admin@phapluatdansu.edu.vn

DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ (Dự thảo 1)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các bên trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi là biện pháp bảo đảm).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện (sau đây gọi là nghĩa vụ được bảo đảm) là nghĩa vụ của bên bảo đảm, nghĩa vụ của người khác hoặc là nghĩa vụ của bên bảo đảm và của người khác.

2. Hợp đồng bảo đảm là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh hoặc tín chấp.

3. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất.

4. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền khai thác phát triển dự án, quyền cho thuê lại quyền thuê cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp trả tiền thuê cho toàn bộ thời gian thuê (không bao gồm quyền sử dụng đất), quyền được bồi thường thiệt hại hoặc quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng.

5. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm quyền khai thác khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; yến sào thiên nhiên; quyền khai thác tài nguyên khác theo quy định của pháp luật liên quan.

6. Quyền tài sản trong sở hữu trí tuệ, khoa học, công nghệ bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giống vật nuôi; quyền phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc quyền khác trị giá được bằng tiền trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin.

7. Giao tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm chuyển tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm hoặc người thứ ba trực tiếp nắm giữ, quản lý và chịu trách nhiệm về nắm giữ, quản lý tài sản.

8. Chuyển giao tài sản bảo đảm bao gồm việc bên bảo đảm giao tài sản bảo đảm hoặc bên bảo đảm không giao tài sản bảo đảm nhưng giao giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất hoặc bằng chứng pháp lý khác công nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất đối với tài sản bảo đảm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) để bên nhận bảo đảm chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản bảo đảm.

9. Chi phối tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận bảo đảm không trực tiếp nắm giữ tài sản bảo đảm nhưng có thể xem xét, kiểm tra tài sản bảo đảm; kiểm soát, ngăn chặn hoặc cho phép bên bảo đảm khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm, đưa tài sản bảo đảm vào giao dịch dân sự khác.

10. Chiếm giữ tài sản là hành vi thực tế, trực tiếp, liên tục, công khai của bên cầm giữ mà không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ, các bên trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, giao dịch khác nhằm phong tỏa tài sản là đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm.

11. Truy đòi tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, theo đó, người này có quyền yêu cầu bất kỳ người nào đang nhận mua, được tặng cho, được trao đổi hoặc người khác nhận chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm (sau đây gọi là người nhận chuyển nhượng), người chiếm hữu, sử dụng hoặc người đang được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản bảo đảm cho mình.

12. Chi phí hợp lý là khoản chi thực tế mà trong điều kiện bình thường, các bên trong biện pháp bảo đảm hoặc người khác có quyền, lợi ích liên quan phải có để thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

13. Thời hạn hợp lý là khoảng thời gian để các bên trong biện pháp bảo đảm hoặc người khác có quyền, lợi ích liên quan có thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong điều kiện bình thường.


TRA CỨU VĂN BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Dự thảo gửi kèm theo Công văn số 3461/BTP-ĐKGDBĐ ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d