Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TÍN DỤNG CHO SINH VIÊN – VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP

Advertisements

PGS.TS. HOÀNG ĐỨC – ĐẠI HỌC KINH TẾ TPHCM

Tín dụng là một phạm trù kinh tế khách quan của mọi nền kinh tế hàng hóa xét về bản chất thì nó là quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau dựa trên nguyên tắc hoàn trả cả vốn và lãi thông qua mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Mối quan hệ này là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên, xét ở cấp độ vĩ mô, đó là quan hệ điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, xét ở cấp độ vi mô là mối quan hệ giải quyết trực tiếp nhu cầu vốn của người đi vay và nhu cầu cho vay của người đang tạm thời thừa vốn.

Trong nền kinh tế thị trường hình thức tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng chủ yếu và quan trọng nhất, nó đã giải quyết được mối quan hệ giữa người đi vay và người cho vay bằng tiền tệ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cả về phía người đi vay và cả về phía ngân hàng thương mại là người cho vay. Nói đến tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế là nói đến quan hệ tín dụng bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, ở đây chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa người đi vay là sinh viên các trường đại học, cao đẳng với người cho vay là các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách.

1. Đối với người đi vay là sinh viên

Sinh viên là người đang học tại các trường đại học, cao đẳng ở nhiều cấp học và hình thức học khác nhau: Chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, hoàn chỉnh kiến thức đại học, … Trong hệ thống giáo dục quốc dân, hàng năm ngân sách nhà nước đã dành một tỷ lệ đầu tư cho ngành giáo dục trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu về mặt kinh phí hoạt động của các trường đại học, cao đẳng, để cùng hỗ trợ với ngân sách nhà nước trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, người học là sinh viên phải đóng học phí cho nhà trường, các trường hợp thuộc diện chính sách sẽ được nhà trường cấp học bổng, miễn học phí. Thực tế hiện nay có rất nhiều sinh viên gặp khá nhiều khó khăn trong học tập, trong đó có vấn đề học phí phải nộp và các chi phí khác trang trải, phục vụ cho học tập, như: Tiền ăn học, tiền sách vở, tiền ở ký túc xá (nhà thuê) đối với những sinh viên từ các địa phương đến học. Theo thống kê của ngành giáo dục thì chi phí cho một sinh viên một năm học còn nhiều hơn cả học phí phải đóng hàng năm. Nếu nhìn một cách tổng thể, số sinh viên xuất thân từ các vùng quê chủ yếu là thu nhập của gia đình từ nông nghiệp thì khả năng chu cấp của gia đình cho sinh viên gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, …

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trong học tập, Chính phủ đã có chủ trương rất đúng đắn là không để cho học sinh, sinh viên phải bỏ học vì thiếu học phí, bằng cách chủ trương cho sinh viên vay vốn để học tập trong thời gian đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng.

Chủ trương này đã mở ra cho các gia đình có con em theo học ở các trường đại học, cao đẳng đang gặp khó khăn, một hướng mở, tạo thuận lợi để sinh viên có nguồn kinh tế trang trải cho việc học tập của mình bằng tiền vay với lãi suất phù hợp, hạn chế được dịch vụ cho vay nặng lãi hiện nay ở nông thôn kể cả thành thị. Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg ngày 4.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề đã đáp ứng được yêu cầu đó.

2. Về phía ngân hàng cho vay vốn

Theo quy định hiện hành, chỉ định của Chính phủ cho vay đối với sinh viên đó là ngân hàng chính sách xã hội, đây là khách hàng vay vốn đúng theo nghĩa chính sách ưu tiên của nhà nước. Nguồn vốn cho vay chủ yếu của ngân hàng chính sách xã hội do ngân sách chyển sang và các nguồn vốn khác có tính chất hỗ trợ, do vậy lãi suất dành cho người vay thấp so với lãi suất của các ngân hàng thương mại cũng cho vay theo mức thời gian. Sự ra đời của ngân hàng chính sách xã hội là nhằm tách bạch nghiệp vụ kinh doanh của các ngân hàng thương mại, không lẫn lộn giữa cho vay thương mại theo cơ chế thị trường và cho vay theo chính sách ưu đãi của nhà nước. Theo thống kê đến nay 31.10.2007, có khoảng 165.554 sinh viên vay vốn với dư nợ khoảng 633 tỷ VND, nếu tính từ khi triển khai chỉ thị 21/2007/CT-t? t?ng ngày 4.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ đã có 83.786 sinh viên vay vốn với dư nợ là 335 tỷ VND, bình quân một sinh viên vay khoảng gần 4.000.000 VND.

Như vậy, so với số học sinh, sinh viên đang học, tỷ lệ người được vay vốn ngân hàng là còn quá ít, tìm hiểu trong thực tế, một số khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết cả về phía người vay và người đi vay.

a. Về phía người đi vay là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng

– Hầu hết là sinh viên thuộc diện nghèo, khó khăn, bản thân gia đình lại ở xa nơi được vay vốn, sinh viên học tập trung tại trường đại học, cao đẳng, gia đình có hộ khẩu thường trú ở xã, huyện, ngân hàng cho vay lại ở cấp tỉnh. Đây là một vấn đề quá khó khăn cho sinh viên khi thực hiện vay vốn ở ngân hàng chính sách xã hội. – Sự xác nhận của các trường đại học, cao đẳng vấp phải những yêu cầu từ phía ngân hàng quá khắt khe, những nội dung yêu cầu xác nhận có khi ngoài tầm của trường đại học, cao đẳng, thí dụ: Xác nhận sinh viên không nghiện hút, cờ bạc, …. Thì làm sao nhà trường biết đầy đủ thông tin này, đặc biệt là sinh viên hệ vừa làm vừa học (hệ Tại chức). Do vậy một số trường đại học, cao đẳng đã từ chối khéo, đẩy sinh viên vào tình trạng không thể vay vốn được vì không có chứng nhận của trường đại học, cao đẳng.

b. Về phía ngân hàng chính sách xã hội

– Mạng lưới hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội tuy đã có mặt ở các tỉnh, thành phố nhưng sự phát triển các chi nhánh (phòng giao dịch) ở quận huyện còn bị hạn chế, so với các ngân hàng thương mại quốc doanh, các ngân hàng thuơng mại cổ phần thì thị phần của ngân hàng chính sách xã hội còn quá nhỏ bé, chưa thể đáp ứng yêu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên cả về mặt thời gian và không gian. Số tiền cho vay không nhiều, nhưng số người xin vay ngày càng gia tăng, cũng làm cho ngân hàng chính sách xã hội phát sinh chi phí phục vụ.

– Tính khả thi của việc thu hồi vốn và lãi đối với đối tượng cho học sinh, sinh viên vay có thể làm cho ngân hàng chính sách xã hội gặp một số khó khăn nhất định. Điều này thể hiện: Việc cho vay không có gì khó, nếu người vay hội đủ các điều kiện theo quy định của ngân hàng và theo xu hướng ngày càng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, tạo sự thuận lợi cho học sinh, sinh viên khi nhận tiền vay. Khoản cho vay này thường là không có vật tư làm đảm bảo, tài sản đảm bảo cho khoản tiền vay không đặt ra vấn đề phải có vì doanh số cho vay đối với từng học sinh, sinh viên không nhiều (chủ yếu mức cho vay ngang bằng mức học phí phải đóng hàng năm theo năm học). Thời hạn cho vay nhiều nhất cũng bằng thời gian kết thúc khóa học, khi kết thúc khóa học sinh viên mới có điều kiện để trả nợ vay và lãi suất cho ngân hàng . Như vậy, nếu một sinh viên từ khi nhập trường đến khi kết thúc khóa học (4 năm), năm nào cũng được vay vốn thì dư nợ luỹ kế sẽ lên cao, nhưng khả năng trả nợ sau khi tốt nghiệp từ năng lực của sinh viên cả là một vấn đề khó khăn cho sinh viên, điều này sẽ gây cho ngân hàng chính sách xã hội những áp lực khi thu hồi vốn và lãi. Số dư nợ từng người đối với ngân hàng là không lớn, nhưng vì nhiều người vay, do vậy tổng dư nợ sẽ tăng, càng làm cho khả năng thu hồi vốn của ngân hàng bị hạn chế nếu người vay không trả được nợ do sự di chuyển địa chỉ nơi cư trú, do chưa tìm kiếm được việc làm để có thu nhập trả nợ. Có lẽ đây cũng là điều khá băn khoăn của ngân hàng chính sách xã hội khi cho vay vốn với đối tượng này.

3. Những giải pháp hoàn thiện chỉ thị của Chính phủ về cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập

Có thể nói đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo có chi phí để hoàn thành nhiệm vụ học tập ở trường đại học, cao đẳng. Để thực hiện tốt chủ trương này, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất: Đối với người vay vốn (học sinh, sinh viên)

Cần nhận thức một cách đầy đủ về sự quan tâm của nhà nước đối với bản thân và gia đình mình, từ đó sử dụng tiền vay một cách có hiệu quả và có ý thức trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn và lãi vay cho ngân hàng. Những sinh viên được vay vốn, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ học tập, vì phạm kỷ luật trong đào tạo, sẽ bị ngân hàng từ chối cho vay tiếp và dùng các biện pháp để thu hồi nợ trước hạn.

Thứ hai: Đối với Chính phủ

Cần mở rộng đối tượng ngân hàng cho vay vốn trong nền kinh tế đối với học sinh, sinh viên không nên quyđịnh chỉ có ngân hàng chính sách xã hội mới làm việc này, vì bản thân ngân hàng chính sách xã hội không thể đáp ứng đầu đủ được nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên. Như vậy các ngân hàng thương mại bao gồm ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần cũng phải tham gia cho học sinh, sinh viên vay vốn. chế, quy định về việc tạo lập nguồn vốn để cho vay đối tượng này từ nguồn lợi nhuận hàng năm đem lại với lãi suất bằng lãi suất của ngân hàng chính sách xã hội. Hoặc thực hiện cho vay uỷ quyền của ngân hàng chính sách xã hội, bởi lẽ các ngân hàng thương mại có chi nhánh phủ sóng khắp các quận, huyện, thị xã, thành phố, điều này sẽ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và gia đình được vay vốn thuận lợi hơn.

Thứ ba: Đối với ngân hàng cho vay vốn

Tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên thay vì hiện nay mới cho vay đóng học phí, cần phải cho vay cả phần chi phí có liên quan đến học tập như: Tiền mua sách vở, tiền ăn, tiền ở nhà trọ, …

Lãi suất cho vay có thể linh hoạt hơn, người vay là học sinh, sinh viên nếu có nhu cầu vay vốn với lãi suất kinh doanh thì cũng được vay nếu họ chấp nhận, chứ không nhất thiết phải là lãi suất ưu đãi như của ngân hàng chính sách xã hội, điều này cũng sẽ làm tăng khách hàng vay vốn đối với ngân hàng thương mại, tạo cho ngân hàng thương mại chủ động được vấn đề sử dụng vốn của mình.

Thứ tư: Đối với các trường đại học, cao đẳng

Chứng nhận cho sinh viên về mặt học tập trong thời gian ở trường một cách thuận lợi nhất, hỗ trợ cùng với các ngân hàng cho vay vốn trong việc quản lý dư nợ, thu hồi nợ, tất nhiên trách nhiệm chính vẫn là ngân hàng cho vay vốn.

Thứ năm: Đối với các cơ quan có liên quan Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi cư trú của sinh viên, công an, các cơ quan pháp luật, … có nhiệm vụ phối hợp với các ngân hàng cho vay vốn trong việc thu hồi nợ và lãi, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của cả người vay và ngân hàng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên được quyền vay vốn để học tập.

Với chủ trương đúng đắn của Chính phủ về việc cho học sinh, sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập. Đây là hướng mở thuận lợi cho học sinh, sinh viên ở các Trường đại học, cao đẳng để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa này, bản thân là học sinh, sinh viên và gia đình cũng như ngân hàng cho vay vốn và các trường đại học, cao đẳng nếu biết phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục giấy tờ, chắc chắn sẽ mở ra cho học sinh, sinh viên và ngân hàng cho vay vốn một cơ hội tốt góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà.

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 206 – THÁNG 12/2007, TR 35, 36 VÀ 43

Exit mobile version