admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÁP LUẬT HOA KỲ về bảo hộ các nhãn hiệu liên quan đến tên miền

 THANH XUÂN

Sự gia tăng giá trị kinh tế và xã hội của tên miền đã dẫn đến những xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền. Trước những xung đột này, các câu hỏi thường được đặt ra là: chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu của họ chống lại việc đăng ký tên miền hay không? Khi cuộc chiến giữa nhãn hiệu và tên miền xảy ra, đối tượng nào có quyền ưu tiên?… Bài viết cung cấp góc nhìn về các chính sách khác nhau mà chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ có thể sử dụng để bảo vệ các nhãn hiệu liên quan đến tên miền của mình.

Xung đột giữa bảo hộ nhãn hiệu và tên miền

Nhãn hiệu là lĩnh vực có lịch sử phát triển rất lâu đời. Một trong những luật nhãn hiệu được biết đến sớm nhất là Luật Nhãn hiệu Bakers năm 1266 ở Anh, quy định việc sử dụng tem hoặc dấu trên ổ bánh mì. Trường hợp ở Anh của Southern và How* năm 1584 được coi là trường hợp vi phạm nhãn hiệu thực tế đầu tiên. Khi đó, nhà sản xuất quần áo chất lượng cao đã kiện một đối thủ cạnh tranh vì sản xuất quần áo chất lượng thấp hơn trong khi sử dụng nhãn hiệu chỉ dành riêng cho quần áo có chất lượng cao. Gần 4 thế kỷ sau, vào tháng 7/1946, Tổng thống Truman ký Đạo luật Lanham, thiết lập sự bảo hộ nhãn hiệu liên bang ở Hoa Kỳ.

Khác với nhãn hiệu, tên miền có lịch sử rất ngắn (khoảng 4 thập kỷ). Tên miền được phát triển vào những năm 80 của thế kỷ trước khi internet vẫn chủ yếu là một mạng lưới nghiên cứu ở Bắc Mỹ được một nhóm chuyên gia điều hành để sử dụng trong các cộng đồng nghiên cứu và công nghiệp của họ. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ internet và sự phát triển của hoạt động thương mại trực tuyến, tên miền đã dần làm thay đổi cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cũng vì thế mà vấn đề xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền trở thành vấn đề “nóng” của nhiều quốc gia trên thế giới.

Các câu hỏi thường được đặt ra là chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu của họ chống lại việc đăng ký tên miền hay không? Khi cuộc chiến giữa nhãn hiệu và tên miền xảy ra, đối tượng nào có quyền ưu tiên, chủ sở hữu nhãn hiệu có nên được ưu tiên vì anh ta có độc quyền được bảo hộ hợp pháp không? Hay chủ sở hữu tên miền có phải là bên thắng thế vì không gian mạng là không gian tồn tại bên ngoài “lãnh thổ” của nhãn hiệu?. Với sự gia tăng giá trị kinh tế và xã hội của tên miền, những xung đột như vậy ngày càng trở nên gay gắt.

Các biện pháp được chủ sở hữu nhãn hiệu tại Hoa Kỳ sử dụng để chống lại người đăng ký tên miền

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ sở hữu nhãn hiệu tại Hoa Kỳ có thể dựa vào một số quy định trực tiếp hoặc gián tiếp để chống lại người đăng ký tên miền. Dưới đây là một số quy định trực tiếp:      

Một là, Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng chống nạn chiếm dụng tên miền (ACPA). Ra đời ngày 29/11/1999 và được hợp nhất vào Đạo luật Lanham tại Mục 43(d), 15U.S.C và 1125(d), ACPA quy định: “cấm đăng ký, buôn bán hoặc sử dụng một tên miền tương tự gây nhầm lẫn hoặc làm lu mờ nhãn hiệu”. ACPA cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu kiện người đăng ký tên miền theo các căn cứ: i) Có dụng ý xấu nhằm kiếm lợi từ nhãn hiệu và (ii) Đăng ký, mua bán hoặc sử dụng một tên miền mà (a) trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu có khả năng phân biệt; (b) trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với hoặc nhằm làm lu mờ nhãn hiệu nổi tiếng;  hoặc (c) là nhãn hiệu liên quan đến một số dấu hiệu đặc biệt nhất định được bảo hộ theo luật định. ACPA đã liệt kê một danh sách mở về các yếu tố mà tòa án có thể xem xét khi xác định liệu người đăng ký tên miền có dụng ý xấu nhằm thu lợi nhuận hay không, như: nhãn hiệu hoặc quyền SHTT khác của người đăng ký tên miền trong tên miền đó; liệu tên miền có chứa tên thông dụng hay pháp lý của người đăng ký hay không; việc sử dụng trước tên miền của người đăng ký liên quan đến việc chào bán hàng hoá hoặc dịch vụ một cách vô tình hay không; việc sử dụng nhãn hiệu một cách hợp lý hoặc vì mục đích phi thương mại của người đăng ký đối với nhãn hiệu trên trang web có thể truy cập bằng tên miền… ACPA cũng bao gồm một quy định về biện pháp an toàn, theo đó cáo buộc xâm phạm sẽ không áp dụng cho những người có thể thành bị đơn, với điều kiện là người này khi đăng ký tên miền "tin tưởng và có cơ sở hợp lý để tin rằng việc sử dụng tên miền là không gian lận hoặc hợp pháp".

So với chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP), ACPA đưa ra nhiều chế tài hơn và đối với các trường hợp phức tạp nhưng có chứng cứ rõ ràng, phán quyết của ACPA được coi là kết luận cuối cùng (trong khi quyết định của UDRP có thể bị khởi kiện lên tòa án liên bang). Ngoài ra, các căn cứ để xác định “tương tự gây nhầm lẫn” theo ACPA dễ đáp ứng hơn so với các tiêu chuẩn được đánh giá là “khắt khe” trong các vụ kiện vi phạm quyền truyền thống.

Hai là, chính sách của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của USPTO (TMEP) có các quy định hướng dẫn thẩm định viên trong quá trình thẩm định các đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa tên miền. Cụ thể, tại Điều 1209.03(m) quy định: khi một nhãn hiệu, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể, hoặc nhãn hiệu chứng nhận được cấu thành từ toàn bộ hoặc một phần của một tên miền, nhưng không phải là phần đầu của một địa chỉ internet [hay "URL"] như http://www., cũng không phải là tên miền cấp cao, thì không có ý nghĩa đáng kể về chỉ dẫn nguồn gốc. Thay vào đó, những chỉ dẫn này chỉ đơn giản là chỉ dẫn mà nhà cung cấp dịch vụ internet nào cũng phải sử dụng để cấu thành một địa chỉ trên internet. Các quảng cáo cho tất cả các loại sản phẩm và dịch vụ lúc nào cũng đi kèm một địa chỉ internet dẫn tới trang web của nhà quảng cáo, và người có hiểu biết trung bình với internet cũng hiểu rằng các ký tự như "http", "www" đi kèm một tên miền cấp cao đều chỉ là một phần của một địa chỉ trên internet mà thôi.

USPTO tiếp tục quy định: "nếu một nhãn hiệu đề xuất bao gồm một thuật ngữ mô tả đơn thuần được kết hợp với một tên miền cấp cao không mang tính chỉ dẫn nguồn gốc, thì nói chung thẩm định viên phải từ chối đăng ký với cơ sở là nhãn hiệu chỉ mang tính mô tả". Đối với những nhãn hiệu đã trở thành tên gọi chung, USPTO quy định, "một nhãn hiệu bao gồm một hay nhiều thuật ngữ đã trở nên thông dụng và kết hợp với tên miền cấp cao không mang tính chỉ dẫn nguồn gốc sẽ trở thành một tên gọi chung và không có ý nghĩa là nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu dịch vụ". Trên cơ sở các chính sách này của USPTO, việc đăng ký được một dấu hiệu tên miền trở thành nhãn hiệu liên bang và được ghi nhận trong Sổ đăng bạ chính quả là một thách thức thực sự.

Có thể thấy, chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ có đầy đủ các biện pháp để chống lại các hành vi vi phạm của người đăng ký tên miền. Đây thực sự là những biện pháp rất hữu ích để Việt Nam học hỏi khi mà các xung đột và tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên miền ở nước ta đang ngày càng gia tăng.


Chú thích:

* Chih-Hong (Henry) Tsai (2013), The trademark/domain name protection war: a comparative study of the U.S, UDRP and taiwanese law, The John Marshall Law School.


SOURCE: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử (vjst.vn)

Trích dẫn từ: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5220/phap-luat-hoa-ky-ve-bao-ho-cac-nhan-hieu-lien-quan-den-ten-mien–.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading