admin@phapluatdansu.edu.vn

CHỨNG CỨ trong tố tụng dân sự

 Screen-Shot-2019-12-20-at-10.19.56-PMJean-Marie COULON Chánh án, Toà Phúc thẩm Paris, Cộng hòa Pháp

Alain GUILLOU – Phó Chánh án, Toà Sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris, Cộng hòa Pháp

Ở Pháp, hoạt động chính trong quá trình xét xử một vụ án dân sự là hoạt động đánh giá chứng cứ. Theo quy định pháp luật tố tụng của Pháp, hoạt động đó thuộc trách nhiệm của các bên thực hiện dưới sự giám sát của thẩm phán.

Câu hỏi mà phía Việt Nam đặt ra là như sau: Liệu những quy định trong dự thảo của Việt Nam hiện nay về vấn đề chứng cứ đã đầy đủ chưa? Có cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực chứng cứ như kinh nghiệm của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ không?

Xem xét dự thảo Bộ luật TTDS hiện nay của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng với những quy định hiện có trong dự thảo về chứng cứ đã tương đối đầy đủ và không cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực chứng cứ như các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ là những nước nhấn mạnh đến vai trò của các bên trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh. Trên thực tế, trong Bộ luật dân sự của Pháp cũng có một số quy định tương đối chi tiết, cụ thể về vấn đề chứng cứ để đảm bảo độ tin cậy của chứng cứ. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của pháp luật về chứng cứ, án lệ của Pháp đã làm giảm đi rất nhiều phạm vi áp dụng của các quy định này của Bộ luật dân sự.

Vào thời kỳ ban hành Bộ luật dân sự của Pháp, lúc đó người ta chỉ công nhận chứng cứ bằng văn bản và tương đối dè dặt đối với chứng cứ bằng nhân chứng. Đó là trên quy định pháp luật, còn trong thực tiễn xét xử, các thẩm phán vận dụng tương đối mềm dẻo các quy định về chứng cứ. Pháp luật về chứng cứ đã phát triển theo hướng thừa nhận các nguồn chứng cứ khác từ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật: Công nghệ tin học, chữ ký điện tử… Bên cạnh đó, còn có một loại chứng cứ khác mà Việt Nam cũng đang đặt ra để giải quyết: Các loại băng ghi âm, ghi hình có được công nhận là một nguồn chứng cứ hay không?

Theo quy định chính thức của pháp luật Pháp tại điều 1341, Bộ luật dân sự, thì chỉ chấp nhận chứng cứ bằng văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những bước phát triển như tôi vừa trình bày. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định nhiều loại chứng cứ bằng văn bản: văn bản chứng thực và văn bản thông thường. Một điểm lưu ý ở đây là những quy định về chứng cứ này không được áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Trong lĩnh vực thương mại, các bên có quyền cung cấp mọi nguồn chứng cứ. Ngoài ra, cũng có thể rút ra chứng cứ từ các trường hợp suy đoán thực tế. Chẳng hạn trường hợp một người từ chối cho thực hiện việc xét nghiệm máu. Từ hành vi này, thẩm phán có thể rút ra những chứng cứ cần thiết dựa trên cơ sở suy luận lôgíc cũng như dựa trên những tình tiết thực tế khác liên quan đến vụ việc.

Liên quan đến các tiến bộ khoa học, kỹ thuật: Xác định, nhận dạng một người thông qua xét nghiệm ADN. Về điểm này, điều 16 – 11, Bộ luật dân sự Pháp quy định cho phép thực hiện việc xét nghiệm gien đối với một người, nhưng bắt buộc phải có sự chấp thuận của người đó. Việc này chủ yếu được thực hiện trong các vụ án về xác định cha mẹ cho con. Như vậy, hình thức chứng cứ mới này đã được chấp nhận trong các trường hợp cụ thể như đã nêu.

Những tiến bộ đạt được trong việc sao chép lại và lưu giữ hồ sơ tài liệu đã dẫn đến những thay đổi quan trọng. Chẳng hạn như sự xuất hiện các phương tiện kỹ thuật mới như Microfim và máy Fotocopy, điều này đã dẫn đến việc pháp luật thực định dần dần thừa nhận các bản sao, bản copy cũng có một giá trị chứng cứ nhất định, khi chứng minh được rằng bản sao đó hoàn toàn chính xác so với bản chính và có độ tin cậy. Trong 10 năm vừa qua, Tòa phá án cũng đã chấp nhận chứng cứ là các bản sao và bản fax.

Liên quan đến chứng cứ tin học, hiện nay án lệ đang trong quá trình hình thành các quy định liên quan đến loại nguồn chứng cú này. Ngoài vấn đề về chữ ký điện tử, còn nhiều vấn đề khác cần tính đến, chẳng hạn như bản kê các cuộc gọi điện thoại. Đây là một vấn đề tương đối tế nhị, bởi tránh những trường hợp mua bán bất hợp pháp. Đó là những khía cạnh hết sức kỹ thuật. Nói chung, liên quan đến chứng cứ điện tử, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Liên quan đến các kỹ thuật sao chép khác, câu hỏi của Việt Nam đặt ra là như sau: Các băng ghi âm, ghi hình, ảnh chụp có được coi là chứng cứ hay không? Nguyên tắc cơ bản ở đây là các kỹ thuật sao chụp có thể xâm phạm đến quyền nhân thân của con người. Án lệ xét xử dựa trên cơ sở đánh giá xem sự sao chép tài liệu đó là ngay tình hay không ngay tình. Điều này không được quy định chính thức trong một văn bản cụ thể nào mà chủ yếu dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Chẳng hạn trong trường hợp lén ghi âm một cuộc trao đổi điện thoại của một người mà không được sự đồng ý của người đó, thì băng ghi âm đó không được thừa nhận là nguồn chứng cứ, vì việc ghi âm đó là không ngay tình, không tôn trọng nguyên tắc trung thực, một nguyên tắc rất quan trọng trong vấn đề xác định chứng cứ.

Hay trong trường hợp bằng kỹ thuật giám sát video, lén ghi hình lại cuộc trao đổi giữa những người làm công ăn lương, người sử dụng lao động lấy đó làm bằng chứng để sa thải người lao động. Khi đưa ra tòa, băng ghi hình đó sẽ không được chấp nhận làm nguồn chứng cứ, vì cuốn băng đã được thực hiện vi phạm nguyên tắc trung thực.

Ngược lại, trong lĩnh vực hình sự, tòa án vẫn chấp nhận những loại chứng cứ như vậy, tức là cho phép lén ghi hình của một người mà không cần sự đồng ý của họ để làm bằng chứng về hành vi phạm tội của người đó.

Tóm lại, liên quan đến phần quy định về chứng cứ của dự thảo Bộ luật TTDS của Việt Nam, định nghĩa về chứng cứ tại điều 91 là phù hợp. Điều 92 quy định về nguồn chứng cứ cũng quy định đầy đủ. Khoản 9 quy định mang tính mở, để tính đến những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chúng tôi không có nhận xét gì đặc biệt liên quan đến điều 91 và 92. Điều 93 cũng không có điểm nhận xét gì đặc biệt, ngoại trừ vấn đề về chứng cứ là băng ghi âm, ghi hình và một số loại chứng cứ khác với những điểm nhận xét như tôi đã trình bày ở trên xét trên quan điểm của án lệ Pháp.

Điểm nhận xét duy nhất liên quan đến khoản 4, điều 93 quy định về lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng. Vấn đề sử dụng lời khai của người làm chứng là nguồn chứng cứ là một vấn đề cần quy định thận trọng. Pháp luật Pháp rất chú trọng đến vấn đề này, tránh những trường hợp người làm chứng khai báo gian dối. Pháp luật quy định một số điều kiện về hình thức và thủ tục. Lời khai của người làm chứng phải thoả mãn được các điều kiện đó mới được sử dụng làm nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, việc đánh giá giá trị chứng cứ đó như thế nào vẫn hoàn toàn thuộc thẩm quyền của thẩm phán. Do vậy, đối với khoản 4 cần chú ý đến điểm này.


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 09 – 011/10/2000.

Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt – Pháp.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: