admin@phapluatdansu.edu.vn

TÊN GỌI VÀ GỌI TÊN HỢP ĐỒNG

 NGUYỄN XUÂN ĐANG

Gọi tên một hợp đồng theo suy nghĩ chủ quan của các bên giao kết mà không theo quy định của pháp luật, liệu có ảnh hưởng đến tính pháp lý của hợp đồng sau này?

Trong hợp đồng có loại điều khoản mà các bên phải thỏa thuận (điều khoản cơ bản, ghi nhận nội dung cơ bản chủ yếu của hợp đồng. Về nguyên tắc các bên phải thỏa thuận với nhau về điều khoản này thì hợp đồng mới được coi là đã được giao kết. Cơ sở để xác định điều khoản này là do pháp luật quy định hoặc dựa vào bản chất của hợp đồng), có thể thỏa thuận (điều khoản tùy nghi – những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý thỏa thuận) hoặc không cần thỏa thuận (điều khoản thông thường – những điều khoản mà khi giao kết hợp đồng các bên không thỏa thuận cũng không sao cả, khi phát sinh tranh chấp sẽ áp dụng các quy phạm pháp luật tùy nghi để giải quyết).

Tuy nhiên trên thực tế, một khả năng hay xảy ra là các bên giao kết, với những lý do khác nhau, đã vô tình/cố ý “gán” cho hợp đồng một tên gọi không tương thích theo bản chất pháp lý của mối quan hệ pháp lý này. Ví dụ: hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất được “biến” thành hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho mượn (vay) thành hợp đồng góp vốn, hợp đồng xây lắp thành hợp đồng liên kết kinh tế… Nói một cách hình ảnh, hợp đồng, trong trường hợp này, bị “ngồi nhầm lớp”, hay một cách đơn giản, hợp đồng đã mang tính chất khác và đáng lý ra phải được gọi bằng một tên khác.

Khi phát sinh tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng, một số vấn đề đặt ra là: sẽ xác định các điều khoản cơ bản của hợp đồng như thế nào? Sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng được pháp luật thừa nhận đến giới hạn nào? Cơ sở để lựa chọn và áp dụng các quy phạm tùy nghi của pháp luật vào trường hợp này?

Một vài thực tiễn pháp lý sau thiết nghĩ sẽ làm sáng rõ vấn đề này:

Tại Quyết định số 01/2004/HĐTP-KT ngày 26-2-2004 về vụ án tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã nhận định: “Tuy hợp đồng số 01/HT- HQ ngày 29-8-1996 ghi là “Hợp đồng liên kết sản xuất” (được ký kết giữa DNTN X và Công ty TNHH TH), nhưng nội dung của phụ lục hợp đồng số 01 và phụ lục hợp đồng số 02 đã thể hiện bản chất của hợp đồng là thuê nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất, chứ không phải là liên kết thành lập đơn vị kinh tế mới theo Quy định về liên kết kinh tế (ban hành kèm theo Quyết định số 38/HĐBT ngày 10-4-1989 của Hội đồng Bộ trưởng)”. Từ đó hội đồng đã giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm khi đã áp dụng các quy định pháp luật đất đai tương ứng quy định về thủ tục cho thuê; cho thuê lại đất đối với tổ chức mà không áp dụng các quy định về liên kết kinh tế, để xác định một bên đã vi phạm hợp đồng và giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên.

Một ví dụ khác, liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước giếng giữa DNTN X và Công ty HC, theo Tòa kinh tế TANDTC, “xem xét, nghiên cứu vụ án thấy hợp đồng hai bên ký thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa nên xác định là hợp đồng mua bán được điều chỉnh theo Luật Thương mại. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm áp dụng Luật Thương mại để giải quyết tranh chấp này là đúng nhưng khi xét xử lại có sai sót như là phạt vi phạm hợp đồng mức 12% trong khi Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (điều 228)”.

Như vậy, trong khi tranh chấp liên quan đến hợp đồng bị gọi nhầm tên được giải quyết tại tòa án, các thẩm phán Việt Nam đã áp dụng các quy phạm mệnh lệnh (ở ví dụ 1) và quy phạm tùy nghi (ở ví dụ 2) để xác định các điều khoản cơ bản của hợp đồng và các quyền và nghĩa vụ của các bên, theo bản chất của hợp đồng (được xác định dựa vào tất cả các tài liệu chứng minh có thể, bao gồm mà không hạn chế như: nội dung, phụ lục hợp đồng, ý chí các bên trong hợp đồng…) mà không phụ thuộc vào thỏa thuận và cách đặt tên của các bên trong hợp đồng.

Tóm lại, cách đặt tên hợp đồng hoàn toàn không nói lên bản chất của hợp đồng. Tên gọi hợp đồng chỉ tồn tại với ý nghĩa là hình thức. Một khi có tranh chấp liên quan đến hợp đồng, thì công việc đầu tiên của thẩm phán bao giờ cũng là xác định bản chất của hợp đồng, “trả lại tên” hợp đồng, để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Vì vậy, các bên khi giao kết hợp đồng muốn “lách luật” bằng cách gọi “nhầm” tên hợp đồng, trong nhiều trường hợp, sẽ bị “đứt tay” nếu tranh chấp được giải quyết tại tòa án!

Các bên khi giao kết hợp đồng muốn “lách luật” bằng cách gọi “nhầm” tên hợp đồng, trong nhiều trường hợp, sẽ bị “đứt tay” nếu tranh chấp được giải quyết tại tòa án!

SOURCE: SAIGONTIMES

One Response

  1. Hey there! I just wanted to ask if you ever have any trouble with hackers?
    My last blog (wordpress) was hacked and I ended up losing several weeks of hard work
    due to no backup. Do you have any solutions to stop hackers?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading