Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Kỷ yếu Tọa đàm “LUẬT THƯƠNG MẠI SỬA ĐỔI”

Advertisements

GS. Michel GERMAIN, Đại học Paris II – Cộng hòa Pháp:

Trước tiên, tôi cũng sẽ trình bày một vài nhật xét chung về dự thảo Luật Thương mại này. Theo tôi, đây là một dự thảo rất giàu về nội dung và rất bổ ích. Trong mối quan hệ giữa Luật Thương mại và Bộ luật dân sự, có 3 vấn đề quan trọng cần giải quyết và đây là các vấn đề luôn tồn tại trong những hệ thống pháp luật có sự phân biệt giữa Luật Thương mại và luật dân sự.

Thứ nhất, việc phân biệt Luật Thương mại và luật dân sự nhằm mục đích gì? Trong hệ thống pháp luật của Pháp, giữa hai lĩnh vực này cũng có một số điểm khác nhau nhưng những điểm khác nhau đó không lớn như trong pháp luật của Việt Nam. Luật thương mại Pháp cho phép thương nhân tự do hoạt động thương mại nhưng, cũng như trong pháp luật của Việt Nam, quyền tự do kinh doanh đó bị giới hạn bởi trật tự công cộng. Ngoài ra, tự do hoạt động thương mại của thương nhân Pháp còn bị hạn chế bởi sự phá sản của thương nhân. Trong pháp luật của Pháp các quy định về phá sản là những quy định rất quan trọng. Theo tôi hiểu, trong dự thảo Luật Thương mại này, thương nhân có quyền tự do rất lớn trong việc giao kết hợp đồng, và dường như trong Bộ luật dân sự quyền tự do này còn được quy định rộng hơn nhiều.

Điểm thứ hai không kém phần quan trọng trong mối quan hệ giữa Luật Thương mại và Bộ luật dân sự đó là vấn đề về tiêu chí để xác định xem chúng ta sẽ áp dụng luật nào, Luật Thương mại hay Bộ luật dân sự. Như đồng nghiệp của tôi đã đề cập đến, chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn khái niệm “hành vi nhằm mục đích sinh lời” bởi vì đó chính là nền tảng cho những tiêu chí của chúng ta. Về vấn đề này, tôi xin đặt một câu hỏi như sau: hoạt động của một người nông dân, hoạt động của một nhà nghiên cứu, hoạt động của một thợ thủ công, mỹ nghệ, tất cả các hoạt động đó nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Vậy theo các bạn, những hoạt động đó do Luật Thương mại hay Bộ luật dân sự điều chỉnh?

Điểm thứ ba, ở Pháp ngoài khái niệm hành vi thương mại thực hiện giữa thương nhân với thương nhân, chúng tôi còn có khái niệm “hành vi hỗn hợp” đó là hành vi giữa thương nhân với người tiêu dùng là một cá nhân. Trong mối quan hệ này, pháp luật luôn đứng về phía người tiêu dùng, luôn tìm cách bảo vệ họ. Như vậy, trong dự thảo luật này, hợp đồng thương mại chỉ mối quan hệ giữa hai thương nhân với nhau và thương nhân hoàn toàn tự do trong việc giao kết. Vậy trong mối quan hệ với khách hàng, thương nhân có được hoàn toàn tự do không?

Đó là ba nhận xét đầu tiên của tôi.


TRA CỨU TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Tọa đàm “Luật Thương mại sửa đổi”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội ngày 14-15/6/2004

Exit mobile version