tế khác nữa là khoản phí THA hiện nằm ở nhiều cơ quan THA, nhưng rất khó giải ngân được cũng làm cho vấn đề tài chính trong THADS càng phức tạp.

Bởi vậy, cần thiết phải có cách nhìn tổng thể hơn về vấn đề phí THA. Cũng như những vấn đề luật pháp, bất kỳ một quy định nào, trong đó có quy định về phí THA phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, hợp lý, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan thực thi pháp luật áp dụng thuận lợi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân. Quy định không hợp lý sẽ dẫn đến không chỉ người dân mệt mỏi, thiệt thòi mà cơ quan THA cũng vất vả, tăng thêm khiếu kiện không cần thiết cho một hoạt động vốn đang được xã hội rất quan tâm.

2. Lệ phí yêu cầu thi hành án

Không chỉ riêng phí THA, quy định về lệ phí yêu cầu THA cũng là vấn đề cần phải được xem xét lại.

Lệ phí yêu cầu THA không có trong các quy định của văn bản pháp luật THA hiện hành, mà gần đây mới được đề cập đến trong một số dự thảo Bộ luật THA và các dự thảo Luật THADS. Ngay từ những dự thảo đầu tiên như dự thảo số 5, số 6 Bộ luật THA đã có quy định về lệ phí nộp đơn yêu cầu THA. Theo Điều 35 dự thảo số 5[1] Bộ luật THA (tháng 8/2005) thì người được THA phải nộp lệ phí nộp đơn yêu cầu THA để góp phần hỗ trợ chi phí THA và khoản lệ phí này không được hoàn lại.

Tiếp tục tinh thần của những dự thảo trước, Điều 27 Dự thảo số 10 Bộ luật THA (tháng 3/2006) cũng khẳng định: người được THA phải chịu lệ phí nộp đơn yêu cầu THA. Lệ phí nộp đơn yêu cầu THA được thu mỗi lần nộp đơn yêu cầu THA.

Đến Dự thảo số 17 Bộ luật THA (tháng 9/2006), thì người phải nộp lệ phí nộp đơn yêu cầu THA không chỉ là người được THA mà cả người phải THA, nếu người phải THA tự nguyện muốn THA cũng phải nộp lệ phí yêu cầu. Lệ phí được thu mỗi lần nộp đơn yêu cầu THA (Điều 28).

Sự bất hợp lý không chỉ là việc người được THA phải chịu lệ phí yêu cầu THA mà còn bất hợp lý ngay cả trong trường hợp người phải THA cũng phải nộp lệ phí yêu cầu. Quy định này không đem lại lợi ích cho nhà nước vì mức lệ phí yêu cầu THA không thể thu cao, mà những trường hợp người phải THA tự nguyện THA không nhiều, thì sẽ triệt tiêu luôn sự tự nguyện, vốn đã quá hiếm hoi trong THADS và đang rất cần được khuyến khích không phải vì số lệ phí phải nộp mà từ sự bất hợp lý và quá rắc rối trong thủ tục THA.

Có lẽ, nhận thức được sự bất hợp lý trên, dự thảo số 25 Bộ luật THA đã không đưa phần quy định về lệ phí yêu cầu THA vào thủ tục THA.

Nhưng đến nay, dự thảo số 4, dự thảo số 5 Luật THADS lại tiếp tục quay lại với các quy định này. Khoản 10, Điều 4 dự thảo số 4 Luật THADS (tháng 2/2008) định nghĩa: lệ phí là khoản tiền mà người nộp đơn yêu cầu thi hành phải nộp theo quy định của pháp luật.

Có lẽ, cần đặt người được THA trong bối cảnh họ đã là đương sự trong vụ án tại Tòa án với rất nhiều thủ tục tố tụng phức tạp, tốn kém về thời gian, tiền của, để rồi khi quyền lợi hợp pháp của họ được Tòa án công nhận trong bản án, họ lại phải tiếp tục thực hiện rất nhiều thủ tục tại cơ quan THA, trong đó có cả sự tốn kém thực sự về tiền của thì họ mới có cơ hội để được bảo vệ, chúng ta mới thấy con đường đến với công lý quả là gian nan, vất vả. Và cuối cùng, họ có thực sự tiếp cận được nền công lý hay không vẫn là con đường mơ hồ ở phía trước, bởi tình trạng án tồn đọng, án không có khả năng thi hành vẫn là một vấn đề nhức nhối.

Cũng phải khẳng định rằng, cũng giống như sự bất nhất trong quy định về người phải chịu phí THA, sự bất nhất trong quy định về lệ phí yêu cầu THA và người phải chịu lệ phí yêu cầu THA một lần nữa cho thấy, những người xây dựng dự thảo luật đã thiếu những cơ sở lý luận cần thiết trong lĩnh vực về lệ phí yêu cầu THA cũng như những khoản phí khác trong THADS.

3. Chi phí thi hành án

Không là trường hợp ngoại lệ, quy định về chi phí THA theo dự thảo mới nhất của Luật THADS sẽ tiếp tục tạo ra những phiền hà và những tốn kém mới, không phải chỉ cho người phải THA mà đặc biệt cho cả người được THA.

Trước khi phân tích những bất cập này, cũng cần nhìn lại những quy định về chi phí cưỡng chế THA để thấy tính hệ thống của vấn đề.

Trước năm 1993, khi nhiệm vụ THA còn thuộc chức năng của Tòa án, vấn đề chi phí THA cũng đã được nói đến rất đơn giản, nhưng cũng rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng. Trong đề án năm 1968 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề cần được chú ý để đẩy mạnh công tác THA, tại điểm 7 có nêu: sau khi trả những chi phí, tiền bán những đồ vật đã bị kê biên sẽ dùng để thanh toán những khoản tiền phải THA, nếu còn thừa thì trả lại cho người mắc nợ. Dù không nói ai là người phải chịu các chi phí phát sinh trong THA, nhưng việc xác định khoản chi phí được lấy từ tiền bán đồ vật bị kê biên đồng nghĩa với việc khoản chi phí này do người phải THA chịu và đó cũng không phải là một khoản chi phí riêng, mà khoản này chỉ được thanh toán khi thi hành được bản án, quyết định.

Kế thừa những quy định này, Pháp lệnh THADS năm 1989 (Pháp lệnh đầu tiên về THADS), tại Điều 31 về thứ tự thanh toán tiền bán tài sản cũng ghi nhận: số tiền bán tài sản, sau khi trừ những chi phí về THA, được thanh toán cho người được THA theo thứ tự. Số tiền còn lại được trả cho người phải THA.

Tiếp đó, Pháp lệnh THADS năm 1993 (Pháp lệnh đầu tiên quy định việc THA thuộc chức năng của cơ quan THA), Pháp lệnh năm 2004 cũng khẳng định người phải THA phải chịu chi phí THA với nội dung tương tự. Theo Điều 38 Pháp lệnh THADS năm 2004 thì, người phải THA phải chịu chi phí cưỡng chế THA. Thứ tự thanh toán tiền THA: số tiền THA, sau khi trừ các chi phí về THA, trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày thu được, được thanh toán theo thứ tự (Điều 51).

Sự phức tạp bắt đầu từ Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong THADS. Mặc dù Pháp lệnh đã khẳng định rõ rằng người phải chịu chi phí THA là người phải THA, nhưng Điều 28 của Nghị định này không chỉ nêu những chi phí THA mà người phải THA phải chịu, mà còn quy định người được THA cũng phải chịu chi phí THA trong một số trường hợp. Phải chăng, hướng dẫn không phù hợp với luật này đã tạo tiền lệ xấu cho một loạt những bất cập về chi phí THA trong các dự thảo gần đây, đó là các dự thảo của Luật THADS.

Trước đó, các dự thảo Bộ luật THA không coi người được THA chịu chi phí cưỡng chế THA. Điều 84 Dự thảo số 5 Bộ luật THA (tháng 8/2005) có nêu: người phải THA phải chịu chi phí cưỡng chế THA, kể cả trong trường hợp tự nguyện nộp đơn yêu cầu THA. Và Điều 131 dự thảo số 25 Bộ luật THA (tháng 9/2007) cũng khẳng định: người phải thi hành phải chịu chi phí THA, trừ trường hợp quy định tại Điều 132 của Bộ luật.

Nhưng đến các dự thảo Luật THADS, những quy định về chi phí THA ngày càng trở nên phức tạp, không phải chỉ liên quan đến người phải chịu chi phí THA mà còn là các loại chi phí THA. Trong đó, các chi phí cưỡng chế THA cũng gồm rất nhiều loại: chi phí thông báo, chi phí xác minh tài sản, chi phí cưỡng chế THA và các khoản chi phí khác trong quá trình THA (khoản 1, Điều 59 dự thảo số 4 Luật THADS).

Đối với người được THA, dự thảo quy định rõ những trường hợp người này phải chịu chi phí THA (khoản 3 Điều 59 dự thảo số 4 Luật THADS) là: (a) Chi phí xác minh tài sản trong trường hợp yêu cầu Chấp hành viên xác minh; (b) Chi phí định giá lại tài sản (nếu người được THA yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại có căn cứ xác định phạm vi thủ tục định giá hoặc quá hạn sáu tháng, kể từ ngày định giá mà tài sản chưa bán được); (c) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được THA phải chịu chi phí xây ngăn.

Dự thảo số 5 Luật THADS (ngày 21/2/2008) cũng quy định nội dung tương tự tại Điều 64.

Như vậy, theo Dự thảo số 5 Luật THADS (ngày 21/2/2008) – dự thảo mới nhất – thì chỉ riêng đối với người được THA, họ sẽ phải chịu các loại tiền liên quan đến THA sau đây:

Thứ nhất, lệ phí yêu cầu THA: người được THA phải nộp lệ phí yêu cầu THA ngay khi có đơn yêu cầu THA (điểm b, khoản 2 Điều 15). Nếu không nộp lệ phí, cơ quan THA từ chối nhận đơn yêu cầu THA (khoản 1, Điều 48);

Thứ hai, chi phí THA gồm chi phí xác minh tài sản; chi phí định giá lại tài sản; chi phí xây ngăn (Điều 64);

Thứ ba, phí THA phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định (Khoản 9, Điều 4).

Các quy định này chắc chắn không thể được coi là bước tiến của pháp luật THA. Cùng với việc quá nhiều loại tiền phải nộp đi liền với rất nhiều thủ tục phải thực hiện, con đường tiếp cận công lý của người được THA ngày càng trở nên gian nan, gập ghềnh theo cách quy định này, sẽ làm nản lòng người dân. Quyền và lợi ích hợp pháp của họ đương nhiên được pháp luật bảo vệ nhưng ngày càng trở nên xa rời họ bởi những chi phí và thủ tục không hiểu nổi trong dự thảo Luật THADS.

4. Kết luận

Bất kỳ đạo luật nào được làm ra cũng đều có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Với những quy định bất hợp lý về các loại lệ phí, phí và chi phí trong THA như đã phân tích, chúng tôi đề nghị các nhà làm luật phải xem xét lại toàn bộ vấn đề này một cách thận trọng, từ nhiều góc độ. Không phải chỉ là những vấn đề đối với người được THA, mà ngay cả với người phải THA, người có lỗi và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho quá trình THA cũng được xem xét một phần trách nhiệm, bằng việc phải chịu một phần chi phí của quá trình THA, đó là chi phí cưỡng chế THA – với những chi phí hợp lý như đã được đề cập trong hệ thống pháp luật THADS từ trước tới nay.

Nên đặt vấn đề, nếu các loại tiền mà đương sự phải nộp trong THA có thể bù đắp được một phần chi phí hoạt động của cơ quan THA, thì có lẽ phải tính đến một hệ thống cơ quan THA không phải của Nhà nước. Khi đó, toàn bộ hoạt động THA sẽ do chính quá trình THA trang trải. Nhưng trên thế giới, có lẽ không có một nhà nước nào lại để người dân phải lấy thu bù chi trong hoạt động THA. Ngay ở những nước mà việc THA do những tổ chức không phải của nhà nước thực hiện thì chắc chắn, nhà nước vẫn có những hỗ trợ cần thiết đối với hoạt động của những tổ chức này. Không thể coi hoạt động thi hành bản án, quyết định của Tòa án là một hoạt động dân sự thuần túy của người dân. Thi hành bản án của Tòa án không chỉ là việc người dân thi hành quyền lợi của nhau mà thể hiện quyền uy, sức mạnh của Nhà nước trong đời sống xã hội. THA vừa thể hiện vai trò, vừa thể hiện quyền lực Nhà nước; đó không phải là vấn đề cá nhân.

Bởi thế, những khoản tiền được thu trong THA chỉ nên nhằm vào người phải THA và mang tính tượng trưng, nhằm mục đích giáo dục người không tuân thủ pháp luật và những người khác về trách nhiệm tôn trọng những nguyên tắc xử xử chung. Không có nhiều loại tiền thu; không nhằm vào người được THA, đây là những nguyên tắc khi xây dựng về phí, lệ phí, chi phí trong THADS.

[1] Có thể tra cứu các Dự thảo Bộ luật THA trên trang web: http://www.vibonline.com.vn.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 122 – THÁNG 5/2008

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nghien-cuu-lap-phap/122-thang-5/ban-ve-du-an-luat/cac-bat-hop-ly-co-ban-tu-nhung-quy-111inh-ve-phi-le-phi-chi-phi-thi-hanh-an-dan-su

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading