admin@phapluatdansu.edu.vn

QUI ĐỊNH MỚI VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA SÁNG CHẾ – LỢI BẤT CẬP HẠI

PHẠM DUY KHƯƠNG

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, trong đó có quy định mới về Sáng chế. Đây là một quy định đã gây nhiều tranh cãi, nhất là khi áp dụng vào thực tiễn. Chúng tôi xin được đưa ra những đánh giá khách quan về ảnh hưởng của quy định này đối với xã hội, nhà sáng chế và cả với Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, một đối tượng được coi là không phù hợp với hình thức bảo hộ độc quyền sáng chế nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải và sản phẩm hoặc quy trình. Đối tượng trong đơn không được coi là giải pháp kỹ thuật nếu: (i) đối tượng chỉ là ý tưởng, chỉ nêu vấn đề mà không giải quyết, không trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” /”bằng phương tiện nào”; (ii) vấn đề được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết bằng cách thức kỹ thuật; (iii) các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.

Như vậy, với quy định trên về sáng chế, có thể nhận thấy điều khác biệt của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 so với các quy định pháp luật trước đây về sở hữu trí tuệ. Nếu như trước đây, những đối tượng có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm sản phẩm, quy trình và việc sử dụng (new indication) – các yêu cầu bảo hộ đề cập đến việc sử dụng còn được biết đến dưới tên làSwiss case (kiểu Thuỵ Sĩ) – và pháp luật cho phép người nộp đơn bảo hộ những khám phá mới của họ đối với công dụng mới của một chất, hoạt chất, hợp chất đã biết v.v.. Còn, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã giới hạn lại phạm vi các đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, theo đó, một đối tượng được bảo hộ chỉ có thể là sản phẩm hoặc quy trình. Như vậy, có thể hiểu là đối tượng “việc sử dụng” đã bị “gạt tên” ra khỏi danh sách những đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế.

Có thể nói, mỗi thay đổi trong các quy định của luật pháp là để nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn của xã hội, giải quyết một vấn đề cụ thể, phù hợp với chính sách kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trong thời điểm đó. Thực tế nền kinh tế – xã hội nước ta cho thấy, chúng ta vẫn đang là một nước chậm phát triển, trình độ khoa học, thiết bị công nghệ còn lạc hậu. Do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta phải được quy định uyển chuyển để dễ phát huy các thành quả trí tuệ của nhân loại. Từ đó mà có thể hiểu, việc loại bỏ đối tượng “việc sử dụng” khỏi danh sách các đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế là để nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh sự độc quyền, cho phép người dân được quyền sử dụng những tiến bộ, phát hiện mới để phục vụ các lợi ích của mình. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, quy định mới này đã lại bộc lộ sự “lợi bất cập hại” của nó.

Như đã biết, việc bảo hộ sáng chế là nhằm tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và tìm tòi, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ từ nước hiện đại sang nước kém phát triển hơn, kích thích phát triển kinh tế, công nghệ và thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc tác động đến động lực tài chính của hoạt động sáng tạo. Việc loại bỏ đối tượng “việc sử dụng” được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, vô hình chung đã làm cho xã hội mất đi cơ hội được biết đến công dụng mới của một sản phẩm, hoạt chất nhất định, để giảm các hoạt động nghiên cứu về tác dụng mới của một hoạt chất, hợp chất hay một sản phẩm đã biết. Thực nghiệm khoa học cho thấy, để tìm ra công dụng mới hay có thể hiểu là một chỉ định mới của một sản phẩm hoặc một chất cũng đòi hỏi hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, cũng làm hao mòn về mặt trí lực, thể lực và phí đầu tư cũng giống như công sức để sáng chế ra “sản phẩm” hoặc “quy trình”. Ví dụ, nếu như trước đây đối tượng như nêu trong Yêu cầu bảo hộ sau được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế “việc sử dụng hoạt chất A để làm tăng năng suất cây trồng” hoặc “việc sử dụng hoạt chất có công thức I để diệt trừ sâu bọ gây hại”. Như vậy, nếu việc đối tượng sử dụng không được bảo hộ, thì điều này sẽ khiến các nhà sáng chế sẽ loại bỏ đối tượng này ra khỏi danh sách khi nộp đơn đăng ký độc quyền sáng chế tại Việt Nam. Như vậy, người dân sẽ không được biết đến công dụng mới này. Đặc biệt, khi đối tượng sử dụng chủ yếu tập trung vào chỉ định mới hay công dụng mới của một hợp chất, hoạt chất để phòng trừ sâu bọ, nấm gây hại hoặc làm tăng sản lượng cây trồng, điều này rất có lợi cho sự phát triển nông nghiệp, thì việc loại bỏ đối tượng này sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp của nước nhà.

Bên cạnh đó, quy định mới này cũng tác động tới nhà sáng chế. Việc bảo hộ sáng chế là nhằm giúp nhà sáng chế có đủ thời gian để thu lại lợi nhuận bù đắp cho những đầu từ về trí lực và thể lực của mình. Ngoài ra, còn để làm cân bằng giữa lợi ích của nhà sáng chế và xã hội. Việc phát hiện ra công dụng mới của một sản phẩm hoặc hoạt chất nhất định cũng yêu cầu nhà sáng chế đầu tư về thời gian, công sức, tiền của. Do đó, khi loại bỏ đối tượng “việc sử dụng” ra khỏi danh sách những đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, chúng ta đã một phần làm mất đi sự cân bằng này, do đó, về lâu dài sẽ hạn chế sự phát triển khoa học, hạn chế khả năng tiếp cận tri thức mới và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Quy định mới về sáng chế còn ảnh hưởng trực tiếp đến các xét nghiệm viên sáng chế nói riêng và Cục Sở hữu trí tuệ nói chung. Chúng ta biết rằngQ, một đơn sáng chế nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ được phân ra thành những luồng chính sau: đơn PCT và đơn thông thường. Đối với đơn PCT, khi một đơn sáng chế tương tự với đơn nộp tại Việt Nam đã được cấp bằng độc quyền tại Châu Âu, Nhật Bản hoặc Mỹ, thì xét nghiệm viên của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng dựa trên cơ sở này để đưa ra quyết định tương tự. Do đó, có thể thấy cách đánh giá của xét nghiệm viên của Việt Nam đối với khả năng cấp bằng độc quyền cho một đơn đăng ký sáng chế là tương đối phụ thuộc vào quan điểm của xét nghiệm viên nước ngoài. Đối với đơn thông thường, không phải là đơn PCT, hiện nay xét nghiệm viên thường phải viện dẫn đến xét nghiệm viên của Nga hoặc Úc để đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ. Thực trạng này cũng chính là tâm điểm dẫn đến các phức tạp phát sinh khi có những thay đổi mới về đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Việc không bảo hộ đối tượng “sử dụng” với danh nghĩa là sáng chế sẽ khiến người nộp đơn “biến tấu” đối tượng “sử dụng” sang một đối tượng khác như là quy trình hoặc phương pháp, trong đó thực chất vẫn ngầm đề cập đến đối tượng “sử dụng”. Do đó, việc sửa đổi này đã thực sự làm lúng túng các xét nghiệm viên Cục Sở hữu trí tuệ. Ví dụ, đối với đơn PCT, người nộp đơn có thể sửa đổi đối tượng “sử dụng” sang quy trình, sản phẩm thu được từ quy trình, phương pháp và điều này vô tình sẽ làm cho Yêu cầu bảo hộ của đơn nộp tại Việt Nam khác so với Yêu cầu bảo hộnộp tại PCT. Do đó, xét nghiệm viên sẽ không thể hoàn toàn dựa vào Xét nghiệm nội dung đối với đơn tương tự nộp tại nước ngoài để áp cho đơn nộp tại Việt Nam. Điều này khiến xét nghiệm viên muốn loại bỏ hoặc tìm cách từ chối những sửa đổi của người nộp đơn. Thậm chí, xét nghiệm viên cũng không thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn về việc, liệu một sửa đổi như vậy đối với đối tượng sử dụng có được chấp nhận hay không và lý do cụ thể của việc chấp nhận hoặc phản đối. Điều này vô hình chung cũng gây ra khó khăn cho Đại diện của người nộp đơn, các luật sư… khi tư vấn khách hàng khắc phục thiếu sót.

Chính sách quốc gia về sở hữu trí tuệ phải dựa trên cơ sở cân nhắc giữa mục tiêu khuyến khích sáng tạo và mục tiêu nhanh chóng phổ biến, áp dụng tri thức cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Dường như việc loại bỏ đối tượng “sử dụng” ra khỏi danh sách các đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế đã không đi theo con đường này, và đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các ảnh hưởng đến xã hội và nhà sáng chế.

SOURCE: http://www.nclp.org.vn/y_kien_luat_gia/quy-111inh-moi-ve-111oi-tuong-cua-sang-che-loi-bat-cap-hai

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading