admin@phapluatdansu.edu.vn

YÊU CẦU LY HÔN VỚI NGƯỜI MẤT TÍCH có được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?

Thẩm phán. NGUYỄN HẢI PHONG – TAND Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là thật sự cần thiết nhằm cụ thể hóa, luật hóa những hướng dẫn dưới luật trước đây nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc Hôn nhân gia đình của Tòa án các cấp. Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và thực tiễn giải quyết vụ việc án hôn nhân gia đình , tôi có vài ý kiến đóng góp, đề nghị TANDTC hướng dẫn.

1. Về yêu cầu tuyên bố người vợ (hoặc chồng) mất tích

Tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định:Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn, nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”.

Thực tiễn Tòa án cấp sơ thẩm khi thụ lý yêu cầu trên của đương sự, thường hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu tuyên bố người vợ (hoặc chồng) mất tích theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và Điều 387 BLTTDS. Khi Quyết định việc dân sự của Tòa án về tuyên bố người vợ (chồng) mất tích có hiệu lực thì mới hướng dẫn đương sự làm đơn khởi kiện ly hôn đối với người mất tích theo quy định tại khoản 1 Điều 28 BLTTDS. Như vậy, yêu cầu ly hôn đối với người mất tích thông thường phải thực hiện qua 2 lần thủ tục, ban hành hai quyết định, bản án độc lập. Vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết trên thì chữ “đồng thời” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa nào? Có được hiểu theo nghĩa: “đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không”? Trường hợp được giải quyết trong một vụ việc thì thủ tục tố tụng được thực hiện theo vụ án hay việc? Nếu là việc thì là việc dân sự hay việc hôn nhân?

2. Đối với việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân

Đối với việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con” còn nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, có lập hợp đồng ủy quyền, được phòng công chứng công chứng. Có hai quan điểm cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận sự ủy quyền đó, vì quyền nuôi con là quyền nhân thân không thể ủy quyền, hơn nữa quy định tại Điều 138 BLDS  quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự để ủy quyền.

Quan điểm thứ hai: Tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện.

Hai quan điểm khác nhau dẫn đến việc Tòa án quyết định cho người ủy quyền tham gia tố tụng không thống nhất. Vì vậy vấn đề này cần được đưa vào Nghị quyết hướng dẫn áp dụng đồng bộ. 

Trên đây là hai vấn đề chúng tôi đề nghị TANDTC xem xét, hướng dẫn, cũng như có ý kiến thảo luận của quý độc giả.


Trích dẫn từ: http://cdn.tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/yeu-cau-ly-hon-voi-nguoi-mat-tich-co-duoc-thu-ly-giai-quyet-trong-mot-vu-viec-khong


SchoolSchoolSchool


THS. HUỲNH THỊ NAM HẢI – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

1. Về yêu cầu ly hôn với người mất tích

Tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn, nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”. Theo quan điểm của tác giả, yêu cầu ly hôn đối với người mất tích thông thường phải thực hiện qua 2 lần thủ tục, ban hành hai quyết định, bản án độc lập. Vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết trên thì chữ “đồng thời” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa nào? Có được hiểu theo nghĩa: “đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không”? Trường hợp được giải quyết trong một vụ việc thì thủ tục tố tụng được thực hiện theo vụ án hay việc? Nếu là việc thì là việc dân sự hay việc hôn nhân?

Liên quan đến vấn đề yêu cầu ly hôn với người mất tích, hiện nay thông thường phải thực hiện qua hai lần thủ tục như đã trình bày. Tuy nhiên, có thể thấy rằng điều này sẽ gây khó khăn cho đương sự trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Do vậy, theo tôi chữ “đồng thời” trong quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết nên được hiểu theo hướng yêu cầu tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích được thụ lý giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn nếu đủ điều kiện tuyên bố người này mất tích. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích thì Tòa án bác các yêu cầu (cả yêu cầu tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn). Điều này sẽ góp phần đơn giản hóa về mặt thủ tục tố tụng từ đó đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân. Trong trường hợp giải quyết trong cùng một vụ việc thì thủ tục tố tụng có thể được thực hiện theo thủ tục của vụ án dân sự. Bởi lẽ trong vụ việc này, ly hôn mới là yêu cầu chính mà đương sự mong muốn được Tòa án xem xét giải quyết và yêu cầu tuyên bố mất tích chỉ là điều kiện để Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ án ly hôn. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý thì có thể quy định thêm rằng Thẩm phán cần ghi chú vấn đề này vào hồ sơ giải quyết vụ án.

2. Về việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân và gia đình

Trong bài viết tác giả đề cập đến việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “thay đổi người trực tiếp nuôi con” còn nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, có lập hợp đồng ủy quyền, được phòng công chứng công chứng. Theo đó, tác giả nêu lên hai quan điểm: thứ nhất là không chấp nhận sự ủy quyền đó, vì quyền nuôi con là quyền nhân thân không thể ủy quyền, hơn nữa quy định tại Điều 138 BLDS  quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự để ủy quyền. Thứ hai là tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện.

Liên quan đến vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân mà đặc biệt là về việc “thay đổi người trực tiếp nuôi con”, quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 39 BLDS 2015 như sau: “1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình. 2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan”.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 cũng chỉ quy định đương sự không được ủy quyền đối với việc ly hôn. Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật không quy định quyền nuôi con là quyền nhân thân trong trong hôn nhân và gia đình cũng như không quy định cấm việc ủy quyền đối với việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Do vậy, thiết nghĩ trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng có đủ điều kiện để trực tiếp thực hiện. Ví dụ như trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, nhưng do dịch bệnh nên người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con đang ở nước ngoài chưa thể về Việt Nam để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con ngay được. Trong trường hợp này có thể thấy rằng chấp nhận việc ủy quyền đối với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là hợp lý, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những độc giả có quan tâm./.


Trích dẫn từ: http://cdn.tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/yeu-cau-ly-hon-voi-nguoi-mat-tich-nen-giai-quyet-trong-cung-mot-vu-an


SchoolSchoolSchool


NCS. LÝ VĂN TOÁN – TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

THS. NGUYỄN BÍCH NHƯ – TAND Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Thứ nhất,  đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?

Chúng tôi cho rằng không thể giải quyết trong cùng một vụ việc bởi theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích[1].

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình[2].

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn[3].

Theo quy định của BLTTDS 2015 thì yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự, còn ly hôn lại là vụ án dân sự (trừ trường hợp thuận tình ly hôn được coi là việc dân sự). Nếu đương sự vừa có yêu cầu tuyên bố một người mất tích vừa có yêu cầu xin ly hôn thì phải yêu cầu để Tòa án giải quyết việc tuyên bố mất tích trước, sau đó mới giải quyết yêu cầu xin ly hôn.

Như vậy, để yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì trước tiên phải thực hiện thủ tục việc dân sự đó là yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong ba số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp. Sau bốn tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người bị yêu cầu không trở về hoặc có tin tức báo về thì Tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của người yêu cầu[4].

Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích thì người yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục khởi kiện vụ án xin ly hôn mà bị đơn là người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích và sau khi xem xét đủ điều kiện thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án theo thủ tục chung và Tòa án sẽ căn cứ vào khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết cho ly hôn.[5]

Ngoài ra theo hướng dẫn tại mục số 9 Phần IV Văn bản Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, đối với trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì phải sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ/chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án mới xem xét, giải quyết cho người chồng/vợ ly hôn.[6]

Do đó, trong trường hợp này bắt buộc Tòa án phải thực hiện thủ tục việc dân sự là tuyên bố người đó mất tích trước, sau đó Tòa án mới thụ lý yêu cầu xin ly hôn của người vợ hoặc người chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích trước. Nên không thể nào giải quyết đồng thời trong cùng một vụ án vừa tuyên bố mất tích vừa giải quyết yêu cầu xin ly hôn được.

Thứ hai, về việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con”

Chúng tôi đồng ý theo quan điểm thứ nhất mà không đồng ý theo quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau:

[1] Thứ nhất, trong trường hợp này Tòa án không chấp nhận sự ủy quyền là có cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 25  BLDS 2015: Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác”. Theo khoản 1 Điều 39 BLDS 2015 quy định về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình”. Như vậy, có thể thấy trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ có cha hoặc mẹ mới có quyền yêu cầu (trừ một số trường hợp đặc biệt khác), đây là quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình cụ thể là “quan hệ cha mẹ và con”, do đó không thể chuyển giao được, nên việc Tòa án không chấp nhận ủy quyền là hoàn toàn hợp lý. Mặc khác, tại Điều 138 BLDS 2015 quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự. Trong quá trình xét xử vụ án ly hôn tại Tòa án, cả hai bên vợ, chồng đều không được ủy quyền cho người khác thay mặt họ tham gia tố tụng mà phải tự thân họ thực hiện quyền này.

[2] Thứ hai, chúng tôi không đồng ý theo quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Với lập luận cho rằng “khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện”. Trước hết cần lưu ý rằng, hiện nay việc xác định quan hệ pháp luật “thay đổi người trực tiếp nuôi con” là vụ án hôn nhân gia đình nên phải áp dụng những quy định của pháp luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết, “việc ly hôn” theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 cần được hiểu rộng ra là cả vụ án hôn nhân gia đình trong đó bao gồm cả bốn mối quan hệ, quan hệ hôn nhân, quan hệ con chung, quan hệ tài sản và quan hệ nợ. Trong đó, quan hệ hôn nhân và quan hệ con chung liên quan đến quyền nhân thân không thể chuyển giao do đó không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, còn các mối quan hệ còn lại có thể ủy quyền tham gia tố tụng được. Do đó, khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 nên hiểu áp dụng đối với quan hệ con chung đặc biệt là trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con thì không được ủy quyền.

Kết luận: Từ [1] và [2] chúng tôi cho rằng trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con chung thì không được ủy quyền tham gia tố tụng.


Chú thích:

[1] Khoản 1 Điều 68 BLDS 2015.

[2] Khoản 2 Điều 68 BLDS 2015.

[3] Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[4] Điều 385, Điều 388 BLTTDS 2015.

[5] Lý Văn Toán (2018), “Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được- Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (3), tr.31.

[6] Lý Văn Toán & Bùi Khắc Huỳnh (2021), “Góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử,  Đăng ngày 16/8/2021.

Trích dẫn từ: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/gop-y-du-thao-nghi-quyet-huong-dan-ap-dung-mot-so-quy-dinh-cua-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-nam-2014.


SOURCE: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (Tapchitoaan.vn)

One Response

  1. […] NGUYỄN BÍCH NHƯ (TAND Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) & LÊ QUANG HIẾN (Công ty Luật TNHH MTV Minh […]

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d