admin@phapluatdansu.edu.vn

VĂN BẢN CÔNG CHỨNG Ở CỘNG HÒA PHÁP

 JEAN PAUL DECORPS – Chủ tịch danh dự Hội đồng Công chứng tối cao Pháp

Văn bản công chứng là một công cụ đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, nói rộng hơn là một công cụ góp phần phục vụ Nhà nước pháp quyền hiện đại.

Để định nghĩa văn bản công chứng, tôi xin nêu hai tiêu chí cơ bản, đó là tính hiệu quả và an toàn của văn bản công chứng.

Hiệu quả của văn bản công chứng xuất phát từ những đặc trưng và phạm vi áp dụng của loại văn bản này.

Những đặc trưng chính của văn bản công chứng

Có những đặc trưng gắn liền với điều kiện ký văn bản công chứng, có những đặc trưng khác gắn với hệ quả của việc ký văn bản công chứng.

Có 3 điều kiện để ký văn bản công chứng

Thứ nhất, các bên đương sự phải có mặt trước công chứng viên. Điều đó cho phép kiểm tra được căn cước của các bên ký kết, năng lực pháp lý, thẩm quyền của các bên.

Thứ hai, công chứng viên phải có mặt. Có trường hợp công chứng viên được uỷ quyền có mặt, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ trong pháp luật Pháp. Công chứng viên phải có mặt để kiểm tra sự thoả thuận giữa các bên, và nếu cần thiết, có thể giải thích một số vấn đề cho các bên biết.

Điều kiện thứ ba là một đặc trưng của văn bản công chứng trong pháp luật Pháp: văn bản công chứng phải có chữ ký của công chứng viên. Khi ký vào văn bản này, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung và các hệ quả của văn bản.

Các hệ quả của việc ký văn bản công chứng

Văn bản công chứng có 3 đặc quyền cơ bản, ngoài vấn đề bảo quản văn bản công chứng như ông CORDIER đã nói.

Đặc quyền thứ nhất là văn bản công chứng được đảm bảo chắc chắn về ngày tháng. Nghĩa là ngày tháng ghi trong văn bản không thể bị phản bác, trừ trường hợp chứng minh được ngày tháng đó là sai, theo một thủ tục rất phức tạp mà chúng tôi gọi là thủ tục khiếu kiện sự giả mạo giấy tờ.

Đặc quyền thứ hai là giá trị chứng cứ của văn bản công chứng. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ cho tới khi có người kiện theo thủ tục khiếu kiện sự giả mạo giấy tờ. Nói một cách đơn giản, thủ tục khiếu kiện này được tiến hành khi muốn phản bác an toàn pháp lý của văn bản công chứng.

Đặc quyền thứ ba là hiệu lực thi hành của văn bản công chứng. Trái ngược với văn bản tư chứng thư đòi hỏi Toà án phải ra quyết định trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đương nhiên chỉ bằng việc thừa phát lại (tương tự như chấp hành viên ở Việt Nam) tống đạt văn bản đó cho đương sự.

Như vậy, với ba đặc quyền cơ bản nói trên, chúng ta thấy rằng văn bản công chứng là một yếu tố chứng cứ tuyệt vời trong xã hội pháp luật hiện đại. Chính vì vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi văn bản công chứng được sử dụng làm chứng cứ cho những vấn đề chủ chốt, như quyền sở hữu, tư cách người thừa kế, sự tồn tại của một công ty. Đây là những ví dụ về phạm vi áp dụng của văn bản công chứng.

Tôi xin trình bày 3 lĩnh vực mà hình thức văn bản công chứng thường được sử dụng:

Thứ nhất là một lĩnh vực mà hình thức văn bản công chứng là bắt buộc, nếu không hợp đồng sẽ vô hiệu. Có hai loại văn bản bắt buộc phải được công chứng. Loại thứ nhất gồm hợp đồng mua bán bất động sản chưa xây dựng, các thoả thuận về ly hôn được ký trong thời gian chưa ly hôn, và tất cả các văn bản do công chứng viên lập ra với tư cách là bổ trợ viên tư pháp như bản kê khai tài sản, giấy đại diện cho người chưa thành niên hoặc người mất tích, bản thanh toán tài sản, văn bản phân chia di sản thừa kế, văn bản phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn. Khi lập các văn bản này, công chứng viên có tư cách là bổ trợ viên tư pháp.

Loại văn bản thứ hai bắt buộc phải qua thủ tục công chứng, là những văn bản phải được công bố và được thông tin cho người thứ ba. Đó là tất cả những văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản, mua bán, góp vốn vào công ty, hợp đồng thế chấp.

Có những văn bản về công ty nhưng pháp luật Pháp có quy định ngoại lệ là các văn bản về công ty không bắt buộc phải qua thủ tục công chứng. Pháp là nước duy nhất trong Liên minh Châu Âu quy định văn bản về công ty không bắt buộc phải công chứng. Các văn bản về công ty gồm các văn bản liên quan đến doanh nghiệp, các văn bản mà cá nhân, doanh nghiệp muốn nộp cho công chứng bản gốc để được xác nhận ngày tháng chính xác của văn bản, để được bảo vệ tính độc đáo của văn bản, ví dụ các chương trình tin học, các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây là loại văn bản thứ ba, là các văn bản không bắt buộc phải qua công chứng. Tất nhiên, không có gì cản trở việc yêu cầu công chứng một hợp đồng thuê mướn, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng lao động.

Phạm vi áp dụng của văn bản công chứng

Về phạm vi áp dụng của văn bản công chứng, có thể nói rằng xu hướng hiện nay ở Pháp là nâng cao giá trị xác thực của các văn bản. Một số người yêu cầu phải công chứng cả những hợp đồng bảo lãnh, những hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong công ty. Nhu cầu về việc mở rộng phạm vi áp dụng của văn bản công chứng gắn liền với nhu cầu về việc nâng cao an toàn pháp lý của các giao dịch.

An toàn pháp lý được xác lập từ chính những quy định trong văn bản công chứng và sau đó là những bảo đảm của công chứng viên. Trước hết, an toàn pháp lý được bảo đảm từ chính văn bản công chứng, đối với các cá nhân và Nhà nước. Đối với các cá nhân, an toàn pháp lý được bảo đảm trên ba phương diện:

Thứ nhất, ở giá trị chính thức của văn bản, do văn bản phải tuân thủ những trình tự, thủ tục nhất định, đã được xem xét, kiểm tra và củng cố sự thoả thuận của các bên. Sự kiểm tra của công chứng viên đối với các khía cạnh pháp lý khác nhau của hợp đồng thể hiện ở chỗ công chứng viên kiểm tra xem hợp đồng có tuân thủ những quy định pháp luật có liên quan không.

Thứ hai, văn bản công chứng đảm bảo sự công bằng trong cam kết giữa các bên, vì trước hết, một đặc thù trong nghề công chứng ở Pháp là công chứng viên không phải là luật gia của khách hàng mà họ bảo vệ mà là luật gia của một hồ sơ cụ thể. ở tất cả các nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa, công chứng viên chịu trách nhiệm cả đối với bên bán cũng như bên mua, bên cho vay cũng như bên vay. Nhiệm vụ của công chứng viên là đảm bảo sự công bằng giữa các cam kết của các bên, công chứng viên là luật gia công nhận sự thoả thuận, nhất trí của các bên chứ không phải là luật gia giải quyết tranh chấp giữa các bên. Công chứng viên có nghĩa vụ trung lập, khách quan trong việc công chứng.

Văn bản công chứng có tác dụng phòng ngừa tranh chấp. Ở Pháp, cứ trên 1 000 văn bản công chứng thì có một văn bản bị tranh chấp, còn ở Mỹ, tính trung bình 15% văn bản tư chứng thư bị tranh chấp, nghĩa là tỷ lệ này gấp 150 lần tỷ lệ của Pháp. Vì văn bản công chứng đảm bảo được an toàn pháp lý của giao dịch nên nó phục vụ lợi ích của các bên và đồng thời, đảm bảo được cả lợi ích của Nhà nước. Thực vậy, với nhiệm vụ do Nhà nước giao, công chứng viên thực thi hai chức năng nhân danh Nhà nước. Chức năng thứ nhất mang tính chất xã hội. Công chứng viên là trung gian hoà giải, trọng tài giữa các bên, cố gắng thống nhất quan điểm của các bên. Công chứng viên áp dụng một chế độ lệ phí mang tính chất xã hội, đảm bảo đại đa số người dân được cung cấp dịch vụ pháp lý này. Chức năng thứ hai, công chứng viên thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng dịch vụ công. Công chứng viên chịu trách nhiệm, bằng con dấu do Nhà nước uỷ quyền sử dụng, cung cấp các dịch vụ công về hợp đồng trong lĩnh vực tư pháp, mà không đòi hỏi kinh phí từ chính quyền Nhà nước, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về các dịch vụ của công chứng viên và công chứng viên chịu trách nhiệm thu thuế cho Nhà nước. Như vậy, dịch vụ công chứng vừa là một đảm bảo đối với Nhà nước vừa là một đảm bảo đối với các cá nhân.

Công chứng viên, hoàn toàn độc lập với văn bản công chứng, có thể đảm bảo an toàn cho các bên như thế nào ? Bảo đảm này được thể hiện trên 3 phương diện:

Thứ nhất, việc thanh tra hàng năm đối với mỗi Phòng Công chứng. Công chứng viên ở huyện bên cạnh sẽ sang thanh tra Phòng Công chứng ở một huyện khác, có một giám định viên kế toán đi cùng. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra tính xác thực và chính xác của các tài liệu kế toán, tính hợp thức của các văn bản mà công chứng viên nhận làm dịch vụ, các văn bản này được lựa chọn bất kỳ trong số tất cả các văn bản mà công chứng viên nhận được trong năm. Việc thanh tra này được tiến hành dới sự giám sát của Viện công tố, nghĩa là của Bộ Tư pháp và hàng năm, Viện công tố tỉnh nhận được báo cáo thanh tra của mỗi Phòng Công chứng hoạt động trong địa bàn tỉnh. Việc thanh tra được tiến hành bất chợt mà không báo trước cho các công chứng viên.

Đảm bảo thứ hai của công chứng viên đối với khách hàng là công chứng viên phải chịu trách nhiệm nghề nghiệp. Trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên do Toà án xem xét và giải quyết theo yêu cầu của một khách hàng nào đó cho rằng mình bị thiệt hại do văn bản công chứng gây ra, do công chứng viên không tuân thủ nghĩa vụ kiểm tra hoặc nghĩa vụ tư vấn của mình. Khách hàng bị thiệt hại có thể được bồi thường từ quỹ bảo hiểm trách nhiệm của công chứng viên, đây là chế độ bảo hiểm tập thể, bắt buộc và do Hội đồng công chứng tối cao Pháp quy định đối với mỗi công chứng viên. Mỗi công chứng viên được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp như nhau, theo những điều kiện như nhau và mỗi năm, phải nộp cho Hội đồng công chứng tỉnh một khoản đóng góp tương ứng với phí bảo hiểm.

Đảm bảo thứ ba của công chứng viên đối với khách hàng là đảm bảo mang tính tập thể, một siêu bảo hiểm. Nó liên quan đến mọi hành vi xử xự của công chứng viên không phù hợp với các quy định đạo đức nghề nghiệp. Trong trường hợp này, công chứng viên bị xử lý do đã phạm lỗi vượt quá phạm vi hoạt động nghề nghiệp của mình, ví dụ vì đã thực hiện chức năng của ngân hàng, đã có hành vi quảng cáo cho dịch vụ của mình. Các hành vi này trái với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Nếu khách hàng bị thiệt hại trong trường hợp này thì quỹ bảo hiểm tập thể của công chứng viên sẽ bồi thường cho khách hàng. Quỹ này do chính các công chứng viên lập ra bằng các khoản đóng góp hàng năm. Mức bồi thường thiệt hại không có giới hạn.

Tôi cho rằng Pháp là nước duy nhất có thể áp dụng chế độ bảo hiểm không giới hạn mức trần.

Như vậy, có thế kết luận rằng văn bản công chứng là một công cụ bảo đảm hiệu quả pháp lý, an toàn pháp lý. Văn bản công chứng là một ví dụ điển hình về một công cụ pháp lý hữu hiệu trong một Nhà nước pháp quyền hiện đại. Với tính chất là một văn bản chính thức, văn bản công chứng bảo vệ quyền tự do cá nhân. Với tính chất hiệu quả, dịch vụ công chứng bảo vệ các lợi ích kinh tế. Với tính chất rõ ràng, minh bạch, dịch vụ công chứng đảm bảo vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Như vậy, văn bản công chứng thể hiện sự cân bằng không thể thiếu được giữa vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước và nhu cầu đầu tư và kinh doanh của các cá nhân, tổ chức. Văn bản công chứng là một công cụ tự do có sự điều tiết của pháp luật vì nó đòi hỏi phải tuân thủ các quy định pháp luật nhất định, trái ngược với chủ nghĩa tự do trong đó phần thắng thuộc về kẻ mạnh, kẻ giàu có, kẻ thủ đoạn nhất, nghĩa là theo luật rừng. Văn bản công chứng là một công cụ pháp lý hiện đại của các Nhà nước pháp quyền hiện đại, là công cụ pháp lý của thế kỷ 21.


SOURCE: Tài liệu Lớp bồi dưỡng Công chứng viên. Nhà Pháp luật Việt – Pháp, TP.HCM – Ngày 28 – 29/9/2006.

One Response

  1. […] chứng viên có trách nhiệm lưu giữ văn bản công chứng trong vòng 100 năm. Về nguyên tắc, văn bản được công chứng viên lập là bản […]

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading