admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP VỀ NHẬN NUÔI CON NUÔI: THẾ NÀO LÀ “NGƯỜI CÔ ĐƠN”

PHƯƠNG LOAN

Một người già yếu cô đơn nhận người 31 tuổi làm con nuôi. 17 năm sau, cháu ruột của cụ kiện yêu cầu hủy quyết định vì khi nhận con nuôi, cụ không có tên trong danh sách người cô đơn ở địa phương. Tuy nhiên, tòa cho rằng không có tên trong danh sách này không có nghĩa là không phải người cô đơn tại thời điểm nhận con nuôi…

71 tuổi nhận con nuôi 31 tuổi

Năm 1988, cụ Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1928) gặp bà Lê Thị Bé Âu (sinh năm 1968, ở Lai Vung, Đồng Tháp, khi đó mới 20 tuổi) khi làm công quả trong chùa. Một năm sau, cụ Huệ đưa bà Âu về ở chung nhà với cụ ở phường 1, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cụ Huệ không chồng, không con nên nhận bà Bé Âu làm con nuôi. Tháng 5/1999, UBND xã Tân Hòa (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) ra quyết định công nhận nuôi con nuôi giữa cụ Huệ – khi đó 71 tuổi và bà Âu – khi đó 31 tuổi.

Quyết định ghi nhận: Cụ Huệ có đơn xin nhận con nuôi, cha mẹ bà Âu có giấy thỏa thuận cho con làm con nuôi; hai bên có các quyền và nghĩa vụ của mẹ con theo pháp luật về hôn nhân và gia đình…

Tháng 7/1999, bà Âu nhập hộ khẩu vào nhà cụ Huệ. Hai mẹ con chung sống với nhau được 16 năm, đến tháng 8-2015 thì cụ Huệ mất. Quá trình chung sống, cụ Huệ đã truyền nghề làm bánh bò cho con gái nuôi. Hai mẹ con sống bằng nghề làm bánh bò bỏ mối ở các chợ.

Continue reading

VẤN ĐỀ CON NUÔI THỰC TẾ VÀ THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT “TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ” LIÊN QUAN ĐẾN CON NUÔI

 THS. NGUYỄN NAM HƯNG – Viện 2, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM

Xác định con nuôi thực tế là một vấn đề tương đối phức tạp đối với các Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”. Hệ thống quy phạm pháp luật trong những thời kỳ khác nhau lại có quy định khác nhau về vấn đề con nuôi và điều chỉnh con nuôi thực tế. Nghiên cứu, đề xuất để nhằm thống nhất nhận thức pháp luật trong quá trình giải quyết là việc hết sức cần thiết…

1. Về quy định của pháp luật đối với vấn đề con nuôi thực tế

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi. Trong Luật này, vấn đề nuôi con nuôi mới chỉ được quy định rất sơ sài bởi một điều luật. Theo quy định của điều luật này thì “việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch” (Điều 24). Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 1959 không có quy định gì về các điều kiện của việc nuôi con nuôi.

Luật HN&GĐ năm 1986 quy định về nuôi con nuôi trong một chương riêng, với quy định về tuổi của người được nhận làm con nuôi, ý chí của các bên và “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 đều quy định việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch thì mới có giá trị pháp lý.

Continue reading

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI: XÁC LẬP NUÔI CON NUÔI CÓ NHIỂU RẮC RỐI

NGUYỄN THANH XUÂN

Pháp luật về đăng ký nuôi con nuôi có những quy định cụ thể về việc xác lập quan hệ cha mẹ và con; giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Luật hiện hành cũng không cấm người độc thân không được quyền nhận con nuôi. Tuy nhiên, khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi trong thời điểm độc thân và sau đó lại kết hôn, thì người còn lại có được quyền trở thành cha, mẹ nuôi hay không, điều này pháp luật còn bỏ ngỏ.

Tháng 3.2009, ông Lâm Thành đến UBND xã T.D, huyện L.V, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu đăng ký làm cha nuôi cháu bé chưa tròn một tuổi. Tại thời điểm đăng ký và xác lập quan hệ nuôi con nuôi thì ông Thành trong tình trạng độc thân, do đó khi đăng ký khai sinh cho con nuôi, bản chính giấy khai sinh chỉ có tên cha, không ghi tên mẹ. Sự việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đến tháng 5.2010 ông Thành đăng ký kết hôn với bà Trần Thị Ngọc Hoa. Khi có giấy chứng nhận kết hôn, ông Thành đến UBND xã yêu cầu ghi tên người vợ mới cưới của mình vào giấy khai sinh của con nuôi để người con nuôi có cha, mẹ trong hồ sơ, sau này không ảnh hưởng đến tình cảm cha mẹ và thuận lợi trong cuộc sống. UBND xã đã tra cứu các quy định pháp luật, nhưng vẫn không rõ trường hợp trên có được giải quyết hay không, vì pháp luật hiện hành không quy định về trường hợp này.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định rõ điều kiện của người được nhận làm con nuôi, theo đó một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng. Tuy nhiên, trong điều luật này chỉ công nhận việc nuôi con nuôi khi tại thời điểm nhận nuôi con nuôi cả hai người là cha, mẹ nuôi phải là vợ chồng. Luật cũng như các văn bản hướng dẫn không quy định một người độc thân xác lập quan hệ nuôi con nuôi, sau đó kết hôn thì vợ/chồng của họ được quyền xác lập quan hệ nuôi con nuôi tiếp theo, để trở thành cha/mẹ nuôi. Điều này đã gây rắc rối cho chính quyền sở tại, khi người dân có yêu cầu giải quyết, như trường hợp của ông Thành.

Mặt khác trên thực tế, khi nhận nuôi con nuôi ông Thành trong tình trạng độc thân, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định và pháp luật không cấm. Nhưng sau đó, người vợ hợp pháp của ông Thành lại tiếp tục đăng ký nuôi con nuôi đối với đứa con nuôi của chồng mình thì liệu có mâu thuẫn với quy định chung về nuôi con nuôi hay không? (vì đứa con nuôi chỉ có thể làm con nuôi của một người, hoặc của cả hai người là vợ chồng).

Continue reading

DỰ ÁN LUẬT NUÔI CON NUÔI VÀ VẤN ĐỀ LỒNG GHÉP GIỚI

PGS. TS. HÀ HÙNG CƯỜNG – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ tư pháp

Trên cơ sở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 47) và Luật bình đẳng giới (Điều 21 và Điều 22), trong quá trình soạn thảo Luật nuôi con nuôi, Ban soạn thảo cũng đã trao đổi về vấn đề có hay không có vấn đề giới, nói cách khác là yêu cầu thiết lập sự bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực nuôi con nuôi, cũng như tác động của việc thi hành Luật sau này đối với vấn đề bình đẳng nam nữ. Sau nhiều lần trao đổi, Ban soạn thảo đã đi đến nhất trí rằng, dự án Luật nuôi con nuôi không có vấn đề nổi cộm về bình đẳng nam nữ. Bởi những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, xét một cách tổng thể, thì nuôi con nuôi là hiện tượng xã hội mang tính nhân đạo, làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con lâu dài, ổn định giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm người được nhận làm con nuôi (trẻ em không có gia đình) được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục một cách tốt nhất trong môi trường gia đình. Vì thế, mọi việc nuôi con nuôi đối với trẻ em, không kể là trẻ em trai hay trẻ em gái, đều phải hướng đến mục đích đó. Dự thảo Luật nuôi con nuôi đã quy định theo hướng như vậy. Còn xét về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thì dự thảo Luật điều chỉnh một cách chung nhất đối với quan hệ nuôi con nuôi liên quan đến cả hai giới nam và nữ, không thiên về một giới cụ thể nào. Về nguyên tắc, mọi cá nhân hay cặp vợ chồng, nếu có đủ điều kiện thì đều được nhận nuôi con nuôi; mọi trẻ em, không phân biệt nam nữ, nếu có đủ điều kiện và đúng đối tượng, đều có thể được nhận làm con nuôi. Nội dung xuyên suốt của dự thảo Luật đã quy định trên nguyên tắc bình đẳng như vậy.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 21 Luật bình đẳng giới, trên quan điểm yêu cầu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Ban soạn thảo thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh việc nuôi con nuôi chủ yếu đối với trẻ em – đối tượng từ 15 tuổi trở xuống, chủ yếu là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không có gia đình – thuộc cả hai giới nam và nữ. Với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không kể trẻ em nam hoặc trẻ em nữ, dự thảo Luật (Điều 14 và Điều 30) đã đưa ra quy định chung về điều kiện và đối tượng trẻ em được cho làm con nuôi. Quy định này được áp dụng cho trẻ em thuộc cả hai giới mà không có sự phân biệt. Theo đó, khi trẻ em có đủ điều kiện và thuộc diện được cho làm con nuôi, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết cho trẻ em làm con nuôi theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định mà không đặt vấn đề ưu tiên cho trẻ em trai hay trẻ em gái được làm con nuôi.

Continue reading

CẦN HOÀN THIỆN CÁC QUI ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT VIỆC NUÔI CON NUÔI VÀ HỦY VIỆC NUÔI CON NUÔI

THS. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội

1. Chấm dứt việc nuôi con nuôi:

Việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Với mục đích như vậy, quan hệ này thường rất chặt chẽ và bền vững, không thể dễ dàng phá vỡ được. Tuy nhiên vì không gắn bó trên cơ sở huyết thống, nên quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ tồn tại về mặt pháp lý.(1)Nếu trong quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ, tình cảm cha mẹ và con hình thành một cách tự nhiên, thì trong quan hệ nhận nuôi con nuôi, tình cảm giữa hai bên đòi hỏi phải có một quá trình thử thách, trải nghiệm và xây dựng. Điều đó hoàn toàn không dễ dàng, mà nó đòi hỏi sự cố gắng của cả hai phía. Vì vậy, trong những trường hợp nhất định, việc nuôi con nuôi có thể chấm dứt. Xuất phát từ thực tiễn nuôi con nuôi, pháp luật nước ta đã quy định về việc chấm dứt nuôi con nuôi trong Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000. Nhưng thế nào là chấm dứt việc nuôi con nuôi thì chưa được quy định, mà theo chúng tôi thì đây là khái niệm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để phân biệt với huỷ việc nuôi con nuôi. Luật HN&GĐ năm 2000 mới chỉ quy định về căn cứ, quyền yêu cầu và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi tại các Điều 76, 77, 78. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn có một số điểm bất cập, không phù hợp với thực tiễn, mục đích cũng như bản chất của việc nuôi con nuôi. Có thể thấy điều đó qua một số nội dung sau:

1.1. Khái niệm chấm dứt việc nuôi con nuôi:

Chấm dứt việc nuôi con nuôi chỉ đặt ra trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, xuất phát từ yêu cầu của các bên chủ thể và phải được Toà án quyết định. Việc nhận nuôi con nuôi phải có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý, do đó việc chấm dứt nuôi con nuôi cũng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, vì việc nhận nuôi con nuôi hay chấm dứt nuôi con nuôi có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền, lợi ích của cả hai phía: người nhận nuôi và người con nuôi, đồng thời còn ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội. Chấm dứt việc nuôi con nuôi được áp dụng trong trường hợp việc nuôi con nuôi đã được thực hiện, đã có hiệu lực thực tế, tức là quan hệ cha mẹ và con giữa người nuôi và con nuôi đã được thiết lập. Chấm dứt nuôi con nuôi tức là chấm dứt quan hệ cha mẹ và con đó giữa hai bên.

Continue reading

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐIỀU KIỆN NUÔI CON NUÔI

TS. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về điều kiện nuôi con nuôi. Tuy nhiên có thể thấy, quy định về điều kiện nuôi con nuôi chưa có sự thống nhất trong các văn bản pháp luật, chưa rõ ràng, còn quá đơn giản, chưa phản ánh và phù hợp với bản chất của quan hệ cho – nhận con nuôi. Trong bài viết này chúng tôi muốn trao đổi một số ý kiền về việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định về điều kiện nuôi con nuôi, nhằm đảm bảo việc nuôi con nuôi đúng với bản chất của nó.

Trước hết cần nhận thức rằng, việc cho – nhận trẻ em làm con nuôi chỉ thực sự cần thiết và vì lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi khi trẻ em đó không thể được nuôi dưỡng, chăm sóc trong gia đình ruột thịt của mình vì những lý do nhất định. Chỉ khi đó việc cho – nhận trẻ em làm con nuôi mới phù hợp với quyền của trẻ em được sống trong gia đình, phù hợp với nguyên tắc: “Trẻ em không bị buộc cách ly khỏi cha mẹ trái với ý muốn của cha mẹ, trừ trường hợp một sự cách ly như thế là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em”(1). Ngay cả trong trường hợp phải cách ly khỏi cha mẹ thì ý muốn của trẻ em cũng phải được quan tâm trước tiên khi trẻ em có khả năng thể hiện ý chí của mình, Vì vậy, việc đưa trẻ em ra khỏi gia đình ruột thịt của mình để làm con nuôi người khác chỉ có thể xuất phát từ lợi ích của chính trẻ em. Do đó, quy định về các điều kiện của việc cho – nhận con nuôi phải xuất phát từ nguyên tắc cơ bản này.

Xuất phát từ bản chất của việc cho – nhận con nuôi là xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi nên việc nuôi con nuôi phải đáp ứng được các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Các điều kiện đó vừa phải đảm bảo việc cho – nhận con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đồng thời đảm bảo tạo ra môi trường gia đình tốt nhất cho việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em được nhận làm con nuôi. Do đó, các điều kiện cho – nhận con nuôi cần được xem xét từ các góc độ sau:

Continue reading

NUÔI CON NUÔI THỰC TẾ – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

TS. GVC. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo chúng tôi, khi xây dựng Luật Nuôi con nuôi cần cân nhắc và có quy định cụ thể, hợp tình, hợp lý để giải quyết thỏa đáng những trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã tồn tại trong quá khứ, nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi.

1. Nhận diện quan hệ nuôi con nuôi thực tế

1.1. Một số dạng nuôi con nuôi trong thực tế xã hội Việt Nam

Trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nhận nuôi con nuôi đã tồn tại từ lâu, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, nhưng lý do cơ bản, phổ biến nhất là vì lòng từ tâm, lòng thương người, muốn cưu mang, giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với quan niệm như vậy, việc nhận con nuôi, nhận cha mẹ nuôi đã được thực hiện khá rộng rãi trong đời sống nhân dân.

Với ý nghĩa là một quyền tự do dân sự của cá nhân, việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có thể được thực hiện theo những cách thức khác nhau, tuỳ theo sự lựa chọn của cá nhân trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên có thể thấy, có hai cách thức xác lập quan hệ nuôi con nuôi trong thực tế. Đó là xác lập quan hệ nuôi con nuôi về mặt xã hội và xác lập về mặt pháp lý.

Việc nhận nuôi con nuôi có thể được xác lập về mặt pháp lý, thông qua sự kiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với những trường hợp có đăng ký, giữa người nhận nuôi và con nuôi phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi được nhà nước công nhận và bảo vệ. Vấn đề này không nằm trong khuôn khổ phân tích của bài viết này. Trong phạm vi của bài viết này, chỉ xin bàn đến những dạng xác lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi trong thực tế mà không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Continue reading

BÁO CÁO NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2009 CỦA BỘ TƯ PHÁP VỀ TỔNG KẾT 5 NĂM THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI (2003 – 2008)

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật nuôi con nuôi (sau đây gọi là dự án Luật). Để có thêm cơ sở thực tiễn phục vụ việc xây dựng dự án Luật, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4635/VPCP-QHQT ngày 15/7/2008, trong các ngày 04-05/9/2008 Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thi hành pháp luật về nuôi con nuôi, nhằm đánh giá, tổng kết các mặt tích cực, thành công, cũng như các khiếm khuyết, bất cập trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi. Các đại biểu đã phân tích, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi, nhằm xử lý những vấn đề xã hội hết sức nhạy cảm phát sinh trong lĩnh vực này.

Để chuẩn bị tiến hành Hội nghị, từ tháng 5 năm 2008, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có công văn yêu cầu tất cả các địa phương (Sở Tư pháp) chủ động sơ kết tình hình thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương mình, trên cả hai lĩnh vực nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong 5 năm qua, đánh giá về những mặt tích cực, tồn tại, bất cập, tìm ra nguyên nhân để từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành sơ kết/tổng kết, rà soát, đánh giá tình hình đăng ký, giải quyết việc nuôi con nuôi từ năm 2003 đến năm 2008 và báo cáo bằng văn bản về Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp xin báo cáo chung về tình hình thi hành pháp luật về nuôi con nuôi trong 5 năm qua như sau:

A/ NUÔI CON NUÔI TRONG NƯỚC

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH HÌNH RÀ SOÁT, KIỂM TRA VIỆC GIẢI QUYẾT CHO, NHẬN CON NUÔI TRONG NƯỚC

Trong những năm qua, việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trong nước đã thực hiện tương đối tốt, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc thi hành pháp luật về nuôi con nuôi đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình thay thế ở trong nước, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, thông qua việc giải quyết nuôi con nuôi, cũng góp phần quan trọng bảo đảm cho nhiều người, đặc biệt phụ nữ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm con, được thực hiện quyền làm cha mẹ.

Continue reading

BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA VIỆC NUÔI CON NUÔI THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

THS. GVC. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các bên đương sự thể hiện rõ ràng ý chí của mình đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết của việc nuôi con nuôi. Nói cách khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các sự kiện cấu thành đã hội tụ đầy đủ và được liên kết lại với nhau tại thời điểm phát sinh quan hệ pháp luật về nuôi con nuôi. Vì vậy có thể nói dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi có bản chất là cấu thành sự kiện hay là sự kiện pháp lí phức hợp giản đơn (còn gọi là phức hợp tự do).

1. Khái niệm chung về nuôi con nuôi

Nuôi con nuôi có thể được hiểu theo hai góc độ: Là sự kiện pháp lí hoặc là quan hệ pháp luật. Bài viết này đề cập việc nuôi con nuôi dưới góc độ là sự kiện pháp lí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với ý nghĩa là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi bao gồm các sự kiện sau:

– Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó. Ý chí, mong muốn đó của người nhận nuôi phải được thể hiện qua đơn xin nhận nuôi con nuôi;

– Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi. Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải minh bạch, và xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của bản thân họ mà không có bất cứ sự tác động, thúc ép, dụ dỗ, hứa hẹn hoặc một áp lực nào. Nói cách khác, ý chí đó phải hoàn toàn độc lập. Nội dung của ý chí đó là đồng ý cho con mình làm con nuôi của người khác. Sự đồng ý đó có thể thể hiện bất cứ lúc nào nhưng nó chỉ có ý nghĩa sau khi đứa trẻ được sinh ra mà còn sống;

Continue reading

ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON NUÔI CÒN VƯỚNG MẮC

THANH XUÂN

Dự thảo Luật Nuôi con nuôi đang trong lộ trình hoàn thiện, nhằm đưa ra các quy định pháp lý phù hợp cho việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Dự Luật vẫn chưa đề cập việc đăng ký khai sinh để bảo đảm quyền lợi cho người con nuôi, trong khi việc thực hiện quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này đang còn vướng mắc.

Vướng khi thay đổi phần khai cha, mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì những người có mối quan hệ gia đình đều có quyền nhận nuôi con nuôi, chẳng hạn mẹ kế có quyền nhận con riêng của chồng, cha dượng có quyền nhận con riêng của vợ làm con nuôi, khi có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi) thì không giải quyết. Thực tế cho thấy, vướng mắc nảy sinh khi giải quyết việc thay đổi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của người con nuôi. Ví dụ, cháu Trương Văn T đăng ký khai sinh ngoài giá thú (không có tên cha trong giấy khai sinh), mẹ là Trương Thị A. Sau đó, cha dượng của cháu T là ông Huỳnh Văn C đến UBND xã xin  nhận cháu T làm con nuôi. Sau khi kiểm tra hồ sơ thủ tục, cán bộ tư pháp xã tiến hành giải quyết việc nuôi con nuôi. Nhưng, khi ông C yêu cầu bổ sung phần khai người cha vào bản chính giấy khai sinh của cháu T thì cán bộ tư pháp “vướng”, vì theo quy định hiện hành, có nhiều ý kiến khác nhau về việc giải quyết vấn đề này.

