admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO Nghiên cứu giải pháp cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp

Screenshot (17) VCCI – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ban Pháp chế)

Nhận diện chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Chi phí gia nhập thị trường: Chi phí gia nhập thị trường đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2020, thông thường doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 ngày để đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày nộp hồ sơ, giảm từ con số 8 ngày của năm 2015. Thời gian thay đổi đăng ký doanh nghiệp năm 2020 chỉ là 4 ngày, với xu hướng giảm tương tự số ngày đăng ký doanh nghiệp. Nếu so với năm 2006, năm đầu tiên VCCI tiến hành điều tra PCI trên phạm vi toàn quốc, thì thời gian đăng ký/thay đổi đăng ký doanh nghiệp còn giảm rất ấn tượng hơn (lần lượt ở mức 20 và 10 ngày). Chất lượng giải quyết thủ tục đăng ký/thay đổi đăng ký doanh nghiệp cũng có bước tiến qua đánh giá của doanh nghiệp. Một loạt các chỉ tiêu như thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai, cán bộ hướng dẫn thủ tục rõ ràng đầy đủ, cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu chuyên môn, cán bộ nhiệt tình, thân thiện và ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa là tốt đã có xu hướng cải thiện từ năm 2015 đến 2019.

Tuy nhiên, thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp lại là vấn đề đáng lưu ý. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ đợi từ 1 tháng hoặc 3 tháng trở lên mới đủ hết các giấy tờ để chính thức đi vào hoạt động có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019 nhưng đã giảm xuống trong năm 2020. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 1 tháng mới nhận được tất cả các giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động là 17,2%, tăng so với con số 12,2% năm 2015. Tuy vậy, giá trị tương ứng trong năm 2020 là 12%, cho thấy dấu hiệu chặn đà tăng của chỉ tiêu này. Tương tự, giá trị trung vị của tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới nhận được tất cả các giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động trong năm 2020 là 0%, giảm mạnh từ mức 3,2% của năm 2019.

Chi phí thời gian: Gánh nặng thời gian thực hiện TTHC nói chung đã giảm qua các năm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước đã giảm từ 35,5% năm 2015 xuống còn 22,2% vào năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục” là 69% vào năm 2020, tăng nhẹ từ con số 61% của năm 2015. Đáng lưu ý, 76% doanh nghiệp nhận thấy “thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định” trong điều tra năm 2020, trong khi giá trị của năm 2017 là 67%. Năm 2020 có tới 84% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”, tăng đáng kể từ mức 67% năm 2015. Cũng trong năm qua, 80% doanh nghiệp đánh giá rằng “cán bộ nhà nước thân thiện” trong quá trình giải quyết TTHC (năm 2015 chỉ là 59%). 60% doanh nghiệp cho biết “thủ tục, giấy tờ đơn giản” trong năm 2020 (năm 2015 chỉ là 51%). Dù vậy, cần lưu ý rằng con số 35,5% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước cho thấy gánh nặng thời gian đối với các doanh nghiệp là vẫn còn rất lớn.

Gánh nặng thanh tra, kiểm tra: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, gánh nặng thanh, kiểm tra nói chung đã nhẹ bớt. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể từ mức 25,9% của năm 2015 xuống còn 8,3% của năm 2020. Vào năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên là 11,9%, năm 2020 chỉ còn là 3%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017, xuống còn 14,3% của năm 2020. Dù vậy, thanh, kiểm tra vẫn là gánh nặng tương đối lớn với các doanh nghiệp. Điều tra năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra. Gánh nặng thanh, kiểm tra dường như gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.

Chi phí không chính thức: Kết quả điều tra năm 2020 và những năm gần đây cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp bắt đầu phát huy tác dụng. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết mức độ phổ biến của hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp đã giảm đáng kể từ con số 65,4% năm 2015 xuống 54,1% của năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức trong điều tra 2020 giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2015. Lưu ý rằng tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 cũng là mức thấp nhất trong 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp đã giảm đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2020 chỉ còn 5,4% so với con số 11,1% của năm 2015 và giảm hơn một nửa so với con số 13% của năm 2006. Dù đã có những cải thiện đáng kể theo thời gian, chi phí không chính thức cho tới năm 2020 vẫn là gánh nặng không nhỏ với các doanh nghiệp.

Mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh: Điều tra 2020 cho thấy các doanh nghiệp đã thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin liên quan đến kinh doanh so với những năm trước. Cụ thể, năm 2020 các doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận các quy hoạch của tỉnh ở mức 2,54 điểm theo thang điểm 5 (1. Không thể – 5. Rất dễ), tăng so với mức 2,38 điểm của năm 2015. Điểm số tiếp cận văn bản pháp lý năm 2020 là 3,03 điểm, duy trì ở mức điểm của năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương cũng đã giảm dần, năm 2020 con số này là 57,4%, trong khi năm 2015 là 76%.

Việc tiếp nhận và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp: Tỷ lệ doanh nghiệp có vướng mắc, kiến nghị được trả lời năm 2020 lên tới 94,9%, tiếp tục duy trì ở mức cao. Năm vừa qua cũng có tới có 74% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 là 67%). Đặc biệt, tới 80% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn đã phản ánh, cao hơn đáng kể so với mức 77% của năm 2017.

Môi trường pháp lý và an ninh trật tự: Kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy một số tín hiệu tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng” đã tăng từ 81% của năm 2015 lên 89% của năm 2020, mức cao nhất trong 16 năm qua. 92% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật”, năm 2015 là 88%. 78% doanh nghiệp cho biết “Tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng”, tăng đáng kể so với mức 63% của năm 2015. Năm 2020, 88% doanh nghiệp đánh giá “phán quyết của toà án là công bằng” (năm 2015 là 81,9%). 79% doanh nghiệp cho biết “Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng” trong điều tra 2020 (năm 2015 là 65,3%). Năm 2020, khoảng 84% doanh nghiệp cho biết “Các chi phí chính thức và không chính thức là chấp nhận được” (năm 2015 là 74,7%). Môi trường an ninh trật tự cũng có sự cải thiện trong thời gian gần đây theo đánh giá của doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương là “Tốt/Rất tốt” đã tăng dần từ con số 56% của năm 2017 lên 60% của năm 2019 và 67,5% của năm 2020. Tỷ lệ các doanh nghiệp bị trộm cắp trong năm vừa qua đã giảm dần từ 13,6% năm 2017 xuống mức 10,9% trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, xã hội đen cũng giảm từ 2,9% năm 2017 xuống mức 1% năm 2020.


TRA CỨU BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading