admin@phapluatdansu.edu.vn

HÀNG HOÁ GIẢ MẠO HAY HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỀN NHÃN HIỆU

LÊ VĂN KIỀU -  Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hai thanh niên đang vận chuyển 240 micro mang nhãn hiệu Yamaha vào ngày 1.11.2006. Lần theo hai người này phát hiện thêm 1.640 micro khác cũng mang nhãn hiệu Yamaha tại cửa hàng HT.

Đại diện cửa hàng HT cho biết đã mua hơn 1.880 micro trên tại chợ Nhật Tảo. Hóa đơn ghi rõ của chi nhánh Công ty HT xuất bán 2.000 micro với giá 15.200 đồng /cái.

Đại diện SHCN của Công ty Yamaha (chủ sở hữu nhãn hiệu Yamaha) xác nhận toàn bộ số hàng trên mang dấu hiệu trùng hoàn toàn với nhãn hiệu Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam. Số micro này không phải do Yamaha đưa ra thị trường, vì công ty này đã ngừng sản xuất mặt hàng micro từ 15 năm nay. Xem xét nhận thấy là 1.880 sản phẩm này đều được làm khá tinh vi, nhãn hiệu và logo Yamaha được in trực tiếp lên sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ bị nhầm lẫn.

(Nguồn:VnExpress.net, ngày 3.11.2006; Lao động, ngày 3.11.2006)

Lời bình

1. Luật SHTT xác định, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá có gắn dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ sử dụng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý).

Như vậy, để kết luận một sản phẩm, hàng hoá nào đó là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) thì phải đồng thời đáp ứng hai điều kiện: 1 – Nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ và 2 – Mặt hàng gắn nhãn hiệu, dấu hiệu đó trùng với mặt hàng mà chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) gắn nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ. Nói cách khác, để có thể kết luận hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) cần phải có mặt hàng thật cùng loại để so sánh.

Continue reading

THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: GIẢ MẠO “HÌNH THỨC” HAY GIẢ MẠO “NỘI DUNG”

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Vụ việc

Ông NK (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thành lập cơ sở sản xuất nước mắm. Do sinh sau đẻ muộn, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng. Thấy mọi người thích các nhãn hiệu phổ biến như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc – Thanh Châu…, ông đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về làm sạch rồi bơm nước mắm của mình vào để đem bán. Được một thời gian, ông mua chai mới, in nhãn hàng mới có các dấu hiệu, hình thức hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại 1 lít và 1/2 lít.

Công an phát hiện ra các hành vi trên. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sở của ông K sản xuất. Kết quả giám định ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai. Tức là nước mắm của cơ sở ông K hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông NK đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm, thu lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.

Tháng 2.2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông NK về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Tháng 3.2008, Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử bị cáo NK về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm do cơ sở của bị cáo sản xuất tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả nên Tòa tuyên phạt bị cáo K 2 năm tù . Ông NK đã kháng cáo.

(Nguồn: Báo Pháp luật online – thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9.5.2008)

Lời bình

1. Hành vi của ông NK là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (giả về nội dung hàng hoá) quy định tại khoản 1 Điều 157 hay là hành vi xâm phạm quyền, sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (giả về hình thức hàng hoá) quy định tại Điều 171 của Bộ luật Hình sự?

Continue reading

THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT VI PHẠM BẢN QUYỀN: AI ĐỊNH GIÁ TANG VẬT XÂM PHẠM QUYỀN?

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN

Theo yêu cầu của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp (KDCN) xe máy, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra và phát hiện 106 xe máy xâm phạm KDCN. Để có căn cứ xác định khung tiền phạt và số tiền phạt cụ thể, cơ quan QLTT đã xác định giá trị của các chi tiết xâm phạm đối với xe xâm phạm kiểu dáng xe Future Neo. Các chi tiết tạo nên KDCN xâm phạm là toàn bộ phần đầu xe (cụm đèn pha, đèn xi nhan). QLTT định giá 30.000 đ/bộ, nhưng giá thực tế của cụm đầu xe này do Sở Tài chính xác định, cung cấp cho cơ quan điều tra là 90.000 đ/bộ (thời điểm tháng 9.2008) và 76.000 đ/bộ (thời điểm tháng 3.2009).

Đối với ốp sườn trước trái, phải (vè), QLTT định giá 50.000 đ/bộ nhưng Sở Tài chính xác định giá thực tế là 100.000-116.000 đ/bộ. Đối với chắn bùn sau (vè sau), QLTT định giá 20.000 đ/bộ nhưng Sở Tài chính định giá theo thực tế ngoài thị trường đến 50.000 đ/bộ.

Theo đó, mức giá của Sở Tài chính xác định dao động từ 425.000 đến 450.000 đ/bộ linh kiện có yếu tố xâm phạm, trong khi Chi cục QLTT thẩm định chỉ có 170.000-180.000 đ/bộ.

Trên cơ sở giá trị các chi tiết do Sở Tài chính xác định với tổng số xe xâm phạm là 106 xe, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, có sự chênh lệch khi định giá giá trị lô hàng này, dẫn tới định giá sai làm thiệt hại cho Nhà nước. Cơ quan cảnh sát sẽ xem xét đề nghị xử lý theo hướng khởi tố vụ án hình sự hoặc xử lý hành chính, tùy theo mức độ sai phạm và tổng giá trị tài sản sau khi được thẩm định giá chính xác.

(Nguồn: Sài Gòn Giải phóng, ngày 16.6.2009)

Lời bình

1. Cơ quan QLTT đã xác định 106 xe là tang vật của vụ xâm phạm quyền về KDCN, vì trên các xe này có các yếu tố xâm phạm”. Đó là các yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Đối với KDCN đó là sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với KDCN thuộc trường hợp là trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền KDCN, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) KDCN của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó.

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: CHỨNG CỨ ĐÂU?

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN

Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Phương Nga (Công ty Phương Nga) có đơn yêu cầu Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hồ Chí Minh xử lý vi phạm hành chính đối với hai công ty khác vì cho rằng hai công ty này đã xâm phạm độc quyền giải pháp hữu ích của mình.

Bản chất giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga là khi muốn vận chuyển xi măng từ nhà máy sản xuất đến các công trình xây dựng, thông thường phải dùng xe ô tô chuyên dụng (dạng như xe bồn). Muốn vận chuyển theo cách này thì ít nhất phải có đường sá để xe chở xi măng chạy đến được công trình. Do đó, Công ty Phương Nga đã mày mò tìm cách giải quyết và cuối cùng nghĩ ra cách lấy công nghệ của xe bồn sang áp dụng cho xà lan. Hiểu nôm na là, do xi măng có dạng hạt mịn và nhẹ nên Công ty Phương Nga dùng máy nén khí và các ống dẫn để tạo áp lực hút xi măng “chảy” trực tiếp từ nhà máy – theo ống dẫn – xuống tàu và khi đến công trình thì có thể bơm ngược xi măng từ tàu – theo ống dẫn – ra bồn chứa xi măng của công trình.

Tháng 5.2006, Công ty Phương Nga nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN xin được cấp bằng bảo hộ đối với giải pháp kỹ thuật: “Hệ thống chứa, bơm xi măng rời lên bờ từ phương tiện vận tải thủy bằng máy nén khí”. Đến tháng 11.2007, Cục SHTT đã cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho Công ty Phương Nga, có giá trị độc quyền trong vòng 10 năm (đến năm 2016).

Chính vì cách thức hiệu quả trên nên ngay sau khi Công ty Phương Nga áp dụng giải pháp hữu ích này thì một số đơn vị cung cấp xi măng khác cũng bắt chước làm theo. “Như vậy là vi phạm sự độc quyền về giải pháp hữu ích của công ty chúng tôi”, Công ty Phương Nga khẳng định và đã có văn bản yêu cầu hai công ty khác ngưng hành vi xâm phạm, nhưng đến nay hai đơn vị này vẫn chưa ngưng. Lý do là, các công ty bị cho là xâm phạm quyền cho rằng mình không xâm phạm gì – “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả!”.

Từ thực trạng trên, Công ty Phương Nga đã gửi đơn yêu cầu Thanh tra Sở KH&CN xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu giải pháp của mình. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cho rằng, muốn xử lý xâm phạm thì phải cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm, trong đó có tài liệu mô tả hệ thống chứa và bơm xi măng của bên xâm phạm và so sánh hệ thống này với hệ thống được cấp bằng độc quyền.

Trong khi đó, Công ty Phương Nga cho biết, chỉ có cách dùng “gián điệp kinh tế” thì may ra mới xâm nhập nội bộ của công ty kia mà lấy tài liệu mô tả chứ làm sao mà có được chứng cứ như Thanh tra Sở yêu cầu. Do đó, hiện tại Công ty Phương Nga đang chuẩn bị hồ sơ để kiện ra tòa yêu cầu các đơn vị này chấm dứt hành vi xâm phạm.

(Nguồn: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh online, 30-31.12.2009).

Bình luận

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: TRANH CHẤP VÌ CHỮ “A” HAY CHỮ “V”

NGUYỄN MẠNH

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay có tới 40.000 nhãn mác sản phẩm đang được sử dụng mà không cần đăng ký. Bởi những nhãn hiệu này không xâm phạm đến quyền lợi của bất kỳ ai. Tuy nhiên, điều này cũng chứa đựng rất nhiều yếu tố rủi ro khi xảy ra tranh chấp.

Đầu tháng 10/2009, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) phát hiện Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (ASC) có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã đưa ra thị trường sản phẩm thép thanh vằn từ D10-D14 có nhãn hiệu nổi trên thân thanh thép tương tự nhãn hiệu của VNSteel.

Có hay không hành vi xâm phạm?

Ngày 31/10, ông Nguyễn Thành Long, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, đại diện cho VNSteel đã có văn bản gửi ASC yêu cầu giải trình. Trong văn bản nêu rõ: gần đây, VNSteel phát hiện ASC sản xuất và phân phối các loại thép có gắn dấu hiệu “A” có thiết kế tương tự với phần hình chữ “V” trên nhãn hiệu đã được bảo hộ cho sản phẩm thép “các loại, kim loại và các hợp kim” của VNSteel theo Văn bằng số 116719 và 116720.

Về màu sắc có cùng màu đỏ giống với phần hình “V” trên nhãn hiệu theo Văn bằng số 116719 và ASC đã có sử dụng dấu hiệu đó trên bảng hiệu, nhà xưởng, các tài liệu giao dịch, quảng cáo, hóa đơn và các phương tiện kinh doanh khác. Hơn nữa, ASC nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “A” cũng chứa dấu hiệu trên “A” theo đơn số 4-2008-27389 cho sản phẩm cùng loại, tương tự, liên quan thuộc nhóm 06…

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐÒI TIỀN TỈ VÌ BỊ “CHÔM” BÀI PHỐI ÂM KARAOKE?

HỒNG TÚ

Ngày 25-11 – 2009, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) kiện Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Sản xuất điện tử Cali và Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Đông Hải. Maseco tỏ ra bức xúc vì cho rằng mình đã phải tốn rất nhiều công sức, chi phí để sáng tạo ra các sản phẩm phối âm MIDI từ các bài hát có sẵn.

Theo đơn kiện, Maseco cho rằng Cali và Đông Hải đã xâm phạm quyền tác giả bài phối âm MIDI Karaoke của mình nên yêu cầu hai công ty trên chấm dứt hành vi xâm phạm, thu hồi toàn bộ số đĩa karaoke đã bán ra thị trường và xin lỗi công khai. Ngoài ra, Cali còn phải bồi thường hơn 8 tỉ đồng, Đông Hải bồi thường gần 4,5 tỉ đồng và thanh toán 380 triệu đồng tiền bản quyền cho Maseco.

Sử dụng không xin phép?

Maseco là nhà sản xuất đầu đĩa thương hiệu Arirang. Năm 2004, Maseco đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho bài phối âm Maseco Midi Vision từ Vol 1 đến Vol 36 với hơn 3.000 bài hát thể hiện dưới hình thức tập tin định dạng MIDI.

Sự việc trở nên ầm ĩ khi Maseco gửi văn bản tới cơ quan chức năng tố cáo nhiều công ty, trong đó có Cali và Đông Hải đã tự ý sử dụng các sản phẩm phối âm MIDI Karaoke của Maseco để kinh doanh thu lợi. Maseco cũng gửi nhiều văn bản cho Cali và Đông Hải yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và thu hồi toàn bộ đĩa karaoke đã bán ra thị trường.

Phúc đáp Maseco, Cali khẳng định mình chỉ có chức năng sản xuất các mặt hàng điện tử, không có chức năng sản xuất, phát hành, kinh doanh băng đĩa nên không liên quan gì. Cali chỉ thừa nhận trong quá trình bán các đầu máy karaoke sáu số mang nhãn hiệu California, có bán kèm đĩa nhạc mua lại từ Đông Hải.

Continue reading

TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP: CHỦ SMARTDOOR KIỆN “AUSTDOOR”

CAO HỒNG

Công ty Cửa cuốn Úc Smartdoor (gọi tắt là Công ty Úc) có đơn gửi Báo CAND về việc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Phát (gọi tắt là Hưng Phát) vi phạm quyền sở hữu công nghiệp khi sử dụng thanh nhôm định hình trong sản phẩm cửa cuốn Austdoor.

Trong đơn, Công ty Úc cho biết, ngày 15/12/2004, Công ty Tân Trường Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106.

Tháng 5/2007, Công ty Tân Trường Sơn ký "Hợp đồng chuyển quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106" cho Công ty Hưng Phát. Thời hạn hợp đồng đến ngày 7/8/2008.

Ngày 10/11/2008, Công ty Úc ký "Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106" với Công ty Tân Trường Sơn.

Hai bên đã tiến hành đăng ký hợp đồng với Cục Sở hữu trí tuệ để xác lập quyền sử dụng hợp pháp với kiểu dáng công nghiệp này và được cấp giấy chứng nhận. Thời hạn sở hữu của Công ty Úc đối với kiểu dáng công nghiệp này từ ngày 18/12/2008 đến 18/12/2009.

Sau khi được quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình nêu trên, Công ty Úc lại phát hiện Công ty Hưng Phát vẫn sản xuất sản phẩm cửa cuốn nhãn hiệu Austdoor có sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106.

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP: TRANH CHẤP “TÁCH” VÀ “CỐC”

VI TRẦN

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phạt Công ty TNHH Gold Roast Việt Nam (Gold Roast) do dùng hình cái tách màu đỏ trên bao bì sản phẩm cà phê gây nhầm lẫn với cái cốc của một công ty khác. Tòa án tỉnh này cũng cho rằng Gold Roast đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hiện công ty này đang kháng cáo phán quyết trên của tòa.

Tách giống cốc là nhái nhãn hiệu

Theo hồ sơ, trước năm 2006, Công ty Société des Produits Nestlé (Nestlé) đã tung ra thị trường sản phẩm cà phê sữa uống liền mang hình cái cốc đỏ có viền vàng. Ngay sau đó, công ty này phát hiện Gold Roast cũng có loại sản phẩm tương tự có in hình cái tách đỏ trên bao bì. Tháng 10-2006, Nestlé đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định xem nhãn hiệu hình cái tách đỏ của Gold Roast có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Nestlé hay không. Nửa tháng sau, Cục phúc đáp Gold Roast sử dụng cái tách đỏ là gây nhầm lẫn với cái cốc đỏ đã được bảo hộ của Nestlé.

Dựa vào kết luận trên, Nestlé yêu cầu Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý hành vi vi phạm của Gold Roast. Vì không thuộc thẩm quyền nên nơi này đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương xử lý. Cuối năm 2007, Thanh tra Sở kết luận Gold Roast đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đầu năm 2008, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phạt Gold Roast 100 triệu đồng và buộc công ty này “loại bỏ các yếu tố vi phạm” trên bao bì sản phẩm cà phê sữa uống liền.

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: BẢN QUYỀN GIAO THÔNG

HOÀNG NGUYÊN

Nhờ sáng kiến này, người đi đường không phải dừng xe chờ đèn đỏ.

Thay vì để chiều đi lại ngược xuôi cắt nhau trực tiếp ở các ngã tư, gần một tháng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chặn ngang nút giao, tận dụng dải phân cách lớn làm đảo chắn, buộc phương tiện giao thông phải chạy theo vòng xuyến. Từ đó bỏ hẳn việc dừng xe chờ đèn xanh-đỏ, xóa được các điểm ùn tắc do chờ đèn tín hiệu. Thế nhưng một doanh nhân ở quận Đống Đa khiếu nại về sáng kiến này vì doanh nghiệp cho rằng đã vi phạm bản quyền.

Sở “xài chùa”?

Anh Phạm Văn Tiệp, là một doanh nhân, vừa gửi đơn khiếu nại lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Anh cho biết từ việc tập Yoga, từ lâu anh đã có ý tưởng thiết kế mô hình giao thông theo nguyên lý chuyển động liên tục của bộ môn dưỡng sinh. Đến tháng 7-2008, giải pháp “Giao diện mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” của anh được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, do Phó Cục trưởng Vũ Văn Hoan ký. Anh Tiệp đã gửi công trình ấy bằng cả văn bản và đĩa CD tới Bộ Giao thông Vận tải, UBND và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Thậm chí sáng kiến này còn được Tạp chí Giao Thông Vận Tải của Bộ Giao thông Vận tải và Báo Bạn Đường thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn đăng tải như một giải pháp hữu ích trong việc chống ùn tắc giao thông.

Continue reading

TRANH CHẤP BẢN QUYỀN: ỨNG XỬ TÁC QUYỀN THEO KIỂU . . . ĐỔ THỪA

LAM ĐIỀN

Sau khi Tổ chức Dale Carnegie toàn cầu xác định quyển sách Cuộc sống tươi đẹp do Công ty Huy Hoàng liên kết xuất bản là mạo danh (Tuổi Trẻ ngày 8-6 – 2009), giám đốc Công ty Huy Hoàng gửi thư cho Dale Carnegie trình bày: Huy Hoàng đã chuyển ngữ quyển sách này thông qua bản dịch bằng tiếng Trung.

Công ty Trí Việt mua tác quyền từ quyển The five love languages (Năm ngôn ngữ tình yêu,tác giả là Gary Chapman) của NXB Moody – Hoa Kỳ. Thương vụ mua tác quyền quyển sách này được ký kết giữa Trí Việt – First News và NXB Moody từ tháng 8-2008. Ðến quý 2-2009, Trí Việt xuất bản quyển Năm ngôn ngữ tình yêu thì bất ngờ phát hiện trên thị trường cũng vừa xuất hiện quyển sách Năm ngôn ngữ của tình yêu,cũng đề tên tác giả là Gary Chapman, do NXB Thanh Niên cấp phép, Công ty Kim An Ðông liên kết xuất bản.

"Cứu tinh" từ bên thứ ba

"Thoạt đầu, khi Trí Việt gửi công văn thông báo về việc vi phạm bản quyền, đại diện Công ty Kim An Ðông đến xin lỗi và nhận mình vi phạm. Tuy nhiên, sau đó khoảng một tháng họ bất ngờ tuyên bố bản dịch quyển sách Năm ngôn ngữ của tình yêu ấy là có tác quyền", ông Nguyễn Văn Phước – giám đốc Trí Việt – First News – trình bày.

Continue reading

TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: VỤ TRANH CHẤP QUYỀN TÁC GIẢ KỊCH BẢN BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN, NGƯỜI KHỞI KIỆN YÊU CẦU ĐỀN BÙ HƠN 74 TỶ ĐỒNG, TÒA CHẤP NHẬN HƠN 9 TRIỆU

QUỲNH ANH

Sau 2 lần hoãn xử, sáng ngày 11/5/2009, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim Biệt động Sài Gòn. Ở vị trí nguyên đơn, ông Nguyễn Thanh đã yêu cầu Hãng phim Truyện VN và nhà biên kịch Lê Phương phải trả cho ông 74 tỷ 480 triệu đồng tiền nhuận bút của bộ phim đã phát hành cách nay hơn 20 năm.

Đòi nhuận bút dựa theo sự biến động của giá vàng

Trong lịch sử ngành điện ảnh VN, đây có lẽ là vụ án hy hữu bởi mức tiền đòi đền bù liên tục gia tăng theo sự biến động của “giá vàng” ngoài thị trường. Sau hơn 20 năm, ông Nguyễn Thanh đã khởi kiện đơn vị sản xuất phim và tác giả kịch bản Lê Phương – người đã mời ông hợp tác viết kịch bản vì nghĩ rằng mình đã bị “thiệt thòi”.

Tại tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Dũng đã hỏi ông Nguyễn Thanh về quan hệ của ông với tác giả Lê Phương; việc hợp tác viết kịch bản Biệt động Sài Gòn giữa hai người có hợp đồng không? Dựa vào căn cứ nào để xác định kịch bản phim Biệt động Sài Gòn chỉ có một tác giả duy nhất (ông Nguyễn Thanh – PV); Nếu đã nhận tiền nhuận bút ông Phương trả từ những năm 1982 – 1983, cảm thấy không thỏa mãn sao không có ý kiến phản đối? Nếu khẳng định mình là tác giả kịch bản duy nhất, tại sao không yêu cầu Hãng phim Truyện VN bỏ tên ông Lê Phương ngay khi bộ phim phát hành (năm 1987)…

Trả lời các câu hỏi trên, ông Nguyễn Thanh khẳng định, việc hợp tác giữa hai người không có hợp đồng; ông Thanh cũng đã nhận của ông Phương 3 lần tiền, trị giá là 1.200 đồng và số tiền này ông Phương nói là hỗ trợ sáng tác kịch bản gốc. Tuy có băn khoăn về giá trị thật của nhuận bút được trả nhưng ngày đó trong bối cảnh khó khăn chung của thời bao cấp, nhiều người viết vì đồng đội… không nghĩ đến lợi ích của cá nhân nên ông đã cho qua. Sau này, khi nghe NSND Hải Ninh nói bộ phim Biệt động Sài Gòn đã làm rạng danh Hãng phim Truyện VN, nuôi sống mấy trăm con người và thu về hàng nghìn tỷ đồng (?), đồng thời phát hiện kịch bản đã được in nhiều kỳ trên báo SGGP, và in thành sách do Hội Văn nghệ Long An và NXB Thanh Hóa ấn hành… nên ông đã quyết định đòi quyền lợi.

Để biết số tiền mình phải đòi là bao nhiêu ông đã nhờ Công ty Vàng bạc đá quý “quy đổi” tiền thành vàng, lãi trong 20 năm, cộng thêm sự biến động của giá vàng trong 2 năm qua, đã ra đáp số là 74 tỷ 480 triệu đồng. Nếu so với mức tiền đòi đền bù tại đơn kiện đầu tiên được gửi năm 2007 thì số tiền hiện tại gấp khoảng 12 lần.

Ý kiến của các bị đơn

Ở vị trí bị kiện, đại diện Hãng phim Truyện VN khẳng định không có trách nhiệm thanh toán bất kỳ số tiền nhuận bút nào đối với ông Nguyễn Thanh. Bởi, Hãng phim chỉ giao trách nhiệm viết kịch bản cho ông Lê Phương – thời điểm đó là biên kịch của Hãng và Hãng cũng đã thanh toán đầy đủ tiền nhuận bút cho tác giả kịch bản. Việc ông Phương mời ông Thanh hợp tác và chia nhuận bút ra sao là việc riêng của 2 người. Hiện tại, Hãng cũng không còn lưu giữ các giấy tờ liên quan đến việc chi trả nhuận bút kịch bản bộ phim này.

Cũng phản đối những cáo buộc của ông Nguyễn Thanh, ông Lê Phương đã đưa chứng cứ (có chữ ký của những người liên quan thuộc Hãng phim Truyện VN) xác định ông là người được Ban Giám đốc Hãng giao viết kịch bản và “tháp tùng” vào TP.HCM để liên hệ với Bộ Tư lệnh đọc Hồ sơ chiến lệ và gặp gỡ các nguyên mẫu tham gia các trận đánh của biệt động thành. Ông đã trình bày đề cương cốt truyện phim và các giải pháp triển khai với Ban Giám đốc Hãng phim. Sau khi quay ra Hà Nội, ông đã nhờ người – ông Đỗ Quảng tìm người hợp tác viết kịch bản, do ông không hiểu sâu lĩnh vực này. Ông Quảng đã đưa ông Phương đến gặp ông Thanh và ông Thanh đồng ý hợp tác. Kịch bản hoàn thành nhưng không đủ điều kiện dựng phim. Ông Phương đã viết lại, thêm thắt và 2 tập phim đầu tiên ra đời đứng tên 2 tác giả Lê Phương – Nguyễn Thanh. Continue reading

THUYẾT MINH CHI TIẾT DỰ THẢO LUẬT TRỌNG TÀI

1. Giới thiệu tổng quan về dự thảo Luật trọng tài

1.1. Kế thừa sự phát triển từ Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Nghị định số 25/2004/NĐ-CP, dựa trên thực tiễn hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, nhất là trong hai thập kỷ từ khi thực thi Nghị định số 116/CP năm 1996 về trung tâm trọng tài kinh tế, thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập, dự thảo Luật trọng tài quy định về tổ chức và tố tụng trọng tài như một phương thức nhằm giải quyết một cách hiệu quả, nhanh chóng các tranh chấp trong đời sống kinh doanh, thương mại và dân sự. Dự thảo luật Luật trọng tài gồm XIV chương với 74 điều.

1.2. Tôn trọng và bảo vệ thoả thuận của các bên dân sự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, dự thảo Luật trọng tài nhằm vào các mục đích: (i) quy định một thủ tục tố tụng trọng tài nhanh chóng, công bằng, hiệu quả và thuận lợi, (ii) đảm bảo sự hỗ trợ hiệu quả của toà án để các hội đồng trọng tài tuân thủ đúng tố tụng, các quyết định và phán quyết của trọng tài có hiệu lực và được thi hành, (iii) tạo điều kiện cho trọng tài viên và tổ chức trọng tài phát triển trong bối cảnh Việt Nam thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ khi hội nhập kinh tế quốc tế.

1.3. Luật trọng tài về cơ bản là một luật tố tụng riêng so với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2005. Dựa vào quy định của Luật trọng tài này các tổ chức trọng tài hoặc hội đồng trọng tài vụ việc có thể xây dựng quy tắc tố tụng cụ thể. Về từng nội dung chi tiết của dự luật, bản thuyết minh dưới đây làm rõ mục đích của quy phạm, các phương án lựa chọn và giải pháp mà Ban soạn thảo ưu tiên.

2. Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của đạo luật

2.1. Trong quá trình soạn thảo Luật trọng tài có hai loại ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự luật. Nhóm ý kiến thứ nhất đề xuất giới hạn phạm vi điều chỉnh của pháp luật trọng tài trong các giao dịch thương mại của thương nhân, có xem xét mở rộng khái niệm thương mại cho phù hợp với Luật thương mại năm 2005 và các cam kết mà Việt Nam đã tham gia về thương mại quốc tế. Quan điểm này dựa trên các lập luận:

Continue reading

19 NĂM ĐÒI CÔNG NHẬN QUYỀN CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

LÊ HUÂN

Suốt 19 năm qua, kỹ sư đường sắt Lê Khắc Linh đòi bản quyền tác giả, đòi được công nhận sáng kiến với đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ về "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất".  Để rộng đường dư luận trả lời cho câu hỏi, vì sao suốt 19 năm qua kỹ sư Lê Khắc Linh vẫn kiên trì trong cuộc hành trình tìm đến sự công bằng, Lao Động đã vào cuộc.

Chuyện 13 năm trước

Báo Lao Động ra ngày 14.9.1995 đăng bài: "Tác giả của một sáng kiến có hiệu quả vẫn đang bị lãng quên?". Nội dung bài báo đề cập đến hành trình dài dằng dặc của những chuyến tàu Thống Nhất. Mặc dù hành trình chạy tới 72 tiếng, nhưng việc tàu chạy chậm thêm từ 6 đến 10 tiếng là chuyện… xảy ra hàng ngày. Việc rút ngắn hành trình chạy tàu là đòi hỏi của hành khách, là sự trăn trở của của không ít CBCNV ngành đường sắt, trong đó có KS Lê Khắc Linh – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học và Công nghệ – Bộ GTVT.
Năm 1982, KS Lê Khắc Linh đã trình Bộ GTVT và Tổng cục Đường sắt đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ về "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất". Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sĩ Nguyên chấp nhận và trực tiếp chỉ đạo TC Đường sắt (TCĐS) triển khai sáng kiến của KS Lê Khắc Linh. Đến năm 1989, TCĐS đã tiến hành áp dụng lần lượt tất cả 7 giải pháp. Hành trình tàu Thống Nhất Bắc – Nam đã được rút ngắn từ 72 tiếng xuống 48 tiếng, rồi đến mốc đỉnh cao – 2005 hành trình tàu Thống Nhất được rút xuống thời gian chạy tàu nhanh nhất là 29 tiếng 30 phút. KS Lê Khắc Linh đã lập hồ sơ sáng kiến sáng chế trình Bộ GTVT và Hội đồng sáng kiến của bộ.
Ngày 8.12.2008 – 13 năm sau khi đăng bài viết "Tác giả của một sáng kiến có hiệu quả vẫn đang bị lãng quên", Báo Lao Động lại nhận được thư khiếu nại của KS Lê Khắc Linh. Ông viết: "Tôi – người đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ, cải tiến tốc độ chạy tàu, được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng vì sao sáng kiến của tôi lại không được công nhận?".

Bị lãng quên hay cố tình phủ nhận

Ông Nguyễn Tuấn Bình – nguyên Phó Tổng cục trưởng TCĐS – đã nhấn mạnh rằng: Đây là một vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ. Ông khẳng định, tàu Thống Nhất chạy rút ngắn thời gian, làm lợi lớn, nhưng người đề xuất sáng kiến lại bị phủ nhận. Ông cho biết: Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đặc biệt quan tâm vấn đề rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc – Nam, đã gọi tôi lên cơ quan bộ, trực tiếp giao nhiệm vụ tiếp thu, nghiên cứu và từng bước triển khai sáng kiến của tác giả Lê Khắc Linh. Nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ngày 12.1.1983 ngành đường sắt đã tổ chức hội nghị chuyên đề khoa học kỹ thuật "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất" do tôi chủ trì để KS Lê Khắc Linh trình bày sáng kiến "Tách tốc độ cho tàu khách chạy nhanh hơn tàu hàng và các giải pháp hỗ trợ khác nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu khách Thống Nhất". Rút ngắn thời gian chạy tàu khách là ý chí, nguyện vọng của các nhà khoa học tham gia hội nghị.
Song  "vạn sự khởi đầu nan" – ông Bình nhớ lại – lúc đầu đối với vấn đề "tách tốc độ" có một vài cán bộ quản lý còn e ngại và tại thời điểm năm 1983 do điều kiện "cần và đủ" chưa đủ chín muồi, nên dù thấy hay, có lợi nhưng chưa thực hiện được ngay việc "tách tốc độ" mà mới chỉ bắt đầu triển khai áp dụng một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ. Phải qua 5 năm "thai nghén", đến năm 1988 ngành đường sắt đã quyết định cho thực hiện sáng kiến "tách tốc độ tàu". Và ngày 29.11.1988, ngành đường sắt đã ban hành "Lệnh tốc độ chạy tàu năm 1989" – áp dụng từ 0 giờ ngày 1.1.1989 có hai tốc độ chạy tàu (tàu khách và tàu hàng) "khác biệt" hẳn với lệnh tốc độ chạy tàu của các năm về trước, kể từ khi thành lập Tổng cục Đường sắt.
Thế là, sáng kiến "tách tốc độ" chính thức được triển khai thực hiện đồng bộ từ năm 1989 đến nay. Nguyên Tổng cục phó TCĐS vẫn ngậm ngùi:  "Có thể nói không quá lời là "Lệnh tốc độ chạy tàu năm 1989" là một mốc son làm thay đổi quy phạm khai thác kỹ thuật đường sắt VN, tạo ra tư duy mới, hành động mới, góp phần vào quá trình đổi mới ngành đường sắt những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là từ trước thời điểm ban hành "Lệnh chạy tàu 1989" với sự lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của tập thể hơn 4 vạn CBCNV ngành đường sắt, có sự đóng góp của KS Lê Khắc Linh và các cộng sự, trải qua 5 năm (1983 – 1988), suy nghĩ và hành động áp dụng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, ngành đường sắt đã rút ngắn thời gian chạy tàu khách Thống Nhất… Lẽ ra sáng kiến "Tách tốc độ…" phải được công nhận và khen thưởng từ năm 1989. Thế nhưng khi Tổng cục trưởng TCĐS Nguyễn Văn Tư được sự phân công của T.Ư Đảng chuyển sang làm Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thì… sáng kiến của KS Lê Khắc Linh bị… lãng quên từ đó cho đến nay.

SOURCE: BÁO LAO ĐỘNG

Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=21962

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn