Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

KỶ YẾU TỌA ĐÀM về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2005

Advertisements

Ông Albert FRANCESKINJ – Luật sư, Văn phòng Luật sư Vovan & Cộng sự, TP Hồ Chí Minh

Kiểm tra thông tin về nhân thân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp đúng là một việc khó. Nhưng tôi nghĩ giải pháp sau đây có lẽ sẽ thiết thực, đó là yêu cầu doanh nghiệp đi đăng ký thành lập phải nộp giấy chứng nhận của ngân hàng về việc họ đã có một khoản tiền vốn đang giữ trong tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Biện pháp này đã từng được áp dụng tại Việt Nam trong khoảng những năm 1992 -1994, hiện nay đã bị bãi bỏ.

Thực ra, ngân hàng thường là những người có đầu óc thực tế và thực dụng, họ sẽ không bao giờ mở tài khoản cho người nào không có giấy tờ chứng minh căn cước, họ cũng sẽ không bao giờ cấp giấy chứng nhận về tài khoản đã phong tỏa nếu như khoản tiền đó không thực sự được phong tỏa tại ngân hàng. Vả lại, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu ngân hàng cấp giấy chứng nhận giả tạo thì tức là họ vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Vấn đề là ở chỗ do tính cách thân thiện của người Việt Nam nên ở Việt Nam rất dễ tạo được một mối quan hệ cá nhân thân thiết, cho nên cũng khó tránh khỏi trường hợp nhân viên ngân hàng hoặc chủ ngân hàng vì quan hệ thân tình mà cấp giấy chứng nhận giả tạo. Như vậy, không thể có một giải pháp hoàn hảo, mà phải cần có thời gian để hệ thống dần dần đi vào quy củ.

Liên quan đến Trung tâm hỗ trợ thủ tục doanh nghiệp cũng như công tác hậu kiểm tại Pháp, tôi sẽ tập hợp và chuyển cho các bạn một số tài liệu, đặc biệt là các biểu mẫu báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp ở Pháp phải nộp cho phòng lục sự của tòa án thương mại cũng giúp cung cấp những thông tin đúng về doanh nghiệp. Hiện nay, khi muốn hợp tác làm ăn với một doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không biết làm thế nào để có được thông tin đúng và chính xác về hoạt động của doanh nghiệp đó, vì doanh nghiệp Việt Nam không nộp báo cáo đã được kiểm toán, cũng không có khai báo chính thức… Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài không thể dựa vào quá khứ mà chỉ có thể dựa vào tương lai mà quyết định. Tình trạng này sẽ gây khó khăn đến sự phát triển của nền kinh tế.

Thực ra các quy định về nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính với những thông tin chính xác cho cơ quan đăng ký kinh doanh, quy định về thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp… ở Việt Nam đều đã có, trên thực tế cũng đã có người thực hiện nghiêm túc, điều quan trọng là phải làm sao để duy trì điều đó và biến nó thành thói quen chung.

Tôi xin nói thêm một chút liên quan đến Luật Phá sản. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng ở đây là các bạn cần vượt qua vấn đề văn hóa Việt Nam, để thấy rằng phá sản không phải là điều đáng xấu hổ. Bởi vì chẳng hạn như ở Pháp, cách đây vài chục năm người ta cũng nghĩ như thế, nhưng hiện nay, tuyên bố phá sản doanh nghiệp không còn là một điều gây hổ thẹn cho cả gia đình nữa, mà được coi là biện pháp để lành mạnh hóa tình hình doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính thì có thể đề nghị với các cơ quan nhà nước xem xét áp dụng một kế hoạch phục hồi doanh nghiệp. Đây là một khả năng nên dành cho các doanh nghiệp và Nhà nước phải giải thích cho họ hiểu rằng họ có thể sử dụng cơ chế này để giãn nợ và có thời gian phục hồi kinh doanh. Tất nhiên sẽ có những kẻ lợi dụng, nhưng đối với phần lớn các doanh nghiệp, cơ chế đó mở cho họ một cửa để ra đi trong danh dự, thay vì tự dưng biến mất hoặc tiếp tục khai báo gian dối…

Ông Eric LE DREAU – Luật sư, Văn phòng Luật sư Vovan & Cộng sự, TP Hồ Chí Minh

Có một sự khác biệt giữa thủ tục đăng ký kinh doanh ở Pháp và ở Việt Nam, nhất là khi ra đời Luật đầu tư mới của Việt Nam. Đó là ở Pháp, doanh nghiệp khi đăng ký thành lập không cần phải chứng minh có dự án đầu tư. Hơn nữa, luật của Pháp cho phép thành lập doanh nghiệp với mức vốn tối thiểu từ 01 ơrô. Như vậy, gần như không có sự kiểm tra về mặt hành chính đối với năng lực tài chính của người thành lập doanh nghiệp. Đăng ký kinh doanh là hoạt động chịu sự điều chỉnh của pháp luật kinh doanh thuần túy. Nếu có kiểm tra thì chỉ giới hạn ở tính xác thực của những thông tin trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, chứ không kiểm tra một cách toàn diện như kiểm tra dự án đầu tư hay năng lực thực hiện dự án của chủ doanh nghiệp, vì điều đó sẽ do thị trường quyết định.


TRA CỨU TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Tọa đàm “Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư”. Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 10/4/2006.

Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt – Pháp

Exit mobile version