admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN ĐỀ 2

 

SỐ 2

Theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 2  năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học:

– Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.

Từ qui định trên xuất hiện hai vướng mắc mong các bạn cùng trao đổi:

– Thứ nhất, bản thân người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân không thể tự mình mang thai do khuyết tật về sinh học và họ có nguyện vọng nhờ người khác mang thai hộ, lý do này có được coi là chính đáng? (Các bạn có thể tham khảo ở đây);

– Thứ hai, con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có được thừa nhận về quan hệ nhân thân trong quan hệ cha, mẹ, con với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi? Sự không thừa nhận của Nhà nước về quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp này liệu có dẫn đến nhiều vấn đề về đạo đức, giá trị truyền thống và pháp lý, ví dụ: họ có thể kết hôn với nhau hay không? con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và con của người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi có phải là anh, chị, em ruột hay không? ….

Các văn bản Luật có liên quan: Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 2năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học  … văn bản khác

XIN MỜI CÁC BẠN CÙNG THẢO LUẬN!

7 Responses

  1. Luật gia Thông đã viết: “Thứ nhất: Trường hợp tinh trùng và noãn của cặp vợ chồng đều có khả năng thụ tinh nhưng vì khuyết tật hoặc bệnh tật khác nên không tự thụ tinh được và không thể cấy phôi của 2 vợ chồng cho người vợ được mà phải cấy phôi của 2 người này cho người khác mang thai hộ; trường hợp tinh trùng hoặc noãn của một trong hai người trong cặp vợ chồng vô sinh không có khả năng thụ tinh mà phải lấy noãn hoặc tinh trùng của người khác kết hợp với người còn lại để cấy cho người khác mang thai hộ (vì người vợ bị khuyết tật hoặc bệnh tật khác không mang thai được, đây là 1 trường hợp có con riêng). Pháp luật hiện hành không thừa nhận 2 trường hợp này là không hợp lý, vì trong hai trường hợp này, đứa con kia mang ít nhất là gen của cha hoặc mẹ là người vô sinh và họ có nguyện vọng có con”
    Tôi hoàn toàn ủng hộ phân tích của luật gia, đặc biệt là ý kiến trích bên trên. Đây là vấn đề không còn mới trên thế giới (đã có tiền lệ), vấn đề là ở VN thông qua điều luật cho phép mang thai hộ và trong thời gian chờ thông qua, cần có giải pháp cho các gia đình rơi vào trường hợp kể trên. Rất cám ơn bài trao đổi hữu ích này của các luật gia.

  2. đánh chính một chút
    “Những người cho tinh trùng, noãn, phôi và con cháu của những người này không thể coi là cha mẹ, anh chị em ruột với người con sinh theo phương pháp khoa học….”

  3. Bổ sung thêm
    Câu hỏi thứ nhất của Civillaw: Hiện nay bị pháp luật cấm. Theo bản thân tôi, đây là lý do chính đáng, pháp luật nên thừa nhận nhưng chỉ cho phép mang thai hộ trong 2 trường hợp mà tôi đã nêu ở trên và trường hợp người phụ nữ độc thân không thể mang thai do khuyết tật nhưng noãn của họ phải thụ tinh được.
    Câu hỏi thứ 2: Giữa người cho tinh trùng, noãn, phôi và con cháu của những người này không thể coi là cha mẹ, con, anh chị em ruột (vì họ đã tự nguyện cho tinh trùng, noãn, phôi), vì vậy không đặt ra vấn đề nghĩa vụ cha, mẹ, con, thừa kế… . Và cũng không thể xác định được mối quan hệ trên, vì trên thực tế không tiết lộ thông tin của những người cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi. Cũng chính vì những lý do phức tạp này nên pháp luật mới hạn chế sinh con theo phương pháp khoa học. Nếu sau này pháp luật có sửa đổi thì nên quy định theo hướng tôi đã trình bày ở bài viết trước. Mặc dù, cách quy định đó chưa phù hợp ở chỗ có quan hệ huyết thống nhưng lại không được xác định là cha mẹ con. Chúng ta cho phép sinh con theo phương pháp khoa học thì chúng ta cũng phải chấp nhận những trường hợp như vậy để bảo đảm quyền lợi của những người liên quan (coi như đây là trường hợp đặc biệt).

  4. Chào Civillaw và tất cả mọi người!
    Vấn đề 2 mà civilaw đưa ra cũng như ý kiến của các bạn đã bình luận là vấn đề mang tính xã hội nhạy cảm nhưng cũng là vấn đề cần sự can thiệp kịp thời của Nhà nước bằng các văn bản pháp luật. Bởi trong giai đoạn hiện nay, khoa hoc kỹ thuật phát triển, kèm theo đó là các vấn đề xã hội phát sinh theo, các vấn đề đó tác động đến xã hội theo những chiều hướng khác nhau. Vấn đề mà civillaw đưa ra cũng không tránh khỏi. Vì vậy, cần có các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ này cũng là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như thế nào, theo hướng nào cũng phải có những nghiên cứu nhất định để đảm bảo tính hài hoà của quan hệ xã hội, đồng thời khi ban hành văn bản để điều chỉnh thì văn bản đó mới đảm bản tính hợp pháp và tính hợp lý.
    Theo bản thân tôi, khi xem xét vấn đề trên chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề mang tính trái chiều trong tình huống mà Civillaw đưa ra. Một con người có quyền được làm cha, làm mẹ, và một đứa trẻ sinh ra có quyền xác định cha mẹ cho mình…. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này phải tuân theo những trật tự nhất định, không phải muốn thực hiện quyền làm cha, làm mẹ thế nào cũng được, để đảm bảo chất lượng dân số thì việc can thiệp của nhà nước là cần thiết. Vấn đề đặt ra là quyền nào nên được thừa nhận, quyền nào nên hạn chế khi thực hiện các quyền nêu trên.
    Pháp luật luôn tôn trọng quyền làm cha, làm mẹ, quyền được xác định cha mẹ cho một người khi sinh ra. Nhưng đây là các quyền được công nhận mang tính tự nhiên (tức không có sự can thiệp bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản, những người này thực hiện thiên chức của mình không liên quan, ảnh hưởng người khác). Trong trường hợp này, bất cứ người nào thực hiện quyền làm cha, mẹ, con đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối (tức pháp luật công nhận). Thực hiện được quyền này hay không là phục thuộc vào bản thân mỗi con người chúng ta.
    Trường hợp mà civillaw đưa ra không phải là trường hợp thực hiện quyền làm cha, mẹ, con theo đúng quy luật tự nhiên, vì vậy, pháp luật điều chỉnh với mức độ nghiêm ngặt, thậm chí có trường hợp còn cấm (ví dụ mang thai hộ còn bị cấm) là một điều cũng không tránh khỏi nhằm bảo đảm các quan hệ xã hội khác không bị xáo trộn. Vì thực hiện quyền làm cha, mẹ, con trong trương hợp này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mối quan hệ khác, có tác động theo chiều hướng tốt (như đảm bảo các đôi vợ chồng vô sinh được làm cha mẹ, họ được hạnh phúc). Nhưng cũng có những tác động không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền nhân thân, quyền tài sản của những người liên quan (người cho tinh trùng, noãn, người mang thai hộ…) như: Quan hệ huyết thống xác định như thế nào, cách xác định cha, me, con rất phức tạp; ảnh hưởng bí mật đời tư của người khác; một số người có nhiều tiền muốn giữ nhan sắc, vẻ đẹp, hoặc vì công việc mà họ sẽ thuê người khác mang thai hộ dẫn đến khó kiểm soát được vấn đề mang thai hộ; xuất hiện những người chuyên làm việc mang thai hộ; để đảm bảo chất lượng dân số thì phải xác định huyết thống của cha, mẹ, con và những người liên quan dẫn đến không bảo vệ được bí mật đời tư của người khác. Nếu muốn bảo vệ bí mật đời tư thì lại gây khó khăn trong việc xác định huyết thống (có khi những người cùng cha hoặc cùng mẹ lại kết hôn với nhau)… . Không chỉ riêng nước ta mà có nhiều nước như Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ hay Pháp, dịch vụ mang thại hộ bị pháp luật nghiêm cấm.
    Nhưng tại các nước như Hi Lạp, Ấn Độ, Nga, Canada và đặc biệt là Mỹ, việc sinh con thay thế là rất phổ biến, đến độ đã xuất hiện các trung tâm môi giới đứng ra làm trung gian cho 2 bên có nhu cầu. Theo thống kê trong năm qua, các hãng môi giới dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ đã giúp đỡ cho gần 500 cặp vợ chồng vô sinh. Hàng năm, có khoảng 200-400 cặp vợ chồng người nước ngoài đến Mỹ cậy nhờ đến dịch vụ mang thai hộ để có em bé.
    Tuy nhiên các cặp vợ chồng phải chấp hành 2 quy định ở Mỹ: Phải có giấy xác nhận tình trạng vô sinh để tránh trường hợp thuê người mang thai chỉ vì sở thích, người mang thai phải ở độ tuổi thanh niên và đã có con. Còn các bà mẹ mang thai hộ được trả công sòng phẳng thông qua hãng môi giới. Kể từ 30 năm nay người ta ước tính có khoảng 23.000 em bé ra đời từ việc mang thai hộ tại Mỹ, còn ở châu Âu là 1.500 em.
    Xuất phát từ những tác động tiêu cực trên đây mà hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân được sinh con theo phương pháp khoa học nếu người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân kia có đủ điều kiện quy định tại Nghị định 12/2005/NĐ-CP.
    Thiết nghĩ, quy định như pháp luật Việt Nam hiện hành là phù hợp, xuất phát từ các lý do sau:
    1. Trong trường hợp cả tinh trùng và noãn của cặp vợ chồng vô sinh đều đảm bảo để tạo thành phôi nhưng do bệnh tập hoặc khuyết tập về mặt sinh học mà không thể tự thụ thai được thì cho thủ tinh nhân tạo hoặc thủ tinh trong ống nghiệm rồi cấy phôi cho người vợ là phù hợp, vì đó là gen của họ nên con sinh ra là con của họ không có vấn đề gì phức tạp.
    2. Người phụ nữ độc thân có thể nhận tinh trùng của người đàn ông khác để tạo phôi. Đây là trường hợp chính đáng, vì bản thân họ không thể tự có con được, và con cũng mang dòng máu, gen của người này.
    3. Trường hợp một trong hai người của cặp vợ chồng vô sinh không có khả năng sinh con mà người vợ phải nhận tinh trùng hoặc noãn của người đan ông hay đàn bà khác. Trường hợp này, xét về mặt sinh học thì đây là con riêng của vợ hoặc chồng với một người đàn ông hay đàn bà khác, nhưng được người chồng hoặc vợ kia thừa nhận là con chung. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
    4. Nếu tinh trùng và noãn của cả hai vợ chồng đều không có khả năng thụ tinh thành phôi mà phải cấy phôi của người khác vào người vợ. Trường hợp này, bản chất của nó là nuôi con nuôi thay vì họ nhận một đứa trẻ bằng cách họ đẻ ra đứa trẻ, vì cặp vợ chồng này đều không có quan hệ huyết thống (gen) với đứa trẻ. Nhưng người vợ cũng mang nặng, đẻ đau, không liên quan người khác (vì không biết người cho tình trùng và noãn là ai).
    5. Nếu cả tinh trùng và noãn của cặp vợ chồng vô sinh kia đều không có khả năng thụ tinh và người vợ cũng không có khả năng mang thai mà phải nhờ người khác mang thai hộ bằng cách lấy phôi của người khác thì pháp luật cấm là phù hợp. Vì cặp vợ chồng này không có quan hệ huyết thống gì với đứa trẻ được sinh ra, mặt khác lại liên quan đến người mang thai hộ, dịch vụ mang thai hộ- mà sinh con theo phương pháp này thật sự rất tốn kém. Vì vậy, thay trường hợp này bằng cách nhận nuôi con nuôi là phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam hơn.
    Tuy nhiên quy định của Nghị định 12/2005/NĐ-CP cũng chưa đầy đủ và có những hạn chế nhất định đó là:
    Thứ nhất: Trường hợp tinh trùng và noãn của cặp vợ chồng đều có khả năng thụ tinh nhưng vì khuyết tật hoặc bệnh tật khác nên không tự thụ tinh được và không thể cấy phôi của 2 vợ chồng cho người vợ được mà phải cấy phôi của 2 người này cho người khác mang thai hộ; trường hợp tinh trùng hoặc noãn của một trong hai người trong cặp vợ chồng vô sinh không có khả năng thụ tinh mà phải lấy noãn hoặc tinh trùng của người khác kết hợp với người còn lại để cấy cho người khác mang thai hộ (vì người vợ bị khuyết tật hoặc bệnh tật khác không mang thai được, đây là 1 trường hợp có con riêng). Pháp luật hiện hành không thừa nhận 2 trường hợp này là không hợp lý, vì trong hai trường hợp này, đứa con kia mang ít nhất là gen của cha hoặc mẹ là người vô sinh và họ có nguyện vọng có con.
    Thứ hai: pháp luật không quy định mối quan hệ nhân thân giữa người cho tinh trùng, noãn, phôi với đứa trẻ sinh ra theo phương pháp khoa học có thể dẫn đến tình trạng sau này những người con cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha…lại kết hôn với nhau mà chúng ta không hề hay biết ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
    Theo quan điểm của bản thân tôi thì cần sửa đổi nghị định trên theo hướng:
    Thứ nhất, ngoài các trường hợp được phép sinh con theo phương pháp khoa học quy định tại Nghị định 12, cần quy định (cho phép) thêm 2 trường hợp vừa nêu trên (trường hợp cả tinh trùng, noãn của hai người hoặc của 1 trong hai người có khả năng thụ tinh nhưng người vợ không thể mang thai mà phải nhờ người khác mang thai hộ). Bởi lẽ, người con sinh ra mang ít nhất là gen của cha hoặc mẹ và họ có nguyện vọng có con.
    Thứ hai, cho phép mang thai hộ nhưng để tránh các trường hợp tranh chấp sau khi sinh giữa người mang thai hộ và cặp vợ chồng vô sinh; đảm bảo danh dự, nhân phẩm cho người cho tinh trùng, noãn, phôi; đảm bảo chất lượng dân số thì pháp luật cần quy định công khai, chặt chẽ và quản lý được việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi (nếu người nào hoàn toàn tự nguyện thì có thể cho tinh trùng, noãn, phôi) nhưng không làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uý tín của người cho. Quy định rõ người cho tinh trùng, noãn, phôi và người con được sinh ra không có mối quan hệ ràng buộc cha, mẹ, con (vì họ đã tự nguyện) nhưng phải quy định họ là những người cùng huyết thống thuộc trường hợp không được kết hôn theo quy định của luật Hôn nhân và Gia đình; quy định rõ người mang thai hộ phải có những điều kiện như: độ tuổi, không mắc bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khoẻ để sinh con, không đòi đứa con sinh theo phương pháp khoa học…; mang thai hộ không có mục đích thương mại; và điều kiện quan trọng nhất là phải có xác nhận của cơ sở y tế cấp có thẩm quyền là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ vô sinh, người vợ không thể mang thai.
    Đây chỉ là một số ý kiến cá nhân, rất mong được các bạn quan tâm trao đổi để hoàn thiện.
    Cảm ơn!

  5. Tôi tiếp tục đưa ra quan điểm của mình:
    Quan điểm của các nhà làm luật đưa ra trong vế thứ hai thật sự có nhiều vấn đề tranh cãi:
    + luật chỉ nêu con sinh ra do hỗ trợ kỹ thuật không có quyền thừa kế, quyền nuôi dưỡng, cáp dưỡng mà không đề cập đến quyền nhân thân. Vậy trong trường hợp này họ có quyền xác nhận cha con theo luật hôn nhân và giâ đình không. Nếu được quyền yêu cầu nhận cha cho con thì trong quyền này lại được chia tài sản và thừa kế, cấp dưỡng???theo luật dân sự.
    +Đồng thời trong trường hợp mà xác nhận quyền nhân thân thì lại vi phạm bí mật của người cho tinh trùng, noãn.
    Do đó xét về mặt pháp lí thì qui định này chưa ổn lắm, nhưng xét về mặt thực tế thì qui định này lại ổn để đảm bảo được bí mật của những người đã tự nguyện cho 1 phần cơ thể mình mà không đòi hỏi quyền lợi

  6. Đây quả thật là vấn đề xã hội còn ít quan tâm. Sự thật thì tôi vẫn không thể biết đươc( thông qua các thống kê xã hội học thôi) bao nhiêu người biết đến qui định này của nhà nước, nhưng theo tôi đây lại là một thực tế rất nhạy cảm trong xã hội ngày này.
    Vấn đề này có 2 góc độ:
    + Thứ nhất về góc độ xã hội: Con người ai chẳng muốn có con để mình được tái sinh một lần nữa. Nhưng thực tế lại k cho họ quyền được làm cha làm mẹ. Vì vậy tôi tin rằng khi khoa học phát triển và vấn đề cấy tinh trùng và trứng của chồng và vợ vào 1 người khác rộng rãi, không tốn kém nhiều thì sẽ rất nhiều người tìm đến biện pháp này để sinh con, thay vào đó là nhân con nuôi. Do đó luật pháp không thể phủ nhận thực tế mà luật pháp cần điều chỉnh thực tế cho tốt hơn. Tức là tạo ra 1 hành lang pháp lí thuận lợi cho việc thực hiện quyền làm mẹ làm cha của những người không thể có chức năng tự nhiên vốn có này. Vì vậy theo tôi nghị định này nên sửa để phù hợp thực tế hơn. Mặc dù không tránh khỏi việc sẽ tồn tại chuyện có người vì không có công ăn việc làm sẽ chỉ làm việc mang thai hộ. Vì vậy cần có chính sách nhất định đối với những người làm việc đi mang thai hộ này. Một khi luật đã thực tế hóa thì tôi tin rằng mọi việc sẽ giải quyết tốt hơn.
    + Thứ 2: Xét dưới góc độ pháp lí: Nghị định trên nhìn về cụ thể có thể chồng chéo các qui định của pháp luật. Trươc hết đó là vi phạm nhân quyền: Tức là quyền được làm mẹ, được có con bằng chính 1 phần cơ thể của mình mà mình do khuyết lỗi của tự nhiên không thể thực hiện chức năng đó được, và họ không muốn nuôi con nuôi do có nhiều chuyện phức tạp.

  7. Vấn đề mà Civillaw đưa ra thực sự là một vấn đề xã hội nhạy cảm.
    Theo tôi, pháp luật đã công nhận quyền làm mẹ, quyền làm cha của công dân thì cũng phải tạo điều kiện cho họ trước hết được thực hiện quyền này theo nghĩa tự nhiên của nó. Con đẻ có nhất thiết phải do chính nguời mẹ sinh ra hay không hay nó chỉ mang nguồn gien của cha mẹ nó, còn nguời khác mang thai không quan trọng? Xét về mặt tập quán thì không chấp nhận nguời khác mang thai hộ. Xét về mặt pháp lý các hợp đồng này vô hiệu.Tuy nhiên, bản thân tập quán này đã thay đổi, rất nhiều nguời có nguyện vọng không mang thai được nhưng vẫn có thể có con trong việc cây phôi và để nguời khác mang thai hộ vì họ cho rằng con sinh ra trong trường hợp vẫn là huyết hệ của họ. Thiết nghĩ nhà làm luật cần quan tâm đến nguyện vọng này của một bộ phân nguời dân.
    Bản chất là hợp đồng là kết quả của tự do ý chí, nếu một nguời nhận mang thai hộ phi lợi nhuận thì có nên công nhận hiệu của hợp đồng đó không? Theo tôi nghĩ cần thiết phải công nhận.
    Về vấn đề “Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.” thì tôi thực sự băn khoăn rõ ràng sẽ có nhiều vấn đề đạo đức, xã hội và pháp lý phát sinh như Civillaw đưa ra.
    Theo quan điểm của tôi trách nhiệm của Nhà nước phải tạo điều kiện gìn giữ sự lành mạnh của nòi giống. Nguyên tắc chung, nguời cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi là cha mẹ về nhân thân nhưng không có nghĩa vụ về tài sản. có thể họ không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với con của họ sinh ra, nhưng nhưng quyền và nghĩa vụ nhân thân vẫn có thể bị ràng buộc đặc biệt về quyền kết hôn, thì qui định rõ cấm kết hôn giữa những ngưòi này với nhau.
    Hy vọng nhân được sự trao đổi thêm từ quí vị.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn