TS. ĐÀO MINH TÚ – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Là một nước phát triển và có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như nhiều nước phát triển khác, Hàn Quốc đã chịu tác động sâu sắc từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và trong nước, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và bị tổn thương nặng nề nhất.
Để vực dậy nền kinh tế và hệ thống tài chính, ngân hàng sau các cuộc khủng hoảng, từ năm 1996 đến nay, Hàn Quốc đã buộc phải tiến hành nhiều đợt tái cơ cấu hệ thống tài chính nói chung và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng nói riêng bằng một hệ thống các giải pháp đột phá, mạnh mẽ và kịp thời với sự đồng thuận và quyết tâm cao trong nhận thức cũng như trong hành động từ Quốc hội, Chính phủ đến các chủ thể trong hệ thống tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết, quan điểm và cách thức tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Nhờ đó, các đợt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu của Hàn Quốc sau khủng hoảng đều đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu.
Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC), Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), Cơ quan Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS), Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) và một số ngân hàng Hàn Quốc (Woori Bank…) đã chia sẻ kinh nghiệm thực thi quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu như sau:
1. Về hành lang pháp lý
Thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời được xem là điều kiện tiên quyết, đảm bảo cho các biện pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được thực thi nghiêm túc, nhanh chóng và công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu tối đa các tranh chấp, xung đột lợi ích và những tác động bất lợi từ khủng hoảng.
Thực tế, để hỗ trợ tốt nhất cho việc vận hành và giám sát hệ thống tài chính cũng như quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu khi hệ thống tài chính, ngân hàng gặp sự cố, Hàn Quốc đã ban hành đầy đủ, kịp thời hành lang pháp lý, quy định cụ thể, rõ ràng các quan điểm, chủ trương, cách thức vận hành thị trường tài chính và quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, đã có không dưới 6 bộ luật, quy định điều chỉnh cụ thể các nội dung hoạt động, trong đó có nhiều bộ luật, quy định chuyên biệt, như:
– Luật về tăng cường tái cấu trúc trong lĩnh vực tài chính;
– Luật về cải tổ chức năng và nhiệm vụ của Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO);
– Luật Bảo hiểm tiền gửi;
– Luật Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền;
– Quy định riêng về “Hành động chấn chỉnh kịp thời” đối với hoạt động của các ngân hàng, ngân hàng tiết kiệm tương hỗ.
Với một hệ thống pháp lý đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, khuyến khích các tổ chức và cá nhân cùng tham gia và chú trọng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các cơ quan chức năng như FSC, FSS, KDIC, KAMCO… trong việc can thiệp và áp dụng các công cụ chính sách, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng tại Hàn Quốc đã được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, minh bạch và đạt hiệu quả cao. Trong đó, việc ban hành Luật về tăng cường tái cấu trúc trong lĩnh vực tài chính và Luật về cải tổ chức năng và nhiệm vụ của KAMCO đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về cơ chế phối hợp, sử dụng nguồn lực và quyền hạn của các cơ quan chức năng và tổ chức tài chính, nhất là các ngân hàng yếu kém trong việc lựa chọn và thực thi các biện pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đặt ra là nhanh chóng xử lý dứt điểm những vấn đề yếu kém, không gây ảnh hưởng xấu lan truyền trong hệ thống, cải thiện và phục hồi hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng với chi phí thấp nhất.
2. Về các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng
Tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1996 – 1997 và khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến nợ xấu của các tổ chức tài chính Hàn Quốc tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của hệ thống tài chính, nhiều ngân hàng có hệ số an toàn vốn dưới chuẩn buộc phải xử lý cơ cấu lại. Các biện pháp cơ cấu lại được Hàn Quốc áp dụng gồm: tự chấn chỉnh, củng cố; sáp nhập, hợp nhất tự nguyện; sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém; phá sản đối với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, không có khả năng gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù là một nước phát triển nhưng Hàn Quốc không áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng yếu kém do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống tài chính và tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Thực tế, Hàn Quốc chưa thực hiện phá sản một ngân hàng nào mà chỉ áp dụng biện pháp phá sản đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng có quy mô nhỏ. Các biện pháp cơ cấu lại nêu trên cũng đang được Việt Nam áp dụng trong giai đoạn tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2016 và tiếp tục áp dụng trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tương tự như Việt Nam, bước đầu tiên của quá trình tái cơ cấu ở Hàn Quốc là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá tình hình tài chính, các khoản nợ xấu và tiến hành phân loại, nhận diện các ngân hàng. Các ngân hàng được nhận diện thuộc loại yếu kém sẽ phải thực hiện tự chấn chỉnh, củng cố bắt buộc trong một thời gian nhất định theo yêu cầu của FSC và chịu sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của FSS. Sau thời gian tự chấn chỉnh, củng cố bắt buộc đó, nếu ngân hàng yếu kém không có khả năng phục hồi thì sẽ buộc phải sáp nhập, hợp nhất hoặc bán cho các nhà đầu tư khác.
Đối với ngân hàng có Tài sản Nợ ≥ Tài sản Có thì cổ phiếu của ngân hàng được xác định và tuyên bố công khai là không còn giá trị. Khi đó, cổ đông sẽ mất toàn bộ quyền lợi tại ngân hàng, FSS sẽ tiếp quản và có toàn quyền xử lý ngân hàng này. Đôi khi việc tiếp quản của FSS vấp phải sự phản đối của các cổ đông nhưng vì luật pháp Hàn Quốc quy định rất rõ ràng, cụ thể và trao quyền xử lý đủ mạnh cho FSS nên sự phản đối của các cổ đông được FSS xử lý ổn thỏa, không gây tác động tiêu cực đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đây là điểm Việt Nam cần học tập để hoàn thiện hành lang pháp lý, trao quyền đủ mạnh cho NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong quá trình xử lý các ngân hàng có giá trị âm, đồng thời cũng có cơ chế giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của NHNN để đảm bảo quá trình triển khai diễn ra đúng quy định, công khai, minh bạch.
Như vậy, đối với các ngân hàng có giá trị âm, Hàn Quốc có cách thức xử lý tương tự như cách xử lý mua 3 ngân hàng với giá “0 đồng” mà Việt Nam đã áp dụng trong giai đoạn 2011 – 2016. Tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/10 vừa qua của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng, nhiều Đại biểu Quốc hội của Việt Nam đã đề nghị quy định rõ giá mua 0 đồng đối với các ngân hàng có giá trị âm, đồng thời bổ sung biện pháp NHNN là người mua bắt buộc cuối cùng trong một thời gian nhất định đối với ngân hàng yếu kém không thể thực hiện được phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao bắt buộc hoặc phá sản, không để các ngân hàng này ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của toàn hệ thống.
Thực tế, tháng 7/1998, Hàn Quốc đã yêu cầu đóng cửa 05 ngân hàng yếu kém có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu dưới 8% thông qua biện pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác; yêu cầu 07 ngân hàng yếu kém khác phải thực hiện tái cơ cấu dưới sự giám sát của NHTW và FSC thông qua các biện pháp tăng mức vốn tối thiểu, thay đổi ban điều hành ngân hàng và giảm bớt quy mô và phạm vi hoạt động.
Cũng giống như Việt Nam, các ngân hàng buộc phải chấn chỉnh, củng cố sẽ phải xây dựng, đệ trình FSC phương án xử lý và được FSS thẩm định, thông qua. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho phép FSS được thuê nhóm chuyên gia độc lập thẩm định phương án xử lý này làm cơ sở cho FSS xem xét, quyết định phê duyệt. Cơ chế này giúp đẩy nhanh quá trình thẩm định phương án xử lý các ngân hàng yếu kém và giảm tải công việc cho FSS.
Khi thực hiện các biện pháp sáp nhập, hợp nhất hoặc bán các ngân hàng yếu kém cho các nhà đầu tư khác, Hàn Quốc chấp nhận chuyển giao các tài sản “xấu” của ngân hàng cho KAMCO xử lý nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng yếu kém tiếp nhận các tài sản “tốt” để nhanh chóng ổn định và cải thiện hoạt động sau sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Đồng thời, Hàn Quốc áp dụng nhiều cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình củng cố, sáp nhập, hợp nhất và mua lại các ngân hàng yếu kém. Nhờ đó, việc xử lý 12 ngân hàng yếu kém nêu trên đã được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả với mức chi phí tối thiểu và thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không gây ảnh hưởng xấu lan truyền đến hệ thống ngân hàng cũng như tình hình kinh tế xã hội.
Quá trình tái cơ cấu ở Hàn Quốc không chỉ diễn ra đối với các ngân hàng yếu kém mà được tiến hành ở tất cả các tổ chức tài chính, ngân hàng với mục tiêu: (i) Tạo ra các ngân hàng lớn sau khi hợp nhất và sáp nhập có đủ năng lực tài chính để nâng cao hiệu quả kinh doanh và có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài; (ii) Thu hẹp phạm vi hoạt động của các ngân hàng có quy mô vừa để tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính; (iii) Duy trì các ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả. Các mục tiêu này khá tương đồng với mục tiêu tái cơ cấu mà Việt Nam đã đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2016 và giai đoạn 2016 – 2020.
Với mục tiêu đó, Hàn Quốc khuyến khích các NHTM lớn sáp nhập và hợp nhất với nhau để trở thành các ngân hàng hàng đầu có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài. Tháng 11/2001, 02 ngân hàng lớn của Hàn Quốc là Kookmin Bank và Housing & Commercial Bank đã tự nguyện sáp nhập để trở thành ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc.
Khác với Việt Nam, KDIC có vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng yếu kém để bảo đảm thanh khoản.
3. Các biện pháp xử lý nợ xấu
Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc khuyến khích các ngân hàng xử lý nợ xấu bằng các biện pháp tự thân, mua bán trên thị trường mua bán nợ và bán nợ xấu cho KAMCO (tương tự như VAMC của Việt Nam). Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các ngân hàng trong xử lý nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc thực thi nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ thị trường mua bán nợ phát triển và được cụ thể hóa bằng một hệ thống luật pháp đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các chủ thể tham gia quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc trao quyền rất lớn cho KAMCO trong việc xử lý nợ xấu thông qua một bộ luật riêng biệt về cải tổ chức năng và nhiệm vụ của KAMCO, nhờ đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được xử lý rất nhanh, dứt điểm, hạn chế tối đa tác động lan truyền trong hệ thống.
Việc Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua được xem là một bước đi đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu so sánh với Hàn Quốc thì Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm khi thị trường mua bán nợ còn rất sơ khai, chưa phát triển và quyền năng của VAMC rất hạn chế. Đây là điểm rất quan trọng Việt Nam cần phải nghiên cứu học tập để quá trình xử lý nợ xấu trong tương lai được xử lý nhanh, dứt điểm và hiệu quả hơn.
Với quyền năng được Chính phủ Hàn Quốc trao cho, KAMCO ưu tiên mua lại các khoản nợ xấu có khả năng phát mãi, các khoản được coi là điều kiện sống còn để phục hồi tổ chức tài chính và các khoản nợ xấu có nhiều chủ nợ. Nguyên tắc xử lý nợ xấu của KAMCO là “minh bạch, công bằng” và “nhanh chóng, hiệu quả, tối đa hóa thu hồi” để giảm nhẹ gánh nặng chi phí đối với ngân sách nhà nước. KAMCO áp dụng nhiều biện pháp xử lý nợ xấu đã mua, trong đó có hai biện pháp rất hiệu quả là đấu thầu quốc tế và chứng khoán hóa các khoản nợ đã mua có bảo đảm bằng tài sản (ABS).
KAMCO thực hiện đấu thầu quốc tế các khoản nợ xấu theo lô lớn (bao gồm nhiều khoản nợ có giá trị lớn) và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết tâm thực hiện vì các nhà đầu tư trong nước không có đủ nguồn lực để mua lại các khoản nợ cần phát mại, nhờ đó một khối lượng lớn nợ xấu đã được xử lý nhanh chóng thông qua biện pháp này. Nhiều ngân hàng sau đó đã tiếp nối kinh nghiệm của KAMCO trực tiếp bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Biện pháp chứng khoán hóa nợ xấu thông qua phát hành chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản cũng được triển khai rất thành công, từ đó thúc đẩy thị trường vốn phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản có vấn đề, mà còn có cả các tài sản lành mạnh.
Các biện pháp xử lý nợ xấu khác như bán tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp… tương tự như Việt Nam đang làm cũng được KAMCO áp dụng thành công do hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này ở Hàn Quốc khá hoàn chỉnh và ưu tiên bảo vệ quyền chủ nợ, ý thức chấp hành pháp luật tại Hàn Quốc cũng rất cao. Tuy nhiên, các biện pháp này mất nhiều thời gian hơn 2 biện pháp nêu trên.
4. Nguồn lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Sở dĩ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ở Hàn Quốc được tiến hành rất thành công, bên cạnh yếu tố cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và các giải pháp đột phá, còn có một yếu tố mang tính quyết định là nguồn lực tài chính.
Để có nguồn lực đủ mạnh nhằm thực hiện nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, không đủ để hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức tài chính cải thiện tình hình hoạt động, Chính phủ Hàn Quốc đã giao cho KDIC và KAMCO thành lập quỹ hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Các Quỹ này đã phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để bơm vốn hỗ trợ các tổ chức tài chính, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém cải thiện thanh khoản và phục hồi hoạt động thông qua việc mua cổ phần, mua các khoản nợ xấu… Sau đó, KDIC và KAMCO sẽ bán lại cổ phần của các ngân hàng đã mua và bán các khoản nợ xấu hoặc tài sản thế chấp của khoản nợ xấu để thu hồi lại tiền đã hỗ trợ các ngân hàng.
Việc phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ đã giúp KDIC và KAMCO nhanh chóng huy động được nguồn lực đủ lớn để tham gia mạnh mẽ vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Với nguồn lực đủ lớn và năng lực đủ mạnh mà pháp luật đã trao cho, KDIC và KAMCO đã thực hiện rất tốt vai trò hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Mặc dù, số tiền thu hồi được của KDIC và KAMCO sau khi bơm vốn hỗ trợ các tổ chức tài chính chỉ đạt trên 50% số tiền đã chi ra nhưng đã giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các ngân hàng yếu kém và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và tình hình kinh tế – xã hội. Hơn 40% số tiền không thể thu hồi đã được xử lý theo hướng: 70% tổng số tiền không thu được chuyển thành nghĩa vụ nợ của Chính phủ (làm tăng nợ công của Hàn Quốc thêm 8% GDP) và được Chính phủ trả dần trong 25 năm; 30% còn lại được bù đắp bằng phụ phí 0,1% tăng thêm trong phí bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tài chính kéo dài trong thời hạn 25 năm.
Về vấn đề này, tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/10 vừa qua của Quốc hội khóa XIV về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, có đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng không nên né tránh vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vì đây là nguồn lực quan trọng, cần thiết giúp quá trình này được triển khai nhanh và hiệu quả hơn. Vấn đề quan trọng cần quan tâm là phải xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo quá trình sử dụng nguồn lực này đạt hiệu quả cao và đảm bảo công khai, minh bạch. Nếu làm được điều này thì người dân cũng sẽ đồng tình cao với chủ trương này. Đồng quan điểm này, có đại biểu cũng cho rằng nên bổ sung quy định xử lý trường hợp số tiền thu lại từ bán lại các ngân hàng yếu kém thấp hơn số tiền bỏ khi nhận tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Với vấn đề mà các đại biểu Việt Nam đặt ra, kinh nghiệm Hàn Quốc đã có một cách thức xử lý rất hiệu quả.
Bên cạnh việc hỗ trợ về nguồn lực tài chính, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng thêm nhiều biện pháp hỗ trợ khác, như: Thành lập các cơ quan hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp; thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế cho các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia thị trường mua bán nợ xấu, thị trường chứng khoán… Các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao khả năng chịu đựng rủi ro của các ngân hàng. Tăng cường vai trò của FSS trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, cảnh báo và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đối với các tổ chức tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng. Đây là những biện pháp hỗ trợ rất cần thiết giúp cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được thực thi đồng bộ và hiệu quả hơn.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của chính sách thuế đối với việc thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào quá trình cơ cấu lại của tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nên khi xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, cơ quan soạn thảo của Việt Nam cũng rất muốn quy định các biện pháp hỗ trợ về thuế ngay tại dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính kịp thời toàn diện của khuôn khổ pháp lý, nhưng đáng tiếc, quan điểm này không được cơ quan lập pháp ủng hộ khi cho rằng sẽ xem xét vấn đề này khi sửa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về thuế. Việc phải chờ đến khi có chương trình sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế mới được xem xét, thông qua sẽ làm giảm tính hấp dẫn của các chính sách khác khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.
5. Về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc quy định mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cụ thể (50 triệu won/người gửi tiền), tuy nhiên, khi cần thiết (ví dụ giai đoạn khủng hoảng 1997 – 1998), Hàn Quốc tuyên bố Chính phủ đảm bảo chi trả đủ 100% tiền gửi cho người gửi tiền tại các ngân hàng. Đây là giải pháp tình thế cần thiết để trấn an người dân và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, kinh tế, xã hội. Thực tê,́ Chính phủ Hàn Quốc chưa phải thực hiện cam kết này do chưa để ngân hàng nào phải áp dụng biện pháp phá sản.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội Việt Nam tại Kỳ họp thứ 4, vấn đề chi trả tiền gửi vượt mức bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định của pháp luật Việt Nam (hiện nay là 75 triệu đồng) trong trường hợp áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng cũng được đề cập. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng quan điểm với cơ quan soạn thảo khi cho rằng ngoài hạn mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi, phần còn lại Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ khi cần thiết bằng các nguồn lực hợp lý để không gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 20/11/2017 mà không có quy định cụ thể về vấn đề này.
Tóm lại, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Hàn Quốc đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, giúp Hàn Quốc vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính trong và ngoài nước với chi phí thấp nhất và thời gian nhanh nhất. Có được kết quả này là nhờ các giải pháp quan trọng, như:
(i) Ban hành hệ thống pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, trao quyền đủ mạnh cho các cơ quan chức năng thực thi có hiệu quả các giải pháp có tính đột phá và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia.
(ii) Mặc dù không trực tiếp nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nhưng Chính phủ đã gián tiếp hỗ trợ một nguồn lực tài chính đủ mạnh thông qua bảo lãnh phát hành trái phiếu của các tổ chức chuyên biệt thực hiện trách nhiệm thay mặt Chính phủ thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
(iii) Chấp nhận dùng ngân sách nhà nước bù đắp phần lớn tổn thất tài chính trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính có trách nhiệm cùng gánh vác một phần tổn thất còn lại thông qua việc thu thêm phụ phí bảo hiểm tiền gửi trong thời gian đủ dài để giảm áp lực tài chính cho các tổ chức tài chính.
(iv) Sử dụng KAMCO như một công cụ đặc biệt để xử lý nhanh và kịp thời các khoản nợ xấu (lên đến 27% GDP trong giai đoạn khủng hoảng 1996 – 1997) thông qua việc tạo cơ chế xử lý rõ ràng, minh bạch và trao quyền đủ mạnh cả về thẩm quyền và nguồn lực tài chính.
Có thể khẳng định những bài học kinh nghiệm và kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Hàn Quốc có ý nghĩa nghiên cứu và thực tiễn rất sâu sắc đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là đối với 3 khuyến nghị mấu chốt mà KAMCO dành cho Việt Nam khi xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, gồm: (i) Sự đồng thuận của toàn dân và quyết tâm cao của Chính phủ, NHNN; (ii) Pháp luật trao quyền đủ mạnh cho các cơ quan, đơn vị thực thi; (iii) Hành động nhanh chóng và kịp thời.
Hy vọng rằng, bài viết sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các cơ quan chức năng và độc giả của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện các cơ sở pháp lý cũng như chủ trương, chính sách, biện pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 23/ THÁNG 12/2017
Trích dẫn từ: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – SBV.GOV.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: LUẬT TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG - CHỨNG KHOÁN - BẢO HIỂM, Xã hội, nhà nước và pháp luật nước ngoài |
Leave a Reply