admin@phapluatdansu.edu.vn

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TIỀN ĐIỆN TỬ của một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam

TRƯƠNG THỊ HOÀI LINH

Cùng với triển vọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một nền kinh tế số mở rộng đã bùng nổ và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu. Trong xu thế này, tiền điện tử xuất hiện và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Đến nay, Ngân hàng Trung ương (NHTW) của một số nước và tổ chức tài chính đã cơ bản thống nhất về bản chất của tiền điện tử; nhiều NHTW đã có khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động của tiền điện tử như NHTW Châu Âu, NHTW Nga,…

Tại Việt Nam, tiền điện tử cũng đã hình thành dưới dạng thẻ trả trước, ví điện tử. Tuy nhiên, chưa có luật nào định nghĩa về tiền điện tử và cũng chưa có một nghiên cứu nào chuyên sâu về tiền điện tử để làm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung, bản chất, rủi ro, pháp lý của tiền điện tử. Bài viết này trên cơ sở hệ thống cơ sở lý luận về tiền điện tử sẽ tập trung vào làm rõ các quy định về quản lý loại tiền này ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam.

1. Tổng quan về tiền điện tử

Tiền điện tử (e-money hay electronic money) là khái niệm đã được định nghĩa trong một số các văn bản luật của một số quốc gia và tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế. Hiện nay, tiền điện tử được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia như một công cụ thanh toán hơn 20 năm trước.

Khái niệm tiền điện tử

– Trong Chỉ thị về Tiền điện tử ban hành vào năm 2009 của Hội đồng Châu Âu (2009/110/EC), tiền điện tử được định nghĩa là “giá trị tiền tệ thể hiện quyền đòi nợ đối với tổ chức phát hành, mang một số đặc tính như được lưu trữ dưới dạng điện tử, được phát hành trên cơ sở đối ứng với số tiền nhận được không thấp hơn giá trị tiền điện tử phát hành và được các tổ chức khác không phải tổ chức phát hành chấp nhận sử dụng như một phương tiện thanh toán”.

– Theo danh mục các thuật ngữ dùng cho các hệ thống thanh, quyết toán của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thì tiền điện tử là “giá trị được lưu trữ trong một thiết bị như thẻ chíp hoặc ổ cứng máy tính cá nhân”.

– Quy chế về tiền điện tử năm 2013 (tương đương cấp Nghị định) của NHTW Kenya định nghĩa ngắn gọn về tiền điện tử như sau: Tiền điện tử là giá trị tiền tệ thể hiện quyền truy đòi (nợ) đối với tổ chức phát hành tiền điện tử với những đặc tính sau: (i) được lưu trữ dưới dạng điện tử, bao gồm cả từ tính; (ii) được phát hành trên cơ sở đối ứng với số tiền tổ chức phát hành nhận được; (iii) được chấp nhận là phương tiện thanh toán bởi cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức phát hành.

– Quy định của NHTW Indonesia về tiền điện tử: Tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán bao gồm các yếu tố sau: (i) được phát hành dựa trên giá trị tiền gửi của khách hàng đến tổ chức phát hành; (ii) giá trị tiền lưu trữ dưới dạng phương tiện điện tử như máy chủ (server) hoặc chip; (iii) được sử dụng như một phương tiện thanh toán tại một đơn vị chấp nhận thanh toán mà không phải là tổ chức phát hành tiền điện tử; (iv) giá trị tiền điện tử được lưu trữ bởi người nắm giữ và được quản lý bởi tổ chức phát hành.

– Quy định của NHTW Nhật Bản: Tiền điện tử (phương tiện thanh toán trả trước) là một trong những công cụ thanh toán bán lẻ điện tử gắn liền với giá trị lưu trữ hoặc công cụ thanh toán điện tử trả trước, trong đó, người sử dụng phải nạp một số tiền trả trước để có thể sử dụng.

Đặc điểm của tiền điện tử

Từ những định nghĩa trên, có thể thấy tiền điện tử có những đặc tính cơ bản sau: (i) được lưu trữ giá trị trên phương tiện điện tử; (ii) được thể hiện bằng quyền đòi nợ đối với tổ chức phát hành tiền điện tử; (iii) được phát hành trên cơ sở đối ứng với số tiền tổ chức phát hành nhận được; (iv) được sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán; và (v) được chấp nhận bởi thể nhân hoặc pháp nhân không phải là chính tổ chức phát hành tiền điện tử.

Các loại tiền điện tử (Hình 1)

– Tiền điện tử offline

Một trong những dạng tiền điện tử là tiền điện tử offline (như thẻ trả trước hoặc thẻ thông minh). Thẻ trả trước là loại thẻ được ghi một giá trị tiền nhất định lên nó, dưới dạng từ, điện và thường giống như một chiếc thẻ tín dụng. Khi khách hàng sử dụng, thiết bị chấp nhận thẻ sẽ xóa đi một phần tương ứng với lượng tiền sử dụng trên dải quang, từ hoặc điện tử. Tuy nhiên, phần lớn các thẻ trả trước này thường chỉ được sử dụng với một mục đích duy nhất (ví dụ thẻ điện thoại trả trước được phát hành bởi các công ty viễn thông và chỉ có thể sử dụng để gọi điện tại các bốt điện thoại công cộng) và do đó, không thể được coi là một dạng tiền điện tử hoàn chỉnh.

Thẻ thông minh (smart cards) là dạng mở rộng của thẻ trả trước (prepaid cards). Cũng giống như thẻ trả trước, thẻ thông minh lưu giữ một giá trị tiền nhất định, nhưng khác với thẻ trả trước, thẻ thông minh thường có chip điện tử. Do đó, thẻ thông minh có thể được dùng để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có thể coi đây là một dạng tiền điện tử, vì khi người dùng mua thẻ thông minh, họ đã chuyển tiền của mình từ dạng tiền truyền thống (tiền mặt, tài khoản thanh toán, xu…) sang tiền điện tử.

– Tiền điện tử online (hay còn gọi là Ví điện tử)

Hiện nay, có rất nhiều website cung cấp dịch vụ thanh toán online mà không thông qua tài khoản ngân hàng. Những website này hoạt động theo hình thức như sau: khách hàng có thể đăng ký tài khoản và được cung cấp một “ví điện tử” với mã bảo mật và thông tin cá nhân. Khách hàng sau đó có thể chuyển tiền của mình từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử này và sau đó, có thể trực tiếp sử dụng tiền từ ví điện tử của mình để mua hàng trực tuyến tại cửa hàng hoặc tham gia những hình thức mua bán trực tiếp giữa khách hàng với nhau trên các trang web đấu giá, mua bán như eBay hay Alibaba. Tiêu biểu nhất và phổ thông nhất trong các website này là PayPal, ngoài ra còn có thêm rất nhiều các website tương tự và độ phổ biến của chúng đang ngày càng tăng. Ban đầu, các loại tiền điện tử này thường chỉ được sử dụng để mua bán giữa khách hàng với nhau, nhưng theo thời gian, chúng ngày càng được chấp nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng trực tuyến.

– Mobile – money

Theo Báo cáo về thực trạng lĩnh vực Mobile-Money năm 2017, Hiệp Hội thông tin di động toàn cầu (GSMA – Global System for Mobile Association) cho rằng, dịch vụ liên quan đến Mobile-Money khi đáp ứng các tiêu chí sau: (i) là dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua điện thoại di động; (ii) phải sẵn sàng cho những người chưa có tài khoản ngân hàng (không có tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính chính thức); (iii) phải cung cấp ít nhất một trong những sản phẩm sau: chuyển tiền trong nước và quốc tế, thanh toán hóa đơn, giải ngân các khoản vay và thanh toán cho người bán hoặc lưu trữ giá trị; (iv) phải có mạng lưới các điểm giao dịch vật lý bên ngoài các chi nhánh ngân hàng và các ATM, giúp cho tất cả người dân có thể tiếp cận dễ dàng; (v) các dịch vụ ngân hàng sử dụng điện thoại di động chỉ như một kênh khác phụ thêm để truy cập vào một sản phẩm ngân hàng truyền thống hay các dịch vụ thanh toán liên kết với sản phẩm ngân hàng truyền thống không bao gồm trong thuật ngữ này;…

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, Mobile-Money về bản chất là hình thức tiền điện tử, trong đó các giao dịch thanh toán và tài chính được thực hiện trên điện thoại di động, có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gắn kết với tài khoản ngân hàng (IFC, 2018). Hay nói cách khác, Mobile-Money là sự kết hợp của tiền điện tử (như thẻ trả trước, ví điện tử) và sử dụng nền tảng kỹ thuật di động để thực hiện các giao dịch tài chính và sử dụng cơ sở dữ liệu thuê bao di động để định danh khách hàng.

Hệ sinh thái Mobile-Money bao gồm các tổ chức phát hành Mobile-Money, tổ chức trung gian có thể được hưởng lợi từ Mobile-Money và các chủ thể sử dụng Mobile-Money. Hệ sinh thái Mobile-Money sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải và các dịch vụ bảo hiểm, tiết kiệm.

Phân biệt giữa “tiền điện tử” và “tiền ảo”

Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và cũng là một định nghĩa, cách hiểu thông dụng trên thế giới thì: “Tiền ảo (virtual currency) là một loại tiền kỹ thuật số (Digital money hay Cryptocurrency) không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”.

Từ định nghĩa trên, có thể thấy rằng, tiền ảo gắn liền với khái niệm cộng đồng ảo (virtual communities) – một mạng không gian ảo mà các cá nhân tương tác với nhau. Sự phổ biến của cộng đồng ảo trong những năm gần đây gắn liền với những tiến bộ công nghệ và việc sử dụng Internet ngày càng nhiều trong mọi mặt của đời sống. Trong một vài trường hợp, những cộng đồng này tự tạo và lưu hành những đồng tiền của riêng mình để trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, qua đó tạo ra chức năng phương tiện trao đổi và đơn vị đo lường giá trị cho chính cộng đồng ảo đó.

Nghiên cứu cho thấy, do bản chất luôn tiến hóa của khái niệm tiền trong bối cảnh kỷ nguyên số dẫn đến những hiểu nhầm về 02 khái niệm tiền điện tử và tiền ảo. Sự khác biệt mấu chốt giữa tiền điện tử với tiền ảo ở chỗ tiền ảo khi được sử dụng với chức năng là đơn vị đo lường giá trị không có sự tương xứng thực tế về địa vị tiền pháp định (legal tender status) như tiền điện tử có được. Những đặc tính cụ thể của tiền điện tử và tiền ảo được ECB mô tả cụ thể như sau: (Bảng 1)

2. Các quy định về quản lý tiền điện tử trên thế giới

Trước làn sóng phát triển của công nghệ thông tin, thuật ngữ tiền điện tử đã xuất hiện và có những tác động tích cực và tiêu cực đến thị trường tài chính – tiền tệ của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận sự tồn tại của tiền điện tử và đã có những chính sách quản lý về tiền điện tử dưới những góc độ khác nhau thông qua việc ban hành văn bản luật (hoặc chỉ thị hay văn bản dưới luật), trong đó, đưa ra định nghĩa chung về tiền điện tử và các vấn đề liên quan đến tiền điện tử. (Bảng 2)

a) Khu vực Châu Âu

Liên minh Châu Âu

Chỉ thị về Tiền điện tử của Liên minh Châu Âu đã đưa ra những quy định có tính bắt buộc các tổ chức phát hành tiền điện tử (Electronic Money Institutions -EMIs) phải tuân thủ và thực hiện, bao gồm:

(i) Các ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng khu vực đồng Euro phải đáp ứng được các yêu cầu hoặc điều kiện về vốn điều lệ (350.000 Euro) và tỷ lệ khả năng thanh khoản để được NHTW cấp phép. Theo Khối EU, các EMIs bao gồm (i) tổ chức tín dụng, tổ chức chuyển tiền bưu điện được quyền phát hành tiền điện tử, ECB và NHTW các quốc gia trong khu vực đồng Euro, cơ quan công quyền của các quốc gia thành viên; (ii) pháp nhân không phải ngân hàng.

(ii) Các tổ chức phát hành tiền điện tử ngoài việc cung ứng dịch vụ thanh toán cũng có thể cung ứng một số dịch vụ khác (như cấp tín dụng hoặc cung ứng cơ sở hạ tầng) nếu đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ của Liên minh Châu Âu (EU);

(iii) các EMIs không được nhận tiền gửi, tiền thu được từ hoạt động phát hành tiền điện tử, và phải được gửi vào tài khoản đảm bảo tại ngân hàng trong vòng 24 giờ; đồng thời, số tiền gửi trong tài khoản đảm bảo không được trả lãi và bất cứ khi nào khách hàng yêu cầu hoàn trả tiền mặt thì các EMIs phải hoàn trả theo đúng giá trị.

b) Khu vực Châu Phi

Ghana

Năm 2002, NHTW Ghana đã ban hành “Hướng dẫn nguyên tắc đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử” nhằm hướng tới các mục tiêu: Đẩy mạnh phổ cập tài chính không rủi ro đối với sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính; mở rộng các dịch vụ tài chính hướng các kênh phân phối dựa trên chi nhánh truyền thống đến các lĩnh vực giao dịch hàng ngày; đảm bảo tiền điện tử chỉ được cung ứng bởi các định chế tài chính, được quy định bởi Luật Ngân hàng và các pháp nhân phi ngân hàng được cấp phép tham gia cung ứng, phát hành tiền điện tử và các hoạt động liên quan đến tiền điện tử dưới sự giám sát và quản lý chặt chẽ của NHTW Ghana; và đảm bảo quyền lợi khách hàng của tổ chức phát hành tiền điện tử như quyền truy đòi hữu hiệu (effective recourse), đối xử bình đẳng, minh bạch thông tin…NHTW Ghana đặt ra những yêu cầu về tuân thủ đối với tổ chức phát hành tiền điện tử, bao gồm:

(i) Một EMI phải thiết lập các hệ thống có các cơ chế kiểm soát nội bộ phục vụ cho công tác kiểm toán (tương tự như trường hợp của Tanzalia), các cơ chế kiểm soát này bao gồm, nhưng không giới hạn đối với các hồ sơ tài khoản tiền điện tử được mở; nhận diện người sử dụng tiền điện tử; theo dõi và giám sát tất cả các giao dịch tiền điện tử được thực hiện bởi người sử dụng tiền điện tử và số dư cá nhân và số dư tổng được chủ sở hữu tiền điện tử nắm giữ; các chính sách, quy trình nội bộ và trách nhiệm gắn liền với phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (ALM/CFT); cảnh báo tự động đối với các giao dịch đáng ngờ; phát hiện các mẫu giao dịch.

(ii) Đồng thời, EMIs phải giữ các hồ sơ về các giao dịch tiền điện tử đã thực hiện trong thời gian ít nhất 6 năm; phải đảm bảo rằng EMIs có các hệ thống có khả năng cung cấp các thông tin minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao; các EMIs sẽ phải chịu phạt 2,500 đơn vị trong trường hợp không tuân thủ đúng các điều khoản quy định tại Hướng dẫn của NHTW Ghana.

Kenya

Năm 2013, NHTW Kenya đã ban hành Quy định về tiền điện tử thuộc Luật các Hệ thống Thanh toán Quốc gia, trong đó, các tổ chức tham gia cung ứng, phát hành tiền điện tử phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản như:

(i) Mỗi tài khoản tiền điện tử được phát hành phải tuân thủ hạn mức giao dịch cá nhân mà không vượt quá 75.000 shilling và tổng hạn mức hàng tháng là 1 triệu shilling, trên cơ sở đó, các ngân hàng phải phê duyệt các hạn mức cao hơn cho các hạng mục cụ thể của các tài khoản tiền điện tử;

(ii) EMIs phải xây dựng hệ thống để đảm bảo việc lưu giữ các tài khoản tiền điện tử được mở một cách chính xác và đầy đủ, nhận diện chủ sở hữu tiền điện tử, các giao dịch được thực hiện bởi chủ tài khoản tiền điện tử và số dư tổng và số dư lẻ mà chủ tài khoản tiền điện tử nắm giữ;

(iii) EMIs phải đảm bảo rằng, họ và các đại lý (agents) tuân thủ các điều khoản dự phòng áp dụng theo Luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền và các quy định được ban hành theo Luật trên;

(iv) EMIs phải thực hiện ký các thỏa thuận bằng văn bản với từng chủ tài khoản tiền điện tử, trong đó, xác định EMIs có trách nhiệm đối với chủ tài khoản tiền điện tử và nếu hệ thống thanh toán sử dụng tài khoản tiền điện tử được vận hành bởi một người mà không phải là EMI, cũng như tên của tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán;

(v) EMIs sẽ được bồi hoàn theo mệnh giá (par value), tiền điện tử sẽ không thu lãi hoặc bất kỳ khoản lợi nhuận nào đối với chủ sở hữu tiền điện tử;

(vi) EMIs không phải là các ngân hàng hoặc định chế tài chính có thể không tham gia vào bất kỳ hoạt động cho vay hoặc đầu tư nào theo quy định tại khoản (viii) dưới đây;

(vii) EMIs không mượn tiền từ bên thứ ba, bao gồm các cá nhân có cổ phần trong EMI hoặc có nghĩa vụ khác ngoài nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh của EMI;

(viii) Bất kỳ những thay đổi quan trọng hoặc gia tăng công cụ thanh toán tiền điện tử mà EMIs dự định ra mắt sẽ phải được NHTW phê duyệt và EMI phải thông báo cho NHTW trong vòng 30 ngày bằng văn bản trước khi triển khai đề xuất về những thay đổi hoặc tăng cường này. Bất kỳ thay đổi hoặc gia tăng nào sẽ mở rộng phạm vi hoặc thay đổi bản chất của công cụ thanh toán bằng tiền điện tử có thể bao gồm: (1) Chức năng bổ sung của công cụ thanh toán tiền điện tử như tiếp cận các kênh điện tử mới và (2) Những thay đổi về nhà cung cấp dịch vụ và thanh toán và các đối tác chính khác trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật các Hệ thống Thanh toán Quốc gia cũng đưa ra các yêu cầu về tài sản thanh khoản, trong đó, EMIs phải duy trì tỷ lệ tài sản thanh khoản bằng với số tiền điện tử quá hạn được phát hành. Tài sản thanh khoản được duy trì dưới hình thức số dư tại ngân hàng được NHTW phê duyệt, sau khi trừ đi các khoản tiền các ngân hàng nợ, số dư này sẽ được giữ tách biệt với số tiền liên quan tới các nghiệp vụ khác của EMIs; hoặc bất kỳ tài sản thanh khoản khác được quy định bởi NHTW. Để bảo vệ quyền lợi của chủ tài khoản tiền điện tử, NHTW sẽ yêu cầu EMIs phải giữ tài khoản thanh khoản ở ít nhất 1 ngân hàng. Bên cạnh đó, những nội dung về giải quyết khiếu nại cũng được quy định cụ thể tại Luật này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, cũng như nghĩa vụ của EMIs.

e) Khu vực Châu Á

Malaysia

Tại Malaysia, hệ thống tiền điện tử lần đầu tiên được xuất hiện từ những năm 1990 và cho đến nay, nhu cầu sử dụng tiền điện tử trên toàn quốc có xu hướng tăng dần theo thời gian. Luật Dịch vụ Tài chính của NHTW Malaysia năm 2010 xem tiền điện tử như “một công cụ thanh toán – công cụ (hữu hình hoặc vô hình) cho phép một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện giao dịch thanh toán để mua hàng hóa hoặc dịch vụ”. Đồng thời, Luật Dịch vụ Tài chính cho phép NHTW Malaysia sử dụng các công cụ thanh toán dưới dạng phương tiện thanh toán chỉ định (Default Payment Instrument – DPI), trong đó, tiền điện tử, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng thuộc danh sách các công cụ thanh toán chỉ định được chấp thuận bởi NHTW Malaysia.

Bên cạnh đó, NHTW Malaysia cũng đã đưa ra những quy định pháp lý đối với tổ chức phát hành tiền điện tử. Theo đó, Luật Dịch vụ Tài chính năm 2010 quy định “bất kỳ cá nhân nào hoạt động độc lập hoặc thỏa thuận với cá nhân hay tổ chức khác sẽ phải chịu nghĩa vụ thanh toán đối với phương tiện thanh toán, cho dù nghĩa vụ đó phát sinh từ cá nhân được phát hành hoặc sử dụng phương tiện thanh toán” của tổ chức phát hành”. Trước đó, NHTW Malaysia cho phép bất kỳ cá nhân nào cũng được phép sử dụng công cụ thanh toán chỉ định và chỉ những công ty sáp nhập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 1965 mới được cho phép sử dụng.

Trước năm 2005, chỉ các ngân hàng ở Malaysia được cho phép phát hành tiền điện tử. Ngày nay, NHTW Malaysia đã tự do hóa các hướng dẫn của mình thông qua việc cho phép các tổ chức phi ngân hàng được cung ứng phát hành tiền điện tử. Tuy nhiên, tổ chức phát hành tiền điện tử cũng phải đối mặt với trách nhiệm rất lớn về mặt pháp lý và phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do NHTW Malaysia quy định, cũng như các điều kiện hoạt động theo Luật Dịch vụ Tài chính.

Ngoài ra, NHTW Malaysia cũng đặt ra những hạn chế về vốn chủ sở hữu nước ngoài đối với hoạt động cung ứng, phát hành tiền điện tử, điều này khiến các tổ chức nước ngoài được tham gia cung ứng, phát hành tiền điện tử trở lên khó khăn hơn. Cụ thể, một trong những điều kiện xin cấp phép phát hành tiền điện tử là quy định về vốn điều lệ. Chỉ thị của Liên minh Châu Âu đã xác định cụ thể số vốn điều lệ và quỹ vốn mà tổ chức phát hành tiền điện tử bắt buộc phải duy trì hạn mức theo quy định. Đến năm 2009, Chỉ thị của Liên minh Châu Âu đã giảm mức vốn điều lệ đối với tổ chức đề nghị xin cấp phép phát hành tiền điện tử từ 1 triệu Euro xuống còn 350,000 Euro, đây được xem là quy định “nới lỏng” nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức được tham gia phát hành tiền điện tử.

Singapore

Tại Singapore, không có định nghĩa hay quy định cụ thể về tiền điện tử. Tuy nhiên, vào năm 2006, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành quy định về công cụ lưu trữ giá trị (Store Value Facility – SVF) – một hình thức tiền mặt điện tử trả trước hoặc thẻ được sử dụng trong hệ thống của tổ chức phát hành tiền điện tử. Theo quy định này, tổ chức phát hành SVF là tổ chức nắm giữ các giá trị được lưu trữ, giống như các EMIs ở các quốc gia khác. Đồng thời, quốc gia này đã tiến hành sửa đổi Luật Giám sát Hệ thống Thanh toán và các quy định liên quan chi phối việc phát hành và quản lý các SVFs vào năm 2016, trong đó đưa ra những quy định đáng chú ý sau: (1) SVF là một công cụ được chấp nhận rộng rãi và có các đặc tính như giá trị được lưu trữ được tổ chức sở hữu giá trị lưu trữ chấp nhận và ngân hàng chấp nhận (accepting bank) phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về giá trị được lưu trữ; (2) Việc sử dụng SVF không yêu cầu khách hàng phải cung cấp thông tin định danh như thẻ căn cước công dân (ID Card), số nhận dạng cá nhân (PIN) hoặc chữ ký để phục vụ xác thực danh tính khách hàng; (3) Đưa ra các quy định đối với công cụ lưu trữ giá trị đơn mục đích (mô hình SVF chỉ được sử dụng để thanh toán hàng hoá hoặc dịch vụ, hoặc hàng hoá và dịch vụ chỉ được cung cấp bởi tổ chức sở hữu giá trị lưu giữ; các mô hình SVF đơn mục đích phần lớn không phải tuân thủ các quy định tại Luật Giám sát Hệ thống thanh toán của MAS) và phương tiện lưu trữ giá trị đa mục đích. Hiện tại, MAS quy định hạn mức thanh toán tối thiểu của SVF đa mục đích là 30 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 20 triệu Euro), đồng thời hoạt động của mô hình SVFs đa mục đích phải được sự phê duyệt và cấp phép của MAS. Trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ SVF và dịch vụ thanh toán SVF đa mục đích có giá trị thấp hơn 30 triệu đô la Singapore (hoặc tương đương với bất kỳ loại tiền tệ khác) trong tổng số tiền gửi tại bất kỳ thời điểm nào thì các phương tiện thanh toán đa mục đích không nhất thiết phải có sự phê duyệt của MAS.

d) Khu vực Châu Mỹ

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, cách tiếp cận, khái niệm và các quy định quản lý về Tiền điện tử có sự khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu. Trước tiên, ở cấp độ Liên bang đến nay không có bất kỳ một quy định nào về việc quản lý tiền điện tử tương tự như Chỉ thị về Tiền điện tử của Liên minh Châu Âu, mà chủ yếu tập hợp phần lớn các quy tắc và yêu cầu đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử. Tuy nhiên, việc phát hành và sử dụng tiền điện tử tại Hoa Kỳ được quy định ở nhiều cấp văn bản pháp lý khác nhau (bao gồm cả quy định ở cấp các tiểu bang). Điều này làm cho các quy định dưới dạng tiền điện tử tại Hoa Kỳ có nhiều cấp độ khác nhau và phức tạp hơn so với các quy định chung của Liên minh châu Âu.

Khác với Chỉ thị về Tiền điện tử của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ không chỉ quy định đối với tổ chức phát hành tiền điện tử và tổ chức phát hành thẻ lưu trữ giá trị điện tử, mà còn quy định thêm dịch vụ chuyển tiền – hoạt động bán hoặc phát hành các công cụ thanh toán, lưu trữ giá trị hoặc nhận tiền hoặc giá trị tiền tệ để chuyển tiền; cũng như những quy định đối với tổ chức thực hiện cung ứng các hoạt động đó.

3. Quy định về quản lý tiền điện tử tại Việt Nam

Hiện tại, mặc dù thuật ngữ tiền điện tử tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, song, nó đã tồn tại dưới hình thức thẻ trả trước và Ví điện tử. Việc quản lý đối các loại hình tiền điện tử được điều chỉnh tại một số văn bản quy phạm pháp luật sau:

– Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH ngày 16/6/2010:

+ Khoản 3 Điều 2 quy định: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của NHTW về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ Chính phủ.”

+ Khoản 2 Điều 28 quy định: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế”.

– Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH ngày 16/6/2010:

+ Khoản 15 Điều 4 quy định: “ Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”.

+ Điều 97 quy định về hoạt động ngân hàng điện tử: “Tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.

+ Khoản 5 Điều 98 về hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại quy định: “Cung ứng các phương tiện thanh toán”.

– Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012: Điểm đ Khoản 3 Điều 4 quy định: “Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử”.

– Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101 về TTKDTM):

+ Khoản 6, Điều 4 quy định: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

+ Khoản 8, Điều 4 quy định: “Dịch vụ Ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.

– Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (được sửa đổi bởi Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017) quy định: “Thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ”.

– Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 22/11/2012 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Như vậy, mặc dù hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng để quy định về tiền điện tử tại Việt Nam, tuy nhiên, xét về bản chất, tiền điện tử cũng đã được quy định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hình thức biểu hiện của tiền điện tử như thẻ trả trước và ví điện tử.

Tại các văn bản quy định pháp lý hiện hành, thuật ngữ “tiền điện tử” đã được đề cập tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khái niệm tiền điện tử chưa có định nghĩa cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nên thường được hiểu lẫn sang khái niệm tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất trong cách hiểu, chuẩn mực, thực tiễn quốc tế, tạo điều kiện phát triển cũng như quản lý, giám sát hiệu lực các hệ thống, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, cần có một định nghĩa chính thức, chuẩn xác quy định trong các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán.

Ngày nay, thẻ trả trước và ví điện tử đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một số loại hình bản chất tương tự như tiền điện tử dưới dạng lưu trữ giá trị đang được sử dụng (như thẻ Games online, số tiền lưu trữ trong điện thoại dùng để thanh toán (mobile money,…) không do ngân hàng phát hành và chưa có khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách để quản lý, điều chỉnh.

Kết luận

Những lợi ích mà tiền điện tử đem lại cho các chủ thể trong nền kinh tế là không thể phủ nhận. Xuất phát từ thực tế các quy định về tiền điện tử trên thế giới và xu hướng phát triển tiền điện tử gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan quản lý cần phải bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định về pháp lý tiền điện tử để phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với thông lệ và xu hướng phát triển các công cụ thanh toán mới hiện nay. Theo đó, không chỉ ngân hàng mà các tổ chức không phải ngân hàng cũng có thể cung ứng phương tiện thanh toán (như tiền điện tử) dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải sớm ban hành văn bản pháp luật để làm rõ khái niệm về tiền điện tử, cũng như điều chỉnh chung về hoạt động tiền điện tử tại Việt Nam.


Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2014-2018, Báo cáo hoạt động thanh toán. Báo cáo thường niên, các năm 2014-2018.

2. Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP và Nghị định 16/2019/NĐ-CP của

Chính phủ).

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 quy định về dịch vụ trung gian thanh toán.

5. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 30/12/2014 quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng.


SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 3/2020

Trích dẫn từ: http://tapchinganhang.com.vn/quy-dinh-ve-quan-ly-tien-dien-tu-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-va-viet-nam.htm

One Response

  1. […] Quy định về tiền điện tử mới nhất của Thái Lan – Yêu cầu xác minh danh tính của người dùng. […]

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading