Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

PHÁP LUẬT VỀ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế)

Advertisements

Tình trạng khẩn cấp

PGS. Ts. Đỗ Đức Minh – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học thuộc Viện Ngôn ngữ học (1997) cho rằng: (1) “Khẩn cấp” thuộc tự loại tính từ, có hai nghĩa: (i) Cần được tiến hành, được giải quyết ngay, không chậm trễ, và (ii) Có tính chất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có ngay những biện pháp tích cực để đối phó, không cho phép chậm trễ. (2) “Tình trạng” là một danh từ mang nghĩa tổng thể nói chung những hiện tượng không hoặc ít thay đổi, tồn tại trong một thời gian tương đối dài, xét về mặt bất lợi đối vơí đời sống hoặc những hoạt động nào đó của con người. Theo đó, “tình trạng” dùng để chỉ những hiện tượng có tính chất tiêu cực nảy sinh trong đời sống của chúng ta. Như vậy, từ hai khái niệm này [(1) và (2)] chúng ta có thể thấy được “thực tiễn xác định tình trạng khẩn cấp”.

Tình trạng khẩn cấp được hiểu là một tuyên bố của chính phủ mà theo đó có thể tạm ngưng một số chức năng bình thường của chính phủ và có thể cảnh báo công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường hoặc có thể ra lệnh cho các cơ quan của chính phủ thi hành các kế hoạch sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp. Nó cũng được sử dụng làm một cơ sở hợp lý để tạm ngừng các quyền tự do dân sự. Nhìn chung, “khẩn cấp” là một tình trạng rất nghiêm trọng, cần được chú ý ngay và giải quyết ngay nếu không sẽ gây ra một hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến xung quanh. Thông thường, các tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường được ban bố trong những trường hợp có thiên tai, bạo loạn dân sự hoặc sau một tuyên chiến, chuẩn bị có dấu hiệu xảy ra một cuộc chiến tranh. Ở một số quốc gia, tình trạng khẩn cấp và hiệu lực của nó đối với các quyền tự do dân sự và thủ tục ban bố được quy định trong hiến pháp hoặc luật. Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp ít phổ biến trong các quốc gia dân chủ (Democratic nation) nhưng các chế độ độc tài (The dictatorship) thường tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài vô thời hạn trong thời gian tồn tại của chế độ đó. Đối với những quốc gia tham gia ký kết Công ước quốc tế về các Quyền chính trị và dân sự (International Covenant on Civil and Political Rights -ICCPR), Điều 4 cho phép các nước giảm bớt một số quyền nhất định được ICCPR đảm bảo trong “thời gian khẩn cấp công cộng”1 . Tuy nhiên bất kỳ biện pháp nào giảm bớt các nghĩa vụ theo quy định của Công ước chỉ đến mức mà tình trạng khẩn cấp đó yêu cầu và phải được quốc gia đó thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.


Tra cứu:

– NỘI DUNG VỀ HỘI THẢO TẠI ĐÂY

– KỶ YẾU HỘI THẢO TẠI ĐÂY


SOURCE: Hội thảo quốc tế “Pháp luật về tình trạng khẩn cấp”, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội & Trung tâm Luật Châu Á, Trường Luật Melbourne, Đại học Melbourne đồng tổ chức. Online Conference, 16-17, tháng 6 năm 2020.

Exit mobile version