admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁN PHÁ GIÁ

Bán phá giá xảy ra khi một công ty xuất khẩu một hàng hoá với giá thấp hơn giá bán thông thường trên thị trường nội địa của mình. Nếu hành động bán phá giá này gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất của nước nhập khẩu thì cơ quan chức năng của nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá để bù đắp cho những thiệt hại do hành vi bán phá giá gây ra.
Bán phá giá được định nghĩa trong Khoản 1, Điều VI của GATT 1994: “… bán phá giá là cách hàng hóa của một nước được đưa vào thị trường của nước khác với mức giá thấp hơn giá thị thông thường của hàng hóa, …”
Điều 2.1 Hiệp định Chống bán phá giá (ADA) của WTO:
“…một hàng hóa được coi là bị bán phá giá, có nghĩa là được đưa vào thị trường của nước khác ở mức thấp hơn giá trị thông thường, nếu giá xuất khẩu của một hàng hóa được xuất khẩu từ một nước sang một nước khác thấp hơn giá có thể so sánh được, trong điều kiện thương mại thông thường, là giá của hàng hóa tương tự được bán để tiêu dùng tại nước xuất khẩu đó.”
Điều 3.1 Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (Pháp lệnh chống bán phá giá):
“Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ bị coi là bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu hàng hóa đó được bán với giá thấp hơn giá trị thông thường…”   
Tóm lại, bán phá giá được xác định bằng cách so sánh “giá xuất khẩu” với “giá thông thường’. Bán phá giá xảy ra khi “giá xuất khẩu” thấp hơn “giá thông thường”. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình xác định liệu một nhà xuất khẩu có bán phá giá đến mức gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước tại thị trường nhập khẩu hay không phức tạp hơn nhiều so với việc so sánh giá một cách đơn giản. Để áp dụng được biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra phải trải qua một cuộc điều tra kỹ lưỡng và phải chứng minh được đủ ba điều kiện:

§ Có bán phá giá và biên độ bán phá giá cụ thể (“xác định bán phá giá”)

§ Ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự trong nước nhập khẩu bị thiệt hại một cách đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại một cách đáng kể hoặc việc bán phá giá gây khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước (“xác định thiệt hại”)

§ Thiệt hại mà ngành sản xuất trong nước phải gánh chịu xảy ra hoặc bị đe dọa xảy ra là do hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá gây ra (“xác định mối quan hệ nhân quả”)

Quy trình xử lý vụ việc chống bán phá giá

Theo quy định của Pháp lệnh chống bán phá giá 20/PL-UBTVQH11, một vụ việc điều tra và xử lý chống bán phá giá có thể được tiến hành qua bốn giai đoạn:
>>> Giai đoạn 1: Thẩm định hồ sơ và ra quyết định điều tra
>>> Giai đoạn 2: Điều tra sơ bộ và ra kết luận điều tra sơ bộ
>>> Giai đoạn 3: Điều tra cuối cùng và ra kết luận cuối cùng
>>> Giai đoạn 4: Áp dụng biện pháp chống bán phá giá và tiến hành rà soát

Quy trình xử lý vụ việc chống bán phá giá

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Khi cho rằng lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi hành vi bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, các cá nhân, tổ chức Việt Nam có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá lên Cục Quản lý cạnh tranh. Hồ sơ bao gồm:

§ Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (Nội dung đơn được quy định chi tiết tại Điều 18 của Nghị định 90/2005/NĐ-CP)

§ Các tài liệu, thông tin liên quan khác mà tổ chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho là cần thiết

Vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá do Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá tiến hành. Thời hạn và thủ tục chi tiết của từng giai đoạn được quy định cụ thể trong Pháp lệnh chống bán phá giá và Nghị định 90/2005/NĐ-CP.

SOURCE: http://www.qlct.gov.vn/Web/Zone.aspx?zoneid=143&lang=vi-VN&parentID=64

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading