Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

Advertisements

NHẬT MINH

Ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Tiếp đó, cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành tiếp Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg bổ sung, hoàn chỉnh đối tượng cho vay vốn này.

Đây là một trong những đối tượng đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được một yêu cầu bức bách của hàng chục vạn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước, đặc biệt là những học sinh, sinh viên ở nông thôn, miền núi, ven biển miền Trung, gia đình nằm trong diện nghèo hoặc cận nghèo có thu nhập thấp. Trước kia, khi chưa có đối tượng cho vay này, nhiều em có học lực khá, giỏi đủ điểm vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, nhưng đành gác lại những ước mong hết sức chính đáng của mình. Có trường hợp học đến năm thứ hai, thứ ba nhưng không vượt được chuyện khắc nghiệt “cơm áo”, học phí…. cũng đành “nửa đường đứt gánh!”. Đối tượng cho vay mới của NHCSXH đã mở ra một cơ hội hiếm hoi và quý giá cho những thanh niên nghèo lập thân, lập nghiệp.

Nhà nước ta luôn luôn coi giáo dục là vấn đề quốc sách. Hàng năm ngân sách đã dành một tỷ trọng lớn trong thu nhập quốc dân để xây dựng trường lớp, cung cấp thiết bị dạy học, trả lương giáo viên, đào tạo nguồn nhân lực sư phạm…. Nhưng giáo dục là vấn đề rộng lớn liên quan đến tất cả mọi gia đình. Một xã hội dù giàu có đến đâu chăng nữa cũng không thể có khả năng bao cấp toàn bộ cho giáo dục, nhất là những bậc học trên phổ thông. Vì vậy, đi đôi với việc đầu tư của Nhà nước, việc xã hội hoá giáo dục ở các bậc đại học, cao đẳng, dạy nghề là vấn đề tất yếu. Song, trong hoàn cảnh một nước nghèo như nước ta, việc huy động nguồn lực tài chính ở từng gia đình lại luôn luôn là chuyện nan giải và không phải ai cũng có thể thực hiện được. Những chính sách có tính chất hỗ trợ ban đầu, nhằm giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết trước mắt qua con đường tín dụng sau một thời gian sẽ được người vay hoàn trả là một biện pháp linh hoạt, được sự đồng thuận cao của xã hội. Việc đầu tư này trước mắt chưa đem lại kết quả rõ rệt, nhưng sẽ mang lại những hiệu quả tốt sau này, tạo ra nguồn nhân lực có tri thức cao trong tương lai. Bước vào thời kỳ hội nhập, chúng ta đã bộc lộ những mặt yếu đó là: Nguồn nhân lực trẻ dồi dào nhưng lao động có tay nghề cao lại rất ít, nguồn tài nguyên giàu có, phong phú, song phải xuất bán nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế. Nhiều sản phẩm sản xuất ra hàm lượng chất xám thấp, giá thành cao, không đủ sức cạnh tranh ngay với sản phẩm cùng loại trong khu vực chứ chưa nói gì đến cạnh tranh với các nước phát triển. Đầu tư để mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra nguồn nhân lực có trí thức cao là một biện pháp đầu tư khôn ngoan nhất nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giúp nước ta hội nhập một cách bình đẳng với các nước phát triển. Trong nước, việc đầu tư đó từng bước tạo lập sự bình đẳng giữa các cộng đồng dân cư, trước hết là bình đẳng trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí giữa nông thôn, thành thị, miền xuôi, miền ngược, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc, đạt được những mục tiêu cao cả mà Đảng, Nhà Nước ta hằng kỳ vọng.

Đến nay, theo các phương tiện thông tin đại chúng, số vốn NHCSXH đã giải ngân cho vay đối tượng này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng và không ngừng tăng lên nhanh chóng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người vay, nhất là vào dịp đầu năm học.Về phía dư luận xã hội cũng như người vay cũng có nhiều những ý kiến khác nhau. Xin được đóng góp một số vấn đề xung quanh đối tượng cho vay đang được nhiều người rất quan tâm này.

– Về mức cho vay tối đa 800 ngàn đồng/tháng trước kia là thoả đáng, nhưng đến nay do tình hình giá cả hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng đã tăng lên rất cao. Chưa nói đến các chi phí về may mặc, mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, phương tiện đi lại, thuê nhà ở… Chỉ nguyên chi phí về ăn dù tằn tiện đến đâu mỗi tháng cũng phải hết 600 ngàn đồng. Sắp tới học phí cũng sẽ tăng theo dự kiến của Bộ Giáo dục đào tạo. Với tốc độ lạm phát và cơn bão giá như hiện nay, mức cho vay tối đa trên cũng chỉ đáp ứng được từ 60 đến 70% các chi phí tối thiểu. Đề nghị NHCSXH nên điều chỉnh mức cho vay tối đa lên 1 triệu đồng/tháng. Mỗi năm học được vay 10 tháng (trừ 2 tháng nghỉ hè). Nhưng đối với những học sinh, sinh viên năm cuối phải đi thực tập, kiến tập và đây là thời gian rất quan trọng cho việc thi tốt nghiệp, nếu có chứng nhận của nhà trường và người đó có yêu cầu cũng sẽ được vay 12 tháng.

– Về chủ thể vay vốn: Cách đây vài tháng, Đài Truyền hình Việt Nam có phát một phóng sự ngắn nêu ý kiến của một số học sinh, sinh viên và cả một số bậc phụ huynh là nên để những người trực tiếp sử dụng vốn đứng ra vay. Ý kiến này cũng được khá nhiều người đồng tình vì cho rằng như vậy người vay sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn trong việc sử dụng vốn và sau này liên quan đến việc hoàn trả nợ. Nhưng nhìn về tổng thể và nhất là về khía cạnh pháp lý thì sẽ có rất nhiều mặt bất cập vì học sinh, sinh viên tuy là người được thụ hưởng số tiền vay này để dùng vào mục đích học tập nhưng không phải là một chủ thể độc lập, còn hoàn toàn lệ thuộc về mặt kinh tế với gia đình. Giả sử không được vay vốn gia đình đó vẫn phải bươn chải để nuôi con em mình ăn học. Vả lại đối tượng này xét về bản chất là cho vay những hộ nghèo và chỉ có chính quyền địa phương nơi hộ đó đang cư trú có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề mới đủ điều kiện để xác nhận về nhân thân, hoàn cảnh thực tế, thu nhập của gia đình để NHCSXH có những cơ sở pháp lý quyết định cho vay hay không, hạn chế tối đa việc cho vay sai đối tượng. Nếu để học sinh, sinh viên đứng ra vay vốn, chính quyền nơi nào sẽ xác nhận việc vay vốn này trong khi đại bộ phận các trường đại học tập trung ở các thành phố lớn và thu hút người học từ khắp các nơi về đây? Chính quyền địa phương nơi có trường đại học rõ ràng không đủ những thông tin cần thiết để xác nhận cho một người từ nơi khác đến chỉ cư trú tạm thời trong một vài năm đứng ra vay vốn ngân hàng. Việc để người vay đứng ra trả nợ rất có thể xẩy ra tình trạng mất vốn nếu người đó bỏ học giữa chừng hoặc bị nhà trường đuổi học, cá biệt có cả những trường hợp do vi phạm pháp luật phải chấp hành án phạt tù, lúc đó ai sẽ là người đứng ra trả nợ trong khi người đó không còn thuộc quyền quản lý của nhà trường? Giả sử không xẩy ra các trường hợp trên, nhưng sau khi ra trường người đó có thể chuyển đến bất kỳ nơi nào để kiếm việc làm và đương nhiên NHCSXH không thể có những địa chỉ để tiến hành thu nợ nếu người đó không tự giác mang tiền đến trả. Như vậy, cách hợp lý nhất là hộ gia đình, cụ thể là những thân nhân của học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn học tập đứng ra vay vốn và chịu trách nhiệm cho đến khi trả nợ xong.

– Vấn đề cuối cùng là những cơ sở pháp lý và những ràng buộc cần thiết để đảm bảo thu hồi được nợ sau khi người vay ra trường có việc làm. Cách đây khoảng hơn 10 năm, Ngân hàng Công thương một số thành phố đã cho sinh viên các trường đại học vay vốn để trang trải các nhu cầu học tập. Lúc đó đối tượng này chưa trở thành một nhu cầu lớn, mới thực hiện trong diện hẹp và chắc chắn các biện pháp, thể chế cũng chưa hoàn chỉnh, chặt chẽ, đồng bộ như bây giờ. Cũng không rõ việc thu hồi nợ đó ra sao vì sau một thời gian đối tượng này hầu như bị lãng quên. Nhưng có một tờ báo lúc đó đề cập tới vấn đề này đã nói đại ý: Sinh viên là những khách hàng “vô tư” nhất vì vay xong rồi họ ít lo lắng tới việc trả nợ. Tình trạng đó chắc chắn không thể lặp lại khi Chính phủ đã có những văn bản pháp lý làm cơ sở để NHCSXH xây dựng các thể chế, biện pháp cho vay. Tuy vậy, việc giảm thiểu các rủi ro tín dụng, thu hồi được nợ vẫn cần đặt ra và lường trước những bất trắc nảy sinh. Tuy NHCSXH không phải là một ngân hàng thương mại, cho vay không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng nếu không thu hồi được nợ đồng nghĩa với việc mất vốn thì cũng không có khả năng mở rộng cho vay, trong khi nhu cầu vốn cho đối tượng này ngày càng lớn.

Với đối tượng này người vay chỉ có thể trả nợ sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập. Cái khó là không phải bất kỳ ai ra trường đều có việc làm và dù có việc làm với thu nhập như hiện nay nếu làm việc ở khu vực hành chính sự nghiệp mỗi tháng ngoài chi tiêu để đảm bảo đời sống tối thiểu cho bản thân cũng chỉ có thể trích ra khoảng 500 ngàn đồng/tháng để trả nợ. Giả sử người đó vay tối đa 800 ngàn đồng x 40 tháng = 32 triệu đồng thì phải sau 5 năm mới trả hết. Đối với những người học các trường có thời gian dài hơn từ 5 đến 7 năm, phải gánh vác thêm trách nhiệm gia đình thì khả năng hoàn trả càng chậm và khó khăn hơn. Nên chăng có một chế độ khuyến khích như giảm bớt lãi suất để động viên gia đình, bản thân người vay trả trước hạn khi có những thu nhập như học bổng, thưởng nghiên cứu khoa học, được tài trợ…

– Người vay sau khi tốt nghiệp ra trường rồi thông thường sẽ trở về địa phương nơi gia đình cư trú hoặc đến một địa phương khác tìm kiếm việc làm. Từ lúc này nhà trường không còn quản lý học sinh, sinh viên đó nữa, vậy làm thế nào để NHCSXH có thể theo dõi thu hồi được nợ? Có thể áp dụng một biện pháp đơn giản: Đối với những học sinh, sinh viên còn nợ NHCSXH, khi tốt nghiệp nhà trường chưa trao bằng ngay, thay vào đó là cấp một chứng chỉ hoặc bản sao bằng có công chứng. Học sinh, sinh viên đó sẽ dùng chứng chỉ, bản sao này để liên hệ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thích hợp xin tuyển dụng. Khi nào gia đình, bản thân người đó trả hết nợ, NHCSXH nơi cho vay vốn sẽ chứng thực người đó không còn nợ nữa, lúc đó nhà trường sẽ thu hồi các giấy tờ tạm thời và trả bằng tốt nghiệp chính thức cho người đó sử dụng. Mấu chốt để đảm bảo an toàn đối tượng cho vay này vẫn là gia đình phải là người đứng ra vay thông qua những xác nhận về nhân thân, hộ khẩu của chính quyền địa phương, đồng thời gắn liền trách nhiệm trả nợ của gia đình và con em của họ được sử dụng tiền vay. Tất cả những rủi ro có thể xẩy ra như bỏ học, bị đuổi học, không tìm kiếm được việc làm, bị tai nạn mất sức lao động, bỏ đi nơi khác không rõ địa chỉ….sẽ được quy tụ về một đầu mối là hộ gia đình người đứng ra vay vốn đầu tiên và chịu trách nhiệm cho đến khi trả hết nợ.

Mặc dầu là một đối tượng tín dụng mang tính đặc thù cao, diện cho vay rộng, phân tán, cho vay đến từng hộ gia đình với những món vay nhỏ, thu nợ dần làm nhiều lần, việc theo dõi của NHCSXH cũng khá phức tạp, nhưng có một điểm xuất phát đúng, có cách làm linh hoạt, chặt chẽ, chắc chắn rằng đây sẽ là một chính sách mang lại những lợi ích lớn lao cho xã hội, bởi lẽ nó là việc đầu tư cho con người và con người bao giờ cũng là một chủ thể thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 17/2008

Exit mobile version