admin@phapluatdansu.edu.vn

Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Picture1BỘ CÔNG THƯƠNG

I. Quan điểm xây dựng chính sách và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới

1. Các cách tiếp cận chủ đạo về pháp luật bảo vệ NTD trên thế giới

Do sự yếu thế của người tiêu dung (NTD) trong mối quan hệ với các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, NTD đôi khi không thể đưa ra các quyết định mua sắm, chọn lựa đúng đắn và phù hợp nhất với lợi ích của họ. Chính vì lý do đó, Nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của NTD. Có hai cách tiếp cận chủ đạo trên thế giới thông qua đó Nhà nước có thể bảo vệ lợi ích của NTD:

(i) xây dựng một hệ thống pháp lý trong đó quy định trách nhiệm pháp lý (liability) đối với các bên sau khi (ex post) đã xảy ra vi phạm; hoặc

(ii) xây dựng một hệ thống pháp lý (regulation) điều chỉnh, ngăn chặn trước các hành vi vi phạm (ex ante) để giảm thiểu vi phạm.

Cách tiếp cận thứ nhất là cách tiếp cận mà theo đó các bên liên quan phải bồi thường thiệt hại sau khi xảy ra thiệt hại thực sự. Theo cách tiếp cận này, các cơ quan phân xử, trong đại đa số các trường hợp là các toà án, bao gồm cả các toà chuyên biệt, sẽ quyết định mức độ bồi thường thiệt hại, căn cứ trên bản chất và thực tế vụ việc. Các bên liên quan sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại do hành vi sai sót của họ gây ra, nhưng chỉ sau khi bên bị thiệt hại đã kiện ra toà hoặc khiếu nại đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là việc bên bị thiệt hại kiện ra toà không có nghĩa là bên gây ra thiệt hại sẽ chịu bồi thường cho nạn nhân, ví dụ như trong trường hợp bên bị thiệt hại không thể chứng minh được rằng bên gây hại đã có hành vi sai sót. Ví dụ, anh Nguyễn Văn A uống một lon soda B do doanh nghiệp C sản xuất. Sau khi, anh A đã uống một phần của lon soda, bạn của anh A đổ phần còn lại của lon soda đó ra cốc, phát hiện thấy có một xác sên đã biến dạng. Anh A bị viêm nhiễm dạ dày do uống phải lon soda không sạch đó. Tuy nhiên, nếu anh A không kiện doanh nghiệp C ra toà, thì doanh nghiệp C sẽ không bị quy trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp anh A khiếu nại ra toà án, và toà án quyết định rằng thiệt hại về an toàn và sức khoẻ của anh A là do lon soda của doanh nghiệp C sản xuất gây ra, doanh nghiệp C sẽ phải bồi thường thiệt hại cho anh A theo mức mà toà án quyết định.

Cách tiếp cận thứ hai mang tính ngăn chặn, phòng ngừa, trước (ex ante) khi xảy ra vi phạm, theo đó các bên liên quan phải chịu phạt kể cả trước khi có thiệt hại thực sự, do đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn. Ví dụ, doanh nghiệp A sản xuất và buôn bán mũ bảo hiểm xe máy trên thị trường Việt Nam, phải tuân theo Quy chuẩn mũ bảo hiểm quốc gia (gọi tắt là QCVN2) do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành. Nếu như những chiếc mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn của doanh nghiệp A được bán ra trên thị trường, thì dù NTD có mua mũ đem về đội hay không, hay dù có xảy ra mất an toàn tai nạn giao thông do những chiếc mũ này hay không, doanh nghiệp A vẫn sẽ bị phạt do vi phạm quy định về chất lượng nói trên. Mức phạt vi phạm có thể sẽ căn cứ theo quy định xử phạt vi phạm hành chính nói chung hay quy định riêng của Bộ Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này.

Theo cách tiếp cận này, một hệ thống quy chuẩn phải được thiết lập, không liên quan đến việc có xảy ra thiệt hại thực sự cho NTD hay không. Các vụ việc đơn lẻ, hay cả một nhóm các vấn đề, đều có thể được điều chỉnh bởi các quy định chuẩn chung này, giảm thiểu khả năng xảy ra việc phải phân định đúng sai, hay giúp tránh các phán quyết không nhất quán và thiếu công bằng trên cơ sở vụ việc. Các bên liên quan sẽ phải chịu phạt chỉ khi các cơ quan chức năng phát hiện được rằng họ không tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn. Và trong đại đa số các trường hợp, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng các thủ tục hành chính để xem xét các thông tin kỹ thuật có liên quan, nhằm đi đến kết luận cuối cùng.


TRA CỨU TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE:  Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (duthaoonline.quochoi.vn)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading