Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VẤN ĐỀ GIAO DỊCH VÔ HIỆU khi bên chuyển nhượng tài sản là người phải thi hành án

Advertisements

LS. LÊ CAO

Trong thực tiễn hiện nay, nhiều trường hợp người phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác đã có hiệu lực pháp luật, theo đó họ có nghĩa vụ phải trả tiền hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác với một hoặc các bên khác có liên quan. Thế nhưng, trong khi tài sản mà người phải thi hành án đang có không được tuyên xử lý theo bản án, cũng không bị kê biên, chưa bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc hành chính khác do đó họ vẫn tiến hành các giao dịch liên quan đến tài sản. Vậy, khi nào thì giao dịch về tài sản của người phải thi hành án bị xem là vô hiệu, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào và thực tiễn áp dụng trên thực tế hiện nay ra sao? Chúng tôi sẽ dẫn một tình huống thực tiễn để cùng thảo luận về vấn đề đáng quan tâm này.

Theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 26/2018/QĐST-DS ngày 22/8/2018 của TAND quận K., ông N. có nghĩa vụ trả nợ cho bà T. số tiền là 23 tỉ đồng định kỳ hàng tháng, thời điểm trả nợ bắt đầu từ ngày 30/10/2018.

Trong thời gian từ ngày 22/8/2018 đến ngày 3/11/2018, ông N. có một thửa đất đứng tên ông được thế chấp tại Ngân hàng H. để cho Công ty A. vay vốn, sau đó tài sản này đã được giải chấp vào ngày 03/11/2018. Ngày 06/11/2018, ông N. dùng quyền sử dụng thửa đất nói trên để thế chấp cho Công ty A. vay vốn tại Ngân hàng Đ. với số tiền vay là 20 tỉ đồng.

Bà T. cho rằng, từ thời điểm từ ngày 03/11/2018 đến ngày 06/11/2018, ông N. có tài sản là quyền sử dụng đất, nhưng đã không dùng tài sản này thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho bà T. mà lại dùng để thế chấp cho Ngân hàng Đ. vay vốn cho Công ty A. là có hành vi giả tạo, gian dối, tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bà T. Do đó bà T. đã khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa ông N. và Ngân hàng Đ. là vô hiệu. Kết quả, cả bản án sơ thẩm của TAND quận K. và bản án phúc thẩm của TAND TP. N. đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., Tòa cho rằng ông N. đã từng dùng tài sản này thế chấp trước đó, nay thế chấp lại cho Ngân hàng khác để Công ty A vay vốn thì không xem là trường hợp tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với bà T. [1]

I. Giao dịch về tài sản của người phải thi hành án bị xem là vô hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành

Theo quy định hiện hành, điều kiện để một giao dịch dân sự được xem là có hiệu lực khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện như sau: (i) Về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực thì cần: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. (ii) Về hình thức, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định [2]. Những giao dịch không có một trong các điều kiện được quy định nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định khác [3].

Riêng đối với hợp đồng về tài sản của người phải thi hành án có thể được xem xét trong bài viết này là trường hợp người phải thi hành án thực hiện giao dịch giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 trường hợp này được xem là một giao dịch vô hiệu [4]. Có ý kiến cho rằng để để xem giao dịch đó vô hiệu thì phải chứng minh được giao dịch đó có hai dấu hiệu: (i) có tồn tại giao dịch giả tạo và (ii) mục đích xác lập giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba [5]. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Dân sự 2015 mang tính bao quát cho nhiều hình thức giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba chứ không phải là quy định riêng cho trường hợp của người phải thi hành án như bài viết này đề cập.

Đối với trường hợp giao dịch của người phải thi hành án, nghĩa vụ phải thi hành án đã được thể hiện rõ trong bản án mà họ có trách nhiệm thi hành, do đó các yếu tố như dấu hiệu giả tạo hay không, có mục đích trốn tránh việc trả nợ hay không dường như không cần chứng minh, các quy định của pháp luật hiện hành chỉ ra trường hợp cụ thể nào thì giao dịch được xem là vô hiệu.

Theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự [6].

Quy định nêu trên của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nay đã được sửa đổi, bổ sung bằng quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, theo đó trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì, tùy từng trường hợp xử lý như sau:

(i) Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự (thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết), trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự (thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó).

(ii) Trường hợp có giao dịch về tài sản kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự [thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó] và có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để phối hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

(iii) Trường hợp có các giao dịch khác liên quan đến tài sản mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người khác thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan [7].

Như vậy, việc xác định dấu hiệu để chứng minh một giao dịch về tài sản của người phải thi hành án có vô hiệu hay không, theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chỉ cần xác định các nội dung (i) đã có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật xác định người phải thi hành án và (ii) người phải thi hành án đã thực hiện giao dịch mà không dùng khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án trong trường hợp không có tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định luôn các dấu hiệu để xác định một giao dịch như thế nào là trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, và do đó xác định bằng chính hành vi của người thi hành án trên thực tế chứ không xác định bằng mục đích, ý chí, tư tưởng bên trong của người phải thi hành án hay là suy luận chủ quan của bất kỳ ai khác. Việc xác định các dấu hiệu giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ bằng cách nêu rõ các điều kiện cụ thể này nhằm nhận diện ngay được mà không cần chứng minh, không cần suy luận thêm, đảm bảo hiệu quả của thi hành án nhưng trên hết nhằm đảm bảo rằng bản án/quyết định của Tòa án và nghĩa vụ theo đó phải được đảm bảo thực thi.

Về bản chất, quy định của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung chỉ có tính chất làm rõ hơn các trường hợp khác nhau thì có cách thức xử lý khác khi thực tế giao dịch có chuyển giao quyền sở hữu tài sản hay không hoặc đã chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng hay chưa. Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng giống Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ở chỗ xác định hai dấu hiệu để xác định một giao dịch về tài sản của người phải thi hành án vô hiệu khi trên thực tế có những điều kiện cụ thể sau: (i) người có tài sản giao dịch đang phải thi hành án theo bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án và (ii) có giao dịch về tài sản mà không dùng tiền có được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

So với quy định trường hợp được xem là một giao dịch vô hiệu do giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các quy định hướng dẫn pháp luật thi hành án đã không có nội hàm bao quát thành các dấu hiệu để thực tiễn phải chứng minh giao dịch đó là vô hiệu hay không, các quy định tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP hay Nghị định số 30/2020/NĐ-CP xác định các điều kiện cụ thể mà không cần phải chứng minh thêm, nếu đủ các điều kiện đó thì giao dịch về tài sản được xem là vô hiệu.

II. Giao dịch của người phải thi hành án có bị vô hiệu hay không nhìn từ một tình huống áp dụng pháp luật thực tiễn

Như được trình bày ở trên, đối chiếu với tình huống thực tiễn ở đầu bài viết thì có thể thấy, kể từ thời điểm có bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà ông N. mang tài sản đi thế chấp cho Ngân hàng Đ., không dùng khoản tiền thu được từ việc thế chấp đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì việc thế chấp bị xem là vô hiệu và tài sản thế chấp đó vẫn bị kê biên để xử lý thi hành án. Trường hợp có tranh chấp thì các bên khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án truyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Cần lưu ý, tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp giữa ông N. và Ngân hàng Đ. vào ngày 06/11/2018 thì Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành. Nghị định này như đã nói chỉ quy định rằng. tại thời điểm khi đã có bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì nghĩa vụ tuân thủ thi hành án của ông N. phải thực thi. 

Đối chiếu với trường hợp của ông N., chúng ta có thể thấy các điều kiện của giao dịch vô hiệu đã rõ, (i) tại thời điểm ông N. ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Đ. thì đã có quyết định của Tòa án có hiệu lực tuyên ông N. phải trả nợ cho bà T., (ii) ông N. đã ký hợp đồng thế chấp tài sản của mình cho bên thứ ba vay vốn và số tiền vay này lại không được dùng trả nợ cho bà T., trong khi không có tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để trả nợ cho bà T. theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án. Như vậy, các dấu hiệu đó đã xác định hợp đồng thế chấp tài sản của ông N. cho Ngân hàng Đ. là vô hiệu và tài sản đó phải xử lý để thi hành án theo quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định số 30/2020/NĐ-CP. Các quy định tại các Nghị định được viện dẫn này không đưa ra thêm các dấu hiệu nào khác, không buộc phải chứng minh có giả tạo hay không giả tạo, có mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay không trốn tránh trả nợ, mà xác định cụ thể luôn trường hợp một giao dịch về tài sản của người phải thi hành án được thực hiện trong hoàn cảnh, điều kiện nào thì vô hiệu.

Thế nhưng, theo những gì mà cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên liên quan đến tình huống này, Hội đồng xét xử không căn cứ vào các quy định của pháp luật đặc thù trong trường hợp giao dịch của người phải thi hành án, mà căn cứ vào các dấu hiệu chung của một giao dịch dân sự giả tạo để nhận định giao dịch thế chấp của ông N. có vô hiệu hay không. Theo đó, nhận định của Tòa án có thể thấy việc suy luận trước đó tài sản này đã thế chấp ở một Ngân hàng khác, nay thế chấp lại là bình thường, có tính liên tục cho nên không phải là giả mạo để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Nhưng chúng ta có thể đặt ra hoài nghi là, bằng cách nào mà Hội đồng xét xử đọc được ý chí, mục đích bên trong của ông N., khi ông dùng tài sản thế chấp cho công ty A để vay tiền mà không dùng tiền để trả cho bà T. mà không phải là trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Bản án của các cấp tòa án trong trường hợp này, bằng suy luận chủ quan trong đánh giá đã vô hiệu hóa hiệu lực của các quy định pháp luật về thi hành án khi xác định một giao dịch của người phải thi hành án là vô hiệu. Hơn nữa, như các quy định được dẫn ở trên, việc xác định giao dịch của người phải thi hành án có vô hiệu hay không vô hiệu không cần chứng minh về ý chí, mục đích của người phải thi hành án hay không, mà chỉ cần có đủ điều kiện người phải thi hành án đã có những hành vi cụ thể nào liên quan đến tài sản mà họ đang có để xác định. Các quy định của pháp luật không cần xác định có sự liên tục hay không liên tục trong các giao dịch về thế chấp của ông N., cũng không cần biết trước đó ông N. đã thế chấp nên giờ mang tài sản đi thế chấp lần khác, quy định chỉ cần chỉ ra tại thời điểm thực hiện giao dịch về tài sản của người phải thi hành án có các điều kiện đảm bảo một giao dịch được xác định là vô hiệu. Những suy luận của Tòa án tại các bản án là suy luận theo hướng đánh giá về giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo quan điểm chung của Bộ luật Dân sự 2015, nhưng lại không phù hợp với đặc thù riêng của giao dịch đối với người phải thi hành án.

Đứng trước sự xung đột trong việc xác định một giao dịch như thế nào là vô hiệu nhìn từ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, có thể cần phải viện dẫn quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật trong trường hợp ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành để giải quyết sự xung đột này. Như thế, nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi bổ sung năm 2014) và các quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP thì không cần chứng minh thêm căn cứ nào khác để xác định giao dịch của người phải thi hành án là vô hiệu thì chỉ cần xác định, tại thời điểm giao dịch: (i) đã có bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án và (ii) có giao dịch về tài sản mà không dùng tiền có được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Hai điều kiện này mặc nhiên chứng minh cho dấu hiệu xác lập giao dịch giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba quy định tại khoản 2, Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về pháp luật chuyên ngành, việc quy định riêng đối với các trường hợp đặc thù cần xác định dấu hiệu và điều kiện như thế nào để đảm bảo một giao dịch được thực hiện đúng pháp luật là cần thiết. Chúng ta thấy rõ các điều kiện về một giao dịch tài sản được phép thực hiện trong các văn bản chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở là rất phổ biến. Đối với trường hợp quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cũng vậy, để đảm bảo bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật được tuân thủ và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh việc tẩu tán tài sản nhằm vô hiệu hóa nghĩa vụ phải thi hành án, luật thi hành án dân sự và các quy định liên quan đã có quy định rõ cụ thể điều kiện một giao dịch của người phải thi hành án bị xem là vô hiệu là cần thiết.

Hơn nữa, đối chiếu với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu việc luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự 2015 [8]. Chúng tôi cho rằng, các quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi bổ sung năm 2014) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP không những trái mà còn phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật dân sự năm 2015 rằng cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực và việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác [9].

Như vậy, từ một tình huống thực tiễn chúng tôi nêu đầu bài viết, theo chúng tôi việc ông N. dùng tài sản của mình thế chấp cho Ngân hàng Đ. để cho công ty A. vay tiền, mà không dùng số tiền có được từ giao dịch thế chấp đó trả nợ cho bà T. thì giao dịch thế chấp của ông N. phải bị xem là vô hiệu. Các quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi bổ sung năm 2014) và được hướng dẫn tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP nêu rõ điều kiện để xem một giao dịch của người phải thi hành án là vô hiệu và không cần phải chứng minh thêm.

Do đó, hiện nay Tòa án hai cấp xét xử trong vụ án nêu trên suy luận theo quan điểm riêng mà không dựa vào các quy định đặc thù của pháp luật về thi hành án dân sự có thể tạo ra một tiền lệ áp dụng pháp luật bất lợi cho người được thi hành án, đồng thời có thiên hướng cổ súy cho việc tẩu tán tài sản bằng những giao dịch trái quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn xét xử còn có sự chống chếnh khách biệt nhau giữa quan điểm xét xử và nội dung quy định của pháp luật được nêu trong bài viết này, thiết nghĩ cần có quy định thống nhất để đảm bảo pháp luật được áp dụng nhất quán, không bị suy diễn một cách khác biệt nhằm đảm bảo cho các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể thực sự được pháp luật bảo vệ trong công bằng, minh bạch.


<p align="justify"><strong>Chú thích:</strong></p>  <p align="justify"><sup>[1] </sup>Bản án số 05/2021/DS-ST ngày 25/3/2021 về việc tranh chấp tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu của TAND quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng và Bản án số 42/2021/DS-PT ngày 08/7/2021 về việc tranh chấp tuyên hộ hợp đồng thế chấp vô hiệu của TAND TP. Đà Nẵng. </p>  <p align="justify"><sup>[2] </sup>Xem Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. </p>  <p align="justify"><sup>[3]</sup> Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015. </p>  <p align="justify"><sup>[4] </sup>Khoản 2, Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015. </p>  <p align="justify"><sup>[5]</sup> Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng: Các vấn đề pháp lý cơ bản, trang 189. </p>  <p align="justify"><sup>[6]</sup> Khoản 1, Điều 24, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. </p>  <p align="justify"><sup>[7] </sup> Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP. </p>  <p align="justify"><sup>[8] </sup>Khoản 2, Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015. </p>  <p align="justify"><sup>[9]</sup> Khoản 3, khoản 4 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015.&#160; </p>  <hr />    <p align="justify"><strong>Danh mục tài liệu tham khảo</strong></p>  <p align="justify">1. Bản án số 05/2021/DS-ST ngày 25/3/2021 về việc tranh chấp tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu của TAND quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. </p>  <p align="justify">2. Bản án số 42/2021/DS-PT ngày 08/7/2021 về việc tranh chấp tuyên hộ hợp đồng thế chấp vô hiệu của TNND thành phố Đà Nẵng. </p>  <p align="justify">3. Bộ luật Dân sự năm 2015.</p>  <p align="justify">4. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014).</p>  <p align="justify">5. Nghị định số Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 30/2020/NĐ-CP). </p>  <p align="justify">6. Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng: Các vấn đề pháp lý cơ bản, trang 189.&#160; </p>  <hr />    <p align="justify"><strong><font color="#800000">SOURCE:</font></strong> Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (lsvn.vn)</p>  <p align="justify"><strong>Trích dẫn từ:</strong> https://lsvn.vn/van-de-giao-dich-vo-hieu-khi-ben-chuyen-nhuong-tai-san-la-nguoi-phai-thi-hanh-an1634484830.html</p>
Exit mobile version