Continue reading

DỰ THẢO LUẬT NUÔI CON NUÔI: CẦN QUI ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NUÔI CON NUÔI

PHẠM ĐỨC THÀNH

Việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài hiện được quy định gần như tách bạch trong hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau. Dự thảo Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh thống nhất vấn đề này, nhằm mục đích đem lại mái ấm gia đình và lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, nghiên cứu Dự thảo Luật cho thấy, một số nội dung cần được cân nhắc để quy định phù hợp hơn.

Nên coi trọng mục tiêu nuôi con nuôi trong nước

Dự thảo Luật Nuôi con nuôi đã quy định cả vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế. Điều này là hợp lý. Tuy nhiên, nên coi trọng mục tiêu nuôi con nuôi trong nước. Bởi, tìm mái ấm cho các em tại quê hương gốc sẽ góp phần làm dịu nỗi đau bị bỏ rơi, mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Nuôi con nuôi nước ngoài chỉ là biện pháp cuối cùng, khi không thể thu xếp ở trong nước. Do đó, dự thảo Luật Nuôi con nuôi cần quy định theo hướng kéo dài thời gian tìm mái ấm trong nước cho trẻ. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 1 Điều 15 Dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định: “UBND cấp xã có trách nhiệm tìm biện pháp hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương hoặc thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương, trong thời hạn 30 ngày để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Đối với trẻ em bị bỏ rơi, thì việc thông báo tìm gia đình thay thế được thực hiện kết hợp với thông báo về trẻ em bị bỏ rơi trước khi làm thủ tục khai sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Việc cho trẻ em làm con nuôi được giải quyết sau khi hết thời hạn thông báo”. Như vậy, quy định về thời hạn tìm mái ấm cho trẻ em trong nước là quá ngắn, nên kéo dài hơn, khoảng từ 4 đến 6 tháng là phù hợp. Đây là thời gian cần thiết để các cơ quan chức năng có thể thực hiện được các biện pháp tìm mái ấm cho trẻ em ở trong nước. Continue reading

CÔNG NHẬN NUÔI CON NUÔI THỰC TẾ, SAO KHÔNG?

THỤY CHẤU

Gần đây, các cơ quan công chứng tại TP.HCM rất “khó xử” khi tiếp nhận các yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế do cha mẹ nuôi chết để lại. Đó là những trường hợp đã được nhận làm con nuôi từ trước giải phóng nhưng không lập thủ tục nhận con nuôi.

Công chứng viên bối rối

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Sang thuộc một trong số các trường hợp éo le trên. Trước đây, ông được bà X. nhận làm con nuôi. Năm 2002, bà X. mua một căn nhà tại khu Văn Thánh Bắc (phường 25, quận Bình Thạnh) và đến năm 2007 thì bà qua đời.

Sinh thời, bà X. sống độc thân, không chồng con, không anh chị em và chỉ có nghệ sĩ Thanh Sang là người thân duy nhất. Khi nghệ sĩ nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế, phòng công chứng nọ đã không biết giải quyết sao vì trước đây bà X. không làm thủ tục nhận ông làm con nuôi.

Nghệ sĩ Thanh Sang đã phải xuất trình các bản hộ khẩu có được từ năm 1989 đến thời điểm mẹ nuôi mất, trong đó ghi rõ hai bên là mẹ – con nuôi. Tháng 4-2008, nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh (như NSND Thanh Tòng, các NSƯT Thanh Điền, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…) cùng ký giấy xác nhận bà X. là mẹ nuôi của nghệ sĩ Thanh Sang từ trước giải phóng. Tiếp đó, Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM, UBND phường 25 (quận Bình Thạnh) cũng đóng dấu xác nhận quan hệ mẹ – con nuôi giữa bà X. và nghệ sĩ Thanh Sang.

Ấy vậy, hồ sơ khai nhận nêu trên cũng phải mất hơn một năm trời “loanh quanh” mới được công chứng. Cách đây chừng một tháng, nghệ sĩ Thanh Sang mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi được UBND quận Bình Thạnh cấp “giấy hồng” cho căn nhà được thừa kế nêu trên.

Cơ quan cấp giấy băn khoăn

Tương tự, ông Phan M. (phường 17, quận Phú Nhuận) cũng được mẹ nuôi để lại một căn nhà thừa kế. Người mẹ nuôi ấy đã nhận ông làm con nuôi từ năm 1962 nhưng không làm giấy tờ gì. Quan hệ mẹ nuôi – con nuôi của họ chỉ được thể hiện trong sổ hộ khẩu và được bà con chòm xóm ký xác nhận. Nếu việc thừa kế nhà của nghệ sĩ Thanh Sang gặp khó ở giai đoạn đầu (công chứng) thì ông M. lại bị “mắc kẹt” ở giai đoạn sau (cấp “giấy hồng”).

Continue reading

GIA NHẬP CÔNG ƯỚC LAHAYE 1993 VỀ BẢO VỆ TRẺ EM VÀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI QUỐC TẾ

THS. NGUYỄN BÁ BÌNH – Đại học Luật Hà Nội

Xen lẫn trong những câu chuyện kinh doanh của thời hội nhập, nuôi con nuôi quốc tế (International Adoption) – một nội dung trọng yếu của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài – đang ngày càng trở nên gần gũi với người Việt Nam. Tuy thế, một khuôn khổ pháp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ được nhận nuôi dường như vẫn còn chưa đủ. Với tính chất quốc tế của loại hình cho và nhận con nuôi này, pháp luật quốc gia Việt Nam – dù đã có một loạt quy định điều chỉnh – cũng khó lòng vươn tới nơi xứ người để chở che cho con trẻ nước mình.

Sự lựa chọn tích cực và đầy hiệu lực cho những vấn đề toàn cầu, trong đó có con nuôi quốc tế chính là ký kết, tham gia những thỏa thuận song và đa phương. Gia nhập Công ước Lahaye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước Lahaye 1993), đang là một yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam hiện nay.

1. Tính cấp bách của việc gia nhập Công ước Lahaye 1993

Thực trạng việc cho và nhận con nuôi quốc tế ở Việt Nam

Về mặt lý thuyết, việc nuôi con nuôi quốc tế có thể diễn ra theo hai chiều: thứ nhất, cho người nước ngoài (hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài) nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; thứ hai, công dân Việt Nam xin nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi. Thực tiễn cho thấy, việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phổ biến hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp, chỉ trong 5 năm (từ 1994 -1999) có tới 9.322 trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi; trong đó số trẻ em làm con nuôi tại Pháp là 3.407, chiếm trên 1/3 trẻ được nhận làm con nuôi tại Pháp (1). Tính trung bình cho đến nay, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi (2) và số trẻ em được nhận mỗi năm một tăng cao. Như vậy, rõ ràng nhu cầu về việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi của người nước ngoài là rất lớn và đang tiếp tục phát triển. Xét về nguồn trẻ em, Việt Nam là một đất nước đông dân – với trên 85 triệu người – hiện có tới trên dưới 27% dân số là trẻ em (chỉ mới tính từ 14 tuổi trở xuống)(3), trong đó, số lượng trẻ em ở vào hoàn cảnh khó khăn như tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không nơi nương tựa… chiếm một tỉ lệ khá lớn. Nhu cầu về một mái ấm gia đình, về những điều kiện tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần cho những đứa trẻ là rất đáng quan tâm. Vì vậy, việc xem xét để giải quyết cho và nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài không chỉ là đòi hỏi nhằm đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài, mà hơn hết, chính là nhằm góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam.

Continue reading

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn