Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Việt Nam 40 năm qua và những năm tới: CẦN MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Advertisements

GS. TRẦN VĂN THỌ – Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản

Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì tốc độ phát triển của Việt Nam thấp và kém hiệu suất. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc.

Các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển nhanh đưa nền kinh tế lên giai đoạn cao trong thời gian ngắn là nhờ khát vọng của lãnh đạo, của quan chức muốn đưa đất nước theo kịp các nước tiên tiến, từ đó chủ nghĩa phát triển và tinh thần dân tộc được đề cao, người tài được trọng dụng, tinh thần doanh nghiệp được phát huy. Doanh nghiệp tư nhân là động lực đưa nền kinh tế phát triển.

Hiện nay Việt nam trực diện ba thách thức lớn. Thứ nhất là nguy cơ chưa giàu đã già. Cơ cấu dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số sẽ đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Thứ hai là nguy cơ có sự phân hóa nền kinh tế thành hai khu vực FDI và tư bản trong nước vì ngày càng phụ thuộc vào FDI nhưng khu vực nầy ít bám rễ vào nền kinh tế quốc dân. Thứ ba là nguy cơ mắc vào bẫy thu nhập trung bình thấp (bẫy thu nhập trung bình đến sớm khi thu nhập đầu người còn thấp) vì tham nhũng và sự thao túng của các nhóm lợi ích làm méo mó thị trường vốn, thị trường đất, v.v… đưa đến sự phân bổ và sử dụng kém hiệu suất của các nguồn lực.

Kết quả phân tích ở trên đã gợi nhiều ý khi bàn về phương châm, chiến lược, chính sách cần thiết trong tương lai trung và dài hạn của Việt Nam. Theo tôi, xuất phát quan trọng nhất, có tính cách quyết định là khát vọng, khí khái của những người lãnh đạo trong giai đoạn sắp tới. Nếu lãnh đạo có lòng tự hào dân tộc, quyết đưa Việt Nam từng bước trở thành quốc gia thượng đẳng, xứng đáng với lịch sử, văn hóa và quy mô dân số sẽ bức xúc với thực trạng đang xuất khẩu lao động, đang tiếp tục nhận viện trợ, bức xúc với sự yếu kém của tư bản dân tộc và phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Giải phóng ra khỏi những ý thức hệ giáo điều và đề cao chủ nghĩa phát triển sẽ có những quyết sách, chiến lược phát triển đúng đắn.

Mũi đột phá trước mắt là làm cuộc cách mạng hành chánh mà nội dung chính là tinh giản bộ máy, quy củ hóa việc đề bạt, đánh giá cán bộ, cải cách tiền lương, và thi tuyển quan chức. Tránh được bẫy thu nhập trung bình thấp, phát huy tinh thần doanh nghiệp để hình thành tư bản dân tộc, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, mở đầu kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững đều tùy thuộc sự thành công của cuộc cách mạng hành chánh này.


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Tạp chí Thời đại mới (tapchithoidai.org)| Số 33, tháng 7/2015


Bài viết được đăng dưới sự đồng ý của GS. Trần Hữu Dũng – Quản trị trang tapchithoidai.org, đề nghị các bạn chỉ đọc tham khảo, không chép lại bài viết để đăng nơi khác với bất cứ mục đích gì.

Exit mobile version