admin@phapluatdansu.edu.vn

Chế định trọng tài trong PHÁP LUẬT LA MÃ

roman-law-icon-trendy-modern-flat-linear-vector-white-background-thin-line-justice-collection-editable-outline-stroke-130954474 PGS.TS. LÊ VŨ NAM & TS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆNĐại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Trọng tài thời La Mã với nhiều nguyên tắc giải quyết tranh chấp mang tính tiền đề, là chuẩn mực cho các nền pháp chế của nhiều quốc gia học hỏi và kế thừa. Ngày nay, việc nghiên cứu những nguyên tắc, triết lý và mô hình của thời La Mã vẫn sẽ mang lại những giá trị nhất định. Bài viết tập trung vào các vấn đề chính của pháp luật trọng tài La Mã như trọng tài tính, thỏa thuận trọng tài, trọng tài viên và phán quyết trọng tài.

1. Khái quát về trọng tài thời La Mã

Trước hết, khi nhìn từ khía cạnh văn hóa và đời sống dân gian thông thường, có thể thấy rằng, các vụ tranh chấp giữa công dân La Mã với nhau về những vấn đề hằng ngày như xác định giá bán của một món hàng, chất lượng của rượu, thức ăn[1]… đều có thể được giải quyết thông qua một cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả, đó là thông qua một bên thứ ba độc lập, khách quan và có những am hiểu nhất định về nội dung tranh chấp mà mình đảm trách việc giải quyết. Trong đời sống pháp lý, việc sử dụng trọng tài cũng rất phổ biến[2] và được pháp luật La Mã thừa nhận từ rất sớm.

Văn bản luật cổ nhất của La Mã là Luật XII Bảng (xuất hiện khoảng năm 450 TCN) quy định, đối với một số tranh chấp đặc thù liên quan đến việc chia di sản thừa kế giữa các đồng thừa kế, xác định ranh giới giữa các thửa đất, hậu quả việc nước mưa rơi xuống thửa đất của một người nhưng lại gây ra thiệt hại cho tài sản của người khác và việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật đều có thể được giải quyết thông qua trọng tài. Luật XII Bảng cũng quy định rõ rằng, nếu trọng tài nhận tiền hoặc các lợi ích vật chất khác của các bên nhằm tác động đến phán quyết trọng tài thì sẽ bị tử hình.

Đến thời của Hoàng đế Justinianus, việc pháp điển hóa toàn bộ pháp luật La Mã được tiến hành một cách bài bản. Các tư duy pháp lý, định chế, quy định pháp luật, thậm chí là tranh luận giữa các luật gia La Mã của các thời kỳ trước đó đều được tập hợp, phân loại và pháp điển hóa một cách chặt chẽ, khoa học. Kết quả của quá trình pháp điển hóa này là hình thành Bộ luật Justinianus hay Pháp điển Dân sự (Corpus Juris Civilis) gồm 04 bộ nhỏ là Codex, Digest, Institutiones và Novelle[3]. Các quy định liên quan đến chế định trọng tài được tập trung tại Quyển 4, Chương 8 của Bộ Digest (Digest 4.8). Nhận định một cách tổng quát, thì quy định của Digest 4.8 về trọng tài có rất nhiều điểm tiến bộ so với thời kỳ trước đó. Đó là sự kết tinh của pháp luật La Mã qua thời gian dài gần 1.000 năm[4] được cô đọng, rõ ràng, chi tiết và hợp lý cả về kỹ thuật pháp điển cũng như chất lượng điều chỉnh của từng quy phạm.

2. Trọng tài tính

Nhìn chung, có hai nhóm tranh chấp bao gồm các tranh chấp không mang trọng tài tính và các tranh chấp có trọng tài tính.

Các tranh chấp không thể được giải quyết thông qua trọng tài (không mang trọng tài tính) bao gồm tranh chấp mang tính hình sự, tranh chấp về tự do thân trạng, tranh chấp về thừa kế. Cụ thể, nếu trọng tài xét xử về một vụ việc mà lẽ ra nó phải được tiến hành ở một phiên tòa hình sự, ví dụ về tội hiếp dâm, giết người hay các tội tương tự thì giá trị pháp lý của trọng tài không được công nhận[5]. Nếu vụ tranh chấp liên quan đến tính tự do về mặt thân thể của một bên nào đó thì thẩm quyền của trọng tài cũng bị từ chối. Ngoài ra, các tranh chấp liên quan đến thừa kế không thể được giải quyết thông qua trọng tài (Digest 4.8.32.10).

Trong khi đó, các tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài lại rộng hơn rất nhiều, bao gồm: Tranh chấp về xác định ranh giới đất[6], các tranh chấp về động sản (Digest 4.8.32.5), các khoản nợ và vi phạm hợp đồng (Digest 4.4.7.3). Các tranh chấp phải là tranh chấp được dự liệu trong thỏa thuận trọng tài và chưa phát sinh, các tranh chấp đã phát sinh rồi thì không được dùng trọng tài để giải quyết nữa (Digest 4.8.46).

3. Thỏa thuận trọng tài

Cũng như pháp luật trọng tài ngày nay, trọng tài dưới thời La Mã là quá trình tố tụng mang tính độc lập và không chịu sự can thiệp của bất kỳ chủ thể chế nào. Các Praetor[7] không có quyền can thiệp vào quá trình tố tụng, toàn bộ quy trình đều phải được vận hành thông qua sự thỏa thuận của các bên đương sự (Digest 4.8.32.3), gọi là thỏa thuận trọng tài.
Thỏa thuận trọng tài là một loại hợp đồng nên đòi hỏi phải có sự thống nhất ý chí trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của các bên (Digest 2.14.1.3). Pomponius nói rằng, thỏa thuận trọng tài phải được diễn ra một cách bình thường, nếu các bên đã thỏa thuận là sẽ tuân thủ phán quyết thì không có quyền khởi kiện lại theo một phương thức giải quyết khác. Thời Justinianus, năm 528, luật quy định rằng thỏa thuận trọng tài có hiệu lực khi các bên tuyên thệ bằng văn bản (Codex 2.55.4). Năm 529, luật lại quy định các bên nếu không tuyên thệ cũng không phản đối thì sau 10 ngày thỏa thuận trọng tài sẽ có hiệu lực. Đến năm 530 thì luật bỏ quy định hẳn về tuyên thệ, nhưng vẫn giữ lại thời hạn 10 ngày[8].

Chủ thể tham gia vào thỏa thuận trọng tài phải là các bên tranh chấp, các bên này có thành phần rất đa dạng, có thể là công dân La Mã, người nước ngoài, thương nhân, những người là thường dân, nhưng không thể là phụ nữ, người chưa thành niên và nô lệ[9].

Về mặt nội dung, trước hết thỏa thuận trọng tài phải nêu rõ danh tính của các bên có tranh chấp hoặc người thừa kế trong tương lai của họ. Trong trường hợp một trong hai bên chết mà người thừa kế chưa thành niên không có người giám hộ tham dự phiên xét xử thì phán quyết trọng tài dù có được ban hành cũng không hợp lệ, tương tự với trường hợp một bên tranh chấp bị mất năng lực hành vi dân sự. Nếu thỏa thuận trọng tài có chỉ rõ tên người thừa kế thì trọng tài khi xét xử phải triệu tập người này.

Về thời hạn tố tụng, thông thường, thời hạn tố tụng có thể do các bên thỏa thuận. Ulpianus nhận định rằng, hầu hết các trường hợp, trọng tài có quyền gia hạn thời hạn tố tụng bằng cách gửi thư cho các bên. Labeo cũng nhận xét tương tự nhưng bổ sung thêm một ý quan trọng là nếu các bên thỏa thuận rằng trọng tài sẽ giải quyết mọi vấn đề phát sinh từ tranh chấp trong một ngày nhất định, trọng tài có toàn quyền gia hạn thời gian giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, sau đó, trọng tài lại chỉ ban hành phán quyết liên quan đến một số nội dung của tranh chấp chứ không phải toàn bộ tranh chấp thì phán quyết trọng tài không có hiệu lực.

Cuối cùng, việc chỉ tên các trọng tài viên đứng ra giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng, vì thỏa thuận trọng tài phải ghi rõ tên của một hoặc nhiều trọng tài viên thì mới có giá trị. Nếu trong thỏa thuận trọng tài có nêu tên của nhiều trọng tài viên nhưng chỉ dành quyền ra phán quyết cho một hoặc một số trọng tài viên cụ thể thì chỉ có những người này được ra phán quyết.

Số lượng trọng tài viên theo thỏa thuận trọng tài cũng là vấn đề rất quan trọng vì các bên có thể chọn một con số chẵn, hầu hết là hai. Nếu hai trọng tài viên không thể đưa ra quyết định cuối cùng thì các trọng tài viên sẽ chọn thêm một số lẻ trọng tài viên nữa (thường là một). Tuy nhiên theo Ulpianus, thì điều này rất nguy hiểm, vì cả quá trình tố tụng trọng tài có thể chấm dứt khi không có gì đảm bảo rằng các trọng tài viên có thể thống nhất chọn thêm những trọng tài viên nào. Vì vậy, tốt nhất là các bên chỉ định rõ trong thỏa thuận trọng tài tên của trọng tài viên được bổ sung.

4. Trọng tài viên

Trọng tài viên[10] là những người đại diện cho công lý, đứng ra để giải quyết tranh chấp cho các bên trong tố tụng trọng tài. Vì vậy, không phải ai cũng có thể trở thành trọng tài viên, những người này phải hội đủ những yếu tố nhất định[11].

Trước hết, việc đảm nhiệm vai trò là trọng tài viên hoàn toàn mang tính tự nguyện. Không ai bị bắt buộc làm trọng tài viên vì đây là sự lựa chọn hoàn toàn theo ý chí của họ. Nhưng nếu một người đã đồng ý làm trọng tài viên rồi thì pháp luật đòi hỏi người đó phải hành xử một cách công bằng và thiện chí.

Về mặt tiêu chuẩn, trọng tài phải có đạo đức, uy tín, trung thực và là người tự do, hầu hết là chủ gia đình. Trọng tài viên phải là nam công dân La Mã thành niên (từ 25 tuổi trở lên). Các chức sắc tôn giáo cũng có thể trở thành trọng tài viên và khi đã chấp nhận làm trọng tài viên rồi thì họ cũng chịu sự ràng buộc bởi chính phán quyết của mình.

Phụ nữ, người chưa thành niên, người mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như bệnh thần kinh, câm, điếc… và nô lệ không được làm trọng tài viên. Vấn đề tư cách trọng tài viên của nô lệ khá đặc biệt so với các chủ thể khác. Nô lệ đương nhiên không được làm trọng tài viên nhưng nếu một người trước khi trở thành nô lệ đã là trọng tài viên nhưng sau đó lại trở thành nô lệ thì phán quyết của người này trước đây vẫn có hiệu lực[12]. Theo hướng ngược lại, Pedius và Pomponius băn khoăn liệu trọng tài viên có bắt buộc là người tự do từ khi mới sinh ra hay có thể là người nô lệ được tự do? Labeo giải thích thắc mắc này một cách cặn kẽ rằng nô lệ dù có được tự do cũng không thể trở thành trọng tài viên vì một trong những yếu tố tiên quyết để trở thành trọng tài viên là phải có đạo đức tốt, uy tín và địa vị xã hội cao.

Một công dân La Mã, cho dù có là pater familias hay thành niên đều không thể đương nhiên trở thành trọng tài viên cho một vụ việc nhất định nếu rơi vào hai trường hợp: (i) Người này có lợi ích xung đột rõ ràng với các bên tham gia vào tố tụng[13]; (ii) Khi tham vào tố tụng trọng tài, người này có sự không công bằng, chính trực một cách rõ ràng[14]. Một điểm đặc biệt của pháp luật trọng tài La Mã là người con trai cũng có thể là trọng tài viên cho vụ tranh chấp của cha mình, điều này không đương nhiên dẫn đến sự không vô tư, khách quan. Vì theo pháp luật La Mã, sự không vô tư, khách quan hay thậm chí là xung đột lợi ích của trọng tài viên với các bên trong vụ tranh chấp phải được chứng minh rõ ràng, thuyết phục. Nếu một trong số các trọng tài viên chết hoặc mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng xét xử mà các bên không có thỏa thuận về người thay thế trong thỏa thuận trọng tài thì quá trình tố tụng trọng tài chấm dứt.

5. Phán quyết trọng tài và hiệu lực của phán quyết trọng tài

Cả quá trình tố tụng trọng tài phức tạp và kéo dài qua nhiều bước cuối cùng cũng được kết tinh lại thông qua việc các trọng tài viên ban hành phán quyết trọng tài[15]. Các trọng tài viên dù là những người am hiểu pháp luật, có địa vị và uy tín cao trong xã hội nhưng bản thân họ cũng là những tự nhiên nhân, hoàn toàn có thể mắc những sai lầm, dù khách quan hay chủ quan, khi ra phán quyết trọng tài, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tất nhiên, do chính các bên đã chọn và yêu cầu trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho mình nên các bên bị ràng buộc bởi phán quyết trọng tài về các vấn đề liên quan đến mình, bất kể là phán quyết có công bằng hay không[16]. Về phía trọng tài viên, mặc nhiên là các trọng tài viên phải trung thực, vô tư, khách quan và đủ năng lực để giải quyết tranh chấp. Việc ra phán quyết cho dù có sai cũng không ảnh hưởng đến uy tín, địa vị của trọng tài viên vì các bên đã tin tưởng giao toàn quyền giải quyết tranh chấp cho họ và xuất phát điểm họ đã là các công dân có địa vị và uy tín. Chính vì phán quyết trọng tài là thành quả do người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực ban hành, lại dựa trên sự thỏa thuận của các bên nên phán quyết trọng tài đa phần là chung thẩm và không thể bị thượng tố.

Các trọng tài viên, căn cứ vào các tình tiết vụ việc và kinh nghiệm của mình, sẽ có những đánh giá và phán xét khác nhau về vụ tranh chấp. Trước thời đại Justinianus, khi ba trọng tài ra các phán quyết khác nhau thì phán quyết trọng tài nói chung sẽ không có hiệu lực, tuy nhiên nếu đa số các trọng tài viên có đồng quan điểm thì phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực đối với các bên[17]. Đến thời Justinianus, câu hỏi này được trả lời như sau: Nếu 03 trọng tài viên ra 03 phán quyết khác nhau buộc một bên phải trả cho bên kia lần lượt là 15, 10 hoặc 05 follis, bên thua kiện phải trả 05 follis vì đây là con số ít ra mà tất cả các trọng tài viên đều đồng ý[18].

Trọng tài viên về nguyên tắc không được thay đổi ý kiến của mình sau khi đã ra phán quyết. Cassius lý luận rằng, trong một số trường hợp hạn hữu trọng tài viên có thể thay đổi ý kiến của mình. Ví dụ, trọng tài viên phán rằng một bên phải trả cho bên kia một số tiền vào đầu tháng nay lại đổi thời gian trả tiền thành cuối tháng (Digest 4.8.21.2), tuy nhiên, việc thay đổi ý kiến này phải được tiến hành trước khi gửi phán quyết trọng tài cho các bên (Digest 4.8.19.2).

Về nguyên tắc, tất cả vụ tranh chấp phải được giải quyết một cách dứt điểm, nếu trọng tài viên chỉ ra phán quyết về một phần của vụ tranh chấp, thì Praetor sẽ buộc các trọng tài viên phải giải quyết hết phần còn lại. Labeo nói rằng, các bên có quyền thỏa thuận về việc trọng tài viên giải quyết tất cả vụ tranh chấp trong một ngày và cho trọng tài viên quyền gia hạn thời gian giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu sau khi hết thời gian gia hạn mà trọng tài viên chỉ giải quyết được một phần của tranh chấp, thì các bên có quyền không tuân thủ phán quyết. Phán quyết trọng tài sau khi được ban hành ràng buộc các bên, người thừa kế của họ cũng bị ràng buộc, những người này không được yêu cầu xử lại vụ tranh chấp hoặc thượng tố phán quyết trọng tài.

Phán quyết trọng tài vẫn chưa có hiệu lực thi hành một cách trực tiếp mà phải được Praetor công nhận và cho thi hành. Sau khi phán quyết đã được công nhận và cho thi hành, bên có nghĩa vụ phải thi hành nếu không tự nguyện thi hành thì phải chịu phạt, bên còn lại có quyền yêu cầu Preator cho thi hành, mà không cần phải chứng minh mình đã thiệt hại bao nhiêu (Digest 4.8.38). Bên có nghĩa vụ nếu trì hoãn việc thi hành phán quyết thì sẽ bị phạt, nhưng nếu việc chậm trễ không do lỗi của họ thì không chịu phạt. Tiêu biểu cho trường hợp này là lúc đầu người được thi hành từ chối tiếp nhận nghĩa vụ của người phải thi hành nhưng sau này lại đổi ý. Tương tự, nếu một bên bị yêu cầu phải trả một số tiền nhất định vào một ngày cụ thể mà không trả thì sẽ bị phạt. Nếu phán quyết không ấn định thì việc trả tiền sẽ được trả vào một thời hạn hợp lý. Khoảng thời gian hợp lý này theo Luật XII Bảng là 30 ngày, đến thời Justinianus (năm 529), khoảng thời gian này là bốn tháng.

Nhiều khi, Praetor xem xét công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, Praetor sẽ tuyên phán quyết trọng tài vô hiệu và không có hiệu lực ràng buộc các bên khi vụ tranh chấp đã xét xử không mang trọng tài tính, các trọng tài viên không đủ điều kiện giải quyết tranh chấp, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không có sự thống nhất ý chí của các bên… Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt khác cũng làm cho phán quyết trọng tài vô hiệu như: Phán quyết trọng tài được ban hành vào ngày lễ; trọng tài viên kêu gọi thêm người khác vào tham gia giải quyết tranh chấp; phán quyết trọng tài không được thông qua một cách khách quan, trung thực; phán quyết trọng tài không rõ ràng; phán quyết trọng tài chỉ giải quyết một phần của tranh chấp.

Ngày nay, trọng tài đã trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp khá phổ biến và được ưa chuộng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại với yêu cầu vê trình tự, thủ tục chặt chẽ và trên cơ sở công bằng, tôn trọng quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo tính hiệu lực của phán quyết trọng tài… nhưng việc nghiên cứu những triết lý, tinh thần và nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố trụng trọng tài áp dụng để giải quyết tranh chấp của thời kỳ La Mã vẫn còn nguyên giá trị mà trong quá trình hoàn thiện pháp luật về trọng tài tại Việt Nam vẫn cần được xem xét, chọn lọc và tiếp thu.


Chú thích:

[1] H. T. Riley, Dictionary of Latin and Greek Quotations: Proverbs, Maxims and Motto, Nxb. George Bell & Sons, 1891, tr. 25.

[2] David Nasmith, Outline of Roman history from Romolus to Justinianus, Nxb. Law Publishers, 1890, tr. 29.

[3] Charles Phineas Sherman, Roman law in the modern world (Vol. I), Nxb. Boston Book Company, 1917, tr. 134-139.

[4] Tính từ thời của Luật XII Bảng đến thời của Justinianus.

[5] Digest 4.8.32.6.

[6] Digest 4.8.44. Vụ việc được dẫn ra ở đây là tranh chấp về ranh giới đất giữa Castellianus và Seius đã được giải quyết thông qua một trọng tài viên.

[7] Praetor là chức quan thời La Mã chuyên trông coi về tư pháp. Chức năng và cách thức bổ nhiệm các Praetor cũng được quy định khác nhau qua các thời kỳ của nền pháp chế La Mã. Xem: Adolf Berger, Encyclopedic Dictionary of Roman Law, Nxb. The American Philosophical Society, 1953, tr. 647.

[8] W. W. Buckland, A Textbook of Roman law from Augustus to Justinianus, Nxb. Cambridge University Press, 1921, tr. 528-529.

[9] Matteo Marone, Sull’arbitrato private nell’esperienza giuridicia Romana, Tạp chí Rivista dell’arbitrato, Số VI. 1, 1996.

[10] Adolf Berger, Encyclopedic Dictionary of Roman Law, Nxb. The American Philosophical Society, tr. 365.

[11] Về tiêu chuẩn để trở thành một trọng tài viên, pháp luật các nước cũng quy định rất khác nhau, xem: Redfern/Hunter/Blackaby/Partasides, Law and Practive of International Commercial Arbitration, Nxb. Sweet and Maxwell, 2004, tr. 230 – 236.

[12] Codex 7.45.2, xem: W.W. Buckland, Elementary of Roman private law, Nxb. Cambridge University Press, 1912, tr. 26.

[13] Digest 4.8.32.14, xem: Elizabeth A. Meyer, Legitimacy and Law in the Roman world, Nxb. Cambridge University Press, 2004, tr. 237.

[14] Digest 4.8.9.3.

[15] Adolf Berger, Encyclopedic Dictionary of Roman Law, Nxb. The American Philosophical Society, tr.366.

[16] Digest 4.8.27.2.

[17] Elizabeth A. Meyer, Legitimacy and Law in the Roman World, Nxb. Cambridge University Press, 2004, tr. 136.

[18] Digest 4.8.27.3. Trong phát biểu của Julianus chỉ nêu lên các con số là 15, 10 và 05, không nêu rõ đơn vị là gì, nên có thể suy đoán rằng đơn vị sẽ là follis vì đây là đơn vị tiền tệ chính thức dưới thời Justinianus.


SOURCE: Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật (tcdcpl.moj.gov.vn)

Trích dẫn từ: https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=467

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading